SHARING THE LIGHT
ĐIỂM SÁCH
Nhà xuất bản sách TPH Theosophical Publishing House tại Philippines vừa cho ra hai quyển Sharing the Light volume 1 và 2, là tổng hợp những bài viết đăng trên các tạp chí và bài giảng của ông Geoffrey Hodson, năm 2008. Kỳ điểm sách này xin chỉ giới hạn vào quyển 2 (897 trang chưa kể phần danh mục) của bộ sách.
Tác giả Hodson là một nhân vật kỳ cựu của Hội TTH quốc tế, từng đến Việt Nam giảng nhiều lần, và là một trong những huynh trưởng được kính phục trong Hội. Ông không giữ chức vụ nào tại hội chánh ở Ấn Độ, ngoài việc làm giám đốc trường Minh Triết (School of Wisdom) vài lần tại Adyar và dạy trường hè tại Krotona, tuy nhiên ảnh hưởng của ông rất mạnh, do việc ông đi giảng thuyết không ngừng nghỉ trên khắp thế giới trong một thời gian đáng kể hơn 60 năm, và do những sách mà ông viết về thế giới thiên thần.
Ông sinh tại Anh năm 1886 và mất tại New Zealand năm 1983, thọ 97 tuổi. Ông vào Hội năm 1912, năm 1914 khi thế chiến thứ I tại Âu châu xẩy ra, ông không muốn vào quân đội vì không thích sự chém giết nhưng trong một giấc mơ, có một vị oai nghi dang tay đưa cho ông thanh kiếm chói ngời để ngửa trên lòng bàn tay. Tỉnh dậy ông không còn ngần ngại và gia nhập binh chủng thiết giáp. Từ lúc nhỏ và trong những năm chiến trận, nhiều lần ông được cứu thoát trong đường tơ kẻ tóc, thí dụ như đi học té xe đạp bất tỉnh mà khi tỉnh lại, ông thấy được đặt nằm trong sân trường; khi vào lính thì có những lần thoát chết không giải thích được.
Sau thế chiến thứ I, ông giải ngũ, lập gia đình, đi làm trở lại nhưng hoạt động cho Hội ngày càng nhiều đến mức trở thành sinh hoạt chính của ông. Các bài ghi lại trong bộ Sharing the Light quyển 2 được xếp đặt theo đề mục, nhưng dù là trong đề mục nào chủ đích chính của ông cũng lộ rõ và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là quảng bá Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL). Ông coi đó là sứ mạng của mình trong bao nhiêu năm, liên tục giảng dạy không ngừng nghỉ từ nước này sang nước khác, tại đủ mọi chỗ như Hollywood, Sài Gòn và dùng mọi phương tiện như truyền thanh, truyền hình để truyền đạt Sự Sáng.
Ông là đệ tử của các Chân sư mà không hề lộ ra điều này trong thời gian tại thế. Chỉ sau khi ông qua đời chi tiết mới được ghi rõ trong quyển Light of the Sanctuary, cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa các ngài với ông, và ông đã hết lòng phụng sự như thế nào. Những bài giảng của ông có tính giản dị, trình bầy các chân lý vĩnh cửu một cách dễ hiểu, trong sáng, nên lôi cuốn và làm thỏa mãn số đông thính giả. Sức thu hút có được một phần vì đề tài hấp dẫn và ông nói từ kinh nghiệm cá nhân do có thông nhãn (clairvoyance), nhưng phần khác là do chính con người của ông. Ông làm điều ông giảng là cố gắng sống theo MTTL, cho thấy đó là việc thực hiện được mà không phải chỉ là hiểu biết, kiến thức suông.
Có hai điểm ta cần lưu ý khi đọc quyển trên. Thứ nhất là tính cách giản dị, dễ hiểu ấy làm các bài giảng có thể không còn đáp ứng đủ trong thế kỷ 21 khi ta phải đối đầu với những vấn đề mới của thời đại. Những bài viết của ông xác định nhu cầu cần trình bầy TTH cho thế giới vào thời của ông cũng như ngày nay, nhưng nội dung làm ta nhận ra là phải dùng cách thức khác do việc tân kỷ nguyên có suy nghĩ phức tạp hơn thời đại của ông, nếu muốn việc trình bầy có hiệu quả; bởi ý tưởng đưa ra cách đây hơn 70 năm có thể thích hợp vào thời điểm ấy mà không còn được vậy cho thế kỷ 21. Chân lý có thể không thay đổi tuy nhiên cách diễn đạt thì phải cập nhật luôn để cận nhân tình. Sách vì vậy có giá trị lịch sử hơn là các giá trị khác.
Đọc ý nghĩ của ông chúng ta có sự cảm thông của những người nhận lãnh chung một sứ mạng, chỉ khác là kẻ trước người sau; quan điểm có dị biệt về cách thực hiện nhưng công việc là một không thay đổi, vì thế giới đang cần sự hiểu biết về MTTL để quân bình sự phát triển mạnh mẽ của trí năng thiên về vật chất. Ý tưởng trong sách nhắc nhở ta đến vai trò của Hội là truyền bá MTTL, và công việc của ai đã biết MTTL là sống đạo. Đó là cách trình bầy MTTL hữu hiệu nhất, được biểu lộ rõ ràng qua một đời tận tụy của ông.
