NGÃ LÁ

Chúng tôi đang có mặt tại Indralaya, một trung tâm sinh hoạt của hội tại miền cực Tây Bắc nước Mỹ, thuộc tiểu bang Washington. Indralaya nằm trên đảo Orcas, 1 tiếng rưỡi lái xe cách Seattle và thêm 1 tiếng qua một chuyến phà. Từ trên cao, chúng ta rất dễ nhận ra Orcas bởi hình dáng lạ lùng của nó, hình móng ngựa, gồm núi bao bọc bên ngoài và thung lũng bên trong. Indralaya (sankrit) có nghĩa là “căn nhà cho những huyền lực trong thiên nhiên ” (A house for the spiritual forces in nature) một trung tâm tu học của hội, đã hiện diện 78 năm.
Trung tâm do hai vị giám đốc điều hành và cũng là vợ chồng, ông bà Minor Lile & Leonie Van Gelder, khoảng tuổi 50. Họ tại chức khoảng 10 năm nay, cũng là thời gian chúng tôi đến với trung tâm; trong khoảng 10 năm đó chúng tôi đến và sinh hoạt chung 3 lần, không kể một số lần đưa bạn hữu đến viếng (sáng đi, chiều về). Trung tâm rộng khoảng 78 mẫu,  là nơi thường trú cho nhiều chú thỏ rừng, nai, sóc, hải cẩu, và những loài chim di trú; nó toạ lạc giữa một khu rừng thông hồng mộc (red wood) tuyệt đẹp, hai mặt giáp biển với 1.2 km bờ biển,  có nhiều căn nhà nhỏ dùng làm nơi tạm trú cho tham dự viên các khoá tu (có thể dung chứa 95 tham dự viên), nhà tham thiền, thư viện và một nhà ăn lớn, cũng là nơi chính tụ tập sinh hoạt. Indralaya tổ chức nhiều khoá tu học trong 1 năm, ngơi nghỉ vào mùa đông. 
Một cơ sở lớn như vậy chỉ có 2 quản trị viên, vì vậy trung tâm cần nhân lực để tu sửa cơ sở vật chất. Mỗi năm có 4 lần Indralaya tổ chức những khoá làm việc chung, thực hiện tình huynh đệ, trại viên đóng góp sức lao động như sửa chữa nhà cửa, quét dọn, bửa củi, sơn nhà đổi lại ăn & ở miễn phí trong 2 ngày cuối tuần. Indralaya cũng đã đào tạo một số hội viên tích cực hoạt động phụng sự cho hội thí dụ là bà  Dorothy, cựu hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ. Bà Dora Kunz nổi tiếng với những quyển sách nói về “Therapeutic Touch” và “Tinh Linh/Thiên Thần”, bà  là cô ruột của bà Leonie đương nhiệm giám đốc Indralay. Lần thăm viếng này chúng tôi được biết bà đã về cõi sáng. Ngoài ra một cựu giám đốc của đạo viện Krotona, Ô. Hank, cũng là giám đốc của Indralaya trước đây.  Chúng tôi đang tham dự 1 khoá “work party” có tên là “Plum picking work party” vào đầu tháng 9/2005. Bài viết đề tựa bên trên được viết trong cảm hứng tại Indralaya, với mục đích chia sớt một ít ý tưởng chúng ta cùng quan tâm…
Vấn: (Cười ranh mãnh) Trước đây chúng ta có hẹn nhau cùng thảo luận đề tài “những biến chuyển chung quanh hội Theosophy", thí dụ như tổ chức của Ô. Krishnamurti, Ô. Rudolf Steiner, Bà Alice Bailey,  Ô. Judge…..Thật là bất ngờ vừa được anh thông báo đề tựa “Ngã Lá“. Cái gì xảy ra vậy ? Anh đã đổi màu rồi à? (cười). Tại sao chọn 1 cái tên có vẻ bí hiểm và tối nghĩa quá vậy? Hay là anh định làm thi sĩ (cười). Thật là không công bình chút nào hết, anh thì đã quá chuẩn bị quen thuộc với đề tài mới, còn tôi thì đang ôm một mối lo âu bất ngờ, chưa biết xử sự ra sao, phải đặt câu hỏi thế nào cho đáng với công khó (cười)… Tôi đang chờ đợi lời bào chữa và xin lỗi của anh đây (cười).
Đáp: Chị rất thông minh và làm chủ tình thế nhanh một cách gây chóng mặt người đối diện (cười). Vả lại chị không thường hay nói thích bất ngờ là gì? Thật ra đề tài không thay đổi nội dung chúng ta muốn bàn luận. Hãy nhìn quanh đây, trung tâm của Indralaya là khu vườn táo, mận, lê và đào, bao quanh bởi rừng thông, một ít cây phong rải rác, loại cây nhạy cảm với tiết điệu mùa màng. Đề tựa đến từ lá cây phong đổi màu. Chúng ta đang ở cuối hè, và sắp sang thu . Trời bắt đầu trở lạnh, mây xám bắt đầu kéo đến lãng du, gió heo may cũng đã rì rào rừng thông giữa trời mà reo, đàn chim di trú bắt đầu rời tổ tìm nơi khác ấm áp hơn. Cây phong bắt đầu “ngã lá” cây đang giao thời với 3 màu đẹp tuyệt: màu xanh lá cây bên dưới, màu vàng nhạt chính giữa và màu vàng đỏ óng ánh bên trên cùng, riêng thông thì muôn đời vẫn xanh, bất chấp thời tiết thay đổi…Thiên nhiên vẫn biến đổi với thời gian, con người cũng vậy, phải không chị ? và Hội là tập hợp những hội viên, cũng không sao thoát ra khỏi biến chuyển “ngã lá”, Hội cũng trải qua những thời kỳ thơ ấu, lớn lên với những mơ mộng, ưu tư, thử thách, rồi trưởng thành, tạo ảnh hưởng chung quanh thời đại ….
Vấn: (Cười) Tạm đồng ý với lời giải thích, vậy là anh mất hết yếu tố bất ngờ rồi (cười). Tôi cũng “không nỡ ” làm anh chóng mặt, mang tiếng ác thì chẳng tốt lành gì, phải không anh? (cười) Anh cũng không phải lo, tôi có mang theo nhiều thuốc trị chóng mặt, cứ bình tĩnh mà ...run anh bạn đáng thương (cười to). Trở lại đề tài, tại sao lại có hiện trạng “biến đổi” ? Như thí dụ anh đưa ra, vẫn có loại cây, như cây thông không hề “tơ vương với đổi mùa” vẫn lá xanh…như vậy nếu biến đổi là một định luật, định luật đó phải ứng dụng đồng đều trên mọi loài thì mới hợp lý chứ?
