1001 CHUYỆN
– Công việc của Chân Sư là gì vậy Bo ?
– Có trả lời tổng quát là các ngài thực hiện Thiên Cơ, nhưng có lẽ câu đáp chính xác nhất là các ngài giữ cho đời sống tinh thần của nhân loại được sống động.
– Em nhớ trong The Key to Theosophy bà Blavatsky nói câu tương tự rằng vai trò của hội viên là giữ cho phần trực giác tinh thần của nhân loại được sống động. Nó là một phải không ?
– Đúng rồi, cách nói khác nhưng là một ý.
– Làm sao các ngài làm chuyện ấy ?
– Bằng nhiều cách, mà chính yếu là chỉ dạy các linh hồn trong cõi tinh thần. Chuyện đó khó hiểu còn đây là chuyện dễ hiểu hơn. Ấy là vào những lúc định kỳ, các ngài tìm cách cho thế giới nói chung sự hiểu biết đúng đắn về chuyện tinh thần. Một trong các ngài xuống trần giảng dạy thế gian, lập tôn giáo. Sử sách ghi lại Krishna trong Ấn giáo, Zoroaster (lập ra Hỏa giáo của Ba Tư và được biết là tiền thân Phật Thích Ca), đức Phật. Với đức Jesus, ngài đi ngược với ý kiến chung để cho quần chúng hiểu biết trước thời hạn, do ngài động lòng từ lớn lao và nhiệt thành với con người. Ngài được báo trước là ngày giờ chưa thuận tiện nhưng ngài vẫn cứ tiến hành và rồi bị hại.
Đó chỉ là một phần việc. Chuyện khác là vào những khoảng ngắn hơn các ngài gửi ra một sứ giả để chỉ dạy cho nhân loại. Một trong các thời điểm như vậy là phần tư cuối của mỗi thế kỷ, và Hội Theosophy đại diện cho việc làm của các ngài cho nỗ lực ấy hồi thế kỷ 19.
Nếu ta đặt Hội và sách vào bối cảnh rộng hơn nữa thì thấy là đến một giai đoạn tiến hóa nào đó, Đức Sanat Kumara sẽ nêu ra hai phong trào căn bản, đó là:
– Phong trào tôn giáo, và
– Phong trào Theosophia
Bác ái đã từng được giảng dạy trong các tôn giáo, nhưng phải đợi tới năm 1875 Minh triết mới được tiết lộ. Đó là vì chân lý phải đương đầu với mê tín, dị đoan trong tôn giáo, chủ nghĩa duy vật do khoa học chủ trương.
Hội TTH thuộc phong trào Theosophia, với bà Blavatsky giữ phần giáo lý. Bà là người duy nhất được chọn sau một thời gian dài học tập để có hiểu biết về sứ mạng. Bà phải là một chiến sĩ để đương đầu với ngoại cảnh, đồng thời là sự thể hiện của Bác ái và Minh triết và giống như các đấng cao cả, bà là hiện thân cho người đi theo Tiếng Vô Thinh, là gương cho ai muốn theo đường Đạo.
– Các nỗ lực đó có lợi cho nhân loại ra sao ?
– Hỏi cách khác có tính cá nhân hơn thì biết các luật của sự sống làm lợi gì cho mình ? Không phải là chúng giúp con người tránh được đau ốm và cái chết sao ? Không phải chỉ riêng thân xác mới có bệnh và chết, mà cũng có bệnh cho tâm hồn và có cái chết của tâm hồn. Để đối phó thì chỉ có giáo huấn chân thực về Sự Sống mới có thể chữa lành.
– Tại sao lúc này khả năng tâm linh hóa thịnh hành vậy ?
– Có nhiều lý do, nguyên do gần là cung bẩy trở lại và còn một nguyên do xa khác nữa và có liên hệ chính yếu với khả năng tâm linh thấp.
– Mà thấp là sao và cao là sao ?
