VỊ  CHÂN  SƯ Quyển I  - The Initiate - 1920

CHƯƠNG  XII

SỰ  THAY  ĐỔI  LẠ  LÙNG  CỦA  THẦY  MOREWARD

 

Phương pháp giáo dục tâm linh của thầy Moreward hoàn toàn khác với thông lệ chưa hề làm tôi kinh ngạc, cho tới khi tôi quen biết một người và thấy ngài bỏ công nhiều ra sao để làm ngược lại cá tính thanh nhã của mình, hầu mang lại kết quả nơi đệ tử có loại tâm tính nào đó.
Tôi gặp ở tư gia ngài một đệ tử tuy là người nam mà lại đầy nữ tính, và về sau tôi được biết là có một số đặc tính cao đẹp nhưng bề ngoài trông thật là nhút nhát, rụt rè. Anh lại giỏi về may vá, tự đơm khuy nút cho quần áo của mình và cho luôn cả bạn trai ở cùng nhà trọ, chăm chút ân cần với người khác y như bà cô không chồng thương cháu vậy. Anh tên Toni Bland, nhỏ người, có vẻ khô khan và khoảng ba mươi lăm tuổi, y phục tề chỉnh, nói năng nhỏ nhẹ, chính xác làm cho nét 'bà cô' của anh lại càng rõ. Nhìn anh tỏ lòng ngưỡng mộ thầy Moreward thật tôi không biết nói sao, vì ngài thay đổi tức khắc khi có mặt anh trong phòng. Chỉ cần Toni ló đầu vào là mọi nét tinh thần hiển hiện của ngài, sự hiền dịu và thương yêu lập tức biến mất nhường cho bản tính khác hoàn toàn đối nghịch. Cách nói chuyện trở thành khó nghe, sắc gọn, tiếng cười lớn, bực bội, thô lỗ, câu chuyện của ngài có xen chữ nói tục, mạnh bạo và cung cách của ngài thường khi thật nhã nhặn, trịnh trọng dễ mến biến thành hờ hững rất chán.
Thấy ngay thân hình mảnh dẻ của Toni Bland rùng mình khi nói chuyện với ngài, làm như thể tính mẫn cảm của nó bị chà đạp lắm bận, nhưng rồi tôi cũng thấy là khi câu chuyện kéo dài thì Toni tìm cách làm cho tính bớt lộ liễu. Anh bắt đầu thấy xấu hổ một chút vì sự nhậy cảm của mình và ráng che đậy nó. Về phần tôi, lần đầu tiên thấy sự thay đổi lạ lùng của thầy thì tự nhiên là tôi sững sờ, nhưng về sau lòng kinh ngạc biến thành kính phục cao độ, và lời giải thích làm tôi hết sức hài lòng.
Tôi gặp Toni Bland là do tới nhà thầy nhiều lần, anh ngồi tề chỉnh trên mép ghế, hai tay xếp lại còn thầy đứng quay lưng vào lò sưởi, hai ngón cái móc vào nách áo khoác ngắn (waistcoat). Ngài đứng ở đấy không nhúc nhích lúc tôi bước vào mà chỉ gật đầu, và lớn tiếng giới thiệu chúng tôi với nhau ...
– Nào Antonia, thầy hỏi, chúng ta đang nói chuyện gì nhỉ ?
– Dạ, về những hình thức khác nhau của Yoga. Toni trả lời với giọng khác hẳn, nhẹ nhàng.
– Yog, thầy la to một cách vui vẻ, chữ 'a' câm và trọn chữ muốn nói đúng phải đọc là 'yogue', nhưng muốn nói như con cũng được. Miền bắc Ấn đọc là Yog, còn miền nam gọi là Yoga.
– Có phải đó là phương pháp tập luyện mà con thấy người ta đeo bảng quảng cáo ngoài đường phố không  ? Tôi hỏi.
– Có thể lắm, ngài đáp, người coi chỉ tay chuyên nghiệp, người có thông nhãn (clairvoyant) và những ai tương tự làm hạ giá trị cái khoa học tinh tế nhất trên thế giới khi ghép nó với nghề nghiệp của mình.
– Nhưng còn người ở Ấn Độ bôi tro lên thân thể và làm đủ trò kỳ lạ thì sao ? Toni dè dặt hỏi.
– Không một nhà Yogi cao cả nào lại trưng thành đạt của mình cho thế giới rõ, thầy đáp. Ngược lại, ai cao cả chừng nào thì họ lại càng tìm cách tỏ ra tầm thường đối với kẻ không biết thuật. Chỉ có ai mới biết chút ít về thuật mới phô trương. Trên thực tế có hai loại giả dối nếu muốn gọi vậy, đó là sự giả dạng của người cao cả làm ra vẻ tầm thường, và sự giả dối của người tầm thường làm ra bộ rằng mình cao cả. Ai muốn thì gọi cả hai là người dối gạt, nhưng một đằng là sự dối gạt của lòng khiêm tốn và đạo đức cao, đằng kia là lòng kiêu hãnh. Vậy thì những nhà Yogi mà con nói tới, Antonia, không phải là thí dụ đáng nói của Yoga, giống như linh mục mặc áo đen nghiêm nghị không phải là thí dụ của đạo Thiên Chúa vậy.
Càng nghe chuyện tôi càng thấy rằng nếu Toni nói năng rụt rè, nhỏ nhẹ thì thầy Moreward lại không tha và chọc ghẹo anh, tức có lối tiếp đãi khác hẳn cách tôi hay thấy ở ngài; lúc đó tôi không hiểu tại sao tuy lờ mờ cảm nhận rằng phải có lý do để thầy làm vậy. Về sau tôi hiểu là tánh khí của Toni đòi hỏi cách 'chữa trị' rất khác thường. Đáp lại lời chế nhạo của thầy, Toni chỉ tỏ vẻ hơi ngượng ngùng và cười không tỏ ý gì rõ rệt, thái độ ấy làm tôi bực mình chỉ muốn vỗ vai anh chàng thật mạnh, lắc anh, bảo anh hãy tỏ ra có chút nam tính ra vẻ đàn ông con trai coi. Tuy nhiên thầy Moreward lại nói một câu làm tôi đau khổ thấy là tư tưởng mình không lành.
– Thử ngược đãi một ai thì Antonia sẽ cứu giúp người ấy ngay, Broadbent nhớ này, câu nói 'Trông mặt mà bắt hình dong' không phải lúc nào cũng đúng. Con có hiểu không ? ngài quay sang Toni và thêm vào, Không, con không hiểu, đó mới là vấn đề.
Ngài bắt đầu đi quanh phòng, ngón cái vẫn móc vào nách của áo khoác.
– Phải, thầy lập lại, đó mới chính là vấn đề, cái ý tưởng vớ vẩn bảo rằng nét tâm linh, vẻ nghiêm chỉnh, nhỏ nhẹ phải đi đôi với nhau. Các con không thấy rằng mục tiêu của con người là có tâm thức của Thượng đế, tâm thức vũ trụ, vậy ai lại có thể tin rằng tâm thức Thượng đế giống như tâm thức của linh mục nghiêm trang, hay giống như của một bà cô nhỏ nhẻ chăng ? Các con nghe này, gan dạ mới là chuyện đầu tiên cần thiết để dẫn tới tâm thức Thượng đế.
Toni chớp mắt, cười nhẹ và ngay ngắn xếp hai tay lại.
– Con không thấy làm sao việc chặn đứng không cho có nhu động của ruột như nhà Yogi làm lại có thể dẫn tới việc hòa hợp với Thượng đế ? anh lẩm bẩm trong miệng.
–  Con không thấy à ? Được rồi, để thầy giải thích. Thầy Moreward nói một cách hung hăng mà vui vẻ. Ấy là bất cứ ai làm được chuyện đáng kể nào thì đó là một bước tiến đến gần Thượng đế và một bước tiến đến tự do. Bất lực là cái xiềng xích mạnh mẽ nhất. Có ích gì khi ta bảo phải trở nên giống như Thượng đế là đấng sáng tạo vũ trụ từ bản chất của ngài, mà lại không thể làm gì khác hơn là vặn vẹo hai bàn tay với nhau bất lực ! Thánh thần ơi, tư tưởng chi mà quái đản ! Còn điều này nữa, muốn có tâm thức Thượng đế mà thân xác đau ốm là chuyện hết sức khó. Sức khỏe khang kiện không những là điều thiết yếu để đạt tới trạng thái An Lạc cao tột nhất, mà cũng là một đặc tính của Thượng đế. Thử tưởng tượng Trời đau ! Trời rầu rĩ ! Trời khóc lóc ! Thầy cười lớn.
