VỊ CHÂN SƯ Quyển II - The Initiate in the New World
CHƯƠNG XXI
QUYẾT ĐỊNH
Thầy M.H. cho tôi cuộc hẹn chiều hôm sau vào giờ trà. Khi đến nơi tôi thấy ngài không có vẻ nghiêm nghị như thấy trong kỳ trước.
– Nào, thầy cất lời vui vẻ khi tôi bước vào, vui vẻ chứ, hở con. Ngài cầm lấy tay tôi. Công chuyện ra sao lúc này ? Con đến để hỏi thầy đôi điều hay để cho thầy biết việc gì đây ?
– Cả hai ạ, tôi thưa, và con nghĩ là thầy biết.
Ngài trả lời bằng nụ cười riêng. Tôi nói.
– Con quyết định làm điều mà thầy yêu cầu.
– Thầy mừng lắm, con à, rất là mừng, ngài nói một cách thương mến; sự ân cần che chở lộ ra trở lại trong giọng nói ngài.
– Nhưng có mấy chuyện làm con thắc mắc ...
– À, tốt, có thể thầy sẽ giải tỏa được cho con.
– Con không muốn tỏ ra kiêu ngạo – nhưng con nghĩ có thể an tâm nói rằng tính ra con là người có óc triết lý chút ít; con nghĩ mình thực sự hấp thu khá nhiều thái độ đúng đắn về cuộc đời. Nhiều chuyện không còn khiến con bận tâm – con muốn nói là loại chuyện có vẻ như làm người khác bực bội.
Ngài khoanh tay và nhìn tôi chăm chú trong lúc lắng nghe.
– Đúng là, tôi nói tiếp, con chống đối hôn nhân, vì với tánh khí của mình con nghĩ là hôn nhân sẽ không hợp. Con không phải là người thấy quanh mình có hàng ngàn lứa đôi không có hạnh phúc và tin rằng mình ngoại lệ. Ngoài điều đó ra con luôn luôn nghĩ rằng hôn nhân sẽ là trở ngại cho việc làm của con. Con tin cái thuyết nói rằng nghệ sĩ phải thành hôn không phải với một nữ nhân mà với việc làm của họ. Ngoài ra, làm sao con có thể hy vọng viết được điều hay khi có thằng bé con thổi kèn te te bên cạnh, hoặc hét tướng lên ?
Thầy M. H. cười to vui vẻ.
– Con cũng biết rằng lập gia đình mà từ chối không muốn có con thì cũng không phải. Ít nhất con có đủ thiện cảm và hiểu biết để cảm nhận sẽ có bất công, nếu cấm người đàn bà điều mong ước lớn nhất và tự nhiên nhất trong đời họ. Có người nói với con rằng hôn nhân có nhiều ý nghĩa với phái nữ hơn là phái nam, vì nỗi mong ước mạnh mẽ, tuy vô thức, muốn có con. Phải vậy chăng ?
Ngài gật đầu.
– Vậy thầy thấy là nếu con có lòng đố kỵ với hôn nhân thì nó không phải do khó tánh, mà dựa trên điều con cho là hợp lý. Nay qua phần con thấy khó hiểu trong trọn câu chuyện. Tuy thầy cho con thấy hôn nhân theo nghĩa hoàn toàn mới lạ, và con tin những gì thầy nói là thật nhưng tại sao con lại đau khổ thế này ? Khi xem xét sự việc với lý trí điềm tĩnh, lạnh lùng, con không thấy có gì đáng phải lo lắng. Chẳng nhiều thì ít, nó giống như sống chung với một người bạn và về chuyện đó thì trong đời con đã nhiều lần sống chung với bạn, rất vui vẻ. Lẽ tự nhiên nay phải kể về mặt thân xác thì Viola đâu có già nua hoặc gù lưng, hoặc không đẹp người. Con nghĩ nhiều người sẽ thấy cô rất quyến rũ.
'Thế thì đối với con, sự đau khổ này có vẻ quá đáng mà cũng không đúng với tâm tánh nói chung và triết lý của con ở đời. Thành ra con tự hỏi tại sao như thế – hay đúng hơn là con tới đây để hỏi thầy tại sao.
– Trọn câu chuyện có thể giải thích gọn trong ba chữ là phe Tả Đạo, ngài đáp, đưa tôi điếu xì gà và lấy một điếu cho mình. Con à, con không thấy những huynh đệ tả đạo bị thiệt hại mọi điều vì cuộc hôn nhân sắp tới này hay sao, thế nên họ làm mọi chuyện có thể làm để ngăn cả nó ? Họ đã lo lắng nhiều về hoạt động của con đang làm, vì điều lành mà việc ấy sẽ sinh ra khi nhân loại sẵn sàng hơn và chịu chấp nhận nó; nhưng nếu nhờ hôn nhân mà công việc ấy mạnh mẽ gấp mười thì có lạ gì khi họ tìm cách làm con thất bại ?
– Liệu họ có thành công không ? Tôi lo lắng hỏi.
– Trừ phi con cho phép họ thắng. Và hãy nhớ là con có những vị Chân Sư Minh Triết trợ lực.
– Còn một điều khác con muốn hỏi Thầy – về Karma.
– Được lắm, con muốn hỏi gì ?
– Con nghe Viola thuật là trong một kiếp con làm hại cô và sang kiếp sau đó cô làm hại con; nếu quả vậy thì tại sao nhân quả không huề nhau ?
– Con à, hai chuyện sai hợp lại không thành chuyện đúng. Nếu trong kiếp vừa rồi con tha thứ lỗi lầm cô đã làm cho con thì hẳn chuyện sẽ khác. Nhưng khi cô ruồng bỏ con, con nghe theo lòng kiêu hãnh và giận dữ, biến tình yêu thành oán hận. Phải chi có chuyện ngược lại thì trong kiếp này, con đã không bị dằng co trong lòng như đang xáo trộn hiện nay, bởi con sẽ tự nhiên thấy yêu thương cô.
– Nhưng còn phe Tả Đạo thì sao ?
– Họ sẽ tìm cách khác để chia cách hai con – thí dụ gây ảnh hưởng để cha mẹ cô không bằng lòng con, hoặc chuyện khác tương tự vậy. Có nhiều cách để làm người ta bị khó chịu.
– Thiệt lạ là con đáng được lưu tâm như vậy.
– Con à, ngài thương mến nói, các vị Chân sư chúng ta không dè sẻn lời khen và lời khuyến khích khi đúng dịp, thế nên ta không ngần ngại nói rằng lòng thanh khiết tuyệt mức của con làm các Chân sư chính đạo vui mừng, nhưng lại khiến những vị tả đạo giận dữ. Không có mấy người có tinh thần phụng sự mạnh mẽ như con. Chính điều này làm các Chân sư lưu ý và vì thế mà vị Đại Chân sư phái Thầy đến London gặp con, lẽ tự nhiên là con không hay biết về vai trò của Ngài trong chuyện.
'Phải, con ạ, nhiều việc xem ra tình cờ mà thật ra không có gì là ngẫu nhiên cả, và con nên cám ơn là nhờ tấm lòng thanh khiết của mình mà trong kiếp này con và Ta được gặp nhau. Và nếu mai sau con đạt được tâm An Lạc, như thầy hy vọng con sẽ đạt, con lại nên cám ơn niềm tin, sự vâng lời và nỗ lực của mình. Vậy hãy làm hết sức mình để hoàn thành việc con đã bắt đầu một cách tốt đẹp. Và khi những huynh đệ Tả Đạo dựng nên bức tường ngăn cách con và thiếu nữ mà chúng ta đã chọn để cô giúp con trên đường Đạo, con chỉ cần kêu gọi tình thương của các Chân sư tuôn xuống cô – và bức tường sẽ biến mất. Hãy làm vậy mỗi lần chuyện xẩy ra, và tới một ngày nó sẽ không xẩy ra nữa.
'Cũng vậy, hỡi con, thỉnh thoảng cầm lấy tay cô, có cử chỉ tỏ tình thương yêu quí mến ngay cả khi con không cảm thấy như thế trong lòng; và nếu cô cũng đối xử giống vậy với con thì đừng tránh né mà hãy đón nhận vì Tình Thương Duy Nhất – Tình Thương Vô Điều Kiện. Hãy học đáp ứng với chuyện riêng tư xuyên qua chuyện vô tư. Từ trước tới nay con chỉ thương yêu những ai hấp dẫn con, làm vậy không có gì khó; nhưng nay con phải học thương yêu người không thu hút con, và điều ấy chỉ đạt được nhờ Tình Thương vô tư.
'Và hãy ý thức rằng khi đạt được tình thương như vậy thì nó không bao giờ có thể bị phe Tả Đạo phá hoại, vì họ chỉ có thể ảnh hưởng cái tôi nơi cõi trung giới – còn những cõi cao hơn họ không bao giờ đụng tới được ... Nay còn điều gì thêm con muốn hỏi thầy ?
– Vâng – chỉ một điều thôi, là về thử thách.
– Được ? Con thắc mắc chuyện gì ?
– Hôm nọ thầy nói là Clare cũng có thử thách riêng của cô. Con nghe lời thầy và cho cô hay điều mà thầy đề nghị – con muốn nói là cô xét lại những đắn đo của lòng một cách thẳng thắn. Con cũng nói là bao lâu con còn ở trên đất Mỹ thì con tin là theo ý thầy, không nên vì cuộc hôn nhân sắp tới mà có thay đổi sự việc.
– Phải lắm, con à.
– Chà, con sắp nói chuyện nghe có vẻ lạ trong hoàn cảnh hiện giờ, vì từ bỏ Clare lúc này là chuyện rất khó cho con, nên xin Thầy đừng hiểu lầm con. Tuy nhiên, nếu thầy bảo cô từ bỏ con bây giờ thì không phải đó là thử thách lớn hơn cho cô hay sao ?
Ngài cười một cách âu yếm, và câu trả lời của ngài đối với tôi – có sức dẫn dụ thật sâu xa.
– Hỡi con, ngài đáp, điều gì ngoài mặt có vẻ đau lòng vô cùng thì tính ra không phải luôn luôn là bài học hữu ích hơn hết. Để ta cho con một thí dụ giản dị. Giả thử có một cô – hiển nhiên ta không ám chỉ Clare trong trường hợp này – vừa hết sức kiêu hãnh vừa câu nệ mạnh mẽ, thương yêu một anh mà người này không cầu hôn cô, với lý do là anh muốn biết về tâm tánh cô trước khi nên cầu hôn. Vậy có phải là cô gái sẽ học được nhiều hơn khi thắng lòng kiêu hãnh và óc câu nệ của mình, so với việc bỏ rơi anh chàng cho dù cô bị đau khổ khi bỏ rơi anh ?
Tôi bắt đầu hiểu được ý thầy.
– Dĩ nhiên người đời không thấy được tâm cô sẽ bảo rằng cô đúng – và quả đúng thế khi nhìn theo thói đời. Hãy xem trường hợp của con. Nếu con cho người khác – không phải ai thuận theo thói đời mà là người đã có ý niệm tinh thần phần lớn do đọc sách đạo và Thông Thiên Học – hay rằng con sắp thành hôn với một cô, mà cô này không thương yêu con và con cũng không thương yêu cô, thì con có được câu đáp ra sao ? Họ sẽ cho con hay rằng đó là chuyện vô đạo đức, bậy bạ khi có liên hệ thân mật với bất cứ ai, trừ phi con thật lòng yêu thương cô gái.
Vậy mà nay, Ta, một trong các bậc Huynh Trưởng, yêu cầu con làm chính chuyện ấy. Giờ con hiểu rồi chăng ? Nếu Clare có thể học bài học đặc biệt mà thầy tin cô phải học bằng cách từ bỏ con lúc này, hẳn thầy sẽ kêu cô làm vậy; nhưng khi nhìn vào tâm tánh cô Ta hiểu là cô sẽ học được bài học lớn hơn bằng cách không từ bỏ con. Này con, hãy để thầy phán đoán sự việc mà con đừng làm chuyện ấy, và ta mừng là con thuận theo lời khuyên của ta, ngay cả khi con không nhìn ra ý nghĩa của nó.
Ngài đứng lên khỏi ghế, tôi cho đó là ý muốn nói tôi không nên ở nán lâu hơn. Nhưng khi tới cửa thầy cầm chặt tay tôi và nói.
– Thầy ban phước lành cho quyết tâm mà con đã chọn, con à.
Và tôi ra về, thấy vui vẻ hơn so với mấy ngày qua.
CHƯƠNG XXII
TÍNH DỤC
Chẳng bao lâu sau buổi nói chuyện này, trong một buổi giảng thứ sáu thầy M.H. đưa ra một số ý tưởng soi sáng vấn đề tính dục và đạo đức ngày nay về mặt tình dục.
Viola hỏi ý kiến của ngài về phân tâm học.
– Khoa học này, thầy đáp, chứng tỏ là nó có ích lợi trong một số trường hợp như khi bệnh tâm thần có là do ấn tượng ghi nhận lúc thơ ấu, hoặc sao đi nữa được ghi nhận trong kiếp hiện sinh của bệnh nhân. Tuy nhiên bởi đa số nhà phân tâm học không nhìn nhận có sự hiện hữu của bất cứ chuyện gì bên ngoài cõi vật chất, và do đó không kể đến các thể thanh của con người, luật nhân quả và luật tái sinh, phần lớn là họ mò mẫm trong bóng tối, làm việc với những lực mà họ không thực sự thấu hiểu và do đó, sử dụng chút ít kiến thức mà tự nó là điều thật nguy hiểm.
