NGƯỜI THÔNG THIÊN HỌC
Người Thông Thiên Học là sao ?
(What are the Theosophists ? The Theosophist, số 1, tháng 10 – 1879 t. 5-7
Blavatsky Collected Writing II: 98-106)
...
Mục đích của Hội Thông Thiên Học (TTH) có nhiều, nhưng mục đích quan trọng nhất là làm sống lại công cuộc của Ammonius Saccas và khiến nhiều quốc gia nhớ rằng họ là những con cái 'cùng một mẹ'. Về khía cạnh tâm linh của TTH thời cổ, nay cũng là lúc Hội nên giải thích. Hội đồng ý bao nhiêu với chủ trương hướng về thiên nhiên, khoa học về Thần linh của những nhà thần bí cổ Hy Lạp và Aryan, và với quyền năng của đồng cốt tân thời ? Câu trả lời của chúng tôi là: – đồng ý với tất cả. Nhưng nếu hỏi là Hội tin điều gì thì câu đáp sẽ là: 'với tư cách là một tổ chức – Không tin vào điều nào cả.'
Hội – như là một tổ chức – không có tín điều vì tín điều chỉ là cái vỏ bao quanh hiểu biết tinh thần; và TTH đi tới tận cùng thì chính là hiểu biết tinh thần – phần tinh túy của việc tìm kiếm triết lý và thần học. Hội là đại diện hữu hình cho TTH phổ quát, nó không thể có phân chia gì hơn một Hội Địa Lý, đại diện cho cuộc thám hiểm địa lý tổng quát và không màng là những người thám hiểm có niềm tin này hay kia. Tôn giáo của Hội là một phương trình đại số, bao lâu mà trong đó dấu bằng = không bị bỏ sót thì mỗi hội viên được phép thay bằng tính chất riêng của họ, phù hợp tốt hơn với điều kiện khí hậu và những đòi hỏi khác của đất nước họ, tính chất dân tộc, hoặc ngay cả tính chất của họ.
Bởi không chấp nhận tín điều nào, Hội rất sẵn sàng cho và nhận, học hỏi và chỉ dạy theo thí nghiệm thực tiễn, đối lại với việc thụ động chấp nhận, dễ tin những tín điều ép buộc. Hội sẵn lòng thừa nhận mọi kết quả do bất cứ trường phái hay hệ thống nào tuyên bố mà có thể giải thích hợp lý và thử nghiệm. Ngược lại, nó không thể bạ chuyện gì cũng tin, bất kể ai đòi hỏi như thế.
Tuy vậy, khi xem xét riêng rẽ từng cá nhân thì đó lại là chuyện khác. Hội viên của Hội đại diện cho các quốc gia và chủng tộc khác nhau, được sinh ra và giáo dục theo đa số những đạo giáo và điều kiện xã hội rất khác nhau. Có người tin chuyện này, người khác tin chuyện khác. Kẻ thì tin vào huyền thuật cổ xưa, hay minh triết bí truyền được giảng dạy trong các đạo viện đối nghịch hẳn với chuyện thần thông huyền hoặc; kẻ khác tin vào thông linh học tân thời, hoặc việc giao tiếp với linh hồn người đã khuất, kẻ khác nữa tin chuyện thôi miên hay nhân điện, hay một lực huyền bí linh động trong thiên nhiên.
Có một số người chưa tin vào điều gì rõ rệt, mà có tâm trạng chăm chú đợi mong, và lại có kẻ khác nữa tự cho mình là người duy vật về một mặt nào đó. Trong Hội không có ai vô thần hay cuồng tín theo một tôn giáo nào, vì sự kiện họ gia nhập hội chứng tỏ rằng họ đang đi tìm chân lý tối hậu về bản chất sâu kín của sự vật. Nếu có ai là người vô thần đầy thắc mắc, mà triết gia cho là không có ai như thế, thì người ấy sẽ phải bác bỏ cả nhân lẫn quả trong thế giới vật chất này hoặc thế giới tinh thần. Có thể có những hội viên giống như thi sĩ Shelley, để trí tưởng tượng bay xa từ nguyên do này đến nguyên do kia vô tận, vì mỗi căn nguyên lại do lý luận biến thành kết quả, đòi hỏi có một nguyên do trước nữa, cứ như thế cho tới lúc họ biến sự Vĩnh Cửu là điều bất khả tư nghì thành chuyện có thể diễn giải được.
