VỊ CHÂN SƯ Quyển II - The Initiate in the New World
GIỚI THIỆU
Sự đón nhận quyển The Initiate của độc giả vừa làm tôi hài lòng, vừa dạy tôi đôi điều mà cũng có nét kỳ lạ. Có tới ba người khác nhau tự nhận là tác giả sách và nói nhỏ cho một người bạn của tôi nghe, nhưng người bạn này lại rành chuyện và kể lại với tôi mà không tiết lộ tên ba vị trên, cũng như bà không cho họ hay ai là tác giả thật. Sự việc vì vậy không phải là không vuốt ve lòng tự ái, mà các vị này cũng không nên e ngại là tôi sẽ lật tẩy họ bằng cách không còn ẩn danh nữa với quyển thứ hai của bộ The Initiate. (Cyril Scotư tưởng ký tên His Pupil cho cả ba quyển trong bộ The Initiate, mãi về sau năm 1969 khi viết cuốn tự thuật Bone of Contention ông mới cho hay mình là tác giả). Ngược lại tôi rất biết ơn là khi mạo nhận như thế, họ đã giúp tôi giữ được sự ẩn danh trong việc viết sách.
Ngoài việc không thành thật này The Initiate còn mang lại những kết quả khác không lạ lùng bằng tuy có mãn nguyện hơn mà cùng lúc làm tác giả ngượng nghịu, vì nhà xuất bản trao lại cho tôi một số thư, trong đó người viết xin được nói chuyện cùng tôi, hay nhờ can thiệp với Chân Sư để ngài viết cho họ. Trong vài trường hợp họ còn ghi rõ là muốn hay không muốn ngài viết về chuyện gì, nhiều người nữa viết là họ sẽ không hài lòng với lời khuyên hay chê trách có tính 'chung chung vô hại'. Tôi trả lời vài thư nào có thể trả lời được, với số khác tôi thấy tốt hơn nên giữ im lặng, vì biết đến một ngày kia họ sẽ học được là người ta không thể đòi hỏi Chân Sư như thế, và thư duy nhất mà ta có thể mong Chân Sư gửi đi sẽ là cái thích hợp nhất cho nhu cầu tâm linh của họ. Còn việc gặp mặt nói chuyện và do vậy làm lộ ra danh tính của tôi, tôi đã xin ý kiến của thầy trước khi chấp thuận, và ngài khuyên tôi nhận lời cho một số rất ít mà thôi.
Có vẻ như những ai muốn gặp mặt hay muốn được thư không nhận ra những khó khăn mà tôi gặp phải. Trong phần kết của quyển The Initiate tôi nói rõ là thầy đã tới ngụ ở một nơi khác trên thế giới không để lại cho tôi địa chỉ, nhưng có độc giả dường như cho rằng tôi ở địa vị đáng ao ước là có thể đi tới gặp ngài bất cứ lúc nào tôi muốn, hay gọi điện thoại, điện thoại vật chất hay tâm linh. Sự thật khác hẳn như chương đầu và phần cuối của quyển này cho thấy. Vào lúc này Chân Sư sống cách xa tôi vạn dặm, và mặt khác hiện tại khi nào ngài muốn có tiếp xúc thì mới cho phép tôi làm vậy mà thôi. Ngài biết trọn vẹn tất cả những gì có trong tâm não tôi, và do đó ý thức hoàn toàn nhu cầu của tôi cùng thư nào và yêu cầu gì mà tôi nhận được. Vì thế khi ngài cảm thấy là ai đó có được trợ giúp về mặt tinh thần nhờ gặp mặt tôi, hay nên viết thư khéo léo từ chối việc ấy, thì ngài tạo sự liên lạc cho phép tôi hỏi ngài nên làm điều chi. Trong vài trường hợp khó khăn ngài còn đọc cho tôi viết thư hồi âm, với trường hợp khác ngài khuyên tôi nhắc lại trong thư trả lời câu chân lý bí truyền là Khi Đệ Tử Sẵn Sàng Thì Chân Sư Xuất Hiện, và như vậy dù có thể không biết nhưng người viết thư đã được theo dõi và hướng dẫn.
Đôi điều cần được giải thích về cuốn hai này The Initiate in the New World tiếp theo cuốn một The Initiate. Những bài nói chuyện mà tôi ghi là bài giảng không xuất hiện theo thứ tự kể trong sách, lý do thay đổi thứ tự chỉ là để tiện dụng và thuận lợi cho sách. Chỉ có vài bài nói chuyện trong số những buổi tối tôi có tham dự là được mang vào sách, và nhiều điều được giữ lại không ghi ra vì nó chỉ dành cho người thuộc về nhóm riêng biệt của thầy tôi. Tuy tôi viết xong sách này từ vài năm trước nhưng Chân Sư cho hay thời điểm chưa tiện cho việc xuất bản. Sự trì hoãn này hóa ra may mắn vì ít nhất nhờ vậy tôi thêm được lời cuối mà nếu không chờ thì không có được. Kế đó ngài dùng đa số từ ngữ kỹ thuật bằng chữ Phạn thí dụ chữ Chân Sư ngài dùng là Guru, nhưng nay từ ngữ do hội Theosophia dùng đã hóa thông dụng nên tôi dịch đa số những chữ kỹ thuật của ngài theo chữ quen dùng của hội.
Để kết thúc tôi xin thêm rằng trong lúc viết quyển này tôi nhận được lời tán đồng và khuyến khích của một trong các Chân Sư tại Himalaya, ngài tỏ ý hài lòng là cuốn I The Initiate được tiếp tục với quyển hai The Initiate in the New World. Mong sao cuốn này xứng đáng với lời chúc lành cao quí như vậy.
CHƯƠNG I
TÁI NGỘ
12 năm đã trôi qua từ lúc tôi gặp thầy lần chót. Trong thư tạm biệt cho tôi ngài viết:
Trong tương lai một phần việc khác được giao phó cho thầy, và con cùng thầy sẽ không gặp nhau bằng thể xác trong thời gian sắp tới, tuy bất cứ khi nào con cần thầy giúp đỡ thầy sẽ cảm biết được việc ấy và đáp lại lời yêu cầu của con.
Và chắc chắn là ngài đã giữ lời tuy cá nhân tôi bất toàn và không luôn luôn lợi dụng được hết lời hứa của ngài. Có lúc xem như tôi đang mất dần đi vài quan năng mà tôi đã chậm chạp có được. Về sau tôi được giải thích lý do sự việc nhưng vào lúc đó nói nhẹ ra là tôi thắc mắc lạ lùng. Mất đi hình ảnh Chân Sư quả là bi thảm cho ai ở trong vị thế ý thức được là Chân Sư có nghĩa gì cho trọn đời họ. Dầu vậy tôi cũng đúng khi nói việc mất đi khả năng ít oi của mình không làm tôi bận lòng, vì ngài thường nhấn mạnh với tôi rằng lòng ước ao quyền năng tâm linh là chướng ngại cản trở trên đường dẫn tới Tâm thức Tinh thần, trừ phi nó được ao ước cho mục tiêu hoàn toàn vô ngã, do đó tôi không hề có cố gắng đặc biệt nào để phát triển chúng. Thực vậy, có người bạn đề nghị tôi vào nhóm nhỏ của họ để tập phát triển quyền năng nhưng tôi không thuận, biện luận rằng nếu thầy tôi quả thật muốn tôi 'thấy' thì tới đúng lúc khả năng của tôi sẽ được khơi dậy trở lại.
Một ngày kia tôi nhận được phong bì với hàng chữ đánh máy dán tem Mỹ. Tôi không ngạc nhiên vì tôi có vài người quen ở Mỹ nên thỉnh thoảng nhận được thư. Nhưng không kể tới những xúc động khác khi mở thư, tôi kinh ngạc biết bao khi đọc các giòng sau:
1920.
Con thân mến,
Nay trò gây đổ máu và trẻ con biết bao (người đời cho nó tư cách giả hiệu khi gọi đó là chiến tranh !) đã chấm dứt, thầy đề nghị là con dàn xếp để qua đây ít nhất vài tháng, và đi càng sớm càng tốt. Thầy có chuyện muốn đề nghị cùng con có liên hệ tới đường tiến hóa của con mà nếu không có nó thầy nghĩ con khó tiến xa thêm trong kiếp này. Tuy trong những năm qua con không hoàn toàn ý thức về thầy, về phần mình thầy vẫn trông chừng và theo dõi con trong cuộc sống tâm linh, và có thể cho con hay không chút ngần ngại là con nên cám ơn niềm tin của mình, nhờ nó mà việc thầy đề nghị có thể xẩy ra. Quả thật có vài khó khăn trên đường của con, nhưng thầy chỉ xin con giữ vững niềm tin, điều cho tới nay khiến con tiến bước tốt đẹp, và quyết định lên đường sang đây rồi thì thầy hứa là sẽ có trợ giúp.
Thầy gửi con lời chúc lành và chờ trả lời của con. Mong sao con chọn lựa khôn ngoan vì đó là hy vọng của thầy.
J.M.H.
Tái bút: Xin thứ lỗi là thư đánh máy nhưng thì giờ rất hiếm hoi ở nước này.
Không cần phải suy tính gì cả. Có những khó khăn phải vượt qua, và vào lúc đó khó khăn về tài chính dường như không thể qua nổi, nhưng sự việc tự dàn xếp lấy để tôi nhận được điều giống như của trời cho tự nhiên có. Đối với tôi lời Chân Sư là luật, tôi hân hoan đọc đi đọc lại thư ngài nhiều lần và chưa tới hai giờ đồng hồ sau tôi đã hồi âm cho thầy. Tôi viết là tôi sẽ đi gặp ngài, nhưng tôi không thể thấy là làm sao có thể đi và nói cho chắc thì lúc nào tôi đi được. Và trong vòng ba tuần tôi có mặt trên tầu băng Đại tây dương, với một ngân khoản ở nhà băng nhiều hơn số tiền tôi có được trong mấy năm qua. Tôi đến cảng Boston vào một sáng mùa thu nắng đẹp hết sức trong sáng, đã nghe chuyện hành khách cùng tầu kể lại tôi không hứng chí chút nào với viễn ảnh quan thuế sắp xét hỏi. Nhưng gần như vừa đặt chân xuống đất thì một người thanh niên trẻ tuổi nhanh nhẹn tới chào.