Đáp: Chúng ta nên trở lại 3 nguyên lý chính đề cập trong bài “Bên Kia Bờ Đại Dương” đăng trong số báo 51:
1)   Nguyên lý thứ nhất tương ứng với “Theosophia “ minh triết thiêng liêng vĩnh cửu, vô biên, đứng bên ngoài, bất biến với thời gian và không gian, được gọi là Chân Lý Tuyệt Đối. Chúng ta chỉ có thể trực nhận bằng Chân Ngã. Nguyên lý này không có màu sắc và cũng chẳng có âm thanh.
2)   Nguyên lý thứ hai tương ứng với “Hội Theosophy & giáo lý Theosophia” cái bóng của “Theosophia” bên trên. Hội và giáo lý Theosophia biểu hiện nơi thế giới tương đối, nơi đó có lưỡng cực của nhị nguyên: nơi đó có sự phân biện, phán đoán của cái hạ trí và là nơi chân lý tương đối hiện diện, có ngôn ngữ, văn tự, có bàn luận có hội thảo, có đúng sai …’
3)   Nguyên lý thứ ba tương ứng với ảnh hưởng của hội Theosophia trong tiến trình sinh hoá theo diển tiến của thời gian trôi. Chúng ta đang xét đoán và bàn luận đến những tổ chức được xem như có ảnh hưởng của hội, đây chính là sự kiện “ngã lá” . Và cũng giống như Hội Theosophia, tất cả những tổ chức này chịu ảnh hưởng bởi ba ngôi: sáng tạo, bảo tồn và huỷ diệt.
Biến đổi vẩn là một định luật nghìn đời trên vạn vật. Lá thông vẫn thay đổi đó chứ, có điều chúng ta không nhận ra mà thôi. Riêng Hội Theosophia đã sống còn đến nay là 130 năm, thời Mme Blavatky/Olcott Hội có màu sắc khác hơn là thời Mme Besant/Ô. Leadbeater, và lại càng khác hơn nữa thời hôm nay. Chúng ta đang trên con đường trở về nguyên quán, tức là chúng ta sẽ bơi ngược dòng để trở về nguyên lý 1 là Theosophia, giống như loài cá hồi, để đi đến chân lý tuyệt đối .
Vấn: Anh có thể nào cho biết những tổ chức nào được coi như trực tiếp ảnh hưởng bởi Hội Theosophia không?
Đáp: (Cười) Đây là một câu hỏi không làm nhức đầu. Trên internet rất đầy đủ, các bạn chỉ cần vào bất cứ “search engine” nào để tìm hiểu, câu trả lời là nhiều lắm, không thể thống kê hết được. Chúng ta có thể liệt kê 1 cách sơ lược 10 tổ chức theo thứ tự thời gian:
• “Theosophia Society” (TS) do Ô. W.Q. Judge thành lập năm 1895. Ô. Judge là một trong 17 người thành lập Hội Theosophia. Ông tách riêng không thuộc hệ thống Adyar, tổ chức này chỉ chấp nhận sách vở của Mme Blavatsky mà thôi,  TS có cơ sở hoạt động trên 10 quốc gia, và 10 tiểu bang tại Hoa Kỳ, họ có cơ sở ấn loát trang nhã sách của Mme Blavatsky.
•“Temple of The People” do William H. Dower & Francia Ladue thành lập năm 1898 tại NewYork. Dower là một bác sĩ và là hội viên Theosophia tích cực, năm 1903 trụ sở dời về Halcyon, California. Tổ chức này dùng sách vở của Mme Blavatsky làm nền tảng học hỏi . Thành viên tại Halcyon sống thành một làng gần gũi dưới những tàng cây bạch đàn Eucalyptus, trẳc bách diệp Arizona cypress… Họ có 1 bệnh viện trị bệnh bằng thiên nhiên: màu sắc, âm thanh, không nhận tiền và mọi bệnh nhân đều được đối xử bình đẳng. Hiện nay họ có chi nhánh tại Anh, Đức, Tây Phi Châu.
•“Rosicucian Fellowship” do Max Heindel thành lập năm 1908 tại Columbus, Ohio, hiện tại trụ sở chính dời về Ocean Side, California.  Heindel là một kỹ sư người Đan Mạch , Ô. giữ chức vụ phó hội trưởng của hội Theosophy Society (Nhóm Ô. Judge) tại Mỹ từ năm 1904 đến 1905. Những sách của Heindel chịu ảnh hưởng rất lớn của Theosophy & Anthroposophy. Tập san của nhóm họ mang tên “Rays from Rose Cross” phát hành từ năm 1913 và đến nay vẫn còn ấn hành.
•“Liberal Catholic Church Intenational” (LCCI) do Ô. Leadbeater và James Wedgwood thành lập năm 1916. Đây là một tổ chức tôn giáo, có hệ thống giáo sĩ. Cùng trong 1 tôn giáo nhưng các nhà thờ ở Mỹ và Anh, Theosophia được coi như một tuỳ nghi chứ không bắt buộc. Nhà thờ ở phần còn lại của Âu Châu thì hàng giáo phẩm bị bắt buộc phải biết Theosophia.
•“Arcane School " do Bà Alice Bailey thành lập năm 1923 ở New York. Nhiều sách ấn hành dưới hai tên tác giả Bailey & Chân Sư DK . Nhóm thành lập một cơ sở ấn hành sách mang tên “Luci Trust “. Tổ chức có mặt ở Mỹ, Anh, Đức, Hoà Lan, Thuỵ Sĩ họ thông báo có khoảng 6,000 thành viên.