– Mình đã nói trong một kỳ trước rồi nên chỉ nhắc sơ qua ở đây, thấp là những chuyện ở cõi thấp như cõi trần và cõi trung giới, và cao là cõi cao như cõi thượng trí, bổ đề. Những khả năng tâm linh thấp hay sự nhậy cảm với cõi thấp nói chung thuộc về giống dân thứ tư Atlantis, có trước sự phát triển trí năng là đặc tính của giống dân thứ năm Aryan hiện giờ. Loại khả năng tâm linh như vậy thường có tính mơ hồ, tràn lan, thay đổi vô chừng vì nó cảm ứng với tư tưởng chung quanh và các lực tình cảm, hay gặp nơi dân quê sống gần thiên nhiên hay nhiều người đồng có mức phát triển thấp.
Diễn tiến hay thấy là khả năng này bị hoàn toàn đóng lại khi trí năng bắt đầu phát triển. Như vậy, khả năng tâm linh thấp và một trí năng phát triển cao độ ít đi chung với nhau. Đa số người thuộc giống dân thứ năm đang làm việc chính yếu là khai mở trí tuệ nên họ không nhậy cảm với chuyện tâm linh; nói khác đi có ít người có khả năng tâm linh trong giống dân này so với giống dân khác, cũng như họ hay có sự nghi ngờ, bác bỏ chuyện thuộc cõi vô hình không có giải thích khoa học.
Các khả năng tâm linh trở lại lúc này vì con người đã qua giai đoạn thuần hạ trí, nhưng phải mất nhiều thời gian nữa con người mới phát triển khả năng tinh thần làm họ có sự nhậy cảm với ảnh hưởng cao, các huyệt được khai mở trọn vẹn và do ý chí điều khiển, làm cho các khả năng thành rõ ràng, đáng tin, được điều hợp mà không phải lúc có lúc không và nằm bên ngoài con người như thường thấy hiện nay.
Giải thích thêm thì ý chính của cuộc tiến hóa là phát triển tâm thức; tâm thức là cầu nối giữa:
vật chất – tinh thần
ngoại giới – nội tâm
ta – người
chủ thể – khách thể
Không có tâm thức thì không có ý niệm về những điều trên và nhiều điều khác. Con người học làm nẩy nở tâm thức bằng cách dùng các phương tiện vào những giai đoạn khác nhau:
– Giống dân thứ ba Lemuria dùng xác thân.
– Giống dân thứ tư Atlantis dùng thể tình cảm, phát triển cảm xúc, tình cảm.
– Giống dân thứ năm Aryan học mở mang trí tuệ, dùng thể trí. Có nguy hiểm trong giai đoạn này khi hạ trí nẩy nở quá mạnh đã lấn át phần tinh thần mới chớm. Nền văn minh hiện giờ bị xem là hoàn toàn dựa trên trí năng, với thế giới tràn đầy những thành tựu của hoạt động trí năng, và có sự suy giảm tinh thần. Chính vì để đảo ngược lại tình trạng này, khi chủ trương duy vật lên cao theo sau cuộc cách mạng kỹ nghệ hồi thế kỷ 18 mà có quyết định thành lập Hội. Hơn trăm năm sau kết quả rất khích lệ với Karma trở thành chữ và ý niệm quen thuộc ở tây phương, và số hội viên của hội Theosophia ngày càng giảm !
– Tại sao vậy ?
– Ông Tim Boyd phân tích rằng khi mới có hội, khoa học gia, giới trí thức tây phương hăng hái đón nhận triết lý đưa ra, như Thomas Edison là hội viên, vì trong sinh hoạt trí tuệ của tây phương lúc bấy giờ, không có nơi nào khác ngoài hội đưa ra các hiểu biết tinh thần một cách hợp lý, kết hợp tôn giáo với khoa học theo lập luận mà người thông minh biết suy nghĩ chấp nhận được. Nay có cả ngàn tổ chức khác trưng ra đủ loại triết lý, tôn giáo, nên bà con không nhất thiết phải vào hội mới biết về các thể và luật tái sinh.
Mình không nên căn cứ vào con số hội viên trồi sụt để lo lắng, vì mọi việc diễn ra theo luật chu kỳ, có co thắt rồi dãn nở, hít vào và thở ra. Với con người, khi phong trào Theosophy trở lại thì có sắp xếp cho các linh hồn tái sinh vào cùng lúc để hưởng tối đa thuận lợi đó. Họ vào Hội, hoặc tìm lại điều đã biết và ở với hội, hoặc đến lần đầu để được gieo mầm vào tâm tưởng, rồi đi ra mà hạt giống nằm đó, thành cây trái vào một lúc sau.