– Rất mừng được gặp anh, anh Broadbent.
Ngạc nhiên, tôi bắt tay anh chàng và tính hỏi tên thì anh làm tôi vỡ lẽ.
– Tên tôi là Arkwright, anh nói, tôi là đệ tử của thầy M.H. tới gặp anh để xem có thể giúp được gì. Thầy mời anh đến ăn trưa lúc một giờ. Để tôi lo chuyện này cho, anh chỉ tay vào đống hành lý, rồi đưa anh về khách sạn.
– Anh tới đón tôi thật tốt quá, tôi nói một cách hoan hỉ, thiệt tình tôi có hơi lo trong bụng, anh biết tới chỗ lạ thì lòng không yên.
– Tôi biết, anh đồng ý. Xin lỗi nghe, anh nói và bỏ chạy tới gặp một nhân viên mà anh vừa thấy mặt, nói vài lời với người này rồi quay trở lại.
– Xong, anh trấn an tôi, mình sắp ra khỏi nơi đây, chỉ còn chờ họ mang valise của anh xuống tầu.
– Nói nghe, tôi hỏi trong lúc chúng tôi đứng chờ, làm sao anh nhận ra được tôi ? Bề ngoài tôi đâu có gì đặc biệt.
– Hỏi tôi làm chi, anh nói và nháy mắt làm tôi cũng vẫn không hiểu được gì thêm, anh hỏi thầy tốt hơn. Biết đâu ngài sẽ giải thích cho anh mà cũng có thể là không giải thích.
Tôi phá ra cười. Anh chàng người Mỹ trẻ tuổi thật thản nhiên này quả là tếu. Tôi tự hỏi anh tiến xa tới bực nào và ưa thích nhất mặt gì trong huyền bí học và ...
– Tôi chắc rương của anh kìa, anh ta nói, chỉ tay về người vác hàng đang từ cầu tầu đi xuống mang theo rương có ghi tên tôi.
Sau đó chuyện xẩy ra xuôi rót, nhân viên 'bạn' anh chàng chỉ hỏi không mấy rắc rối nên tôi nghi là đã có nói trước nhưng nghĩ tốt hơn đừng hỏi gì. Chưa tới nửa tiếng đồng hồ sau taxi chở chúng tôi về khách sạn nơi đã dành sẵn phòng cho tôi. Tôi mở valise lấy ra vài món cần dùng trong lúc anh bạn vui tính trò chuyện, rồi chúng tôi ra cửa tới buổi hẹn quan trọng. Cuộc tái ngộ của tôi với Chân Sư là một trong những giây phút hệ trọng mà tôi không đủ sức diễn tả lại. Tôi mong ước rất nhiều về buổi tái ngộ chờ đợi từ lâu này, mà tôi lại nhận được nhiều hơn thế. Tình thương và nỗi hân hoan chào mừng thầy tỏ ra với tôi mà không vồn vã nhiều lời làm tôi cảm động sâu xa, thế nên tuy rất vui sướng tôi thấy nhẹ nhõm khi thầy cảm được sự ngượng nghịu của tôi và chữa lại nó bằng cách tỏ ra thản nhiên hơn.
– Con trải qua thử thách khá lắm, ngài nói, thầy hài lòng về con.
– Thử thách nào ? tôi nhắc lại.
– Này con, vào thời đại mà quyền năng tâm linh hiếm thấy và do đó được ao ước mạnh mẽ, việc xem nó hay đúng hơn nhìn sự mất mát của nó với thái độ dửng dưng đầy triết lý là chuyện đáng khen. Đứa trẻ thường khóc nức nở khi mất đồ chơi mới nhiều hơn là món cũ.
Và tôi chợt hiểu.
Trong phút yên lặng sau đó tôi nhìn kỹ chung quanh hơn. thầy ở trong ngôi nhà trang trí khéo léo thuộc những vùng xưa giống cảnh nước Anh ở Boston. Tại sao một người đàn ông độc thân lại cần nhà rộng như vầy làm tôi ngạc nhiên lúc ấy, nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi sau đó làm sáng tỏ lý do.
– Con không thay đổi mấy, ngài tiếp tục câu chuyện, ngắm tôi kỹ, có lẽ có thêm vài đường nhăn ...
– Không cần phải nói là thầy không thay đổi chút nào, trừ việc tóc thầy có vẻ rậm hơn.
Ngài cười.
– Sao đi nữa con sẽ thấy thầy thay đổi khi quan sát cung cách của thầy trên đất Mỹ.
– Tức là sao ạ ?
– Chỉ là sự thích ứng thôi.
– Con cũng vẫn chưa hiểu. Tôi cười.
– Phương pháp, lời chỉ dẫn và ngay cả cung cách bên ngoài hợp cho nước này sẽ không hợp cho nước kia. Chẳng những thầy phải thích ứng phương pháp của thầy cho dân tộc tính và tánh khí của học trò, mà thầy còn phải làm cho mình thích ứng. Nhìn bên ngoài thì thầy không như con người ở London khi trước. Một loại công việc mới được giao cho thầy như đã có viết cho con 12 năm về trước khi thầy chào từ biệt.
– Mới nghe thấy lạ, tôi tỏ ý, nhưng con chắc chỉ vì trước đây chưa hề nghĩ tới việc ấy.
– Nó tuyệt đối cần thiết, ngài nhấn mạnh, và con đừng nên ngạc nhiên hay thất vọng nếu thầy nói hay làm chuyện ở đây khác với con người thầy mà con đã biết ở Âu châu khi trước. Thầy báo con hay từ đầu vì chuẩn bị trước bao giờ cũng vẫn hơn.
Trong phần còn lại của câu chuyện ngài nói với tôi những điều liên quan đến cuộc tiến hóa của tôi nên sẽ không ghi ra đây, nhưng có một điều tôi có thể viết vì về sau chuyện sẽ được đề cập khi tới đúng lúc.
Có một chuyện đặc biệt mà Chân Sư muốn tôi làm, ngài nói.
– Con trải qua bao đường đất tới đây không phải chỉ để gần thầy và nhận lấy chỉ dạy. Có một việc rất rõ ràng mà thầy muốn con làm như đã ám chỉ trong thư. Nó có nghĩa con phải hy sinh nhiều nhưng đáng công. Thầy sẽ cho con hay điều muốn làm khi thuận tiện, giờ chưa phải lúc. Trong lúc chờ đợi con sẽ gặp đa số học trò của thầy, họ họp ở đây mỗi tối thứ tư và thầy có bài giảng cho nhóm. Mọi người được khuyến khích có tình huynh đệ và thân ái với nhau, sau buổi giảng là phần đặt câu hỏi, thảo luận và giải khát. Ai muốn hút thuốc cũng được, sự việc hoàn toàn tự do nơi đây, không ai can thiệp vào thói quen tương đối vô hại của người khác, duy có rượu thì cấm và thầy mạnh mẽ khuyên các đệ tử không nên dùng rượu. Vậy là con biết sinh hoạt ở đây, và hôm nay là thứ tư thì con đến lúc 8.30 tối bắt đầu buổi họp.
Thấy rõ là thầy bận rộn nên tôi ra về, dành trọn thời giờ còn lại trong ngày để viếng cảnh Boston, lòng rộn ràng hân hoan và trí ngổn ngang bao tư tưởng. Thầy muốn tôi làm việc chi, và nó đòi hỏi phải hy sinh là sao ? Bao nhiêu ý nghĩ trổi lên nhưng không có ý mà về sau tôi biết là đúng là chuyện nên làm. Còn sự thay đổi mà thầy ám chỉ tới thì tới nay tôi chưa thấy, ngài ăn mặc nhã nhặn không chê vào đâu được y như hồi ở London, nếp quần ủi thẳng chứng tỏ thầy có người giúp việc khéo léo cẩn thận như trước. Nhưng hiển nhiên có ý kiến bây giờ thì quá sớm, tôi chỉ mới gặp thầy một lúc ngắn thôi mà, tương lai còn gì thì chưa biết tuy tôi tin chắc nó đầy chuyện làm cuộc sống thú vị nhiều lần hơn.
Khi tôi quay trở lại nhà thầy vào buổi tối thì gặp khoảng ba mươi người đang trò chuyện vui vẻ trước buổi giảng. Thầy M.H. đi lại trong nhóm nói vài lời với người này rồi quay sang người kia, nhưng thấy tôi vào tới cửa thầy tiến đến giới thiệu tôi với một thiếu nữ và cô bạn.
– Mở đầu rồi thì xin các con trò chuyện tiếp, thầy bảo sau khi cho biết tên họ chúng tôi, nhưng luật ở đây là ai nói chuyện với tất cả mọi ai khác, vì hòa hợp làm Một có ích gì trừ phi chúng ta hành xử giống vậy ? ngài vui vẻ nói thêm.
Tuy nhiên tôi không có giờ thăm hỏi những bạn mới quen vì thầy đi tới cuối phòng, lại ngồi ghế đặt trên cái bục nhỏ và ra dấu khởi sự buổi giảng.