•“Anthroposophia”'do Rudolf Steiner thành lập 1924 (ông là hội viên hội Theosophia và là ngoại trưởng trường bí giáo tại Âu Châu). Anthroposophia (Minh Triết của Con Người) có trụ Sở tại Thuỵ Sĩ và hệ thống trường học Waldorf school, có 870 trường trên 60 quốc gia trên thế giới; Anthroposophia được xem như Huyền Bí Học Âu Châu. Steiner viết nhiều sách về kiến trúc, khoa học, y khoa, giáo dục, xã hội, huyền bí học, nghệ thuật, nông nghiệp…
•“Krishnamurti Foundation” thành lập 1928 tại Madras Ấn Độ ba chi nhánh lớn : Hoa Kỳ, Anh và Nam Mỹ. Tổ chức này lo sắp xếp các buổi nói chuyện, hội thảo, phỏng vấn, film ảnh, ấn hành sách, video… khi Krishnamurti còn tại thế. Tổ chức không thu nhận hội viên ( không lệ phí niên liễm ), họ chỉ có những người bạn của tổ chức. Họ rất thận trọng phổ biến sách “nguyên bản” của Krishnamurti cùng điều hành 1 số trường học theo quan niệm giáo dục của Krishnamurti.
•Tổ chức “ I Am “ do cặp vợ chồng Guy Ballard & Edna Ballard thành lập năm 1932 . Ô. Ballard là hội viên của hội Theosophia, nói là gặp Chơn Sư Saint Gemain tại Mount Shasta (đông bắc của California) và cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi đời ông,  dẫn tới sự thành lập tổ chức này. Năm 1984 tổ chức có khoảng 3000 thành viên rải rác trên 25 quốc gia.
•“Phylosophical Research Society” (PRS) do Manly P. Hall thành lập năm 1934. Ô. Hall rất uyên bác, là thành viên của Rosicrucian & Masonry và được coi như một nhà huyền bí học lớn của thế kỷ 20. Ông viết trên 200 quyển sách về Pythagoras, Paeacelsus, Lord Bacon, Plato, Socrates, Esoteric Philosophy, Religious, Mythics, Metaphysics, Egyptian, Kabala…Tổ chức này có lập một trường đại học lớn, phân khoa Triết tại Los Angeles với 1 thư viện trên 50,000 sách.
• “Summit Lighthouse” do Mark Prophet & Elizabeth Claire Prophet  thành lập năm 1958, đến năm 1974 đổi tên là “Church Universal & Triumphant”. Hai vị này cho biết họ gặp gỡ và là trung gian của Chân Sư M. & Saint Gemain. Họ có một cơ sở 32,000 mẫu tại Montana, USA, thường xuyên tổ chức các khoá học tại đó. Giáo lý của tổ chức này có nền tảng dựa vào Theosophy. Tuy nhiên họ bị mang rất nhiều tai tiếng  như: trốn thuế, tồn trữ vũ khí, trả lương cho nhân viên dưới mức luật pháp quy định. Họ nhiều lần tiên tri sai như báo trước là 1990 hoả tiễn Nga sẽ rơi vào Mỹ, họ bán những chỗ hầm tránh hoả tiễn $12,000 một chỗ …Ngay chính con gái của bà Prophet cũng tố cáo mẹ là gian trá ! Tổ chức này cho biết họ có khoảng 200 nhóm rải rác trên 38 quốc gia.
Vấn: Anh nói đúng, không thể kể ra hết ảnh hưởng của Theosophy. Tôi có thể chứng minh được điều đó bằng một chuyện xảy ra cho chính tôi, khoảng năm 1976 khi còn học tại trường đại học cộng đồng Santa Ana, tình cờ tôi nghe 2 người bạn tranh cãi với nhau về tôn giáo. Một người là cô bạn gái tên Liên, gia đình đạo Thiên Chúa Giáo, người kia là một thanh niên người Mỹ tên John. Cô Liên thì nhất định cho là Thiên Chúa Giáo là chính giáo, các tôn giáo khác đều là ngoại đạo, tà giáo … John thì  quan niệm rộng rãi hơn, anh cho là Chân Lý mới quan trọng, tôn giáo chỉ là cái vỏ bên ngoài, và Chân Lý thì không phải chỉ có trong Thiên Chúa Giáo. Anh   vẽ ra 1 vài biểu tượng và nói thêm là: anh nghe những điều này từ mẹ của anh, ngày xưa mẹ anh cũng là Thiên Chúa Giáo, nay mẹ anh có cả tượng Phật ở nhà … Khi ấy tôi xen vào câu chuyện và hỏi:
“Có phải mẹ anh là Theosophist ?”
Hình như đây là lần đầu anh nghe danh từ Theosophist, anh trả lời là không biết, chỉ nghe mẹ trình bày, thấy hữu lý và anh tin …Vài ngày hôm sau, anh chạy đến gặp tôi nơi sân trường, cười rạng rỡ và bảo:
“Đúng, mẹ tôi là Theosophist”.
Như vậy chúng ta thấy là không thể chỉ thấy kết quả ảnh hưởng của Hội trên số tổ chức hội đoàn. Chúng ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Hội trên film ảnh, sách vở, báo chí, hội thảo, quan niệm về tôn giáo, môi sinh, tâm lý học, khoa học, y học, dưỡng sinh, triết học, nghệ thuật, trong những diễn tiến đa dạng của phong trào “new wave”….  Trở lại câu trả lời của anh, khi liệt kê ra 10 tổ chức bên trên, hình như anh có phán đoán một cách định kiến là có tổ chức là chánh, có tổ chức là tà, có tổ chức là bạn và có tổ chức không là bạn của Hội Theosophia, tôi có nghĩ sai về anh không?