'Thí dụ thầy biết có trường hợp nhà phân tâm học vô tình đi quá sâu vào tiềm thức của bệnh nhân, khám phá ra ký ức về những kiếp đã qua, những điều mà lẽ ra chớ bao giờ nên đụng tới trong kiếp này. Bởi phần lớn các hồi ức này có bản chất sơ khai, nhiều đau khổ gây chấn động cho cái tôi, bệnh nhân bị chìm đắm trong cảm giác có lỗi, hối hận, thấy mình thấp hèn. Thế nên thay vì đạt được mục đích chân thực của nhà phân tâm học là hòa hợp trọn bản thể cho bệnh nhân, kết quả là họ có được chuyện trái lại.
'Dầu vậy điều mà ta có lý do đặc biệt để cám ơn ông Freud và những ai nghiên cứu về khoa này, là cách mà họ từ từ giáo hóa con người có thái độ hợp lý hơn về mọi chuyện liên quan đến tính dục. Họ giúp làm tan biến cái cảm giác ghê tởm được truyền lại từ thời nữ hoàng Victoria. Lý do là điều được gọi là 'trinh bạch' của thời Victoria chỉ là chuyện bề mặt hời hợt mà không phải là tự trong lòng có sự trinh tiết.
'Người 80 tuổi có thể hãnh diện và hài lòng hồi nhớ lại sự ngây thơ và trong trắng đáng yêu trong thời niên thiếu của mình, lúc thiếu nữ con nhà nề nếp sẽ đỏ mặt lên khi có ai nhìn tới các cô, và khi được ngỏ lời cầu hôn thì ngã ra bất tỉnh. Nhưng hãy thử xem tình trạng khác biệt của thời đại đó. Lúc ấy chưa có xe đạp cho phái nữ, không có trò chơi mạnh bạo, không có tập dượt về sức khỏe và làm nẩy nở bắp thịt mà chỉ có những môn giải trí nhẹ nhàng như croquet, thêu thùa, tán chuyện gẫu, dạo đàn và việc tương tự. Vậy chẳng lạ gì thiếu nữ có sự trinh trắng, chẳng lạ gì các cô bất tỉnh và khóc oà dù chỉ mới bị động lòng chút ít, khi cơ thể các cô chứa đầy độc tố vì thiếu vận động.
'Có lòng trinh bạch trong hoàn cảnh như vậy thật dễ biết bao, và do đó không đáng khen cho lắm, nhất là khi con thêm vào đó việc luôn luôn có cô gia sư (governess), có bà vú, cô hầu gái bên cạnh, hoặc bất cứ tai mắt, ai dòm ngó trong xã hội mà con có thể nghĩ ra. Nó chẳng khác nào bị giam mình trong nhà dòng hoặc bị khóa chặt trong cũi ! Nhưng hãy để các nữ tu bung ra thế giới bên ngoài, và để vài chàng thanh niên hào hoa phong nhã bắt đầu làm tình với cô, và ta sẽ thấy các cô thật sự có trinh khiết hay chăng. Bằng chứng của đức hạnh không phải là cách con người xử sự khi họ bị trói buộc, như trong bốn bức tường của nhà dòng hoặc bức tường tế nhị hơn của dư luận hoặc thói đời, mà là cách họ cư xử khi được tự do.
'Mà giới trẻ ngày nay được tự do; một phần là kết quả gián tiếp của thế chiến I và phần khác là do, như ta có nói, khoa phân tâm học vạch ra những tệ hại của việc áp chế tính dục, hệ quả là khá đông cha mẹ và người bảo hộ đã nới lỏng, tỏ ra dễ dãi hơn. Ngược lại có người khác kinh ngạc lớn lao, đau lòng và tự hỏi giới trẻ đã hư hỏng tới đâu, và chừng nào thì sự việc mới chấm dứt ... Tự nhiên đó là câu hỏi của người chỉ có thể nhìn xa một quãng vài năm, và chỉ thấy bề mặt sự việc mà không biết được nguyên do ẩn bên dưới. So sánh thì các Chân sư chúng ta nhìn sự việc theo quan điểm nhiều thế kỷ, xem tình trạng tính dục hiện giờ chỉ là giai đoạn cần thiết trong cuộc tiến hóa.
'Trở lại thí dụ của ta về cô nữ tu và nhà dòng. Cô nữ tu dễ dàng có sự trinh khiết vì không gặp cám dỗ lẫn không có cơ hội để tự buông thả, nhưng giả dụ cô được cho phép bước ra thế giới và được có liên hệ thân mật theo ý mình, không sợ có Mẹ Bề Trên hay ai khác phản đối, thì sao ? Chỉ khi nào dù có tự do mà cô vẫn giữ lòng trinh khiết, thì khi ấy cô mới thật sự sống theo lý tưởng của sự trinh bạch. Động cơ làm cho con người xứng đáng hay không. Cái động cơ thúc đẩy cá nhân học giữ lòng trong trắng, là ước nguyện thanh khiết muốn có sự tự chủ, và chỉ muốn có vậy mà thôi.
' Nói theo một cách thì những bức tường trong xã hội bao lâu nay giam giữ phái nữ, giờ phần lớn đã bị phá sập, người ta bớt sợ hậu quả và vì vậy lý do thuần vật chất của hành vi trinh khiết trên thực tế đã biến mất. Ngay cả ý niệm bị bẻ cong nói rằng lòng si mê tình dục tự nó là điều xấu, hoặc thấp hèn, hoặc ngược với tiến bộ tinh thần, đang giảm bớt ảnh hưởng trong dư luận. Vậy còn lý do nào, hay nói đúng hơn sẽ còn lý do nào khi các bức tường hoàn toàn sụp đổ ? Không còn lý do nào – ngoại trừ lý do trong nội tâm: cái ước muốn nắm quyền kiểm soát, cái lý do duy nhất muốn làm chủ mọi mặt của thiên nhiên thay vì làm tôi tớ cho nó.
Thầy ngưng chốc lát, và một lúc sau tiếp tục giảng.
– Nay ta đang nói về đề tài tính dục thì thầy cũng nên thêm vài lời về những loại tính dục bất thường. Như các con đã biết, khoa phân tâm có chú ý đến điều này nhưng thầy nghĩ chỉ có nhà huyền bí học mới đi đến tận gốc rễ của vấn đề, và khi làm vậy, giúp xóa bỏ lòng thiếu khoan dung sâu đậm đối với những người ấy. Nghe thì có vẻ lạ nhưng sự bất thường về tính dục không nhất thiết là dấu hiệu của đồi bại ghê gớm; thường khi nó là dấu hiệu của Chân Nhân cố gắng khắc phục hoàn toàn lòng ham muốn tình dục.
'Đôi khi đó là trường hợp một ai phát triển thể trí trước khi phát triển thể tình cảm, hoặc linh hồn tìm cách tiến bước quá mau so với thân xác nó đang cư ngụ mà không đủ sức quản trị. Con có thể nghĩ là phương pháp ấy quả lạ lùng, nhưng cách biểu lộ nơi cõi trần mới là chuyện lạ mà không phải là phương pháp. Ta hãy lấy một thí dụ ngoài thiên nhiên. Giả thử con dựng tấm ván chặn ngang dòng suối thì chuyện gì xẩy ra ? Nước bị ngăn không cho chẩy theo cách bình thường của nó sẽ túa làm nhiều rãnh nhỏ, chẩy một quãng xa theo đủ mọi hướng. Lực tình dục cũng giống y vậy. Khi tìm cách chặn nó thì kết quả là nó sẽ bung thành nhiều đường phụ có vẻ khác xa tính dục bình thường, tựa như nhiều khe nước nhỏ tuôn ra từ dòng tự nhiên của con suối.
'Và như thế nếu có thể ý thức điều này khi gặp ai có tính dục bất thường, cùng chỉ dạy người khác cũng ý thức giống vậy, là con giúp nhân loại tiến đến việc có từ tâm hơn thay vì sinh cảm giác ghê tởm, khinh bỉ và xua đuổi, là phản ứng mà họ thường có đối với những chuyện bất thường, vì họ không hiểu. Hiển nhiên điều hay thấy là ai bất bình thường về mặt này không ý thức được chân nhân của họ đang muốn thực hiện điều chi, nhưng chuyện ấy không làm thay đổi sự kiện.
'Ở đây, sự hiểu biết của các con về huyền bí học có thể giúp được nhiều. Có lần thầy nghe chuyện một thanh niên tự tử vì một trong những bất thường này. Anh là người lý tưởng có khuynh hướng tinh thần, và trong một kiếp trước từng là tu sĩ. Nếu có ai hiểu biết về huyền bí học có thể giải thích cho anh rõ lý do ẩn sau tính dục bất thường của anh, hẳn thanh niên đã được cứu thoát; bởi chỉ vì lòng xấu hổ quá mạnh sinh ra do sự dằng co giữa những lý tưởng của anh và lòng ham muốn đã khiến anh bỏ xác.
'Lại nữa, những bất thường này đôi lúc còn là do việc linh hồn, tự nó không có phái tính, cư ngụ trong thân xác phái nam hay phái nữ ở cõi trần; nếu người nam kiếp này có kiếp ngay trước đây là người nữ hoặc ngược lại, khuynh hướng có khi được duy trì dẫn đến việc lập lại thói quen tình dục của kiếp đã qua ấy, bất kể sự khác biệt về thân xác hiện giờ. Người như vậy không thể được chữa hết bằng sự trừng phạt, mà chỉ do trị liệu bằng phân tâm học theo một phương pháp rất chuyên môn.
'Với câu hỏi như vầy, các con thấy ngay vấn đề là nhìn cho đủ sâu, và ai ở vị thế có thể làm vậy nên giúp ai khác không nhìn ra. Hiểu biết là quyền lực, nhưng chớ quên rằng quyền lực ấy phải được dùng cho người khác mà không phải cho chính mình. Càng tiến hóa nhiều ta càng có thể cảm được những khó khăn, tội lỗi và ham muốn của đồng loại. Có nhiều người học hỏi huyền bí học và những người khác hoàn toàn không nhận ra điều này, họ còn kinh ngạc thấy rằng các Chân sư chúng ta lại bàn luận về sự bất thường trong tính dục.
'Họ tưởng tượng chúng ta phải không nên hé môi nói tới những chuyện như vậy, nhưng tiếc là họ sai lầm mà không phải chúng ta. Liệu các ngài có bị dơ miệng vì tâm thương yêu 'nhân loại là trẻ mồ côi lớn lao' như một trong các Chân sư đã nói chăng ? Hãy nhớ rằng tình thương mà không đi kèm với lòng cảm thông, thì không phải là tình thương như các ngài hiểu theo nghĩa trọn vẹn hơn hết của chữ ấy. Và chắc chắn phận sự của tình thương chân thật là cảm thông, và có lòng thiện cảm với mọi giai đoạn của sự sống, dù đó là bất cứ giai đoạn gì; nhất là những giai đoạn mang lại sự khổ tâm, đau lòng cho người mà ta thương mến.
CHƯƠNG XXIII
LÝ DO THỬ THÁCH CỦA CLARE
Thời gian thăm viếng Hoa Kỳ của tôi kéo dài cho đến Giáng Sinh, và tôi dành cả ngày Giáng Sinh với gia đình Delafield. Đến tối gia đình mở tiệc mời nhiều bạn bè tới, kể luôn cả Viola.
Chuyện đáng khen cho Clare và Viola là dự định hôn nhân sắp tới không làm giảm tình bạn của hai cô với nhau mà thực ra tăng cường nó hơn. Hai cô hóa thân tình với nhau hơn bao giờ hết. Quả họ là linh hồn tiến hóa – bằng không làm sao họ được là đệ tử của thầy M.H. ? – bầy tỏ sự thông cảm với nhau; Clare với Viola vì phải thành hôn với tôi, và Viola với Clare vì phải mất tôi, không phải do chính cuộc hôn nhân mà vì sự chia cách chẳng bao lâu sẽ tới không tránh được. Ngày về của tôi đã thấy trước mắt, và Clare bắt đầu lo lắng về việc chia tay, tôi cũng vậy.
Dù yêu quí nhau rất nhiều, cả hai chúng tôi có đủ sáng suốt để hiểu rằng tình yêu này khó mà qua được thử thách của thời gian và sự xa cách. Nhưng để cho tình yêu của chúng tôi phai nhạt từ từ, và ngăn chặn nó ngay ở lúc sâu đậm nhất như Clare tưởng chúng tôi phải làm, là hai chuyện rất khác nhau; và về sau tôi được biết là nhờ Viola hơn là nhờ tôi mà cô chót hết quyết định không làm điều thứ hai.
Tôi cũng khám phá tại sao thử thách mà thầy M.H. đặt ra cho Clare không nhắm đòi hỏi nàng từ bỏ tôi: thầy muốn thử thách niềm tin của nàng và hơn nữa, khiến Clare ý thức điều mà ngài làm tôi chú ý trong cuộc nói chuyện vừa rồi của hai chúng tôi. Vì đối với người Anh, cho dù Clare tỏ ra phóng khoáng ra sao đi nữa, là thiếu nữ Hoa Kỳ cô tỏ ra không cởi mở như bề ngoài gợi ý. Có nhiều phụ nữ Hoa Kỳ thấy không có gì là sai lầm khi cho phép người đàn ông mà họ thương yêu có được tự do phần nào, miễn các ông này đừng hứa hôn hay lập gia đình.