Nơi gửi mua: The Theosophical Publishing House
1 Iba Street, Quezon City
Philippines 1114. Email: philtheos@gmail.com
Sau đây xin trích hai đoạn trong các bài giảng của ông. Nói về bổn phận của hội viên đối với Hội, ông viết năm 1953 (t.350):
'Tôi thấy rõ là chữ 'bổn phận' không thể nào chấp nhận được đối với tôi, tôi không tin hội viên có bổn phận gì với Hội TTH, và thực sự là tôi nhất định chống lại chữ ấy. Một thanh niên trong Hội có lần nói với tôi rằng những hội viên lớn tuổi dùng hai câu làm anh và nhiều người khác thật bực bội đến mức chịu hết nổi, ấy là 'Tôi nghĩ chúng ta phải ...', và 'Tôi cảm thấy chúng ta cần ...'. Tôi lập tức thông cảm với bạn trẻ và quyết tâm không dùng những câu ấy ... Tuy tôi rất quí chuộng minh triết ta có trong Hội, sự tự do tư tưởng mà Hội đề xướng mới làm tôi thấy gia nhập Hội có giá trị và có sức lôi cuốn.
‘Tôi muốn nói là không ai trong chúng ta có thể áp đặt bổn phận, trách vụ hay đề nghị gì liên quan đến lối sống. Đó là điều cấm kỵ. Nhiều người nói với tôi là họ không đến Hội vì có lời úp mở rằng 'Bạn phải ăn chay, bỏ hút thuốc lá và không được mặc áo lông thú nếu muốn nhập bọn với chúng tôi'. Hội viên mới kể cho tôi hay là hội viên lâu năm bảo họ 'Bạn không hề đi họp, bạn cũng không giúp gì trong chi bộ. Bổn phận của bạn là phải đi họp, bạn biết chứ'. Đây quả là việc tối kỵ, có hại, và gây hại cho việc làm của chúng ta.
‘Vì thế, tôi xin đề nghị rằng về những gì liên quan đến TTH, tất cả hội viên phải có được tự do hoàn toàn, được chấp nhận như họ là, và chấp nhận đời của họ. (Xin đọc thêm bài 1001 Chuyện, PST 54).
Về những buổi họp của chi bộ, xin trích nhận xét của ông (t.670, 1942):
'Rất thường khi trong lúc thuyết trình tôi cảm nhận có sự hợp tác tích cực của hội viên ngồi rải rác trong cử tọa. Tôi rất quí trọng sự hiện diện của họ, không những vì sự hỗ trợ của họ đối với tôi là thuyết trình viên, mà vì tôi biết họ còn là những đường kinh tận tụy qua đó năng lực và minh triết của các Chân sư có thể đến với những ai tới chi bộ để tìm sự sáng.
‘... Qua bao năm trình bầy TTH, tôi có những chứng cớ nói rằng trong số công chúng đến dự các buổi giảng về TTH nhiều người có được thay đổi tâm lý lớn lao, và điều ấy không nhất thiết là do kết quả của lời giảng viên, đôi khi nó xẩy ra bất kể giảng viên và lời họ nói ! Việc cho thấy rõ ràng có một khía cạnh bí ẩn, bên trong của những buổi giảng cho công chúng của chi bộ, mang ý nghĩa tâm lý và tinh thần sâu xa, nhất là khi có những hội viên tận tụy ngồi rải rác giữa công chúng, tác động như là con kinh cho sự sáng chiếu rọi vào một cảnh đời bị u ám. Và đó là phận sự của chúng ta, mang lại ánh sáng cho một thế giới tạm thời bị bóng tối che phủ (thời điểm của bài là đang giữa thế chiến II).
‘... Công chúng đến nghe giảng với thái độ và hậu ý khác nhau. Vài người được những vị cứu trợ vô hình dẫn dụ để tới, nhưng nói chung việc tham dự buổi nói chuyện về TTH có tầm quan trọng lớn lao về trí tuệ và tinh thần cho mỗi người trong cử tọa. Không ai chỉ tình cờ đến dự, ngay cả ai tới do lòng hiếu kỳ cũng có nhu cầu bên trong mà MTTL có thể làm thỏa mãn. Khi đó kết quả thường rất là kỳ diệu; hào quang của họ nở lớn, chiếu sáng do chân ngã tác động và gây ấn tượng lên tâm thức của họ từ bên trong, đáp ứng với sự trợ giúp từ bên ngoài. Đôi khi trọn cuộc đời của họ thay đổi chỉ trong vài phút.
‘Sự đau khổ sinh ra nhiều cơ hội cho loại công việc này. Có vẻ như nỗi khổ tâm của con người làm động lòng các Chân sư hơn bất cứ điều gì khác. Dù hiện hữu trong sự an lạc, các ngài nhậy cảm với chuyện thương tâm của thế giới, và có biết bao con tim bị vò xé đã được các ngài và tác nhân của các ngài chữa lành. Năng lực giống như tia sáng mặt trời được chiếu thẳng vào tim người, rồi sau đó vào đầu và chót hết vào trọn hào quang cho đến khi mảng mây xám đục trong hào quang bị xua đuổi ra. Rất thường khi người ta mòn mỏi ngủ thiếp trong sự đau thương, và người cứu trợ vô hình chăm lo cho họ.
‘Nếu sự buồn khổ là do thương tiếc thân nhân đã qua đời, người cứu trợ có thể dàn xếp cho họ gặp thân nhân và gây ấn tượng sự việc lên não bộ. Khi nhân quả có thể thay đổi được thì họ cũng có thể dàn xếp cho con người, nhưng nỗ lực chính là sắp đặt để người bị đau khổ thay đổi thái độ của mình ... Ta nên nhớ là các Chân sư đã làm việc này và nhiều việc khác không ngừng nghỉ từ bao nhiêu thế kỷ qua. Các ngài chẳng hề dừng tay, không bao giờ thất vọng cho dù kết quả thế nào.’