– Mình nói tiếp về tinh thần đi Bo. Kỳ trước là sự phân biệt giữa tinh thần và tâm linh. Bây giờ tinh thần có đồng nghĩa với lòng sùng đạo không ? Tinh thần khác với lòng sùng đạo ra sao ?
– Trước tiên cần một định nghĩa quan trọng, ấy là nét tinh thần - spirituality không đồng nghĩa với việc có khả năng tâm linh thấp. Nó muốn nói thái độ coi trọng quá đáng ai có khả năng loại này là điều không đúng và nguy hiểm. Ai có lòng trọng vọng là đã gác qua bên óc phán xét của mình, còn người được tôn vinh gặp trở ngại cho sự thành đạt của mình khi tin vào dư luận như thế.
Có tính tinh thần muốn nói là con người nhận thức được rằng sự sống trong thiên hình vạn trạng là một. Tính tinh thần là một thực tại, LÀ, còn lòng sùng đạo là ý niệm người ta có về điều thiêng liêng, ý niệm nằm ngoài con người; Tính tinh thần là bản chất của một người và không cần phô bầy như phải đi chùa, nhà thờ để tỏ là mình sùng đạo. Ý niệm là do con người tạo ra và thành hình tư tưởng, hình này không tượng trưng cho Thực tại, mà hình rồi sẽ phai mờ. Thay vào đó có lời khuyên là học hỏi mà đừng bận tâm, rồi các lóe sáng vô hình tượng sẽ tới, cho ra hình ảnh rộng lớn hơn để cuối cùng người ta bước vào và ngụ trong thế giới vô sắc tướng, là Thực Tại mà mọi sắc tướng là phản ảnh.
Đó là chân lý được nói tới bằng những cách khác nhau. Con người đi từ:
– Cái biết tới cái không biết, và có được bằng cớ của điều không thấy. Nói khác đi là cảm giác an tịnh sau buổi thiền.
– Điều hữu hình tới điều vô hình, với điều chi thấy được thì chỉ tạm thời còn điều chi không thấy thì là điều vĩnh cửu.
Để dễ hiểu hơn thì tính tinh thần có thể so sánh với tình thương thuần khiết, và lòng sùng đạo giống như tính đa cảm. Tình thương không liên hệ gì với điều đa cảm, và càng không dính dáng chi tới tình cảm chiếm hữu, và thực sự thì người ta không thể nói về tình thương, vì đó là một trạng thái. Tính tinh thần cũng vậy, là tình trạng, là điều chỉ được cảm biết mà không có hình tượng, chữ gì để mô tả nó.
Trở lại với ý niệm và hình tư tưởng, cả hai do con người tạo ra mà tới phiên chúng làm chủ, chế ngự con người khi họ chỉ dùng cái trí để hiểu. Cả hai không là chân lý của điều chi cả, mà chỉ là biểu tượng của chân lý, tuy rằng chân lý vô hình, không thể sờ chạm có thể chiếu xuyên qua đó, và ta chớ nhầm lẫn để tin rằng hình tư tưởng ta làm ra là thực tại sau cùng.
Sự thực là trí năng tự nó không mạnh mẽ mà nếu muốn có tác dụng, nó cần nhận được sự sống và ánh sáng từ nguyên lý cao hơn là Tinh thần. Con người thời nay có khuynh hướng tôn vinh trí năng và cách làm việc của tính lý luận chặt chẽ. Nhưng trí năng mà không được soi sáng thì không bao giờ tìm được Thượng đế. Việc dựa vào lý luận quá nhiều, khăng khăng cứng ngắc, tạo ra vỏ cứng cho thể trí, thí dụ là định kiến, óc tư lợi cũng cho hệ quả tương tự làm người ta thành không nhậy cảm với các ảnh hưởng khác. Với thể tình cảm thì lòng ích kỷ, động cơ ích kỷ và dục vọng cũng làm mặt ngoài của thể bị cứng lại.
Nói tiếp về tính tinh thần thì ai như vậy có tính bao trùm, không phân biệt, hòa hợp mọi đường hướng tư tưởng nào liên quan đến sự phát triển huyền bí của con người, và như vậy chữ ‘tinh thần’ mang một ý nghĩa mới rộng rãi hơn.
– Nghĩa là sao ?
