VỊ CHÂN SƯ Quyển I - The Initiate - 1920
CHƯƠNG 7
CÔ DAISY TEMPLEMORE
Tôi biết Daisy Templemore từ lúc cô là bé gái mới 9 tuổi, và ngay cả khi bé tí như thế, tôi (và nhiều người khác nữa) thấy trước là cô bé sẽ lớn lên thành người tán tỉnh không tha ai, và cô làm y vậy. Từ khoảng năm 17 tuổi đến lúc tôi kể chuyện này là 10 năm sau, cô tán tỉnh hết người này rồi người kia, và năm 26 tuổi, việc Daisy hứa hôn với một sĩ quan phái qua làm việc tại Ấn Độ vẫn không làm chấm dứt thói quen này.
Anh chàng từ Ấn Độ về Anh nghỉ phép, được cô nhận lời cầu hôn và chiếm được một phần rất nhỏ quả tim cô (như chuyện tiểu thuyết thời xưa hay nói), rồi anh quay trở lại nhiệm sở để cô được tự do không bị vướng víu vì có anh, và tiếp tục tán tỉnh hết người này rồi người khác.
Tuy tôi lớn hơn cô khoảng một con giáp, việc bồ bịch của Daisy không gây trở ngại cho tình bạn giữa hai chúng tôi, và tôi có thể thêm rằng tôi là một trong số rất ít người đàn ông mà Daisy ban cho vinh dự là không tán tỉnh, và cô cởi mở với tôi rất nhiều. Bởi cô rất xinh đẹp, ăn nói có duyên, một số tiệc tùng ở London thường xuyên mời cô tới dự, nên lẽ đương nhiên là cô làm quen được với thầy ngay khi có cơ hội, và tôi không ngạc nhiên là cô khởi sự tán tỉnh liền với ngài là nhân vật ai cũng muốn gặp mà hành tung lại rất kín đáo.
Ở đây tôi phải nói một chút về thái độ của ngài đối với phái nữ. Ta hãy tưởng tượng một cảnh trí xinh đẹp mà có khả năng của người là biết nói, biết vui sướng lẫn biết đau khổ, rồi tưởng tượng thêm là có người ngắm nó khen ngợi, thông cảm mà không hề cảm thấy muốn chiếm hữu, nói khác đi, không đòi hỏi bất cứ điều gì từ cảnh trí ấy chỉ trừ một điều rằng nó hãy là chính nó, thì người ta có ấn tượng sơ sài về thái độ của bậc tiến hóa cao như người về người khác phái, mà tôi cũng có thể thêm là đối với tất cả mọi người và mọi vật. Cảm tình của ngài đối với nhân loại là lòng lành hết sức sâu đậm, chỉ có thể diễn tả bằng một chữ là tình thương. Đối với những ai mà ngài tiếp xúc thì ngài không đòi hỏi gì hơn là họ là chính họ, trừ trường hợp khi mối liên hệ là giữa thầy với trò, lúc ấy ngài đòi hỏi (nhưng với lòng kiên nhẫn và khoan dung lạ lùng) một số đức tính không phải để làm lợi cho ngài, mà để làm lợi cho chính con người của họ.
Chính ở điểm này mà Daisy Templemore tìm cách khai thác ngài thiệt bậy làm tôi bực cô hết sức. Khi thấy tán tỉnh mà ngài chỉ đáp lại bằng tình thân thiện đáng yêu, như đối đãi với tất cả những cô và bà khác, Daisy không hài lòng với thái độ không phân biệt đó nên dùng phương pháp khác là xin làm học trò của thầy, yêu cầu ngài dạy cô khoa minh triết bí truyền. Tôi thú thật là sự thất bại của cô làm tôi hài lòng vô kể.
Thầy Moreward không giống như một số người Anh kiêu hãnh, sợ không dám bầy tỏ cảm xúc yêu mến. Nếu việc bầy tỏ tình thương ra ngoài có thể làm lợi cho ai thì ngài không chần chờ gì mà ôm choàng lấy người đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ. Sự việc làm người giả dối trong xã hội hiểu lầm, nhưng lời đàm tiếu xì xào đối với tấm lòng thanh tịnh của ngài thì giống như tiếng kêu sảng của vài con cừu mà thôi. Một hôm ngài nói với tôi.
– Cảm xúc yêu mến đẹp đẽ và bình an của người bị mất đôi chút giá trị, trừ phi chúng ta có thể biểu lộ cho người khác. Cái chạm nhẹ của một bàn tay thân mến, hay dang đôi tay thương yêu ôm choàng một ai đôi khi có thể làm cho ai đau khổ được an ủi nhiều hơn một ngàn chữ, và việc giữ lại không bầy tỏ những cử chỉ bề ngoài này rất thường khi do lòng kiêu hãnh gây ra, tức tin rằng thương yêu do bí ẩn nào đó sẽ làm hạ thấp chính mình.
Việc Daisy có muốn tán tỉnh thầy hay không là điều tôi thấy trước, rõ tới mức tôi báo cho ngài hay về cá tính ưa mưu mẹo của cô nàng. Tuy vậy ngài chỉ cười và nói rằng ngài không dễ bị mù quáng vì sự hấp dẫn của nữ giới, và câu chuyện chấm dứt như thế vào lúc này.
Tới một hôm tôi tình cờ gặp cô Dickenson, người vẫn nói rằng mình là bạn gái duy nhất của Daisy, cô kể tôi nghe vài chuyện làm tôi nhớ lại những dự đoán của mình.
– Cái ông thầy khắc khổ của anh không có vẻ cứng cỏi sắt đá như người ta tưởng đâu, cô mào đầu.
– Trời, tôi đáp, chuyện gì xẩy ra vậy ?
– Anh chưa nghe gì về Daisy và ông thầy của anh sao ?
– Không nghe thấy gì lạ hết.
– Vậy anh chậm chạp hơn người rồi.
– Chắc thế, tôi đáp và giả vờ không quan tâm đến chuyện chút nào.
– Anh không có nghe là ông say mê cô nàng, còn Daisy thì giả vờ là lo lắng sợ hôn phu cô nàng biết được à ?
Tôi tức điên lên trong bụng.
– Ai bảo cô thế ? Tôi hỏi có chút gắt gỏng.
– Tin tôi đi, ai cũng nói vậy hết, cô đáp.
– Chuyện vớ vẩn, tôi nói.
– Có gì mà anh phải bực chứ, cô bảo.
– Daisy luôn luôn đùa trò này, tôi không còn thấy nó hay ho gì nữa, tôi quạt lại với cơn giận chưa nguôi. Tán tỉnh thì cũng được đi, nhưng khi cô nàng giả vờ là có người si mê mình, rồi tỏ ý bực vì điều ấy thì quá lắm. Tôi chắc chính Daisy kể chuyện này cho cô hay phải không ?
Tôi hỏi dịu hơn một chút. Cô Dickenson ngập ngừng.
– Đúng thế rồi, tôi đoán ngay, đây này, tôi cá với cô bất cứ điều gì cô muốn là thầy Moreward không si mê Daisy chút nào.
– Đừng tưởng bở, cô đáp.
Sau đó tôi sang chuyện khác. Nhưng khi gặp được thầy tôi kể lại cuộc nói chuyện trên, và thêm cả việc tôi bực mình rất nhiều, thầy lại cũng chỉ cười tỏ vẻ thú vị nhẹ nhàng, làm như thể ngài không thấy gì khác ngoài khía cạnh khôi hài của sự việc.
– Sự bực bội tỏ ra con là người hào hiệp, nhưng phí công, sau một lúc ngài bảo. Tức tối giùm cho thầy để chi, khi chuyện không gây cho thầy chút bực tức nào ?
– Nhưng con nghĩ hẳn là thầy phải bực, tôi đáp. Daisy đáng bị trách mắng vì lòng vô ơn của cô.
– Luật nhân quả trừng phạt con người theo cách riêng của nó, ngài nói nhẹ nhàng, vì vậy không cần ai phải lo việc trừng phạt người khác bằng cách tỏ ra giận dữ hay có thái độ gì khác.
– Nhưng con nghĩ không ai nên để cho người lợi dụng bạn của mình, tôi vẫn nài.
– Có lúc người ta nên can thiệp, nhưng cần gì phải bực tức ? Nếu con mèo kêu trong phòng thì đem nó ra khỏi phòng, nhưng đừng la mắng nó. Bản tính của mèo là kêu meo meo, cũng như bản tính của vài người là vô ơn vậy.
– Con ước phải chi con có được triết lý như thầy, tôi nói với lòng thán phục.
Ngài mỉm cười đồng ý nhưng chỉ có vậy và làm ngơ với lời khen.
– Mọi chuyện tự nó không có gì đáng bực, ngài trầm ngâm tiếp theo. Người lớn không bực dọc đối với chuyện làm trẻ con bực tức, vì người lớn gần niềm vui tự nhiên hơn đứa trẻ một chút. Để cho ai đó hòa hợp cái trí của họ với hạnh phúc bên trong thì không có điều gì trên mặt đất có thể làm họ tức tối hay buồn rầu.
– Chuyện đó khó làm, tôi tỏ ý nghi ngờ.
– Thời gian và gắng công sẽ đạt được mọi chuyện, ngài đáp. Còn đối với cô Daisy, cô cần được con thông cảm hơn là tức giận.
– Sao thế ? tôi hỏi với vẻ kinh ngạc.
– Cô sẽ bị sầu não vì chính lòng tức giận của mình, vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Hành động của cô mang lại sự trừng phạt cho cô, ngài nói.
Và chuyện xẩy ra y như tôi biết chẳng bao lâu sau.
Tôi không gặp Daisy đã lâu, nên tới chiều hôm nọ tôi đến nhà cô và được mời vào phòng khách. Tôi hài lòng thấy không có ai khác đến thăm, Daisy đang không vui chút nào và không che dấu việc ấy. Tôi hỏi cô chuyện gì làm cô không vui, nhưng cô gạt phắt nên tôi đổi đề tài, chiến thuật nhỏ bé này vậy mà lại hiệu quả. Sau khi ừ hử chiếu lệ về mọi chuyện mà tôi nghĩ ra để nói, Daisy cuối cùng phun huỵch toẹt điều bí ẩn làm cô bực mình.
– Bạn anh thiệt là quí hóa dữ a, cô buột miệng. Tôi chưa hề bị đối xử tệ như vậy bao giờ.
Tôi nói với cô nhẹ nhàng là tôi có nhiều bạn, và tốt hơn cô nên nói rõ đó là bạn nào.
– Ồ, cái ông mà anh gọi là nhà hiền triết, là triết gia, là cái chi chi đó, cô nói sẵng. Coi này, cô lục trong ví và đưa tôi xem bức thư. Tôi cầm tờ giấy, nhận ra ngay nét chữ. Thư viết như sau.
Bạn thân mến,
Tôi e ngại là mỗi chúng ta sẽ theo đuổi mục đích khác nhau trong mối liên hệ giữa bạn và tôi, trừ phi cả hai chúng ta nên rõ ràng hơn về chủ ý riêng biệt của mình. Trong những tuần vừa qua tôi có ám chỉ bạn vài điều mà tôi hết sức mong mỏi là bạn hiểu ý và tôi không cần phải làm gì thêm, hầu tránh cho bạn không bị ngượng ngùng và bực dọc là hai điều sẽ dễ dàng sinh ra do việc phơi trần những sự kiện không thể phủ phận được. Tuy nhiên hy vọng của tôi không thành và vì thế tôi bắt buộc phải viết thư này (mà cùng lúc xin bạn thứ lỗi) để cho bạn hay, là chỉ dạy về khoa minh triết bí truyền và chân lý cao hơn phải chấm dứt ở đây, vì bạn đã tự mình đóng cánh cửa đầu tiên trên con đường dẫn tới sự hiểu biết. Thực tình mà nói, chủ đích của bạn ngay từ đầu là không muốn mở cánh cửa này chút nào, mà chỉ để tìm cách được thân cận rõ rệt hơn với tôi, dùng việc học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng như là cái cớ để thực hiện ý định của mình.