CHƯƠNG II
LUÂN LÝ VÀ SIÊU LUÂN LÝ
'Tới lúc này như các con đã biết, phần lớn những chỉ dạy ta đưa ra trong các buổi họp như vầy có thể truyền ra tới những ai ở ngoài nhóm của chúng ta. Tin rằng Chân Sư hiện hữu chỉ để dạy dỗ một vài đệ tử cách khai mở luân xa là tin lầm. Thực vậy, với đa số các con thầy can ngăn đừng làm việc ấy vì nó là một trở ngại hơn là phương tiện dẫn tới thành đạt. Chân Sư hiện hữu chính yếu là để hướng dẫn nhân loại nói chung, và đưa ra những tư tưởng về luân lý, tinh thần, đạo đức cần cho một thời điểm đặc biệt. Làm sao làm được chuyện đó ? Nó thực hiện nhờ các đệ tử có mặt trên thế giới và theo ý riêng của họ, phổ biến phần nào chỉ dạy của chúng ta (các Chân Sư)) mà họ thấy là nên làm và khi có cơ hội. Như thế chúng ta giúp các đệ tử và tới phiên họ giúp chúng ta. Nếu họ viết văn thì vài chỉ dạy được đem vào sách của họ, nếu là thi sĩ nó sẽ hiện ra trong thi phú của nhà thơ, nếu là nhạc sĩ thì tinh thần của huấn thị sẽ vang vọng trong nhạc điệu.
'Khi ta nhìn vào nhóm nhỏ này thấy người thuộc nhiều ngành khác nhau mà tất cả giúp ta hết sức mình, ít nhất thầy mong như vậy, ngài thêm vào với vẻ ranh mãnh. Ta mong chờ là các con sẽ giúp có thêm người chấp nhận triết lý mới, không phải chỉ bằng cách truyền đạt chỉ dạy của chúng ta mà còn khuyến dụ ai không tin tưởng sẽ tin vào sự hiện hữu của Chân Sư. Dĩ nhiên ai muốn có chuyện hào hứng thì thích chúng ta hiện hình cho ai sắp làm đệ tử và nói 'Ta là Guru của con, hãy theo và thành đệ tử của ta'. Nhưng đó không hề cách làm việc của các Chân Sư và sẽ không bao giờ giống vậy. Trừ phi người đệ tử có thông nhãn (clairvoyance) và do đó thấy được chúng ta mà không cần chúng ta phải hiện hình, làm thế chỉ phung phí lực khiến chúng ta mang tiếng là khoe khoang. Một trong những luật của chúng ta là không bao giờ làm chuyện gì một cách khác thường hi có thể làm chúng theo cách thông thường. Còn việc chúng ta làm sau khi đệ tử và Chân Sư trở nên liên hệ gần gũi thì lại là chuyện khác.
'Tối nay thầy sẽ nói về chướng ngại to lớn nhất trong Minh Triết bí truyền, thành đạt tinh thần và tiến triển về mặt huyền bí. Chướng ngại đó là óc câu nệ thói đời dưới bất cứ hình thức nào có liên hệ tới luân lý hay tôn giáo. Các tác giả kinh Tân ước mô tả người giả hình Pharisees (người câu nệ kinh điển thiếu lòng nhân) là mẫu người điển hình nhất của loại này, và ghi đức Chúa dạy rằng cô gái điếm thì gần nước Trời hơn những người Pharisees. Dù lời ấy có chút quá đáng nhưng nó phù hợp với thực tại. Nếu chúng ta nhìn vào thể trí của người có óc câu nệ mạnh mẽ thói đời, thì nó có hình dạng cứng chắc, không uyển chuyển, thể cũng nhỏ làm như thiếu dinh dưỡng. Khi tìm cách gây ấn tượng lên các thể này bằng giáo huấn của chúng ta thì tư tưởng không thể đi xuyên qua được hàng rào là bề mặt cứng ngắc đó, đôi khi cách duy nhất chúng ta có thể làm vỡ bề mặt ngăn trở ấy là nhạc hiện đại có tính bất hòa, và đó là trường hợp vài nhà soạn nhạc đương thời đang làm được chuyện tốt đẹp.
'Nguyên do nào khiến óc câu nệ thói đời nẩy nở ? Nó có vì trí não lười biếng, sợ dư luận, kiêu hãnh, sợ bị lời nói người khác làm tổn thương, mê tín theo nghĩa là chuyện gì đa số người tin hẳn phải đúng. Chúng ta không cần bận tâm đến óc câu nệ thói đời về mặt tôn giáo, điều thầy muốn thảo luận tối nay là sự liên hệ của nó với luân lý. Như các con biết, có loại luân lý câu nệ và được khối đông người theo không ít thì nhiều, nhưng cho người muốn vào đường Đạo hay đang đi trên đó thì luân lý phải tỏ ra uyển chuyển và có tính cao thượng hơn. Đó là điều ta có thể đặt tên là Siêu Luân Lý, nó có tính không ích kỷ và dựa trên lòng không ích kỷ, còn điều luân lý trước thì là kết quả của lòng ích kỷ và là cái cớ để ích kỷ.
'Vì vậy có nhiều lý do tại sao người ta muốn theo luân lý, mà chỉ có thể có một lý do tại sao ta muốn theo chuyện siêu luân lý. Như thầy có đề cập, một người có thể theo luân lý và anh sợ hàng xóm nghĩ xấu về mình, anh bị lòng kiêu hãnh và nhát gan làm chủ. Người khác theo luân lý vì nó hợp với anh có nghĩa làm vậy thì anh được lợi chi đó. Nhưng người ta không thể theo siêu luân lý vì bất cứ lý do nào như thế mà ngược lại, chuyện người đời thấy hay xẩy đến với anh là bị chê bai, thua thiệt. Ấy là do đối với người đời ai theo siêu luân lý thường có vẻ như là kẻ vô luân, bởi ai không có óc phân biện sẽ thấy hai thái cực giống y nhau, chẳng khác nào ánh sáng chói lòa nhất sẽ làm quáng mắt không thấy đường hệt như đêm tối dầy đặc.
Tới đây Chân Sư đứng dậy khỏi ghế, bước ra ngoài cái bục nhỏ đi tới lui, vừa đi vừa nói.
'Vậy thì, điều gì là điểm phân biệt giữa luân lý và siêu luân lý ? Nó là động cơ vô ngã. Điều trước đến từ trí não, điều sau đến từ con tim; điều trước dựa vào qui tắc, thói đời, điều sau hoàn toàn dựa vào đòi hỏi của hoàn cảnh. Lấy thí dụ giản dị là việc dối gạt. Có ai trong các con ngây thơ đến mức cho rằng ta mà các con gọi là thầy, sẽ không dối gạt con khi thấy làm vậy có lợi cho con ? Thế nhưng có người khoát tay lia lịa vô cùng kinh hãi với ý tưởng đó. 'Chân Sư mà nói gạt, nói dối - chuyện không thể tưởng tượng, không thể nào có được !'
'Họ không ý thức rằng về một mặt vị Chân Sư cần phải hành động phần lớn trong ngày, mà hành động là một hình thức dối gạt. Thử tưởng tượng vị Chân Sư đã có được tâm từ ái bao la, điều là tính chất của quả vị Đạo sư, hành xử hợp với tâm từ bi ấy thì sẽ ra sao ? con có nghĩ là các Chân Sư chúng ta dám tỏ tình thương trong lòng với hết thẩy mọi người chăng ? Chà, làm vậy thì chẳng mấy chốc họ sẽ nhốt hết chúng ta vào nhà thương điên, và Chân Sư phải dùng cái gọi là quyền năng nhiệm mầu của các ngài để tìm cách thoát khỏi nơi đó !
Một tràng cười nổi lên trong nhóm nhỏ bé này.
'Chuyện dễ dàng cho các Chân Sư hay được nói tới ở Himalaya, sống đời ẩn dật ở chỗ núi non chót vót, các ngài sống tự do sống theo ý mình, ít nhất các ngài có thể làm được vậy nếu thực sự sống như nhà ẩn tu, nhưng thực tế là nhiều vị không sống như thế. Các ngài cũng có đệ tử chung quanh và không dành nguyên ngày tham thiền chìm đắm ngất ngây trong cõi thiêng liêng. Làm vậy hẳn rất là dễ chịu cho các ngài, Chân Sư đã tới đích của đường tiến hóa nhưng còn ai đang chật vật khó nhọc tiến bước thì sao ? Chỉ vì chúng ta phải tiếp tục làm chuyện ấy trước tiên là vì nỗi vui thú nó mang lại, và kế đó là để phô truơng với người khác là chúng ta có thể làm được hay sao ? Không.
'Người theo siêu luân lý nhận biết rằng khi họ có được đức tính hay khả năng nào, như là thành thực hay ngất trí đắm sâu lúc thiền hay bất cứ điều gì, thì đó là lúc cần che dấu nó hay sử dụng rất ít, hay làm cả hai tùy tình trạng đòi hỏi. Một đạo sư Ấn Độ mà thầy gặp nói rằng trong một kiếp trước ta là nhà hùng biện đại tài. Nó có thể đúng có thể không, cho là nó đúng và thầy vẫn còn khả năng hùng biện tuyệt hảo, thì nó có hợp chăng khi ta khêu gợi tình cảm các con bằng lời hùng hồn sôi nổi thay vì nói chuyện bình thường với con như lúc này ? Nếu phương pháp sau là đủ thì tại sao dùng cái trước ? Nếu dùng lời hùng biện thì phải chăng chỉ là để nhắc rằng có điều thầy làm được mà con không thể làm được ?
'Đa số người khi có được đức tính nào thì muốn phô bầy nó trước mặt ai chưa có điều ấy, họ biện luận rằng như thế là tốt lành cho kẻ đáng thương còn yếu kém, nhưng không nghĩ rằng tư tưởng đó sinh ra do lòng kiêu hãnh. con nghĩ sao nếu đang đói lòng mà một thân hữu tới gần với đĩa bánh trong tay, bắt đầu ăn trước mắt con ? Làm thế có tốt lành không ? hay giả dụ một thân hữu của con bị mất hết tiền, con có đứng trước mặt họ tay đút túi quần lắc cho đồng xu kêu leng keng trong túi để họ nghe không ? Vậy mà hằng ngàn người luân lý hết mình, và người rất sùng đạo làm chuyện ấy với những đức tính của họ. Phải, có màn biểu diễn rất khéo léo đức tính trên thế giới cho con xem miễn phí, nhưng nó muốn nói điều gì ? Giản dị chỉ là có người nam hay người nữ muốn tỏ ra mình trội hơn kẻ khác. Họ lập luận rằng 'Đức tính là đức tính, vậy thì càng phô trương thường chừng nào cho người ta chú ý thì càng tốt chừng ấy;' và không chừng họ sẽ trích dẫn kinh sách để chứng minh cho biện luận của mình.
