N. SRI RAM
(PST 60)
Quyển N. Sri Ram – A Life of Beneficence and Wisdom do ông Pedro Oliveira soạn về vị Chánh Hội Trưởng thứ năm của hội Theosophia thế giới, được nhà xuất bản The Theosophical Publishing House phát hành năm 2009.
Nilakanta Sri Ram (1889 – 1973) sinh ở miền nam Ấn Độ trong gia đình có tám con, bốn trai bốn gái mà ông là con đầu lòng. Gia đình ông thuộc giai cấp Brahmin, cha ông là kỹ sư làm việc trong ngành công chánh mà cũng là học giả nghiên cứu nhiều về kinh điển Ấn Độ và Phạn ngữ. Cha ông có gặp ông Olcott và do vậy gia nhập hội năm 1883, trở thành hội viên đầy nhiệt tâm; cũng nhờ đây mà các con lớn lên trong môi trường TTH, được giáo dục trong trường TTH tại Adyar; khi tới phiên mình lập gia đình và có con, ông Sri Ram cũng tiếp tục việc này và cho ba con của ông theo học các trường TTH. Các em của ông kể lại việc chơi đùa trong khu vườn rộng lớn của trụ sở hội tại Adyar, được gặp gỡ hội viên đủ mọi quốc tịch; về chính ông thì Sri Ram cũng được gặp ông Olcott trong những năm cuối đời của vị chánh hội trưởng đầu tiên tại Adyar, và dự các buổi thuyết trình của những vị như Annie Besant, Charles Leadbeater từ năm 1900.
Ông tốt nghiệp đại học Madras với bằng cử nhân toán năm 1908, xong tiếp tục học lên cao học toán theo ước muốn của cha mình, nhưng không đậu. Nay nhớ lại, em ông cho rằng khi ấy tâm trí ông hoàn toàn hướng về hội và không còn chỗ cho điều nào khác. Ông gia nhập hội năm 1909 với bằng hội viên do bà Annie Besant ký, và việc làm đầu tiên ông có trong đời là giáo sư tại trường TTH ở tiểu bang Andhra Pradesh, cách Adyar khá xa. Dầu vậy, đang tuổi thanh niên nên Sri Ram không nề hà, về thăm Adyar ít nhất một tháng một lần dù phải đi xe lửa đêm, đổi xe giữa đêm khuya khoắt, sau đó là xe lôi mới về tới Adyar.
Sách cho ra hình ảnh chân thực về ông Sri Ram, trong tuổi thanh niên là trai trẻ vui sống, chơi thể thao, có cá tính độc lập mạnh mẽ. Tính độc lập được biểu lộ rõ khi cha ông qua đời. Ấn giáo có những nghi lễ mà do truyền thống người ta thường làm theo, nhưng Sri Ram quyết định ông sẽ không thực hành các tục lệ này. Khi gạt bỏ chúng thì Trời không sập đối với người sống và người chết cũng chẳng sao. Ông khuyên người khác trong cảnh tương tự hãy giữ vững quyết định của mình đối với áp lực của thân nhân và bạn bè không hiểu biết.
Chuyện khác là trong khi thánh Gandhi nổi tiếng với việc đòi hỏi có đối xử công bằng cho giai cấp tiện dân trong xã hội Ấn, với Sri Ram ông thực hành điều ấy lúc sớm sủa qua hành động là có người giúp việc nhà thuộc giai cấp này. Cách xử sự đó gây bàn tán khi ấy, để hiểu rõ xin giải thích luật bất thành văn của xã hội Ấn, là giai cấp Brahmin trên cùng thường tránh không tiếp xúc với người thuộc giai cấp chót là tiện dân. Ai câu nệ thì nếu cả hai đi cùng một bên đường, họ sẽ băng qua đường đi sang lề bên kia, vì không chấp nhận ngay cả việc để bóng trên đường của hàng tiện dân chạm vào mình.
