TRẺ NHẠY CẢM
Có nhiều sách vở viết về tuổi thơ, những vấn đề và khó khăn của giai đoạn này, tuy nhiên lại có rất ít hay không có nói gì về những trẻ có cảm nhận siêu hình (psychic), tức do bản tính khi sinh ra em có nhậy cảm với chuyện siêu hình về một mức nào đó, và tính chất này gần như luôn luôn khiến em gặp việc không ổn.
Những người thân cận với em như cha mẹ, thầy cô, hay chuyên gia tâm lý nhi đồng thường khi khám phá được những nguyên nhân bí ẩn gây ra xáo trộn trong cuộc sống của trẻ, nhưng cũng có khi dù gắng công hết sức họ cũng ngẩn ngơ, không thấy có lý do hữu lý đủ sức giải thích tại sao bé Mai lại có tánh khí hoàn toàn khác biệt với người trong nhà. Họ xem xét đủ mọi nguyên do tâm lý mà không ai có thể truy ra tại sao Mai lại phản ứng quá độ với nhiều điều, và tại sao có những việc lạ lùng không hiểu được. Cuối cùng, cha mẹ, thầy cô và ngay cả chuyên gia tâm lý nhi đồng không làm sự việc được sáng tỏ, còn ai có lòng muốn giúp thì hoang mang vì Mai có bản tín khó định nghĩa được, và chưa hề có thẩm định nào về khó khăn này.
Nhiều trường hợp tâm lý nhi đồng lạ lùng sẽ trở nên giải thích được và sáng tỏ, khi ta nhận ra bản chất của những trẻ như Mai. Ta gặp vấn đề là những việc chi phối em không nhất thiếtthuộc về thế giới hữu hình, mà đôi lúc em có thể đáp ứng một cách vô thức với tác động ngoại lai, chúng có thể không thấy được và từ một thế giới vô hình ảnh hưởng trực tiếp ngay lên tâm tình của em. Những điều này quả thực gợi nên nhiều hành vi bị gọi là vô lý.
Có những trẻ tự nhiên tránh né chỗ đông người, đó có thể là trẻ lần nào đi dự tiệc cũng ra về khóc lóc. Em không hẳn có tánh nhút nhát hoặc gặp chuyện hãi hùng, có vài trường hợp như thế nhưng nơi một số trẻ khác nó cũng rất có thể là trẻ nhậy cảm chuyện siêu hình, và bình thường có nhiều trẻ như vậy. Em cảm thấy mình bị những lượn sóng mạnh thuộc tình cảm khích động của đám đông xô đẩy tới lui, vùi dập tơi bời mà không có cách nào chống đỡ sự hung hãn đó. Kinh nghiệm cho trẻ loại ấy cảm thấy chẳng khác nào bị sóng ùa vào bờ đánh tới tấp, và việc giữ cho tâm linh quân bình trong tình trạng đó thì y như ráng giữ chân đứng cho thăng bằng giữa bao lượn sóng dữ.
Một phần lớn đau khổ của trẻ là do em không hiểu được tại sao mình lại bị sợ hãi và sầu não như vậy. Bất cứ điều gì người lớn hỏi han ân cần chỉ làm nặng thêm việc xoay sở bất lực, không giải thích được nguyên nhân của vấn đề. Chuyện quả là khó hiểu và khó đối phó, trừ phi ta ý thức được rằng hệ thần kinh giao cảm của em trong những năm đầu đời không được bảo vệ, trước khi não bộ phát triển và nắm quyền kiểm soát.
Thời nay nhiều trẻ sinh ra có tính nhậy cảm làm em không được che chở đối với một số việc mà những em khác cường tráng hơn không thấy, không nghe và chắc chắn là không đáp ứng. Các trẻ ấy hoặc có óc mỹ thuật hoặc lộ rõ là có cảm nhận siêu hình, nhưng trong mỗi trường hợp vấn đề thích nghi với cuộc sống lại rất giống nhau. Nhiều trẻ có thông nhãn lúc thơ ấu rồi mất dần khi lớn hơn, không ý thức là em thấy được nhiều việc so với bạn bè; tuy nhiên trẻ nào có cảm nhận siêu hình thường để lộ ra những nét đặc biệt ở mức đáng kể. Đôi khi thấy rõ là chỗ mà người khác cho là khoảng không thì đối với em không phải vậy; sự nối kết của em với mầu sắc, hoa lá, thú vật v.v. rất là thân thiết, và ai quan sát kỹ thấy ngay sự đáp ứng đặc biệt của em với chúng, nhưng thường thường điều này được xem là kết quả của óc tưởng tượng phát triển cao độ.