'Còn đối với các nhà Yogi mà con chê bai vì con không biết chi về họ, nói để con hay rằng khoa Yoga là khoa học cao tột bức trên địa cầu. Không có phép lạ nào mà nhà Yogi không biết làm, nhưng chỉ vì họ không tới London mở show biểu diễn trong rạp hát nên người ta không tin họ, dù rằng công chúng sẵn lòng tin phép lạ của đức Chúa là một nhà Yogi đã làm  hai ngàn năm về trước. Thầy nhìn nhận là một số Yogi cấp thấp ở Ấn Độ làm được chuyện lạ lùng trước đám đông, nhưng ai dùng quyền lực của mình để hoặc thỏa mãn lòng kiêu hãnh hoặc để lấy tiền, thì không tiến xa được. Tính muốn thủ đắc và lòng kiêu hãnh chẳng bao lâu sẽ ngăn chặn đường dẫn tới tâm thức cao hơn.
Ngài ngồi xuống ghế bành và gác chân lên đầu lò sưởi.
– Nhưng nói để các con biết nhà Yogi có một sở hữu quí giá, ngài tiếp tục, ấy là những trạng thái tâm thức của họ có được là nhờ phương pháp về sinh lý học, mà không do việc thôi miên hay dùng ma túy. Điều ấy có nghĩa gì ? Là không ai có thể giả vờ không biết để bảo rằng đó chỉ là óc tưởng tượng. Muốn tự thôi miên thì người ta phải tưởng tượng là mình thực sự thấy chuyện mà mình đang nghĩ về nó, nhưng yog khác hẳn. Bên trong con người có một số lực tiềm ẩn, khi khơi dậy các lực bằng phương pháp thuần sinh lý học mà nhà Yogi biết, thì người ta biến đổi trọn tâm thức của mình, thấy được chuyện này chuyện kia, nghe được âm thanh lạ, và cảm nhận được việc chung quanh mình mà từ trước tới nay không ý thức.
– Ai cũng tập được Yog hay sao ? tôi hỏi.
– Nếu tìm được thầy, mà điều ấy không dễ, ngài trả lời.
– Con đoán như vậy người ta phải qua Ấn Độ ? tôi bàn thêm. Ngài cười và đáp.
– Có thể học được Yog ở bất cứ nước nào nếu tìm được đúng người, khoa này đã có tại Anh từ hơn 300 năm nay và hiện đang có người rất thành thạo về thuật này ở London.
– Nghe chuyện thú vị quá nhưng con phải đi đây. Toni ngỏ ý và đứng dậy khỏi ghế.
– Tới giờ phải về à ? Thầy hỏi mà không đứng dậy. Thôi đi đi, Antonia, khi nào tới nữa thì cho thầy hay. Ngài bắt tay mà vẫn ngồi y chỗ cạnh lò sưởi.
Toni chào tôi, nói rằng mong gặp lại tôi nay mai, và tề chỉnh ra về. Khi nghe tiếng cửa trước đóng lại cho biết Toni đã ra khỏi nhà và không còn nghe được tiếng chúng tôi nữa, tôi hỏi thầy.
– Chuyện vừa rồi có nghĩa gì ?
Thầy Moreward lấy chân đang gác trên lò sưởi xuống và cười một tràng vui vẻ như thói quen.
– Thầy sẽ cho hay chính xác nó có nghĩa gì, nhưng thầy nghĩ không chừng con đã hiểu.
Thầy trở lại hoàn toàn là ngài như cũ, giọng nói có âm điệu lúc bình thường, phong cách có chút trịnh trọng dễ mến vốn là một phần của đặc tính đáng yêu của ngài.
– Con không biết là thầy có chút kịch tính sao ? ngài hỏi.
Tôi thú thật là chưa hề nghĩ vậy bao giờ.
– Có vài người ta cần đối xử theo một cách thức riêng, ngài tiếp lời, để một mặt làm đảo ngược quan niệm sai lầm của họ, và mặt kia thì làm họ vững mạnh hơn. Như con thấy, Toni nhỏ nhẹ rụt rè như con gái quá, anh chàng thiếu uy lực và đó là trở ngại trên con đường phát triển của anh. Một trở ngại to tát hơn nữa là niềm tin rằng sự chững chạc, đúng lễ tột bực là đòi hỏi trước tiên cho đường tinh thần. Thế nên cách duy nhất để chống lại quan niệm ấy là làm cho anh dầy dạn hơn, có nam tính hơn, bằng cách chọc phá tính dễ cảm của Toni tới mức chúng tan biến đi. Con có nghe việc chữa trị bằng cách làm cho con người cương cường lên ? vậy thì có vài người cần sự cứng cáp trong việc chữa trị tâm thần, không có cách nào khác hơn.
Không thể chối cãi được là lời này khôn ngoan, dầu vậy tôi tự hỏi trong trường hợp này nó sinh ra điều gì tốt đẹp không. Tôi thấy Toni có vẻ như là người 'hết thuốc chữa', và tôi không kềm được nên nói ý này cho thầy nghe.
– Có một điều về thầy mà đôi khi con thấy lạ, tôi bảo. Con không muốn tỏ ra thiếu khoan dung, nhưng thầy chịu bỏ công lao rất nhiều để lo cho người mà con thấy là hết sức khờ dại.
– Con nghĩ sai cho Toni rồi, thầy đáp. Với người lạ thì hắn nhút nhát đến tội, nhưng nói cho sát thì bản tính hắn không khờ dại đâu. Hắn sẽ nói rất nhiều khi không có ai lạ trong phòng, khi con biết hắn kỹ rồi thì con sẽ không nhận xét hời hợt như thế nữa. Hắn có tâm hồn đầy nữ tính quá và phải sửa chữa lắm điều, nhưng nếu con có bốn hay năm kiếp trước đều là phái nữ như hắn thì con cũng sẽ y hệt như Toni thôi. Hắn có vận mạng khó khăn.
– Nhưng còn nhiều người khác, tôi thưa với thầy, cũng bình thường như Toni mà lại 'hết thuốc chữa' hơn anh chàng, và con thấy thầy bỏ công lao không biết là dường nào đối với họ.
– Con chưa quen nhìn sự việc theo con mắt vĩnh cửu, ngài cười và đáp. Thầy đã biết mỗi một người trong nhóm từ xa xưa, và mỗi người đều có làm ơn cho thầy. Chúng ta luôn biết ơn vì vậy thầy chỉ mong trả ơn cho họ. Thí dụ con có nghĩ là Toni chịu được cung cách của thầy không nếu không có mối dây liên kết trước đây thu hút chúng ta lại với nhau ? Hết lần này rồi lần khác Toni đến đây bảo rằng muốn được biết ý kiến sáng suốt của thầy  - hắn nói thế để tỏ lòng kính trọng - về các vấn đề của huyền bí học, và chịu được câu nói lóng, chữ thô tục. Vì mặc dù thầy phát ngôn như vậy nhưng hắn tin nơi thầy, và trong tiềm thức biết là hắn và thầy đã từng gặp nhau trước kia.
'Thế thì con thấy là ký ức rộng làm thay đổi cách nhìn về sự vật, và chuyện có vẻ vô lý trở thành đầy ý nghĩa. Với ai biết rõ hắn thì thấy là Toni có những đặc tính tâm linh thanh cao, nhưng cho dù hắn không được vậy, thầy cũng vẫn cố gắng để đẩy mạnh phần tinh thần của hắn, như là cách trả ơn cho điều đã làm khi xưa, và nếu hắn chưa sẵn sàng bước vào đường Đạo trong kiếp này, thầy sẽ gắng công vào kiếp tới của hắn, vì tình thương luôn mang chúng ta lại với nhau kiếp này rồi kiếp kia.
...
Tôi không gặp lại Toni trong một lúc lâu (tác giả sẽ trở lại Toni trong quyển ba của bộ sách), nhưng lần nói chuyện độc nhất ấy với hắn gián tiếp làm cho tôi thấy nhiều nét vinh diệu của bậc có khả năng nhìn sự việc suốt hàng ngàn năm, thay vì chỉ thấy trong giới hạn của đời người là 60, 70 năm. Lời nói đáng chú ý của thầy cho thấy là có vẻ như không cảm xúc hay hành động nhỏ bé thế mấy bị phí phạm vô nghĩa. Nhờ chỉ dẫn và thí dụ của ngài, cuộc sống trở nên rộng lớn vô tận, mọi ý kiêu hãnh tan mất biệt, và nhìn theo triết lý của ngài ngay cả việc dùng chữ thô tục tuy kỳ lạ nhưng lại có hương vị thanh cao. 