Điều này có thể tha thứ được về một khía cạnh nào đó (tuy không thành thật), tôi nói vậy một cách tương đối vì mọi sơ sót của con người đều có thể được tha thứ đối với ai có tâm hoàn toàn khoan dung, nếu bạn được thúc đẩy vì động cơ yêu thương, thay vì lòng kiêu hãnh mạnh mẽ không chối cãi được. Nhưng bởi đó lòng kiêu hãnh, nên tôi không thể vì bất cứ lý do nào khuyến khích một tính chất trong người bạn mà chẳng chóng thì chầy sẽ làm bạn vấp ngã, và tôi bắt buộc phải cho bạn hay sự việc mà không có chút mù mờ nào. Ba lần bạn viết thư cho tôi đầy lời trách móc về chuyện tôi không đến thăm thường xuyên, và nói rằng đối với bạn tôi không tỏ ra là vị thầy có nhiệt hứng, trong khi tôi lại đầy nhiệt tâm với bà H. Bạn ghi với lòng thiếu độ lượng là bà H. không là học viên xứng đáng bằng bạn, vì bà có 'quá khứ'.
Bạn thân mến, xin để tôi vạch ra cho bạn thấy là có 'quá khứ' loại này mà cũng có 'quá khứ' loại kia, và ai thương yêu nhiều thì được tha thứ nhiều, bởi tôi muốn thêm rằng một trái tim thương yêu thật sự là đức tính tốt đẹp hơn hết trong mọi đức tính đòi hỏi trên đường dẫn tới sự hiểu biết. Vô số những cuộc tình của bạn (nếu tôi được phép ám chỉ tới chúng), không phải là 'chuyện tình', mà chỉ là 'chuyện kiêu hãnh', và đó là sự phân biệt đáng tiếc. Bạn đã chìu theo hành động gây đau khổ là gợi nỗi đam mê về tình yêu của phái nam mà không có chủ ý muốn thỏa mãn họ, và bạn tìm cách theo đuổi cùng ý đó với tôi mà không thành công, vì đam mê tan biến mất cho ai ưa chuộng những việc khác thú vị hơn.
Vì vậy, cái quá khứ mà bạn gán cho người khác không suy nghĩ lại chính là điều mà bạn chưa đủ mạnh, chưa đủ quên mình để làm. Lòng kiêu hãnh lôi kéo bạn theo hai đường cùng một lúc, vì bạn thèm muốn nghe được lời thương yêu rót vào tai bạn không dứt, làm thỏa mãn một phần lòng kiêu hãnh của bạn mà không cần phải đáp trả lại bằng bất cứ điều gì, hầu giữ được tiếng tăm không hoen ố, và tỏ ra rằng mình là bà hoàng ở ngoài tầm tay của mọi người, và làm vậy thỏa mãn một phần khác của lòng kiêu hãnh. Sự việc là vậy, thế thì tôi là một thành viên khiêm tốn của nhóm Huynh Đệ chỉ quan tâm tới điều duy nhất là sự tiến bộ tinh thần của nhân loại và không là gì khác, có thể nào dùng thì giờ của tôi để chỉ dạy bạn minh triết mà bạn không hề có ý muốn học ? Nếu bạn thật tình có ý muốn đó thì ngay cả lòng kiêu hãnh của bạn cũng không gây trở ngại cho sự chỉ dạy của tôi, vì trước hay sau nó cũng sẽ tự mình tan biến khỏi con người của bạn. Nhưng vì bạn không có ý đó, tôi đành phải không là người chỉ dạy nữa, mà trong tương lai chỉ còn là thân hữu đúng nghĩa của bạn.
Kính thư,
J.H.M.
– Lá thư thiệt hay, tôi nói một cách khô khan lúc đọc xong, hay tới nỗi tôi muốn giữ nó. Nhưng tôi ngạc nhiên là tại sao cô lại đưa tôi xem, tại vì nó gây ấn tượng xấu về cô hơn là về thầy.
Nghe vậy Daisy Templemore giận quá nên cô quên phứt việc đòi lại thư, và kết quả là bức thư còn nằm trên bàn giấy của tôi tới ngày hôm nay. Cũng kể từ đó tình thân giữa hai chúng tôi bị lạnh nhạt đi một chút, có lẽ đó là sự trách móc duy nhất của cô. Còn đối với thầy Moreward, lần sau gặp thầy dĩ nhiên tôi nhắc đến việc có đọc lá thư, và nhắc lại vài lời trách cứ rất đúng trong thư. Nhưng thái độ của thầy với lá thư và với Daisy cho tôi thấy là nếu cây bút viết lời trách cứ thì tim ngài lại không chứa ý gì, bởi sau khi nói đến cô với sự nhẹ nhàng rất mực, thầy kể tôi nghe một câu chuyện xứ Ấn.
– 'Ngày xưa có một con rắn lớn, thầy bảo, sống trong cái cây ở bên đường, và tấn công rồi sát hại bất cứ ai đi ngang qua. Tới ngày kia, một nhà đại hiền triết ghé lại và hỏi tại sao nó thích làm chuyện ác độc như thế, ông vạch ra kết quả là chẳng lâu thì mau nó sẽ tự chồng chất nỗi đau khổ cho mình. Nghe vậy con rắn hứa là sẽ không còn tấn công người nữa, và nhà hiền triết bỏ đi. Vài tuần sau ông trở lại thấy con rắn lần này thật thiểu não, ông mới hỏi chuyện gì xẩy ra. Con rắn nói, 'Ô, thánh nhân ơi, tôi nghe lời ngài và ngài hãy coi kết quả đây, khi tôi ngưng tấn công khách bộ hành thì họ lại tấn công tôi làm tôi ra nông nỗi này'. 'A', nhà hiền triết đáp với nụ cười đầy tình thương, 'Ta dặn rắn chỉ đừng chọc phá người, ta không bảo đừng làm họ sợ nếu họ tìm cách lợi dụng rắn'.
– Vậy lá thư của thầy chỉ là để làm Daisy sợ ? Tôi hỏi và phá ra cười. Nhưng hẳn là thầy phải đoán ra bản tính thật của cô ngay từ đầu ?
– Suy đoán và tiên đoán theo phép tâm linh đều không phải luôn luôn đúng, ngài nói nhẹ nhàng. Con có thể dẫn đi chơi một con chó rất hung hăng, và khi thấy đằng xa có con chó khác, con tiên đoán có phần chắc chắn là sẽ có cắn nhau nhưng rốt cuộc không có gì xẩy ra, có cả chục chuyện can thiệp làm ngăn lại.
Tôi bật cười trước thí dụ này.
– Thành ra, ngài tiếp tục, chúng ta không bao giờ từ chối ai ở cửa, chúng ta tiên đoán tỉ lệ có thể bị sai. Sao đi nữa, thầy tiên đoán là chẳng bao lâu cô Daisy sẽ bị nặng nợ vì có 'quá khứ'. Cô sẽ thành hôn với chàng sĩ quan của cô và sẽ ly dị trong vòng ba năm.
Quả thật chuyện xẩy ra y vậy.
CHƯƠNG 8
LINH MỤC WILTON
Linh mục Wilton là người tiêu biểu cho giới của ông, bữa ăn tối nào cũng có món ngon kèm một hai ly rượu hảo hạng và do thế hóa đẫy đà. Ông nói đẩy đưa vài chuyện đạo với giáo dân nào có nhan sắc dễ coi, nhưng ta chớ quên thêm rằng ông nói chuyện mà như giảng kinh. Giáo hội Anh cho phép linh mục có gia đình và ông lập gia thất rất sớm lúc mới có 21 tuổi. Dầu vậy khi tôi biết ông thì linh mục đã góa vợ, chỉ có một mụn con gái với người trong họ đạo tin là rất được ông cưng chiều. Thế nhưng thầy Moreward nhận xét một cách khô khan tuy đầy lòng khoan dung vốn có của ngài, là ông thương con một cách ích kỷ, không hợp chút nào với lời Chúa. Lòng ân cần của ông đối với con chỉ là tìm cách nhốt cô trong bốn bức tường thành kiến rất đỗi nhỏ hẹp của ông về tôn giáo, chính trị, văn chương, nghệ thuật hay gì gì khác. Cùng lúc ấy ông tế nhị cấm con có bạn thân (chưa kể tới người khác phái). Nói ngắn gọn thì theo nhận xét của ngài, 'ông không thương con gái mà thương chính mình qua cô'.
Kết quả của chuyện này là tuy ông đòi hỏi con phải tỏ ra hết sức chăm sóc cha, cô chỉ đáp lại bằng vẻ thương yêu ngoài mặt rất là gượng gạo. Nói tách bạch thì cô Gertrude thấy ba là người rất chán vì phải dấu lén lút những nỗi vui thích tự nhiên và vô hại của cô, lỡ ông biết ra sẽ hóa phiền lòng và giảng cho một trận. Chiều tối mỗi ngày, nếu may sẽ có giáo dân nào đó đau ốm tới gặp linh mục, còn không thì ông viện cớ là thương yêu lo lắng con, bảo cô thuật lại hết việc làm trong ngày của cô. Ta có thể tưởng tượng là nếu cần thì cô sẽ nói quanh co không ít hoặc ngay cả chuyện không thật. Ai nấy đều biết vậy, luôn cả những người giúp việc trong nhà luôn sẵn lòng giúp cô hết mình vì yêu quí Gertrude, chỉ có ông bố làm như không thấy gì, an lòng sống hân hoan không chút nghi ngại.
Điều quan trọng, ít ra đối với tôi trong chuyện này, là tôi có cảm tình với Gertrude. Khi thấy khó mà được nói chuyện thoải mái với cô trong cảnh như vậy, tôi cầu viện thầy Moreward có thiện cảm muốn giúp đỡ, phụ một tay. Ngài chìu ý, bằng lòng ngồi nghe thường xuyên những bài giảng đạo đức giả chán ngấy của linh mục, tỏ ra chăm chú làm tôi phục lăn. Hễ có dịp là thầy gợi ý để linh mục thao thao trong phòng ăn, cho tôi cơ hội nói chuyện riêng tête à tête với Gertrude; nhưng hai người thảo luận gì thì thầy ít khi kể chi tiết cho tôi nghe, tôi chỉ biết là linh mục thường đỏ mặt tía tai lúc xong chuyện.
Như đã nói, tôi muốn viết thật ít về mình khi thuật lại cảm nghĩ của tôi đối với thầy, nên ai muốn đọc chuyện về tình thân của tôi với Gertrude sẽ thất vọng, chương này nhiều phần chỉ liên quan đến việc thầy Moreward cải hóa linh mục Wilton, và cách thức ngài làm được chuyện ấy theo những chi tiết mà ngài thuật lại cho tôi nghe. Thói quen của chúng tôi là sau khi dự bữa tối ở đó về, chúng tôi thường đi bộ băng qua công viên, trong lúc đi như vậy thầy hay bàn về cuộc đàm thoại với ông. Tôi nhớ sau bữa ăn đầu tiên của ba người chúng tôi, thầy Moreward thốt ra vài cảm nghĩ của ngài.
– Chuyện lạ với một số người có khuynh hướng tôn giáo, thầy nói, là nếu ta trình bầy đạo giáo của họ một cách hợp lý thì họ hết sức kinh ngạc.
Tôi thấy chuyện có vẻ hay nên xin ngài giảng thêm.
– Thế này, thầy dành hơn một giờ tìm cách chứng minh cho linh mục điều ông tin, mà thay vì mừng là niềm tin được chứng nghiệm, ông chỉ cho rằng thầy nói quàng.
Tôi cười lớn.
– Ông tin có đời sống sau khi chết, thầy tiếp tục, nhưng lại xem việc tìm hiểu như chết rồi đi đâu, khi nào, ra sao, là tội lỗi phải tránh. Có trích lời thánh Paul rằng 'Niềm tin tự nó cũng tốt, nhưng kèm với hiểu biết thì tốt hơn' cũng không làm ông thay đổi ý kiến. Linh mục dốt đặc về ý nghĩa thực trong thánh kinh.
– Xin thầy kể tiếp, tôi giục, thầy còn bàn chuyện gì khác nữa ?