Thầy ngưng rồi tiếp tục với giọng nói thay đổi.
– Tuy nhiên không có phút nào ta cần lộ ra đức tính sao ? Dĩ nhiên là có, nhưng tất cả tùy thuộc vào tại sao, bằng cách nào, và lộ ra ở đâu. Cũng có những lúc ta nên lộ ra nhược điểm, ngay cả nhược điểm ta không có. Mới đây có một đệ tử tới gặp thầy và hỏi cách để trị cho người bạn bắt đầu tật rượu chè. Ta cho anh lời khuyên mà sẽ khiến anh phạm luật của nhóm chúng ta. Anh thực hiện lời khuyện bằng cách ra sao ? Anh đi chơi vài lần với người bạn và uống say mèm. Tới đêm kia, trước khi cả hai say túy lúy quên trời đất, anh ném ly xuống sàn và nói: 'Coi nè, mắc mớ gì mình phải uống chất tệ hại này ? Nó đắng miệng, làm mình nhức bưng đầu không đáng công. Tôi bỏ cuộc thôi, sao anh không bỏ luôn như tôi ?' và thân hữu anh tránh hẳn rượu. Hành động của anh có tính thúc đẩy mạnh mẽ, cộng thêm một chút trợ lực huyền bí của ta khiến thân hữu bỏ được tật.
'Nhìn theo quan điểm luân lý người đời thì đệ tử của ta đã phạm luật, dối gạt bạn thân, biến mình thành kẻ rượu chè, nhưng theo quan điểm siêu luân lý thì anh xử sự như người đầy lòng nhân thật dũng cảm. Thế thì điều con cần làm cho người đời ý thức là không có chân lý vĩnh cửu nào về luân lý, và xin đừng lẫn lộn chân lý về luân lý với chân lý tinh thần, điều sau vĩnh cửu nhưng điều trước thì tùy thuộc vào nhiều việc thay đổi. Lấy thí dụ luân lý của Tibet thì không phải là luân lý của New York. Nếu ở đây một phụ nữ lập gia đình không những với ông X. mà luôn với tất cả những anh em trai của ông thì cô bị xem là rất tồi tệ, nhưng ngược lại ở Tibet nếu cô từ chối không chịu thành hôn với tất cả anh em trai một nhà thì cô bị đánh giá là người xấu xa không kém. Nếu chỉ nói rằng người Tibet còn sơ khai và người New York không giống vậy thì đó không phải là lý do. Lý do chỉ đơn giản rằng ở Tibet trai thừa gái thiếu. Hơn nữa, nếu thế chiến I kéo dài lâu hơn thì không chừng không có đủ đàn ông ở Mỹ, và như thế người ta chẳng những thành hôn với cô bạn tình của mình mà còn phải lấy tất cả chị em gái của cô bạn nữa.
'Các con cười, mà quả đúng thế vì chuyện gì cũng có khía cạnh khôi hài của nó, nhưng ai chưa hiểu biết nhiều sẽ không cười với chuyện chưa có tiền lệ này, họ sẽ cho rằng nó thật vô luân đáng ghét. Nhưng ta hãy có đủ thành thực và can đảm nhìn thẳng vào sự việc. Giết hàng trăm người vô tội chỉ bởi các nước lâm cảnh xáo trộn vì không chịu yêu thương nước láng giềng của mình thì xấu xa hơn, hay thành hôn với nhiều phụ nữ để tránh dân chúng không bị hệ quả của việc xáo trộn ấy thì xấu xa hơn ? Hãy để nhà luân lý trả lời điều ấy. Thầy có lý do riêng nhưng sẽ cho con hay tại sao nhà luân lý nghĩ là không đồng ý với thầy.
'Đó là vì bao thế kỷ qua chuyện giết người ở con số khổng lồ được xem là việc vĩ đại, hào hùng. Việc tại sao điều xấu ở mức độ nhỏ là sát nhân lại có thể biện minh được khi tăng đến mức khổng lồ, là câu hỏi mà con không nên hỏi nhà lý luận, nhưng thầy cho con hay nguyên do của sự bất nhất ấy, nó nằm trong chữ thói đời hay tập tục, truyền thống. Vì thế con cần ý thức là chúng ta, người đang cố gắng bước trên con đường Minh triết, không thể có cùng quan điểm về luân lý như xã hội nói chung hằng quan niệm, mà chúng ta cần điều cao thượng hơn, uyển chuyển hơn, có nét tinh thần hơn; và bởi chẳng những luân lý thay đổi theo nơi chốn, quốc gia, khí hậu mà còn theo cả với thời gian, chúng ta cần tiêu chuẩn khác với điều chỉ là truyền thống luân lý về việc gì đúng hay sai.
'Nếu có ai không sẵn lòng tin rằng luân lý thay đổi với thời gian thì hãy để họ xem lại sách mà tây phương xem là thiêng liêng nhất, trong đó nói rằng có thời ý niệm công bằng là 'Mắt đổi mắt, răng đền răng'. Hay xa hơn nữa thì đọc về vua Solomon được xem là người khôn ngoan nhất, dĩ nhiên cũng hàm ý là người có luân lý nhất, từ trước tới nay. Nhưng xin thử nói ta nghe, người Mỹ rất chăm chút với luật chống điều này, chuyện kia, việc nọ, họ nghĩ sao về ông vua có bẩy trăm bà vợ và hai trăm cung phi ? Họ có xem ông là người khôn ngoan nhất trên cả đại lục này không ? Thầy cũng muốn biết làm sao ông có giờ học được sự khôn ngoan khi bận rộn với cung cấm đông mỹ nhân như thế.'
Cả bọn phá ra cười lớn nhưng thầy tiếp tục không ngưng.
– Nhân tiện ta nói về luật, thầy muốn vạch ra rằng không một nhà siêu luân lý nào lại có khi can thiệp vào sự tự do của người khác, chỉ có nhà luân lý mới làm vậy. Ai muốn làm bao nhiêu luật thì cứ để họ làm cho chính mình nếu thích, nhưng đừng làm cho người khác. Chúng ta can dự vào chuyện người khác để chi ? Con nghĩ bằng cách ép buộc người khác làm chuyện này hay chuyện kia là giúp cho cuộc tiến hóa của họ à ? Con có giúp cho sự tiến hóa của người đấu quyền Anh lấy giải bằng cách trói tay họ không ? Không. Chỉ có một cách thúc đẩy sự tiến hóa của người quanh ta là bằng sự khuyến dụ, con nhớ không phải là ép buộc nhé, cho họ thay đổi động cơ, vì động cơ là tất cả còn hành động là thứ yếu, nếu con có thể dạy người biết suy nghĩ với quả tim cũng như với khối óc là đã làm được chuyện tốt lành.
Tới đó chấm dứt bài giảng tối nay, nhưng thầy ngồi lại vào ghế.
– Có ai muốn hỏi gì không ? ngài nói.
– Làm sao thầy định nghĩa chân lý tinh thần ? cô gái ngồi cạnh tôi hỏi. Thầy dạy ta không nên lẫn lộn chân lý tinh thần và chân lý về luân lý.
– Khi nhà Yogi nói rằng Tất cả là Thượng đế, thầy đáp, là họ thốt ra một chân lý tinh thần. Hay khi chúng ta nói chỉ có một Đại Ngã, thì đó là chân lý tinh thần. Chân lý như vậy trường cửu, bất biến. Nhưng chân lý về luân lý thì tương đối và do vậy bị biến đổi. Còn thắc mắc nào khác không ?
Không ai trả lời nên Chân Sư bước xuống khỏi cái bục nhỏ và người trong phòng đứng dậy. Có tiếng nói chuyện rào rào và ai nấy đi tới bàn dài ở một bên phòng có trà bánh. Một cô rất xinh đẹp trao cho tôi bánh sandwich, nói tự nhiên rằng họ rất vui có tôi vào nhóm và mong là tôi sẽ ở lại lâu v.v. Thêm mấy người khác cũng tới nói giống vậy, với ý hiển nhiên là làm tôi được thoải mái, và họ đã thành công.
Tôi thấy đa số đệ tử chưa tới 45 nhưng có vài người lớn tuổi hơn, có một người khoảng sáu chục tuổi. Điều đặc biệt chú ý là họ có da dẻ hồng hào mạnh khỏe, tuy không phải là bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Tình thân ái thấy rất rõ giữa mọi người với nhau và tôi muốn ghi ở đây sự việc là trong nhiều tháng tiếp xúc với nhóm, tôi không thấy có lời chuyện trò ác ý nào.
Sau khoảng nửa giờ thảo luận nhóm bắt đầu thưa dần, một hai người khách bắt tay chào thầy M.H. trước khi ra về, nhưng tôi để ý là đa số người rời buổi họp không nói với ai hay nói to 'Bà con ở lại nhé' rồi đi. Bởi tôi mong lấy hẹn để gặp thầy vào hôm sau, tôi nán lại và nói vài câu với thầy.
– Đây là cách nhóm sinh hoạt ở đây, ngài vui vẻ nói, thầy mong con có được vài người bạn rồi chứ ?
Tôi thưa là mọi người đối xử rất tốt lành với tôi.
– Có một hay hai người thầy muốn con thân hơn. Để xem nào, ngài ngẫm nghĩ, mai là thứ năm, Viola Brind sẽ tới lúc năm giờ chiều với bạn không chừng sẽ là đệ tử. Được lắm. Mai con cũng đến dùng trà lúc năm giờ rồi khi mọi người ra về thì ta sẽ bàn chuyện.
Tôi chào thầy ra về, khi tới phòng ngoài tôi gặp người Ấn mà tôi ngồi cạnh khi nẫy.
– Anh về cùng đường với tôi không ? tôi hỏi.