 

CHƯƠNG  XIV

CUỘC  TÁI  NGỘ  CỦA  GLADYS  VÀ  GORDON

 

Tôi có một cô em gái tính tình rất khác anh chị trong nhà, khiến tôi thấy thuyết di truyền chỉ đúng một phần mà không đúng trọn vẹn. Thực vậy có lần nói chuyện về đề tài này với thầy Moreward, ngài giải thích rằng di truyền chỉ là hệ quả mà không phải là duyên cớ. Lấy thí dụ một ai thích uống rượu thì trong kiếp tới, họ sẽ bị thu hút vào gia đình mà họ có thể thỏa mãn thèm muốn ấy. Thuyết di truyền khi đó nói rằng họ nghiện rượu vì cha mẹ nghiện, nói khác đi họ nhận lãnh một thân xác có khuynh hướng thích rượu chè. Nói như vậy quả là đúng nhưng nó bỏ qua lý do tại sao họ thừa hưởng thân xác đó, nó xem thuyết di truyền là nguyên cớ đầu tiên thay vì chỉ là hệ quả mà căn do nằm sâu xa hơn nữa.
Hay lấy một ví dụ khác, có người là nhạc sĩ trong kiếp qua và trong kiếp sắp tới, họ cần có một thân xác và não bộ nhậy cảm, vì thế họ cần tái sinh vào gia đình mà chẳng hạn như bà mẹ có khiếu về nhạc, để họ thừa hưởng được loại thân xác đặc biệt của bà, hay của bà ngoại (của ai thì không quan hệ cho lắm). Đa số người sẽ lập tức nói 'Anh có khiếu âm nhạc nhờ mẹ', trong khi thực ra lời ấy chỉ đúng một phần. Anh đã có khiếu về âm nhạc từ lâu trước khi gặp mẹ, mẹ anh chỉ là phương tiện cho anh biểu lộ khả năng về nhạc ở cõi trần trong kiếp hiện tại mà không cống hiến gì khác hơn. Lẽ tự nhiên thuyết di truyền thỏa mãn được đa số người vì họ chưa có khả năng nhớ lại những kiếp trước, nhưng đối với ai có thể nhớ lại được thì chuyện rõ ràng là di truyền phải được xem như là hệ quả mà không phải là nguyên nhân, và giữa hai điều có sự khác biệt rất lớn.
Điều làm tôi ngạc nhiên là tây phuơng biết rất ít về thuyết luân hồi, và người ta chỉ mới đề cập nhiều đến thuyết ấy lúc gần đây, tuy nhiên thầy Moreward giải thích.
– Con xem, thầy nói, người ta bác bỏ thuyết luân hồi vì họ không thể nhớ lại những kiếp trước, họ xem việc không có hồi ức là chứng cớ đủ cho việc không có kiếp đã qua. Dầu vậy nếu thầy hỏi chính xác là con làm gì vào một ngày rõ rệt nào đó 15 năm về trước thì con không nhớ được, tuy con biết chắc là mình có sống qua ngày ấy. Sự kiện là vào mỗi kiếp linh hồn có thân xác mới với não bộ hoàn toàn mới mẻ, mà não bộ là phần duy nhất nhớ lại. Vậy thì não bộ không thể nhớ được chuyện đã xẩy ra trước khi có nó, mà cũng không thể nhớ được nhiều chuyện xẩy ra sau khi có nó. Thí dụ là nếu hỏi con nghĩ gì cách đây 10 phút thì con sẽ thấy mình quên hoàn toàn. Sao đi nữa, trong mỗi người chúng ta có vài cơ quan mà khi áp dụng phương pháp của khoa huyền bí học, ta có thể khiến chúng linh hoạt và nhớ lại được kiếp trước không cần nhờ vào não bộ. Đó là lý do tại sao và cách thức mà vị đạo đồ nhớ lại những tiền kiếp.
Tôi ghi lại quan điểm của thầy Moreward một phần vì nó lý thú, phần khác vì nó có liên quan đến chuyện sau. Thầy và tôi được mời đến chơi một nơi vài ngày, em Gladys cùng một thanh niên mà em có cảm tình cũng tới nơi ấy, về chàng trai thì rõ ràng là anh yêu quí Gladys. Tuy nhiên người ta thấy ngay là dù hai người có cảm tình ra sao với nhau, giữa đôi bên có sự lạc điệu rất rõ vì anh bạn Gordon Mellor không dấu được vẻ rầu rĩ mà thầy với đôi mắt tinh tường và trực giác bén nhậy đã mau lẹ nhận ra. Chẳng bao lâu thầy bị lôi cuốn vào chuyện vì em tôi tỏ ý muốn làm quen với thầy, và rồi thẳng thắn bộc lộ tư tưởng của mình khi được thầy khuyến khích.
Riêng tôi thì tôi biết trục trặc nằm ở chỗ Gladys có lòng kiêu hãnh không đúng, nhưng hễ tôi nói ra thì em bảo tôi là đàn ông không hiểu được đàn bà nghĩ gì, thành ra tôi thấy chẳng đi tới đâu và bỏ cuộc. Hơn nữa, anh em trong nhà nói không 'linh' nên trục trặc đã xẩy ra cả mấy tháng rồi mà không có giải quyết thỏa đáng. Ngay từ ngày đầu chúng tôi đến nơi, thầy Moreward nói chuyện liên quan đến tâm linh theo một cách đặc biệt, khiến cho chẳng mấy chốc em tôi tỏ ý kính phục. Thấy vậy tôi mới thưa ngay với thầy là em tôi đang gặp khó khăn mong thầy giúp đỡ. Dĩ nhiên khi nghe thế ngài ưng thuận ngay, và tôi xếp đặt sao cho cả ba chúng tôi có giờ trò chuyện riêng mà không bị quấy rối.
Một buổi trưa ba chúng tôi đi dạo trong cánh đồng làng, tôi nói với Gladys.
– Anh bạn Gordon của em thấy không vui cho lắm.
Gladys đỏ mặt và tìm cách tránh né một cách  vụng về.
– Cô Broadbent này, thầy nói một cách hiền từ, anh bạn cô và cô làm tôi rất chú ý. Có lý do làm tôi tin rằng hai người là bạn từ lâu, lâu lắm, từ mấy kiếp trước nếu tôi không lầm.
Em tôi hớn hở và chú ý đến lời thầy ngay, nó đã nghe nhiều chuyện về huyền bí học và tin nên hăng hái nhập cuộc.
– Con không biết là thầy thấy được điều ấy, nhưng làm sao thầy nhìn ra ?
– Dễ lắm, ngài cười và đáp, nếu cô nhìn hai người theo một cách thông thường thì có thể nhận xét tổng quát là họ hòa hợp với nhau hay không, chẳng hạn giữa mẹ và con có đường nét thân hình giống nhau. Còn về mối liên hệ tinh tế hơn thì phải nhìn vào thể trí của người, bằng cách ấy ta có thể nói hai người có sự thu hút tâm linh lẫn nhau hay không.
– Vậy thầy cho là Gordon và con có điều đó ?
– Tôi tin chắc vậy. Thầy đáp.
– Ha, tôi reo lên một cách đắc thắng, nay đã biết rồi thì có lẽ em nên đối đãi anh ta khá hơn một chút.
– Em chưa hề xử tệ với anh ta, em tôi đáp lại một cách nóng nẩy.
– Anh thấy nó tệ, tôi nói. Anh hay nói với em chuyện đó, bây giờ nếu em kể thầy nghe thì anh chắc thầy cũng đồng ý với anh.
– Có chuyện gì không ổn thế ? thầy Moreward hỏi một cách thân mật. Tôi có thể giúp được gì chăng ?
Gladys nhìn thầy tỏ vẻ biết ơn và nói.
– Có chuyện trục trặc ạ.
– Nói thế không đúng, chuyện có thể sửa lại được nhưng chỉ có điều em kiêu ngạo quá. Tôi chêm vào và cười để làm cho lời phê bình nhẹ bớt.
– Chà, thầy Moreward nói an ủi, anh trai nhiều khi không tế nhị chút nào phải không ?
– Trời, anh con ăn nói thô lỗ lắm, em tôi lạnh lùng đáp lại.
– Sự thực là, tôi giải thích với thầy, Gladys không thích hôn nhân và chưa muốn lập gia đình, nhưng lại yêu anh chàng và muốn anh ta yêu lại nó. Tuy nhiên hai người chưa hứa hôn, thành ra em con nghĩ là đôi bên phải giữ ý tứ hết mức, tới nỗi em không nói là mình yêu anh ta, cho rằng nói như thế không thích hợp.
Thầy cười với sự khoan dung thấy rõ.
– Sao, thầy xem con có đúng hay không ? em tôi hỏi thầy.
– Không đúng đâu, thầy nói và cười rất hiền.
– Đó, không phải anh nói như vậy sao ? tôi la lớn đắc thắng.
– Nhưng mà thầy Haig, em tôi biện bạch, làm khác hơn không nên, không hợp với xã hội mà con giao tiếp. Tụi con không phải người chỉ chơi qua đường cho vui, không thể biểu lộ như vậy được.
– Tuy nhiên anh bạn không may của cô thì sao, thầy nhìn em âu yếm như cha con, có phải là khe khắt với anh không ?
– Em hành tội anh ta, tôi phán.
Nghe thế em tôi yên lặng ngẫm nghĩ.
– Em con không chia tay với anh bạn, tôi quay sang thầy Moreward nói, mà em cũng không tỏ ý thương mến anh ta chút nào. Con thấy đó là sự đùa cợt rất tệ.
– Em chưa hề đùa cợt bao giờ, em tôi đáp ngay.
– Nhưng đó có phải là một hình thức đùa cợt che đậy khéo tới mức làm ta tưởng không phải là đùa cợt ?
Thầy nói một cách nhẹ nhàng.
– Như vậy nó lại càng đáng chê trách, tôi bồi thêm.
Em tôi tỏ ý thắc mắc.
– Em không hiểu, Gladys nói.
– Thế này, thầy giải thích với giọng thật hiền dịu, để biết chắc làn người đàn ông có thương yêu mình, cô làm anh chàng mê say cô, cô biết rằng anh đau khổ nhưng không đáp lại cho anh chuyện gì, như thế không phải là sự đùa cợt rất tinh quái sao ?
Gladys yên lặng một cách ngượng nghịu.
– Tôi biết, thầy nói tiếp, chữ đùa cợt không rõ ràng cho lắm và có khi tôi cho là nó không phải đùa cợt chút nào. Thí dụ hai người có thể thật tình quí mến nhau và biểu lộ điều ấy, dù họ không có ý thành hôn với nhau. Nói cho sát thì như vậy không phải là đùa cợt, bởi không phải là nó không thành thật. Mặt khác nếu hai người chỉ khêu gợi tình cảm của nhau để làm thỏa mãn lòng kiêu hãnh, mà không phải vì họ thấy thương mến nhau, thì ta có thể gọi đó là đùa cợt. Vì nó khéo léo đòi hỏi một điều và không có ý đáp lại bằng chuyện gì khác.
– Nhưng chắc chắn đó không phải là trường hợp của con. Em tôi phản đối.
