XỨ BỘ NGA
Tuy bà Blavatsky, một trong những vị sáng lập hội TTH, là người Nga, TTH lại không được phát triển tại Nga vào những năm cuối của thế kỷ 19. Có hai lý do chính cho việc ấy, một là thế lực giáo hội Chính Thống giáo (Orthodox) rất mạnh tại Nga, tỏ ý nghi ngờ và chống đối bất cứ tổ chức nào không cùng đường lối với mình; lý do thứ hai là chính quyền tại Nga không muốn có những chủ trương mà họ xem là khác lạ và gây bất ổn cho tình hình chính trị. Vì vậy, trong khi VN là thuộc địa của Pháp hồi đầu thế kỷ 20 và ai muốn vào Hội đều là gia nhập Hội TTH Pháp, Nga là một nước độc lập lại không có chi bộ, và hội viên Nga thường là thuộc xứ bộ những nước tây phương khác như Anh, Đức, Pháp.
Sách vở TTH bị xem là sách cấm do đó không có sách dịch sang tiếng Nga, và bởi chưa có hội hợp pháp, người ta không thể tổ chức những buổi họp cho công chúng. Thay vào đó hội viên khi đi họp ở ngoại quốc, lúc trở về Nga mang theo sách TTH chui bằng ngoại ngữ Anh, Pháp; họ mở những buổi đàm luận (salon) tại tư gia của giới thượng lưu quí phái hay trí thức trong xã hội, những người là cảm tình viên của Hội, hoặc có buổi học, buổi giảng bán công khai tại nhà các hội viên. Salon triết lý có thể được tổ chức vì chủ nhân là viên chức cao cấp trong triều, và là nhân vật thân cận được Nga hoàng tin cẩn, do đó có thế lực và không ngại bị chỉ trích. Sau khi Nga thua Nhật trong trận chiến 1905, chính quyền thức tỉnh và chịu cởi mở, cho phép các tổ chức được tự do hơn nên hội viên mở ấn quán Logos, ấn hành tác phẩm đầu tiên là Ánh Sáng trên Đường Đạo năm 1907, và sau đó quyết định hợp thức hóa hoạt động bằng cách nộp đơn xin lập Hội.
Những người đứng tên trong đơn bị kêu lên sở cảnh sát để thẩm vấn, hạch hỏi, và nội qui của Hội bị xem xét gắt gao, do óc nghi kỵ của chính quyền đối với các hội đoàn. Hội viên phải giải thích tôn chỉ của hội, phân trần cùng chịu có vài thay đổi nhỏ trong nội qui để chính quyền chấp thuận. Ra ngoài đề một chút thì vào đầu thế chiến II tại Ý, khi chế độ fascism theo gương của Đức khởi sự bắt giữ người Do Thái, chính quyền tỏ ý không hài lòng với mục đích thứ nhất của Hội là tình huynh đệ đại đồng. Hội viên được triệu tập và vị Hội trưởng trình bầy vấn đề, cùng đề nghị là tạm thời gác lại mục đích thứ nhất cho đến khi tình hình lạc quan hơn. Điểm son cho xứ bộ Ý là hội viên bác bỏ đề nghị này, và sau đó xứ bộ Ý bị rút giấy phép phải đóng cửa cho tới khi thế chiến chấm dứt. Ấy là hành vi can đảm vì trong hoàn cảnh đó, tự do và mạng người ít được tôn trọng, hội viên Ý dễ dàng bị nguy hại do quyết định nói trên, nhưng mọi người đã dũng cảm tuyên bố nguyên lý của Hội.
Trở lại xứ bộ Nga, Hội được giấy phép thành lập năm 1908 và từ đó lớn mạnh; có chi bộ trong buổi giảng đầu tiên chỉ có 8 người dự, sang buổi thứ hai con số lên 40 và tới những kỳ sau thì cả mấy trăm người đến nỗi chi bộ phải xin họp tại trường học để có đủ chỗ. Hội viên Nga cho nhận xét rất lý thú, họ giải thích rằng khác với những nước tây Âu, dân Nga có nét tâm linh giống như người Ấn theo nghĩa đối với người Nga, thế giới tinh thần, đạo lý là trọng còn thế giới vật chất bên ngoài chỉ là phù du. Do khuynh hướng đó mà các nguyên lý MTTL được sốt sắng đón nhận tại Nga khi có công khai hội họp, thuyết giảng.