Đáp: (Cười) Chị cho tôi xin 1 viên Tylenol, tôi bắt đầu nhức đầu rồi đây (cười). Chị nghĩ oan cho tôi rồi, tôi không có ý gì cả, chỉ có thu thập và nói lên sự kiện mà thôi. Sự kiện thì trung tính, người nghe mới là người quyết định, chị có ý nói “tôi hướng dẫn dư luận” ? Không đâu, tôi sẽ có ý kiến sau này, cho dù là ý kiến riêng nhưng vẫn với tính cách gợi ý mà thôi, đọc giả vẫn là người quan trọng nhất với những quyết định sau cùng cho chính họ . Vả lại, tôi cũng đồng ý với anh bạn John của chị, để kể cho chị nghe một bài viết ngắn của Albert Einstein (Einstein là một hội viên Theosophia đúng đắn, và cũng là 1 nghệ sĩ chơi vĩ cầm  thành thạo):
Trong một buổi nói chuyện của một giáo sư đại học tựa đề : ”Làm cách nào đối phó với những áp lực căng thẳng của đời sống ?”, theo thông lệ ở cuối phòng có bày biện sẵn nước giải khát và 1 ít bánh ngọt , trái cây. Cạnh đó là những tách sang trọng mạ vàng hoặc pha lê quí phái, kế đến loại tách trung bình và sau cùng là loại bằng sành, hoặc plastic rẻ tiền, thô kệch. Tham dự viên có trọn quyền tự do chọn lựa tách, nước uống, hoặc nước lọc, hoặc trà, hoặc cafe. Thuyết trình viên cám ơn sự hợp tác của tham dự viên và cho biết là ông đã kín đáo làm một thí nghiệm không báo trước. Ông thong thả bước xuống bục giảng, tiến đến bàn nước giải khát và cho biết là tham dự viên đã chọn tất cả tách sang trọng, quý phái, chỉ còn lại những tách thô kệch …
Trở lại bục giảng, ông kết luận cái tách tượng trưng cho danh vọng, tiền tài, địa vị, và nước tượng trưng cho đời sống. Chúng ta muốn nước để giải khát chứ không phải tách, thế nhưng chúng ta đã chọn cái tách tốt nhất một cách vô ý thức. Và đấy là căn nguyên của đau khổ, sự căng thẳng và áp lực của cuộc đời. Cũng giống y như vậy , chúng ta có cứu cánh đi đến cuối đường là nguyên lý thứ nhất: Theosophia, chân lý tuyệt đối, chứ không dừng chân đứng lại quá nhiều thì giờ ở nguyên lý 2 và 3… Chúng ta muốn Theosophy chứ không phải cái tách “ Hội Theosophy ” hoặc các tổ chức trong vòng ảnh hưởng bên lề bởi sự sinh hoá. Theosophia không có âm thanh, không có màu sắc, vì vậy nó dung chứa tất cả âm thanh và tất cả màu sắc. Con đường chúng ta đi là nỗ lực thực hiện “tiếng vô thinh”, khi ấy nguyên lý 2 và 3 biến mất, chỉ vì 2 nguyên lý này có giá trị hết sức tương đối, không có chánh/tà, không có bạn/thù ở đây .
Vấn:  (Cười) Anh khéo lắm. Đây cũng là ý tưởng của Đức Phật khi Ngài bảo: ” Hãy nhìn mặt trăng mà đi , đừng nhìn ngón tay ta đang chỉ về hướng mặt trăng ”, tương tự với tiêu ngữ của Hội : “Không Tôn Giáo nào cao hơn Chân Lý ”. Chân Lý là mặt trăng, hội/tôn giáo/tổ chức tinh thần/giáo lý là ngón tay, chúng ta thường hay lầm lẫn ngón tay là mặt trăng , lẩn quẩn vòng vo với ngón tay/cái tách mà quên đi mặt trăng/nước. Trở lại với 10 tổ chức tinh thần anh liệt kê bên trên, một số có hình thức tôn giáo, một số hình thức đoàn thể tinh thần, riêng với Krishnamurti không chủ trương 1 tổ chức có cơ cấu cứng ngắc  nào cả, và đây là trường hợp đặc biệt. Thái độ của anh ra sao về sự có mặt của những tổ chức đó? Anh đã cho họ là sự  “ngã màu” của Theosophy. Anh dựa trên tiêu chuẩn nào để tránh sự gượng ép hoặc áp đặt, chắc không phải chỉ dựa vào lý do duy nhất là những người sáng lập là cựu hội viên của Hội Theosophy?
Đáp: Thưa không. Dựa vào 3 mục đích của Hội và tiêu ngữ "Không Tôn Giáo nào cao hơn Chân Lý ". Những tổ chức nói trên cùng chia sẻ ba mục đích và tiêu ngữ, không 100%, mà một phần, bán phần, hoặc tỉ lệ nào đó ... bằng những phương cách hành xử khác nhau, tuỳ thuộc vào sự khác biệt thời gian và không gian nơi tổ chức được thành lập. Một cách tổng quát thì giữa Hội Theosophy và các tổ chức có thời gian và không gian xa cách nhau, vì vậy sự khác biệt: chủ trương, phương cách thực hiện, tổ chức khác nhau và là đương nhiên. Tất cả cùng có chung đặc tính rộng rãi, bao dung, cởi mở, dung nạp và cái nhìn toàn diện là đặc tính của thượng trí và cũng là căn bản của nền văn minh tương lai của giống dân thứ 6. Tất cả nhìn nhận, kêu gọi và thực hiện tình huynh đệ, cùng hướng về Chân Lý và phủ nhận sự độc tôn tôn giáo, họ bắt đầu nhìn được cái toàn diện của Chân Lý ẩn tàng trong tất cả các ngành học thuật: khoa học, tôn giáo, triết học.
Giống như câu chuyện 5 người mù sờ voi trong kinh Phật, con voi không chỉ là cái vòi, cái chân, cái đuôi như là những người mù (hạ trí) diễn tả, chân lý là trọn tổng thể của tất cả, cái nhìn của thượng trí. Người Tây phương có một ngạn ngữ: “Một phần bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một phần sự thật thì không phải là sự thật “. Nhân loại đã đến thời điểm đòi hỏi sự thật toàn diện. Chúng ta thấy rất rõ sự toàn diện đó nơi ba mục đích của Hội. Hãy nhìn quanh đây, không lâu nữa mùa thu đến, lá cây đổi màu, chị và tôi nữa cũng " đổi màu " (cười) bằng những áo ấm đủ màu, chúng ta không là hoạ sĩ, thử tưởng tượng một bức hoạ mùa thu, màu căn bản làm nền tảng cho mùa thu phải là màu vàng, trong đó có những màu vàng nhạt, đậm khác nhau, thế nhưng tất cả đều đóng góp chung nhau để tạo ra bức tranh thu ...
Vấn: Dù đậm hay nhạt thì cũng là màu vàng (cười). Tôi muốn hỏi về sự cần thiết của những tổ chức này, theo tôi một Hội Theosophy đã đủ rồi, thật sự ra các tổ chức nói trên đâu có đưa ra cái gì mới hơn đâu?