– Nhớ lại ‘Những Nấc Thang Vàng’ đi, câu ‘hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh’. Nó muốn nói tất cả những sinh hoạt của con người như văn hóa, chính trị, khoa học, tôn giáo, triết lý, tâm lý, tài chính v.v. đều có giá trị tinh thần khi người ta nỗ lực trong những ngành này để giúp nhân loại được tốt đẹp hơn. Ai làm vậy là hiểu ý nghĩa thật của tình huynh đệ dại dồng và biểu lộ nó, là thể hiện lòng thương yêu với kẻ khác.
– A, em có thí dụ, như tổ chức Médecins Sans Frontières, Reporters Sans Frontières, Human Rights Watch phải không ?
– Thành ra tính tinh thần khác rất xa với ý thông thường chỉ giới hạn vào tôn giáo và lòng sùng đạo.
– Làm sao để phát triển tính đó ?
– Có ba yếu tố chính:
a. Có ý thức ít nhiều về linh hồn, đáp ứng tích cực với ảnh hưởng của nó, nghĩa là có sự liên hợp giữa linh hồn – cái trí – não bộ, điều mà nơi đa số người còn yên ngủ.
b. Cái não phải hoạt động hai chiều và tự ý; nó phải cảm biết thế giới tinh thần và luôn cả thế giới nhân loại.
c. Người ta cũng phải có khả năng suy nghĩ trừu tượng và tổng hợp, nhờ vậy họ vượt qua được rào cản về chủng tộc và tôn giáo. Ai làm được vậy thì cũng thấy là họ có niềm tin chắc chắn vào sự sống vẫn tiếp tục sau khi chết.
Một trong các dấu hiệu để nhận ra tính tinh thần này là nó không đòi hỏi có thẩm quyền chi, và cũng không áp đặt kỷ luật gì hay giáo điều nào, để dễ hiểu thì so sánh thái độ cho người khác được tự do này với các đòi hỏi mà nhiều giáo phái, ‘giáo chủ’ yêu cầu nơi ai muốn gia nhập nhóm của họ. Cái ý nghĩ rằng một người phải sống thế này hay kia, tham thiền hay ăn uống theo một lối riêng, được xem là không có giá trị gì đặc biệt.
– Tại sao vậy ? Mỗi tổ chức thường tạo cho mình một nét đặc thù để phân biệt mình với nhóm khác, như y phục, lối ăn ở.
– Nghĩ kỹ đi, về mặt huyền bí thì mình làm việc với linh hồn, và linh hồn không có mặc áo trắng hay vàng, để tóc dài hay ngắn, độc thân hay có gia đình, nam hay nữ. Mình không bận tâm tới đời sống cá nhân trong người chí nguyện. Khuynh hướng áp đặt quan điểm của một người lên kẻ khác cho thấy có sự thiếu hiểu biết, và đây là ý căn bản giúp phân biệt ai có tính tinh thần hay chưa.
Cái biểu lộ thứ hai là nhận ra thiên tính nơi người khác, có tầm nhìn rộng rãi
Lời khuyến cáo từ xưa là thể xác phải không là đối tượng cho sự quan tâm của việc học đạo. Công việc của mình không phải là với thân xác, mà với tâm trí với cái tâm quan trọng hơn; ngoài ra trí năng có giới hạn mà nó không thể vượt qua, nên người ta không mong tìm được chân lý đích thực chỉ bằng trí tuệ.
Trở lại câu ‘giữ cho phần trực giác tinh thần của nhân loại được sống động’, chữ đáng quan tâm là ‘trực giác tinh thần’.
– Tại sao vậy ?
– Thứ nhất là vì con người có khuynh hướng chuộng sự dễ dãi, không muốn nhọc mệt, gắng công trong khi việc đi tìm và sống theo hiểu biết tinh thần đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh. Thứ hai, hiện tượng có sức quyến rũ nhiều hơn nhưng chỉ đưa con người tới một điểm nào đó mà không thể đi xa hơn và người ta sẽ thèm khát mãi không thỏa lòng, còn trực giác tinh thần chẳng những cho thỏa mãn, mà còn mở cánh cửa để có thỏa mãn nhiều hơn nếu người ta chịu sống theo nó.