Nước Nga quá đỗi rộng lớn nên các chi bộ rải rác xa cách nhau, dầu vậy hội viên hợp tác và các chi bộ hoạt động mạnh ngay từ đầu. Họ mở nhà in Logos như đã nói, đến năm 1917 tính ra đã xuất bản 21 ấn phẩm nhưng sau cách mạng Nga, trọn số sách và nhà in bị tịch thâu. Giống như Hội VN có nhiều ân nhân hiến công hiến của, có hội viên đồng vợ đồng chồng hoạt động cho TTH, xứ bộ Nga cũng có những hội viên nhiệt tâm như thế. Điểm tương đồng thứ hai là tựa như hội viên ban đầu của VN thuộc giới trí thức, vì khi đó sách TTH phần lớn là bằng Pháp ngữ nên chỉ những ai biết ngoại ngữ mới khám phá ra TTH, các hội viên Nga đầu tiên cũng thường là người thượng lưu, trí thức. Từ cái nhân này TTH từ từ lan ra trong xã hội, ngoài việc dịch và in sách, diễn thuyết, hội viên còn có nhà hàng cơm chay, mở trường học, và trong thế chiến I có dịch vụ thăm viếng thương binh trong bệnh viện v.v.
Ở đây xứ bộ Nga có tình trạng đặc biệt so với những xứ bộ khác. Nước Nga vào đầu thế kỷ 20 tuy đã chấm dứt tình trạng nông nô (serf) về mặt luật pháp, nhưng về mặt xã hội tình trạng vẫn còn tồn tại một cách kín đáo, tế nhị. Có hội viên là điền chủ với điền trang rộng lớn là gia sản thuộc dòng họ từ bao đời; khi chi bộ được thành lập, mỗi năm trường hè được tổ chức tại điền trang, và xứ bộ Nga hãnh diện là hội viên trên khắp đất nước rộng lớn đã cố gắng vượt đoạn đường xa, về dự trường hè không sót năm nào trong thời gian Hội hoạt động.
Tại điền trang, người dự thính các buổi giảng ngoài hội viên còn là một số lớn nông nô. Trong số các hội viên có người là nhạc sĩ nên thỉnh thoảng họ mở buổi hòa nhạc. Đây là lần đầu khán giả miền quê thưởng thức nhạc thính phòng, nhạc cổ điển. Mở đầu là bản nhạc đồng quê, dân làng thích thú tới mức khi đoạn nhạc mô tả tiếng gió thổi, có người hân hoan kêu to:
- Oooo ... ooo ... ooo gió hú !
Và khi đàn họa tiếng chim kêu, người khác nhấp nhổm trên ghế buột miệng vui vẻ:
- Chim hót ! Y như thật !
Kế tiếp là những bản du dương của Brahms và Bach, khi mở cửa phòng họp nhìn ra sân người ta ngạc nhiên thấy khung cảnh như chuyện 'Công Chúa ngủ trong Rừng'; ấy là dân quê tụ ở ngoài, đứng quanh cửa sổ có tiếng nhạc phát ra, họ yên lặng chăm chú lắng nghe, dừng tay mọi việc đứng sững như bức tượng và khi tan buổi hòa nhạc, có người lên tiếng cảm ơn:
- Cám ơn quí vị đã soi sáng tâm hồn chúng tôi.
Sau năm 1917, khi vượt biên rồi định cư ở ngoại quốc, chủ nhân nghe tin là tòa nhà tại điền trang bị giỡ xuống để lấy gạch.
Một chuyện hết sức đáng tiếc là trong những năm hoạt động, Hội có tiếp xúc với gia đình bà Blavatsky, được trao tặng nhiều thư từ hình ảnh quý giá. Những tài liệu ấy được cất giữ tại hội quán ở St Petersburgh, tuy nhiên khi hội quán bị trưng dụng năm 1917, tất cả sách vở tài sản của Hội bị tịch thâu và rồi thất lạc.
