TƯỞNG  TƯỢNG ?

 

Quan niệm 'người cứu trợ vô hình' rất quen thuộc với hội viên hội Theosophia và được chấp nhận dễ dàng, không thắc mắc. Đó có thể là người còn sống hay đã qua đời, xuất hiện để cứu giúp khi nguy cấp đôi khi bằng phương tiện khác thường. Với công chúng không có sự hiểu biết về Minh Triết Thiêng Liêng, những trường hợp tương tự được ghi nhận làm tăng cường thêm ý tưởng trên. Tác giả John Geiger trong quyển The Third Man Factor (2009) ghi nhận các chuyện cứu trợ lạ lùng, sau đây xin trích đăng ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất rất nổi tiếng, trong lần thám hiểm nam cực năm 1924, nhà thám hiểm người Anh tên Ernest Shackleton cùng hai bạn đồng hành phải băng một đoạn đường dài để tìm phương tiện cứu đoàn của ông, sau khi tầu Endurance chở đoàn thám hiểm bị băng ép vỡ. Shackleton cảm nhận trong cuộc vượt băng khó nhọc có sự hiện diện vô hình của một người nữa; lúc tới được nơi có người và thoát hiểm, ông kể:
- Khi nhìn lại những ngày qua, tôi không nghi ngờ gì là Thượng đế đã hướng dẫn cho chúng tôi không những băng qua bao cánh đồng tuyết phủ, mà còn luôn cả biển trắng xóa đầy giông tố ở giữa đảo Voi và nơi thuyền chúng tôi cập bờ ở nam Georgia. Tôi biết là trong chặng đường dài 36 tiếng vượt qua những ngọn núi không tên và băng hà ở nam Georgia, thỉnh thoảng tôi cảm thấy rằng có bốn người chúng tôi cùng đi mà không phải là ba. Cả Worley và Crean (hai người bạn đồng hành với ông Shackleton) cũng tin như thế. Khi tìm cách tả lại chuyện vô hình thì ta thấy chữ của con người thật vô dụng, còn lời nói thì không thể diễn tả hết, nhưng việc ghi lại chuyến đi của chúng tôi sẽ không trọn vẹn nếu không nhắc tới chuyện nằm sâu kín trong lòng chúng tôi.
Nói thêm thì Shackleton và các nhân vật đoàn thám hiểm đều là những người mạnh khỏe, thông minh, can đảm. Họ là khoa học gia, quân nhân có tinh thần vững chắc không dễ tin vào điều gì huyền hoặc nhưng đã công nhận sự kiện lạ lùng trên.