Trẻ nhiều khi bực bội với xáo trộn do tiếp xúc với trẻ khác hay người lớn; những người này có tính xen vào thế giới của em thật thẳng tay gây ra đau đớn, làm em hoang mang, bởi trẻ không biết là họ không thấy và không cảm được những chuyện mà em chú tâm. Về sau khi ý thức được khác biệt này, thường thường hiểu biết đó gây kinh ngạc và sinh ra lo lắng nhiều cho trẻ.
Kế tiếp, thính giác và xúc giác thường bén nhậy, tâm thần dễ bị chấn động khi có tiếng động bất thình lình chát chúa hoặc khi em bị đụng chạm mạnh tay; trẻ không thích được xốc lên mà không có báo trước hoặc được ôm ghì chặt. Phản ứng căng cứng người của em đối với những kinh nghiệm này đôi khi làm người lớn khó chịu, bị xem là khinh khỉnh, và cha mẹ, bạn bè cho hành vi như thế là vô lý, quá đáng so với khung cảnh.
Các em loại này thường là người mơ mộng, và thế giới riêng tư của em là cảnh trí sống động nhất đối với em. Thế giới ấy có thực phần nào vì hoặc là em có thông nhãn, thực sự thấy tiên nữ, mầu sắc tươi sáng và hiện tượng đẹp đẽ, hoặc em có thể có thính giác và cảm xúc làm cảm nhận được những điều bí ẩn, chúng trở thành thực tại đối với em. Nhưng tuy thế giới đặc biệt của trẻ có cảm nhận siêu hình ban đầu phát sinh từ khả năng lạ lùng của em, chẳng bao lâu óc mơ mộng xen vào và hòa lẫn không phân biệt được với thực tại. Thế nên chắc chắn hoang mang sẽ tới và trẻ hóa ra khó dạy.
Trên thực tế tất cả những trẻ có nhậy cảm siêu hình đều có óc kén chọn và rất khó tánh, vì cảm nhận làm em phản ứng với nhiều điều, hoặc ở nhà hoặc ở trường; em dễ bị ấm đầu và có những bệnh lạ lùng không có nguyên do rõ rệt nào; trẻ có thể bất ngờ bị cơn suyễn, bệnh về da, khó tiêu và dùng những đau yếu này một cách vô thức rất tự nhiên để tránh cảnh khó khăn không chịu được đối với mình, thí dụ như tiếp xúc với người hay nơi chốn hoàn toàn xa lạ với thế giới bên trong của trẻ.
Trẻ như vậy thường không sợ chỗ tối cho bằng chỗ mờ mờ, nhá nhem sáng vì em luôn luôn thấy chuyện làm hoảng sợ. Kinh nghiệm này lại càng kinh hãi vì điều em thấy không có hình dạng, không thể nào mô tả, chuyện có thể là nguyên nhân gây ra nhiều chứng dị ứng cho em. Khi trước trẻ như vậy là vấn đề bí hiểm cho người lớn, nhưng nay ít nhất về mặt trí tuệ ít nhất ta biết sự kiện về khả năng ngoại cảm (extra-sensory). Vì thế coi xem những triệu chứng của trẻ có phù hợp với mẫu tâm lý ta vừa kể là chuyện khá dễ dàng. Một điều chắc chắn là bất cứ trẻ nào có nhậy cảm về chuyện siêu hình, có cảm nhận siêu hình, thì nhiều phần là trẻ lạ lùng. Em không thuộc vào mẫu mực nào, và tánh khí cùng hành vi của em thường là khó đoán.
Hệ thần kinh của em luôn luôn căng thẳng và phản ứng quá độ, đáp ứng của em đối với chuyện hằng ngày có khuynh hướng khác với anh chị em cứng cáp mạnh mẽ hơn. Chuyện gì mà trẻ trung bình coi là tự nhiên không đáng nói thì lại là khó khăn đặc biệt đối với em, và nếu cha mẹ thầy cô không hiểu rõ thì trẻ đâm hoang mang và ngẩn ngơ. Em thấy mình bị bất lợi, hoàn toàn không biết giải thích tại sao có cảm giác khó chịu bất an. Việc không được thoải mái lộ ra qua những lối cư xử không giống ai, làm em ngượng nghịu lúng túng khi tiếp xúc với người khác.
Một khó khăn lớn cho cha mẹ và thầy cô khi tìm cách đối phó với trẻ, là học cách phân biệt giữa tật xấu bình thường và tật sinh ra do sự ngoại cảm chân thực. Thí dụ là chuyện sau, mô tả ý ta muốn nói. Có em gái trong tuổi thiếu niên đang được bà cô dạy bảo, lời nói không có gì cười chê hay trách móc, chỉ là cuộc trò chuyện thân ái bình thường, nhưng người có thông nhãn thấy là em gái sắp phát khóc, và cùng lúc nhìn ra ngay lý do tại sao em bị dồn tới phản ứng đó. Bà cô muốn nhấn mạnh lời nói của mình nên dùng ngón trỏ giá giá, xỉ vào thân thể của em gái cách khoảng một tấc rưỡi.
