VỊ CHÂN SƯ# 57
Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch
Vị Chân Sư (tt)
CYRIL SCOTT
The Initiate in the New World
Thầy rời Boston chiều tối trước lễ Giáng sinh và mãi tới thứ tư tuần sau mới trở về, kịp cho bài giảng buổi tối.
'Trong quyển sách nhỏ, ngài mở đầu, tên 'The Real Tolerance' mà đôi khi thầy trích đọc, sách ghi rằng quan điểm là thuốc ngừa chống mọi điều xấu, nhưng điều ấy có đúng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm đó là sao; nó có thể là thuốc ngừa cho điều tốt cũng như điều xấu, và vì lý do đó việc chấp nhận một quan điểm đúng đắn là một trong những điều quan trọng nhất ở đời.
'Hãy nhìn quanh và con sẽ thấy đa số người là nô lệ tệ hại cho quan điểm của họ. Vì quan điểm ấy mà ngay cả ai gọi là người tốt sẽ phạm chuyện bất nhân kinh khiếp cho mình cũng như cho người; kẻ cuồng tín tôn giáo sẽ giơ tay thẳng lên trời hoài cho tới khi tay quắt queo lại; kẻ khác tịnh khẩu nhiều năm; người khác nữa đuổi con gái ra khỏi nhà vì không chồng mà có mang; người thứ tư truất quyền thừa kế con trai một của họ vì anh thành hôn với cô gái bán quán; người thứ năm sẽ bắn tình nhân của vợ mình vì nghĩ rằng danh dự bị xúc phạm của anh đòi hỏi anh phải làm thế; kẻ thứ sáu sẽ không bao giờ đội nón ngoài đường bởi tin là để đầu trần thì tốt tóc. Cứ như thế chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, và tất cả chỉ vì có quan điểm mà ra.
'Có lần thầy đọc quyển The Garden of Allah của tác giả Robert Hichens. Nó là câu chuyện có tính giảng dạy vì cho thấy làm sao một thiếu nữ hiền lành, tốt bụng nhưng do quan niệm độc đoán, sẽ xử sự một cách cứng rắn, thiếu lòng nhân, và do vậy hành hạ người đàn ông mà cô thương yêu và luôn cả chính cô.
'Các con còn nhớ câu chuyện chứ, cuốn sách đó được ưa chuộng lắm, có cô gái theo đạo Công giáo gặp một người đàn ông ở Ai Cập, yêu thương anh sâu đậm và anh cũng say đắm cô. Hai người không ai có ý tìm hiểu tính tình gốc gác của nhau mà vội vàng thành hôn, rồi ngay sau đó dẫn nhau đi thật xa vào sa mạc; trong một thời gian họ có cuộc sống lứa đôi tràn đầy hạnh phúc chỉ biết có nhau. Họ hạnh phúc quá đến nỗi người chồng muốn người vợ hoàn toàn là của mình mà thôi, và anh tức giận khi có bất cứ kẻ lạ hay người quen nào xen vào cuộc sống.
'Nhưng cho dù cuộc tình hết sức mặn nồng, cô vợ có cảm giác là người chồng không hoàn toàn mãn nguyện, có điều chi đó ray rứt tâm hồn, có chuyện kín anh e ngại không dám thố lộ. Và rồi cuối cùng chuyện bung ra, anh cho vợ hay mình là tu sĩ dòng Trappist nhưng đã bỏ dòng sau hai mươi năm, và đã phạm lời khấn. Anh nhập dòng lúc quá trẻ năm 17 tuổi, chưa nhận ra mình có tâm tình cuồng nhiệt, trong một thời gian mọi chuyện trôi chảy nhưng tới ngày kia, nhiều việc hợp lại cộng thêm với vị tu viện trưởng thiếu sáng suốt, anh có thể "cưỡng được mọi chuyện trừ cám dỗ', khiến cuối cùng anh ra khỏi dòng.
'Thử coi, nay nghe lời thú nhận của chồng thì cô hành xử ra sao ? Việc đầu tiên cô làm là bỏ sang lều khác. Không phải vì cô hết thương anh – ồ, không đâu – sau cuộc dằng co trong lòng với chính mình cô đi tới kết luận là thương anh hơn bao giờ hết, dầu vậy cô vẫn sang lều khác ở vì cho rằng ấy là điều phải làm. (Trong tất cả chuyện tranh cãi của lứa đôi, việc đầu tiên làm là di cư khỏi phòng ngủ !).
'Cô biết rất rõ anh chàng bất hạnh ấy đã bị dằn vặt tâm hồn, nhưng điều này không ngăn cô thêm vào đó cách xử sự của mình; chẳng những cô từ chối không ở chung một lều với anh mà còn nhất định không chạm cả bàn tay chồng. Cô không hề tỏ một cử chỉ thương mến như của em gái cho anh chồng đau khổ, không may của mình; ngược lại bề ngoài cô cứng rắn như đá. Hơn thế nữa, sau khi cầu nguyện với Thượng đế, cô tưởng tượng ngài đồng tình với quyết định của cô.
'Chuyện kết cục ra sao ? Cô vợ, với điều mà cô tin là sự trợ giúp của Thượng đế, ép buộc người chồng tới thú tội với một giáo sĩ nghiêm khắc, người mà cô biết chắc là sẽ đề ra một giải pháp duy nhất – là anh nên quay về tu viện trước kia anh đã bỏ đi. Hôm sau anh làm y như thế và chỉ khi anh sắp bước vào cửa tu viện cô mới hôn nhẹ lên trán anh. Cô cũng không cả an ủi anh bằng cách cho hay mình đã có thai, để cô được vui trong nỗi cô quạnh của mình – cô nhất quyết không nhượng bộ lấy một phân. Bức tranh chót vẽ một cảnh vườn ở bìa sa mạc, nơi đó cô gái với con trai nhỏ của mình sống xa lánh thế gian và mơ tưởng đến người chồng mà cô sẽ không bao giờ gặp lại.