– Nào, ta thử nhìn sự việc một cách kỹ lưỡng xem sao, ngài đáp. Khi tỏ ra thân mật với anh bạn thì có phải là cô khiến anh tưởng rằng cô quí mến anh ta, đúng không nào ? Điều ấy làm anh nuôi hy vọng, nhưng cô lại không hề có ý cho anh biết việc sẽ chẳng đi tới đâu. Kết quả là anh bạn đau khổ, nói khác đi, không phải sự đau khổ của anh làm cô vui sao, khi đòi hỏi anh rất nhiều mà không đáp lại một chút gì cả.
– Nhưng người chung quanh sẽ đàm tiếu, Gladys mở miệng phân trần.
– Ý kiến người ngoài, thầy ngắt lời nhẹ nhàng, dựa trên lòng ích kỷ và kiêu căng, mà không phải là lòng xả kỷ và tình thương.
– Gladys này, tôi nói, không ăn thua đâu, cách xử sự của em là của người đạo đức giả và thích đùa cợt, em thấy vậy sớm chừng nào thì tốt chừng đó.
– Tỏ ra thành thật với anh bạn thì có phải tốt hơn không, thầy Moreward nói tiếp, bảo với anh rằng cô thương yêu anh nhưng quan niệm của cô về hôn nhân khiến cô không muốn thành hôn ? Làm như vậy thì vừa thành thật, thẳng thắn, mà cũng cho anh chọn lựa là không theo đuổi cô nữa hay bằng lòng với cảm tình của cô.
– Nhưng làm vậy không được đâu, Gladys bác, anh ta sẽ lập tức muốn hôn con.
– Em giả đạo đức hết chỗ nói, tôi đáp liền, kiêu hãnh dàn trời và lửng lơ không quyết. Này nhé, em làm cho anh bạn lúc hy vọng, lúc thất vọng, để thỏa mãn lòng kiêu hãnh vô lý của em, rồi còn ỡm ờ không chịu thú thật là em thương yêu anh chàng, hay cho anh ta hôn để thấy như được lên tiên.
Thầy Moreward nhìn tôi giống như rất tán đồng, còn em tôi thì ngó tôi giận dữ.
– Ta ngồi xuống ngắm cảnh đi, thầy nói.
Chúng tôi ngồi xuống cỏ và tôi thấy ngài nhìn Gladys một cách trầm ngâm.
– Cô xem, ngài nói sau vài phút yên lặng, có hai loại đức  tính trong đời, loại thật và loại giả. Đức tính giả tạo là cái dựa trên lòng kiêu căng, cái thật thì dựa trên lòng không ích kỷ. Nhìn bề ngoài không mà thôi thì không dễ phân biệt được giữa hai loại, bởi ai không suy xét thì thấy chúng giống nhau. Gladys này, xin cô tha lỗi là tôi dùng chữ thô lậu nhưng thái độ của cô đối với anh bạn dù là đúng đắn và đáng khen ra sao theo quan điểm người đời, khi xét theo quan điểm tinh thần thì chỉ là lòng ích kỷ.
'Nhìn vào hào quang của cô, tôi thấy nó co rút và bó lại thay vì lớn và mở to, rồi tôi thấy dấu hiệu cho biết cô đã trải qua y màn kịch này với cùng anh bạn trong nhiều kiếp trước đó, lần nào nó cũng mang lại đau khổ. Tuy nhiên thay vì rút kinh nghiệm từ sự đau khổ ấy, không lần nào cô học bài học đó cả nên trong đời hiện tại cô gặp cũng y cảnh cũ. Lý do là tình thương là mối dây liên kết chúng ta lại gần nhau kiếp này sang kiếp nọ, nếu tình thương tỏ ra ích kỷ và cao thượng thì ta có hạnh phúc, bằng khác đi thì mối liên hệ có nét đau buồn thay vì vui tươi. Đó là trường hợp của cô, chuyện tỏ ra không vui vì thái độ mà cô không muốn thay đổi.
'Tôi e ngại là việc gì đã xẩy ra trước đây nay phải diễn ra trở lại, vì trong những kiếp qua lần nào anh bạn cũng chán nản buông xuôi mọi chuyện và bỏ cô mà đi, khi thương yêu cô anh mong đợi thấy tính không ích kỷ cùng sự rộng mở, nhưng cuối cùng anh bị vỡ mộng.
Ngài nói thật êm ái, dịu dàng. Đó là cách nói của thầy bất cứ khi nào thảo luận về đề tài tâm linh, nhưng tôi không đủ khả năng để diễn tả lại câu văn của ngài.
– Cô thấy không, thầy nói tiếp một cách hăng say mà cũng đồng thời dịu ngọt, về vấn đề này cô phản ứng theo qui tắc khe khắt của người đời, mà không hề thắc mắc là nó đúng hay sai, dựa trên tích ích kỷ hay lòng cao thượng. Trong trường hợp này cũng như nhiều việc khác, cô cho một nguyên tắc là đúng vì người ta nói vậy, mà quên suy gẫm là tự nó có đúng hay không. Quan niệm, qui ước của người đời đặt trên luật và không du di khi có ngoại lệ, hay kể tới hoàn cảnh riêng của từng trường hợp.
'Giống như một chuyện có khi đúng mà có khi sai hoàn toàn trong trường hợp khác, thì việc theo sát qui ước của người đời có khi hết sức đáng trách theo quan điểm thiêng liêng. Hơn thế nữa, thuận theo nguyên tắc mà trong tâm ta biết là sai, thì không phải là đức tính mà chỉ là lòng kiêu căng và hèn nhát trá hình, vì vậy không đáng xem là tình yêu chân thật, trong trắng, vô ngã. Và nếu sự thuận tình ấy không những do lòng kiêu căng sinh ra, mà đồng thời làm cho người vô tội có tình ý ngay thẳng, đáng trọng, bị đau khổ thì nó lại càng đáng bỏ đi, vì tình yêu nào không kể tới sự an vui của đối tượng thì không phải là sự thương yêu chi hết, mà chỉ là tình cảm khác mạo hình là tình yêu mà thôi.
Thầy ngưng chốc lát, nhìn Gladys với sự khuyên lơn nhẹ nhàng, đặt tay lên cánh tay của em tôi.
– Bây giờ, ngài nói, nó là sự lựa chọn giống như nhiều chuyện khác, xem điều nào giữa lòng kiêu hãnh và tình yêu là điều đẹp đẽ hơn, và xem nên chọn tính trẻ con, vô thường hay điều trường cửu; chọn ảo mộng hay thực tại lớn lao hơn ? Bởi thật sự mà nói lòng kiêu hãnh chỉ là ảo mộng, theo nghĩa ai kiêu căng thì luôn luôn có lòng kiêu hãnh về điều ít khi xứng như vậy, và không nhớ gì đến tình này vào lúc mà nó nên được sử dụng nhất.
'Cô giống như nhiều người khác hãnh diện che dấu thay vì nhìn nhận, hãnh diện có con tim lạnh lùng thay vì nồng ấm, trong khi thực ra không chuyện nào ở trên xứng đáng để hãnh diện mà ngược lại, tức chúng chỉ là lỗi lầm mà cải trang như là đức tính. Tuy nhiên lỗi lầm vẫn là lỗi lầm cho dù người đời nói sao đi nữa. Tính hà tiện cũng vậy, dù là hà tiện tình yêu hay tiền bạc, và hãnh diện về mấy chuyện này là hãnh diện về chuyện gì yếu đuối, trẻ con thay vì sự sáng suốt và do đó mạnh mẽ.
Tới đây thầy dừng lại, nhìn em tôi tỏ ý mời gọi dịu dàng.
– Tôi có hơi giảng đạo một chút vì hạnh phúc của một người đàn ông đang chờ cô quyết định, ngài nói có ý biện bạch, và đó cũng là hạnh phúc của cô, vì tuy tình yêu của cô không tha thiết lắm nhưng lúc này cô yêu anh tới hết mức của cô, cô sẽ đau khổ nếu mất anh chàng mà ấy lại là chuyện tôi sợ sẽ xẩy ra nay mai. Thôi, hôm nay giảng đạo đức bấy nhiêu là đủ, không khéo ta quên ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên đồi, tự nó cũng là triết lý đáng xem.
Tuy nhiên dù lời hùng biện của thầy Moreward - ít ra đối với tôi - có sức thuyết phục thế nào đi nữa, trong trường hợp này giống như đa số trường hợp khác, sự can thiệp của thầy hoặc tỏ ra quá trễ, hoặc lòng kiêu căng của Gladys chiếm ưu thế và em tôi không thể thay đổi thái độ của mình, cho dù trong tâm thấy có lỗi ra sao. Chúng tôi hầu như quên hẳn đi chuyện này cho tới khoảng một tháng sau, thầy Moreward đưa tôi xem lá thư Gladys viết.
 Thầy Haig kính,
Con rất là đau khổ và tuy thầy đã tìm cách giúp con một lần mà con ngu dốt không nghe theo, con mong là thầy sẽ tha thứ sự khờ dại ấy để giúp con lần nữa. Gordon đã rời bỏ con như thầy nói trước. Anh chỉ nói là không thể kéo dài sự việc lâu hơn và không muốn gặp con nữa. Con có viết cho anh mấy lần nhưng không được hồi âm, nên con e sợ là không còn mấy hy vọng để đi tới kết quả tốt đẹp. Được nói chuyện với thầy sẽ an ủi con rất nhiều, con tin chắc là thầy sẽ tha thứ việc con quấy rầy, nhưng con biết thầy luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ ai gặp khó khăn.
Kính chào thầy, 
Con,
Gladys Broadbent.
–  Lẽ tự nhiên thầy sẽ làm điều gì có thể làm, ngài nói khi tôi đọc xong lá thư, nhưng thầy nghĩ tốt hơn con nên nói chuyện với Gordon xem anh chàng nghĩ sao về trọn chuyện này.
–  Con thấy thầy giảng giải cho Gladys chỉ phí công, tôi đáp, giống như nước đổ lá khoai, tuy nói vậy không hay mấy.
–  Giải thích một chút cho người không tiếp thu không hoàn toàn vô ích đâu, ngài cười và nói, vì cho dù em con bị đau khổ vì cô muốn có mọi chuyện  mà không muốn cho ra chút gì, nghĩ rằng lòng kiêu hãnh là đức tính, nhưng cùng lúc bây giờ cô thoáng thấy tại sao mình phải chịu đau khổ, và nhờ vậy học bài học dễ dàng hơn.
'Nay cô không còn trách móc anh bạn - thay vì tự trách mình - về sự đau khổ của cô. Trong phần còn lại của kiếp này, cô có thể học rằng bản chất của tình thương chân thật là cho ra mà không giữ lại, lúc nào cũng nghĩ tới cái tôi mà không nghĩ tới đối tượng của lòng yêu mến. Thế thì khi đôi bên gặp lại trong kiếp tương lai, mà chắc chắn họ sẽ tái ngộ, hai người sẽ lại yêu nhau và sự hiểu biết nhỏ bé cô có được trong kiếp này sẽ làm Gladys sáng suốt hơn, và sự đau khổ trong kiếp này sẽ được thay bằng hiểu biết và hạnh phúc.'