– Rồi tới câu hỏi về tình thương. Nào, Thiên Chúa giáo chính yếu là tôn giáo về tình thương, vậy mà chẳng những không có tình thương chân thật trong tâm (hào quang ông nói rõ điều ấy), linh mục còn nghĩ việc quan tâm chăm sóc người khác chưa hẳn là việc nên làm, trừ phi đó là vợ con mình.
– Còn Thượng đế thì sao ?
– À, đó mới là chuyện đáng nói, ông bảo rằng con người chỉ cần thương yêu Thượng đế thôi.
– Mà ông có làm vậy chăng ?
– Làm sao được ? Nếu con không có tình thương trong lòng, làm sao con biết thương yêu ?
– Hẳn vậy rồi, tôi đồng ý.
– Thành ra thầy dùng chính tôn giáo của ông để giải thích, nói rằng Thượng đế là sự thương yêu như thánh kinh đã dạy, do đó khi tâm hồn càng có nhiều tình thương do vun trồng, thì con người càng biểu lộ Thượng đế nhiều hơn, càng hòa hợp với Thượng đế chừng ấy.
– Và ông có nhìn ra được vậy không ? Tôi hỏi.
– Ồ, không được, ngài vừa cười vừa đáp. Thầy cố công chỉ cho ông thấy rằng yêu mến Thượng đế là hòa hợp với lòng thương yêu vô điều kiện, và tình cảm đó cũng phải bao trùm nhân loại vì nhân loại là một phần của Thượng đế, nhưng vô ích. Ngay cả lời Chúa dạy 'Bằng điều này mọi người sẽ biết các con là đệ tử của Ta, nếu các con thương yêu nhau', cũng không thuyết phục được ông.
– Với con gái ông thì sao ? Tôi hỏi.
– Ông tưởng tượng là mình thương con, nhưng tình thương của ông đúng ra chỉ là lòng ích kỷ. Ông không hề nghĩ đến hạnh phúc của con, lúc nào cũng phập phồng sợ con lấy chồng bỏ ông cô độc, sợ cả tình thân của con với các bạn gái. Thầy tội nghiệp ông nhiều, ông không có hạnh phúc và thầy cám ơn con đã cho thầy cơ hội cố gắng sửa đổi quan niệm đáng buồn của ông.
Lần kế khi thầy Moreward và tôi băng qua công viên trên đường về sau buổi tối ở nhà linh mục, nghe lời thầy thuật chuyện tôi đoán là câu chuyện tối hôm ấy xoay quanh lòng từ thiện.
– Con có để ý thấy chăng, ngài nói một cách tư lự, ngoài việc bố thí tiền bạc người ta hiểu rất ít về lòng từ thiện. Thánh kinh đáng lẽ phải ghi là 'Đức hạnh cao cả nhất là lòng khoan dung', vì khoan dung có giá trị hơn hết trong mọi đức tính.
Tôi xin ngài dạy thêm.
– Trong giáo đường người ta giảng nhiều về lòng tha thứ, nhưng nếu chịu giảng nhiều hơn nữa về lòng khoan dung thì lòng tha thứ sẽ hóa ra không cần thiết. Ai khoan dung tột bực không hề cần thấy phải tha thứ theo nghĩa thường tình, vì trọn thái độ của họ với nhân loại là không ngừng tha thứ, tha thứ sự lầm lỡ của anh em mình trước khi họ phạm lỗi.
Ngài trầm ngâm giây lát rồi tiếp tục câu chuyện.
– Tình thương hoàn toàn và lòng khoan dung trọn vẹn không tách rời được nhau, không ai có thể thực lòng thương yêu người khác mà cùng lúc cảm thấy muốn lên án họ. Vì cảm nghĩ muốn lên án không gì khác hơn là lòng ghét bỏ, dù ít oi hay ngắn ngủi thế mấy. Thánh kinh nói rất đúng là ai nặng lời với anh em mình là phạm tôi có thể bị chết thiêu, bởi lẽ sự thù ghét thường sinh ra việc giết người.
– Vậy thái độ của thầy ra sao về tội lỗi ? Tôi hỏi.
– Tội lỗi là một hình thức của sự khờ dại trẻ con, ngài nói một cách nhẹ nhàng, nó là đường vòng dẫn đến hạnh phúc tinh thần thay vì đường thẳng; nhưng có nên lên án một đứa bé vì sự khờ dại non nớt của nó chăng ?
Tôi xin ngài nói rõ hơn.
– Đứa trẻ chưa biết gì đút tay vào lửa và bị phỏng. Nó phạm lỗi và sự đau đớn dạy nó một bài học. Nhưng tại sao nó đút tay vào lửa ? Vì đứa bé muốn được vui sướng mà đi lầm đường. Người lớn chỉ khôn hơn một chút, họ không đút tay vào lửa nhưng làm bạc giả. Người đó cũng đi tìm sự khoái lạc và cũng chọn đường sai, và khi bị khám phá ra thì họ cũng phải chịu đau khổ. Thành ra mọi tội lỗi chẳng qua chỉ là việc tìm kiếm hạnh phúc theo hướng bậy, và tất cả ai phạm lỗi chỉ là trẻ con sẽ trưởng thành mai sau. Có lòng khoan dung là nhìn nhận sự kiện này.
– Còn việc trừng phạt thì sao ? Tôi hỏi.
– Trừng phạt chẳng khác gì hơn làm một cách trả thù, bởi vậy để người này trừng phạt người kia chỉ là thêm một điều sai lầm này vào điều sai lầm khác. Nói về trừng phạt theo luật pháp thì kẻ tội phạm chỉ nên bị ngăn cấm và được cải huấn bằng lòng nhân và việc làm gương, mà không bao giờ nên trừng phạt.
– Phải đó là ý thầy nói với linh mục tối nay không ? Tôi hỏi với chút thích thú.
– Gần gần vậy, ngài nói yên lặng. Và tôi nghe kể rằng bài giảng của linh mục vào chủ nhật sau đó là bài hay nhất từ trước tới giờ của ông. Sự thực là thầy Moreward đang cải hóa ông và khi tôi có dịp gặp Gertrude, cô hân hoan thấy rõ, bảo là cha cô đổi tánh. Cô nói 'Ba đang từ từ có lòng nhân hơn'.
Thế rồi buổi tối nọ xẩy ra việc làm tôi hết sức lúng túng. Thật tình mà nói tôi say sưa nghe Gertrude kể chuyện nên cả hai chúng tôi không biết là linh mục và thầy vào phòng, vào lúc chúng tôi ngồi có hơi thân mật với nhau một chút. Ông kinh ngạc và tức giận, đuổi con gái về phòng với cớ không đâu mà tôi quên mất là cớ gì, rồi sạt tôi một cấp không chững chạc gì hết.
– Có phải anh, ông lập bập, lợi dụng lòng hiếu khách của tôi để quyến rũ con gái tôi mà không hỏi ý gì tôi ư ?
Tôi tin chắc là khi ấy trông tôi hết sức ngượng ngập, bối rối chẳng ra thể thống gì cả, tới nỗi thầy Moreward đưa mắt tỏ ý 'Để đó cho thầy liệu', và lên tiếng giải nguy cho tôi.
– Nào, nào, thầy nói êm ái vuốt ve, đặt tay lên cánh tay linh mục, thân mật một chút không phải là cái tội mà ta phải coi ấy là đức hạnh.
Nhận xét này làm linh mục không biết đáp lại sao cho phải, ông lúng túng lẩm bẩm chuyện không ăn nhập vào đâu, rồi đột nhiên ông bắt được ý.
– Thực là lừa dối, thầy coi, gạt người ! ông nói to. Thầy có biết là con gái tôi và anh này không chừng đã qua mặt tôi mấy tuần nay ?
Nhưng thầy Moreward có câu trả lời ngay, thốt ra với sự bình thản làm xoa dịu tuyệt vời.
– Linh mục này, sự dối gạt chỉ là khí giới cho ai bắt buộc dùng phải tự vệ khi bị đòi hỏi quá nhiều.
Linh mục bập hàng răng giả phát ra tiếng tỏ ý nóng nẩy, vì ông cũng không nghĩ ra ngay lời ứng đối. Ngài nói tiếp vẫn theo cung cách dịu ngọt.
– Không phải là ông đòi hỏi con gái phải quên mình quá nhiều sao ? Không phải ông ngăn cấm con chuyện mà có lẽ theo ý cô là hoàn toàn vô hại ? Nếu vậy tôi nghĩ ông khó mà trách cô, vì ông không làm cho cô tin là nó có hại. Tôi tin chắc là với người rành tâm lý như ông có thể hiểu được quan điểm của cô gái. Không phải là nhiều lần cô có ý nghĩ 'Thật tình tôi không thấy tại sao không nên làm chuyện này hay kia, nhưng ba với tôi không cùng một ý thành ra tốt nhất là đừng nói gì hết để cho ba khỏi bực' hay sao ?
Linh mục bắt đầu dịu xuống vì không ai có thể giận lâu khi đối mặt với thầy. Ông nói buồn bã có chút trách móc.
– Phải thầy có a tòng trong chuyện này không ?
Ngài cười đáp.
– Tôi muốn làm một công ba chuyện. Phải, ngài thêm vào với lòng khiêm tốn, tôi xin thú nhận là cũng có lỗi ở đây.
Linh mục không hiểu lời ví von nên ngài giải thích.
– Llinh mục này, ông tha lỗi nếu tôi bảo là tội nghiệp cho con gái ông, và theo tôi nhận xét thì cô không vui, cô là tù nhân chứ ?
– Không vui, tù nhân ? linh mục lập lại có hơi kinh ngạc.
– Nào, tuy tôi biết chắc rằng ông là người thật tốt lành, thầy nói tiếp vẫn với y cung cách, nhưng quan niệm của ông về hạnh phúc cho con, và quan niệm của riêng cô, khác nhau hẳn.
– Tôi là người thương con, làm tròn bổn phận của mình, cho con tiền chi xài rộng rãi, linh mục ngắt lời, còn muốn gì nữa ?
– Hãy để cô có vài điều mà chính ông không thể cho, thầy nói xuôi rót.
– Tôi không hiểu, linh mục đáp.
– Ông có thể để cô nhận tình thương mến của người khác, cho cô tự do suy nghĩ, tự do hành động hơn. Nói tóm tắt là để con gái có hạnh phúc riêng theo cách của cô.
– Nhưng giả dụ là tôi thấy cách đó sai ?
– Khi ấy ông có thể khuyên con một cách thân tình là hãy xem xét sự việc theo quan điểm của ông, mà nếu cô không theo lời khuyên nhủ thì ông không có hành động gì thêm.
Linh mục không biết đáp sao lúc ấy.
– Nói về lỗi của tôi trong chuyện này, thầy Moreward tiếp tục, tôi tìm cách thay đổi quan niệm của ông về một số điều, vì tôi biết việc ấy mang lại sự bình an. Tôi muốn tỏ tình quí mến với anh Charles đây, bằng cách trò chuyện với ông để anh có thể nói chuyện riêng với cô Gertrude, và tôi ráng giúp con gái ông vui qua việc xếp đặt để cô có thể hưởng được tình bạn của người đáng quí. Vì vậy tôi mới bảo làm một công ba chuyện. Ông tha lỗi cho tôi chứ ? Thầy cười và thêm vào. Và trên hết thẩy, tha lỗi cho con gái và anh chàng đây. Tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ thuận theo, vì việc trước tiên mà người thật tâm sùng đạo Thiên Chúa làm là tha thứ.
Linh mục còn có thể làm gì khác hơn là tha thứ ? Hay ít nhất tỏ ra như thế ngoài mặt, vì thầy Moreward biện luận khéo léo tới nỗi nếu ông tiếp tục giận thì chứng tỏ ông không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo thật lòng. Về phần tôi, tôi ngồi yên lạ lùng trong suốt cuộc đối đáp, không ngừng tạ ơn Trời đã cho thầy gỡ rối chuyện thật tệ hại tôi đã gây ra. Kết cục là tôi thoát nạn, chỉ bị trách mắng sơ sơ với ẩn ý là chuyện không có gì nói thêm lúc này.