'Đây ta có câu chuyện trưng ra tính độc đoán của quan điểm với sự chặt chẽ đáng khen. Ta hãy tìm hiểu vấn đề kỹ hơn, coi xem có thể học được điều gì, và rút ra được lời khuyến cáo chi. Vì cô gái trong sách là nhân vật không có thực, Thầy hóm hỉnh nói, chúng ta có thể bàn chuyện mà không sợ là thiếu lòng nhân, nếu nói thẳng ta nghĩ về cô như thế nào.
'Trước tiên thầy muốn nói thật tiếc là cô đã không xen một chút lý luận vào óc tưởng tượng của mình. Yêu mến Thượng đế giống như cô là chuyện đẹp đẽ, nhưng có ý niệm vô lý về Thượng đế là điều nguy hiểm. Hệ quả nó dẫn tới có thể là đủ thứ chuyện, từ việc đưa người bên cạnh con lên dàn hỏa để cứu rỗi linh hồn anh ta, sang việc có hành vi nhẫn tâm về mặt đạo đức như cô gái vừa nói, bình thường là người tốt bụng ...
'Thế nhưng về một mặt ta có thể trách móc cô chăng ? Thực tình mà nói, làm vậy không hề là chuyện phạm thánh hay cười đùa mà đó là cách tập luyện trí não tốt nhất về mặt tinh thần con có thể làm được. Ngay khi con thực sự quan tâm đến một ai, dù là Thượng đế, thiên thần hay con người, tự nhiên con sẽ lý luận về họ; không làm vậy mới là không tự nhiên. Có thể con không đi tới một kết luận rõ rệt nào, nhưng ít nhất con đào sâu thêm ý niệm của mình về Thượng đế, và không gán cho Ngài những đặc điểm bất hảo như cô gái trong chuyện The Garden of Allah đã gán cho Thượng đế !
'Nhưng đương nhiên là – và đây mới là điều sai lầm – cô hoàn toàn không ý thức nhận xét tồi tệ không hay chút nào mà cô đã tô vẽ về Thượng đế. Dùng chính lời của cô để mô tả thì cô ý thức thật đau lòng là chồng mình 'đã nhục mạ Thượng đế', mà không nhìn ra là chính cô cũng nhục mạ Ngài một cách gián tiếp. Vì khi cho là một Đấng cao cả và đầy tình thương như Thượng đế lại có thể nhỏ mọn, thiếu hiểu biết tới độ cảm thấy bị sỉ nhục, thì suy nghĩ ấy tự nó là sự nhục mạ.
'Lấy thí dụ nếu so sánh các Chân sư chúng ta với Thượng đế thì chúng ta như con trùn thấp kém – vậy mà ngay cả chúng ta cũng không thấy có gì là bị sỉ nhục. Nếu có ai đó vào phòng và nói với ta:
- Ông là kẻ mạo danh, lừa bịp.
thì ta không hề thấy phải đấm vào mặt ông – ta hoàn toàn hiểu được quan điểm của người ấy; đối với người như thế thầy quả thật là kẻ mạo danh và bịp bợm !
'Nhưng con sẽ hỏi:
- Thế còn lời khấn của anh tu sĩ này thì sao ? Thầy nghĩ gì về chuyện ấy ?
'Chà, thực tình thầy không tin vào những lời khấn như thế. Theo ý thầy việc có khấn nguyện phát sinh từ cảm tưởng không thấy ổn định. Nó giống như cột chân của chính mình lại khi cảm thấy có nguy hiểm, lỡ mình có muốn bỏ chạy. Ai hoàn toàn có lòng từ bỏ thì không hề cần phải khấn, vì không ai đòi tự cột mình lại để ngăn không làm điều mà họ không hề muốn làm. Có người viết rằng :
- Từ bỏ chỉ có thật và trọn vẹn khi không hề có ý từ bỏ.
và quả đúng như thế. Người lớn có cần từ bỏ những vui thú của tuổi thơ chăng ? Tất nhiên là không; họ từ bỏ nó trong lòng vì đã qua giai đoạn đó. Chuyện cũng y vậy với ai trưởng thành về mặt minh triết – họ không cần có khấn nguyện là sẽ không còn tức bực, ganh tỵ, thèm muốn, ghét bỏ và những tính tương tự – họ không hề bị cám dỗ để có những cảm xúc như thế; họ còn không cảm thấy vậy – bởi họ đã quên cảm giác đó ra sao !
Hay lấy thử chính các con và thái độ của con về triết lý Yoga. Đối với con Yoga là căn bản mọi chuyện. Mỗi người trong các con nay biết rằng dù có chuyện gì xẩy ra con cũng vẫn theo sát triết lý. Và tại sao ? Vì nó là điều con xem cao trọng nhất trong đời. Con có cần phải khấn nguyện về nó chăng ? Chắc chắn đó là chuyện thừa. Nhưng hãy giả dụ là con có lời khấn – để làm chuyện gì đó, và rồi con không còn ưa thích nó nữa tuy nhiên vẫn tiếp tục làm điều ấy chỉ vì có lời khấn nguyện. Con sẽ cho ra kết quả như thế nào ? Nhiều phần là chuyện dở – vì việc gì làm mà không có tình thương trong đó, trừ một số rất ít biệt lệ, thì thường được làm rất tệ.
'Nay trở lại với chàng tu sĩ này. Anh vào tu viện lúc mười bẩy tuổi, không biết chút gì về cuộc đời, vậy mà khấn từ bỏ cuộc sống. Nhưng ai có thể từ bỏ việc mà họ chưa hề biết ? Đó là điều tự nó phản nghĩa, vì vậy bất cứ lời khấn nào mà chàng tu sĩ ấy có thể có, chúng không hề là sự từ bỏ, mà chỉ là lời suông. Nếu tu sĩ là nữ tu thì tục lệ nói rằng cô thành hôn với Thượng đế (bride of Christ), nhưng bởi Thượng đế thường được xem là phái nam, ta cần phải nói khác đi một chút với anh. Sao đi nữa, có một điều rõ ràng là dù thành hôn hay không, lời khấn không được giữ tròn chẳng hề làm tan nát tim Ngài. Thượng đế không hề cần lòng thủy chung của một con người tầm thường để có được hạnh phúc.