– Anh về đâu ?
– Đường B ...
Anh bảo cũng về đường ấy và tôi đề nghị đi chung cho vui. Anh có thân hình vạm vỡ với gương mặt có đường nét đẹp tôi chưa hề thấy, và tôi tự hỏi anh đã tiến xa lắm chăng. Anh không nói nhiều nhưng sự yên lặng không có vẻ gì là thiếu thân thiện.
– Anh gặp thầy lâu chưa ? tôi hỏi.
– Lâu, anh đáp, nín cười theo kiểu người lớn hay cười khi trẻ con đặt câu hỏi ngây thơ.
– Vậy tôi chắc anh tiến xa lắm rồi phải không ?
Lần này thì anh không nín cười.
– Chuyện cũng tương đối thôi, anh đáp lửng lơ.
Tôi không có tánh hay hỏi nhưng việc gì có liên quan đến Chân Sư mà hỏi được là tôi không bỏ qua, như đứa bé đói bụng được cho trái táo, thế nên tôi hỏi tiếp.
– Ở đây ai cũng tập Yoga hết hay sao ?
– Yoga theo anh là làm gì ?
– Thì tập tư thế, tập thở, tham thiền.
– Không, không có đâu, anh nhìn tôi hiền từ và hỏi. Con voi có hút mật hoa như con ong, hay con chồn có mang được người như con ngựa không ?
Dĩ nhiên là không và tôi cười thầm về giả dụ của anh chàng.
– Vậy thầy M.H. dùng phương pháp gì ?
– Dùng cách nào thích hợp nhất cho mỗi đệ tử, tức là có nhiều cách và khác nhau tùy theo khí chất và công việc của họ.
Và anh chỉ nói có thế vì chúng tôi đã tới chỗ anh ngụ. Tôi lấy làm tiếc là không gặp lại anh lần nào nữa, về sau tôi nghe nói là anh đã lên tầu về Ấn ngay bữa kế. Tuy nhiên trong buổi tối đầu tiên ấy tôi gặp được một đệ tử khác. Tôi thấy anh ngồi đọc báo trong tiền sảnh của khách sạn tôi ngụ. Anh là nhạc sĩ đang lưu diễn tại Hoa Kỳ và đến dự các buổi họp của thầy M.H. khi nào có dịp.
– Ta gặp nhau hồi chiều rồi, anh gật đầu vui vẻ nói, ngồi chơi nói chuyện trước khi lên phòng nhé ?
– Được lắm, tôi đáp, thấy ngay là anh này chịu mở miệng hơn chàng Ấn Độ.
– Anh gặp thầy M.H. ở đâu ? Không rào đón chi hết tôi hỏi ngay.
– Tại London qua một người bạn của tôi . Còn anh ?
– Cũng tại London.
– Thế anh biết ngài lâu rồi ư ?
Tôi gật đầu.
– Anh chàng Ấn Độ coi dễ nể là ai vậy ? tôi có đi bộ một quãng với anh ta.
– Ô, đó là nhà Yogi ...., anh nói một tên chữ Phạn, anh ta rất giỏi.
– Anh ta có cung cách rất tuyệt vời, tôi đồng ý, làm tôi có cảm tưởng là ảnh tiến xa lắm.
– Đúng, anh ta cao lắm, nhưng rồi anh sẽ thấy là có vài người anh không cho là bậc cao lại là người tiến xa hơn hết thẩy. Tôi nghe là anh Yogi đó ẩn tu trong rừng cả mười năm và ba năm anh tịnh khẩu.
– Chuyện lạ là thầy M.H. lại là Guru của anh ta mà không phải là một Chân Sư người Ấn.
– Anh sẽ thấy có nhiều chuyện lạ ở đây, tôi thì từ lâu không còn thắc mắc chi nữa nhưng chuyện này dễ. Anh có cho đây là lần đầu tiên anh được gặp thầy M.H. ?
– Không.
– Vậy thì bởi dây liên kết Guru với đệ tử là điều mạnh nhất trong đời, nó sẽ duy trì kiếp này sang kiếp kia phải không ?
Tôi đồng ý.
– Nào, anh có nghĩ là kiếp này thầy sinh ở Anh và đệ tử sinh ở Ấn thì có gì khác biệt không ?
– Không, dĩ nhiên là không khi ta biết có mối dây ấy.
– Ngoài ra, anh nói thêm, thầy M.H. đã ở Ấn Độ nhiều năm.
– Trời đất, như thế thầy bao nhiêu tuổi rồi ?
– Chà, khoảng một trăm tuổi, anh đáp lại một cách rắn mắc trêu chọc rồi sửa lại. Không, chỉ có hai chela (đệ tử) biết mà họ không nói đâu.
Anh ngâm nga một khúc nhạc, gõ nhịp mấy ngón tay lên tay ghế. Tôi mời anh điếu thuốc lá.
– Cám ơn anh, nhưng tôi không hút thuốc. Anh đáp.
– Sao, không được phép à ?
– Không phải là được phép hay không, nhưng tôi được dạy là thuốc lá làm nặng thêm bệnh tôi có trong người.
– Không thể chữa hết được sao ?
– Anh muốn nói thầy sẽ không chữa ư ? .... Khi nào tôi học được việc làm ngơ với bệnh và hoạt động hữu hiệu như thể không có bệnh thì thầy sẽ chữa cho tôi. Ngài nói, mà anh biết thầy hay nói ra sao về những chuyện như vầy, 'Con à, làm việc thiện cho dù thân thể có bệnh thì đạt được nhiều kết quả hơn là chữa lành cho chính thể xác mà thôi.'
– Tôi nhớ đức Phật dạy là ta cần phải có sức khỏe khang kiện mới đạt sự giải thoát.
– Có thể ngài nói vậy lắm và tôi tin chắc là trong kiếp sau cùng ta sẽ có sức khỏe tốt lành. Tôi không biết tới anh thì sao, anh bạn thêm với óc hài hước, nhưng tôi thì còn lâu lắm mới mong có chuyện đó.
– Trời đất, tôi à ? tôi la lên, nói sao thì nói nhưng anh biết Ramakrishna là bậc thánh nhân đáng kể đó, vậy mà ông chết vì ung thư.
– Phải rồi, tại ông hay gánh thêm nhân quả của người khác. Nhưng ông vẫn chưa phải là bậc Chân Sư.
– Làm sao anh biết ?
– Thầy M.H. bảo tôi. Thầy nói ông gần tới quả vị Chân Sư chứ chưa đạt được nó.
Sau một khoảng im lặng tôi hỏi.
– Thầy có muốn các đệ tử học sách triết lý mỗi ngày một khoảng thời gian như mấy trường bí giáo hay đặt ra không ?
Anh chàng nhạc sĩ cười lớn.
– Chúng ta không học vỡ lòng huyền bí học, đa số chúng ta đã biết qua tất cả những chuyện này trước khi đến đây. Tôi thường đọc sách mỗi ngày ba tới bốn tiếng đồng hồ trước khi gặp thầy M.H., không phải đọc vì bổn phận mà vì tôi thích. Khi anh có thể rút ra được hết tất cả những kiến thức có trong sách thì Chân Sư xuất hiện. Ngài nói ai viết sách chỉ biết tới một mức nào đó thôi.
'Xét cho cùng kỷ luật đặt ra trong sách không phù hợp chút nào cho một số người và có thể gây hại là khác. Thí dụ như tôi coi ở đâu đó rằng anh phải tham thiền mỗi ngày nửa tiếng thì mới là sống đời tinh thần, nhưng tôi được day không tham thiền quá năm phút vì loại tập trung tư tưởng đó cần quá nhiều lực và thầy M.H. nói tất cả những lực tôi có phải dùng vào công việc của tôi.
Tôi nói một cách thành thật.
– Tối nay tôi học được nhiều điều, thiệt may là gặp anh.
Anh ta lại cười nữa.
– Không có gì may mắn cả. Ngài dặn tôi chờ ở đây tối nay vì hai chúng ta ngụ cùng khách sạn. Chúng ta được khuyến khích trò chuyện và thảo luận với nhau, nhất là có ai mới vào nhóm. Lẽ tự nhiên, anh nói rào đón, tất cả chúng ta có thể có bí mật riêng của mình nhưng nếu không biết kín miệng thì chỉ có bất lợi cho ta mà thôi. Có lần thầy nói là đôi khi bàn luận giữa chúng ta với nhau có thể giúp ta học được nhiều hơn là chỉ lắng nghe thầy dạy, kiểu như học thầy không tầy học bạn. Tôi không tin cho lắm vì anh biết ngài khiêm nhượng ra sao rồi, nhưng dù vậy tôi thấy nó cũng đúng một chút.
– Chà, tôi mong chúng ta sẽ gặp nhau thường để nói chuyện thêm.
– Tôi cũng thích vậy, tôi chỉ ước phải chi tôi đừng lại ra đi hai hay ba tháng sau ngày mốt. Hễ có dịp là tôi sẽ ở lại đây luôn. Tuy nhiên thầy nói những chuyến đi này của tôi là công việc của ngài nên tôi lấy đó an ủi mình. Nói cho sát thì ... anh bạn phác một cử chỉ thay cho lời nói.
Hai tôi ngồi đó nói chuyện thêm hai tiếng nữa và có lẽ cũng chưa chịu lên giường nếu nhân viên khách sạn không đến nhìn chúng tôi trách móc vì để đèn tốn điện.
CHƯƠNG III
CÔ BRIND VÀ CÔ DELAFIELD
Chiều hôm sau khi đến nhà thầy tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ ở lầu một, thấy ngài ngồi ở bàn trước mặt có nhiều giấy tờ đánh máy, rõ ràng là chờ được ký. Đó là căn phòng thân mật đầy sách xếp quanh tường, đa số là về đề tài huyền bí học mà về sau tôi khám phá ra.
– Đúng giờ mà đúng cả phút, ngài nói vui vẻ khi đứng lên khỏi ghế chào hỏi tôi. Sao, con có đi chơi đâu chưa, đi thăm nhiều cảnh ở Boston chưa ?