Khỏi cần phải nói, khi thầy Moreward và tôi băng qua công viên trên đường về vào tối hôm ấy, tôi tỏ lòng biết ơn nồng hậu chừng nào, tôi lại càng biết ơn khi chẳng bao lâu sau thầy lại có việc giúp tôi nữa. Mấy ngày sau thầy hỏi tôi.
– Con không có ý thành hôn với Gertrude, và cô cũng nghĩ vậy đối với con phải không ?
Tôi thưa là ngài nhận xét đúng.
– Nói khác đi, đôi bên chỉ có lòng quí mến mà không sôi nổi tha thiết ?
Tôi thưa vâng.
– Vậy thầy sẽ nói chuyện với cha cô xem sao.
Diễn biến sau đó và chuyện bất ngờ xẩy ra vài tuần sau được thuật trong chương kế.
CHƯƠNG 9
TRIẾT LÝ VỀ SỰ TỬ
Sau vài cuộc nói chuyện giữa thầy Moreward và linh mục, theo đó ngài trấn an ông rằng tôi không có ý định muốn thành thân với cô Gertrude khiến ông phải xa con, có thỏa thuận là tình bạn giữa cô và tôi không bị trở ngại gì, miễn là trong tương lai tôi cư xử đàng hoàng phải phép, linh mục bảo thế. Thật sự là không có trở ngại nào thấy rõ được gây ra trong tình thân của hai tôi, nhưng có nhiều ngăn trở tế nhị đặt ra mà việc rõ rệt nhất là tôi không còn được mời dự những bữa ăn tối. Về phần Gertrude thì cô được phép tiếp chuyện khi tôi đến chơi, hồi đáp lại thư tôi gửi đến, và chào hỏi khi hai chúng tôi gặp nhau ở nhà người khác, nhưng ông muốn là cô cho ông hay tất cả những chuyện này. Hơn thế nữa, để bảo đảm là cô không quên thưa lại với cha, mỗi ngày linh mục đều hỏi con là có gặp tôi, nghe tôi nhắn gửi gì không và đủ mọi chuyện tương tự.
Nếu cô trả lời 'Có' thì ông sụ mặt cau mày suốt buổi tối, còn nếu cô đáp 'Không' thì linh mục không nhắc đến chuyện nữa. Tóm tắt thì ông xử sự như con nít, hay ta có thể nói như thiếu phụ rất đỗi khờ dại ghen tương với chồng. Tình trạng như thế kéo dài một thời gian, cho đến khi có một việc nhỏ xẩy ra khiến câu chuyện đổi hướng. Gertrude mua một món quà sinh nhật cho tôi và cố ý không cho ông hay, tuy nhiên linh mục biết ngày sinh nhật của tôi vì có một buổi tối tôi nói về sự trùng hợp giữa ngày sinh của tôi và một biến cố lịch sử mà linh mục rất chú ý. Không may là ông nhớ chuyện và tỏ vẻ thản nhiên hỏi cô:
– Con có cho ông Charles quà sinh nhật không ?
Gertrude bắt buộc phải thưa là có, lập tức một màn la lối ào ào diễn ra đổ ập xuống khiến cô phải phản đối và nói cho ba rõ cảm nghĩ của cô ra sao. Khi thầy Moreward tới gặp ông lần kế, linh mục không ngớt than phiền về con và việc cô dấu chuyện mà không có lý do. Sau này thầy kể rằng ngài lắng nghe với đầy thiện cảm, rồi cố gắng đem việc dạy ông sang giai đoạn kế. Linh mục nói một cách cay đắng.
– Tôi không can thiệp vào chuyện bạn bè của con, vậy mà tôi được trả ơn như thế. Con tôi lánh xa tôi.
Thầy Moreward thông cảm, cười và bảo.
– Có hai cách can thiệp, hoặc thô lỗ hoặc tế nhị, chắc là ông can thiệp kín đáo ?
– Làm sao ? linh mục giả vờ không hiểu.
– Có lẽ cái giá mà cô phải trả cho việc giữ kín không cho ông hay là không được ông thông cảm ?
Llinh mục lặng im cho thấy sự việc đúng thế.
– Ông thấy không, trước hết cô Gertrude phải trả giá cho tình bạn của cô bằng sự khó chịu vì ông tỏ vẻ không vui; kế đó cô phải chịu đựng thêm khi ông lộ sự bực dọc hơn nữa lúc cô thưa thật với ông, ông bắt con phải thú thật vì cật vấn không ngừng. Nói khác đi con gái ông xử sự cách nào cũng không thoát.
– Hừm ! linh mục lẩm bẩm.
– Chuyện là thế, tôi tin chắc ông sẽ thứ lỗi nếu tôi vạch ra là thái độ của ông khiến cha con xa cách nhau, và Charles chỉ đóng vai rất nhỏ không quan trọng trong việc này.
Bởi không sao trả lời được lý lẽ ấy vì nó được đưa ra một cách nhẹ nhàng đầy sức khuyến dụ, hòa hoãn, linh mục không có gì để nói; thật vậy, ông trầm ngâm thẫn thờ nhìn vào ngọn lửa lặng thinh không đáp.
– Nào, thầy Moreward tiếp tục khuyên lơn hăng hái, không phải đây là cơ hội tốt đẹp được đưa tới cho ông và con gái thân mật hơn với nhau sao ? Cho phép cô vui hưởng tình bạn không lo lắng còn ông thì được mọi điều, nào là con gái thương yêu ông hơn, biết ơn ông, kính phục. Bằng nếu cấm đoán thì ông mất tất cả, vì không ai có thể thật lòng thương yêu người làm như cầm tù mình, ngay cả khi đó là cha của họ.
Lẽ tự nhiên vì không có mặt để chứng kiến, tôi chỉ chắp nối lại theo lời kể của thầy là sau một cuộc tranh luận ngắn, linh mục tỉnh ngộ nhìn ra chân lý và quyết định làm theo sự giác ngộ này. Không ai biết là ông sẽ thành công hay không vì đột nhiên chuyện buồn xẩy đến. Một tuần sau đó ông bị nghẽn mạch máu não và chỉ trong hai ngày thì qua đời.
Thầy Moreward cho tôi hay việc ấy, ân cần chăm chút đối với tôi vì biết là tôi bị chấn động, rồi đưa cho tôi lá thư của Gertrude gửi thầy. Thư viết.
Thưa thầy,
Con phải báo thầy một tin rất xấu. Ba con bị nghẽn mạch máu não và y sĩ sợ ba sẽ không thoát được, chỉ sống sót một hay hai ngày nữa thôi. Xin thầy đến với gia đình con, ba con tỏ ý muốn gặp thầy. Nhờ thầy cho anh Charles hay giùm, con mong được gặp anh nhưng thấy không thể kêu anh đến nhà vì con biết làm vậy sẽ gây buồn lòng cho ba. Xin thầy nhắn anh viết an ủi con vài giòng. Con không nói được thêm gì nữa, con rối lòng quá.
Kính,
Gertrude Wilton.
Tôi thấy tội nghiệp cô hết sức, và ân hận đã gây phiền lòng cho linh mục, nhưng thầy Moreward đoán được ý tôi.
– Con chớ ngại, thầy nói, đặt tay lên vai tôi, con đã gián tiếp giúp ông một việc rất lành.
Thầy ra về, còn tôi ngồi xuống viết ngay một thư dài thậm thượt nhiều trang cho Gertrude. Như thế, một chức sắc của Anh giáo vào lúc ly trần đã không cho mời đồng nghiệp của mình tới để an ủi, mà lại muốn gặp người nhìn nhận là không theo tôn giáo nào tuy tin vào hết mọi tôn giáo. Bởi thầy hiểu triết lý đích thực của sự chết và do đó an ủi được ông. Ngài tin vào tâm thức sau khi chết vì ngài biết nó, và có thể sinh hoạt ở cảnh ấy trong khi xác thân vẫn ở cõi này, và chỉ một lúc ngắn sau tôi chợt hiểu lẽ nào mình là nguyên nhân gián tiếp tạo chuyện lành đích thực cho linh mục Wilton.
Tôi hiểu ra mình là người đã mang thầy đến với ông, dù thầy rất khiêm tốn chỉ nói đủ cho tôi an lòng. Tuy nhiền về sau ngài nói rằng tôi đã kích thích làm linh mục mở rộng trí não, nhìn cuộc đời theo quan điểm ít xét nét hơn và do vậy bớt ích kỷ hơn; cách nhìn ấy cũng giúp cho tâm thức của ông rất nhiều ở cuộc đời bên kia. Tôi không thể tả giờ phút ly trần của ông vì tôi không có mặt ở đó, nhưng sao đi nữa tới cuối thầy Moreward thuật lại rằng ông không còn sợ chết tí nào. Linh mục mừng là ông biết những chi tiết như làm sao, khi nào, chết rồi đi đâu khi giờ phút tới khiến ông phải đối diện với cái chết; bởi những lời phỏng đoán mơ hồ, không biết đúng sai của giáo hội thua kém hẳn so với hiểu biết của nhà huyền bí học.
Sau đó thầy Moreward giảng cho tôi.
– Mỗi đêm khi ngủ ai cũng chết, và sống trở lại vào mỗi sáng. Người thường không nhớ được mình đi đâu nhưng ai được huấn luyện về khoa huyền bí biết rõ mình làm gì, ở đâu. Chỉ người như vậy mới nhớ được hết mọi chuyện vì do sự luyện tập họ nối được bộ óc xác thịt với thể tình cảm.
Tôi hỏi cảnh sống của ba Gertrude ra sao ở cõi bên kia, thầy đáp.
– Nói một cách tương đối thì có hơi tẻ nhạt. Ta không có ý chê trách nhưng cần nhìn thẳng vào sự kiện. Những khoái lạc của linh mục trong kiếp này phần lớn thuộc về vật chất, hoặc sinh từ cảm quan hoặc do lòng kiêu hãnh. Khi thể xác nặng nề bỏ lại thì đương nhiên là không còn chuyện ăn uống (và cũng không còn chức tước danh vị làm người khác tâng bốc ở cảnh này); chuyện duy nhất đáng kể là tình thương. Vì vậy sống trên đời mà không có tình thương là chuyện đáng tiếc theo đuổi con người sau khi chết. Niềm tin là không cần có tình thương, con à, là niềm tin tệ hơn hết thẩy và khi qua đời ta sống bên kia mà không có tình thương thì giống như sống bên này mà không thở, chỉ là sống cầm hơi. Đó là ý nghĩa khi đức Chúa dạy rằng cô gái mãi dâm lại gần nước Trời hơn người giả hình Pharisee không có tình thương. Cái chết đâu làm cải biến tâm tính người .
– Xin thầy dạy thêm, tôi năn nỉ.
– Thể xác giống như áo choàng phủ rộng người ta trùm lên kẻ hành khất ăn mặc lôi thôi; khi cởi bỏ áo choàng thì tất cả sự rách rưới bên trong lộ ra hết, cái áo chỉ là vật bao trùm đầy ảo tưởng. Thế thì con người bên trong có thể khoác lấy thân xác oai nghi, nhưng khi hình hài tan rã thì tư cách nghèo nàn bầy ra trần trụi vì như thầy đã nói, chỉ những ai đầy tình thương mới không hóa rách rưới như hành khất sau khi chết. Đó là tại sao thầy khuyến khích mọi người thương yêu, như trường hợp của con và Gertrude. Cố nhiên ai dốt nát sẽ bảo rằng thầy khuyến khích việc trai gái đùa giỡn tình yêu với nhau, nhưng cứ để họ nói cho thỏa thích; ai muốn kết án thì viện ra đủ cớ khi vô minh tràn đầy.
Tự nhiên là tang lễ linh mục diễn ra trọng thể, thầy bảo tôi một cách hóm hỉnh là ngài có thể thấy ông trong thể tình cảm quan sát mọi việc đầy mãn nguyện. Khi mọi chuyện xong xuôi hết thầy nói.