'Thử nghĩ tới óc kiêu ngạo thiếu ý thức của người đó ! Vì đó chính là nhược điểm của thuyết Nhị Nguyên. Đây ta có Thượng đế tạo tác ra vũ trụ mênh mông – mà có lẽ theo quan niệm của anh tu sĩ ấy là từ khoảng không mà có – vậy mà Ngài lại bận tâm, cảm thấy bị sỉ nhục, đau lòng vì một tạo vật nhỏ bé, tầm thường sống trên một trong muôn vàn trái đất của Ngài nay ngưng không còn dành cả ngày cầu nguyện với Ngài nữa.
'Ta có thể rất hãnh diện khi nghĩ rằng Thượng đế cần chúng ta, nhưng vậy không có tốt cho đầu óc của chúng ta, nó có khuynh hướng làm đầu óc tự cao tự đại thêm. Cái triết thuyết nói rằng ta gây đau lòng cho Thượng đế với mỗi một tội lỗi nhỏ nhặt mà ta phạm, có lẽ có ích cho việc dạy dỗ trẻ giầu tưởng tượng chưa nhận ra nét kiêu ngạo nó hàm ý. Nhưng ngoài chuyện đó, nó còn là triết thuyết nguy hiểm. Trong sách có đoạn cô vợ của anh tu sĩ không giữ tròn lời khấn nói:
- Em cảm thấy Thượng đế quan tâm đến anh nhiều hơn đến bất cứ ai em biết.
'Thầy nhớ câu này vì lòng kiêu ngạo vô bờ mà nó hàm ý. Chúng ta cười chê khái niệm về Thượng đế của người bán khai, xem Ngài là kẻ giận dữ thịnh nộ và phải được cúng bái; nhưng ít ra người bán khai còn có tính khiêm nhường. Họ nghĩ Thượng đế cao cả tột bực còn họ chỉ là con sâu cái kiến – vì hãy nhớ rằng con chỉ nghĩ chuyện cúng bái ai khi xem họ cao trội hơn con.
'Cô gái trong chuyện The Garden of Allah nghĩ là cô tin vào một Thượng đế oai quyền và đầy tình thương, nhưng dù vậy có vẻ cô xem đó là chuyện tự nhiên khi làm như Ngài thúc giục cô xử sự một cách thật là thiếu tình thương. Nó giống như Ngài nói:
- Chuyện của ta là thương yêu – phải, nhưng còn con – con thì khác, chuyện của con là tỏ ra mình nhẫn tâm và sắt đá, bằng cách ấy con sẽ thực hiện cơ Trời và mệnh lệnh của Ta. Con phải ép buộc anh tu sĩ này trở về với ta bằng hành vi của mình. Ta cần anh hơn là con cần. Quả là con chỉ có vài thú vui và niềm hoan lạc trong thế giới nhỏ bé của con, và Ta có trọn vũ trụ vô tận làm trò chơi, nhưng – Ta phải có anh chàng. Cố nhiên Ta rất tiếc phải lấy anh khỏi tay con, nhưng lẽ ra con không nên ngu dại tới mức quyến luyến người như vậy. Lầm lỡ đã xẩy ra, nay con phải chịu. Dù sao con vẫn luôn luôn có tình thương của ta để an ủi con, và nói cho cùng thì tình thương ấy khá hơn tình thương của bất cứ người nam nào. Ta e rằng chỉ có thể làm vậy cho con mà thôi ...
'Những lời như thế phát ra từ môi miệng của Đấng tràn đầy tình thương nghe thật là cao cả ! Nếu cô gái có đây và thầy nói với cô những điều vừa nói với con, cô sẽ cho ta là kẻ báng bổ thần thánh. Nhưng thầy không phải là người đặt vào miệng Thượng đế những lời này, mà nó muốn nói là cô làm chuyện ấy. Quan điểm của cô sinh ra ý đó mà không phải là quan điểm của thầy. Thầy không báng bổ thần thánh vì thầy không tin có Thượng đế nào như thế hiện hữu trên đời. Đã là chuyện hoang đường thì chẳng có gì gọi là bất kính.
'Nay ta tới một yếu tố khác trong lý luận. Giả thử có người biết yêu thì chuyện không tránh được là họ phải biết đau khổ; và vì đây là trường hợp với người bình thường thì do vậy nó cũng phải thế với Thượng đế. Anh tu sĩ của chúng ta và cô vợ ngoan đạo của anh tưởng tượng là Thượng đế thương yêu họ sâu đậm, tới mức Ngài bị đau khổ vì người chồng không giữ lời khấn. Nhưng lý luận ấy có vững không ?
Chỉ có một mặt trời chói sáng trên cao, nhưng lại được phản chiếu trong hàng triệu giọt sương mai lóng lánh; nếu hạt sương lớn thì hình phản chiếu lớn, nhỏ thì hình nhỏ; nếu hạt sương lấm bụi thì hình bị lu mờ – nhưng mặt trời thật có nét rực rỡ thuần khiết không bị ảnh hưởng mảy may. Giờ nếu các con tưởng tượng mặt trời tự nó là cảm xúc Từ Ái – Hoan Lạc vô điều kiện, tuôn tràn đến muôn loài vạn vật, liệu hành vi của bao cá nhân mà nó chiếu vào có làm biến đổi lòng Từ Ái – Hoan Lạc của nó chăng ?
'Chắc chắn không; nhưng chỉ có ai tiến hóa nhiều mới nhận thức điều ấy, người kém tiến hóa không thể có ý niệm là ngay cả Thượng đế – nói một cách thô lỗ – 'có thể chịu làm không công'. Người sau không thể tưởng tượng được cảm giác Từ Ái tuyệt đối là sao. Ý nghĩ của họ là muốn thương yêu, con phải có một người riêng biệt hay nhiều người để hướng tình thương đến. Cũng y vậy với niềm vui – phải có điều gì để cảm thấy hân hoan thích thú; lấy đi điều ấy thì niềm vui tắt lụi.