Nhưng dầu vậy họ không phải là người vô thần đầy thắc mắc, xem những lực vật chất có vai trò như người hữu thần gán cho Thượng đế của mình; vì một khi không thể thoát khỏi ý niệm về lý tưởng trừu tượng của quyền năng, nguyên do, sự thiết yếu và hệ quả, họ được xem là người vô thần chỉ về phương diện Thượng đế cá nhân mà không phải về phương diện Đại Hồn của người đa thần. Ngược lại, người cuồng tín tôn giáo bị giam hãm vào một tín điều mà trên mỗi cọc gỗ của vòng rào bao quanh có lời cảnh cáo 'Không có ngõ thông'; họ không thể vượt khỏi vòng rào của mình để gia nhập Hội TTH, cũng như nếu họ thoát được ra ngoài thì Hội không có chỗ cho ai mà tôn giáo họ ngăn cấm việc tra xét đức tin. Chủ trương căn bản của Hội là việc nghiên cứu tự do và không ngại ngùng.
Với tư cách là một tổ chức, Hội TTH chủ trương rằng mọi ai tự mình suy nghĩ hoặc ai nghiên cứu khía cạnh bí ẩn của thiên nhiên, dù là người duy vật tin rằng 'vật chất là điều hứa hẹn và đầy tiềm năng của mọi sự sống trên địa cầu', hoặc là người duy tâm khám phá rằng tinh thần là nguồn cội của mọi năng lực và vật chất, thì nói cho đúng, đều là người TTH.
Vì muốn là người TTH ta không nhất thiết phải nhìn nhận sự hiện hữu của bất cứ một Thượng đế đặc biệt hay một thần nhân nào. Người ta chỉ cần thờ phượng phần tinh thần của thiên nhiên sống động, và cố gắng đồng hóa mình với nó. Tôn kính sự Hiện Hữu ấy, nguyên nhân vô hình luôn biểu lộ qua những kết quả không ngừng; cái Thực Tại vô dạng, toàn năng, toàn hiện, có phần tinh túy bất khả phân chia, và hình thể ẩn hiện mà có trong mọi dạng; ở đây hay kia, ở khắp nơi mà không ở đâu; là Tất Cả và Không Là Gì Hết; có cùng khắp mà chỉ là một; phần bản thể chứa đầy, ràng buộc, kết nối, chứa đựng mọi vật, chứa trong mọi vật.
Chúng tôi nghĩ việc sẽ được thấy ngay rằng dù là người Hữu thần, Đa thần hay Vô thần, họ đều là thân thuộc gần gũi với mọi ai khác. Dù là gì đi nữa, một khi học viên ấy gạt bỏ đường lối cũ xưa và quen thuộc, bước vào con đường đơn độc là suy nghĩ độc lập – hướng về Thượng đế – thì họ là người TTH, kẻ suy tư theo ý riêng, người đi tìm chân lý vĩnh cửu theo hứng khởi của riêng mình để giải quyết những vấn đề phổ quát.
TTH liên minh với mỗi ai hăng hái tìm kiếm theo cách của mình sự hiểu biết về Nguyên Lý Thiêng liêng, mối liên hệ của người với nó, và sự biểu lộ của nó trong thiên nhiên. Chuyện tương tự như là liên minh với khoa học chân thành, khác với điều gì được xem như là khoa học vật chất xác thực, bao lâu mà cái sau không lấn vào lãnh vực của tâm lý và tâm linh. TTH cũng liên minh với mọi tôn giáo chân thực – tức một tôn giáo sẵn lòng được xét đoán theo cùng cách thức như nó áp dụng cho các tôn giáo khác. Nó xem những sách vở có chứa đựng chân lý hiển nhiên nhất có tính gợi hứng mà không tỏ lộ. Tuy vậy nó xem tất cả những sách này, do nhân tính chứa đựng trong đó, khiến chúng thấp hơn Thiên Nhiên, điều sau là cuốn sách mà muốn đọc và hiểu đúng đắn, người ta phải phát triển cao độ quyền năng nội tại của linh hồn.