– Đúng lý ra thì biểu lộ lòng sầu não là chuyện kỳ quặc theo quan điểm của Thiên Chúa giáo. Chuyện như muốn nói người ta mặc áo đen, khóc sướt mướt khi bạn hữu đi nghỉ hè. Thử nhìn cả giáo xứ, giáo dân ai cũng nghĩ linh mục đã về cõi trời đầy phúc lạc, vậy mà họ khóc lóc về chuyện lẽ ra phải mừng vui. Chẳng những vậy họ còn đặt hoa lên thân thể ông làm như đó là chính ông, không kể cả đời họ được nghe giảng rằng thân xác chỉ là quần áo còn linh hồn mới là con người thật. Thầy chịu thua, không giải thích được sự bất nhất trong lối suy nghĩ của con người .
Chỉ nhà huyền bí học mới ước lượng rõ thầy là nguồn an ủi cho Gertrude tới mức nào trong mấy tuần sau đó. Ngài tiếp xúc với cha cô và mang tin về, nhờ vậy chẳng bao lâu đánh tan ý nghĩ phân ly. Một hôm ông bảo ngài.
– Sự việc khác xa những điều tôi tưởng, mà lạ quá, bỏ thể xác vướng víu lại là một nỗi vui. Dù vậy tôi vẫn ước ao phải chi đã làm bạn với nhiều người hơn lúc sống. Người ở bên đây chói sáng rực rỡ đầy sự thương yêu làm tôi thấy nghèo nàn quá đỗi. Chuyện gì cũng lạ lùng hết. Trong một thời gian lâu sau tôi không biết là mình đã qua đời, nhưng rồi tôi nhớ lại hết những gì thầy đã dạy tôi. Nhờ thầy nói với Broadbent là tuy hắn làm tôi bực bội, bây giờ tôi mừng là hắn đã mang thầy đến với tôi. Hắn quí mến Gertrude là phải lắm.
'Cả mẹ tôi và vợ tôi cũng có mặt ở đây và rất tốt đối với tôi, rồi thỉnh thoảng thầy lại đến thăm. Đó mới là chuyện lạ hơn hết thẩy vì thầy vẫn còn tại thế, nói theo cách nói sai lầm của người đời. Nói thiệt, đúng ra người chết như chúng tôi đây mới là thực sự đang sống'.
Và tới đây là chấm dứt câu chuyện về cái chết của linh mục Wilton. Về phần con gái ông và tôi, chúng tôi trở thành đôi bạn chân tình, quí chuộng nhau và không còn cảm xúc sôi nổi. Sự thực là trong một lúc lâu tôi như người mù không nhận ra là cô nẩy lòng kính mến thầy Moreward; mới đây tuy đã lập gia đình với một luật sư, cô thổ lộ với tôi là mình vẫn đầy lòng yêu quí 'người khôn ngoan nhất và cao thượng nhất mà cô đã gặp từ trước tới giờ'.
CHƯƠNG X
NỖI ĐAU KHỔ CỦA THIẾU TÁ BUCKINGHAM
Tôi thấy là nếu có ai đang sống mà có thể giúp an ủi và khuyên giải ông bạn Wilfred Buckingham về cảnh nhà rối rắm của ông thì người đó phải là thầy Moreward, thế nên tôi đề cập ý này với cả hai người và sau một chút lưỡng lự, Buckingham bằng lòng, cả hai được mang lại với nhau và tình thân hóa gần gũi hơn.
Cảnh rối rắm của Buckingham là như sau.
Buckingham lập gia đình sớm trong đời với người đồng tuổi mình và có cuộc sống chung khá hạnh phúc trong hai mươi năm qua. Hai vợ chồng không hề ngó ngàng đến người thứ ba nào trong suốt thời gian đó cho tới năm bà Buckingham được bốn mươi tuổi, đột nhiên bà si mê một người bạn thân của ông. Đôi nhân tình gặp gỡ nhau trong vài tháng mà không ai biết, nhưng sau đó chuyện hóa phức tạp hơn cho họ. Bà Buckingham thú thật với ông, rời nhà tìm chỗ khác vì bà có tài sản riêng của mình để sống đời tự do không vướng bận, gặp gỡ người yêu bất cứ khi nào bà muốn.
Như ta có thể đoán, ông Buckingham bị dồn dập bao cảm xúc não lòng ùa đến: ghen tuông, giận dữ, tự ái bị tổn thương, sầu não và nhiều xúc động khó định nghĩa khác, dằng co con người chưa tiến hóa lắm của ông về mọi hướng cùng một lúc. Giống như những ai thấy kẻ khác chết quanh mình nhưng quên rằng ngày kia mình cũng phải chết giống vậy, ông đã thấy thảm kịch trong gia đình người khác xẩy ra, mà không hề có phút nào nghĩ rằng thảm kịch tương tự có thể sẽ đến với ông. Thành ra ông không hề nghĩ là mình sẽ hành động ra sao trong trường hợp tương tự, và khi chuyện xẩy tới thì ông giống như đứa trẻ bị thẩy vào chỗ nước xoáy mà không biết bơi. Lúc đó tôi mang thầy Moreward đến cứu, và bước đầu tiên của ngài là khuyến khích ông thiếu tá đến nhà ngài bất cứ khi nào ông muốn, xổ tung mọi tình cảm bị dồn nén bằng cách tuôn vào tai ngài, và cả tai tôi khi tôi có mặt, những mối lo nghĩ của ông.
Nhờ các buổi này mà tôi biết về quan niệm đáng nói và cao đẹp vô ngã của ngài về hôn nhân cùng những gì có liên hệ tới điều này. Quả thật tôi mù quáng nếu không ý thức là quan niệm của ngài có thể làm người câu nệ thói thường kinh ngạc, vì như ngài thường nói, đức tính khác thường làm kinh ngạc loại tâm trí câu nệ nào đó nhiều hơn là tật xấu thông thường.
Buổi tối, chúng tôi thường ngồi nói chuyện tại căn nhà nhỏ của thầy, nó có bầu không khí tĩnh lặng giống như căn phòng của tu sĩ và mơ màng nhìn vào lửa cháy trong lò sưởi, vì đó là mùa thu, cho tới khuya. Ông thiếu tá thỉnh thoảng đi tới lui khi thấy cần phải thổ lộ sầu não trong lòng, thầy Moreward ngồi trong ghế bành thẳng lưng, đầu ngón tay chạm vào nhau, trông như là hiện thân của lòng bình thản và thương yêu, mà ngài thường khi có vẻ đó. Lắm lúc tôi thấy ông thiếu tá giống như đứa trẻ lên sáu tuy rằng ngoài đời ông già hơn thầy Moreward, và thầy là người sáu mươi tuổi, chăm chú nghe với sự chiều chuộng thương yêu nỗi u sầu trẻ con.
Và tôi phải thú thật là sau khi nghe một trong những buổi thổ lộ tâm tình của ông thiếu tá, tôi không khỏi mỉm cười. Sau vài tháng làm quen với người có thái độ an nhiên, quan niệm của ông bắt đầu làm tôi thấy rằng có gì đó thật là ấu trĩ, như đó là cảm xúc mà con người lẽ ra phải vượt qua rồi, là lòng chiếm hữu trẻ con không còn phù hợp với sự tiến hóa của người . Nhưng làm sao thay đổi quan niệm của ông ? Đó là chuyện khó, và một ngày kia thầy Moreward bắt đầu việc có thể rủi ro này.
Thiếu tá đã nói hết nỗi lòng. Ông nhắc lại lần thứ một trăm ý định của mình và cuối cùng bảo.
– Thiệt khó cho hai ông lắng nghe chuyện tôi, nhưng kể hết làm tôi nhẹ người , và tôi cám ơn là có bạn để thổ lộ nỗi niềm. Thôi, tôi xem như là không còn hy vọng gì, nói hoài cũng không đi tới đâu. Hai ông có gì đề nghị với tôi không ?
– Ông biết rõ là hai tôi rất thông cảm với ông, thầy Moreward bảo, nhưng không phải chỉ có vậy, và thông cảm chỉ vô ích nếu nó không mang lại giúp đỡ. Vậy để xem chúng tôi có thể hỗ trợ chuyện gì cho ông.
– Nhưng bằng cách nào ? thiếu tá hỏi.
– Có bao giờ ông nghĩ rằng quan điểm là một cách ngừa cho đa số rối rắm không ?
– Chưa, tôi chưa hề nghĩ vậy, thiếu tá đáp.
– Vậy mà đúng, và việc mà chúng tôi muốn làm là thay đổi quan niệm của ông.
– Làm vậy khó lắm, thiếu tá bảo.
– Nhưng đáng công, thầy Moreward hăng hái nói. Ông bạn này, ông là người can đảm, ông đánh trận anh hùng và có can đảm về mặt thể chất như quân đội đòi hỏi, và tôi nghĩ cũng sẽ anh hùng trong chuyện nhà khi cần phải có can đảm về mặt đạo đức.
– Tôi chưa theo kịp ý thầy, thiếu tá kêu.
– Vậy ta đi chậm một chút. Ông có khi nào tự hỏi là vợ ông có còn thương yêu ông không ?
– Tự hỏi thì có lợi gì - làm sao bà còn thương tôi khi ra đi và thương người đàn ông khác ?
– Trả lời như vậy nghĩa là, thầy Moreward nói thật nhẹ nhàng, thí dụ nếu ông Broadbent đây mà yêu một cô nào đó thì ông ta sẽ mất hết tình cảm đối với tôi ?
– Chà, việc đó khác, thiếu tá trả lời lập tức.
– Tôi nghĩ là ông sẽ đáp như vậy, thầy nói một cách hòa hoãn. Thế thì xin ông thứ lỗi nếu tôi nói có hơi vụng một chút, nhưng ông giống như nhiều người khác bị mê hoặc vì những câu hấp dẫn của ai chưa nghĩ kỹ về sự thật đúng đắn của việc ở đời, sự khác biệt không nhiều như ông nghĩ đâu.
– Là làm sao ? thiếu tá trông có vẻ thắc mắc.
– Nếu ông và vợ ông đã sống chung hai mươi năm, chắc chắn giữa hai người phải có tình bạn trong đó ?
– Ồ, có chứ.
– Khi ông mới yêu bà, ông có nhớ là kể cho ai nghe đầu tiên không ?
– Tôi tới gặp Wilkins.
– Vậy là ông đi tìm bạn thân nhất của mình và thuật hết cho anh ta nghe, thầy Moreward cười. Và thay vì không còn thương yêu anh ta nữa vì đã yêu một cô gái, hẳn ông lại thấy chưa bao giờ quí bạn nhiều như vậy trong đời ?
– Bây giờ thầy nhắc lại tôi mới nhớ, quả đúng vậy.
– Nhưng giả thử là bạn ông, thầy Moreward nói tiếp, thay vì nghe lời thú thật của ông với lòng thiện cảm và hiểu biết, họ lại tức giận thì làm sao ?
– Làm sao à ? Tôi sẽ sạt anh ta một trận, câu trả lời có ngay.
– Đó chính là điều mà ông đã làm với bạn thân nhất của ông, là bà nhà. Thầy Moreward cười hòa hoãn. Thiếu tá này, ngài nói tiếp gọn gàng, ông đã để lỡ một trong những cơ hội to lớn nhất trong đời hôn nhân của ông, nhưng cũng còn sửa chữa được, chưa trễ lắm đâu.
Ông thiếu tá có hơi chậm hiểu tỏ ra kinh ngạc, chưa nắm được ý ngài.
– Ông đã ném đi cơ hội bằng vàng để thông cảm với vợ ông, ngài giải thích êm ái mà thật hùng hồn.
– Thông cảm ! có mà điên, thiếu tá la lớn.
Cả ba chúng tôi phá ra cười.
– Ý đó có vẻ lạ lùng một chút đối với ông, thầy nói vuốt ve, nhưng tin tôi đi, thật tình tôi nghĩ như vậy khi khuyên ông thế. Thông cảm với vợ ông là hành động như người anh hùng đạo đức mà ta nói khi nẫy. Hơn thế nữa, tôi có thể bảo đảm với ông rằng ông sẽ được đền bù khi làm vậy.