'Anh tu sĩ thực sự nghĩ gì trong tâm ? Có gì đâu, rằng Thượng đế phần nào cần đến anh để được hạnh phúc, và ngay khi anh làm lỗi thì Thượng đế đau buồn về chuyện ấy – tới mức Ngài phải ráng công cứu vớt anh bằng mọi giá. Nó giống như người chồng chưa tiến hóa nghĩ về vợ của mình; bao lâu mà cô cư xử phải đạo thì anh xem ấy là chuyện tự nhiên, mà vừa khi cô bắt đầu làm duyên làm dáng với những người đàn ông khác thì cô đột nhiên hóa ra hết sức quan trọng trong mắt anh – và theo nghĩa đau lòng.
'Như ta đã kể với các con, cô gái trong chuyện bảo:
- Em cảm thấy Thượng đế quan tâm đến anh nhiều hơn đến bất cứ ai em biết.
'Câu này nói lên ý niệm thật là người về đấng Tối cao:
- Nay anh không còn kính yêu Thượng đế, lòng kiêu hãnh của Ngài bị tổn thương nên Ngài lại càng muốn anh hơn nữa, y như người chồng muốn cô vợ thiếu thủy chung của mình.
'Nhưng tất cả chuyện ấy có hợp với lý luận và kinh nghiệm, và có Tình Thương vô điều kiện, niềm Hoan Lạc vô điều kiện, hay không ? Bậc Thầy như chúng ta biết có điều ấy, vì chúng ta đã tự mình kinh nghiệm Tình Thương và Hoan Lạc ấy. Chúng ta được dạy cách kinh nghiệm nó, và nay cố công dạy kẻ khác làm được thế.
'Dầy vậy trước tiên chúng ta phải khai pháo chống lại nhiều ý niệm sai lầm về Thượng Đế và tất cả những gì liên hệ. Nếu người đời nghĩ tới Thượng đế như là một vì Thượng đế ganh tị, họ sẽ tưởng tượng họ có quyền ganh tị. Nếu nghĩ Thượng đế âu sầu thì họ nghĩ mình có thể để lòng thấy buồn đau; ấy là khi tính độc đoán về quan điểm của họ xen vào. Vì cô gái trong chuyện The Garden of Allah nghĩ Thượng đế của cô có thể bị sầu khổ nên cô thấy tê tái, và sau đó đối xử với chồng thật khắc nghiệt, bất nhân.
'Cô nghĩ mình mạnh hơn và anh hùng hơn Thượng đế một cách vô ý thức. Không ai chịu làm hư đời mình cho một Đấng mà họ biết là không thể cảm được sự đau lòng. Kẻ mạnh không cần phải hy sinh chính mình cho ai mạnh bằng hay mạnh hơn, mà họ hy sinh cho kẻ yếu hơn họ. Ấy là tại sao ta bảo cô gái này tưởng tượng trong tiềm thức là mình mạnh hơn Thượng đế. Và hệ quả là Thảm kịch. A, – triết gia Epictetus quả thật khôn ngoan khi nói:
- Không phải sự vật mà ý kiến của chúng ta về sự vật mới đáng kể.
'Hãy tổng kết lại hệ quả của ý kiến thuộc hai nhân vật trong chuyện. Vì ý kiến của mình, thanh niên trở thành tu sĩ; vì ý kiến của mình anh có lời khấn mà với tâm tánh của anh, lẽ ra không nên khấn; vì ý kiến của mình anh đâm đầu vào sự khổ não khi không giữ được lời khấn nguyện ấy; vì ý kiến của mình anh thành hôn với cô gái – người ta không lập gia đình trừ phi tin tưởng vào cuộc hôn nhân; vì ý kiến của mình anh rời bỏ để cô bị lẻ loi, sầu não, cùng lúc phải nuôi con 'không cha' – bởi có cha mà cha giam mình cả đời trong tu viện thì cũng như cha chết.
'Và về cô thì sao ? Vì ý kiến của mình, cô thành hôn với người mà thực ra không biết chút gì về họ. Vì ý kiến của mình, cô tuyệt vọng não nề khi nghe anh không giữ lời khấn nguyện. Vì ý kiến của mình, cô lập tức dọn sang lều khác. Vì ý kiến của mình, cô xử sự một cách cứng lòng và nhẫn tâm. Vì ý kiến của mình, cô ép anh rời bỏ cô và quay về nơi cũ. Vì ý kiến của mình, cô từ chối không cho anh hay là cô có mang. Vì ý kiến của mình, cô không bao giờ có thể tái hôn, vì ngay cả việc xin vô hiệu hóa cuộc hôn nhân cũng đi ngược với quan niệm của cô.
'Nay, sao bao chuyện ấy, Chân sư cười trêu chọc, thầy hy vọng các con nhận ra được tính độc đoán của quan điểm và chúng có thể nguy hại ra sao. Phải chi con người học cách suy nghĩ trước khi có quan điểm của mình, hoặc có quan điểm rồi thì ít nhất sẽ cân nhắc từng điểm lợi hại để xem có việc chi dại khờ, bất nhất cần sửa đổi và điều chỉnh lại !
'Rủi thay đa số người không hề tự nghĩ ra quan điểm cho mình mà chỉ đón lấy cái nào đang sẵn có chung quanh. Nếu quí trọng đặc biệt một người nào họ sẽ tiếp nhận quan điểm của người đó, bất kẻ nó có hợp với tánh tình hoặc tâm trí của họ hay không. Chính vì việc bá nhân có bá tánh mà những Đấng Cao Cả khi dạy Yoga cho con người đã chia triết lý đó thành nhiều con Đường – để mỗi người nên theo đường nào hợp nhất với họ. Tất cả các con trong phòng này có theo cùng một đường hay không ? Không, cố nhiên không phải thế; làm sao có việc ấy được khi tất cả các con không cảm thấy thích thú với cùng một loại Yoga như nhau ?