Ngay vừa lúc em co người lại và bắt đầu khóc, người này nói.
- Bác đừng làm vậy với Jennie, bác đang đụng hào quang của em, làm em đau đớn !
Em nhỏ cảm thấy đúng ý, mặt mày vui hẳn lên nở nụ cười cám ơn tươi tắn. Bà cô lạ lùng không hiểu, thừ người ra cho đến khi được người có thông nhãn giải thích rằng hồi còn nhỏ, họ đã bị khổ sở lớn lao như thế nào vì cử chỉ này và quả thật là nó gây đau đớn; nhưng chỉ ai có cảm nhận siêu hình một cách đáng kể mới thấy vậy, bằng không người ta không thể nào tưởng tượng hay có ý niệm về việc đó.
Vấn đề cho ai chăm lo trẻ như vậy là theo đường trung dung không chú ý quá đáng và lo sợ quá độ; hoặc ngược lại tỏ ra không có thiện cảm và bác bỏ, xem hành vi không giải thích được là vô lý không ý nghĩa. Cha mẹ nào của trẻ có cảm nhận siêu hình mà khuyến khích em nghĩ rằng mình tuyệt vờ,i hoặc quá nhậy cảm không thể đối phó được với thực tế khe khắt ngoài đời, là làm chuyện rất bậy, vì họ làm trẻ có cảm tưởng mình 'đặc biệt' và khác thường. Nghĩ vậy dẫn tới việc không hòa đồng trong xã hội, mà đối nghịch với tật cũng cho tai hại y vậy. Phản ứng khác như không kiên nhẫn, tìm cách khiến trẻ có tâm tánh cứng cỏi hơn, hoặc cười chê em chỉ khiến sinh ra lòng oán giận và thù nghịch, tức không giải quyết vấn đề.
Muốn thực sự giúp trẻ có cảm nhận siêu hình mà gặp khó khăn, điều cần thiết là người ta phải có sự vô tư và lòng thân thiện, không lo lắng hay có óc chỉ trích. Điều này quả thật khó khăn cho cha mẹ vì nhiều tình cảm trào dâng khi sự việc liên quan đến con mình. Thí dụ hay đưa ra là khi có căng thẳng giữa cha mẹ, hai người cẩn thận che dấu sự bất hòa đối với con tuy nhiên trẻ em bén nhậy sẽ cảm được sự căng thẳng ấy, nhưng bởi không biết nguyên do nên em sẽ lo lắng và hoang mang. Đó là phản ứng do bản năng đối với một tình trạng bên ngoài chứa đựng nguy hiểm, y như việc đụng đầu cọp trong rừng. Trẻ không thể mô tả việc mà em sợ hãi, mà có lẽ em sẽ diễn tả sự lo sợ của mình một cách gián tiếp. Em có thể đâm ra thô lỗ, và để bảo vệ mình đối với bầu không khí tranh chấp mà ba má bao quanh em, trẻ có lòng tức giận với họ và tỏ tình thương mến ai khác có tâm tính ôn hòa, an nhiên hơn; mà em cũng có thể tối ngủ bị ác mộng hoặc có lại tật đã bỏ như tè dầm.
Không có phương pháp rõ ràng để đối phó với vấn đề như vậy ngoại trừ một cách là làm cho em cảm thấy an toàn về mặt siêu hình, và được em tin cậy. Ta không thể chiếm được lòng tin của em bằng cách giả bộ ngoài mặt, hoặc che dấu sự căng thẳng trong lòng. Điểm chính yếu trong cách đối xử với trẻ có cảm nhận siêu hình là xử sự tự nhiên không mầu mè, điều này chỉ có thể đạt được khi ta hiểu rõ con người của mình, trực diện với các vấn đề và khó khăn, nhìn sự việc đúng như chúng là mà không nại cớ nọ kia. Nếu cha mẹ muốn tạo bầu không khí tốt lành cho con thì viện lý lẽ để giải thích cho qua hay làm giảm thiểu vấn đề của mình, hay khăng khăng là không có vấn đề, chỉ luống công vô ích. Bạn cũng chỉ uổng công nếu tìm cách che đậy thiếu sót của mình bằng thái độ đạo đức giả, bàn chuyện lý tưởng thanh cao. Những trẻ nhậy cảm sẽ mau lẹ cảm được sự rỗng không của lời biện bạch như vậy.