Đáp: Đa cực và sinh hoá là bất biến trong thế giới tương đối (nguyên lý thứ 3). Nếu không cần thiết thì sự có mặt nguyên lý thứ 3 để làm gì? Hay là Thượng Đế không cần thiết tạo lập vũ trụ? Không ngẫu nhiên mà có sự xuất hiện của nhiều tổ chức, nhiều tôn giáo, triết phái và sự đa dạng khắp nơi. Chúng ta tiến hoá xuyên qua “nhóm”, điều này đã xảy ra từ lâu lắm, khi hãy còn là kim thạch, thảo mộc, thú cầm. Chúng ta đang tiếp tục chiều hướng đó, bi kịch nằm ở chỗ chúng ta không nhận ra được “tiếng gọi đàn”` hoặc không nhận ra được đồng môn, hoặc huynh đệ, hoặc Vị Chân Sư trưởng nhóm. Thay vì giúp nhau, hiểu nhau, bởi vì nhóm nào cũng có khó khăn, bài học, cùng nhân quả chung phải trả, một số trong chúng ta lại chọn thái độ “đối đầu”, “chiến tranh nóng/lạnh” !!! Hoa Kỳ là một nước đa chủng, đa văn hoá, họ có sự phong phú mọi mặt đấy chứ? Vấn đề chúng ta là nhìn ra được "sự duy nhất trong dị đồng ".
Xin phép chị tôi thấy cần trở lại dài dòng một chút về lịch sử của Hội để có thể trả lời câu hỏi một cách cụ thể hơn. Vào thời điểm 1875 thế giới đang cực thịnh của phong trào duy vật, khoa học được đề cao như một độc tôn, óc độc tài tôn giáo (như cho rằng Thiên Chúa Giáo là tôn giáo duy nhất chính giáo, tất cả còn lại là ngoại đạo tà giáo !!!), sự kỳ thị chủng tộc của một số chủng tộc (trực tiếp/gián tiếp) tự nhận là thượng đẳng da trắng, đi tìm thuộc địa và khai hoá những chủng tộc da màu còn ngu dốt. Quả thật hội Theosophy đã là thách thức lớn cho thế giới tây phương thời đó khi đưa ra mục đích tình huynh đệ đại đồng, chân lý có bên trong tất cả tôn giáo, triết học (độc tài tôn giáo là quá ấu trĩ ) và công bố những luật thiên nhiên ẩn tàng, đặc biệt nhất là Luật Tiến Hoá (luật này bao gồm luật luân hồi & nhân quả) được trình bày một cách rõ ràng nhất, những huyền năng trong con người hữu hình & vô hình cùng sự hiện hữu của Thiên Đoàn (Hierachy, thử thách óc duy vật thời đó), xác nhận rõ rệt sự tự tri của hành giả mà không nhờ sự cứu chuộc từ một đấng giáo chủ thần linh nào từ bên ngoài.
Với 2 vị sáng lập viên đầy can đảm và nghị lực, cái cây non trẻ "Theosophy" vẫn không bắt rễ được tại Phương Tây! Dưới sự hướng dẫn và che chở của các vị Chân Sư Minh Triết, mùa đông cuối năm tháng 12/1878, cái cây "Theosophy" đã được thiên di sang Ấn Độ. Tại đây cây bắt rễ, đâm chồi vững chắc và từ đó ảnh hưởng ngược lại phương tây, đạt cao điểm vào đầu thế kỷ 20. Theo sự ghi nhận của Ô. Olcott, năm 1882, sau 7 năm hoạt động, ngoại trừ Ấn Độ, chỉ có vỏn vẹn 3 chi bộ bên ngoài Ấn Đô/Tích Lan, đó là: NewYork, London và Hy Lạp và cả 3 chi bộ đó gần như tê liệt và bất động! (lời ghi nhận của  Ô. Olcott trong quyển hồi ký Old Diary Leaves).
Chúng ta đều biết rằng, một trong những mục đích chính của Hội là đánh thức tiềm năng tâm linh ẩn tàng của chi chủng thứ 6 của giống dân chính thứ 5 hầu chuẩn bị cho sự ra đời của nền văn minh tinh thần của giống dân chính thứ 6. Chi chủng này đang trong ban sơ xuất hiện ở Calionia, Úc Châu ...Xin phép mở một ngoặc đơn bên lề: chi chủng không phải chỉ giới hạn trên màu da, nghĩa là không phải chỉ có dân da trắng mới thuộc về chi chủng của giống dân chính thứ 5, sự tiến bộ tâm linh bên trong mới là đáng kể quyết định hơn. Vẫn có những người da vàng, da đen nhưng vẫn thuộc về chi chủng của những người da trắng.
Sự trở lại phương tây của Hội Theosophy được xảy ra đồng thời với nhiều tổ chức khác đồng dạng theo 1 mô hình nào đó, và họ nên được xem như là “đồng minh” trong một sứ mạng cực kỳ khó khăn, có thể gọi là "Phong Trào Theosophy cận đại”. Nếu các bạn là những người thích học sử, hoặc có căn bản vững chắc về sử học (óc rộng mở, vô tư và óc luận lý khoa học) thì hẳn phải là một thích thú khi các bạn nghiên cứu, đối chiếu thời gian xuất hiện, chủ trương của các tổ chức trên cùng với những sự kiện lịch sử đã xảy ra, phối hợp với không gian địa dư của tổ chức đó.  Thí dụ có sự liên hệ giữa những sự kiện lịch sử ảnh hưởng đến văn minh nhân loại như 2 kỳ đại chiến, sự ra đời của tổ chức Liên Hiệp Quốc, sự độc lập của những thuộc địa, phong trào Martin Luther King, thuyết tương đối với Einstein, phân tâm học với Freud, Jung, khám phá về DNA và di truyền học, điện toán, môi sinh, không gian  v.v.
Bao nhiêu là biến đổi trong 130 năm vừa qua, tôi không nghĩ là một mình Hội Theosophy là hoàn toàn đầy đủ, hoặc giữ mãi địa vị độc tôn. Nếu vậy thì làm gì có lời tiết lộ rằng mỗi 25 năm sau cùng của 1 thế kỷ đều có vén thêm bí mật từ Thiên Đoàn? Chúng ta sẽ rơi vào sai lầm của thế kỷ cũ nếu có ý tưởng: chỉ có Hội Theosophy là đúng chánh đạo, các tổ chức khác đều là sai lầm, không cần thiết, được lập nên bởi Chân Sư giả, . Ô. Krishnamurti là phản thầy, phản bạn, nếu là hội trưởng sẽ cấm lưu hành sách của Bà Bailey, đọc sách Bà Bailey là sai lầm, lạc đường ...Nghĩ vậy là vô tình tạo ra một chủng loại thượng đẳng "hội viên thuần tuý Theosophy". Chiến tranh nóng/lạnh, sự kỳ thị, phân biệt xảy ra. Sự tôn trọng tự do tư tưởng mà Hội  chủ trương đã bị chối bỏ ! Nghĩ là bảo vệ Hội nhưng thực sự ra là ....