'Nhưng đó là chuyện ngoài lề. Bài học ta muốn các con lưu ý tối nay là nếu có một loại quan điểm nào có thể sinh ra chuyện không vui và sự nhẫn tâm, một loại khác có thể sinh ra điều ngược lại. Vì vậy, thầy hy vọng điều các con phải làm sau khi học được một ít minh triết, là chỉ dẫn cho người đời tạo quan điểm sinh ra hạnh phúc và thương yêu, mà không phải điều ngược lại như cô gái trong chuyện The Garden of Allah làm.
'Và bây giờ tới kết luận, Chân sư nói một cách vui vẻ, thầy nghĩ chúng ta phải cám ơn tác giả Robert Hichens về trọn những điều suy ngẫm ông đã cho ta trong quyển sách tối nay. Ông không có mặt ở đây nên ta không thể tỏ lòng biết ơn theo cách thông thường – dầu vậy – ... Có ai muốn hỏi gì không ?
- Con không hiểu rõ thái độ của thầy đối với việc khấn mà không giữ trọn, Wilson dè dặt hỏi, có vẻ như thầy coi nhẹ chuyện ấy. Nhưng đã khấn thì phải bền lòng mà giữ chứ ?
Thầy M.H. cười nhẹ.
- Đầu tiên, thầy đáp, ta nhìn sự việc theo quan điểm của Thượng đế; thứ hai, lời khấn có nên giữ hay không hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu con cho Thượng đế có tí ti hiểu biết và có tài tiên tri, hẳn Ngài phải thấy trước là anh chàng tu sĩ trong chuyện có thể không giữ được những lời khấn này, vậy tại sao Ngài phải bực bội khi điều thấy trước nay ứng nghiệm ?
Còn về những lời khấn nên giữ hay không – cái đó tùy vào lý do liên hệ. Ai không giữ lời khấn do yếu đuối có thể được tha thứ nhưng không được kính phục; ngược lại ai bỏ lời khấn vì nay đã thay đổi niềm tin của mình thì đáng được kính phục. Động lực là điểm then chốt. Nếu con làm hại người khác khi không giữ lời hứa thì con không nên bỏ nó.
Clare nói.
- Thầy giảng về Tình Thương tự nó – tức cảm xúc Thương Yêu mà không cần đối tượng; nhưng con đọc trong sách TTH là ngay cả Thượng đế đã phân chia chính Ngài thành vạn vật để có đối tượng cho lòng thương yêu. Con không biết làm sao dung hòa hai ý niệm ấy.
- Giả thử con là người đầu tiên trên thế giới khám phá ra vàng và muốn người khác được lợi ích nhờ vàng ấy, liệu con có tư tưởng đó chăng trừ phi trước tiên đã nắm vàng trong tay rồi cảm được thiện ý trong lòng ? Tương tự vậy, Thượng đế đã có 'cảm xúc' Thương Yêu, nhưng Ngài muốn mọi người được lợi ích nhờ Tình Thương đó. Thầy nghĩ đó là cách mà ý tưởng ấy được giải thích phần nào trong các sách vở.
Một nam đệ tử hỏi:
- Thầy có nghĩ anh tu sĩ nên quay về tu viện hay nên ở lại với cô vợ của mình ?
- Này con, thầy nghĩ con có thể tự trả lời câu ấy cho mình, Chân sư nói, có đệ tử nào khác muốn tình nguyện không ?
Ông Galais ngỏ ý.
- Nếu anh chàng tin làm vậy là đúng, thì nó đúng cho anh ta.
- Còn thắc mắc nào nữa không ? Chân sư hỏi.
Không ai trả lời.
Chương XXV
Vị Dhyan Chohan và Quyển Sách
- Con muốn viết một quyển sách khác về thầy, tôi thưa với thầy M.H. vào sáng hôm sau. Ngài yêu cầu Viola và tôi đến gặp ngài vì có chuyện riêng muốn nhờ hai chúng tôi làm, và chúng tôi vừa thảo luận xong chi tiết. Thầy có phản đối nếu con viết cuốn hai bộ The Initiate hay không ?
Ngài cười.
- Có một Chân Sư người Ấn hết sức oai nghi ở đây, Viola nói, con thấy Ngài đứng sau lưng ghế của thầy, thầy M.H., và nghe ngài nói "Phải, để anh viết đi, chúng ta muốn thấy chuyện đó" '.
Thầy M.H. lại cười nữa.
- Đương nhiên là nếu các ngài muốn vậy – . Ngài khoát tay tỏ cử chỉ.
- Nhưng thầy không nghĩ là làm vậy có thể có ích sao ? tôi hỏi, nếu xét theo số thư mà con nhận được về cuốn đầu tiên ?
- Phải, ta nghĩ là có thể hữu ích, thầy nhìn nhận.
- Vị Chân sư Ấn Độ – ít nhất con nghĩ ngài phải là một vị Chân Sư, Viola nói, trông ngài thật là chói lọi – mỉm cười và nói " Nhất định là chuyện sẽ rất hữu ích" '.
- Này tiểu thư, thầy M.H. nói đùa với nàng, khả năng thông nhãn của cô –
Nhưng Viola cười trả lại một cách nghiêm trang. Cô kể tôi nghe rằng Vị mà cô thấy có nét vô cùng cao cả và tuyệt vời.
- Cô thấy ai vậy ? Tôi hỏi thầy M.H., ước ao phải chi mình cũng có thể thấy.
- Một trong những Vị đặc biệt quan tâm đến con, con à, ngài nói, đột nhiên hóa nghiêm nghị, một vị Dhyan Chohan – con biết thế đủ rồi.
- Nhưng vị Dhyan Chohan còn cao hơn cả bậc Chân sư ... , tôi lập bập, thấy lòng đầy sự kính phục mà cũng hết sức biết ơn là Ngài đã chú ý đến người thật không đáng như tôi.
Thầy M.H. gật đầu.
- Này các con, nếu hai con không quyết định làm điều mà thầy đề nghị, hẳn vị Dhyan Chohan sẽ không tới với các con ở đây. Ngài còn đó không, Viola ?