Ông lập gia đình năm 1908, và có hai trai, một gái là bà Radha Burnier, vị Chánh Hội Trưởng đương nhiệm. Vào lúc này Ấn Độ là thuộc địa của Anh, ông Sri Ram tích cực hoạt động cho phong trào đòi tự trị, lên tiếng mạnh mẽ bất cứ khi nào có dịp và do đó, bị cơ quan điều tra của Anh theo dõi. Cha ông mất năm 1919, Sri Ram là con trai trưởng nay thành chủ gia đình và thử thách đến với ông năm 1920, khi em gái Rukmini thành hôn với ông George Arundale, về sau là một vị Chánh Hội Trưởng khác. Đây là điều cấm kỵ theo giai cấp Brahmin, cũng như xã hội có phản ứng không thuận lợi cho hôn nhân hợp chủng như thế. Nhiều nơi phản đối quyết định này, báo chí la ó tạo thành một trận bão dư luận dữ dội. Ông Sri Ram một mình đương đầu với cơn thịnh nộ của xã hội và thân nhân, chấp thuận cuộc hôn nhân với hệ quả là họ hàng tẩy chay và bị công luận chê trách.
Sri Ram bắt đầu làm việc thân cận với bà Annie Besant từ năm 1916, trong tổ chức đòi tự trị cho Ấn Độ do bà thành lập. Bà cũng dùng báo chí làm phương tiện để hoạt động cho mục tiêu này, bà làm chủ một số báo trong nhiều năm và từ năm 1919, ông Sri Ram gia nhập ban biên tập báo New India. Ông làm việc cho báo đến năm 1932 và là chủ bút của báo trong những năm cuối. Ông là thư ký riêng cho bà Besant từ năm 1929 - 33 tức cho đến hết đời bà, và cũng được bà chọn làm người thi hành di chúc.
Bản tính ôn hòa của ông biểu lộ rõ qua thái độ đối với tư tưởng của Krishnamurti. Khi Krishnamurti và Hội chia tay nhau, nhiều người vạch ra sự đối chọi giữa chỉ dạy mà hội Theosophia quảng bá và tư tưởng của Krishnamurti, riêng ông thì nhận xét rằng Krishnamurti trình bầy MTTL theo một cách mới, cần phải có và có tính cách mạng. Ông nêu ra ý kiến, mà sau này nó được một số người tán đồng, là nên ghi thêm 'đã không xẩy ra như mong đợi' vào chủ trương cho rằng việc đức Di Lặc trở lại, dùng thân xác của Krishnamurti đã không xẩy ra; theo nghĩa nếu ta có thành kiến mạnh mẽ về một điều gì, khi chuyện tới mà không theo cung cách, hình thức như thành kiến ta định, con người sẽ bác bỏ cho rằng không có việc ấy.
Sách nêu ra nhận xét là không chừng thái độ quân bình của ông Sri Ram đối với những điều tranh cãi hoặc có tính chia rẽ, là nền tảng cho sự ổn định của hội trong hậu bán thế kỷ 20. Ông trầm tĩnh lèo lái hội trong thời đại mới, bằng cách cho thấy MTTL có tính thực tiễn và phổ quát ra sao, và luôn tin rằng còn nhiều điều về TTH cần được khám phá.