Tôi thưa với ngài là dành gần trọn ngày nay viết thư về Anh cho hay đã tới chỗ bình an vô sự.
– Đâu còn cách nào khác nữa để con tới, phải không ? ngài nói mà mắt sáng lên tinh quái, con đâu nghĩ là chúng ta kêu con tới đây rồi giữa đường bị đắm tầu hử ?
– Dạ không, tôi phá ra cười, nhưng con không thể mong là mẹ và bạn bè biết như thế, làm sao họ biết được ?
– Có thể lắm, ngài nhìn nhận.
Người giúp việc nhà báo có khách.
– Cô Brind và cô Delafield đến.
Thầy M.H. bắt tay hai người, giới thiệu chúng tôi với nhau và mời hai cô ngồi. Tôi nhận ra cô Brind là một trong những đệ tử tôi đã gặp tối hôm trước nhưng cô Delafield thì mới đối với tôi. Cô Brind tóc vàng, nhỏ nhắn với thân hình cân đối, gương mặt lộ vẻ thông minh hơn là xinh xắn. Cô Delafield thì ở tuổi tôi không dễ động lòng với sắc đẹp, nhưng tôi không nói quá là cô đẹp làm sửng sốt tới nỗi tôi choáng váng cả người.
– Ra đây là bạn của con, thầy M.H. hân hoan nói với cô Brind nhưng nhìn cô Delafield. Tôi nghe là cô thích việc làm của nhóm này.
– Còn hơn là thích nữa ạ, cô mỉm cười nói.
– Cô cho biết tuổi được không ?
– Ba mươi, câu trả lời không ngần ngại chút nào.
– Cô có từng hay hiện giờ là thành viên của hội nào về huyền bí học không, thí dụ hội Theosophia ?
– Dạ chưa bao giờ.
– Cô đã đọc nhiều sách về đề tài ấy rồi chứ ?
– Dạ, nhiều lắm.
– Thí dụ như quyển gì ?
– Sách của đạo sư Vivekananda, mẹ con có biết đạo sư.
– Ra vậy. Thế có ai giúp cô không ?
– Mẹ con và Viola, cô Brind đây.
Thầy M.H. nhìn cô chăm chú hồi lâu. Ngài hỏi giọng tự nhiên.
– Cô tìm hiểu những chuyện này với mục đích gì ?
Cô Delafield tỏ vẻ hoang mang.
– Mục đích ư ? ... Thiệt tình con không biết chắc, thấy sao có nhiều quá. Nó làm người ta nhìn cuộc đời khác đi, mà lại thật hào hứng, ngoài ra nó rất có ích để giúp người khác.
Có vẻ như thầy hài lòng và nhìn cô ưng ý.
– Cô bắt đầu học triết lý này hồi nào ?
– Cách đây ba năm.
– Chà, chưa lâu lắm phải không ? ngài nói nhẹ nhàng.
– Dạ chắc chưa.
– Cô xem, nó chưa đủ để cô biết đây chỉ là một giai đoạn hay không. Có thể rồi cô sẽ chán.
Cô Delafield có nét bối rối và tôi thấy đầy cảm tình với cô.
– Con nghĩ có thể lắm, nhưng đương nhiên là thầy xét đoán sự việc đúng hơn con.
– Điều gì làm cô nghĩ như vậy ?
– Con không hoàn toàn dốt nát về chuyện các Chân sư đâu, cô cười nhẹ đầy ý nghĩa.
Ngài cười lớn.
– Nếu tôi là cô thì tôi không tin trăm phần trăm mọi chuyện đâu.
– Con cũng không tin.
– Nói vắn tắt là cô muốn có một người thầy, ngài nói với giọng tự nhiên gọn ghẽ.
– Dạ, nhưng chuyện không phải là con muốn có một vị thầy mà là ngài có nhận con hay không. Con muốn nói, cô vội vã chữa lại, là vị thầy có nghĩ con là học trò xứng đáng.
Thầy nghiêng người tới trước và vỗ nhẹ lên tay cô.
– Được lắm. Cô Brind có cho tôi hay đôi điều về cô. Cô Delafield nhìn bạn mình lộ vẻ biết ơn. Chuyện là cô có chịu theo cách làm việc của chúng tôi, như nói thẳng mọi chuyện không tránh né, nếu cô không thích ...
Cô cười lớn và đáp.
– Ồ, con quen lối nói đó, con có ba anh em trai ở nhà.
– Thế thì tốt lắm, mong cô đến dự lớp tối thứ tư. Giờ thì ta dùng trà. ngài nói thêm và bấm chuông.
Cô Delafield muốn ngỏ lời cám ơn nhưng thầy khoát tay để chuyện qua bên.
– Tôi có chút thì giờ và vui lòng dành cho ai cần nó.
Người giúp việc mang trà ra đặt trước mặt cô Brind à cô lo chế ra tách.
– Nhân tiện, thầy nói, anh bạn đây từ Anh đến với chúng ta một thời gian, thầy rất biết ơn nếu mỗi cô có thể giới thiệu anh với bạn bè của mình.
Cả hai nói họ vui lòng làm vậy.
– Cho anh Broadbent gặp người làm việc ở đại học thì hay lắm, ngài đề nghị, anh là thi sĩ.
Lập tức hai cô lộ vẻ thích thú, người Mỹ có tật tôn thờ anh hùng cá nhân hết thuốc chữa.
– Tôi làm thơ, tôi vừa cười vừa nói, nhưng tôi không biết là làm vậy thì trở thành thi sĩ.
Chân sư đi lại một ngăn kệ và lấy ra hai tập thơ của tôi đưa cho các cô.
– Thiệt tình ... tôi phản đối, mấy bài thơ đó cũ rồi !
– Nhưng tôi có đọc chúng, cô Delafield buột miệng nói với vẻ hăng hái ngạc nhiên, tôi thán phục thơ anh lâu rồi. Ai dè hôm nay gặp anh, tôi rất sung sướng được biết thi sĩ !
– Tôi không biết là tác phẩm của mình đi xa như vậy, tôi đáp, hài lòng là có được dây thông cảm với cô gái xinh đẹp này.
Cô Brind giờ lên tiếng.
– Hễ Chân sư khen ngợi điều chi thì nó luôn luôn đúng.
Thầy M.H. nhìn cả bọn vui vẻ.
– Đó là một trong những chuyện tin nhảm của con, con à.
Cô cười và bẻ lại.
– Ồ không, không đâu, cô quay sang tôi nói, không có mấy ai trong bọn chúng tôi là không biết đến thơ của anh. Thầy hay trích những bài thơ đó và nói rằng thơ chứa đựng nhiều minh triết huyền bí.
– Không gì quí hơn lời thầy. Tôi nói thật lòng mình. Còn lời khen nào đáng cho tôi ao ước về tác phẩm của mình hơn là lời thừa nhận của Chân sư ?
Cô vẫn khăng khăng.
– Tôi chờ thầy ngỏ lời khen anh. Thầy khen anh bây giờ chứ ạ ?
Ngài phác một cử chỉ lửng lơ.
– Nào, có lẽ thỉnh thoảng thôi, tùy theo con hiểu nghĩa khen ngợi là sao.
Ngài cầm lấy hai tập thơ và đặt chúng trở lại lên kệ, xong ngài rút ra quyển sách thứ ba đưa lên cao cho tôi thấy.
– Con xem đó, nhóm ở đây cập nhật tin tức rất sát. Ngài đi tới và đứng dựa lưng vào lò sưởi, anh chàng này giống như nhiều văn sĩ có đức tính đáng khen là khiêm tốn khác thường. anh viết chuyện về một người bạn của mình trong đó anh đóng một vai trò đáng kể, nhưng lại không hề ghi rằng chính mình thì làm thơ.
Cô Delafield nhìn tôi thán phục.
– Để làm chi ? tôi than trời, tôi viết về người bạn của tôi chứ đâu có viết về tôi.
Thầy M.H. và tôi ngó nhau.
– Hai chúng con biết tên sách được không ? cô Brind nói.
– Xin làm ơn làm phước nói chuyện khác đi, tôi vừa cười vừa nói để dấu sự bối rối của mình, vì tôi không biết thầy M.H. có muốn các đệ tử biết về quyển The Initiate hay không. Nói chuyện về mấy quyển sách tầm thường của tôi làm tôi ngượng lắm.
May mắn sao có tiếng gõ cửa cứu tôi thoát nạn. thầy nói.
– Vào đi.
Đó là anh Arkwright đưa cho thầy M.H. mảnh giấy. Anh bắt tay chúng tôi trong khi ngài xin lỗi và đọc giấy. Tôi đoán nó rất ngắn vì chưa đầu một phút sau thầy nói.
– Trả lời được, bảo là 11 giờ. Ngài vẫy tay và Arkwright đi ra ngay.
Cô Brind nhìn đồng hồ tay rồi nhìn bạn đầy ý nghĩa. Cả hai đứng dậy xin phép về.
– Anh ăn trưa với tôi ở hội quán của tôi vào thứ bẩy được không ? cô Brind hỏi trong khi cô Delafield chào thầy. Tôi bảo cô là tôi rất hân hạnh nhận lời và cô cho tôi địa chỉ.
– Còn mai thì anh đến nhà tôi chơi nhé, cô Delafield nói, mẹ tôi và tôi rất vui được tiếp anh.
Tôi lại thưa lần nữa là mình rất hân hạnh.
– Thế thì tuyệt quá. Tôi tin chắc là anh sẽ quí mẹ tôi (I'm sure you'll enjoy my mother). Cô nói thêm và đây là từ ngữ tiếng Mỹ đầu tiên tôi nghe (Broadbent người Anh).
– Chắc chắn vậy, tôi đồng ý và cúi chào. Thầy M.H. mở cửa cho hai cô.