- Vâng, còn đây – con nghe ngài nói "Các con thân mến, ta ban phép lành cho các con. Ta sẽ lại đến vào dịp lễ thành hôn của hai con. Tạm biệt."
Viola ngưng lại một lúc.
- Giờ ngài đi rồi, nàng nói một cách kính cẩn. Cả ba chúng tôi đều lặng yên một khoảng thời gian, rồi tôi thấy thầy M.H. nhìn tôi nét mặt hóm hỉnh, và tôi cảm là thầy biết trong trí tôi nghĩ gì. Tôi đang thắc mắc tại sao ngài hỏi Viola câu chót ở trên. Hẳn nhiên là ngài có thể tự mình thấy rõ ràng vị Dhyan Chohan còn đó hay không. Về sau Viola giải thích với tôi.
- Thầy luôn luôn làm vậy, nàng nói, thầy chỉ dùng khả năng của mình khi không sẵn có học trò nào chung quanh – anh không để ý là khi dạy các tư thế Yoga thầy không hề tự mình chỉ cho chúng ta làm, mà thay vào đó kêu một học trò làm cho ta thấy ? Em đoán ấy là vì ngài khiêm nhượng.
- Trở về với cuốn sách, thầy M.H. phá vỡ sự yên lặng với giọng nói vui vẻ và ...
- Thầy cho phép con sắp xếp lại vài bài giảng dựa theo nốt con đã ghi nhé ? Tôi hỏi dọ ý, hay là không nên có tiết lộ như vậy ?
- Nếu con muốn đem vào sách vài bài giảng thì chỉ cần hỏi mượn Heddon bản chép của hắn. Hắn ghi tốc ký mấy bài để trữ trong thư viện, làm vậy đỡ tốn công con. Con có thể đem các bản này đi đánh máy.
- Vậy tuyệt hết sức !
- Chỉ có điều là thầy muốn xem qua để chọn lọc. Vài bài chỉ hợp cho ai đã có hiểu biết mà không phải để giảng cho công chúng nghe. Chúng ta sẽ cùng xem lại các bài một ngày trước khi con rời đất Mỹ.
Chương XXVI
Nhạc và 'Phép Lạ'
Vào tối giao thừa thầy M.H. mời tất cả đệ tử đến ăn tối, sau đó có nhạc, đọc văn thơ rồi biểu diễn nhiều mục khác nhau. Một trong các đệ tử chơi dương cầm vài bản nhạc của Debussy, Ravel và các nhạc sư khác. Có một ca sĩ hát thật điêu luyện, Viola đọc một hai đoạn trong những sách thần bí mà cô biết, tôi ngâm vài bài thơ của mình, và Arkwright diễn phỏng ba hay bốn nhân vật. Anh chàng tỏ ra mình là nghệ sĩ hài số một, với khán giả cười phá lên từng tràng.
Tuy nhiên tiết mục làm mê say nhất trong buổi tối là nửa giờ mà Chân sư chìu lòng chúng tôi và làm vài hiện tượng. Ngài mở đầu việc trưng diễn bằng cách nhắc nhở chúng tôi là những gì sắp thấy chỉ đều là huyễn ảnh Maya. Ngài cũng bảo:
- Vài hội bí truyền, thí dụ như hội TTH, nghĩ rằng tạo hiện tượng bất cứ loại gì là hạ phẩm giá – nhưng sự thật là sau khi bà Blavatsky qua đời, không có ai trong Hội có thể tạo ra hiện tượng. Ngoài ra động cơ là trọn mọi việc. Nếu thầy làm vài điều tối nay là để cho các con vui, mà cũng là để cho con có thêm niềm tin. Con có thể hỏi tại sao với cùng lý do đó, thầy lại không mướn nhà hát ở đây và mở cuộc biểu diễn ? Câu đáp là khi làm vậy thầy không tăng thêm niềm tin cho công chúng – niềm tin của họ và của các con khác nhau – họ sẽ chỉ giải thích cho xong mọi việc bằng cách gọi đó là trò ảo thuật. Các con sẽ không nói thế. Không phải bà Blavatsky bị 'chứng tỏ' là người mạo danh cho dù đã làm bao hiện tượng sao ?
- Thầy làm vài điều bà đã làm nhé ? Arkwright đề nghị.
- Thí dụ như chuyện gì ?
- Với cái bàn – như khiến cho không ai lay chuyển được nó ?
Thầy M.H. mỉm cười.
- Ai muốn thử xê dịch cái bàn nhỏ đằng kia ? ngài nói, chỉ về cuối phòng.
Có mấy đệ tử kể luôn cả tôi đi tới đó, kéo, đẩy, tìm cách nhấc nó lên với hết sức mình, trong khi cả phòng đứng xem và cười rộ lên với nỗ lực bọn chúng tôi làm – nhưng nó đứng yên một chỗ như đá; chúng tôi không thể làm nó nhúc nhích một phân nào. Cuối cùng chúng tôi bỏ cuộc chịu thua.
- Giờ thử lại đi, thầy M.H. thích thú bảo.
Arkwright nắm cái bàn và chỉ một tay cũng nhấc nó lên được ...
- Có đề nghị nào khác nữa ?, thầy M. H. hỏi.
- Thầy biến mất được không ? một học trò nói, anh người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan.
- Được lắm, nhưng trước hết hãy xem thầy thổi khói thành vòng tròn.
Ngài hít một hơi dài xì gà và chốc lát sau hai vòng tròn rất đều chậm chạp bay lên, tất cả chúng tôi dán mắt vào đó thán phục. Phút kế tôi quay lại nhìn thầy M.H. thì ngài đã biến mất – ghế trên bục trống không.
- Úi trời, Clare nói, cô ngồi cạnh tôi, hết sức kinh ngạc.
Thình lình chúng tôi nghe hợp âm C trưởng vang lên ở cây dương cầm. Bao nhiêu con mắt lập tức hướng về đó nhưng chỉ thấy quanh cây đàn trống không, không có ai .
- Có ma ! giọng thầy vang lên, và thấy lại ngài ngồi trong ghế như cũ, hớn hở nhìn chúng tôi. Đề nghị tiếp là gì ?