Tolstoy và MTTL.
Văn hào Leo Tolstoy không trực tiếp liên hệ với lịch sử Hội tại Nga, nhưng có thái độ đầy thiện cảm với MTTL. Ông tham dự một khóa học về TTH và đọc tạp chí của Hội, do luôn luôn tiếp xúc với con dâu là Sofia, cô là một trong những người đầu tiên gia nhập Hội tại Nga, và là hội viên tích cực của chi bộ Kaluga. Cô thường tới điền trang Yasnaya Polyana chỗ văn hào cư ngụ, mang theo bản vỗ những bài đăng trong tạp chí Theosophical Herald của xứ bộ Nga, và ông Tolstoy chăm chú đọc. Trên bản vỗ có bút tự ông ghi 'đúng thực', 'tốt', và 'rất hay'. Những chữ ghi này cho thấy rõ là ông chấp nhận trọn phần đạo đức của chỉ dạy theo MTTL và chia sẻ nó.
Vào mùa hè 1908, các hội viên đến thăm ông tại điền trang nói trên. Trọn buổi chiều họ ở đó Tolstoy không rút vào phòng của mình như thường làm, mà dành suốt khoảng thời gian đàm luận với họ, chăm chú lắng nghe tất cả những gì liên quan đến MTTL.
Trong câu chuyện, Tolstoy tỏ ra rất hào hứng khi nghe về hoạt động của hội viên xứ bộ các nước tây Âu, và nhắc lại nhiều lần:
- Đó là cách tôi hiểu TTH ! Cuộc sống phải thực sự như thế ! Không phải chỉ bằng lời, mà điểm chính yếu là con người tạo nên thay đổi.
Sau đó Sofia Tolstoy kể rằng khi nhóm ra về và trong mấy ngày kế tiếp, cha chồng của cô luôn nhắc lại câu chuyện của nhóm hội viên TTH cho khách đến thăm ông, và mỗi lần ông đều kết luận: 'Cuộc sống phải thực sự như thế ! Đó là điểm chính yếu'.
Những ai tiếp xúc với Tolstoy đều yêu quí ông. Ông khơi dậy lương tâm của họ và tới cuối đời ông quan tâm và coi trọng chỉ một điều là căn bản tinh thần và sự kết thông với Thượng đế. Ông nhìn nhận luật nhân quả và tái sinh, nhưng đối với tất cả những biện luận có lợi cho TTH ông đều tuyên bố:
- Không điều nào trong đó là quan trọng, chỉ có một điều đáng kể là thương yêu nhau, rồi thì mọi việc khác sẽ thành.
Chi bộ cũng có chương trình Chuỗi Xích Vàng (The Golden Chain), dành cho thiếu nhi nhấn mạnh đến sự hiền dịu đối với mọi sinh vật. Cha mẹ các em cho hay rằng họ kinh ngạc thấy con thay đổi hóa tốt lành hơn từ khi gia nhập nhóm. Một em trai tham gia chương trình và sau đó lên Moscow vào trường Thiếu Sinh Quân; em viết thư về cho nhóm bắt đầu bằng câu 'Chuỗi Xích Vàng thân mến'. Trong thư em kể mình đã cố gắng làm theo lời dạy của Chuỗi Xích Vàng ra sao cho dù sinh sống trong trại, và đã khởi sự lập nhóm Chuỗi Xích Vàng trong các bạn cùng lớp, để bảo vệ chim và côn trùng không bị những thiếu sinh quân khác nhẫn tâm hành hạ. Thiếu niên này là Volodya Tolstoy, cháu nội của văn hào Tolstoy.
Chương trình hữu ích là vậy nhưng sau khi hoạt động được hai năm, con số thiếu niên lên quá đông khiến trường học cho mượn phòng họp đâm nghi ngại, viên chức đặt điều kiện khó khăn và sinh hoạt phải chấm dứt.