– Thầy muốn nói, thiếu tá lớn tiếng vì bị khích động, cho phép vợ tôi có nhân tình mà không phản ứng gì ? Cám ơn thầy. Để tôi làm trò cười cho thiên hạ ư. Thầy nói coi chuyện đó là đạo đức gì ?
– Có sự khác biệt lớn giữa việc một người cho phép vợ mình có nhân tình, thầy nói nhẹ nhàng, và việc chấp thuận bà có bạn tình vì biết rằng nỗi đam mê của bà mạnh hơn lý trí. Tại sao ông lên án bà vì đã yếu lòng không xa lánh người bạn tình, mà lại quên không lên án sự yếu đuối của chính ông là không thể tha thứ ?
Thiếu tá không biết biện luận ra sao với câu hỏi không thể trả lời này, nên lúng túng yên lặng.
– Còn làm trò cười cho thiên hạ mà ông nói đó, thầy Moreward tiếp tục với giọng bình tĩnh, tôi e ngại trong con mắt của người thời nay thường khi sự khác biệt giữa kẻ dại khờ và người anh hùng chỉ mỏng như sợi tóc, nhưng con mắt của sự thực thì người anh hùng thật sự không màng bị xem là kẻ dại khờ. Ông thấy kẻ dại khờ vì lòng kiêu hãnh không bỏ qua việc được coi là anh hùng, nhưng người anh hùng vì không có lòng kiêu hãnh nên không để tâm đến việc bị coi là dại khờ.
Sự thực này được thầy trưng ra khéo léo làm thiếu tá tiến thoái lưỡng nan không biết trả lời làm sao cho ổn. Thầy mới tế nhị nghĩ ra một cớ dễ nghe để đổi đề tài đột ngột.
– Ông hút tới cuối điếu xì gà rồi, để tôi lấy cho ông điếu khác.
Tối ấy sau khi thiếu tá về rồi, thầy Moreward bảo tôi.
– Phải luôn luôn đưa ra từng liều nhỏ một về sự hữu lý của đức tính, đưa một lần nhiều quá người ta không thể hấp thu được hết, dầu vậy ta đã lách được một chút khe hở rồi.
Hôm sau tôi được sai tới gặp bà Buckingham. Tôi biết bà khá rõ nên không ngại ngùng gì, bà không phải là người sẽ bực khi tôi thẳng thắn nói chuyện với bà, bà rất có thể hoan nghênh cơ hội nói ra chuyện làm nặng lòng mình nếu tôi đoán không sai, và chuyện xẩy ra giống như tôi nghĩ.
Bà tiếp tôi rất thân thiện, tự nhắc đến vấn đề và làm tôi hiểu hơn về trọn câu chuyện. Do vậy tôi rất cám ơn bà vì tôi nóng lòng muốn giúp thầy giải quyết việc phiền muộn này. Như có hàm ý trong câu chuyện tối qua, bà Buckingham vẫn còn lòng quyến luyến chồng, nhưng vào lúc này bà bị cảm tình nồng nàn với người khác chi phối. Tôi nói 'vào lúc này' là theo ý tôi về chuyện, vì bà không hề nói tới thời hạn cho lòng si mê của mình. Chuyện bà nói là tình thương của mình với cả hai người đàn ông đều sâu đậm và kéo dài, nhưng thuộc hai loại khác hẳn. Bà bảo tôi, tình bạn do hai mươi năm vợ chồng không thể chết đi trong một ngày, và nếu chồng bà chỉ cần cố gắng một chút để hiểu bà trong hoàn cảnh hiện tại của bà thì sự tình có thể sẽ khác đi rất nhiều giữa hai người. Thực tế là ông chỉ làm mình trở thành người không ai có thể sống chung được.
Tôi cũng có thể đoán được rằng tình yêu của bà đối với ông thuộc loại cao hơn hẳn của ông đối với bà, nó vừa ít phần nhục dục hơn mà cũng ít ích kỷ hơn, thế nên khi có chuyện si mê này xẩy ra thì bà không mất đi hết tình thương đối với ông. Bà chưa quyết định là nên đi theo con đường nào, nhưng bảo tôi rằng thế nào đi nữa, có một điều mà bà sẽ không làm là đường hoàng sống chung với bạn tình trong một nhà. Tính ra thì thiếu tá sống nhiều ở vùng quê hơn nên khi vợ ông có nhà riêng ở thành phố thì không có gì lạ, còn khuyên bà bỏ người đàn ông kia và tìm cách trở về với chồng thì tôi thấy vô ích, nên tôi không đề cập tới. Đáp lại bà cám ơn tôi nhiều là đã giữ miệng không nói.
– Ổng trách móc và đối xử với tôi như vậy cũng phải. Tôi không cưỡng lại được, tôi không hề muốn thương yêu Basil, nhưng câu chuyện lại plus fort que moi, làm sao được.
Bà nói tiếp rằng không thích bị xem là kẻ thù và ao ước làm bạn với chồng trở lại.
Chuyện tôi tới gặp bà Buckingham là vậy, và khi thuật lại cho thầy nghe, ngài gọi điện thoại cho thiếu tá và mấy hôm sau mời ông đến ăn tối. Tôi cũng được mời, sau khi nghe ông nghe tôi kể chuyện của bà và như mọi lần được mời nói lên những tình cảm đối chọi trong lòng, thầy Moreward đi thêm bước nữa trong việc giáo dục của thầy về siêu đạo đức.
– Thiếu tá à, ông thấy không, ngài nói, bà nhà vẫn còn thương yêu ông như tôi tiên đoán, và tình thương của bà hẳn phải thực sâu xa và chân thật nếu bà có thể yêu một người khác mà vẫn yêu ông. Chắc ông còn nhớ tôi có nói tối hôm nọ là ông bị mê hoặc để tin rằng tình thương này giết chết tình thương kia. Điều đó không đúng, tiêu chuẩn của tình yêu chân thật là nó kéo dài luôn cả khi có một đam mê mới.
Thiếu tá thấy nói vậy hay lắm, nhưng khó mà tin là nó đúng.
– Ông nghe bà nhà nói đó, thầy bình tĩnh nhấn mạnh.
– Làm sao tôi biết là bả không nói láo ? thiếu tá hỏi cộc lốc.
– Trước hết, tôi chen vào, biết ai nói láo dễ lắm, và thứ hai, tôi không thấy bà nói láo để làm gì.
– Có thể ông đúng, thiếu tá nhún vai nghi ngờ.
– Nào, ông bạn của tôi, thầy Moreward nói rất là mềm mỏng, ta hãy thử nhìn chuyện theo cách của người anh hùng và một cách thực tế xem sao. Đầu tiên là nỗi sầu khổ của ông về chuyện muốn nói là chắc chắn ông không muốn mất vợ ông, kế đó ông không muốn có tai tiếng, ông nói với chúng tôi là người đàn ông này đã có nhiều cuộc tình trước đó, và chẳng chóng thì chầy ông ta cũng sẽ bỏ rơi bà. Thêm vào đó ông muốn cứu bà.
– Tôi nghĩ bả không đáng được vậy, thiếu tá bực dọc lẩm bẩm.
Thầy mỉm cười làm ngơ câu này và nói tiếp.
– Trên hết thẩy ông muốn có lại tình yêu của bà. Chà, chỉ có một điều để làm là đem bà về, tỏ ra thông cảm với bà, tỏ ra thương yêu, hiểu biết rồi chờ xem ngã ngũ ra sao.
– Chắc chắn thầy không muốn tôi làm vậy chớ ? thiếu tá la lớn.
– Trong trường hợp của ông, chắc chắn là tôi đề nghị vậy. Thực ra đâu có gì khác để làm trừ phi ông muốn mất vợ ông luôn, mất tình thương của bà, gây ra tai tiếng và phá hoại đời bà, vì ông nói là sẽ không chịu ly dị bà.
Thiếu tá đăm chiêu nhìn vào ngọn lửa.
– Tôi chắc ông thật tình thuơng yêu bà nhà ? Ngưng một lát thầy Moreward hỏi thế.
Thiếu tát gật đầu.
– Có bao giờ ông nghĩ là tình yêu chân thật luôn luôn quan tâm đến hạnh phúc của người mình yêu không ? Và nếu hạnh phúc ấy có được trng vòng tay của một người đàn ông khác thì tình yêu chân thật cũng chẳng màng.
– Tôi không phải ông thánh, thiếu tá trả lời ngắn ngủn.
– Nhưng sao không làm ông thánh ?
– Khó lắm.
– Không đâu nếu ông có thể có quan niệm đúng.
Thiếu tá lặng yên, trí não hoàn toàn không lên tới nổi đỉnh cao đạo đức như vậy, không chừng ông lại thấy như thế là vô đạo đức. Những điều thái quá thường có bề ngoài giống nhau nên có thể ông chỉ thấy khác biệt lờ mờ.
Thế nên thầy Moreward tạm ngưng vấn đề ở đó và nhắc lại chuyện vào lần sau khi ba chúng tôi gặp lại. Hôm ấy thầy hùng hồn nhưng mềm mỏng khuyên nhủ rồi đi tới đích của mình.
– Nói cho cùng thì hôn nhân là gì, ngài bắt đầu bằng câu hỏi sau khi có vài lời mào đầu, và nó thành cái gì ? Người thường lập gia đình với sự lẫn lộn giữa tình cảm lãng mạn và ham muốn nhục dục, tình cảm dần dần phai nhạt đi, đam mê cũng tàn dần thành ham muốn đôi khi, thay vào hai điều này là hoặc sự tẻ lạnh hoàn toàn, hoặc có tình bạn. Nếu là sự lạnh nhạt thì thật vô lý việc người chồng tức giận khi người vợ thương yêu ai đó, còn nếu là tình bạn thì tức giận cũng vô lý y vậy, bởi tình bạn chân thực sẽ được tăng cường khi người ta có thể bầy tỏ chuyện riêng tư với nhau. Ông có nói là thấy thân cận nhất với Wilkins khi kể cho anh ta nghe về mối tình của ông. Và điều ấy nghĩa là gì ? Là nếu ông thông cảm với bà nhà về tình yêu mới của bà, để bà kể cho ông nghe không sợ hãi, thì về phía mình bà cũng sẽ chưa bao giờ thấy yêu ông như lúc có trao đổi lòng tin tưởng và thông cảm ấy.
Tôi thấy là lần đầu tiên ông Buckingham bắt đầu thoáng nhìn ra một chút ánh sáng, nhưng ông không nói gì.
– Và chuyện sẽ là vậy, thầy tiếp tục hùng hồn, vì luôn luôn bà sẽ cảm biết được tính cao thượng của lòng tha thứ mà ông không nói ra, nên chẳng những bà biết ơn mà lại còn cảm phục. Thật vậy, không có gì làm tăng lòng thương mến bằng việc có lòng biết ơn hợp với sự cảm phục. Nên tôi không nghĩ là mình lầm khi tối hôm trước tôi bảo ông đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất trong đời vợ chồng của ông.
Thiếu tá lấy tay gõ nhịp một cách trầm tư, và yên lặng đồng ý phần nào trong lúc mơ màng nhìn vào khoảng không.
– Bởi vì, thầy Moreward nói tiếp, khi mà có yêu thương thực sự thì không cơ hội nào tốt đẹp hơn cái cho chúng ta dịp để tha thứ, vì tha thứ là cùng lúc bầy tỏ đặc tính cao thượng, làm cho ta hóa cao đẹp hơn trước mắt đối tượng của tình yêu của ta. Nhưng có loại tha thứ cần phải nói bằng lời thì loại tha thứ lớn lao nhất là cái hiển nhiên tới mức không cần lời để bầy tỏ, sự hiện diện của nói được rõ rệt thêm khi không có lời. Thực vậy, tình yêu chân thật luôn luôn tha thứ đối tượng của nó, ngay cả trước khi có gì cần phải tha thứ, và mọi bạn bè chân thật càng yêu mến nhau nhiều hơn, người này vì tha thứ lỗi, người kia vì được tha thứ lỗi ấy.
Thiếu tát cũng vẫn im lặng.
– Bởi vậy, ông bạn à, không phải hiển nhiên đó là chuyện thực tế nhất và anh hùng nhất cho bạn làm sao ?