Chỉ có trực giác mới hiểu được các luật lý tưởng, chúng vượt qua địa hạt của tranh luận và biện chứng pháp, và không ai có thể hiểu hay ý thức đúng đắn chúng nhờ cái trí khác giải thích, cho dù cái trí này tuyên bố nó là sự tỏ lộ trực tiếp. Và như Hội bao trùm khắp các địa hạt lý tưởng thuần túy mà không kém phần chặt chẽ về mặt dữ kiện, nó thành tâm trong việc ngưỡng mộ khoa học tân thời và các đại diện đúng đắn của khoa học. Cho dù nó thiếu trực giác tinh thần cao hơn, thế giới có món nợ to tát đối với khoa học vật chất đương thời, ... thế nên do công khó miệt mài của những nhà đông phương học như Max Muller, Burnouf, Colebrooke, Haug, de Saint-Hilaire và nhiều người khác mà Hội – như là một tổ chức – có lòng kính trọng và ngưỡng mộ ngang nhau với phái Vệ Đà, Phật giáo, Hỏa giáo và những tôn giáo cổ trên thế giới; và tình thân ái với các hội viên người Ấn, Tích Lan, Parsi, Jain, Do Thái, Thiên Chúa như là học viên cá biệt về 'cái tôi', thiên nhiên và điều thiêng liêng trong thiên nhiên.
Hội sinh ra ở Hoa Kỳ và được tổ chức theo khuôn mẫu của đất mẹ. Hoa Kỳ gạt bỏ không có tên Thượng đế trong hiến pháp của mình, hầu cho ngày kia không có ai lấy cớ này để tạo quốc giáo, mà thay vào đó Hoa Kỳ nhìn nhận mọi tôn giáo bình đẳng với nhau trước luật pháp. Mọi tôn giáo hỗ trợ quốc gia và được quốc gia bảo vệ. Hội, được tổ chức theo Hiến Pháp này, nên có thể được gọi là một 'Cộng Hòa của Lương Tâm'.
Chúng tôi tin rằng nay đã làm sáng tỏ tại sao hội viên, với tư cách là cá nhân riêng rẽ, được tự do đứng ngoài hoặc tham gia vào bất cứ giáo phái nào họ thích, miễn là họ không cho rằng chỉ mình họ có đặc quyền về lương tâm, và tìm cách ép buộc ý kiến của mình cho người khác. Về mặt này qui tắc của Hội rất nghiêm nhặt. Nó cố gắng hành xử theo châm ngôn xưa của Phật giáo là
'Hãy quí chuộng niềm tin của mình, và chớ chê bai niềm tin kẻ khác'; ...
Phần VI của qui tắc trong Hội được Đại Hội Đồng chấp thuận tại Bombay là điều sau:
'Nhân viên của Hội chánh không được phát biểu bằng lời hay hành động tỏ sự thù nghịch hay ưa thích một phái này (tôn giáo hay nhóm trong Hội) so với phái khác. Tất cả giáo phái đều có quyền ngang nhau trong việc trưng ra những điểm chính yếu về niềm tin của mình trước hội đồng của một thế giới vô tư.'
Theo khả năng riêng của mình, khi bị tấn công hội viên đôi khi có thể vi phạm qui tắc này, dù vậy nhân viên bị cấm làm vậy và qui tắc được áp dụng chặt chẽ trong các buổi họp. Vì Minh Triết Thiêng Liêng đứng bên trên mọi giáo phái theo nghĩa trừu tượng; Minh Triết Thiêng Liêng rộng lớn tới mức không một giáo phái nào chứa đựng hết được nó, mà ngược lại Minh Triết Thiêng Liêng dễ dàng bao trùm các giáo phái này.