- Liệu có thể – nói sao đây – hóa hai chính thầy được không ? Tôi hỏi.
- Chà, nói cho rõ là sao ?
- Giả dụ thầy vẫn ngồi trong ghế – rồi chúng con mở cửa xếp ở cuối phòng kia, và thầy hóa hình thứ hai trong phòng đó.
- Thầy thấy con có óc tưởng tượng khá đó, con à, ngài nói, mắt ý nhị, nhưng thầy có tính chìu lòng người nên con sẽ được như ý. Một phút nữa thì mở cửa được.
Thầy ngồi thẳng lưng trong ghế, nhắm mắt lại. Arkwright móc đồng hồ ra xem, mọi người yên lặng. Chót hết anh lên tiếng.
- Xong một phút rồi, mở cửa đi.
Tất cả chúng tôi nhìn về tiền phòng, ở đó có hình thứ hai giống hệt thầy M.H., kể cả chiếc ghế và bục. Ảnh hưởng thật tuyệt diệu làm tôi thấy khó mà tin vào ngũ quan của mình, cứ nhìn tới lui từ Chân sư M.H. thứ nhất đến thứ hai. Đột nhiên có tiếng chuông ngân, nó có âm điệu hết sức thánh thót, làm như từ trần nhà vang ra. Ai nấy nhìn lên nhưng chẳng thấy có gì.
- Có thêm ma, thầy M.H. mỉm cười và mồi lại điếu xì gà. Hình thứ hai của thầy đã biến mất. Muốn chuyện gì tiếp, thầy hỏi.
- Khinh thân, ai đó đề nghị.
- Oh, Arkwright làm được – lên đây nào, chú em.
Arkwright đứng dậy đi lên bục, hai thầy trò khiêng ghế đặt xuống sàn nhà.
- Nào, nằm ngửa xuôi thẳng và giữ cho người cứng đờ nhé.
Arkwright làm y như dặn; Chân sư đứng một bên anh, đặt một tay cách thân hình nằm yên của anh chừng 60 cm rồi chậm rãi đưa tay lên, và thân hình Arkwright nhấc lên trong không như có sợi dây vô hình kéo nó lên. Anh lơ lửng trong không cách mặt phẳng của bục chừng một thước, sau khoảng một phút anh từ từ hạ xuống trở lại.
Một tràng pháo tay khen ngợi lần trình diễn này, Arkwright đứng dậy, rạp người chào kiểu cách.
- Các con thấy đã đủ chưa ? Thầy M.H. hỏi.
Có tiếng nhao nhao:
- Chưa, chưa, xin thầy cho xem thêm mấy chuyện nữa !
- Nào, muốn gì thì cứ đề nghị !
- Xin cho nghe hộp nhạc ạ, Heddon bảo.
Thầy M.H. đi lại bàn giấy, mở ngăn kéo lấy ra một hộp nhạc nhỏ, chơi bằng cách vặn giây thiều.
- Bây giờ có ai khóa cửa phòng và cất chìa khóa vào túi để cho thấy là không có gian lận nhé ? thầy hỏi.
Ông Galais tình nguyện. Khóa xong cửa phòng ông giơ chìa lên cho mọi người thấy rồi cất nó vào túi.
- Hiện tượng này, thầy M.H. nói, là chuyện mà người đồng hay làm. Chúng ta không cần có vong linh người chết nào để giúp cả. Sẵn sàng chưa ? Đây, xem này !
Hộp nhạc bay lên trong không, quay vài vòng trong phòng trên đầu chúng tôi rồi bay xuyên thẳng qua một trong những cánh cửa đóng và chúng tôi vẫn còn nghe nó chơi nhạc ở hành lang. Có tiếng phịch – hẳn nhiên là hộp đã rơi xuống – và rồi lặng yên. Trong nhóm có người sững sờ, người khác thích chí, họ đã từng thấy trò này trước kia.
- Tốt hơn hãy xem kỹ là hộp nhạc ở ngoài phòng, thầy M.H. nói và làm như nháy mắt. Galais, lấy chìa khóa ra.
Ông móc ra chùm chìa khóa trong túi, giơ lên cao cho mọi người thấy và bắt đầu mở khóa cửa. Nhiều người chúng tôi xúm quanh ông; và đúng như đã nghĩ, món đồ chơi nằm trên thảm ngoài phòng. Ông Galais nhặt nó lên và đưa cho thầy M.H coi, ngài bỏ hộp vào bàn trở lại.
- Cho các con một trò nữa, rồi thầy bảo, muốn trò gì đây ?
- Mẹ con gửi cho con một chùm nho lớn, một dương cầm thủ nói, anh Hausmann, nó nằm trên bàn trong phòng ăn nhà con, thầy mang nó tới đây được không ?
- Ai đó lấy cho thầy tờ báo, Chân sư trả lời. Arkwright ra khỏi phòng và rồi trở vào với tờ New York Herald. Thầy M.H. xếp trang báo thành hình chóp nón, như cái quặng, nhắm mắt một chút rồi thò tay vào lòng hình nón, lấy ra một chùm nho đen thật tuyệt vời.
- Cho các bạn con thưởng thức được không ? thầy vui vẻ hỏi Hausmann.
- Được chứ ạ, xin chuyền chùm nho cho mọi người.
Tất cả chúng tôi đều nếm và đó là nho thật, mọng nước một cách lạ lùng.
- Xong rồi nhé, thầy nghĩ chúng ta đã xem đủ phép lạ rồi. Thầy đề nghị Hausmann cho ta nghe một ít nhạc Scriabine.
- Và sau đó xin thầy giảng một bài ngắn, có người thêm vào, đó là cách tuyệt vời để đón mừng năm mới cho tụi con !
Những người khác xúm vô:
- Phải rồi, xin thầy giảng ạ !
Thầy M.H. mỉm cười.
- Cũng được, nếu con muốn ...