Vào lúc này hiện tượng được quan tâm nhiều, có bao nhiêu sách vở trình bầy hiện tượng, nói về hiện tượng, tìm cách giải thích hiện tượng, và chỉ có ít người nhắc đến trực giác tinh thần hay triết lý tinh thần. Cái thấy rõ nhất là từ năm 1975 đề tài kinh nghiệm cận tử – near death experiences được chú ý mạnh, tới nay vẫn còn. Rồi có chữa trị tâm lý bằng cách đưa người ta trở về kiếp trước, với đủ thứ sách viết về chuyện ấy, như tâm lý gia ghi lời tả của người như vậy về cõi bên kia, rằng trước khi tái sinh thì ra trước ‘hội đồng’ để chọn lựa kiếp tới, rằng quan sát không thấy chi tiết cõi trung giới như mô tả trong thư Chân Sư gửi ông Sinnett đang đăng trên PST.
– Hay đó Bo, khác biệt vậy là sao ?
– Nó nhấn mạnh thêm tính cách hiện tượng của những nghiên cứu thuộc các loại này, là kinh nghiệm cận tử và trở về kiếp trước, và tất cả những gì liên quan đến cõi trung giới. Do đó, người đọc phải hết sức dè đặt. Thí dụ cưng ở Montreal qua Colorado, đi chơi hẻm núi hùng vĩ, biết bao cảnh xinh đẹp. Về nhà có người hỏi:
– Sao, qua Mỹ có thấy tòa Bạch Ốc, thấy núi Rushmore không ?
Cưng sẽ trả lời là không, mà chỉ thấy núi chất ngất, đá thiên hình vạn trạng rất thích thú. Việc cưng không thấy tòa Bạch Ốc, thấy núi Rushmore không có nghĩa rằng chúng không có, mà chỉ có nghĩa cưng không tới đúng chỗ có những cảnh này. Y như câu nói:
– Tiền không mua được hạnh phúc.
– Tại không biết chỗ mua !
Thành ra không thể dựa vào cái trí, vào hiện tượng quan sát ở cõi trung giới để mong tìm hiểu chuyện tinh thần, như nội dung các sách ở trên, như tác giả của chúng làm. Sự thực không nằm ở đó và mong tìm hiểu biết ở cõi ảo mộng là tìm sai chỗ và dùng sai phương tiện. Muốn khám phá cõi tinh thần thì phải dùng khả năng tinh thần, đi vào cõi tinh thần mà không có cách nào khác. Đi vào cõi trung giới thì chỉ quanh quẩn rồi lạc bước ở đó, mà không mong biết được nguyên nhân.
– Lạc lối nghĩa là sao ?
– Ở trung giới, hiện tượng là từ tâm cảnh mà ra, tâm người ra sao thì ứng với cảnh giống vậy, không thể khác hơn. Hệ quả là gì ? Bá nhân bá tánh thì bá nhân bá cảnh, có biết bao tâm cảnh cho vô số người, mỗi tâm cảnh khác nhau theo mức tiến hóa của mỗi người, và do đó có bấy nhiêu hiện tượng huyễn hoặc. Ai ‘nghiên cứu’ ở cõi này là đang quan sát ảo mộng mà không phải nguyên nhân.
– Nghĩa là cái trí quan sát, phân tích cũng trớt quớt khi muốn tìm chân lý ư ?
– Xem kỹ đi. Người ta nói ‘Tôi thấy như vầy …’ hay ‘Tôi thấy là …’, muốn nói cái trí ‘thấy’, và khi ‘thấy’ hàm ý có nhân vật đứng ngoài để ‘thấy’ sự việc, và có sự việc để cho họ thấy. Nghĩa là có hai thực thể tách biệt nhau. Trí thông minh có tính phân chia, dùng cách so sánh để hiểu thế giới bên ngoài. Cưng có ý niệm chủ - khách, trắng - đen mà nói theo triết lý là tính nhị nguyên, trong khi chân lý có tính nhất nguyên.
– Nhất nguyên nghĩa là gì ?
– Là không có ta hay người, tinh thần hay vật chất mà chỉ có Sự Sống.
– Nếu cái trí không là phương tiện để tìm chân lý thì dùng cái gì ?