– Đem bà nhà về, để thời gian trôi qua và cho bà thấy rằng từ trước tới giờ ông không hành động cao thượng như đáng lẽ ông nên làm, và bà về phần mình cũng có điều cần tha thứ; bà sẽ càng cho rằng ông cao thượng hơn (và chắc chắn ông sẽ vậy) khi ông nhận rằng mình cũng có lỗi, kết quả sẽ là cả hai ông bà có thể hưởng được niềm vui là tha thứ lẫn nhau.
Thiếu tá tỏ ra nghi ngờ.
– Ông chưa tin hoàn toàn ư ? thầy cười và hỏi. Nhưng chắc chắn rằng không tha thứ là một hình thức còn tính trẻ con, trong khi đó không có gì nghi ngờ rằng tha thứ không những là cách xử sự tốt nhất mà cũng là niềm vui chân thực.
– Thầy đòi hỏi tôi làm nhiều hơn việc chỉ là tha thứ, cuối cùng thiếu tá nói. Đem vợ tôi về mà biết là bà vẫn đi lại thương yêu người khác, chịu thôi, việc đó quá sức tôi.
– Nhưng tại sao ? thầy hỏi nhẹ nhàng.
– Tại sao ? Tại vì - không phải là bà thuộc về tôi sao ? thiếu tá la to.
Thầy Moreward lại thao thao.
– Ông bạn à, nguyên do của hầu hết mọi vấn đề là từ óc chiếm hữu, hay cảm nghĩ về 'tôi, của tôi'. Trong trường hợp của ông chuyện này áp dụng không sai chạy, cũng như nó áp dụng cho nhiều trường hợp khác, vì ông nói trong tim rằng 'Bà ấy là vợ tôi', mà lại quên phân biệt rằng tuy bà là vợ ông, nhưng chính bà gồm linh hồn và thể xác lại hoàn toàn và nhất định không phải là của ông. Bởi linh hồn một ai thì chỉ thuộc về người đó mà thôi và không thuộc về ai khác. Vậy thì muốn bà thuộc về ông thì trên thực tế là vô ích như muốn sở hữu mặt trời hay mặt trăng vậy, và rầu rĩ vì không được thì chỉ phí hơi sức, nhọc tâm trí và tình cảm mà thôi.
'Còn nếu ông không kể tới phần linh hồn mà chỉ lo chiếm đoạt thể xác thôi thì khó khăn cũng không bớt, vì ông không thể nhốt bà trong tù, theo dõi hành động của bà ngày cũng như đêm, bà có tự do với thân xác mình theo ý bà muốn. Nếu ông đòi hỏi nhiều hơn bà có thể làm tròn, hậu quả chỉ là bà dối gạt ông và khiến bà hành động sai lầm thêm. Ngoài ra nói cho cùng, nỗi đau khổ của ông là chi khi ông chịu mất công tìm hiểu nguyên do thực của nó ? Thực sự là việc trao đổi một cái hôn ở đây hay kia có đáng gây ra não lòng nhiều như vậy không, và không phải là vật chỉ là thân xác mà thế giới quá coi trọng, lại vô cùng nhỏ nhoi so với tình thương của linh hồn, so với lòng yêu quí là điều quan tâm rất ít đến phần vật chất, hay sao ?
'Chắc chắn người đời đã mù quáng khi đáp lại một lỗi lầm bằng lỗi lầm khác lớn hơn, và dùng tội này làm cớ để phạm tội kia nặng hơn, và chỉ vì bạn được thế giới khuyến khích quên đi tính cao thượng trong chốc lát, cho phép bạn gạt bỏ vợ vì một chút đam mê mà sớm hay muộn do tính vô thường của mọi đam mê sẽ tự nó tàn dần, mà bạn sẵn sàng chìu theo để do đó mất chuyện lớn chỉ vì chuyện nhỏ ? Đó thật không phải là hành động của kẻ anh hùng, và bởi thế, bạn sẽ chọn con đường cao thượng hơn.
Tới đây thầy Moreward ngưng lại một chút, còn thiếu tá nhìn ngài vừa lạ lùng vừa cảm phục.
– Cho tôi hỏi một điều, ông nói, thầy có thực hành hết những ý tưởng hay ho đó với vợ của thầy không ?
– Ồ, có chứ, thầy đáp lại với sự khiêm tốn.
– Thầy muốn nói là chuyện giống vầy đã xẩy ra cho thầy à ? thiếu tá nóng nẩy hỏi.
– Giống gần y vậy, thầy tỏ ý là đúng.
– Vậy mà thầy không hề kể cho chúng tôi hay.
– Tôi không hề thấy chuyện riêng của tôi có gì đáng kể cho người khác nghe.
Nhưng cả hai chúng tôi cùng bảo là sẽ không chịu bỏ qua, nên chúng tôi ngồi tới khuya nghe một trong những chuyện về chính thầy. Điều đáng tiếc duy nhất là tôi không thể ghi lại y hệt lời thầy vì giống như ngài, nó có thi tứ và ngôn ngữ du dương làm người nghe mê say.
CHƯƠNG 11
CHIẾN THẮNG CỦA LÒNG CAO THƯỢNG
– Để tôi ráng nhớ và xếp đặt những chuyện rời rạc của quá khứ, thầy bắt đầu, chuyện có vẻ lâu quá rồi nên tự nhiên là tôi quên vài chi tiết, ngoài ra một số chi tiết khác không đáng chú ý. Ngài đứng dậy khỏi ghế và đi tới lui trong phòng trầm ngâm.
– A, phải rồi, ngài nhớ lại, đó là lúc chúng tôi có villa ở gần Florence, khi tôi đã lập gia đình được khoảng mười năm. Chúng ta cần tế nhị ở đây nên hãy gọi bạn tôi là Henshaw, bây giờ thì ông có gia đình đông con nhiều cháu rồi, được người quí mến vậy để lộ chuyện không nên. Chà, tôi nhớ được thêm chút ít đây.
Và thầy ngồi xuống chiếc ghế bành lớn cạnh lò sưởi, vào chuyện ngay không rào đón thêm.
'Ông Henshaw là khách của chúng tôi khoảng một tháng, vì tôi không mời bạn đi xa từ Anh đến nhà chỉ để ở chơi có vài ngày, ngoài ra tôi rất có cảm tình với bạn và muốn có Henshaw ở chơi lâu. Rồi ông cũng tỏ ra là bạn tốt với nhà tôi lúc tôi bắt buộc phải xa nhà tôi nhiều tiếng đồng hồ trong ngày, khiến nhà tôi chịu cảnh vắng vẻ nếu không có bạn, vì nhà tôi không có nhiều bạn và không thích chuyện trò cho lắm với người chỉ quen biết xã giao. Thế nên việc dễ hiểu là giữa nhà tôi và ông Henshaw nẩy ra tình bạn thân thiết, nhưng điều lạ là tôi không hề nghĩ tình thân ấy hóa sâu đậm như thế nào, và làm sao mà tình bạn cuối cùng biến thành tình yêu. Thực vậy, tới hôm bạn tôi lên đường về nước thì tôi khám phá ra chuyện bí mật mà hai người giữ kín từ trước tới nay, bởi tôi về nhà sớm hơn dự tính và bất ngờ gặp hai người vào phút chót, lúc họ nghĩ rằng không có ai chung quanh để họ được tự do có cuộc chia tay thân ái. Tôi thấy cảnh ấy và cũng thấy ngay là sự việc sẽ làm hai người lo lắng nhiều về sau, bởi mặt nhà tôi trắng bệch vì sợ hãi, còn Henshaw thì lộ vẻ ngượng ngùng, tự trách, thấy có lỗi, hối tiếc, bao nhiêu tình cảm hòa làm một.
'Không có gì phải làm khác hơn là rút lui, nên tôi cười thật ngọt ngào mà không có ý mỉa mai, nói với cả hai rằng tôi vô cùng ân hận đã bất ngờ gặp hai người , và rồi vội vàng lúng túng quay đi. Cả hai nói gì đó nhưng tôi không nán lại chờ để nghe, mà xuống lầu ra vườn, xong tôi ngồi xuống băng ghế tự trách mình ...
'Tại sao tôi ít nhất không làm một việc gì đó để báo trước là tôi về nhà trái với giờ thường lệ ? Ý tưởng bắt gặp hai người như kẻ trộm trong đêm dằn vặt tôi quá sức, vì nhà tôi tỏ vẻ vô cùng kinh hoảng làm tim tôi nhói đau. Nhưng lẽ tự nhiên là tôi không biết, mà cánh cửa lại hé mở và trong phòng lặng yên. Tôi ngẫm nghĩ, 'Phải chi vợ cho mình hay', và lập tức thấy rằng làm vậy là chuyện rất khó cho nhà tôi. Hiển nhiên nàng nghĩ rằng tôi sẽ giận dữ, nên để tự vệ thì nhà tôi đã dối gạt tôi, nên trọn câu chuyện là lỗi của tôi không ít thì nhiều. Đáng lẽ tôi phải thấy trước chuyện ấy và khi Henshaw trở thành khách thường trực trong nhà, tôi phải biết rằng hai người sẽ có cảm tình với nhau và nói cho nhà tôi hay là tôi không phiền về việc ấy, vì nói cho cùng thì còn gì tự nhiên hơn ? Không phải Henshaw là người dễ mến sao ? Còn nhà tôi thì trong trí tôi nàng là người đẹp đẽ nhất. Rõ ràng là tôi đã cho nàng ấn tượng sai là tôi có thể phản ứng ra sao trong một số trường hợp nào đó, nên nhà tôi bắt buôc phải dấu tôi mọi chuyện ...
'Tuy nhiên việc dối gạt này không làm bận trí tôi chút nào, vì tôi biết rõ là nhà tôi không cần phải dối gạt tôi, và tôi sẽ rất sung sướng cho nhà tôi hay vậy. Bởi lòng kiêu hãnh bị tấn công thường làm chúng ta cảm thấy tổn thương là mình bị dối gạt. Thấy mình có tính ghen tức là chuyện thật đáng mắc cỡ dù chúng ta có thể giả vờ là không có tính ấy, 'kẻ dối gạt' biết điều ấy nên tìm cách che dấu. Nhưng đối với tôi thì không phải vậy, vì dù tôi có tánh xấu gì thì có nhưng tôi không ghen tương, thế nên người khác mà có nghĩ là tôi như thế thì nó không làm tâm tôi xáo trộn. Người ta ít khi thấy tổn thương khi bị xem là việc mà mình không phải là, vì chữa lại sai lầm dễ dàng, nhưng bị xem là điều mà mình thật sự là thì điều ấy mới làm tâm trí tức bực. Có vẻ như trong chuyện này nhà tôi cho rằng tôi là ông chồng cổ hủ, luôn luôn rình rập trong góc nhà với cây súng sẵn sàng bắn ai xâm phạm vào quyền của mình, là người thường xuyên dòm ngó chuyện riêng tư của vợ mình, là ông chồng đáng ghét, và nếu tôi thực sự giống vậy, nếu tôi thực sự 'nhón chân' đi dọc theo hành lang vì có ý riêng, thì tư tưởng này thật là bực bội. Nhưng tôi không có làm chuyện khó coi đó, chuyện tệ hại nhất trong mọi chuyện, vì tôi yêu quí nhà tôi, và bây giờ việc chính là làm sao cho hai người đừng lo lắng.
'Bởi tôi thấy rõ là lúc này hai người hẳn phải hết sức bối rối. Phải làm gì bây giờ ? Tôi có nên vào nhà trở lại cho hai người hay là mọi chuyện tốt đẹp cả không, hay tôi nên gửi cho bạn tôi lá thư, vì không rõ tại sao tôi thấy ngượng nghịu nếu gặp mặt Henshaw, không biết mình sẽ nói gì. Bỗng tôi nhớ ra là chiều nay bạn tôi sẽ đi nên tôi tự hỏi mình có nên lánh mặt chờ tới khi anh đã rời nhà rồi sau đó viết cho anh, khi tôi đã trấn an được nhà tôi. Nhà tôi lại có hể cho bạn tôi biết chuyện trước, để rồi khi thư tôi đến bạn tôi sẽ không kinh ngạc khi đọc điều tôi viết trong thư. Về một mặt tôi mừng là chuyện đã xẩy ra, vì tôi có thể bầy tỏ lòng thông cảm với nhà tôi, nếu nhà tôi chịu để cho tôi ngỏ lời, và làm vậy sẽ khiến mọi việc hóa dễ dàng hơn cho tôi. Nỗi lo lắng luôn luôn sợ rằng tôi khám phá ra chuyện hai người hẳn đã làm cho hạnh phúc của họ bị giảm bớt phần nào, và tôi không muốn có điều ấy.
