TÁI NGỘ
Ông Hugh Lynn Cayce, con trai của nhà tiên tri Edgar Cayce kể chuyện sau:
-'Tôi đóng trong trại lính ở Fort Meade hồi thế chiến II. Vì tôi tuổi Song Ngư (Pisces), khi nào trong trại ở tôi cũng luôn luôn được cấp giường trong phòng cạnh nhà tắm. Một hôm tôi đang ngồi trong phòng, nghe tiếng lộp cộp của bạn đồng đội đi về hướng nhà tắm, nhưng tôi không chú ý mấy cho tới khi người lính đi ngang qua cửa phòng. Tôi đã thấy anh trước kia, anh thuộc cùng đại đội của tôi, nhưng không để ý tới gì khác. Hôm nay anh có khăn tắm vắt qua vai, một tay cầm bánh xà phòng và chân mang guốc gỗ, y trang chỉ có vậy. Tôi nhìn anh và ký ức như bung ra, tôi buột miệng:
- Dữ hông, từ hồi mình cùng nhau bắt trộm lạc đà trong sa mạc Gobi bây giờ mới gặp lại anh.
Anh lính ngó tôi như thể tôi điên, còn tôi thì thấy hiển hiện trước mắt cảnh ba chúng tôi là thiếu niên hè nhau 'mượn đỡ' lạc đà của người khác mà không xin phép. Đó là lạc đà đua. Ba chúng tôi đang ngồi quanh đống lửa và thấy gia đình bị mất lạc đà rượt theo. Họ bắt được chúng tôi và tôi nhớ là bị đánh đòn. Chuyện xẩy ra hàng ngàn năm về trước mà chỉ trong một tích tắc lóe lên trong tâm thức, tôi hoàn toàn không kiểm soát được sự việc.'
Thiếu niên thứ ba cùng lấy trộm lạc đà thuở ấy nay là một tân binh 18 tuổi, tức chỉ bằng phân nửa tuổi ông Hugh Lynn, dầu vậy ông cảm thấy có tình thân với anh binh nhì này và cả hai trở nên thân thiết với nhau. Đó là khởi đầu cho tình bạn suốt đời giữa hai người, hay đúng ra là sự tiếp tục tình bạn đã kéo dài nhiều kiếp qua. Trong kiếp này nó là tình thân giữa người thượng sĩ tuổi trung tuần và anh binh nhì còn trong tuổi thiếu niên.
Khi khác ông viết:
- 'Tôi tin là cần làm cho xong công chuyện, không phải chỉ trong kiếp này mà còn khi nó có liên hệ đến nhiều kiếp khác, vì tôi nghĩ mọi chuyện ăn khớp ráp lại với nhau thành một khối chặt chẽ. Tôi muốn làm gì thì phải có sẵn mọi chuyện liên hệ, thí dụ muốn ăn trứng chiên thì tôi phải có vài quả trứng, đó là cách tôi sống trong đời. Ý niệm luân hồi dẫn tới điều ấy và mở rộng tầm nhìn của tôi về mọi việc.'
Ông lấy thí dụ về một thiếu niên người Ai Cập tên Nula, anh làm ông nhớ lại một kiếp xa xôi khác. Đó là chuyện vào lúc ông đi khảo cổ tại vùng có con Nhân Sư (Sphinx) và ba kim tự tháp ở ngoại ô Cairo, Hugh Lynn kể:
'Mỗi ngày hắn tới chờ ở con Nhân Sư, hắn muốn học Anh văn hơn hết thẩy để thành người hướng dẫn du lịch cho du khách Mỹ và ai nói tiếng Anh.'
Về phần Nula thì anh nhớ là thấy ông Hugh Lynn ngồi gần con Nhân Sư, xem việc đào xới khai quật.
-'Tôi thấy ông ngồi đó nhiều ngày, chỉ ngồi yên trông coi. Ông đội nón rộng vành, ngồi giữa trời nắng chang chang. Tóc ông trắng quá làm tôi nghĩ không chừng ông bị trúng nắng.'