– Nhất nguyên còn có nghĩa là LÀ - being. Cái trí ‘thấy’ hai điều, cái này ở ngoài cái kia, tâm bồ đề không chỉ ‘thấy’ mà còn ‘biết’ và ‘trở thành, thành’, hai điều thành một, hòa vào nhau, không còn có ta hay người, mà chỉ có một Sự Sống. Mà đừng hiểu lầm, đây không phải là sự sống tim đập bình bình đều đặn, sống động, linh hoạt, mà là sự an nhiên tự tại không thể nghĩ bàn, the peace that passeth all understanding. Mình đang mô tả chuyện không thể mô tả được nên ngôn ngữ bất lực. Chính vì phải ‘trở thành’ làm cảm biết ở nội tâm và ngộ được chân lý, nên có những điều không thể ‘thấy’ bằng cách truyền dạy, giải thích mà tự mỗi người phải chứng nghiệm nó. Người ta có thể nói về, bàn về, mô tả trái vú sữa, vị của nó, nhưng thực sự muốn biết vú sữa là sao thì không có cách nào khác ngoài việc tự mình cảm nghiệm trực tiếp.
– Là xực, em sẵn lòng làm việc ấy ! Mà mình phải làm gì để phát triển tâm bồ đề ?
– Cái trí ‘thấy’ hai điều, vậy bây giờ tập mở bồ đề tâm là ‘biết’ một điều thôi, mất đi cái tôi và mất luôn cái không phải là tôi, thành Thực Tại. Nếu thực tại đó là lòng từ thì con người thành hiện thân của lòng từ v.v.
Ý muốn nói ở đây là nên đọc sách, tìm hiểu, mà cũng nên phân biệt hiện tượng với chân lý nhờ có trực giác tinh thần. Ngày nay nhiều ý niệm về MTTL trở thành phổ quát như luân hồi, karma, đông đảo người ở phương tây biết tới các ý niệm này, và do đó ít nhất hai điều có thể nói về hội Theosophy.
● Hội làm tròn một phần việc của nó là đưa ra trở lại Theosophy hay các chân lý muôn đời cho thế giới biết.
● Và quan trọng hơn nữa, là trưng ra một điều ít tổ chức nào khác làm, là con đường tiến hóa mà trí tuệ chấp nhận được. Đó là giá trị việc làm của hội và hội viên. Lẽ tự nhiên mình đang ở cõi trần thì vấn đề thực tiễn như kinh tế, gia cư, nhân dụng phải được quan tâm và giải quyết, ngang với chuyện tinh thần. Cả hai điều này nằm trong câu ở trên: ‘hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh’. Đó là một trong những cách hữu hiệu để mở tâm bồ đề.
– Phụ nữ làm giáo sĩ được không Bo, sao có người phản đối vậy?
– Họ có lý do, tuy ít ai biết. Nói về nghi lễ là nói tới lực, luồng hỏa xà kundalini trong con người đi theo đường lực âm, dương. Có ba loại nghi lễ, loại dùng lực theo đường dương của hỏa xà thì người nam làm mới có hiệu quả, loại dùng đường âm thì người nữ làm, và loại thứ ba dùng cả hai đường thì nam nữ cùng làm được. Đại khái vậy, nếu nghi lễ đặt theo cách 1 thì nữ giáo sĩ làm sẽ không có hiệu quả, và ngược lại.
Cách chữa lại là bởi nghi lễ do con người đặt ra thì họ cũng có thể sửa đổi nó. Với lại yếu tố quan trọng hơn nghi lễ là tâm hồn thanh khiết, không có nó thì nghi lễ không thành. Đức Chúa không hề nói tới nghi lễ hay nam, nữ mà dạy ‘Khi có ba người họp lại trong danh Ta, Ta sẽ ở cùng họ’. Sự việc chỉ đòi hỏi một tâm hồn thanh khiết để nhận và truyền đi ân phước. Nên giáo sĩ tương lai sẽ được chọn bằng sự xứng đáng mà không phải là nam hay nữ, vì linh hồn không có phái tính.
– Em thích MTTL vì nó cho lời giải hợp lý; vậy ông Chánh Hội trưởng Tim Boyd yên tâm, em sẽ ghi tên làm hội viên trọn đời, ký cả hai tay lẫn hai chân !
Tham khảo:
Echos of the Orient – W.Q. Judge
Xem Mục 1001 Chuyện