Người VN hơn tất cả các dân tộc khác ở điểm chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm về áp bức, độc đoán cai trị, kỳ thị chính trị, tôn giáo. Tự do tư tưởng, tình huynh đệ đại đồng, không tôn giáo nào cao hơn Chân Lý không phải chỉ là những trang trí xa xỉ, quý phái mà là lý tưởng sống động …. Thời đại thay đổi, tất nhiên có sự cần thiết của những tổ chức mới, Hội của chúng ta cũng thế thôi, Indralaya là một thí dụ, hơn 80% trại viên không phải là hội viên Theosophy; cả 3 lần dự trại tôi đều tìm hiểu và hỏi nhiều người, kể cả 2 vị giám đốc của trại. Họ thuộc về nhóm tranh đấu chống bạo hành với loài vật, nhóm bảo vệ thiên nhiên xanh, nhóm trị bệnh từ điển, thành viên Anthroposophia, thành viên Finhorn, công giáo, tin lành …
Trại viên được đòi hỏi chỉ 1 điều mà thôi là không sát sanh và ăn chay trong thời gian tham dự. Trại mong mỏi đón tiếp những ai yêu thiên nhiên và muốn cùng làm việc chung với người cùng sở thích trong tinh thần huynh đệ; giữa sân của trại bên dưới bảng tên Indralaya, có 1 bảng nhỏ hơn khắc chữ “Ahimsa” có nghĩa là bất bạo động. Trại không hỏi anh thuộc tôn giáo nào, hệ phái nào. Hay nói rằng nếu anh thuộc hệ phái của Bà Bailey thì xin mời anh bước ra, không có quyền tham dự ! 
Lần đầu tiên tham dự tôi có dịp ngồi gần Bà Dorothy (cựu chánh hội trưởng, xứ bộ Mỹ) khi dùng bữa chiều, tôi hỏi bà nghĩ thế nào về Hội Theosophy vào thế kỷ thứ 21. Bà trả lời là Hội sẽ ngày càng phát triển Tình Huynh Đệ một cách thực tế rộng rãi. Bà cũng cho biết xứ bộ Hoa Kỳ có 3 trại tương tự như Indralaya, 2 trại kia 1 ở Oklahoma và 1 hình như New York, bà hy vọng sẽ có nhiều trại như thế này xuất hiện và càng nhiều người đủ mọi thành phần tham dự. Ta không còn gì phải nghi ngờ, Indralaya chấp nhận, dung hợp dị đồng; chúng ta cũng nhớ lại sinh hoạt cuối cùng của chi bộ Phụng Sự khi chấm dứt chương trình 7 năm là trại hội thảo “Duy Nhất trong Dị Đồng“.
Vấn: Sự ra đời của những tổ chức anh nói bên trên, một số xảy ra êm đềm, một số đầy sóng gió, giao động tâm thức của Hội một thời gian dài. Chúng ta học được bài học gì nơi đó? Hay là nếu thích Bà Bailey, cứ ra khỏi hội, gia nhập tổ chức Bà Bailey mà hoạt động? Việc gì vẫn ở lại trong Hội và cổ động sách vở Bà Bailey?
Đáp: Chiến tranh lạnh vẫn xảy ra lúc Ô. Judge ly khai, Ô. Krishnamurti rời Hội, và gần đây Bà Bailey. Sự kiện lập đi lập lại, Hội vẫn được/bị  thử thách, hội viên vẫn được/bị cuộc thi xác định sự có/không trưởng thành của chính mình. Biến cố Krishnamurti khiến 40% hội viên trả thẻ hội viên để chạy theo Krishnamurti, một số hội viên còn lại thì kết tội những kẻ ly khai. Cả 2 nhóm ấy đều không thực sự hiểu Krishnamurti, và cũng không thật là người Theosophist.
Krishnamurti có 1 thông điệp duy nhất là "tự tri/tự tin" hay là "sự tự do" trước tất cả mọi phương tiện hình thức vướng mắc, Theosophia ở nguyên lý 1 cũng tự do như một chân lý tuyệt đối. Phải đến thời Bà Radha Burnier vết thương Krishnamurti mới được lành do bài viết và tuyên bố của Bà đương nhiệm Chánh Hội Trưởng:
 "Ô.  Krishnamurti không phải là hội viên Theosophy, nhưng Ô.  là người Theosophist”. 
Riêng trường hợp Bà Bailey, tôi có liên lạc e-mail với Bà Mary Anderson tổng thư ký Hội chánh tại Adyar. Bà xác nhận Hội không hề có 1 văn thư, thông tư nào phê phán cấm đoán sách vở hoặc chủ trương giáo lý của Bà Bailey. Hội viên có toàn quyền tự do đọc bất cứ sách vở nào họ muốn. Chúng tôi thấy sách của Bà Bailey vẫn bày bán tại nhà sách thuộc trụ sở của Hội tại Seattle, tại Krotona. Thời Ô.  John Coast sách Bà Bailey được giới thiệu trong tập san The Theosophist, tiếng nói của Hội.
Tôi có cảm biết tình trạng "chiến tranh lạnh" hiện tại của Hội với nhóm Bà Bailey, biết nhiều hội viên vẫn đọc Bà Bailey, Krishnamurti, Rudolf Steiner, và là hội viên Hội Theosophy một cách đúng đắn. Họ có đáng bị kỳ thị xem như những kẻ lạc lối hay không? Nhóm Ô. Judge vẫn xem chúng ta là lạc lối chỉ vì chúng ta “dám”’ đọc sách của Bà Besant, Ô. Leadbeater ... Chúng ta không lập lại sai lầm, hoặc bắt chước nhóm Ô. Judge chứ? Hội viên tin vào lời công bố “tự do tư tuởng”, họ tin vào “không tôn giáo nào cao hơn chân lý” và như là một Phật tử họ tin vào lời Đức Phật:
 "Cũng như người thợ bạc sáng suốt thử vàng bằng cách đốt lên, cắt và cọ xát trên hòn đá để thử vàng, cùng thế ấy, con chấp nhận những lời của Như Lai sau khi thận trọng xét đoán chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai".