Ngược lại khi gợi được trẻ nói về chính em, điều em cảm nhận hoặc thấy, và khiến em an tâm là sẽ không bị chỉ trích, cười chê thì ta đạt được nhiều việc. Chuyện cần ý thức là cảm nhận siêu hình có tính cách cá nhân, ngay cả khi điều em nói là biết hoặc thấy, tỏ ra không phù hợp với cảm nghĩ người khác thì nó cũng vẫn là thật và do đó đúng đối với em. Một trong những sai lầm tệ hại nhất người lớn hay làm là tìm cách giải thích cho qua sự việc, như nói rằng chuyện không thể xẩy ra như vậy; bởi với trẻ – dù không phải với ai khác – thì chuyện là như thế, và phải được chấp nhận là vậy. Nhân đây xin nói thêm khi PST đăng các bài về đời sống tinh linh, một độc giả viết thư cho hay mô tả trong chuyện y hệt như cảnh mà bà thấy lúc nhỏ ở đồng quê miền nam Việt Nam, nhưng lúc đó thuật cho người lớn nghe thì không ai tin mà còn chê cười, hoặc bảo rằng đó là ma không có thật làm bà rất hoang mang đau khổ.
Trong trường hợp này, mà càng ngày ta càng gặp nhiều trẻ có khả năng như vậy, cách đáp ứng thích hợp được đề nghị là cha mẹ lắng nghe một cách tự nhiên rồi hỏi:
- Con thấy tiên nữ làm gì ?
Nếu câu trả lời không rành mạch thì người lớn có thể gợi ý:
- Con nghĩ tinh linh với tiên nữ có giúp cho cây cối và hoa trái tăng trưởng không ? (Xin đọc chuyện 'Cuộc Sống Ngoạn Mục của Tinh Linh' trên PST).
Trường hợp khác trẻ cho hay khi nghe nói chuyện thì em thấy chữ có mầu, có nghĩa ta chỉ nghe âm phát ra còn em vừa nghe vừa thấy hình và mầu sắc của chữ trong trí. Mẹ ghi nhớ rồi đem câu chuyện thuật cho giáo sư về ngữ học, sau đó em nhỏ được mời dự cuộc thí nghiệm về mầu sắc và âm thanh, vẽ ra hình và mầu của một số chữ và những hình này được treo trong cuộc triển lãm về ngữ học. Em nhỏ sáu tuổi thấy đó là điều hết sức tự nhiên, không có gì đáng nói. Chuyện có được kết cục tốt đẹp như vậy nhờ người lớn có tinh thần cởi mở, chịu lắng nghe trẻ mà không nạt cho im, và sẵn lòng xem xét thay vì gạt qua bên chuyện khác thường. Thí dụ khác nữa là tối đi ngủ em có thể thỏ thẻ là rất lo sợ vì như có ai tức giận em; lý do là em cảm được sự tức giận đó. Nếu quả ba hay má có tức bực trong ngày thì tốt nhất hãy nói một cách tự nhiên, thành thật:
- Phải, ba/má có bực mình nhưng hết rồi, mà chắc chắn là không có bực với con.
Một số lớn những trẻ này không cởi mở cho thấy tâm tình nhậy cảm của chúng, trừ khi đóng kịch hoặc qua sinh hoạt nghệ thuật nào khác. Bởi chúng đáp ứng với nhiều ảnh hưởng vô hình, không giải thích được, ta cần học cách đối phó với chúng để trẻ có thể vui vẻ hòa vào đời sống trong nhà và trường học. Đặc biệt không bao giờ nên để chúng bị kích thích cao độ hoặc mệt nhọc quá sức, khi thấy có dấu hiệu của các tình trạng này thì nên có cách cho em giải trí yên lặng, nghỉ ngơi, giải khát bằng nước ấm.
Chỗ ở yên tĩnh như đời sống thôn quê, trường học nhỏ thay vì trường lớn, học sinh không bắt buộc phải dự các môn thể thao mạnh bạo ồn ào mà trái lại được khuyến khích biểu lộ khả năng mỹ thuật qua nhiều phương tiện, có sinh hoạt ngoài trời êm ả, được xem là khung cảnh tốt nhất cho trẻ nào nhậy cảm. Hiển nhiên môi trường lý tưởng như thế nằm ngoài tầm tay của đa số người, dầu vậy ta nên nhớ rằng khung cảnh tâm linh và vật chất càng gần với lý tưởng chừng nào, thì trẻ có cảm nhận siêu hình càng ít bị khó khăn, đau đớn chừng ấy, và nhiều phần là em sẽ lớn lên thành người nhậy cảm, không bị khả năng bẩm sinh gây bất lợi cho chính mình.
Theo Our Psychic Sense
Phoebe and Lauren Bendit.