 

CHƯƠNG  XV 

THÁI  ĐỘ  TỰ  CẦM  TÙ

 

Dần dần tôi có quan niệm xem thầy Moreward Haig như là y sĩ tâm linh, để khi bất cứ người quen nào của tôi thấy như cần trị bệnh tinh thần và chưa tới mức hết thuốc chữa, tôi không ngần ngại xin thầy đi với tôi tới gặp họ, không khác nào đưa y sĩ tới thăm bệnh nhân, chỉ có điều là đương nhiên không trả lệ phí.
Tôi có quen lâu nay một bà bạn tuổi trung niên gọi là bà Burton, thấy như bà đặc biệt cần thay đổi cái nhìn về cuộc sống, vì bà là một trong những người ta có thể nói là có hết mọi thứ mà lại không vui hưởng bất cứ điều gì. Thực vậy, bà tạo nên vật giống như bức tường bao quanh cá tính của mình, sống trong trạng thái khép kín tâm hồn khiến bà lo rầu nhiều mà không biết tại sao. Vì tôi không đủ khôn khéo để giải quyết thành công trường hợp của bà, nên tôi lại nhờ thầy Moreward ra tay cứu độ như đã làm với thiếu tá Buckingham. Cho dù chuyện bà Burton không có tính phiêu lưu sôi động, nó cho cơ hội để ta biết thêm về triết lý bình an của thầy.
Tôi còn nhớ lần đầu thầy và tôi đến gặp bà tại nhà riêng ở Belgravia. Đó là một ngày nắng ráo của London tuy có trời mù một chút, khi chúng tôi đến khu Belgrave Square, thầy nhận xét với lời chê trách vui vẻ là chúng tôi đang đi vào nơi có bầu hào quang tệ hại nhất ở London.
–  Người ta có thể dùng dao cắt được không khí nơi đây, ngài nói, nó đè xuống dầy quá.
Tôi cười lớn vì với tâm trí ít nhậy cảm của mình, tôi không thấy có gì khác biệt giữa nơi này với nơi kia, trừ phi nói đến sự đẹp đẽ hay xấu xí.
Khi đến nơi tôi phải thú nhận rằng bà Burton đãi khách với tiệc trà thịnh soạn, và tôi ăn ngấu nghiến và thấy xấu hổ trong lòng, cũng vì vậy hôm sau có người nói lại rằng bà Burton nhận xét là tôi tham ăn. Trên thực tế, chỉ trích là việc làm duy nhất của bà Burton trong đời, bà nhìn chung quanh qua lỗ cửa nhỏ bé của nhà tù tự xây bao kín, chỉ trích mọi chuyện, mọi người, cho rằng làm vậy là nhìn vào cuộc đời như nó là, do đó thực thế đúng nghĩa.
Bước đầu tiên của thầy Moreward là làm bà thấy thoải mái, để bà nói chuyện. Tôi biết rõ là ngài chỉ cần nhìn vào hào quang là biết trọn tính chất của bà, nhưng ngài nói với tôi. 'Lúc này dùng cách đó không hợp, phải cho bà nói để tin rằng thầy xem xét cá tính của bà bằng cách thẳng thắn và thực tế mà không bằng cách nào khác.'
– Vâng, bà nói sau vài lời mào chuyện, tôi không có nhiều bạn.
– Vậy có hơi đáng tiếc phải không, thầy Moreward tỏ lòng thiện cảm, sống như thế cô đơn thật.
– Đúng thế, bà trả lời có chút buồn bã, nhưng không có mấy người làm bạn thích hợp được, tôi đã gặp nhiều thất vọng trong đời.
– Chắc bà thấy người ta không đáng tin cậy ? thầy hỏi.
– Ồ, rất là không đáng tin, bà khẳng định, rồi cũng khó mà tìm được ai hiểu mình.
– Đương nhiên rồi, đúng như bà nói là muốn được người khác hiểu mình thì khó lắm. Thầy nhìn thoáng qua tôi, mắt long lanh như muốn nói, 'Chỉ toàn chuyện tầm phào đây !', nhưng rồi lại thêm vào một cách kính trọng.
– Tôi nghĩ bà hiểu được người khác không chút khó khăn.
– Chà, tôi không dám nói chắc như vậy đâu, bà nhìn nhận và hài lòng với lời khen ấy.
– Tôi thì nghĩ đáng lẽ bà phải có nhiều bạn trai, tôi nói và che dấu sự thiếu thành thật của mình.
– Không phải bạn đúng nghĩa, bà chữa lại.
– Tôi đoán người có tâm tính như bà đương nhiên mong chờ nhiều việc nơi bạn mình phải không ? Thầy Moreward nói với thiện cảm.
– Đúng rồi, tôi không mong đợi nhiều nhưng tự nhiên là mong đợi đôi chút, bà Burton đồng ý.
– Tốt hơn hết là đừng mong đợi chi, thầy nói như mới nghĩ ra điều này.
– Như thế lạ đấy, làm sao làm được ? bà đáp.
– Chỉ cần có thái độ khoan hòa đối với họ thôi, thầy bảo.
– Tôi sợ mình không làm được, bà nói theo cách của người vô minh, tôi nghĩ mình chỉ trích nhiều và thực tế quá.
– Chỉ trích không biết có thực là thực tế không, thầy Moreward ngẫm nghĩ nói, giống như mới khám phá ra tư tưởng ấy.
– Mơ mộng không được, người ta phải nhìn cuộc đời như nó là. Bà Burton nói.
– Nhưng tôi không biết có ai thực sự nhìn cuộc đời như nó là hay không, thầy bảo. Nó luôn luôn là câu hỏi ta có cái nhìn ra sao, nhìn bằng kính mầu xanh thì cảnh vật hóa ra có mầu xanh.
– Thà nhìn theo mầu xanh còn hơn nhìn chuyện không thật.
– Nhưng nhìn thấy mầu xanh là nhìn chuyện không thật, thầy chữa lại.
Bà Burton mỉm cười và không trả lời.
– Thôi tôi biết rồi, thầy thêm, bà là một trong những người khôn khéo thấy khó mà vui vẻ được.
Bà giơ tay lên phản đối một cách vui vẻ.
– Tôi không thiếu  hạnh phúc lắm đâu, bà nói giản dị.
– Nhưng dửng dưng ? thầy hỏi.
– Có lẽ thế.
Tới đây bà Burton có khách nên sau đó chúng tôi ra về, với lời dặn dò của bà là muốn chúng tôi trở lại nay mai.
– Thầy e ngại trường hợp của bà khó chữa, thầy Moreward lên tiếng trên đường về. Bà bao quanh trí não mình bằng một lớp vỏ, khiến ngay cả tư tưởng thương yêu nhất cũng không thể thâm nhập, làm cho trọn thể tình cảm và thể trí bị thiếu thốn hết sức. Nguyên do nỗi khó khăn của bà là lòng sợ hãi và kiêu hãnh hợp lại, bà sợ không dám có cảm xúc, sợ ngay cả lời chê bại nhẹ nhất, sợ cuộc sống nói chung, và thầy không thấy có mấy hy vọng cho bà thoát khỏi nhà tù đó trong kiếp này, trừ phi có chuyện hết sức không ngờ xẩy ra.
– Thí dụ như chuyện gì ? tôi hỏi.
– Chẳng hạn như có một cuộc tình nồng nàn, tha thiết, thầy đáp.
– Trời đất ! Tôi cười phá ra.
– Chỉ có việc đó mới giúp được thôi, thầy quả quyết. Hào quang bà là một khối mầu xám cho biết có u sầu, và phải cần một làn sóng tình cảm rất mạnh để quét sạch. Có phải con nói bà góa chồng và khoảng 45 tuổi. Nếu đúng thì bà ở giữa lứa tuổi nguy hiểm và rất nguy hiểm.
Tôi cười và nói.
– Thực tình con không chắc bà góa chồng, ly dị hay ly thân với chồng, con không rõ. Như vậy nếu thầy đề nghị bà có cuộc tình thì không chừng gây đủ mọi rối rắm cho bà, trong trường hợp bà chỉ mới ly thân.
Thầy cười nụ cười nhẹ nhàng của ngài.
– Con này, con thường cho thầy niềm vinh dự là xem thầy như y sĩ tâm linh. Y sĩ kê thuốc, có loại đắng có loại ngọt, có loại là độc chất và có loại vô hại, nhưng mục tiêu của chúng luôn luôn là chữa bệnh.
– Dạ ? tôi hỏi.
– Thế thì khi chữa trị linh hồn, thầy hăng hái giải thích, người ta có khi buộc phải khuyên điều gì đó nghe nghịch tai đối với thế gian. Thế gian đây giống như trẻ con được thả vào tiệm thuốc bắc, nếm vị thuốc này rồi vị kia mà không hiểu biết, và nói rằng thuốc hay hay dở tùy theo vị ngọt hay vị đắng. Nhưng không phải là thuốc đắng thường chữa được bệnh hơn là thuốc ngọt sao, và không có gì tự nó tốt hay xấu ?
– Xin thầy nói tiếp, tôi thưa.
– Vậy giả dụ là bà Burton chỉ mới ly thân, ngay cả trong trường hợp đó việc có cuộc tình mà người đời xem là không thích hợp lại là điều duy nhất có thể cứu được tinh thần bà. Câu nói 'Ai muốn cứu mạng sống của mình thì phải mất nó' hàm ý sâu xa hơn người ta tưởng, vì nó nói là 'Ai muốn giữ lấy đức hạnh của mình thì phải mất nó'.
– Thầy dạy vậy thì ai chưa hiểu biết sẽ cho đó là triết lý nguy hiểm. Tôi đáp.
– Bella donna là chất độc nguy hiểm chết người, nhưng trong nhiều trường hợp khoa homeopathy thấy nó là thuốc vô giá. Thầy ngưng một lát rồi nói tiếp. Chuyện kể là có chàng câu nệ sách vở tới gặp nhà hiền triết Ấn Độ và muốn biết cách được giải thoát. Nhà hiền triết thấy anh tâm tính yếu ớt mới hỏi, 'Anh có bao giờ nói dối không ?' Chàng câu nệ kinh ngạc lắm, hoảng hốt thưa rằng chưa hề làm vậy. Nghe thế nhà hiền triết bảo, 'Hãy về học cách nói dối, nói cho khéo cho hay, đó là bước đầu tiên'.
'Về phần thầy, thầy muốn nói với bà Burton, 'Hãy học cách thương yêu, yêu say đắm, thiết tha để phát triển bản tính thương yêu của mình, và học cách làm ngơ với miệng thế gian đàm tiếu về hậu quả, để loại trừ tính kiêu căng và làm nẩy nở lòng can đảm đạo đức'. Con có thể nói đó là triết lý lạ lùng theo quan điểm của thế gian, nhưng nếu nói về chữa trị thì nó vô giá.