– Con hãy thứ lỗi cho thầy là đã nêu con làm gương cho sự khiêm tốn, ngài cười và thú thật với tôi lúc cả hai đã ra khỏi, nhưng thầy nhắm tới việc chữa lại một khuyết điểm của nước này. Nó nằm trong huyết quản và đó là óc thiếu khiêm tốn ăn sâu trong lòng. Ngay cả người tốt nhất cũng không hẳn thoát khỏi khuyết điểm ấy.
– Ồ, nếu đó là lý do ...
– Có một dây liên kết tế nhị giữa lòng tôn thờ anh hùng và tánh kiêu ngạo tuy người ta không biết. Nếu con nghĩ ai đó rất hay ho vì chuyện họ có thể làm thì con cũng dễ nghĩ y như vậy cho mình nếu có thể làm giống hệt. Con hút xì gà nhé ?
– Cái tâm lý phản hồi ấy thiệt là khéo, tôi nói và nhận lấy một điếu xì gà, con chưa hề nghĩ ra nó. nhưng con nói thiệt, thầy gần khiến con bị rắc rối vì quyển sách ấy !
– Làm sao ? ngài lấy một điếu xì gà cho mình.
– Thầy đâu muốn người ta biết nhân vật trong sách là chính thầy, phải không ạ ?
– Người đời và đệ tử có khác nhau một chút. Đa số đệ tử của thầy đã học được sự kín miệng.
– Nhưng còn người mới thì sao ?
– Cô Delafield à ?
Tôi gật đầu.
– Thầy nhìn thấu được. Tôi cười vì sự khờ khạo của mình và buột miệng.
– Mà trời, cô xinh đẹp hết sức.
Thầy M.H. nhướng lông mày tỏ vẻ hiểu biết.
– Làm tim con dào dạt thương yêu ư ?
– Rất gần như thế ạ.
– Một ngày kia, nếu con thực hiện chương trình thầy dự định cho con, thầy hy vọng và nghĩ rằng tim con sẽ luôn luôn đầy sự thương yêu.
– Điều đó nghĩa là gì ?
– Là có tâm từ ái hằng hữu (permanent Love consciousness).
– Cái gì, thuơng yêu hết thẩy mọi người ư ?
– Chính thế.
– Thầy muốn nói rằng con có cơ hội đạt tới nó sao ?
– Nếu con thực hiện chương trình của thầy.
Tôi thấy lòng đầy hào hứng.
– Nhưng thầy chưa nói đó là chương trình gì !
Ngài lắc đầu.
– Hãy kiên nhẫn, con à. Ngài đặt tay mình giây lát lên tay của tôi.
– Con tưởng chỉ có các Chân sư mới có thể có được tâm từ ái luôn luôn ?
– Không đúng. Con có thể có tâm từ ái hằng hữu trong nhiều kiếp trước đạt tới quả vị Chân sư. Lấy thí dụ trong kiếp này con có được tâm thức ấy lúc năm mươi tuổi, sang kiếp sau con đạt tới nó sớm hơn, kiếp tiếp đó sớm hơn nữa và cứ như thế đến một kiếp khi sinh ra là con đã có sẵn tâm ấy rồi. Trong kiếp ấy con sẽ đạt tới quả vị Chân sư, nhưng dĩ nhiên không có luật lệ tuyệt đối nào về thời gian. Ta đặt ra giới hạn để chi ? Thay vào đó hãy làm hết sức mình và con sẽ tiến bộ mau hơn. Ngài dừng lại một chút. Mà thầy không chỉ nhắm đến cho con, còn những bài thơ của con nữa.
– Thơ của con ... ?
– Con là thi sĩ tài tình hơn là con tưởng.
– Nghe được thầy nói thì phấn khởi biết bao, tôi nói, nhưng thật tình trong bụng con không hài lòng với thơ của mình lúc gần đây.
– Đó chỉ là vì trong tiềm thức con cảm biết là sau này một cái lớn lao hơn nữa sẽ tới, nếu như ta có nói, con thực hiện chương trình của ta.
– Nhưng dĩ nhiên là con sẽ làm điều thầy muốn.
– Thầy mong và nghĩ như thế, ngài lập lại nữa.
Lại có tiếng gõ cửa. Thầy M.H. đi ra và nói với ai đó ở phòng ngoài.
– Vài phút nữa, ngài nói khi đi vòng cánh cửa và đóng lại rồi trở vào phòng. Tôi hỏi.
– Thầy có cái hẹn khác ạ ?
Ngài gật đầu. Tôi đứng lên khỏi ghế.
– Khi nào con được gặp thầy nữa ?
– Ngày mai có buổi nói chuyện về Chú Ngữ (Mantra) lúc 8.30. Nhớ để trống hai buổi tối thứ tư và thứ sáu, đó là hai ngày có lớp. nhưng chờ một phút, còn sáng mai. Thầy phải lái xe tới một chỗ gần đây, nếu con muốn đi cùng ...
– Con muốn lắm.
– Tốt, vậy tới đây lúc 11.30. Có hai người đông phương tới lúc 11 giờ để thăm thầy. Ngài cười một cách hóm hỉnh. Thầy nghe chuyện của họ trong nửa tiếng là đủ rồi, vậy con cứ bước vào và đó là cớ gọn nhất để họ đứng dậy ra đi.
Tôi phá ra cười nhưng hỏi có chút lo lắng.
– Rồi mình về khoảng 1.15 được chứ ? Con có hẹn ăn trưa với cô Delafield.
– A, chuyện đó rất quan trọng, ngài trêu chọc tôi, đừng lo, thầy sẽ thả con trước cửa nhà cô. Mà này, con có gì để đọc không ? Nếu chưa có, ngài đưa tay vẫy về phía mấy cái kệ, cứ tự nhiên lấy xem. Au revoir. Ngài lẹ làng bước đi.
CHƯƠNG IV
HAI NGƯỜI ĐÔNG PHƯƠNG VÀ CUỘC ĐI XE
Tôi nghĩ hai người đông phương mà tôi gặp sáng hôm sau đang trò chuyện với thầy M.H. là người Mông Cổ. Sau khi chào hỏi xã giao với tôi nhưng không bắt tay, họ tiếp tục cuộc đàm đạo với thầy bằng ngôn ngữ mà tôi tin không phải tiếng Hindustani (một ngôn ngữ chính của Ấn Độ). Chắc chắn là tôi không hiểu một chữ nào nhưng sự việc làm tôi tự hỏi Chân sư nói được mấy thứ tiếng. Tôi biết ngài rành tiếng Ý, Pháp, Đức và Phạn ngữ, chưa kể Anh văn, nhưng khám phá rằng ngài còn biết những ngôn ngữ đông phương là chuyện mới mẻ đối với tôi. Bất kể đây là tiếng gì, chuyện rõ rệt là ngài nói thật lưu loát vì ngài là kẻ đối thoại chính trong cuộc trò chuyện có chút lạ lùng này.
Năm phút sau khi tôi tới thì hai người đông phương tỏ dấu hiệu ra về. Kế đó chuyện bất ngờ xẩy ra, họ quỳ sụp dưới chân ngài và lúc ấy tôi nhìn thoáng được một khía cạnh khác về đặc tính của Chân sư. Ngài nhìn xuống thân hình phủ phục của họ, liếc xéo về tôi bằng đuôi mắt trong một giây và rồi nháy mắt ! Cử chỉ khôi hài quá làm tôi khó hết sức mới không phá ra cười, tôi phải giả bộ xì mũi để che môi đang run lên chỉ chực phát ra tiếng.
– Chút xíu nữa thôi là thầy làm con bị lộ tẩy, tôi thưa khi khách đã về. Ngài nhướng mày.
– Cái nháy mắt ...
Ngài cười lớn.
– Ồ, cái đó ! con hút không ?
Tôi lấy điếu xì gà.
– Xe ngay cửa rồi, thầy chắc ta đi ngay thôi. Con có áo khoác ấm chứ ?
Tôi thưa là có mang theo.
Cuộc đi xe thật hào hứng. Thầy M.H. tự lái xe. Trời mùa thu nắng ráo xe vụt đi với tốc độ mà nếu ở bên Anh sẽ không khéo làm mất bằng lái, nhưng thầy tỏ ra là tay lái xe vững vàng. Ngài vừa lái mau vừa trò chuyện hăng say khi chúng tôi rời xa đường phố ồn ào đông đảo.
– Con thích cô Brind chứ ? ngài hỏi.
– Con thấy cô rất dễ mến, tôi trả lời không hào hứng cho lắm.
Ngài cho tôi hay.
– Cô là linh hồn tiến hóa cao, thầy muốn con làm bạn với cô.
– Vâng, con sẽ theo ý thầy.
– Con và cô có thể trợ giúp lẫn nhau.
– Con nghĩ vấn đề là cô sẽ giúp con nhiều hơn con có thể giúp cô. Chắc cô tiến hóa xa hơn con.
– Đó là chuyện mà thầy có thể xét đoán khá hơn con.
Tôi làm thinh nhưng thầm cảm ơn là thầy như tỏ vẻ hài lòng. Một lúc sau tôi thưa.
– Nói thật với thầy, con thấy bạn của cô đẹp lạ lùng nên làm như cô Brind bị lu mờ đi.
Ngài cười đầy vẻ bí ẩn.
– Con không thấy cô Brind xinh đẹp sao ? Con xem, thầy không quá dựa vào sắc diện và hình dáng như đa số người thường để biết nét đẹp thực sự. Nếu người ta có thể thấy trọn các thể thanh y như thấy thể xác thì vật sau sẽ mất đi quan trọng phần nào.
Xe chạy vèo ở một khúc quanh và phải thắng gấp để tránh xe khác khiến tôi tự hỏi sao các Chân sư không dùng thần thông của các ngài trong mọi trường hợp. Tôi thắc mắc trong đầu nếu Chân sư có thể thấy được tương lai thì hẳn nhiên ngài phải thấy đằng sau khúc quanh có gì. Tôi mới hỏi ngài điều ấy và được trả lời.