Ông giữ nhiều chức vụ trong hội quốc tế từ năm 1937, như Thủ quỹ, Phó Hội Trưởng, thuyết trình viên đi giảng tại nhiều xứ bộ trên thế giới ở Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Á châu, viếng thăm VN năm 1955. Năm 1953, vì lý do sức khỏe Chánh Hội Trưởng Jinarajadasa không ra ứng cử kỳ hai, và ông Sri Ram được bầu vào chức vụ này ngày 17 tháng hai. Trang 54 của sách ghi ý kiến xin lược dịch:
− ... Nhiệm kỳ của ông tượng trưng cho một điểm quanh trong lịch sử Hội. Những lời bàn của cá nhân về các Chân sư và mức phát triển tự gán cho mình trên đường tinh thần nay chấm dứt. Tuy học hỏi sâu rộng về MTTL, ông Sri Ram không hề tuyên bố tác giả này hay kia có thẩm quyền về MTTL. Bài viết và bài giảng của ông phản ảnh mức độ thâm sâu của cái trí có hiểu biết chân thực, không hề kết tinh cứng ngắc về mặt lý luận, mà dùng ánh sáng của MTTL rọi vào vấn đề của cuộc sống hằng ngày ... Ông có sự quý chuộng, thiện cảm và tôn trọng bất cứ ai ông được gặp. Nhiều người cảm nhận và cho rằng đời sống của ông tỏa hương thánh thiện.’
Trong hai mươi năm ở chức vụ Chánh Hội Trưởng, ông Sri Ram có nhiều thành đạt như chuyển trọng tâm việc trình bầy MTTL từ mặt huyền bí của sự vật và hiện tượng (là khuynh hướng của sách vở TTH từ hồi đầu thế kỷ 20, thiên về lòng sùng tín), sang đạo lý cao cả của Theosophia hay huyền bí học chân chính, và vai trò của MTTL trong việc cải hóa tâm thức người. Nỗ lực độc đáo của ông là nêu cao bản chất của Theosophia như là Minh Triết có tính biến đổi được tâm thức, mà không phải chỉ là lời giải thích về tiến trình đang diễn ra trong con người, thiên nhiên và vũ trụ.
Huynh trưởng Sri Ram qua đời ngày 8 – 12 – 1973 khi đang tại chức. Dưới đây là nhận xét của những người quen biết hay cộng sự viên làm việc lâu năm với ông:
● Đời ông không những có nét khiêm tốn, óc quan sát và lắng nghe, mà còn có lòng thương yêu sâu đậm ... Nơi ông có điều gì đó chân thành, nồng ấm và chân thực khiến ai gặp ông một, hai lần đều cảm thấy thân thiết. Lòng thương mến của ông thường kín đáo, không hề lộ liễu hoặc phô trương. Nó không phải là ngôn từ, sự thật là ông rất ít khi nói là mình yêu quí ai, bản tính của ông không phải vậy, nhưng ông diễn tả một cách tế nhị cảm tình của mình ... Ông biết khuyết điểm của người khác nhưng xem chúng như chỉ là tật tạm thời và ông có thể gợi nên ưu điểm của họ.
Ông không thực sự sống trong cõi đời này, tôi luôn luôn có cảm tưởng là ông sống trong một thế giới khác thường hằng hơn, có sự tốt lành, tình thương và thanh khiết. Ông không coi là quan trọng những chuyện phù du như khuyết điểm của người. Vì vậy ông có thái độ từ hòa đối với những ai tiếp xúc với ông ngay cả khi họ không đáp ứng ngay; nhưng nơi đâu có đức hạnh và có tính thiện thì chúng làm tan dần sự cứng lòng.
● Ông trình bầy MTTL từ tâm mình, không hề tuyên bố mình có quyền năng huyền bí, hoặc trưng ra kinh nghiệm tâm linh. Ông có sự hiểu biết thâm sâu về MTTL và kiến thức rộng rãi về sách vở TTH từ các tác phẩm của HPB trở đi, cùng kinh sách cổ. Ông trình bầy Theosophia cho thế giới theo cách ông hiểu nó, và thường tránh việc trích lời những tác giả khác để hỗ trợ cho ý tưởng của mình, vì ông tin rằng người ta cần đạt tới sự hiểu biết mà không dựa theo lời của 'người có thẩm quyền cao' ... Dưới sự lãnh đạo của ông, hội đã mở rộng ý niệm của nó về Theosophia, qua việc hiểu biết sâu hơn về bộ The Secret Doctrine được quân bình với nghiên cứu đương thời, nhất là trong lãnh vực khoa học và xã hội học. Nguyên lý được nhấn mạnh thay vì chi tiết.