Tuy thầy Moreward cho trường hợp bà quá nặng vô phương chữa trị, nhưng với lòng kiên nhẫn không mệt mỏi và với tâm lành, ngài chịu tới thăm bà lần nữa và cố công thêm để giúp bà thoát khỏi lớp vỏ bọc. Do vậy khoảng mười ngày sau chúng tôi lại đến bà Burton chơi. Lần này bà đi vắng, tuy người giúp việc cho hay bà sắp về và hai con gái Mabel với Iris đang có nhà.
Đây là hai cô gái sinh đôi, rất linh hoạt và vui vẻ chào đón khách. Thực ra tôi thân với hai cô hơn là với mẹ của họ. Mabel và Iris thẳng tính, ào ào tranh nhau nói cùng một lúc.
– Mẹ đi thăm bạn, mẹ ghét mấy chuyện đó nhưng lại thích làm chuyện mình ghét. Phải chi tụi con làm được vậy để khỏi bị nghe giảng từ sáng đến tối là tụi con ích kỷ ra sao.
Thầy cười lớn và nói êm ái.
– Không phải lòng không ích kỷ lúc nào cũng đi đôi với việc tử vì đạo, nhưng khó mà làm người ta nhận ra  được việc ấy.
– Chà, tụi con cũng nghĩ vậy, hoan hô thầy ! Người ta cứ nghĩ là hễ có mặt bí xị, làm việc như thể nó gây đau đớn cho mình lắm lắm, thì ai nấy sẽ cho rằng họ là ông thánh. Mẹ giống vậy, mẹ đang bận rộn với việc rầu rĩ là làm thiện nguyện, như chuẩn bị gây quỹ.
Nói xong hai cô gái cười phá ra.
– Hai chị em vui vẻ quá, thầy nói, ai vui vẻ thì tỏ ra sáng suốt nhiều.
– Phải có người vui, một trong hai cô trả lời và tôi không biết là Mabel hay Iris vì họ giống nhau quá. Mẹ thấy chuyện gì cũng ảm đạm nên tụi con phải vui để bù lại cho mẹ. Mẹ nghĩ chuyện gì cũng sai, tụi con nghĩ chuyện gì cũng đúng, nghĩ vậy sống vui hơn.
Tới đây thì bà Burton vào nhà và lập tức nét linh hoạt của hai cô chìm hẳn xuống, giống như bong bóng thình lình xì hơi. Mabel và Iris ngồi chù ụ một lát rồi hai chị em len lén chuồn đi. Bà ngồi tiếp chuyện chúng tôi, nói vài câu vô thưởng vô phạt và thầy Moreward tìm cách đưa câu chuyện về đề tài hữu ích hơn.
– Hai con gái của bà, thầy nói với ý khen ngợi, thật là khéo léo, vui vẻ. Các cô nói chuyện rất có duyên khiến chúng tôi ngồi đợi mà không thấy chán.
– Tôi ngại là thầy khen chúng nhiều quá, bà đáp. Nói thiệt tôi nghĩ phải chi hai đứa tỏ ra nghiêm trang chút nữa thì tốt hơn.
– Chờ cho hai cô trưởng thành hơn thì tự nhiên sẽ có, ngài nói, lúc này hai cô đầy sự thương yêu nên sung sướng mà không cần tỏ ra nghiêm trang như bà muốn. Lòng thương yêu thế chỗ cho tánh nghiêm nghị.
–  Thương yêu  ? bà Burton tỏ ý thắc mắc.
– Giống như mọi cặp song sinh khác, ngài giải thích, giữa hai cô có sự kết hợp mạnh mẽ. Chuyện mới nghe có vẻ lạ, nhưng sự việc là tình thương mà hai cô có đối với nhau từ nhiều kiếp qua là lý do khiến họ thành song sinh trong kiếp này. (Ngài nhìn tôi mắt có nét hóm hỉnh mà tôi rất quen thuộc, nó có ý 'Bây giờ bà sẽ kinh ngạc đây').
– Nghe lạ chưa, bà Burton bảo, tỏ vẻ không tin và chê trách.
– Bà thấy lạ sao, thầy hỏi một cách thân thiện, nhưng có thật là chuyện lạ lùng không khi ta thấy rằng tình thương chỉ là nguyên lý thu hút, và trọn vũ trụ kết nối với nhau bằng tình thương ? Ấy là tại sao tình thương là điều quan trọng nhất trên đời.
Bà Burton không muốn theo đuổi ý tưởng mà rõ ràng là theo bà nó kỳ quặc.
– Tôi sợ là tôi không thấy có mấy thương yêu về hai con gái tôi, bà nói một cách tiếc rẻ. Đôi khi chúng tỏ ra ích kỷ đáng trách, và tôi thường khi phải nhắc chúng như vậy. Hai trẻ chưa học ý thức về bổn phận khiến chúng muốn làm việc thiện.
Thầy Moreward ráng nín cười.
– Bà có nghĩ việc thiện là tốt đẹp, ngài hỏi êm ái, nếu người ta làm chỉ vì đó là bổn phận ?
– Tôi không thấy có công đức gì khi người ta làm chuyện mà họ ưa thích, bà trả lời có vẻ trách móc.
– Ai vui vẻ cho ra thì được ân lành, tôi chen vào có ý trêu chọc.
– Có nghĩa, thầy giải thích trước khi bà Burton có giờ trả lời, là việc thiện mà làm không có tình thương đi kèm thì chỉ có giá trị ít oi, trong khi có lòng thương yêu người khác tự nó là việc thiện, vì nó giống như thực phẩm cho linh hồn đang thiếu ăn.
Bà Burton tỏ vẻ như theo bà thế giới này đầy chuyện vô ơn. Tất cả việc thiện mà bà đã làm nay bị xem là không đáng, trong khi bà tin rằng cảm tưởng chán ngán khi làm việc thiện phải được xem là đáng công hơn nữa.
– Thiệt tình hai vị có tư tưởng lạ lùng, bà nói xuôi xị.
– Bà coi, thầy Moreward giải thích làm hòa, sự việc không giống như mình thấy. Con người không phải chỉ có thân xác không mà thôi, họ còn có thể tình cảm, thể trí và linh hồn nữa. Tất cả những thể này thấu nhập thể xác. Khi tuôn tình thuơng đến với ai là bà thực sự làm phong phú thêm các thể này, còn trong khi làm việc thiện suông mà thôi là bà chỉ giúp đỡ cho phần xác là phần vô thường của con người, vì thân xác rồi sẽ chết đi sau vài năm, trong khi những thể thanh trường cửu hơn rất nhiều.
'Tôi bảo đảm với bà rằng nuôi dưỡng thân xác bị thiếu ăn là chuyện thực tế, nhưng nuôi dưỡng con người vĩnh cửu bên trong là chuyện thực tế hơn, vì đối với một vật chuyện gì cho ra ảnh hưởng lâu dài hơn thì thực tế hơn. Lại nữa, tuy rằng cho tiền là cho là cho một phần tài sản của mình và không phải là không có công đức, nhưng thương yêu là cho một phần của chính cái tôi một người. Nên đó là lý do ai mà thực tâm thương yêu thì không bao giờ thực sự ích kỷ.
Bà Burton không biết nói gì để thêm, nên nhìn thầy thắc mắc, yên lặng.
– Ích kỷ và không ích kỷ là chữ nói về người mà ý nghĩa không minh bạch cho lắm. Ích kỷ là chỉ nghĩ đến mình, còn thương yêu thì không những nghĩ về người khác hơn là cái tôi, mà cùng lúc còn cho một phần của cái tôi đến với người mà mình thương yêu. Vì vậy chuyện thực tế nhất của mọi việc thiện là cho cả công lao, tiền bạc, và chính chúng ta kết hợp lại. Hơn thế nữa khi làm vậy ta được sung sướng vì thương yêu là cảm xúc dễ chịu nhất trong tất cả mọi cảm xúc.
Bà Burton cười nụ cười người ta hay có khi không đồng ý mà không muốn tranh luận để phản bác. Nói khác đi bà cười ngượng nghịu vì không tìm ra chữ để bào chữa cho ý kiến của mình.
– Tôi thấy bà xem là tôi và tư tưởng của tôi có chút điên rồ, thầy nói thật vui vẻ, nhưng tôi đoan chắc với bà rằng nó hết sức đúng thực và đã có từ lâu, xưa hơn cả Thiên Chúa giáo. Nói thật với bà, ngài tiếp lời một cách gọn ghẽ, câu chuyện hôm trước khiến tôi nghĩ là bà không được vui vẻ trong lòng. Còn tôi thì rất vui vẻ, và chuyện đầu tiên mà một người thực sự hạnh phúc muốn, là người khác cũng sung sướng như thế, mong ước đó dễ hiểu và tự nhiên, vì nó giống như ai được y sĩ chữa lành thì giới thiệu y sĩ ấy cho người bị đau ốm vậy.
Bà Burton cười nhẹ và nói.
– Thầy tốt bụng quá. Nhưng hậu ý và cung cách của ngài xem ra thật ân cần, thành thật nên bà thật tâm thấy có chút biết ơn và lộ ra như thế.
– Vậy thầy sẽ kê toa ra sao ? bà hỏi.
– Hít thở nhiều thêm không khí trong lành, ngài nói một cách giản dị. Chung quanh chúng ta có những cảnh giới tuyệt vời đầy sự an lạc mà ai biết mở tâm hồn sẽ cảm nhận được, và ai không mở tâm thì không biết đến chúng.
Ngài ngưng một chút rồi nói trầm ngâm.
– Tâm hồn đóng kín thì sẽ cảm thấy không có hạnh phúc vì các nỗi đau khổ của con người sẽ tụ lại trong một chỗ nhỏ, nhưng khi ra chỗ khoảng khoát bao la vô tận thì tất cả nỗi khổ sẽ xa nhau tới bực nào. Nó giống như đi từ khu ổ chuột của thành phố ra đại dương và bầu trời bát ngát; khi ra tới nới ấy tâm hồn có sự dửng dưng thiêng liêng, tất cả lời chỉ trích, tất cả việc gì bị xem là sai, quấy, rơi rụng hết vì cảm xúc hóa ra chật hẹp và trẻ con, ta thấy chuyện không còn đáng chỉ trích.
'Bà bạn này, ngài nói thêm, vấn đề của bà xem chuyện cũng sai (ngay cả sự tươi vui của hai con gái). Bà đảo ngược lại lối suy nghĩ đi, xem chuyện gì cũng đúng rồi sẽ thấy kết quả. Tôi bảo đảm là bà sẽ không hề phải hối tiếc.
Ngài đứng dậy, bắt tay bà thân mật và tuy bà nói rất ít, tôi cảm nhận là thầy tạo một ấn tượng cho bà và không chừng ngày kia, bà sẽ mệt mỏi với nhà tù tự tạo của mình và thấy rằng thầy có lý. 

 