– Con quên là chỉ những ai không còn karma phải trang trải mới đạt tới quả vị Chân sư. Việc gọi là tai nạn làm chết người hay bị thương chỉ là karma, vậy ta dùng thần thông làm gì khi nó không cần thiết ? Nếu chúng ta có thể băng qua sông bằng cách dùng cầu thì đâu cần đi trên nước như thánh Peter ?
– Có bao giờ thầy chịu thua không có câu đáp không ? tôi hỏi vì nhận ra là bất cứ chuyện gì ngài cũng có câu trả lời.
– Nói 'có bao giờ' thì hơi mạnh. Đa số câu hỏi đều có câu trả lời nhưng không phải lúc nào cũng đưa ra câu đáp là khôn ngoan. Lắm khi ta dạy người khác nhiều hơn bằng cách không nói sự thực thay vì trưng cho họ thấy. Nếu con bảo một người kiêu ngạo rằng họ có tính thiêng liêng ẩn tàng thì điều ấy đúng, nhưng nói vậy dễ khiến họ kiêu ngạo hơn và làm thế là không dạy họ chút nào tính khiêm tốn. Ngay cả với đệ tử thầy phải rất cẩn thận cho tới khi họ tiến khá xa. Đó là tại sao con sẽ nghe thầy nói rất ít về thể tình cảm và cõi trung giới. Điều thầy muốn ghi vào tâm trí học trò là óc chín chắn và suy luận hợp lý trước khi khuyến khích họ tìm hiểu về những cõi vô hình.
'Hiểu biết rõ ràng về triết lý là chuyện đầu tiên phải học, bằng không người ta sẽ bị hoang tưởng, cuồng trí và những điều tệ hại khác thường xẩy ra. Thầy biết có mấy bà sáng sớm ngồi vào bàn điểm tâm kể rằng đêm qua họ mơ chuyện tuyệt vời ra sao, gặp được Chân sư ban cho họ huấn thị. Khi con hỏi 'huấn thị' gì thì hóa ra là một mớ tầm phào vớ vẩn hay lời đạo đức suông ai cũng biết. Chà, may là Guru như chúng ta cũng có óc khôi hài'.
Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà lớn ở giữa khu vườn nhìn ra sông. Thầy bước xuống xe và bảo.
– Tới rồi đây, con chờ ngoài xe nhé, không hơn một khắc đâu.
Nhìn thầy bước vào ngôi nhà tôi tự hỏi ai sống ở đây. Có phải là một đệ tử và nếu vậy tại sao thầy M.H. phải đến với họ thay vì để họ lại ngài ? Nhưng tôi nhất định không hỏi chi tiết. Nói cho cùng nó đâu phải là chuyện của tôi ? Nếu thầy muốn cho tôi hay thì ngài sẽ nói, bằng không ...
Rồi bất chợt tư tưởng của tôi quay về chuyện trước mặt là buổi hẹn ăn trưa. Cô Delafield, cái họ duyên dáng làm sao ! Hẳn cô cũng có tên đáng yêu giống vậy ? Cô sẽ thu hút tôi nhiều trong cuộc gặp lần thứ hai này như hôm gặp mặt đầu tiên không ? Mà đây có phải là lần đầu chúng tôi biết nhau ? Tôi có cảm tưởng như đã quen biết cô trong một kiếp trước. Cảm tình đột nhiên tôi có đối với cô không thể nào nẩy sinh chỉ vì nét đẹp của cô mà thôi. Tôi quen biết nhiều phụ nữ xinh đẹp nhưng chưa có ai thật sự làm rung động tim tôi.
Nếu tôi si mê đắm đuối thì thầy M.H. sẽ nói gì ? Tôi không nghi ngờ chút nào về lòng khoan hòa và thông cảm của thầy, nhưng sinh lòng thương yêu một đệ tử ngài thì có phải đạo không nhất là ở lứa tuổi của tôi ? Chắc ngài sẽ thuận tình với ai còn trẻ nhưng với người gần năm mươi tuổi như tôi ... ! Còn về chuyện hôn nhân thì một là tôi ghét nhất việc ấy, hai là tôi xem nó như một chướng ngại vì đọc trong sách vở Thông Thiên Học là huyền bí gia không được lập gia đình.
Mặt khác tôi đã quá lớn tuổi và biết rằng tình yêu thường không trường cửu nên tôi không nuôi chút ảo tưởng nào về điều ấy. Tôi nghĩ thầy cũng quan niệm giống vậy. Tôi không thể tưởng tượng rằng ngài muốn tôi lập gia đình, thầy không hề nói bóng gió xa xôi tới việc đó. Nếu ý ngài muốn vậy thì chắc chắn là ngài đã bảo tôi ở bên Anh lúc tôi còn trẻ. Chẳng hạn như với Gertrude Wilton, hồi có chuyện liên quan đến cô ngài đã giúp tôi bằng cách vuốt giận ông bố ưa càu nhàu ích kỷ của cô. Ngài khiến chuyện diễn ra suông sẻ, nhưng về ý là tôi thành hôn với Gertrude thì ngài tin rằng tôi không muốn lập gia đình với cô.
Những tư tưởng này lướt qua trí não khi tôi đứng dựa vào hàng rào thờ ơ nhìn dòng sông, và lắng nghe tiếng nước vỗ êm ái vào bờ. Tôi chìm đắm trong đó tới nỗi không nghe thầy M.H. ra khỏi nhà, và khi ngài lên tiếng gọi là sẵn sàng ra về thì tôi giật nẩy lên.
– Chơi với lửa mà không có người cứu hỏa bên cạnh là vậy, ngài bước vào xe và đưa ra nhận xét. Tôi thắc mắc nhìn thầy. Ngài cho xe chạy và giải thích.
– Có người bị hôn trầm nặng nên thầy phải đến để kéo anh chàng ra. Một đệ tử xin thầy giúp vì bác sĩ bó tay. Để thêm một hai hôm nữa là phải đem chôn anh chàng. Tuy nhiên con chớ hé miệng nhé, người trong nhà tưởng thầy là chuyên gia về tim. Chắc họ đang viết thử hỏi xem lệ phí thăm bệnh của thầy là bao nhiêu. Ngài cười lớn.
– Họ không biết địa chỉ của thầy sao ?
– Họ sẽ tìm cách liên lạc qua đệ tử của thầy.
– Rồi thầy sẽ làm gì về việc này ?
– Chắc thầy sẽ nhận chi phiếu và tặng cho cơ quan từ thiện.
– Chà, thầy lây theo kiểu người Mỹ rồi đó. Tôi kêu lên.
– Không phải lây mà là uốn mình theo. Nhập gia tùy tục nhập giang tùy khúc. Con đi sâu vào được lòng người nếu cư xử theo cách của họ.Ở đây thầy nghe nói là phát âm giọng Anh làm chỏi tai người Mỹ, họ cho là trịch thượng. Làm vậy không hợp chút nào, trong công việc của thầy bất cứ điều gì có vẻ kênh kiệu đều phải tránh.
Tôi hứng chí nên cười và nói.
– Thầy quả là kịch sĩ xuất sắc. Nếu nhìn thầy không giống hệt như trước và cùng giọng nói như xưa thì con khó mà tin thầy là thầy như cũ. Ngoài việc cư xử Mỹ hóa, làm như cách nói chuyện của thầy cũng khác.
– Người ta phải theo thời. Nếu thầy nói chuyện theo kiểu nói lúc thầy còn nhỏ thì nghe rất gượng gạo. Con biết thầy không còn trẻ trung như bề ngoài chứ.
Tôi lại thắc mắc muốn biết thầy đã bao tuổi rồi nhưng dằn lòng không hỏi. Ngài nói tiếp.
– Nào, nói cho cùng thì bề ngoài có quan hệ chi ? Hình dáng bên ngoài thay đổi mỗi lúc trong đời chúng ta, nhưng có người rất sợ thay đổi.
Tôi đưa ra một ý bâng quơ.
– Chuyện lạ là có lần con nghe người ta nói tất cả Chân sư trông rất giống nhau.
– Về mặt tâm thức thì quả vậy nhưng về bên ngoài thì không đúng. Mỗi Chân sư sẽ có đặc tính riêng và cung cách riêng của mình, cũng như là có tính chất riêng về sắc dân và quốc gia của mỗi ngài. Hãy nhìn thử vài đạo sĩ Ấn Độ còn cách quả vị Chân sư khá xa, bề ngoài thì các vị bình thản như con rùa, ngồi yên cả mấy tiếng đồng hồ trên ghế không nhúc nhích. Tuy nhiên sự an tĩnh đáng kinh ngạc ấy là tính chất của sắc dân mà không phải cá nhân họ có. Nó là tính ù lì của đông phương và không nhất thiết là sự định trí.
'Coi coi, thầy biết một Chân sư thỉnh thoảng táy máy với dây của đồng hồ tay, gác chân đong đưa qua thành ghế và cư xử gần giống như cậu học trò. Và tại sao không chứ ? Chỉ có ai kiêu hãnh mới luôn luôn nghĩ đến cung cách của họ, trừ phi đó là đặc tính của sắc dân như người Ả Rập. Có lần một bà nói với thầy về vị Chân sư trên rằng 'Tôi chắc chắn ông ta không thể là Chân sư, không Chân sư nào lại làm chuyện khó coi.' Thầy đáp lại một cách tự nhiên, 'Không, ngoại trừ khi tiếp xúc với ai quá câu nệ với chuyện cư xử phải phép và hết thuốc chữa, tới mức phải dùng cách thuốc đắng đả tật'.
Tôi cười lớn, và rồi cả hai chúng tôi cùng yên lặng khi vào đến thành phố. Tiếng ồn của xe cộ lưu thông làm nói chuyện khó khăn, nhưng khi chúng tôi đến cửa nhà cô Delafield thì thầy nói với nụ cười hóm hỉnh của ngài.
– Sự rung động của lòng đôi khi có ích cho nhà thơ, nó gợi hứng cho họ.
Tôi muốn ôm chầm lấy tôi, thầy làm tôi yên lòng khi nói lên câu đó.