Vì thế, vừa khi tôi có hứa hôn thì Clare lộ ra tính câu nệ trong bản tánh của nàng như Chân sư thấy được mà tôi thì không nghi ngờ gì. Khi chúng tôi mới thảo luận về cuộc hôn nhân, Clare nại cớ với tôi là Viola có thể bị tổn thương nếu hai chúng tôi tiếp tục yêu quí nhau, nhưng đó chỉ là giả vờ và chính tôi cũng biết vậy. Trong nhiều cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi về đề tài này, nàng bảo:
– Có vẻ như ngài muốn kêu em làm chuyện thực ra là bậy, chẳng những em mà luôn cả ba chúng ta.
– Sao vậy ? tôi hỏi.
– Trước hết, chà, ngài cho phép anh và em thương yêu nhau, rồi vài tuần sau ngài kêu anh hứa hôn với Viola; sau khi anh hứa hôn rồi thầy bảo anh là em không cần phải từ bỏ anh. Anh yêu, anh có chắc mình không có lẩm cẩm đó chứ ?
– Anh tin chắc lắm.
– Vậy thì em không hiểu gì hết.
– Sao em không chính mình tới hỏi thầy ?
– Em có hơi sợ. Ngoài ra thầy có thể nói 'Con đã nghe hai người thuật lại, vậy không đủ sao?'.
– Thế ra Viola cũng cho em biết ư ?
– M'mm.
– Anh thắc mắc sao em lại ngượng ngùng với Thầy ? tôi nói. Có khi có mặt thầy thì em không là Clare thường ngày. Cách em ăn nói cũng khác đi. Em mất cách đặt câu của người Mỹ mà anh cảm thấy rất thú vị.
– Anh dễ yêu chưa, nàng đáp, nắm chặt lấy tay tôi. Nhưng em thực sự khác biệt à ?
– Lẽ tự nhiên em khác, và em biết thế.
Nàng cười.
– Mà thầy khả ái quá, gây ấn tượng mạnh và –
– Nếu ngài tuyệt vời như vậy, tôi ngắt lời, sao em còn nghi ngờ thầy ?
– Em không biết, em không muốn nghi ngờ Chân sư, nhưng ngài kêu chúng ta làm chuyện lạ lùng phải không ?
Sao đi nữa chuyện chấm dứt khi nàng qua được cuộc thử thách và vì lý do đó, thầy M.H. kêu nàng đến gặp ngài vào hôm trước lễ Giáng Sinh.
– Thầy khả ái hết sức, nàng bảo và tôi không dừng được mà phải cười phá lên, cho dù đã bắt đầu quen với cách nói chuyện của người Mỹ – nhiều cô gái hay dùng cách nói này. Mới đầu em sợ nhưng em nghĩ đã hết sợ rồi, hy vọng vậy.
– Kể anh nghe thầy đã nói gì, được không ?
– Được chứ, nhưng kể thì không bằng như nghe chính thầy nói.
– Không sao đâu. Thầy có nghiêm nghị không ?
– Mới đầu thì không. Ngài thấy em không tươi tỉnh nên nói chuyện vui vẻ lắm.
– Sau đó thì sao ?
– Thầy hóa nghiêm trang hơn, nhưng rất là dễ yêu – luôn miệng nói 'con à'. Chỉ nghe thầy giảng ở những buổi học thì không biết mấy về ngài.
– Nhưng hẳn là em đã thấy phần nào con người thật vào hôm đi nghĩa trang ở nhà thờ chứ ?
– Có, nhưng anh quên là sau khi nghe ngài giảng hôm thứ tư, coi thầy khác lạ lắm. Làm như thầy có rất nhiều cái ngã. Hôm qua thầy lại khác nữa, tuy giống hơn lần mà tụi mình với thầy đi chơi chung.
– Ngài có nói nhiều về tụi mình không ?
– Ồ, nhiều lắm.
– Thầy nói chuyện gì ?
– Chuyện hay.
– Trời, kể cho anh nghe đi.
– Tuôn ra bây giờ không dễ đâu.
Cuối cùng nàng cho tôi một ấn tượng khá đủ về buổi nói chuyện ấy. Mới đầu ngài khen nàng là đã có niềm tin thắng được sự nghi ngờ.
– Này con, ngài nói, không có niềm tin thì ta không thành đạt được gì trong đời – ta cũng không thể băng qua đường được.
Nàng thấy lạ lùng, nghe kỳ lạ khó tin quá.
– Nào, không phải vậy sao ? thầy tiếp tục. Con có chịu băng qua đường nếu không có đủ niềm tin để ý thức rằng mình sẽ tới được bên kia ? Đúng là niềm tin ấy dựa trên ký ức và kinh nghiệm, do đó có hiểu biết – nhưng cũng vẫn là niềm tin. Và như vậy, hỡi con, nếu muốn tiến mau thì chớ mất niềm tin một giây phút nào.
– Nhưng nghe giống như Thiên Chúa giáo thông thường nói, nàng phản đối, nghĩ mình quả thật bạo dạn khi làm vậy.
– Có nhiều điều trong Thiên Chúa giáo thông thường không nên bị bài xích, thầy cười một cách nghiêm trang, mà cũng có sự khác biệt. Một số giáo sĩ giảng đạo Thiên Chúa cho rằng ráng tin chuyện không thể nào tin được là điều hay nên làm – ta gọi đó là đức tin mù quáng. Niềm tin không mù quáng thì hoặc dựa trên hiểu biết mà thôi, hoặc cả hiểu biết và óc tưởng tượng.
Nàng lại thấy khó hiểu.
– Khi con quyết định không chia tay với anh Broadbent, con làm vậy mà không hiểu gì cả.
– Thế tại sao con vẫn làm, hở con ? Thầy hỏi thật nhẹ nhàng.
– Vì thầy muốn con xử sự như thế, con nghĩ vậy.
– Và không phải vì óc tưởng tượng của con bảo rằng thầy có lý do rất tốt để muốn con làm vậy ?
– Dạ đúng – con chắc có việc đó.
– Chà, bảo rằng dù thầy có tính lạ lùng nhưng nói cho đúng thì con cũng hiểu được thầy phần nào, còn điều nào chưa hiểu thì con dựa vào óc tưởng tượng, có đúng không ? Cả hai điều hợp lại thành niềm tin của con, và nhờ niềm tin mà con tiến bộ.
Thầy ngưng một chốc rồi thêm vào:
– Người đàn ông mà con thương yêu là học trò rất đáng mến của thầy – chính niềm tin không lay chuyển của anh làm ta và các Chân sư khác quí chuộng anh; hẳn con biết rằng tất cả các Chân sư hòa hợp làm một. Vì niềm tin mà anh sang Hoa Kỳ, và cũng vì niềm tin của mình mà anh có sự hy sinh ta đòi hỏi nơi anh.
– Nhưng chuyện sẽ chấm dứt ra sao – cho con, cho chúng con ? đột nhiên nàng hỏi.
Thầy lại mỉm cười nghiêm nghị.
– Nếu thầy cho các đệ tử biết rõ chuyện tương lai thì họ có lợi điểm hơn người chung quanh, mà họ chưa làm gì để được hưởng điều ấy. Nếu thầy cho con biết là chuyện sẽ kết cục tốt đẹp, vậy đủ rồi.
– Chúng con có sống chung trong những kiếp trước không – con muốn nói anh Broadbent và con đó ? nàng hỏi.
– Có, con ạ.
– Như là sao ?
– Ồ, như là anh và em gái, như mẹ và con trai. Kiếp vừa rồi anh là mẹ con.
Nàng phá ra cười.
– Thấy lạ quá. Nếu đúng vậy thì tại sao kiếp này chúng con lại yêu nhau ?
– Khi hai linh hồn tái ngộ trong thân xác khác phái, mới đầu phần thể chất nổi bật hơn cả.
– Giờ ngẫm nghĩ lại thì điều thầy nói về mẹ và con trai thấy có lý – con luôn luôn cảm thấy thái độ của anh Charlie đối với con có tính che chở lạ lùng.
– Con nhận xét đúng lắm: tình thương của anh rất là có nét bảo bọc. Ngay cả những bài thơ của anh – những bài mà con gợi hứng – có chứa đựng điểm ấy rất nhiều.
– Thầy thực sự nghĩ là con đã gợi hứng cho anh ư ?
– Chắc chắn vậy, con à.
– Ồ, con sung sướng quá ! nàng kêu to.
– Đối với họa sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ, tình yêu là nguồn cảm hứng lớn lao. Đó là lý do phần nào cho việc một số các nghệ sĩ có nhiều cuộc tình. Thế giới miễn cưỡng tha lỗi cho các ông nhưng bạn tình của họ là các cô các bà lại không được người đời miễn thứ. Tuy vậy người ta cũng nên tha thứ cho bạn gái của nghệ sĩ – vì qua tình yêu của họ đối với các nhân vật này, các nữ nhân đã gián tiếp làm phong phú chính cái thế giới đã lên án họ.
– Thầy có lòng từ tuyệt diệu quá ! nàng kêu lên, thầy biết không, đôi lúc con cảm thấy muốn – muốn được hôn thầy ...
Thay vào đó, ngài nâng tay nàng lên và hôn tay để trả lời.
...
– Anh nghĩ em nói vậy có bạo dạn quá không ?
Nàng hỏi tôi với một trong những vẻ hết sức trẻ thơ của mình.
– Thấy rõ là ngài không nghĩ vậy.
– Thầy dễ thương quá phải không ?
Tôi mỉm cười.
– Em là người đáng yêu hơn ai hết ...
Nàng nói đúng lắm, tôi có thấy mình đầy tính bảo bọc, che chở đối với nàng – tôi còn ý thức là tình cảm che chở đang tăng dần. Tình thương của tôi dần dần thay đổi: tôi yêu nàng nhưng không quá say mê với nàng. Có phải đây là điều mà thầy M.H. hàm ý khi nói: 'Đừng lo, con à, chuyện giữa con và Clare sẽ tự nó dàn xếp ổn thỏa' ?
Thầy rời Boston chiều tối trước lễ Giáng sinh và mãi tới thứ tư tuần sau mới trở về, kịp cho bài giảng buổi tối.
– Trong quyển sách nhỏ, ngài mở đầu, tên 'The Real Tolerance' mà đôi khi thầy trích đọc, sách ghi rằng quan điểm là thuốc ngừa chống mọi điều xấu, nhưng điều ấy có đúng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm đó là sao; nó có thể là thuốc ngừa cho điều tốt cũng như điều xấu, và vì lý do đó việc chấp nhận một quan điểm đúng đắn là một trong những điều quan trọng nhất ở đời.
'Hãy nhìn quanh và con sẽ thấy đa số người là nô lệ tệ hại cho quan điểm của họ. Vì quan điểm ấy mà ngay cả ai gọi là người tốt sẽ phạm chuyện bất nhân kinh khiếp cho mình cũng như cho người; kẻ cuồng tín tôn giáo sẽ giơ tay thẳng lên trời hoài cho tới khi tay quắt queo lại; kẻ khác tịnh khẩu nhiều năm; người khác nữa đuổi con gái ra khỏi nhà vì không chồng mà có mang; người thứ tư truất quyền thừa kế con trai một của họ vì anh thành hôn với cô gái bán quán; người thứ năm sẽ bắn tình nhân của vợ mình vì nghĩ rằng danh dự bị xúc phạm của anh đòi hỏi anh phải làm thế; kẻ thứ sáu sẽ không bao giờ đội nón ngoài đường bởi tin là để đầu trần thì tốt tóc. Cứ như thế chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, và tất cả chỉ vì có quan điểm mà ra.
'Có lần thầy đọc quyển The Garden of Allah của tác giả Robert Hichens. Nó là câu chuyện có tính giảng dạy vì cho thấy làm sao một thiếu nữ hiền lành, tốt bụng nhưng do quan niệm độc đoán, sẽ xử sự một cách cứng rắn, thiếu lòng nhân, và do vậy hành hạ người đàn ông mà cô thương yêu và luôn cả chính cô.
'Các con còn nhớ câu chuyện chứ, cuốn sách đó được ưa chuộng lắm, có cô gái theo đạo Công giáo gặp một người đàn ông ở Ai Cập, yêu thương anh sâu đậm và anh cũng say đắm cô. Hai người không ai có ý tìm hiểu tính tình gốc gác của nhau mà vội vàng thành hôn, rồi ngay sau đó dẫn nhau đi thật xa vào sa mạc; trong một thời gian họ có cuộc sống lứa đôi tràn đầy hạnh phúc chỉ biết có nhau. Họ hạnh phúc quá đến nỗi người chồng muốn người vợ hoàn toàn là của mình mà thôi, và anh tức giận khi có bất cứ kẻ lạ hay người quen nào xen vào cuộc sống.