CHƯƠNG  XVI

CUỘC  CẢI  HÓA  FLOSSY  MACDONALD

Một buổi tối tôi đến thăm và thầy có nhà, nhưng ngài đang có khách là một phụ nữ mà thoạt nhìn ta biết ngay là chị em bạn với Thúy Kiều. Phải thú thật là tôi lấy làm kinh ngạc, nhất là khi tôi nhớ lại cử chỉ ngần ngừ của người giúp việc lúc tôi hỏi là thầy có nhà chăng. Nếu không có câu nói mau mắn của ngài:
– Đây là cô MacDonald, con ngồi chơi, thầy rất mừng được gặp con,
làm tôi nhớ lại cách cư xử thường ngày, hẳn tôi đã trố mặt nhìn hai người gây ra ngượng nghịu.
– Flossy, ngài quay sang cô gài, đây là anh Broadbent mà cô thường nghe tôi nói đến.
Cô mỉm cười chào tôi có hơi e lệ, rồi quay sang nhìn thầy Moreward với vẻ quí mến rõ rệt. Chúng tôi nói chuyện vãn chừng khoảng mười phút rồi Flossy đứng dậy ra về, thầy đưa cô ra tận cửa trước và hai người đứng lại trò chuyện nhỏ giọng một lát. Khi trở vào ngài nhìn tôi với nụ cười hóm hỉnh và nói.
– Trông mặt mà bắt hình dong có khi không đúng đâu. Flossy là một bài học về tâm lý thú vị vô cùng mà thầy không đổi với bất cứ điều gì khác.
– Điều thấy ngay là cô rất quí mến thầy, tôi nói dè dặt.
– Chà, đúng đó, ngài đáp với vẻ khiêm tốn, có lẽ cô cho thầy hân hạnh đó, mà nói cho cùng, tình thương là yếu tố hữu dụng khi cần hướng dẫn ai trong việc phát triển tâm linh.
Tôi không hiểu ý ngài cho lắm nên thầy giải thích.
– Khi một thiếu nữ thương yêu chàng trai thì cô khiến chàng được lợi rất nhiều, và nếu anh có ảnh hưởng tốt đẹp với cô thì anh nâng cao cô dễ dàng hơn nữa. Con nên biết, được một phụ nữ quí mến là có được cơ hội bằng vàng để làm việc thiện, ngay cả khi ta không thể đáp lại tình thương của họ y như cách họ thương ta.
– Thế thì có phải thầy đang nỗ lực hướng cô Flossy về đường lương thiện ? Tôi hỏi. Thầy có thể khuyến dụ cô bỏ cảnh đời hiện giờ của mình không ?
– Cô sẽ không cần sự khuyến dụ nào khi tới lúc, thầy bảo, cô sẽ tự ý bỏ nó.
– Chuyện đó lạ, tôi ngẫm nghĩ, người như cô thường không làm vậy.
– Ấy là vì có hai nguyên do, thầy đáp, mà cái nghiêm trọng hơn là tính thiếu khoan dung của xã hội. Xã hội không cho những phụ nữ như vậy hoàn lương, một khi thiếu nữ đi sai đường thì xã hội xem cô là kẻ đáng bị ruồng rẫy, không cho cô dịp nào để trở lại đường ngay. Thái độ không tha thứ chẳng những trẻ con mà thường khi là phản ứng tệ hại nhất, vì muốn chữa hết một tật xấu ta phải tha thứ nó. Khi xã hội không tha thứ cô gái họ gọi là 'tội lỗi', thì xã hội không cho cô đường thoát nào giữa sự chết đói và đứng vỉa hè kiếm sống.
– Còn nguyên nhân kia là gì ? tôi hỏi.
– Nó hiếm hơn nhưng hiển nhiên hơn, tức là không muốn giữ trinh bạch.
– Flossy thì sao ? tôi thắc mắc.
– Cô thuộc loại hai, thầy nói và cười khoan dung, dầu vậy cô có tâm hồn đáng quí và cô đầy lòng thương yêu.
Tôi thấy chuyện hứng thú nên xin thầy kể cho nghe về Flossy, cũng như ngài muốn hoán cải cô ra sao. Hóa ra Flossy đang nuôi dưỡng một bà dì góa chồng và vài em họ nhỏ tuổi. Cô cũng tìm cách gây ảnh hưởng tốt với khách hàng của mình tuy nghe có vẻ lạ tai, như dùng lời mềm mỏng ngọt ngào khuyến dụ họ bớt rượu chè trong vài trường hợp, với người khác thì cô khuyên bớt thô lỗ vũ phu, đại khái thế. Nói gọn là cô biết nghề của mình tương đối xấu xa nên gắng càng làm nhiều điều thiện càng tốt, và theo lời thầy Moreward thì cô đã thành công.
– Flossy, ngài nói sau khi kể lại những điều trên cho tôi, là thí dụ tuyệt hảo cho nguyên tắc hiếm thấy là dùng khuyết điểm của mình để tạo ra đức hạnh. Nếu có thêm người biết được nét tuyệt diệu của nguyên tắc này thì họ sẽ không phí năng lực vô ích để ăn năn hối hận về khuyết điểm mà họ thấy khó loại bỏ. Ngược lại họ sẽ tập nhiều đức tính liên quan đến tật xấu ấy khiến cho cuối cùng tật xấu bị loại mất hẳn. Ấy là tại sao thầy nói Flossy sẽ không cần được khuyến dụ để bỏ nghề không tốt của mình.
– Thầy là nhà đạo đức thực tế hơn hết mà con được biết, tôi hớn hở nói đầy sự thán phục.
Ngài mỉm cười.
– Thế nhưng xã hội sẽ gọi thầy là người vô đạo đức. Con xem, sự trục trặc là tuy người nói đức hạnh tự nó là phần thưởng, nhưng ít người biết cách có đức hạnh hay có được phần thưởng, họ chỉ nghĩ giản dị là giết chết tình cảm là chuyện không hấp dẫn chút nào và ít ai muốn làm vậy, trong khi việc nên làm là chuyển hóa tình cảm.
'Giết chết tình cảm thì chẳng còn gì sót lại ngoài nỗi chán chường, còn chuyển hóa nó thì con biến nó thành nỗi hoan lạc. Ngay cả tiến trình hủy diệt cũng ít khi mang lại thành công, vì trận chiến thường là với sự thỏa mãn ham muốn thay vì với chính điều ham muốn. Người ta chỉ bỏ được tật rượu chè khi không còn muốn uống rượu, mà không phải chỉ nhịn uống. Một dục vọng thấp chỉ có thể được giải trừ khi thay thế nó bằng ước vọng thanh cao hơn, vì điều cao trên thực tế cho ra hạnh phúc lớn hơn điều thấp.
'Lấy con làm ví dụ chẳng hạn, con thích ngồi nói chuyện triết lý với thầy ở đây thay vì ghé vũ trường mỗi tối ngồi uống champagne tới nửa đêm. Có thể nói con từ bỏ rượu vì thích triết lý hơn, nhưng giản dị là triết lý lôi cuốn hơn nên việc bỏ rượu vì vậy không gây đau khổ.
– Nhưng con tưởng cái khó của việc từ bỏ là bởi nó gây đau khổ ? tôi xen vào.
– Chỉ có việc từ bỏ miễn cưỡng mới gây đau khổ, ngài đáp, còn thực lòng từ bỏ thì luôn luôn không có chút đau đớn nào. Và tại sao ? Vì sự từ bỏ mà đau lòng chỉ muốn nói là ta từ bỏ hành động mà không từ bỏ lòng ham muốn, trong khi đó từ bỏ mà không đau khổ muốn nói từ bỏ chính lòng ham muốn, vì nó mất hết nét quyến rũ đối với ta. Cũng giống như tình thương thì hấp dẫn hơn là lòng thù ghét, hạnh phúc lôi cuốn hơn sự khổ sở, thì nét tinh thần quyến rũ hơn tật xấu. Tóm tắt thì khi ai đã một lần nếm chuyện tốt lành thực sự, họ sẽ không còn ham thích chuyện xấu xa.
– Nhưng đó là nói về việc chuyển hóa tình cảm, thầy không thể chuyển hóa việc thèm rượu. Tôi thắc mắc.
– Thầy không có ý đưa thí dụ đi xa như vậy, ngài cười lớn, việc chuyển hóa chỉ có thể áp dụng cho một số chuyện mà thôi, nhất là cho những tình cảm mà thầy đề cập. Thế giới đã sai lầm khi cho là tình cảm và đam mê thương yêu là chuyện xấu. Như thế không đúng, tình cảm là chuyện tốt lành chỉ vì con có thể chuyển hóa chúng, ai không có tình cảm chút nào thì khó vào cõi trời hơn hết, vì nếu con không cảm xúc điều chi thì con không cảm được sự an lạc. Đối với Flossy chỉ vì cô có tình cảm nên cô đi gần tới sự giác ngộ tinh thần hơn bất cứ ai đức hạnh nhất trong đời mà chưa hề cảm xúc chuyện gì trong cuộc sống. Có ai nói hòn đá lạnh lùng có đức tính gì không ?
– Thầy có thể cho biết là hướng dẫn cô ra sao không ạ ? Tôi hỏi. 
– Thầy bắt đầu từ trên cao đi xuống, ngài nói có hơi bí ẩn, mà không phải ngược lại như đa số thường làm. Thầy không nói, 'Hãy bỏ tật xấu rồi tôi sẽ chỉ cho bạn cách sống theo tâm linh'. Thầy ráng cho cô thấy sống theo tinh thần là làm sao để tật xấu của cô tự nó sẽ tan biến.
Nhưng câu chuyện cải hóa Flossy chỉ được rõ rệt do chính cô kể tôi nghe về sau. Khi quyết định viết sách này tôi đến gặp cô và dưới đây là chuyện cô kể lại vì thầy Moreward đã rời London đi xa.
Flossy MacDonald tuy xuất thân trong cảnh tầm thường lại có nét thanh cao bẩm sinh, lộ ra trong cách xử sự và lời nói của cô. Cha mẹ cô rất sùng mộ đạo Thiên Chúa, có niềm tin thật hẹp hòi nên lúc cô còn nhỏ, khi ông bà đặt kỷ luật hết sức khe khắt về giáo điều thì cô đâm ra chán ghét tôn giáo vô cùng, xem nó gần như là đồng nghĩa với sự ảm đạm, sầu não.
Flossy là người tình cảm nồng nàn khác hẳn tính khí cha mẹ, nên lúc 18 tuổi cô bị người tình gạt gẫm, anh chẳng những bỏ rơi cô mà còn để Flossy một mình nuôi con không xu dính túi. Cha mẹ cô vẫn thường cho là con có tính xấu vì không hiểu biết chút gì về điều ấy, tống cổ Flossy ra khỏi nhà không ngần ngại. Sau một thời gian chật vật hết sức túng quẫn, giống như nhiều người khác cô đứng vỉa hè bán thân để nuôi mình và con.
Tuy nhiên Flossy có một bà dì thương cháu, làm hết sức mình để giúp cô và khuyên can cha mẹ cô thay đổi thái độ với con mà không thành công. Bà dì rất nghèo túng mà vẫn đề nghị cô về ở chung, Flossy không muốn lợi dụng nên từ chối mà như thầy Moreward đã kể, về sau cô đền đáp lại thiện ý này ngàn lần hơn. Có vẻ như sau giai đoạn xuống tận đất đen khốn khó, vận may đến với Flossy và trong thời gian ấy cô gặp thầy Moreward vào một buổi chiều hè.