Nula tìm cách gạ ông mua vé đi thăm vùng kim tự tháp, nhưng ông Hugh Lynn chỉ cười trừ và trò chuyện với chú bé, chú bảo đang học Anh văn và muốn thực tập nói tiếng Anh. Hai người nói qua lại và chơi cờ với nhau. Ông Hugh Lynn thuật tiếp:
- 'Ngày đầu tiên đó tôi hiểu rằng mình đã biết hắn, nhưng không biết là ở đâu. Về tới khách sạn khi lên giường ngủ tôi hỏi thầm là làm sao mình biết chú nhỏ. Và tôi nằm mơ thấy Nula. Trong giấc mơ hắn ngăn không cho người khác giết tôi trong một kiếp ở Ai Cập, có thể là trong kiếp nói rằng tôi làm vua nơi ấy. (Ông Edgar Cayce khi soi kiếp cho con thuật lại giai đoạn này). Hắn chỉ là một người lính thường. Tôi mơ thấy có giao chiến, tôi và toán lính hộ vệ cho tôi bị lạc nhau, rồi có đám người khác muốn hạ sát tôi, họ cầm lao tiến tới gần. Trong khi đó Nula và mấy người nữa kêu lớn để lính của tôi quay lại. Một kẻ cầm lao xông đến sát bên nhưng Nula đứng chận trước mặt giữa tôi và kẻ ấy, khiến mũi lao đâm xuyên qua người hắn. Lính của tôi ùa tới, nhưng Nula nằm chết trong tay tôi trong khi tôi luôn miệng kêu "Ráng sống, ngươi muốn gì ta cũng sẽ cho. Ráng sống." Đó là giấc mơ của tôi. Sáng hôm sau hắn lại tới chỗ con Nhân Sư và tôi hỏi:
-"Em muốn gì nhất trong đời ?' , hắn đáp, "Em muốn đi qua Mỹ". Tôi chẳng nói gì thêm với hắn, bởi có biết bao người Ai Cập muốn sang Hoa Kỳ, và hắn không biết nhưng ngay lúc đó tôi tính toán để mang Nula tới Mỹ. Phải mất mấy năm mới xong nhưng tôi đem được hắn qua đây, cho vào học trường cao đẳng cộng đồng và tìm việc cho hắn.'
Về sau Nula thành hôn với một cô gái Mỹ tên Elaine. Sau đám cưới không bao lâu, Elaine bắt đầu có sự sợ hãi kỳ lạ mỗi lần Nula về trễ, hay không có nhà lúc Elaine về và nghĩ rằng hẳn anh phải có nhà rồi. Cả hai không biết gì về giấc mơ của ông Hugh Lynn, chỉ sau khi thành hôn và trong một dịp tới thăm nhà hai người ông mới kể lại. Elaine bảo cô bị xúc động mạnh mẽ khi nghe ông tả cảnh Nula tử nạn trong giấc mơ.
-'Tôi gần như không thở được. Trọn cả người nổi da gà và tôi biết đó là chuyện thật. Tôi chỉ có thể nhìn trân trân vào mắt ông, vì lời nói chỉ tả được phần nào cảm xúc. Gian phòng và Nula dường như không có lúc đó. Tôi thấy trong mắt ông Hugh Lynn cảnh ông vua lúc xa xưa kia quì bên đường người đẫm máu, thốt lời hứa hẹn với một người bạn đang chết dần'.
Từ đó trở đi Elaine không còn sợ hãi khi Nula không có nhà. Cô tin rằng nỗi lo sợ này là ký ức của việc mất đi Nula trong kiếp ở cổ Ai Cập, vào ngày mà căn nhà hóa trống vắng khi Nula hy sinh thân mình cứu mạng vua. Elaine cũng tin là tìm ra câu đáp về hai vết lạ lùng trên thân chồng:
-'Tôi để ý có hai vết tròn không đều và khác mầu trên da Nula, một ở ngực và một sau lưng. Tôi hỏi anh có nhớ chuyện gì liên hệ đến hai vết thẹo này, nhưng anh đoan chắc rằng đó là các vết bẩm sinh, và phá ra cười khi tôi nói có thể đó là do cây lao đâm hồi ở cổ Ai Cập.'
Kể lại chuyện này, việc tìm được Nula trong biển người ở Cairo (dân cư Cairo có hằng chục triệu người) sau bao nhiêu năm tháng khiến ông Hugh Lynn tin là đã làm tròn lời hứa khi xưa và trang trải xong món nợ karma của mình.
Trích từ:
'Hugh Lynn Cayce: About My Father's Business', by A. Robert Smith. 1988