'Nhưng cho dù cuộc tình hết sức mặn nồng, cô vợ có cảm giác là người chồng không hoàn toàn mãn nguyện, có điều chi đó ray rứt tâm hồn, có chuyện kín anh e ngại không dám thố lộ. Và rồi cuối cùng chuyện bung ra, anh cho vợ hay mình là tu sĩ dòng Trappist nhưng đã bỏ dòng sau hai mươi năm, và đã phạm lời khấn. Anh nhập dòng lúc quá trẻ năm 17 tuổi, chưa nhận ra mình có tâm tình cuồng nhiệt, trong một thời gian mọi chuyện trôi chảy nhưng tới ngày kia, nhiều việc hợp lại cộng thêm với vị tu viện trưởng thiếu sáng suốt, anh có thể "cưỡng được mọi chuyện trừ cám dỗ', khiến cuối cùng anh ra khỏi dòng.
'Thử coi, nay nghe lời thú nhận của chồng thì cô hành xử ra sao ? Việc đầu tiên cô làm là bỏ sang lều khác. Không phải vì cô hết thương anh – ồ, không đâu – sau cuộc dằng co trong lòng với chính mình cô đi tới kết luận là thương anh hơn bao giờ hết, dầu vậy cô vẫn sang lều khác ở vì cho rằng ấy là điều phải làm. (Trong tất cả chuyện tranh cãi của lứa đôi, việc đầu tiên làm là di cư khỏi phòng ngủ !).
'Cô biết rất rõ anh chàng bất hạnh ấy đã bị dằn vặt tâm hồn, nhưng điều này không ngăn cô thêm vào đó cách xử sự của mình; chẳng những cô từ chối không ở chung một lều với anh mà còn nhất định không chạm cả bàn tay chồng. Cô không hề tỏ một cử chỉ thương mến như của em gái cho anh chồng đau khổ, không may của mình; ngược lại bề ngoài cô cứng rắn như đá. Hơn thế nữa, sau khi cầu nguyện với Thượng đế, cô tưởng tượng ngài đồng tình với quyết định của cô.
'Chuyện kết cục ra sao ? Cô vợ, với điều mà cô tin là sự trợ giúp của Thượng đế, ép buộc người chồng tới thú tội với một giáo sĩ nghiêm khắc, người mà cô biết chắc là sẽ đề ra một giải pháp duy nhất – là anh nên quay về tu viện trước kia anh đã bỏ đi. Hôm sau anh làm y như thế và chỉ khi anh sắp bước vào cửa tu viện cô mới hôn nhẹ lên trán anh. Cô cũng không cả an ủi anh bằng cách cho hay mình đã có thai, để cô được vui trong nỗi cô quạnh của mình – cô nhất quyết không nhượng bộ lấy một phân. Bức tranh chót vẽ một cảnh vườn ở bìa sa mạc, nơi đó cô gái với con trai nhỏ của mình sống xa lánh thế gian và mơ tưởng đến người chồng mà cô sẽ không bao giờ gặp lại.
'Đây ta có câu chuyện trưng ra tính độc đoán của quan điểm với sự chặt chẽ đáng khen. Ta hãy tìm hiểu vấn đề kỹ hơn, coi xem có thể học được điều gì, và rút ra được lời khuyến cáo chi. Vì cô gái trong sách là nhân vật không có thực, Thầy hóm hỉnh nói, chúng ta có thể bàn chuyện mà không sợ là thiếu lòng nhân, nếu nói thẳng ta nghĩ về cô như thế nào.
'Trước tiên thầy muốn nói thật tiếc là cô đã không xen một chút lý luận vào óc tưởng tượng của mình. Yêu mến Thượng đế giống như cô là chuyện đẹp đẽ, nhưng có ý niệm vô lý về Thượng đế là điều nguy hiểm. Hệ quả nó dẫn tới có thể là đủ thứ chuyện, từ việc đưa người bên cạnh con lên dàn hỏa để cứu rỗi linh hồn anh ta, sang việc có hành vi nhẫn tâm về mặt đạo đức như cô gái vừa nói, bình thường là người tốt bụng ...
'Thế nhưng về một mặt ta có thể trách móc cô chăng ? Thực tình mà nói, làm vậy không hề là chuyện phạm thánh hay cười đùa mà đó là cách tập luyện trí não tốt nhất về mặt tinh thần con có thể làm được. Ngay khi con thực sự quan tâm đến một ai, dù là Thượng đế, thiên thần hay con người, tự nhiên con sẽ lý luận về họ; không làm vậy mới là không tự nhiên. Có thể con không đi tới một kết luận rõ rệt nào, nhưng ít nhất con đào sâu thêm ý niệm của mình về Thượng đế, và không gán cho Ngài những đặc điểm bất hảo như cô gái trong chuyện The Garden of Allah đã gán cho Thượng đế !
'Nhưng đương nhiên là – và đây mới là điều sai lầm – cô hoàn toàn không ý thức nhận xét tồi tệ không hay chút nào mà cô đã tô vẽ về Thượng đế. Dùng chính lời của cô để mô tả thì cô ý thức thật đau lòng là chồng mình 'đã nhục mạ Thượng đế', mà không nhìn ra là chính cô cũng nhục mạ Ngài một cách gián tiếp. Vì khi cho là một Đấng cao cả và đầy tình thương như Thượng đế lại có thể nhỏ mọn, thiếu hiểu biết tới độ cảm thấy bị sỉ nhục, thì suy nghĩ ấy tự nó là sự nhục mạ.
'Lấy thí dụ nếu so sánh các Chân sư chúng ta với Thượng đế thì chúng ta như con trùn thấp kém – vậy mà ngay cả chúng ta cũng không thấy có gì là bị sỉ nhục. Nếu có ai đó vào phòng và nói với ta:
– Ông là kẻ mạo danh, lừa bịp.
thì ta không hề thấy phải đấm vào mặt ông – ta hoàn toàn hiểu được quan điểm của người ấy; đối với người như thế thầy quả thật là kẻ mạo danh và bịp bợm !
'Nhưng con sẽ hỏi:
– Thế còn lời khấn của anh tu sĩ này thì sao ? Thầy nghĩ gì về chuyện ấy ?
'Chà, thực tình thầy không tin vào những lời khấn như thế. Theo ý thầy việc có khấn nguyện phát sinh từ cảm tưởng không thấy ổn định. Nó giống như cột chân của chính mình lại khi cảm thấy có nguy hiểm, lỡ mình có muốn bỏ chạy. Ai hoàn toàn có lòng từ bỏ thì không hề cần phải khấn, vì không ai đòi tự cột mình lại để ngăn không làm điều mà họ không hề muốn làm. Có người viết rằng :
– Từ bỏ chỉ có thật và trọn vẹn khi không hề có ý từ bỏ.
và quả đúng như thế. Người lớn có cần từ bỏ những vui thú của tuổi thơ chăng ? Tất nhiên là không; họ từ bỏ nó trong lòng vì đã qua giai đoạn đó. Chuyện cũng y vậy với ai trưởng thành về mặt minh triết – họ không cần có khấn nguyện là sẽ không còn tức bực, ganh tỵ, thèm muốn, ghét bỏ và những tính tương tự – họ không hề bị cám dỗ để có những cảm xúc như thế; họ còn không cảm thấy vậy – bởi họ đã quên cảm giác đó ra sao !
'Hay lấy thử chính các con và thái độ của con về triết lý Yoga. Đối với con Yoga là căn bản mọi chuyện. Mỗi người trong các con nay biết rằng dù có chuyện gì xẩy ra con cũng vẫn theo sát triết lý. Và tại sao ? Vì nó là điều con xem cao trọng nhất trong đời. Con có cần phải khấn nguyện về nó chăng ? Chắc chắn đó là chuyện thừa. Nhưng hãy giả dụ là con có lời khấn – để làm chuyện gì đó, và rồi con không còn ưa thích nó nữa tuy nhiên vẫn tiếp tục làm điều ấy chỉ vì có lời khấn nguyện. Con sẽ cho ra kết quả như thế nào ? Nhiều phần là chuyện dở – vì việc gì làm mà không có tình thương trong đó, trừ một số rất ít biệt lệ, thì thường được làm rất tệ.
'Nay trở lại với chàng tu sĩ này. Anh vào tu viện lúc mười bẩy tuổi, không biết chút gì về cuộc đời, vậy mà khấn từ bỏ cuộc sống. Nhưng ai có thể từ bỏ việc mà họ chưa hề biết ? Đó là điều tự nó phản nghĩa, vì vậy bất cứ lời khấn nào mà chàng tu sĩ ấy có thể có, chúng không hề là sự từ bỏ, mà chỉ là lời suông. Nếu tu sĩ là nữ tu thì tục lệ nói rằng cô thành hôn với Thượng đế (bride of Christ), nhưng bởi Thượng đế thường được xem là phái nam, ta cần phải nói khác đi một chút với anh. Sao đi nữa, có một điều rõ ràng là dù thành hôn hay không, lời khấn không được giữ tròn chẳng hề làm tan nát tim Ngài. Thượng đế không hề cần lòng thủy chung của một con người tầm thường để có được hạnh phúc.
'Thử nghĩ tới óc kiêu ngạo thiếu ý thức của người đó ! Vì ấy chính là nhược điểm của thuyết Nhị Nguyên. Đây ta có Thượng đế tạo tác ra vũ trụ mênh mông – mà có lẽ theo quan niệm của anh tu sĩ ấy là từ khoảng không mà có – vậy mà Ngài lại bận tâm, cảm thấy bị sỉ nhục, đau lòng vì một tạo vật nhỏ bé, tầm thường sống trên một trong muôn vàn trái đất của Ngài, nay ngưng không còn dành cả ngày cầu nguyện với Ngài nữa.
'Ta có thể rất hãnh diện khi nghĩ rằng Thượng đế cần chúng ta, nhưng vậy không có tốt cho đầu óc của ta, nó có khuynh hướng làm đầu óc tự cao tự đại thêm. Cái triết thuyết nói rằng ta gây đau lòng cho Thượng đế với mỗi một tội lỗi nhỏ nhặt mà ta phạm, có lẽ có ích cho việc dạy dỗ trẻ giầu tưởng tượng chưa nhận ra nét kiêu ngạo nó hàm ý. Nhưng ngoài chuyện đó, nó còn là triết thuyết nguy hiểm. Trong sách có đoạn cô vợ của anh tu sĩ không giữ tròn lời khấn nói:
– Em cảm thấy Thượng đế quan tâm đến anh nhiều hơn đến bất cứ ai em biết.
'Thầy nhớ câu này vì lòng kiêu ngạo vô bờ mà nó hàm ý. Chúng ta cười chê khái niệm về Thượng đế của người bán khai, xem Ngài là kẻ giận dữ thịnh nộ và phải được cúng bái; nhưng ít ra người bán khai còn có tính khiêm nhường. Họ nghĩ Thượng đế cao cả tột bực còn họ chỉ là con sâu cái kiến – vì hãy nhớ rằng con chỉ nghĩ chuyện cúng bái ai khi xem họ cao trội hơn con.
'Cô gái trong chuyện The Garden of Allah nghĩ là cô tin vào một Thượng đế oai quyền và đầy tình thương, nhưng dù vậy có vẻ cô xem đó là chuyện tự nhiên khi làm như Ngài thúc giục cô xử sự một cách thật là thiếu tình thương. Nó giống như Ngài nói:
– Chuyện của ta là thương yêu – phải, nhưng còn con – con thì khác, chuyện của con là tỏ ra mình nhẫn tâm và sắt đá, bằng cách ấy con sẽ thực hiện cơ Trời và mệnh lệnh của Ta. Con phải ép buộc anh tu sĩ này trở về với ta bằng hành vi của mình. Ta cần anh hơn là con cần. Quả là con chỉ có vài thú vui và niềm hoan lạc trong thế giới nhỏ bé của con, và Ta có trọn vũ trụ vô tận làm trò chơi, nhưng – Ta phải có anh chàng. Cố nhiên Ta rất tiếc phải lấy anh khỏi tay con, nhưng lẽ ra con không nên ngu dại tới mức quyến luyến người như vậy. Lầm lỡ đã xẩy ra, nay con phải chịu. Dù sao con vẫn luôn luôn có tình thương của ta để an ủi con, và nói cho cùng thì tình thương ấy khá hơn tình thương của bất cứ người nam nào. Ta e rằng chỉ có thể làm vậy cho con mà thôi ...
'Những lời như thế phát ra từ môi miệng của Đấng tràn đầy tình thương nghe thật là cao cả ! Nếu cô gái có đây và thầy nói với cô những điều vừa nói với con, cô sẽ cho ta là kẻ báng bổ thần thánh. Nhưng thầy không phải là người đặt vào miệng Thượng đế những lời này, mà nó muốn nói là cô làm chuyện ấy. Quan điểm của cô sinh ra ý đó mà không phải là quan điểm của thầy. Thầy không báng bổ thần thánh vì thầy không tin có Thượng đế nào như thế hiện hữu trên đời. Đã là chuyện hoang đường thì chẳng có gì gọi là bất kính.
'Nay ta tới một yếu tố khác trong lý luận. Giả thử có người biết yêu thì chuyện không tránh được là họ phải biết đau khổ; và vì đây là trường hợp với người bình thường thì do vậy nó cũng phải thế với Thượng đế. Anh tu sĩ của chúng ta và cô vợ ngoan đạo của anh tưởng tượng là Thượng đế thương yêu họ sâu đậm, tới mức Ngài bị đau khổ vì người chồng không giữ lời khấn. Nhưng lý luận ấy có vững không ?