● Ông không quan tâm về ... cái ngã nhỏ bé của mình. Ông không để cho mình được xưng tụng hoặc được đối xử đặc biệt, nếu có cuộc thảo luận thì bạn sẽ thấy vị Chánh Hội Trưởng ngồi ở một góc kín đáo, lắng nghe ý kiến có khi không hay cho lắm của hội viên, và chỉ buộc lòng lên tiếng khi được hỏi thẳng. Ông không có lòng kiêu căng.
Có lần tôi hỏi ông có thích làm Chánh Hội Trưởng chăng. Ông đáp không đặc biệt muốn như vậy, nhưng ông có mặt khi cơ hội tới và nghĩ rằng mình có thể giữ chức vụ nên phải ra ứng cử. Nhưng điều giỏi nhất mà ông làm đuợc là sống lặng lẽ và gặp gỡ người khác. Lòng sẵn sàng phục vụ không ngần ngừ này chắc chắn là dấu hiệu của người thích hợp với chức vụ cao nhất trong hội.
● Nhờ công của ông mà trong hai mươi năm làm Chánh Hội Trưởng, ông đã thay đổi trọn trọng tâm của quan điểm trong hội ... Ông chuyển nó không ồn ào từ việc tôn sùng cá nhân sang tầm quan trọng của MTTL trong việc tìm hiểu về con người.
● Để trả lời câu hỏi 'Làm sao có thể giữ tâm bình thản khi ta chứng kiến bao thảm cảnh trên đời ?' ông nói rằng để có thể hiểu sự đau khổ ta phải có tâm an nhiên, và hơn nữa nhờ sự an nhiên này mà hành động phát sinh từ sâu thẳm trong người, được hướng dẫn từ bên trong chốn ấy.
● Mỗi khi tôi suy gẫm đến lời Phật dạy, trong trí tôi hiện ra hình ảnh của ông Sri Ram như là một trong các biểu hiện sống động cho lời ấy, lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng dịu dàng, không mầu mè; ông không hề thốt lời nào không lành hoặc có tư tưởng chê trách về một ai.
Ông Sri Ram viết nhiều sách, trong đó quyển Thoughts for Aspirants (Tư Tưởng dành cho Người Chí Nguyện) có lẽ được nhiều người biết đến nhất. Sách được cô Cao Thị Lan dịch sang Việt ngữ từ lâu, dưới đây là vài đoạn trích từ nguyên tác Anh ngữ, chúng đặc biệt có nét minh triết, từ ái, khoan hòa, thông cảm là một số trong các đặc tính nổi bật của ông.
− Tình huynh đệ có nghĩa ta xem mọi người như họ là, nhìn ngắm họ với lòng thân ái, và giúp họ theo cách tự nhiên nhất, với sự trang trọng và lòng không cầu mong có đáp trả. Không ai trong chúng ta thực sự biết tiềm năng của người khác, đặc tính thực sự và khả năng của họ, hoặc họ có thể tiến lên tới mức cao như thế nào.
− Tự biết mình là nền tảng duy nhất cho bất cứ thay đổi sâu xa hay biến cải nào trong chính thân ta, nó là điều phải đến từ bên trong nếu muốn kéo dài và có phẩm chất tinh thần thanh khiết, điều không thể phai mờ hoặc tàn lụi đi.
− Có những khía cạnh của Chân lý chỉ có thể được khám phá trong nội tâm và không có cách nào khác; và chúng là phần có giá trị nhất trong đời.
− Chân lý cao nhất mà chúng ta có thể khám phá phải là chân lý đồng nhất với bản tính sâu kín nhất của chúng ta; mỗi người phải tự mình tìm ra nó.
− Một kinh nghiệm thanh khiết không để lại sau lưng điều gì, ngoại trừ hương thơm của nó.