Đức Phật khuyên dạy người đi tìm chân lý không nên chấp nhận điều gì chỉ vì một người đáng tin cậy đã nói như vậy mà phải suy luận kỹ càng và thận trọng xét đoán để biết rõ điều nào là đúng, điều nào sai …  Mọi người có một loại thức ăn thích hợp, nếu bạn đọc Bà Besant thấy thích thì cứ tự nhiên, việc gì chỉ công nhận sách vở Bà HPB không mà thôi như nhóm TS của Ô. Judge? Chúng ta không vướng mắc vào sự hạn hẹp của nhóm Ô Judge chứ, hay là vẫn lập lại điệp khúc chẳng có gì hay ho cho lắm? Ông Leadbeater cũng phạm rất nhiều lỗi lầm,  như các bạn sẽ thấy nếu nghiên cứu lịch sử của Hội một cách vô tư. Nhưng không vì thế chúng ta bài bác sách của ông và cần tự nhắn nhủ: Các vị La Hán dù là đã tiến cao trên nấc thang tiến hoá nhưng vẫn chưa hoàn thiện, tức là vẫn có thể phạm lầm lẫn, các vị đó vẫn có những khó khăn và bài học cần vượt qua. Chúng ta hãy nỗ lực hướng đến Chân Lý không màu sắc, không âm thanh, đừng để bị vướng mắc vào giáo lý, sách vở, tổ chức, tức là nỗ lực tiến đến nguyên lý thứ 1: Theosophia ...
Hình như bài học của  Công giáo La Mã vẫn đang xảy ra cho 1 số Hội Viên VN (tin rằng chỉ có Hội Theosophy thuần tuý Adyar mới là đúng chánh giáo, tất cả khác hơn là sai đường) ? Bài học là chúng ta hay bất công gán ép, không chấp nhận nổi những người không giống chúng ta, vì “quá yêu” Hội chúng ta trở thành độc đoán như thời trung cổ của “crusader/thập tự quân” hay tôn chỉ của đạo Hồi “1 bên là thánh kinh, một bên là thanh guơm” hãy chọn 1 trong 2! Thái độ này thường xảy ra ở những người khuynh hướng sùng tín một cách quá mức rất dễ đưa đến cuồng tín. Dĩ nhiên thời hiện tại không có giết chóc, nhưng mà chiến tranh trong tư tưởng thì cũng vậy thôi. 130 năm đã qua, tôi tin hội viên có đầy đủ kinh nghiệm và tự tin để trưởng thành bằng cách học lại lịch sử và nhìn vào nội tâm.
Vấn: Anh nghĩ thế nào trên cương vị là "người làm vườn "? Thí dụ như 1 ngày nào đó Hội ở VN được tái hoạt động và anh có trách nhiệm điều hành Hội như là chi trưởng hay hội trưởng .  Theo anh Người Làm Vườn phải có trách nhiệm bứng cỏ dại ra khỏi khu vườn  không? Cỏ dại có quyền sống của nó, nhưng sai thời đại, sai địa điểm,  cần bứng ra 1 nơi riêng biệt nào đó, để không làm hại đến khu vườn?
Đáp: Câu hỏi hay lắm. Chị vẫn nhất định làm tôi chóng mặt (cười)? Cỏ dại đề cập ở đây là gì? Tính độc đoán, thành kiến, tự cao, tự đại, thái độ đạo sư, tự xem mình cao hơn nhóm viên, định kiến, óc hẹp hòi, cố chấp, kỳ thị, thiếu cởi mở, thiếu nhân ái, yêu ghét cực đoan, sùng tín cực đoan …Trách nhiệm bứng cỏ dại sẽ là trách nhiệm chung, không phải trách nhiệm của cá nhân người làm vườn. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc nhở và cùng làm việc chung, cùng nhau tiến bước. Sự khiếm khuyết của một cá nhân trong nhóm nên coi như một điểm yếu của cả nhóm. Chúng ta học kinh nghiệm trong tình huynh đệ của những người đồng môn.
Chúng ta không có trường hợp của giống dân chính thứ 6 hiện tại, nghĩa là được sự dìu dắt trực tiếp của những người làm vườn là Chân Sư Minh Triết và Từ Ái. Như vậy người làm vườn thực sự là Chân Ngã của từng nhóm viên. Thường khi chúng ta nghĩ sự nguy hại cho khu vườn đến từ bên ngoài, thực ra sự nguy hiểm từ bên trong nội tâm và sự tự thắng phàm ngã vẫn là tiên quyết trên con đường thực hiện Chân Ngã. Ý nghĩa thực sự của Phụng Sự nhóm cũng là thực hiện Chân Ngã.
Ta hãy nghe một người làm vườn của dân tộc Tibet và Phật Giáo Mật Tông phát biểu trong quyển sách "Kindness, Clarity & Insight", đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
“Là Phật tử, khi thực hành giáo lý đức Phật, chúng ta nên kính trọng các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Do Thái và Hồi Giáo ... Phật Giáo có nhiều tông phái và pháp môn tu hành khác nhau. Người Phật tử chân chính không nên có ý nghĩ đề cao giáo phái này và kích bác giáo phái nọ, hoặc khen pháp môn tu này hay hơn pháp môn tu kia. Chủ trương bè nhóm và chỉ trích giáo lý, hay chê bai các tông phái khác là điều không tốt, gây tai hại mà chúng ta nên tránh”.
Ta hãy đồng ý vói nhau rằng người làm vườn là người khuyến khích, cổ động và thực hiện môi trường sinh hoạt chung lành mạnh, bình đẳng, không có áp đặt tư tưởng, không kỳ thị …
Vấn: Tôi có quá khứ sinh hoạt với Hội ở VN nhiều năm và cả ở hải ngoại. Tôi nhìn thấy hiện tượng “ngã lá” nhiều lần nơi hội viên, thí dụ như: có vị trở thành thành viên của Ông Tư, Ông Tám, bà Thanh Hải, Ông Lương Minh Đáng, có người mang chứng thư sắc phong từ Cao Đài vào Hội như một chứng minh thư huyền bí, có người bước vào con đường luyện thần thông …. có người trở thành tu sĩ Phật Giáo, có người chủ trương chỉ có HPB là đúng, vạch ra sai biệt về giáo lý giữa HPB đối với những vị về sau, có người chủ trương đọc sách Bà Bailey, Krishnamurti, cổ động và phổ biến những điều học hỏi đó trong phạm vi sinh hoạt của Hội (trong hội thảo hoặc viết bài trong nội san), có người chủ trương đọc sách Bà Bailey, Krishnamurti là lạc đường lạc lối…. Anh có ý kiến gì về những sự kiện trên?