– Tôi còn nhớ mọi chuyện rất rõ, cô kể tôi nghe, lúc đó tôi đi gần tới Marble Arch và gặp thầy đi tới. Tôi chào và ngài cười đáp lại, nụ cười đẹp vô cùng, thầy bắt đầu hỏi đủ thứ chuyện về tôi và cảnh sống của tôi. Không biết làm sao tôi thấy ngài khác hẳn những ai mà tôi đã gặp, ngài quan tâm đến tôi và đối xử với tôi đầy sự kính trọng như thể tôi là phu nhân quí phái, đó là chuyện rất lạ lùng. Ngài đề nghị vào công viên và chúng tôi ngồi ở đó nhìn ra Park Lane. Ngài nói suốt buổi, kể những chuyện thật lý thú nên tôi quí mến ngay. Chúng tôi chuyện vãn có hơn một tiếng đồng hồ, tôi còn nhớ kỹ, rồi ngài hỏi nhà tôi ở đâu và bảo muốn  đưa tôi về nhà trò chuyện thêm một chút.
'Tôi thấy lạ vô cùng. Khi đến nhà tôi, thầy giản dị ngồi xuống ghế đối diện và tiếp tục nói, nói hoài, nói mãi, toàn những chuyện thú vị cho đến một giờ khuya thì đứng dậy ra về.
– Cô có nhiều người tình, thầy nói, điều cô cần là một người bạn. Đàn ông đến với cô là để tìm lạc thú phải không ? Tôi đến cũng để tìm vui nhưng là loại khác với của họ. Tôi chỉ có một mình và muốn có bạn dễ thương để trò chuyện, thăm hỏi. Nhưng cô cần sinh sống, và với cô cũng như với nhiều người khác, thì giờ là tiền bạc (ngài đặt một số tiền lên bàn), thế nên một trong những nỗi vui tôi có được trong chuyện này, là tin rằng cô bạn mệt nhọc của tôi được ngơi nghỉ trong đêm.
Tôi nhìn thầy ngạc nhiên hết sức.
– Em không lấy được, tôi đáp, thật tình em không thể lấy đâu.
Nhưng ngài cầm lấy tay tôi, vuốt ve nó như muốn khuyến dụ tôi đổi ý.
– Tôi rất nhậy cảm về một số điều, ngài nói, và nếu cô không nhận thì cô làm tôi rất khó xử.
'Nhưng tôi không sao nhận tiền được và bảo ngài thế, thầy tỏ ra vô cùng thất vọng làm tôi nhượng bộ, điều ấy làm ngài vui vẻ hết sức khiến tôi cũng hân hoan theo. Và anh nghĩ coi, ngài mời tôi đến nhà ăn trưa vào hôm sau. Có phải là tuyệt hết sức không ? Ngài tốt lành với tôi biết dường nào. Sao ngài lại bỏ đi ? Cô hỏi một cách thiết tha, rồi ngài có trở lại không ?
Tôi bảo cô là tôi hy vọng ngài sẽ trở về để làm cô an lòng, rồi tôi xin cô kể thêm.
– Sau đó tôi gặp ngài nhiều lần, cô tiếp tục, và dĩ nhiên là tôi quí mến ngài, nhưng không biết anh có hiểu được tình cảm của tôi và thầy hay không. Tôi không hề muốn điều gì nơi ngài, đối với tôi như vậy có vẻ là phạm thánh, và tôi biết ngài không hề muốn gì nơi tôi. Ồ, tôi biết mình có tính thương yêu nồng nàn nhưng nó không phải là cảm tình tôi có với thầy. Nếu được cầm tay hay vuốt tóc của ngài là đủ làm tôi rất sung sướng. Được ngồi cạnh, lắng nghe ngài nói chuyện và dạy tôi bao điều quí giá thì như là thiên đàng đối với tôi. Ngài đã đi xa rồi nhưng đã cho tôi điều mà không gì có thể lấy mất được. Lại nữa ngài còn giúp tôi thoát khỏi nghề của mình, làm xã hội coi trọng tôi trở lại.
– Nhưng tôi nghe là thầy không hề kêu cô bỏ nghề phải không ? tôi hỏi.
– Đó mới là điều kỳ diệu, cô đáp lại, ngài chỉ dạy tôi những điều khiến tôi tự ý muốn bỏ nghề. Ồ, tôi không phải là thánh, cô vội vã nói thêm. Tôi không giả dối và bây giờ tôi vẫn sẵn lòng làm nhiều chuyện vì tình thương nhưng chẳng bao giờ tôi làm chúng vì tiền nữa - không bao giờ. Ngài hay nói, 'Tình thương thanh tẩy mọi chuyện bao lâu con không gây khó khăn cho người khác, vì lẽ dĩ nhiên nếu suy nghĩ con sẽ thấy rằng làm vậy muốn nói con không thực tình thương yêu họ', ít nhất đó là điều ngài thường bảo. Nhưng ngài nói rằng sẽ tới ngày cho dù đầy tình thương, người ta cũng không còn đam mê nữa, và ngài kể tôi nghe chuyện đức Jesus với người đàn bà ở Samaria đã có năm đời chồng, hiện đang sống cùng người không phải chồng bà. Ngài nói đức Jesus dạy bà nhiều chuyện tinh thần đẹp đẽ, nhưng Ngài không hề kêu bà rời bỏ người đàn ông đang sống chung, vì Ngài biết bà thương yêu ông và như vậy tự nó là chuyện tốt lành.
'Kế đó thầy dạy tôi nên tha thứ người đã bỏ rơi tôi vì thầy nói không ngừng ghét bỏ anh ta là thái độ khờ dại, như con nít và làm hại cho chính tôi. Ngài nói dĩ nhiên là người ấy không hề thương yêu tôi thực lòng, vì nếu quả vậy, chắc chắn anh không coi lạc thú của mình là ưu tiên so với tôi. Thầy bảo đó là lý do tại sao tôi nên ráng đừng ghét bỏ anh nữa mà thay vào đó hãy thương hại anh, vì ngày kia anh sẽ phải trả quả cho hành động này. Tội cho anh ta. Nói anh nghe, khi tôi không còn hờn giận anh ta nữa tôi thấy nhẹ lòng hết sức, thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng không còn giận ba má hay ai khác nữa, và cảm giác thật tuyệt vời khi mình không còn giận ghét ai. Thấy ghét bỏ người khác là tính con nít sao đâu. A, ngài là người hay biết chừng nào.
– Nhưng làm sao ngài khiến cô bỏ được nghề ? tôi hỏi.
– Anh không có nghe à, cô nói với vẻ kinh ngạc ngây thơ, ngài không nói gì với anh sao ?
Tôi bảo cô rằng tôi không nghe điều gì cả.
– Sao, anh không biết là trước khi đi xa ngài xếp đặt cho tôi hưởng mỗi năm một số tiền suốt đời sao ?
– Thầy không hề nói gì với tôi, tôi ngạc nhiên thực tình và đáp.
– A, ngài luôn luôn là vậy, cô kêu to một cách nhiệt tình có lẫn chút buồn rầu trong đó. Ngài làm việc thiện cho mọi người mà không hề lộ để ai biết, đúng là cung cách của thầy.
– Cô kể tiếp đi, tôi thúc giục. Tôi muốn nghe hết mọi chuyện để viết sách. Ngài còn dạy cô điều gì khác nữa ?
Cô nghĩ chập lâu, mơ màng nhìn xuống đất.
– Tôi không biết kể chuyện, cô nói một cách giản dị, nhưng có những lần tôi được hầu chuyện ngài cả ngày, và đó là những giờ phút vui vẻ. Mà không phải lúc nào cũng vui, có ngày tôi hết sức rầu rĩ, nghĩ tới nghề đang làm thường khiến tôi kinh hoảng nên hay hỏi ngài khi qua đời tôi sẽ ra sao. Tưởng tượng cũng đủ dễ sợ rồi. Nhưng ngài an ủi tôi, nói rằng vì tôi làm nhiều chuyện lành nên cuối cùng chuyện xấu không còn đáng kể, ngoài ra thầy nói có những điều còn tệ hại hơn việc tôi đang làm mà nhiều người không coi là xấu. Ngài thường nói ai đánh đĩ tài năng của mình (ngài dùng chữ ấy) để làm giầu thì tệ hơn tôi rất nhiều, vì ngài bảo trí tuệ là vật đáng quí hơn thân xác, mà tài năng còn đáng quí hơn trí tuệ gấp bội, nhưng có hàng ngàn người làm vậy mà xã hội không nói gì. A, tôi thấy an ủi biết bao khi ngài cười và nói, 'Con chớ lo chi, con sẽ thoát khỏi nghề đang làm dễ như con bướm rời khỏi kén.'
'Anh nghĩ coi ngài nói đúng biết chừng nào, tới một bữa kia tôi thấy thà sống trong căn phòng chật hẹp trên gác thượng, may quần áo suốt buổi còn hơn tiếp tục làm nghề này tuy nó sướng thiệt, toàn đi ăn đi chơi. Vậy là tôi bỏ nghề mà lúc ấy đang gặp vận hên, vì tôi thoáng thấy một cảnh đời khác trong trí có vẻ hạnh phúc hơn, tốt lành hơn, và thiệt là đẹp đẽ hơn.
– Sau đó cô làm gì ? tôi hỏi.
– Nghĩ vậy nhưng tôi nhớ tới bà dì và mấy đứa em họ nên tôi ráng thêm một lúc để lo cho mọi người. Chuyện có vậy thôi. Flossy ngưng một phút rồi buồn rầu nói thêm. Tôi buồn biết chừng nào ngày thầy cho hay sắp phải rời London đi xa. Anh Broadbent à, tôi rất sợ việc chia tay, tôi không hề nói được lời từ giã với người khác vì thấy đau lòng, nhất là từ giã ngài. Tuy nhiên ngài tìm thế an ủi tôi thiệt hay, nói rằng dù xác thân ngài ở rất xa, thầy vẫn có thể đến và gặp tôi bất cứ khi nào ngài muốn nhưng tôi có thể không thấy được ngài. Anh biết khi ra đi thầy làm gì không ? Coi, ngài không chào từ giã để tránh làm tôi đau lòng, mà viết cho tôi một bức thư thiệt hay, gửi tôi một cây thánh giá xinh đẹp bằng vàng để luôn luôn đeo trong người. Lẽ tự nhiên tôi khóc như suối nhưng không nhiều, giống như ngài có tới hôn chào từ giã. Nhưng điều tuyệt vời là hai giờ sau đó, tôi được thư của luật sư cho hay ngài để lại cho tôi một số tiền hằng năm đến trọn đời.
– Bây giờ ngài có viết thư cho cô không ? tôi hỏi.
– Ồ, có, thỉnh thoảng ngài có viết cho tôi. Anh thấy có tuyệt không, ngài biết hết mọi chuyện tôi làm mà tôi không hề nói cho ngài hay, và trời, có lúc tôi biết ngài có mặt trong phòng. Bất cứ khi nào tôi thấy cần ngài hết sức thì tôi cảm được sự hiện diện của thầy ngay. Cầu Trời phù hộ cho ngài.
Và đó là chấm dứt câu chuyện cải hóa Flossy với kết thúc thật lạ thật hay. Trên đường về tôi tự hỏi còn có bao nhiêu cô 'Flossy' khác trên đời, và hiểu theo cách tôi chưa từng hiểu trước đây, là tại sao người tội lỗi lại gần nước Trời hơn người giả dối.