'Chỉ có một mặt trời chói sáng trên cao, nhưng lại được phản chiếu trong hàng triệu giọt sương mai lóng lánh; nếu hạt sương lớn thì hình phản chiếu lớn, nhỏ thì hình nhỏ; nếu hạt sương lấm bụi thì hình bị lu mờ – nhưng mặt trời thật có nét rực rỡ thuần khiết không bị ảnh hưởng mảy may. Giờ nếu các con tưởng tượng mặt trời tự nó là cảm xúc Từ Ái – Hoan Lạc vô điều kiện, tuôn tràn đến muôn loài vạn vật, liệu hành vi của bao cá nhân mà nó chiếu vào có làm biến đổi lòng Từ Ái – Hoan Lạc của nó chăng ?
'Chắc chắn không; nhưng chỉ có ai tiến hóa nhiều mới nhận thức điều ấy, người kém tiến hóa không thể có ý niệm là ngay cả Thượng đế – nói một cách thô lỗ – 'có thể chịu làm không công'. Người sau không thể tưởng tượng được cảm giác Từ Ái tuyệt đối là sao. Ý nghĩ của họ là muốn thương yêu, con phải có một người riêng biệt hay nhiều người để hướng tình thương đến. Cũng y vậy với niềm vui – phải có điều gì để cảm thấy hân hoan thích thú; lấy đi điều ấy thì niềm vui tắt lụi.
'Anh tu sĩ thực sự nghĩ gì trong tâm ? Có gì đâu, rằng Thượng đế phần nào cần đến anh để được hạnh phúc, và ngay khi anh làm lỗi thì Thượng đế đau buồn về chuyện ấy – tới mức Ngài phải ráng công cứu vớt anh bằng mọi giá. Nó giống như người chồng chưa tiến hóa nghĩ về vợ của mình; bao lâu mà cô cư xử phải đạo thì anh xem ấy là chuyện tự nhiên, mà vừa khi cô bắt đầu làm duyên làm dáng với những người đàn ông khác thì cô đột nhiên hóa ra hết sức quan trọng trong mắt anh – và theo nghĩa đau lòng.
'Như ta đã kể với các con, cô gái trong chuyện bảo:
– Em cảm thấy Thượng đế quan tâm đến anh nhiều hơn đến bất cứ ai em biết.
'Câu này nói lên ý niệm thật là người về đấng Tối cao:
– Nay anh không còn kính yêu Thượng đế, lòng kiêu hãnh của Ngài bị tổn thương nên Ngài lại càng muốn anh hơn nữa, y như người chồng muốn cô vợ thiếu thủy chung của mình.
'Nhưng tất cả chuyện ấy có hợp với lý luận và kinh nghiệm, và có Tình Thương vô điều kiện, niềm Hoan Lạc vô điều kiện, hay không ? Bậc Thầy như chúng ta biết có điều ấy, vì chúng ta đã tự mình kinh nghiệm Tình Thương và Hoan Lạc ấy. Chúng ta được dạy cách kinh nghiệm nó, và nay cố công dạy kẻ khác làm được thế.
'Dầy vậy trước tiên chúng ta phải khai pháo chống lại nhiều ý niệm sai lầm về Thượng Đế và tất cả những gì liên hệ. Nếu người đời nghĩ tới Thượng đế như là một vì Thượng đế ganh tị, họ sẽ tưởng tượng họ có quyền ganh tị. Nếu nghĩ Thượng đế âu sầu thì họ nghĩ mình có thể để lòng thấy buồn đau; ấy là khi tính độc đoán về quan điểm của họ xen vào. Vì cô gái trong chuyện The Garden of Allah nghĩ Thượng đế của cô có thể bị sầu khổ nên cô thấy tê tái, và sau đó đối xử với chồng thật khắc nghiệt, bất nhân.
'Cô nghĩ mình mạnh hơn và anh hùng hơn Thượng đế một cách vô ý thức. Không ai chịu làm hư đời mình cho một Đấng mà họ biết là không thể cảm được sự đau lòng. Kẻ mạnh không cần phải hy sinh chính mình cho ai mạnh bằng hay mạnh hơn, mà họ hy sinh cho kẻ yếu hơn họ. Ấy là tại sao ta bảo cô gái này tưởng tượng trong tiềm thức là mình mạnh hơn Thượng đế. Và hệ quả là Thảm kịch. A, – triết gia Epictetus quả thật khôn ngoan khi nói:
– Không phải sự vật mà ý kiến của chúng ta về sự vật mới đáng kể.
'Hãy tổng kết lại hệ quả của ý kiến thuộc hai nhân vật trong chuyện. Vì ý kiến của mình, thanh niên trở thành tu sĩ; vì ý kiến của mình, anh có lời khấn mà với tâm tánh của anh, lẽ ra không nên khấn; vì ý kiến của mình, anh đâm đầu vào sự khổ não khi không giữ được lời khấn nguyện ấy; vì ý kiến của mình, anh thành hôn với cô gái – người ta không lập gia đình trừ phi tin tưởng vào cuộc hôn nhân; vì ý kiến của mình, anh rời bỏ để cô bị lẻ loi, sầu não, cùng lúc phải nuôi con 'không cha' – bởi có cha mà cha giam mình cả đời trong tu viện thì cũng như cha chết.
'Và về cô thì sao ? Vì ý kiến của mình, cô thành hôn với người mà thực ra không biết chút gì về họ. Vì ý kiến của mình, cô tuyệt vọng não nề khi nghe anh không giữ lời khấn nguyện. Vì ý kiến của mình, cô lập tức dọn sang lều khác. Vì ý kiến của mình, cô xử sự một cách cứng lòng và nhẫn tâm. Vì ý kiến của mình, cô ép anh rời bỏ cô và quay về nơi cũ. Vì ý kiến của mình, cô từ chối không cho anh hay là cô có mang. Vì ý kiến của mình, cô không bao giờ có thể tái hôn, vì ngay cả việc xin vô hiệu hóa cuộc hôn nhân cũng đi ngược với quan niệm của cô.
'Nay, sao bao chuyện ấy, Chân sư cười trêu chọc, thầy hy vọng các con nhận ra được tính độc đoán của quan điểm và chúng có thể nguy hại ra sao. Phải chi con người học cách suy nghĩ trước khi có quan điểm của mình, hoặc có quan điểm rồi thì ít nhất sẽ cân nhắc từng điểm lợi hại để xem có việc chi dại khờ, bất nhất cần sửa đổi và điều chỉnh lại !
'Rủi thay đa số người không hề tự nghĩ ra quan điểm cho mình mà chỉ đón lấy điều nào đang sẵn có chung quanh. Nếu quí trọng đặc biệt một người nào họ sẽ tiếp nhận quan điểm của người đó, bất kẻ nó có hợp với tánh tình hoặc tâm trí của họ hay không. Chính vì việc bá nhân có bá tánh mà những Đấng Cao Cả khi dạy Yoga cho con người đã chia triết lý đó thành nhiều con Đường – để mỗi người nên theo đường nào hợp nhất với họ. Tất cả các con trong phòng này có theo cùng một đường hay không ? Không, cố nhiên không phải thế; làm sao có việc ấy được khi tất cả các con không cảm thấy thích thú với cùng một loại Yoga như nhau ?
'Nhưng đó là chuyện ngoài lề. Bài học ta muốn các con lưu ý tối nay là nếu có một loại quan điểm nào có thể sinh ra chuyện không vui và sự nhẫn tâm, một loại khác có thể sinh ra điều ngược lại. Vì vậy, thầy hy vọng điều các con phải làm sau khi học được một ít minh triết, là chỉ dẫn cho người đời tạo quan điểm sinh ra hạnh phúc và thương yêu, mà không phải điều ngược lại như cô gái trong chuyện The Garden of Allah làm.
'Và bây giờ tới kết luận, Chân sư nói một cách vui vẻ, thầy nghĩ chúng ta phải cám ơn tác giả Robert Hichens về trọn những điều suy ngẫm ông đã cho ta trong quyển sách tối nay. Ông không có mặt ở đây nên ta không thể tỏ lòng biết ơn theo cách thông thường – dầu vậy – ... Có ai muốn hỏi gì không ?
– Con không hiểu rõ thái độ của thầy đối với việc khấn mà không giữ trọn, Wilson dè dặt hỏi, có vẻ như thầy coi nhẹ chuyện ấy. Nhưng đã khấn thì phải bền lòng mà giữ chứ ?
Thầy M.H. cười nhẹ.
– Đầu tiên, thầy đáp, ta nhìn sự việc theo quan điểm của Thượng đế; thứ hai, lời khấn có nên giữ hay không hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu con cho Thượng đế có tí ti hiểu biết và có tài tiên tri, hẳn Ngài phải thấy trước là anh chàng tu sĩ trong chuyện có thể không giữ được những lời khấn này, vậy tại sao Ngài phải bực bội khi điều thấy trước nay ứng nghiệm ?
'Còn về những lời khấn nên giữ hay không – điều ấy tùy vào lý do liên hệ. Ai không giữ lời khấn do yếu đuối có thể được tha thứ nhưng không được kính phục; ngược lại ai bỏ lời khấn vì nay đã thay đổi niềm tin của mình thì đáng được kính phục. Động lực là điểm then chốt. Nếu con làm hại người khác khi không giữ lời hứa thì con không nên bỏ nó.
Clare nói.
– Thầy giảng về Tình Thương tự nó – tức cảm xúc Thương Yêu mà không cần đối tượng; nhưng con đọc trong sách TTH là ngay cả Thượng đế đã phân chia chính Ngài thành vạn vật để có đối tượng cho lòng thương yêu. Con không biết làm sao dung hòa hai ý niệm ấy.
– Giả thử con là người đầu tiên trên thế giới khám phá ra vàng và muốn người khác được lợi ích nhờ vàng ấy, liệu con có tư tưởng đó chăng trừ phi trước tiên đã nắm vàng trong tay rồi cảm được thiện ý trong lòng ? Tương tự vậy, Thượng đế đã có 'cảm xúc' Thương Yêu, nhưng Ngài muốn mọi người được lợi ích nhờ Tình Thương đó. Thầy nghĩ đó là cách mà ý tưởng ấy được giải thích phần nào trong các sách vở.
Một nam đệ tử hỏi:
– Thầy có nghĩ anh tu sĩ nên quay về tu viện hay nên ở lại với cô vợ của mình ?
– Này con, thầy nghĩ con có thể tự trả lời câu ấy cho mình, Chân sư nói, có đệ tử nào khác muốn tình nguyện không ?
Ông Galais ngỏ ý.
– Nếu anh chàng tin làm vậy là đúng, thì nó đúng cho anh ta.
– Còn thắc mắc nào nữa không ? Chân sư hỏi.
Không ai trả lời.
CHƯƠNG XXV
VỊ Dhyan Chohan VÀ QUYỂN SÁCH
– Con muốn viết một quyển sách khác về thầy, tôi thưa với thầy M.H. vào sáng hôm sau. Ngài yêu cầu Viola và tôi đến gặp ngài vì có chuyện riêng muốn nhờ hai chúng tôi làm, và chúng tôi vừa thảo luận xong chi tiết. Thầy có phản đối nếu con viết cuốn hai bộ The Initiate hay không ?
Ngài cười.
– Có một Chân Sư người Ấn hết sức oai nghi ở đây, Viola nói, con thấy Ngài đứng sau lưng ghế của thầy, thầy M.H., và nghe ngài nói "Phải, để anh viết đi, chúng ta muốn thấy chuyện đó" '.
Thầy M.H. lại cười nữa.
– Đương nhiên là nếu các ngài muốn vậy – Ngài khoát tay tỏ cử chỉ.
– Nhưng thầy không nghĩ là làm vậy có thể có ích sao ? tôi hỏi, nếu xét theo số thư mà con nhận được về cuốn đầu tiên ?
– Phải, ta nghĩ là có thể hữu ích, thầy nhìn nhận.
– Vị Chân sư Ấn Độ – ít nhất con nghĩ ngài phải là một vị Chân Sư, Viola nói, trông ngài thật là chói lọi – mỉm cười và nói " Nhất định là chuyện sẽ rất hữu ích" '.
– Này tiểu thư, thầy M.H. nói đùa với nàng, khả năng thông nhãn của cô –
Nhưng Viola cười trả lại một cách nghiêm trang. Cô kể tôi nghe rằng Vị mà cô thấy có nét vô cùng cao cả và tuyệt vời.
– Cô thấy ai vậy ? Tôi hỏi thầy M.H., ước ao phải chi mình cũng có thể thấy.
– Một trong những Vị đặc biệt quan tâm đến con, con à, ngài nói, đột nhiên hóa nghiêm nghị, một vị Dhyan Chohan – con biết thế đủ rồi.
– Nhưng vị Dhyan Chohan còn cao hơn cả bậc Chân sư ... , tôi lập bập, thấy lòng đầy sự kính phục mà cũng hết sức biết ơn là Ngài đã chú ý đến người thật không đáng như tôi.
Thầy M.H. gật đầu.
– Này các con, nếu hai con không quyết định làm điều mà thầy đề nghị, hẳn vị Dhyan Chohan sẽ không tới với các con ở đây. Ngài còn đó không, Viola ?