Để kết luận, chúng tôi muốn xác định rằng quan diểm của Hội rộng rãi và đại đồng hơn bất cứ một Hội nào đang hiện hữu chỉ về khoa học, trong mỗi niềm tin của Hội có kèm khoa học và sự quyết chí đi sâu vào những vùng tinh thần chưa biết mà khoa học chuẩn xác cho rằng nó không có gì cần phải tìm kiếm. Và Hội có một đặc tính trội hơn tôn giáo là nó không phân biệt giữa người Do Thái, Thiên Chúa hay đạo nào khác. Chính trong tinh thần này mà Hội được thành lập trên căn bản một tình Huynh Đệ Đại đồng.
Hội không màng đến chính trị; nó đối nghịch với giấc mơ lầm lạc của chủ nghĩa Xã Hội và Cộng Sản là điều mà Hội chán ghét, vì cả hai chỉ là âm mưu trá hình của lực tàn bạo và sự trì chống lại sức lao động chân thật; Hội không màng sự quản trị bề ngoài của người đối với thế giới vật chất. Trọn những ước vọng của Hội được hướng tới chân lý bí ẩn của những thế giới hữu hình lẫn vô hình; việc con người vật chất chịu sự cai trị của một đế quốc hay nước cộng hòa chỉ can dự đến con người vật chất. Cơ thể họ có thể bị nô lệ, còn về linh hồn của mình thì họ có quyền cho ai cai trị hay rằng thế lực ấy không ảnh hưởng chút nào con người bên trong.
Đó là Hội Thông Thiên Học và là những nguyên tắc, các mục tiêu và mục đích của Hội. Ta có cần ngạc nhiên đối với những ngộ nhận trước đây của công chúng, và việc kẻ thù nghịch dễ dàng hạ giá Hội trong công luận không ? Học viên chân chính luôn luôn là kẻ lánh đời, yên lặng suy gẫm. Thói quen và sở thích của họ khác xa với thế giới nên khi họ nghiên cứu học hỏi, kẻ lăng mạ và thù địch được rảnh tay có cơ hội. Nhưng thời gian chữa lành mọi việc và lời dối trá chỉ là phù du. Riêng có chân lý là vĩnh cửu.
...
Nay mục tiêu của chúng tôi là chứng tỏ với độc giả rằng Thông Thiên Học không phải là chủ thuyết mới mẻ, đảng chính trị, và cũng không phải là tổ chức những ai sôi nổi lập nhóm hôm nay và hôm sau tan rã. Sự việc hội viên có quan điểm khác nhau được chứng tỏ qua nhiều xứ bộ tùy theo sắc dân và chủ trương tôn giáo. Tư tưởng con người, dù có muôn mầu muôn vẻ biểu hiện khác nhau, cũng không bao trùm hết. Nó không có tính đại đồng nên bắt buộc chỉ suy luận theo một hướng; và một khi vượt qua giới hạn của sự hiểu biết chính xác của con người, nó phải bị lầm lạc và sai đường vì Chân lý chính yếu và tuyệt đối có nhánh phân vô tận.
Vì vậy thỉnh thoảng ta thấy ngay cả triết gia tài giỏi cũng lạc trong mê hồn trận khi suy luận và bị thế hệ sau phê bình. Nhưng khi mọi người làm việc cho một mục tiêu duy nhất là mang lại sáng suốt cho tư tưởng con người, loại bỏ mê tín, và khám phá sự thật, thì mọi người đều được hoan nghênh như nhau. Ai cũng đồng ý rằng cách tốt nhất để đạt thành những mục tiêu này là bằng sự thuyết phục óc lý luận, và khuyến khích nhiệt tâm của thế hệ những tâm hồn trẻ trung chỉ mới trưởng thành, sẵn sàng thay chỗ thế hệ trước có thành kiến và bảo thủ. Và khi mỗi người, lớn cũng như nhỏ, đã bước trên đường cao cả dẫn tới hiểu biết, chúng tôi lắng nghe tất cả, đón nhận người cao kẻ thấp vào hàng ngũ hội viên. Bởi không ai chân thành tìm đạo vào Hội mà trở ra tay không, và ngay cả ai không được quí chuộng mấy vẫn có thể dâng phần nhỏ bé của mình lên bàn thờ Chân lý.
H.P.Blavatsky