(còn tiếp)
Ghi Chú:
Bàn về "phép lạ", bà Blavatsky nói rằng thực ra không có, điều mà ta gọi là phép lạ chỉ là việc áp dụng những luật trong thiên nhiên cho ai biết thuật. Chỉ bởi khoa học chưa biết những luật này nên không thể cắt nghĩa, và nhân gian mới gọi là phép lạ. Sau đây là vài giải thích dựa theo quyển The Ocean of Thesophy, by William Q. Judge.
Sự khinh thân có vẻ như thách đố lại sức trọng trường là chuyện có thể làm dễ dàng, khi người ta nắm vững nguyên tắc. Thuật ấy không đi ngược lại luật nào cả, vì sức hút trái đất chỉ mới là nửa luật. Khoa học gọi là sức hút trái đất nhưng chữ đúng thực là sức hấp dẫn, và nửa kia của luật là sức xô đẩy, và cả hai chịu sự quản trị của những luật về điện lực. Trọng lượng và sự ổn định tùy thuộc vào tính phân cực, khi cực của một vật thay đổi so với mặt đất ngay bên dưới nó thì vật ấy có thể bay lên. Nhưng bởi vật vô tri không có tâm thức như người, chúng không thể bay lên nếu không có những trợ giúp khác. Với con người thì thân xác sẽ bay lên không như chim mà không cần trợ lực khi cực của nó thay đổi. Sự thay đổi có được một cách hữu ý khi con người tập luyện hơi thở theo phương pháp được biết từ lâu của Á đông, mà cũng có thể xẩy ra do sự trợ giúp của những lực tự nhiên, trong trường hợp ấy người ta không cần dùng luật mà cũng tạo được hiện tượng như thấy nơi các vị thánh của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã.
Một luật khác cũng về hiện tượng là luật Kết tụ (Cohesion). Người ta cần biết luật này nếu muốn làm một số hiện tượng như việc tròng một vòng sắt đặc này xuyên qua vòng kia, hoặc đưa một hòn đá đi ngang qua bức tường đặc; trong cả hai hiện tượng có sự tác động của một lực khác là lực Phân tán (Dispersion). Kết tụ là lực chính vì khi lực Phân tán rút đi, lực Kết tụ khiến các phần tử trở lại vị trí ban đầu của chúng. (Thí dụ là hộp nhạc trong chuyện Vị Chân Sư số này và những hiện tượng trong chuyện H.P.B.)
Người biết thuật sử dụng các luật nói trên có thể làm tản ra xa khỏi nhau những hạt nguyên tử của một vật – mà cơ thể con người là ngoại lệ – khiến cho vật trở nên vô hình, và rồi gửi chúng theo đường lực tạo ra trong cảnh thanh khí ether đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Tới nơi đã định thì lực phân tán rút lui, khi đó lực kết tụ tác động trở lại tức thì và vật hiện hình nguyên vẹn như cũ.
Ta nghe như chuyện khoa học giả tưởng và cái trí duy vật tự hỏi làm sao việc có thể xẩy ra, khi không có dụng cụ nào thấy được. Dụng cụ ở đây là thân hình và trí não của con người, não người được biết là cơ quan sinh ra lực vô tận; sự hiểu biết toàn vẹn về các luật trong thiên nhiên, cơ chế tác động cùng với cái trí có tập luyện cho con người quyền năng sử dụng lực. Sự hiểu biết cộng thêm niềm tin khiến con người làm chủ được vật chất, trí não, không gian và thời gian.
Người hiểu biết dùng những quyền năng này có thể tạo ra trước mắt ta vật hữu hình vài phút trước đây không có, là vật thật cho ta cầm, nắm giữ, có bất cứ hình dạng nào. Thế gian gọi đây là biến hóa nhưng sự việc rất là đơn giản. Chất liệu hiện diện lửng lơ trong không khí quanh chúng ta. Mỗi hạt chất liệu dù hữu hình hay chưa tượng hình, đã trải qua mọi hình dạng có thể có được. Chuyện mà vị đạo sư làm là chọn lấy một hình thức muốn có nào hiện hữu trong cõi Akasha, và rồi dùng ý chí cùng óc tưởng tượng, bao phủ hình ấy bằng chất liệu, dùng hình như cái khuôn và khiến chất liệu tụ lại quanh đó. Vật làm bằng cách ấy sẽ dần dần tan biến đi trừ phi người ta áp dụng một số phương pháp khác, khi đó vật sẽ còn hoài.
Cũng y vậy, nếu muốn làm chữ viết hiện trên giấy hay mặt phẳng nào thì người ta dùng cùng những luật và quyền năng. Hình ảnh rõ rệt – y như chụp hình và sắc nét – của từng hàng chữ hay là hình, được tượng rõ trong trí và rồi trí não thu hút chất liệu trong không cho tụ vào giới hạn mà não đặt ra. Những quyền năng này muốn nói Ý chí con người mạnh mẽ, và Óc Tưởng tượng là quan năng hữu dụng nhất có lực sống động. Óc tưởng tượng là quyền năng tạo hình của trí người. Nơi người trung bình khả năng này không được tập luyện nên không hơn gì sự mơ màng, nhưng khi có huấn luyện thì nó tạo thành khuôn bằng chất liệu cõi tình cảm, sinh ra vật ở cõi trần. Nó là quyền năng lớn lao nhất sau Ý chí, Ý chí không làm được chuyện nếu có óc tưởng tượng yếu kém hay không được huấn luyện.
Một hiện tượng khác hay thấy là việc di chuyển vật mà không có sự tiếp xúc, đụng chạm vào vật. Chuyện làm được bằng nhiều cách, cách đầu tiên là dang dài ra từ cơ thể cánh tay của thể tình cảm nắm lấy vật muốn mang đi nơi khác, trong khoảng cách hơn 3 m. Cách thứ hai là sai khiến tinh linh, khi đó tinh linh di chuyển vật bằng cách thay đổi cực như nói ở trên, và ai quan sát thấy vật chuyển di làm như không có gì nâng đỡ. Tinh linh được dùng khi người ta muốn mang vật xa hơn khoảng cách mà cánh tay thể vía có thể vươn ra.