– Vâng, còn đây – con nghe ngài nói "Các con thân mến, ta ban phép lành cho các con. Ta sẽ lại đến vào dịp lễ thành hôn của hai con. Tạm biệt."
Viola ngưng lại một lúc.
– Giờ ngài đi rồi, nàng nói một cách kính cẩn. Cả ba chúng tôi đều lặng yên một khoảng thời gian, rồi tôi thấy thầy M.H. nhìn tôi nét mặt hóm hỉnh, và tôi cảm là thầy biết trong trí tôi nghĩ gì. Tôi đang thắc mắc tại sao ngài hỏi Viola câu chót ở trên. Hẳn nhiên là ngài có thể tự mình thấy rõ ràng vị Dhyan Chohan còn đó hay không. Về sau Viola giải thích với tôi.
– Thầy luôn luôn làm vậy, nàng nói, thầy chỉ dùng khả năng của mình khi không sẵn có học trò nào chung quanh – anh không để ý là khi dạy các tư thế Yoga thầy không hề tự mình chỉ cho chúng ta làm, mà thay vào đó kêu một học trò làm cho ta thấy ? Em đoán ấy là vì ngài khiêm nhượng.
– Trở về với cuốn sách, thầy M.H. phá vỡ sự yên lặng với giọng nói vui vẻ và ...
– Thầy cho phép con sắp xếp lại vài bài giảng dựa theo nốt con đã ghi nhé ? Tôi hỏi dọ ý, hay là không nên có tiết lộ như vậy ?
– Nếu con muốn đem vào sách vài bài giảng thì chỉ cần hỏi mượn Heddon bản chép của hắn. Hắn ghi tốc ký mấy bài để trữ trong thư viện, làm vậy đỡ tốn công con. Con có thể đem các bản này đi đánh máy.
– Vậy tuyệt hết sức !
– Chỉ có điều là thầy muốn xem qua để chọn lọc. Vài bài chỉ hợp cho ai đã có hiểu biết mà không phải để giảng cho công chúng nghe. Chúng ta sẽ cùng xem lại các bài một ngày trước khi con rời đất Mỹ.
CHƯƠNG XXVI
NHẠC VÀ PHÉP LẠ
Vào tối giao thừa thầy M.H. mời tất cả đệ tử đến ăn tối, sau đó có nhạc, đọc văn thơ rồi biểu diễn nhiều mục khác nhau. Một trong các đệ tử chơi dương cầm vài bản nhạc của Debussy, Ravel và các nhạc sư khác. Có một ca sĩ hát thật điêu luyện, Viola đọc một hai đoạn trong những sách thần bí mà cô biết, tôi ngâm vài bài thơ của mình, và Arkwright diễn phỏng ba hay bốn nhân vật. Anh chàng tỏ ra mình là nghệ sĩ hài số một, với khán giả cười phá lên từng tràng.
Tuy nhiên tiết mục làm mê say nhất trong buổi tối là nửa giờ mà Chân sư chìu lòng chúng tôi và làm vài hiện tượng. Ngài mở đầu việc trưng diễn bằng cách nhắc nhở chúng tôi là những gì sắp thấy chỉ đều là huyễn ảnh Maya. Ngài cũng bảo:
– Vài hội bí truyền, thí dụ như hội TTH, nghĩ rằng tạo hiện tượng bất cứ loại gì là hạ phẩm giá – nhưng sự thật là sau khi bà Blavatsky qua đời, không có ai trong Hội có thể tạo ra hiện tượng. Ngoài ra động cơ là trọn mọi việc. Nếu thầy làm vài điều tối nay là để cho các con vui, mà cũng là để cho con có thêm niềm tin. Con có thể hỏi tại sao với cùng lý do đó, thầy lại không mướn nhà hát ở đây và mở cuộc biểu diễn ? Câu đáp là khi làm vậy thầy không tăng thêm niềm tin cho công chúng – niềm tin của họ và của các con khác nhau – họ sẽ chỉ giải thích cho xong mọi việc bằng cách gọi đó là trò ảo thuật. Các con sẽ không nói thế. Không phải bà Blavatsky bị 'chứng tỏ' là người mạo danh cho dù đã làm bao hiện tượng sao ?
– Thầy làm vài điều bà đã làm nhé ? Arkwright đề nghị.
– Thí dụ như chuyện gì ?
– Với cái bàn – như khiến cho không ai lay chuyển được nó ?
Thầy M.H. mỉm cười.
– Ai muốn thử xê dịch cái bàn nhỏ đằng kia ? ngài nói, chỉ về cuối phòng.
Có mấy đệ tử kể luôn cả tôi đi tới đó, kéo, đẩy, tìm cách nhấc nó lên với hết sức mình, trong khi cả phòng đứng xem và cười rộ lên với nỗ lực bọn chúng tôi làm – nhưng nó đứng yên một chỗ như đá; chúng tôi không thể làm nó nhúc nhích một phân nào. Cuối cùng chúng tôi bỏ cuộc chịu thua.
– Giờ thử lại đi, thầy M.H. thích thú bảo.
Arkwright nắm cái bàn và chỉ một tay cũng nhấc nó lên được ...
– Có đề nghị nào khác nữa ?, thầy M. H. hỏi.
– Thầy biến mất được không ? một học trò nói, anh người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan.
– Được lắm, nhưng trước hết hãy xem thầy thổi khói thành vòng tròn.
Ngài hít một hơi dài xì gà và chốc lát sau hai vòng tròn rất đều chậm chạp bay lên, tất cả chúng tôi dán mắt vào đó thán phục. Phút kế tôi quay lại nhìn thầy M.H. thì ngài đã biến mất – ghế trên bục trống không.
– Úi trời, Clare nói, cô ngồi cạnh tôi, hết sức kinh ngạc.
Thình lình chúng tôi nghe hợp âm C (Do) trưởng vang lên ở cây dương cầm. Bao nhiêu con mắt lập tức hướng về đó nhưng chỉ thấy quanh cây đàn trống không, không có ai .
– Có ma ! giọng thầy vang lên, và thấy lại ngài ngồi trong ghế như cũ, hớn hở nhìn chúng tôi. Đề nghị tiếp là gì ?
– Liệu có thể – nói sao đây – hóa hai chính thầy được không ? Tôi hỏi.
– Chà, nói cho rõ là sao ?
– Giả dụ thầy vẫn ngồi trong ghế – rồi chúng con mở cửa xếp ở cuối phòng kia, và thầy hóa hình thứ hai trong phòng đó.
– Thầy thấy con có óc tưởng tượng khá đó, con à, ngài nói, mắt ý nhị, nhưng thầy có tính chìu lòng người nên con sẽ được như ý. Một phút nữa thì mở cửa được.
Thầy ngồi thẳng lưng trong ghế, nhắm mắt lại. Arkwright móc đồng hồ ra xem, mọi người yên lặng. Chót hết anh lên tiếng.
– Xong một phút rồi, mở cửa đi.
Tất cả chúng tôi nhìn về tiền phòng, ở đó có hình thứ hai giống hệt thầy M.H., kể cả chiếc ghế và bục. Ảnh hưởng thật tuyệt diệu làm tôi thấy khó mà tin vào ngũ quan của mình, cứ nhìn tới lui từ Chân sư M.H. thứ nhất đến thứ hai. Đột nhiên có tiếng chuông ngân, nó có âm điệu hết sức thánh thót, làm như từ trần nhà vang ra. Ai nấy nhìn lên nhưng chẳng thấy có gì.
– Có thêm ma, thầy M.H. mỉm cười và mồi lại điếu xì gà. Hình thứ hai của thầy đã biến mất. Muốn chuyện gì tiếp, thầy hỏi.
– Khinh thân, ai đó đề nghị.
– Oh, Arkwright làm được – lên đây nào, chú em.
Arkwright đứng dậy đi lên bục, hai thầy trò khiêng ghế đặt xuống sàn nhà.
– Nào, nằm ngửa xuôi thẳng và giữ cho người cứng đờ nhé.
Arkwright làm y như dặn; Chân sư đứng một bên anh, đặt một tay cách thân hình nằm yên của anh chừng 60 cm rồi chậm rãi đưa tay lên, và thân hình Arkwright nhấc lên trong không như có sợi dây vô hình kéo nó lên. Anh lơ lửng trong không cách mặt phẳng của bục chừng một thước, sau khoảng một phút anh từ từ hạ xuống trở lại.
Một tràng pháo tay khen ngợi lần trình diễn này, Arkwright đứng dậy, rạp người chào kiểu cách.
– Các con thấy đã đủ chưa ? Thầy M.H. hỏi.
Có tiếng nhao nhao:
– Chưa, chưa, xin thầy cho xem thêm mấy chuyện nữa !
– Nào, muốn gì thì cứ đề nghị !
– Xin cho nghe hộp nhạc ạ, Heddon bảo.
Thầy M.H. đi lại bàn giấy, mở ngăn kéo lấy ra một hộp nhạc nhỏ, chơi bằng cách vặn giây thiều.
– Bây giờ có ai khóa cửa phòng và cất chìa khóa vào túi để cho thấy là không có gian lận nhé ? thầy hỏi.
Ông Galais tình nguyện. Khóa xong cửa phòng ông giơ chìa lên cho mọi người thấy rồi cất nó vào túi.
– Hiện tượng này, thầy M.H. nói, là chuyện mà người đồng hay làm. Chúng ta không cần có vong linh người chết nào để giúp cả. Sẵn sàng chưa ? Đây, xem này !
Hộp nhạc bay lên trong không, quay vài vòng trong phòng trên đầu chúng tôi rồi bay xuyên thẳng qua một trong những cánh cửa đóng và chúng tôi vẫn còn nghe nó chơi nhạc ở hành lang. Có tiếng phịch – hẳn nhiên là hộp đã rơi xuống – và rồi lặng yên. Trong nhóm có người sững sờ, người khác thích chí, họ đã từng thấy trò này trước kia.
– Tốt hơn hãy xem kỹ là hộp nhạc ở ngoài phòng, thầy M.H. nói và làm như nháy mắt. Galais, lấy chìa khóa ra.
Ông móc ra chùm chìa khóa trong túi, giơ lên cao cho mọi người thấy và bắt đầu mở khóa cửa. Nhiều người chúng tôi xúm quanh ông; và đúng như đã nghĩ, món đồ chơi nằm trên thảm ngoài phòng. Ông Galais nhặt nó lên và đưa cho thầy M.H coi, ngài bỏ hộp vào bàn trở lại.
– Cho các con một trò nữa, rồi thầy bảo, muốn trò gì đây ?
– Mẹ con gửi cho con một chùm nho lớn, một dương cầm thủ nói, anh Hausmann, nó nằm trên bàn trong phòng ăn nhà con, thầy mang nó tới đây được không ?
– Ai đó lấy cho thầy tờ báo, Chân sư trả lời. Arkwright ra khỏi phòng và rồi trở vào với tờ New York Herald. Thầy M.H. xếp trang báo thành hình chóp nón, như cái quặng, nhắm mắt một chút rồi thò tay vào lòng hình nón, lấy ra một chùm nho đen thật tuyệt vời.
– Cho các bạn con thưởng thức được không ? thầy vui vẻ hỏi Hausmann.
– Được chứ ạ, xin chuyền chùm nho cho mọi người.
Tất cả chúng tôi đều nếm và đó là nho thật, mọng nước một cách lạ lùng.
– Xong rồi nhé, thầy nghĩ chúng ta đã xem đủ phép lạ rồi. Thầy đề nghị Hausmann cho ta nghe một ít nhạc Scriabine.
– Và sau đó xin thầy giảng một bài ngắn, có người thêm vào, đó là cách tuyệt vời để đón mừng năm mới cho tụi con !
Những người khác xúm vô:
– Phải rồi, xin thầy giảng ạ !
Thầy M.H. mỉm cười.
– Cũng được, nếu con muốn ...
...
(Ghi Chú:
Bàn về "phép lạ", bà Blavatsky nói rằng thực ra không có, điều mà ta gọi là phép lạ chỉ là việc áp dụng những luật trong thiên nhiên cho ai biết thuật. Chỉ bởi khoa học chưa biết những luật này nên không thể cắt nghĩa, và nhân gian mới gọi là phép lạ. Sau đây là vài giải thích dựa theo quyển The Ocean of Thesophy, by William Q. Judge.
Sự khinh thân có vẻ như thách đố lại sức trọng trường là chuyện có thể làm dễ dàng, khi người ta nắm vững nguyên tắc. Thuật ấy không đi ngược lại luật nào cả, vì sức hút trái đất chỉ mới là nửa luật. Khoa học gọi là sức hút trái đất nhưng chữ đúng thực là sức hấp dẫn, và nửa kia của luật là sức xô đẩy, và cả hai chịu sự quản trị của những luật về điện lực. Trọng lượng và sự ổn định tùy thuộc vào tính phân cực, khi cực của một vật thay đổi so với mặt đất ngay bên dưới nó thì vật ấy có thể bay lên. Nhưng bởi vật vô tri không có tâm thức như người, chúng không thể bay lên nếu không có những trợ giúp khác. Với con người thì thân xác sẽ bay lên không như chim mà không cần trợ lực khi cực của nó thay đổi. Sự thay đổi có được một cách hữu ý khi con người tập luyện hơi thở theo phương pháp được biết từ lâu của Á đông, mà cũng có thể xẩy ra do sự trợ giúp của những lực tự nhiên, trong trường hợp ấy người ta không cần dùng luật mà cũng tạo được hiện tượng như thấy nơi các vị thánh của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã.