Trường hợp thứ hai là vào sáng ngày 9 tháng 11 năm 2001, anh Ron Di Francisco đang ngồi ở bàn làm việc tại Euro Broker, một công ty tài chính có văn phòng ở lầu 84 trong tháp phía nam của World Trade Centre tại New York, khi phi cơ đâm vào tháp phía bắc. Lúc đó là 8.46' sáng. Có tiếng nổ to và đèn trong tháp phía nam hóa ra chớp nháy không còn sáng đều. Đa số nhân viên tại hãng Euro Brokers bắt đầu di tản khỏi tòa nhà nhưng Ron ngồi lại đó. Anh gọi cho vợ bảo là có phi cơ đâm vào tòa nhà bên kia nhưng bên anh không sao, và anh dự tính ở đây làm cho xong việc. Rồi một người bạn ở Toronto gọi:
- Rời chỗ đó cho mau.
Nghe thế, anh rảo bước đi ra hàng thang máy.
Lúc 9.03 phút tức 17 phút sau khi phi cơ đâm vào tòa nhà phía bắc, một phi cơ khác đâm vào tòa nhà phía nam làm bốc cháy dữ dội giữa tầng 77 và 85. Ron bị sức ép đẩy vào tường với trần nhà và những mảnh vụn khác rơi vãi lên người anh. Tòa nhà lung lay qua lại, tầng lầu mà anh vừa mới bỏ đi nay không còn nữa; anh đi vào cầu thang A.
May mắn sao anh bước vào đúng cầu thang cho hy vọng thoát hiểm cho ai ở trên tầng lầu bị đụng Nhiều người khác cũng vào đó và tất cả đi xuống. Càng đi xuống khói càng mù mịt, khói tuôn vào cầu thang và bay lên trong khoảng không gian nhỏ hẹp. Anh mò mẫm đường đi vì khói quá dầy không  còn thấy được mấy. Tới khoảng giữa hai tầng lầu 79 và 80 anh ngừng lại vì không còn thở được. Cùng với nhiều người nữa anh nằm bẹp ở đó, úp mặt xuống nền xi măng; người khác ngồi thụp trong góc, ai nấy đều há hốc mồm để cố thở. Đột nhiên có chuyện kỳ lạ xẩy ra. Anh bảo:
- Có ai đó kêu tôi đứng dậy. Có ai đó gọi tôi.
Ron nói đó là giọng nam mà không phải giọng của người nào trong cầu thang. Giọng nói ấy khăng khăng một ý:
- Đứng dậy.
Nó gọi anh bằng chính tên cúng cơm của anh và đầy khích lệ:
- Nó nói giống như "Này, anh làm được đó".
Mà nó còn hơn là một giọng nói, vì cũng có một cảm giác sống động là anh cảm nhận có sự hiện diện vật chất. Anh cảm thấy mình được hướng dẫn.
- Tôi được dẫn ra tới cầu thang, tôi không nghĩ là có cái gì nắm lấy tay tôi nhưng rõ ràng là tôi được dẫn đi.
Anh bắt đầu đi xuống tiếp và chẳng bao lâu thấy một điểm sáng. Anh đi theo nó, tìm đường qua những đổ nát và tường đã sập, làm ngăn trở trong cầu thang. Rồi anh gặp lửa cháy và thụt lui lại; nhưng vẫn có ai đó 'Một thiên thần' thúc giục anh cứ đi.
- Vẫn còn nguy hiểm nên nó dẫn tôi đến cầu thang, giúp len lỏi qua được và băng ngang qua lửa.
Anh lấy tay che trán và tiếp tục đi xuống, bây giờ anh chạy, người bị lửa cháy xém. Ron đoán là lửa cháy trong ba tầng. Cuối cùng anh tới được cầu thang lầu 76 bên dưới tầng bị đụng. Chỉ khi đó cảm nhận về người cứu trợ vô hình đã ở cùng anh năm phút qua, biến mất. Anh bảo:
- Tôi nghĩ tới lúc đó, nó để cho tôi đi một mình.
Anh tiếp tục đi xuống, đi mau hết sức mình và cuối cùng tới mặt đất. Nhưng anh vẫn còn trong cảnh nguy hiểm thập tử nhất sinh. 56 phút đã trôi qua từ khi phi cơ đâm vào tòa nhà. Các tầng sụp xuống chồng lên nhau như xấp bánh tráng tầng này rồi tầng kia. Khi anh lần tới cửa ra, Ron nghe một tiếng gầm long trời lở đất, và thấy một quầng lửa sáng khi tòa nhà sập ép lại. Anh không biết chuyện gì xẩy ra tiếp đó vì đã bất tỉnh.  Sau thời gian lâu sau đó anh hồi tỉnh, thấy mình ở trong bệnh viện.
Ron là người cuối cùng sốt sót ra khỏi tòa nhà phía nam trước nó sụp xuống lúc 9.59 phút. Tháp sụp đổ trong 10 giây, gây ra trận gió bụi, và mưa những đồ vật. Theo thống kê, chỉ có bốn người trong số người làm việc ở những tầng lầu phía trên lầu 81, tầng ngay giữa nơi mà phi cơ đâm vào, và Ron là một trong bốn người  đó, thoát ra khỏi tòa nhà.
Cho tới hôm nay, anh không hiểu tại sao mình sống sót trong khi bao nhiêu người khác tử nạn, nhưng anh biết rõ lý do mình thoát chết. Là người có lòng tin mạnh mẽ, anh cho đó là nhờ sự cứu độ của thiêng liêng.