'Nghĩ tới đó thì tôi ngưng lại, vì thấy nhà tôi băng qua vườn cỏ đi tới, nét mặt vừa có vẻ quả quyết vừa lo âu và sợ hãi. Tôi đang ngồi dưới một vòm cây ở cuối vườn, nên khi thấy nàng đi tới liền bước ra đón và đưa nhà tôi lại chỗ đang ngồi, tỏ vẻ âu yếm quí chuộng mà chắc nàng không mong sẽ có. Hình như nhà tôi hết sức kinh ngạc nên òa khóc và để cho tôi dỗ dành, tôi cũng nhớ là nàng mấy lần muốn nói gì đó nhưng bởi đang khóc nên tôi không nghe ra. Cuối cùng khi nguôi bớt và nói mạch lạc được thì nhà tôi bảo rằng tuy cố không yêu thương bạn tôi, nhưng đã không cưỡng được nên cuối cùng buông thả và lừa dối tôi, vì sợ rằng sẽ làm tôi đau khổ. 'Mình thấy, nàng bảo, em không chống lại được'. Nhà tôi lập đi lập lại nhiều lần như vậy, và câu trả lời của tôi là, 'Anh không thấy có ai cưỡng lại được cả, và em tự trách mình chỉ vô ích thôi'. Tôi nhớ là nàng tỏ ý nghi ngờ vì đột nhiên hỏi, 'Em không tin vào lòng tử tế này, không biết sao em lại nghĩ là anh sẽ hành hạ em sau này để trừng phạt em thêm'.
– Anh có hành hạ em chưa ? tôi hỏi nhẹ nhàng.
– Chưa, nhà tôi đáp, nhưng từ trước tới nay em là vợ hiền đối với anh.
– Vậy thì đó lại càng là lý do anh không nên hành hạ em lúc này, tôi cười đáp, vì biết ơn em.
– Nhưng sự dối gạt, nàng tỏ ý nghi ngờ, anh không biết là em đã dối anh ra sao ư ?
– Có lẽ đó là chuyện không may, có lẽ em không cần phải làm vậy, tôi nói mà không có ý mỉa mai, nhưng anh đoán em sợ không muốn làm khác đi.
– Em không tin chút nào, nhà tôi nhắc lại, và vừa ngẫm nghĩ vừa nói, Em tự hỏi anh có thực sự thương em ? Có thực là anh không màng, thực sự không màng ư ?
– Không một chút nào hết, tôi hoàn toàn thành thực khi đáp vậy.
– Thế thì anh không thể thương em, nàng buột miệng.
– Nếu thương theo nghĩa em nói là hành động có tính toán làm cho đối tượng thương yêu của mình bị đau khổ hết sức và đau khổ một cách ác độc, thì không, anh không thương em kiểu đó, nhưng nếu em nghĩ thương ai là thường xuyên nghĩ tới người ấy, đặt hạnh phúc của họ lên trên bất cứ điều gì khác, thì có, anh thương em. Nói cho cùng, chuyện rất giản dị, tôi mau mắn thêm, em không thấy là người mình yêu có thể bị đau khổ, trong khi chỉ một chút hiểu biết có thể tránh được đau khổ ấy sao ? Ngoài ra, giả thử anh nổi giận, hay đánh em, hay làm chuyện khác cũng có ý đánh trả lại, không đẹp hay trẻ con, thì chuyện gì xẩy ra, không phải là em sẽ ghét anh sao ? Và nếu anh khuyên em bỏ Henshaw, thì anh sẽ giống như ông thầy thuốc khuyên bệnh nhân nghèo nhất của ông đi chơi vòng quanh thế giới, tức một chuyện không sao làm được.
'Rồi nhà tôi rót vào tai tôi một tràng những lời khen ngợi, thương yêu mà tôi xin không nhắc tới, chỉ kể để bạn thấy rằng tỏ ra thông cảm với chuyện tình của vợ bạn (nếu bà nhà có) thì nó sẽ đền bù cho bạn ngàn lần. Tôi nhớ nhà tôi bảo những ông chồng khác hẳn sẽ nói về danh dự của họ bị hoen ố và những chuyện trẻ con khác, đáp lại tôi bảo nàng là danh dự đối với tôi chỉ là cái tên lịch sự của lòng kiêu hãnh, và có những nước mà đàn ông thà nhận viên đạn vào bụng hơn là có lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Và tôi cũng nói với nhà tôi là hồi đám cưới, khi nàng hứa thương yêu, quí trọng và vâng lời tôi, thì cũng nên hứa thêm rằng sẽ sống tới trăm tuổi, vì khó mà có ai làm tròn các điều hứa hẹn như vậy.
'Buổi trò chuyện vui vẻ ấy kéo dài bao lâu tôi không đoán được, vì cả hai chúng tôi hạnh phúc quá nên tôi cho là nó có thể kéo dài cả mấy tiếng nếu không có công chuyện thường ngày trong nhà khiến phải ngưng lại, nhưng nói để bạn hay rằng vào lúc đó, tôi cầu Trời ban ân cho người mà đa số sẽ bảo đã làm tôi bị thương tổn, vì trên thực tế bạn tôi làm có sự hòa hợp tâm hồn nhiều hơn giữa nhà tôi và tôi, khiến mỗi chúng tôi biết rằng nhờ Henshaw, tình yêu của hai chúng tôi cho nhau đã trải qua thử thách to tát dữ dội và chịu được giông bão lớn lao mà bao nhiêu chuyện khác hợp lại không thể cho kết quả giống vậy.
Ngài dừng lại một chút rồi tiếp tục bằng một giọng thay đổi.
'Bạn nghĩ xem kết quả của chuyện là gì và cuối cùng diễn biến ra sao ? Bạn có thể đoán là tôi để hai người gặp nhau theo ý họ muốn, không đặt điều kiện gì và không hỏi câu nào, đối đãi với Henshaw như là bạn và mời ông tới nhà ở chơi bất cứ khi nào ông muốn. Sự việc tiếp tục trong vài tháng theo cách đó cho tới khi chuyện làm ăn khiến bạn tôi sang Ấn Độ và chấm dứt tình yêu với vợ tôi, vì sự xa cách làm cảm tình tự nó nguội lạnh dần. không cần phải nói, tôi an ủi nhà tôi khi việc chia ly khiến nàng buồn rầu, và tuy tôi thực sự cảm thấy buồn cho nhà tôi, trong lòng tôi lại vui vẻ nhiều khi an ủi vợ, cũng như sự an ủi này làm tâm hồn hai chúng tôi gần với nhau hơn bao giờ hết so với trước kia.
'Chuyện gì xẩy ra sau đó thì không cần phải kể vì trong lòng tôi chỉ có một phản ứng với tâm tính chân thật và cao quí như con người của nhà tôi, còn về tình cảm sâu đậm của nàng đối với Henshaw thì nó sinh ra do sự thu hút bề ngoài hơn là tình yêu, khi bạn tôi không còn ở đó để khơi dậy tình cảm của nhà tôi như nam châm lôi cuốn, thì nàng bắt đầu lơi sự chú ý tới ông, và nếu xét tới việc thư từ ông gửi cho nhà tôi ngày càng thất thường thì ông cũng quên nàng dần, để rồi trọn vấn đề phai nhạt đi làm như nó chưa hề xẩy ra, nhưng lại làm tình yêu của hai chúng tôi tăng nhiều hơn nhờ chính vào chuyện có thể làm tình chúng tôi tan vỡ. Lý do là khi tôi không làm gì khiến nhà tôi có cớ để tức giận tôi, hay có cớ để thấy là mình bị cầm tù như thế nào đi nữa, thì không có yếu tố nào làm ngăn chặn tình yêu của nhà tôi đối với tôi, mà lại tăng nó lên đến tột mức. Cũng như khi thấy tôi không gây trở ngại gì cho nàng, chẳng những không gây tai tiếng làm nhà tôi thực tâm biết ơn mà tôi cũng không sinh lớn chuyện, nên ai có muốn nói xấu cũng không nói được gì.
'Vậy thì bạn à, tôi nghĩ chắc bạn sẵn lòng nhìn nhận rằng con đường mà tôi khuyên bạn nên theo là đường dẫn tới thành công ít ra trong trường hợp của tôi, và tôi nghĩ rằng nó cũng phải thành công trong trường hợp bạn. Bởi xin nhớ rằng người chồng nào luôn luôn hành động một cách chân thực và cao quí nhất đối với vợ mình luôn luôn sẽ thắng, tình nhân chỉ là chuyện không bền, đến rồi đi theo hoàn cảnh thay đổi, nhưng tình bạn chăn gối đích thực dựa trên việc thân thiết lâu dài có thiện cảm và hiểu biết thì vững bền mãi mãi.
Tới đây thầy Moreward ngưng, còn thiếu tá nhìn thầy lộ vẻ thán phục và kính nể nhiều hơn ông bầy tỏ trước kia, hỏi rằng:
– Thế thầy khuyên là người chồng nào cũng nên cho vợ mình có nhân tình khi nào bà muốn à ?
Thầy mỉm cười trả lời.
– Tôi phải nói là 'Có' và 'Không', vì điều bạn hỏi tùy thuộc hoàn toàn vào cảnh ngộ của từng trường hợp, cũng như tùy vào người vợ và người chồng có liên quan, nên không thể nói chung. Kế đó việc bạn cho phép bà nhà có tình nhân là một chuyện, giống như cho bà nhà có nữ trang và y phục đẹp đẽ, mà tha thứ và chấp nhận hành động của bà khi bà đã có cảm tình với người nào đó, lại là chuyện khác hẳn. Vì nếu bạn bắt buộc bà nhà từ bỏ đối tượng thương yêu, thì hoặc bà rời ông như trong trường hợp của riêng ông, hoặc dối gạt ông, tự bảo vệ đối với cơn giận của ông, và như vậy là ông đòi hỏi một điều của nhân tính mà khó ai làm được. Hơn thế nữa không có gì làm người ta thích một vật như là khi có trở ngại gặp trên đường chiếm vật ấy, cũng như không có gì làm mất cảm tình mau lẹ hơn, vì ông gợi nên sự tức giận trong lòng bà đối với ông. Nó muốn nói khi tìm cách bắt bà nhà phải thương yêu mình, ông chỉ làm mất đi tình thương ấy.
Tới đây thầy Moreward ngưng lại nữa. thiếu tá nói.
– Chà, tôi chỉ có thể nói thầy thiệt lạ lùng, mà thầy cũng giúp tôi không biết bao nhiêu.
Câu chuyện tới đó chấm dứt, và nó kết thúc tốt đẹp vì một tuần sau, chúng tôi nghe là bà Buckingham và chồng lại sống chung như trước rất hạnh phúc.
Về phần thầy thì sau khi thiếu tá ra về, ngài bảo tôi.
– Chuyện lạ là người ta phải nói hết hơi để làm người khác tin vào một trong những điều hiển nhiên nhất trên đời. Giống như thầy phải tự tạo cho mình hào quang vô lý về lòng cao thượng để khuyến dụ được thiếu tá làm theo gương thầy.
– Tính cao thượng chỉ tương đối thôi ạ, tôi thưa, việc gì đối với mức tiến hóa cao của thầy là hiển nhiên thì đối với thiếu tá lại đầy nét cao cả.
Khi chào thầy ra về, tôi tự hỏi có phải lòng khiêm tốn khiến cho một người rất khôn ngoan như thầy đôi lúc xem ra hết sức hồn nhiên hay không ?