Khi cách mạng Nga 1917 xẩy ra, trong vài năm đầu hoạt động của Hội bị giới hạn nhưng vẫn được tiếp tục phần nào. Dần dần tình trạng ngày càng khó khăn và cuối cùng hoạt động bị cấm hẳn. Giống như VN, sau đó người Nga tìm cách vượt biên hoặc đi xuống miền nam hoặc sang Phần Lan, Thụy Điển rồi tây Âu. Ra tới nước ngoài, các hội viên lập chi bộ Nga tại Ý, Đức, Anh v.v. xuất bản tạp chí liên kết hội viên nay rải rác khắp nơi. Năm 1925 có đủ số chi bộ theo điều lệ đòi hỏi, xứ bộ Nga ở ngoại quốc được thành lập, hoạt động thêm 15 năm rồi khi những hội viên lớn tuổi qua đời dần, con số hội viên giảm xuống mãi tới mức xứ bộ không còn đủ người, khiến phải ngưng sinh hoạt vào năm 1940. Cho tới nay, dù được các xứ bộ tây phương trợ giúp khi Nga thoát khỏi chính thể cộng sản, nước Nga vẫn chưa có xứ bộ trở lại.
Diễn biến ở Nga có nhiều điểm tương đồng với VN, xét ra tuy xứ bộ VN chỉ hoạt động được 23 năm từ 1952 đến 1975, ta vẫn may mắn hơn xứ bộ Nga về tuổi thọ cũng như về tương lai nhiều hy vọng. Nhận xét thì thời gian hoạt động của xứ bộ Nga ngắn ngủi (1907-1917), chưa đủ lâu để có thế hệ thứ hai nối tiếp ở ngoại quốc; trong khi đó xứ bộ VN cũng hẩm hiu nhưng thời gian sinh hoạt lâu hơn (1952-1975), có đủ điều kiện tạo một nền tảng vững chắc qua sách vở xuất bản, và nỗ lực truyền trong xã hội liên tục nhiều năm. Quan trọng hơn nữa, thời gian 23 năm này còn cho phép Hội đào tạo thế hệ thứ hai, tới năm 1975 khi các bạn trẻ vừa trưởng thành hay vẫn còn là thiếu niên, họ thoát ra nước ngoài và từ căn bản sẵn có, dễ dàng tiếp tục công việc của thế hệ thứ nhất. Ấy là điều vạn hạnh mà xứ bộ Nga không được hưởng.
Điều khác cũng thuận lợi cho Hội VN mà hồi thế kỷ trước không ai ngờ, là tiến bộ kỹ thuật và internet. TTH được mang lên trang web khiến người trong nước tiếp xúc với tư tưởng TTH, có tài liệu học hỏi và nhờ vậy TTH tiếp tục hiện hữu bằng Việt ngữ, sống động cho dù không còn xứ bộ và Hội quán. Trong việc quảng bá TTH, yếu tố nhân sự quan trọng hơn hết nên điều sau là một khích lệ lớn lao, ấy là trong năm 2008 các hội viên trong nước và ngoài nước thuộc các quốc gia khác nhau đã có thể họp chung, học hỏi hằng tuần qua internet và điện thoại, tới nay có ít nhất hai trang web và hai blog, thật là một sinh hoạt đầy hứng khởi. Hội viên khắp nơi không còn bị giới hạn về không gian. Nay nhờ các trang web, từ ngoại quốc TTH được phổ biến trở vào quê hương Việt Nam, ai trong nước cũng có thể đọc tài liệu TTH bất kể ở đâu, đó là may mắn rất lớn cho phép chúng ta lạc quan về tương lai.
Do hoàn cảnh, xứ bộ Nga phải tàn lụi nhưng với kỹ thuật mới và hội viên nhiệt thành, ta có lý do để tin tưởng là nếu hội viên sống Đạo sau khi đã biết Đạo, khi có ba người xứng đáng thì phong trào TTH VN sẽ nối tiếp theo thời gian, trong cũng như ngoài nước.
Tài Liệu:
– No Religion Higher than Truth, A History of the Theosophiacl Movement in Russia.
Maria Carlson. 2000.
– The Light of the Russian Soul.
Elena Piserva 2008.