Một luật khác cũng về hiện tượng là luật Kết tụ (Cohesion). Người ta cần biết luật này nếu muốn làm một số hiện tượng như việc tròng một vòng sắt đặc này xuyên qua vòng kia, hoặc đưa một hòn đá đi ngang qua bức tường đặc; trong cả hai hiện tượng có sự tác động của một lực khác là lực Phân tán (Dispersion). Kết tụ là lực chính vì khi lực Phân tán rút đi, lực Kết tụ khiến các phần tử trở lại vị trí ban đầu của chúng. (Thí dụ là hộp nhạc trong chuyện Vị Chân Sư số này và những hiện tượng trong chuyện H.P.B.)
Người biết thuật sử dụng các luật nói trên có thể làm tản ra xa khỏi nhau những hạt nguyên tử của một vật – mà cơ thể con người là ngoại lệ – khiến cho vật trở nên vô hình, và rồi gửi chúng theo đường lực tạo ra trong cảnh thanh khí ether đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Tới nơi đã định thì lực phân tán rút lui, khi đó lực kết tụ tác động trở lại tức thì và vật hiện hình nguyên vẹn như cũ.
Ta nghe như chuyện khoa học giả tưởng và cái trí duy vật tự hỏi làm sao việc có thể xẩy ra, khi không có dụng cụ nào thấy được. Dụng cụ ở đây là thân hình và trí não của con người, não người được biết là cơ quan sinh ra lực vô tận; sự hiểu biết toàn vẹn về các luật trong thiên nhiên, cơ chế tác động cùng với cái trí có tập luyện cho con người quyền năng sử dụng lực. Sự hiểu biết cộng thêm niềm tin khiến con người làm chủ được vật chất, trí não, không gian và thời gian.
Người hiểu biết dùng những quyền năng này có thể tạo ra trước mắt ta vật hữu hình vài phút trước đây không có, là vật thật cho ta cầm, nắm giữ, có bất cứ hình dạng nào. Thế gian gọi đây là biến hóa nhưng sự việc rất là đơn giản. Chất liệu hiện diện lửng lơ trong không khí quanh chúng ta. Mỗi hạt chất liệu dù hữu hình hay chưa tượng hình, đã trải qua mọi hình dạng có thể có được. Chuyện mà vị đạo sư làm là chọn lấy một hình thức muốn có nào hiện hữu trong cõi Akasha, và rồi dùng ý chí cùng óc tưởng tượng, bao phủ hình ấy bằng chất liệu, dùng hình như cái khuôn và khiến chất liệu tụ lại quanh đó. Vật làm bằng cách ấy sẽ dần dần tan biến đi trừ phi người ta áp dụng một số phương pháp khác, khi đó vật sẽ còn hoài.
Cũng y vậy, nếu muốn làm chữ viết hiện trên giấy hay mặt phẳng nào thì người ta dùng cùng những luật và quyền năng. Hình ảnh rõ rệt – y như chụp hình và sắc nét – của từng hàng chữ hay là hình, được tượng rõ trong trí và rồi trí não thu hút chất liệu trong không cho tụ vào giới hạn mà não đặt ra. Những quyền năng này muốn nói Ý chí con người mạnh mẽ, và Óc Tưởng tượng là quan năng hữu dụng nhất có lực sống động. Óc tưởng tượng là quyền năng tạo hình của trí người. Nơi người trung bình khả năng này không được tập luyện nên không hơn gì sự mơ màng, nhưng khi có huấn luyện thì nó tạo thành khuôn bằng chất liệu cõi tình cảm, sinh ra vật ở cõi trần. Nó là quyền năng lớn lao nhất sau Ý chí, Ý chí không làm được chuyện nếu có óc tưởng tượng yếu kém hay không được huấn luyện.
Một hiện tượng khác hay thấy là việc di chuyển vật mà không có sự tiếp xúc, đụng chạm vào vật. Chuyện làm được bằng nhiều cách, cách đầu tiên là dang dài ra từ cơ thể cánh tay của thể tình cảm nắm lấy vật muốn mang đi nơi khác, trong khoảng cách hơn 3 m. Cách thứ hai là sai khiến tinh linh, khi đó tinh linh di chuyển vật bằng cách thay đổi cực như nói ở trên, và ai quan sát thấy vật chuyển di làm như không có gì nâng đỡ. Tinh linh được dùng khi người ta muốn mang vật xa hơn khoảng cách mà cánh tay thể vía có thể vươn ra.)
...
– Bởi chúng ta đều quan tâm, ngài bắt đầu sau khi nhạc Scriabine đã xong, với năm tháng kỷ niệm tối nay, ta hãy bàn đến chuyện ấy. Một ý nói rằng giữ kỷ niệm năm tháng có liên quan đến chuyện buồn phiền là phí phạm tình cảm tốt, vì vậy không khôn ngoan và thậm vô ích. Nghiền ngẫm nỗi đau lòng không tránh được đã là chuyện tệ, nay thực sự bắt mình nhớ tới nó vào một ngày đặc biệt trong năm thì rất ư là dại khờ.
'Các lễ hội tôn giáo có mục đích bí truyền của chúng, thí dụ như Giáng sinh, nhưng đó là chuyện khác. Giáng sinh gợi cho mọi người cảm thấy hân hoan là tình cảm xây dựng, còn ngày giỗ khiến ta cảm thấy đau buồn và ích kỷ là những tình cảm phá hoại. Nói về tối giao thừa – chắc hẳn có nhiều người nhìn lại quá khứ một cách rầu rĩ và nghĩ:
"Trong năm sắp qua này tôi đã mất bạn bè hay thân quyến",
còn ai khôn ngoan hơn sẽ không nghĩ:
"Mười hai tháng qua tôi đau buồn biết bao"
mà nghĩ:
"Tôi đã tiến bước ra sao ? Tôi đã gần tới lý tưởng đến mức nào rồi ?
'Và không chừng để khuyến khích chính mình họ sẽ gợi nên trong trí bao niềm vui và nét mỹ lệ của Lý Tưởng ấy, cùng tưởng tượng chính mình đã đạt tới nó, với trọn sự vui thích đi kèm với thành đạt như vậy. Và đó là cách khôn ngoan, có hiệu quả để tiễn đưa năm cũ. Không chừng các con đã thấy là khi đọc sách có hứng khởi, con sống theo cách nào đó trong đời, rồi lòng nhiệt thành giảm xuống, con thấy bớt hứng thú; nhưng rồi nếu đọc trở lại sách, nó gợi hứng con như cũ và một lần nữa con lại tiến lên với năng lực mới.
'Thế nên thầy nghĩ tối nay, khi năm cũ sắp xong, thầy muốn đóng vai trò cuốn sách ấy và thử đưa tư tưởng con về niềm vui và nét mỹ lệ của Lý Tưởng đặc biệt mà tất cả chúng ta ở đây nhiệt tâm mong ước đạt tới. Bởi tuy chủ trương của thầy là luôn luôn giữ cái Lý Tưởng ấy trong trí các con, tối nay thầy đề cập tới những lợi điểm gần như không tưởng tượng nổi khi đạt tới đích – hầu cho khi làm vậy biết đâu các con sẽ lại tập trung năng lực để đạt nó, tức tâm Thương Yêu hằng hữu và tâm An Lạc hằng hữu.
'Trong kinh sách Ấn xưa ghi một chuyện ngụ ngôn rất sát. Chuyện kể có người than phiền mặt đất họ đi sao mà lồi lõm, đá to nhỏ, gai góc đầy; rồi họ nẩy ra một ý cho là rất thần diệu. Anh nói:
– Ta hãy thu góp hết da trong thế giới và phủ trọn mặt đất, để cho khắp nơi ta đi sẽ êm ái, phẳng đều không còn đau chân.
Lúc ấy có trẻ nhỏ đứng nghe, mà bởi em có óc tưởng tượng nhiều hơn mới đưa ra ý khác hay hơn nữa.
– Đem da mà trải khắp mặt đất mất công lắm, trẻ bảo, chi bằng mỗi người chỉ cột một miếng da vào chân mình thì kết quả cũng y hệt.
'Và đó là kết quả mà các con nhắm tới, khi thay vì tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài cho hợp với ham muốn riêng của mình, con nỗ lực thay đổi tâm con. Đúng là con có thể cố gắng làm được việc thiện chút ít ở chỗ này hay nọ, nhưng tính chung điều thực tình đạt được thì rất ít oi. Nó gần như tìm cách tát nước ra khỏi ao bằng cái muỗng. Nếu có cả ngàn hay cả mười ngàn người dùng muỗng cùng tát nước, sẽ sinh ra kết quả đáng nói. Nhưng – thử đưa thí dụ đi xa hơn, ai chịu làm việc đơn điệu và mệt nhọc như vậy trừ phi họ có niềm vui trong lòng mà không công việc nào, dù chán ngán và nặng nhọc tới đâu, có thể làm mất đi niềm vui ấy ?
'Chuyện cũng y vậy với việc tìm cách làm điều lành trong thế giới. Bao lâu ta chưa đạt tới tâm Thương Yêu và Hoan Lạc hằng hữu, khả năng làm lành của ta sẽ bị giới hạn do niềm ao ước muốn làm lành – ít nhất sẽ bị giới hạn rất nhiều. Không phải con muốn giúp người mà con thương hơn là giúp kẻ mà con không thương sao ? Nhiều phần là con làm vậy. Thế thì nghĩ xem chuyện ra sao nếu con có thể thương yêu mọi người trên thế giới – không phải vì mọi ai trên đời đều khả ái và xinh đẹp làm gợi dậy tình thương của con, mà vì có một tâm Thương Yêu hằng có trong lòng, và giống như mặt trời, túa rải ra mọi hướng, cho người lành và chẳng lành đồng đều như nhau.
'Có người không bỏ được quan niệm rằng Tình Thương tinh thần cho trọn nhân loại là điều quá viễn vông, trừu tượng, lạnh lùng, tẻ nhạt chẳng đáng ta cố công đạt tới. Họ muốn điều gì cụ thể, nhiều tình cảm hơn, giống như tình cảm giữa các tình nhân hay bạn hữu quyến luyến sâu đậm. Trên thực tế người như vậy lẫn lộn thiện tâm hay cảm tưởng tốt bụng mơ hồ với tình thương. Thầy không nói rằng thiện tâm tự nó không phải là chuyện hay, nhưng nó là tình cảm thực ra rất nhẹ so với tâm Từ Ái; ngay cả tình thân giữa bạn bè cũng nhẹ so với tâm Từ.
'Hãy nhớ rằng, bạn bè hết lòng hết dạ với nhau cũng không luôn luôn nghĩ đến nhau. Con có thể trào dâng tình thương bất cứ khi nào nghĩ đến người mà con thương yêu rất mực, nhưng chỉ vì con không trụ tư tưởng vào người ấy trọn ngày, sự trào dâng đó tương đối hiếm nên không thể được xem như là một phần của tâm thức thường nhật. Ngoài ra, nếu xa cách bạn thì hoặc là con đau khổ, hoặc nếu sự xa cách kéo dài thì tình thương của con bắt đầu phai lạt, vì tình thương có điều kiện tùy thuộc phần lớn vào việc ký ức có nó. Làm sao ai có thể thương nhớ hoài người vắng mặt trừ phi họ có ký ức – không phải đó là chuyện bất khả sao ?
'Thế nên con thấy là khi mọi người tìm cách so sánh không thuận lợi tình thương có điều kiện với Tình Thương tinh thần vô điều kiện, họ làm vậy vì chưa hề kinh nghiệm điều sau và do đó không biết. Để họ kinh nghiệm nó một lần dù chỉ trong một phút, và sau đó họ sẽ mãi mãi nói cách khác đi. Đó không phải là chuyện trừu tượng, hời hợt và dửng dưng lạnh lùng – nó là sự hoan lạc, bình an, nồng ấm và đẹp đẽ tất cả hòa làm một.
'Khi xưa có một thanh niên ngửi thấy mùi hương lạ và tuyệt diệu mà không giải thích được. Anh kê mũi vào bất cứ bông hoa nào nghĩ là có thể phát ra mùi hương đó, nhưng không một hoa nào tỏa ra mùi hương giống nó chút nào. Cuối cùng anh khám phá ra sự thật, mùi hương từ nơi anh mà ra và anh mang theo mùi hương đến bất cứ đâu anh đi tới, vì đêm hôm trước tình nhân anh đã nhỏ một giọt dầu thơm dịu vào khăn đội đầu, nhưng anh quên mất điều ấy.
'Chuyện gì xẩy ra cho thanh niên thì cũng xẩy ra cho ai đạt được tâm Thương Yêu – họ cũng mang theo Tình Thương và Hoan Lạc quanh mình bất cứ nơi đâu họ tới, vì nó hiện diện bên trong họ thay vì bên ngoài. Bất cứ nơi đâu họ vào, người như vậy cũng cảm thấy một bầu không khí thương yêu, vì họ là người mang bầu không khí ấy; và bởi Tình Thương làm đẹp mọi chuyện, ngay cả chỗ nhớp nhúa và xấu xa cũng hóa đẹp đối với họ.