Trong chuyện chót, James Sevitny 28 tuổi cùng với bạn là Richard Whitmire đi leo núi Deltaform trong rặng Rockies ở Canada. Sáng sớm hôm đó ngày 1 tháng 4, 1983 trời trong và tĩnh lặng hoàn toàn. Hai người cột giây nối nhau. Richard 33 tuổi đi đầu, tới một chỗ anh đạp nhằm băng vỡ vụn. Anh kêu to báo trước cho James bên dưới hay:
- Có băng rơi !
Băng lao xuống tránh được James không gây hề hấn gì, nhưng đột nhiên tiếp theo là một sân tuyết bên trên sụp đổ. Có tiếng ầm ầm kinh khiếp bung ra phá vỡ sự im lặng, ánh sáng ban mai lập tức bị màn tối đen phủ kín. Một trận tuyết lở cuốn hai anh rơi 600 thước xuống đến chân núi Deltaform.
James đoán mình tỉnh lại khoảng một giờ sau đó, thấy bị thương trầm trọng. Lưng anh gẫy ở hai chỗ; một cánh tay bị gẫy, tay kia có dây thần kinh bị đứt lìa ở vai nên xuôi xuống mềm rũ một bên thân. Xương sườn anh gẫy, dây chằng hai đầu gối bị đứt, xuất huyết nội tạng và mặt bị dập nát thảm hại. Richard nằm cạnh và nhìn tư thế lệch lạc của anh, thấy rõ là anh đã chết.
James nằm xuống bên cạnh bạn, tin chắc là chẳng bao lâu mình cũng đi theo.
- Tôi nghĩ nếu thiếp ngủ được thì đó là cách tốt nhất để đi.
Anh nằm ở đó chừng 20 phút, mới đầu còn run lập cập rồi dần dần thay bằng cảm giác ấm áp do chấn động và việc thân nhiệt giảm (hypothermia) sinh ra, và anh thiu ngủ. Anh ý thức là giữa sự sống và sự chết không có hố rộng lớn ngăn cách mà chỉ là một lằn ranh rất mảnh, và vào lúc đó James nghĩ băng qua lằn ranh ấy thì dễ hơn là chống chọi để sống còn.
Rồi đột ngột anh thấy có một cảm giác lạ lùng là có một người vô hình hiện diện rất gần nơi anh.
- Nó là một cái gì đó tuy tôi không thấy được nhưng nó có sự hiện diện vật chất.
Cái hiện hữu này liên lạc với tâm trí anh và ý muốn của nó thật rõ ràng:
- Anh không được bỏ cuộc, anh phải ráng thử.
Nó thúc đẩy James đứng dậy, nó đưa ra lời khuyên thực tế. Thí dụ nó bảo anh đi theo đường máu rơi ở chót mũi, làm như đó là mũi tên chỉ đường.
Cái hiện hữu này đứng đằng sau vai phải của anh, năn nỉ anh tiếp tục đi ngay cả khi việc chống chọi để sống còn có vẻ như không sao kéo dài được nữa. Vì nó có lòng thông cảm hết sức lớn lao, anh tưởng tượng đó là sự hiện diện của một phụ nữ. Cô theo anh đi ngang qua thung lũng về tới lều mà anh và Richard từ đó khởi hành sáng sớm hôm ấy; anh hy vọng về đây sẽ có được thức ăn, ấm áp và không chừng gặp được người giúp anh. Thương tích nặng quá khiến anh phải mất cả ngày mới băng được một đoạn đường dài khoảng 1.5 km, và cô gái đồng hành theo sát bên anh trọn khúc đường.
Khi về tới trại, James không thể bò vào trong túi ngủ vì thương tích tệ hại quá, và anh cũng không thể ăn vì răng vỡ và mặt sưng phù. Anh càng không thể bật lò cho cháy. Thình lình ngay khi đó anh tưởng như nghe có tiếng người và kêu to nhờ giúp đỡ. Không có tiếng trả lời. Ngay lúc ấy anh cảm nhận là sự hiện diện rời đi.
- Nó đi mất, không còn gì ở đó nữa, không còn ai bảo tôi phải làm gì và tôi có thể nói rằng nó đã bỏ đi.
Lần đầu tiên từ khi tuyết lở, anh thấy bị choáng ngợp với cảm giác cô đơn.
- Lúc đó tôi nghĩ là mình có huyễn mộng, sự hiện diện biết tôi chết rồi nên nó bỏ không giúp tôi nữa. Nhưng về sau hóa ra là có người nơi đó và họ đến với tôi. Một người trong nhóm này đi ski tới chỗ tôi và họ dàn xếp cho phi cơ trực thăng mang tôi đi vào chiều hôm đó. Thực vậy, sự hiện diện đã rời đi do nó biết là tôi đã được an toàn.
Ba câu chuyện trên nghe có vẻ như chuyện lạ lùng, ảo giác khác thường mà nhiều người cùng có khi trí não bị căng thẳng dữ dội. Nhưng điều kỳ dị là kinh nghiệm này tái diễn hoài hoài bao nhiêu năm qua, cho người ở khắp nơi trong những cảnh ngộ khác nhau: nhân vật thám hiểm nam cực, người leo núi, tù binh chiến tranh, thủy thủ độc hành, người bị đắm thuyền, phi công, phi hành gia. Tất cả những người này đều thoát tai nạn kinh hoàng, và kể lại chuyện rất giống nhau là cảm thấy sự hiện diện kề cận của một người đồng hành giúp đỡ họ, và ngay cả 'nhân vật đầy quyền uy'.
Người nào cũng như người nấy đều thuật rằng vào lúc hiểm nghèo, có thêm một người bạn không giải thích được nhập bọn với họ, cho họ sức mạnh để vượt qua được tình cảnh hiểm nghèo nhất. Có tên gọi cho hiện tượng này là The Third Man Factor, lấy từ tên gọi mà nhà thám hiểm nam cực Ernest Shackleton đặt ra cho bạn đồng hành vô hình của ông. Đây là câu chuyện nổi tiếng nhất trong tất cả những chuyện gặp được người cứu trợ vô hình.
Có nhiều giả thuyết đưa ra để tìm cách giải thích cảm nhận này, nhưng không thuyết nào giải thích được nguồn gốc của sự hiện diện và sức mạnh của nó do đâu mà ra.

 

Tham khảo:
- South: The Story of Shackleton's 1914-1917 Expedition. Ernerst Shackleton, 1919
- The Third Man Factor, John Geiger, 2009