'Lấy thí dụ, thử nghĩ con có chuyến đi xe lửa và tới trạm đông đảo nơi có nhiều người muốn vào toa của con. Không chừng trong đám có một thiếu phụ không được sạch sẽ cho lắm với em bé, nên con nói thầm:
– Mong là cô không vào đây với em bé la khóc inh tai, làm mình không mơ mộng được.
'Và có thể cô với con nhỏ vào toa xe, con thấy không thoải mái, chán ghét và đi tránh xa cô tới hết mức có thể được. Nào, con có thấy vui khi không thoải mái và lòng chán ghét ? Con chỉ mong tới trạm kế cô xuống xe và con thoát khỏi sự có mặt khó chịu của cô.
'Nhưng chuyện sẽ khác hẳn đi nếu trong lòng con có tình thương không khi nào biến mất, con thương mến ngay cả người đàn bà ấy và con của họ, và mừng là cô vào toa xe của con. Con không thể tiếp tục mơ màng hay đọc sách báo thì đã sao ? Con ngồi đó không làm gì thì cũng vui như khi thưởng thức cuốn chuyện hấp dẫn nhất. Vì hạnh phúc của con không tùy thuộc vào chuyện có cuốn sách hay toa xe ngột ngạt hay trên đỉnh núi cao. Con sẽ hạnh phúc ở bất cứ đâu, vì con là một với Hoan Lạc như ai thực sự mạnh khỏe có thể nói là một với sự mạnh khỏe.
'Nay nói về nỗ lực của các con trong năm mới. Thầy chúc lành cho các con và mong ước tất cả các con tiến gần đến Mục Tiêu. Hãy học sử dụng trí tưởng tượng nhiều hơn và nghĩ về Tình Thương, nghĩ về sự Hoan Lạc để con có thể trở thành điều mà con có tiềm năng trở thành – Cái Tôi Vĩnh Cửu Bất Hoại – Tình Thương và Hoan Lạc, Hiểu Biết, sự Hiện Hữu Tuyệt Đối.'
Bài nói chuyện của thầy ngắn nhưng nó gây ấn tượng lạ lùng, nhất là phần kết luận. Tôi không sao lột tả được tình thương tuyệt vời của thầy trong giọng nói lúc ban phép lành, tôi chỉ có thể nói là uy lực cùng sự mỹ lệ của nó làm rung động mỗi chúng tôi. Hơn một phút sau khi ngài dứt lời, tuy có sự di động tới lui của mọi người để ra về, không ai trong chúng tôi lên tiếng; và khi cuối cùng có nói chuyện thì chỉ là thì thào nhỏ giọng.
Tôi tự hỏi có nên đến gặp thầy M.H. và chào từ biệt thì ông Galais, như là trưởng tràng các đệ tử, đi lên bục và nói vài lời cám ơn thầy đại diện cho tất cả bọn có mặt. Chẳng những ông cám ơn về buổi tối vui vẻ nhiều tiết mục, mà còn cám ơn mọi chuyện Chân sư đã làm cho chúng tôi trong quá khứ, mà ông biết ngài cũng sẽ làm trong tương lai. Ông nói mình biết là những gì có thể nói sẽ không thể biểu lộ dù chỉ một phần rất nhỏ lòng biết ơn mà tất cả chúng tôi cảm thấy, nhưng có những lúc ông không cưỡng được mà ít nhất cố công làm thử.
Khi ông nói xong, Chân sư cám ơn ông và tất cả chúng tôi ngược trở lại, về lời cảm ơn của bọn tôi, và nói rằng thêm vào đó, ngài muốn tỏ lòng cảm tạ những bạn đã dạo đàn, ca hát, đọc thơ văn tối ấy, làm thêm vào sự vui thích chung. Sau đó ngài chúc tất cả chúng tôi năm mới hạnh phúc, với một nụ cười.
Kết Từ
Khi viết lời kết từ này tôi cảm thấy mình như tiểu thuyết gia phái cổ, luôn luôn nghĩ là cần phải cho độc giả biết hậu sự của những nhân vật trong chuyện. Sự khác biệt là trong khi tiểu thuyết gia không chừng đã viết trang chót ngay sau khi đã xong những trang trước đó, phải vài năm sau tôi mới viết trang chót của mình.
Viola và tôi nay đã thành hôn được một khoảng thời gian, và chú bé mà Thầy M.H. muốn chúng tôi có nay đang lớn như thổi thành thằng bé con cứng cáp. Tuy chú bé xem ra có bản tính vui vẻ khác thường, chú không biểu lộ niềm vui ấy bằng âm nhạc theo cách mà có lần tôi đã e ngại chú sẽ làm. Chú bé con cũng không được cho, hay xin, cái kèn nhỏ bằng thiếc để thổi tò tí te suốt ngày, trong lúc cha chú đang gắng sức làm việc ...
Trước lúc chú nhỏ sinh ra một khoảng thời gian, Chân Sư cho chúng tôi hay chú nhỏ là ai, hay đúng hơn đã từng là ai, và như tôi nghĩ cùng hy vọng là chỉ một hai người bạn rất thân của chúng tôi biết chúng tôi là ai (lúc đó sách ký tên His Pupil và tác giả Cyril Scott chưa lộ diện), tôi có thể nói rằng chẳng những chúng tôi rất ngạc nhiên mà còn cảm thấy có vinh hạnh lớn lao. Thực thế, trong mấy năm vừa qua nhiều lần chúng tôi thấy có lý do phải cám ơn Trời là đã thực hiện ước muốn của Chân sư. Chuyện không dễ dàng lúc ban đầu, chúng hết sức khó khăn; nhưng thời gian khó khăn trôi qua mau lẹ và nay gần như được quên lãng.
Từ khi rời Boston, tuy không còn được gặp thầy M.H. bằng xương bằng thịt nữa nhưng thỉnh thoảng ngài đến thăm chúng tôi trong thể vía – khi ngài cho rằng chúng tôi cần ngài, và bởi Viola có thông nhãn thấy được ngài cũng như có thông nhĩ nghe được tất cả những gì thầy nói, nàng nhắc lại lời thầy cho tôi nghe. Còn một cách liên lạc khác mà đôi khi ngài dùng và theo cách ấy thầy có thể nói chuyện trực tiếp với tôi và tôi với ngài, nhưng tôi không được phép viết về chuyện ấy. Cũng nhờ Viola tôi biết có đôi lần ngài ở cạnh tôi khi tôi bận rộn với sáng tác đầy hứng khởi, nhiều lần nàng cảm được sự hiện diện của ngài.
Nàng kể với tôi rằng tôi chỉ từng thấy ngài trong xác thân vật chất, không thể tưởng ngài thực sự trông ra sao. Tuy ở cõi trần thầy có gương mặt thanh tú làm ta phải chú ý ngay, nàng bảo không sao tả được nét mỹ lệ của ngài trong thể vía. Hào quang của ngài rộng đến mức mỗi khi thầy đến thăm chúng tôi, nó bao trùm vượt xa ra ngoài căn nhà. Những lần thăm viếng của ngài cũng không phải là không có nét khôi hài, vì có lắm lần bà bếp, bà có thông nhãn một chút tuy không ý thức điều ấy, tự hỏi tại sao vật gì trong nhà bếp 'trông cũng có mầu hồng', và mắt bà có gì không ổn chăng ! Dĩ nhiên chúng tôi không thể giải đáp thắc mắc này cho bà ...
Thầy M.H. không hề viết thư cho tôi, xem ra có vẻ lạ lùng vì qua Heddon, thư ký của ngài, tôi biết là ngài có đọc nhiều thư cho anh viết; nhưng vì ngài có thể liên lạc bằng những cách khác, chuyện này không có gì ngạc nhiên. Dầu vậy tôi có nhận được những tin gián tiếp về ngài và việc làm của ngài qua Arkwright, vì anh có liên lạc thư từ với tôi. Một trong những thư của anh có chứa vài tin sửng sốt về Clare.
Cuộc chia tay của chúng tôi không gây đau lòng như đã tưởng, vì nàng và mẹ dự tính 'có chuyến đi' sang Anh quốc vào mùa hè sang năm. Nhưng tôi không bao giờ gặp Clare lần nữa, nàng qua đời vì bệnh sưng phổi ba tháng sau khi tôi rời Hoa Kỳ. Arkwright viết:
– Cô rời trần tại Canada, không đau đớn chi hết.
Trong nhiều ngày nàng mê man và chỉ tỉnh lại khoảng một giờ trước khi mất. Khi Clare thỉnh thoảng tới thăm chúng tôi từ 'Cõi bên kia' và Viola thấy được nàng, Clare kể là thầy ở cạnh nàng trong những giây phút cuối. Giống như nhiều người vào phút ly trần, Clare có được thông nhãn trong chốc lát và thấy Chân sư đứng bên cạnh an ủi và đưa nàng qua cõi bên kia. Clare rất vui vẻ và giúp đỡ chúng tôi về nhiều mặt, vì nàng mô tả cảnh sống bên cõi của mình, còn chúng tôi học được từ nàng một số chi tiết thú vị. Cố nhiên nay tôi hiểu vì sao thầy không cho nàng hay chuyện tương lai về tình thân giữa nàng và tôi. Dù vậy, cái chết của nàng làm tôi thắc mắc – nhiều hơn là nó làm tôi đau khổ – và tôi phải cầu xin ngài để được soi sáng.
– Tại sao thầy nhận làm đệ tử, tôi hỏi, khi thầy hẳn đã biết là vài tháng sau cô sẽ qua đời ? Thấy có vẻ như chỉ là phí ngày tháng.
Ngài mỉm cười nụ cười nhẹ nhàng đặc biệt của ngài.
– Này con, thầy đáp, ta nhận cô một phần là để làm thử thách lớn hơn cho con, và một phần – chà – con không cần phải biết tới lý do khác. Chuyện sẽ tương đối dễ cho con quí mến Viola nếu không có thương yêu Clare. Mà ngoài việc đó ra, không có gì là uổng phí cả, con có cho rằng chỉ vì nay Clare ở trong tình trạng mà người chưa hiểu biết gọi là chết, cô có xa rời thầy chăng và không còn là chela (đệ tử) của thầy ?
Tôi cười cho sự ngốc nghếch của chính mình.
– Thế thì, sau đó tôi nói với Viola, anh không thành hôn với Clare vậy mà hay, bằng không nay anh thành người góa vợ rồi.
– Còn em không lấy Norman thì cũng rất may phước, nàng đáp, hẳn em sẽ ủ ê sầu não cả ngày. Giờ thì cả hai ta sống chung hạnh phúc, và nhờ vậy đôi chúng mình có được tâm thức tinh thần với giá rẻ biết bao.
– Và vẫn còn giữ được óc hài hước của mình, tôi nói với óc châm biếm đùa nghịch. Tuyệt quá phải không ?
..........
Tới đây là hết quyển hai 'The Initiate in the New World' trong bộ ba cuốn 'The Initiate'. Nay ta bắt đầu quyển ba 'The Initiate in the Dark Cycle', xuất bản năm 1932. Từ năm 1932 đến nay có thêm nhiều khám phá về các nhân vật hoặc chi tiết trong bộ sách này, cũng như có những diễn biến liên quan đến vài điểm mà sách nêu ra. Tới đoạn nào như vậy, ta sẽ có lời chú thích để giúp độc giả hiểu rõ hoặc nắm vững điều tác giả trình bầy trong cuốn chót của bộ.
Tưởng cần nói thêm là bộ sách 'The Initiate' rất được ưa chuộng, được tái bản nhiều lần từ đó tới nay, và có nhiều ấn bản tuy nội dung không khác nhau lắm. Thời điểm quyển ba được xuất bản cũng đáng được đề cập, vì trong một thời gian ngắn sau đó vài quyển khác cũng chào đời mà giống như cuốn này, đã được hân hoan đón nhận và hiện giờ cũng vẫn được ưa chuộng, nhờ giá trị độc đáo của chúng. Dưới đây là bản tóm tắt thời điểm và những tác phẩm, xuất bản chỉ cách nhau vài năm trong giai đoạn đáng nói này:
1932 – The Initiate in the Dark Cycle, Cyril Scott.
Through the Eyes of the Masters, David Arias.
1933 – Watchers of the Seven Spheres, H.K. Challoner
1935 – An Outline of Modern Occultism, Cyril Scott
The Vision of the Nazarene, Cyril Scott
The Wheel of Rebirth, H.K. Challoner
The Adepts of the Five Elements, David Arias
1936 – A Greater Awareness, Cyril Scott
1938 – Music, Its Influences throughout the Ages, Cyril Scott
Vắn tắt thì tất cả những sách trên trình bầy các điểm chính của Minh Triết Thiêng Liêng hay Theosophia một cách giản dị, khiến quần chúng dễ dàng chấp nhận hơn, cùng lúc cho ra nhiều hiểu biết giá trị về huyền bí học. Độc giả lâu năm của PST hẳn đã nhận ra là nội dung các sách này từng được trích dẫn trong các bài viết trên PST, với chủ ý là để người Việt cũng được biết chúng như người tại các nước khác.
Tiếp theo, xin mời bạn đọc cuốn ba The Initiate in the Dark Cycle và là cuốn chót của bộ 'The Initiate', do Thanh Thiên dịch