Đáp: Tôi không thấy có sự vi phạm nào nội quy của Hội, những vị nói trên tích cực với mục đích thứ hai và ba của Hội đấy chứ, theo phương cách riêng phù hợp với trình độ tiến hoá của họ và có thể không hợp với chúng ta. Không vì lẽ đó chúng ta phê phán họ, hoặc lên án, cấm đoán, trục xuất, hoặc kỳ thị họ, quả thật đó là lỗi lầm chúng ta cần xem xét lại, coi chừng chúng ta  “rơi vào tả đạo hồi nào không hay” (tiêu chuẩn tình huynh đệ đại đồng được xem như điều kiện của Chánh Đạo).
Giống như khi con cái của chúng ta không theo con đường cha mẹ lựa chọn cho chúng về nghề nghiêp, về hôn nhân, về quan điểm tôn giáo. Không vì lẽ đó bậc cha mẹ loại con ra khỏi gia đình hoặc trừng phạt. Người đồng môn của chúng ta có trọn quyền tự do, họ cũng có những khó khăn riêng, những bài học riêng và nhân quả riêng cần trang trải. Tôi không nghĩ phê phán và lên án người khác là đúng, chúng ta không thực sự hiểu người bạn của chúng ta đâu, ngoại trừ bạn là một vị Chân Sư. Người đồng môn của chúng ta có lý do đi theo con đường của họ và đó là con đường đúng nhất cho họ, đừng tạo thêm nhân quả xấu bằng gieo rắc đố kỵ, kỳ thị, chia rẻ.
Hãy tự hỏi  “Chúng ta giúp được gì cho người bạn?” Chúng ta hãy chia sớt quan điểm với nhau trong hoà nhã, tương kính huynh đệ đồng môn. Sự sinh hoạt cởi mở, tự do, phóng khoáng, bình đẳng, thân ái là một môi trường lý tưởng vô địch và đầy quyến rũ, cho dù người bạn có từ giã chúng ta mà viễn du thì điều đó cũng tốt, ta chúc lành và mong uớc ngày trở lại của người bạn.
Tóm lại chúng ta hãy tự quân bình giữa:
1) Tình huynh đệ như một chân lý chánh đạo
2) Con người có sự tự do ý chí, tự do tư tưởng
3) Tự do nghiên cứu, đối chiếu, trình bày Khoa Học, Tôn Giáo, Triết Lý …
Tôi có hai người bạn thân là hoạt động viên rất tích cực của Anthroposophia, và bà giáo dương cầm của hai cháu, bà Barbara là thành viên (hình như sáng lập viên) của Arcane School. Chúng tôi có những giao hảo rất tốt, với chúng tôi họ là những người bạn chân thành, chúng tôi vẫn chia sớt được với nhau những quan điểm chung. Thái độ tối kỵ nên tránh trong sinh hoạt chung là thái độ đạo trưởng, ban phát chân lý, độc quyền chân lý … Trở lại với Indralaya, ngoài nét đẹp thiên tạo, còn có nét đẹp nhân tạo, đó là cái đẹp dung hợp mọi khuynh hướng khác biệt một cách an bình, không loại trừ mà hoà hợp, bất bạo động … Điều này chứng minh được hội viên hoà hợp được với nhau, tuy rằng không đồng một số quan điểm.
Vấn: (cười) Tôi cũng muốn “ngã lá” bằng cách này: thay vì tôi tổng kết lại bài viết như thông lệ trước đây, tôi muốn để anh nói lời cuối lần này bằng một câu hỏi cuối cùng: Làm cách nào quay trở về nguyên lý thứ nhất là Theosophia?
Đáp: Con đường về đi xuyên qua nguyên lý 3 và 2 tức là xuyên qua ảo ảnh và tương đối nhị nguyên. Một số ý tưởng đã được trình bày trong bài “Bên Kia Bờ Đại Dương“ không cần lập lại. Có hai đời sống hiện diện nơi chúng ta:
1)         Đời sống nội tâm, tương ứng với Minh Triết Thiêng Liêng và Chân Ngã, có đặc tánh trường cửu, nên đó là đời sống thật, đó cũng là đời sống tinh thần liên quan đến những cõi thượng thiên, bồ đề ….
2)         Đời sống ngoại cảnh có đặc tánh tạm thời, vô thường, ảo ảnh, nên đó là đời sống tương đối của hoàn cảnh, nhị nguyên. Nó cũng có tên là đời sống vật chất, liên quan đến cõi trần, tình cảm, hạ trí, phàm ngã và cũng là nơi hội cùng các tổ chức, tôn giáo sinh hoạt.   
Theo thông thường, đời sống nội tâm bị gián đoạn, khi con người bị ngoại cảnh chi phối bởi nghiệp quả phải trang trải trong kiếp sống, hoặc khi hoàn cảnh khó khăn thử thách trong gia đình, xã hội đè nặng trên vai.
Tu hành là khi sinh hoạt ở ngoại cảnh, con người vẫn ý thức mình là nội tâm nên mỗi sự biểu lộ, từ cử chỉ, lời nói, tình cảm, tư tưởng đều là phản ảnh của nội tâm, hoặc nói khác đi chỉ có một đời sống là nội tâm. Tu hành còn là trở về với nội tâm lúc tham thiền, hoặc trong giấc ngủ, khi con người tạm thời gạt bỏ mọi áp lực của kiếp sống hoặc cuộc đời trên phương diện vật chất, tình cảm …        
Ngoại cảnh cần thiết cho sự biểu lộ và phát triển nội tâm, đó là sinh hoạt hội với những dị biệt từ đồng môn, thử thách của rửa chân trong máu của trái tim ( tình huynh đệ ). Dầu vậy  ta không vì thế mà quên đi hoặc để lu mờ nội tâm , mà cũng không thể mãi mê theo nội tâm mà quên đi ngoại cảnh, trong trường hợp này ngoại cảnh còn có tên là Nhân loại hoặc Phụng sự.   
Hãy quay trở về với MTTL bằng cách ngày đêm suy nghĩ về lẽ vô thường của mọi hoàn cảnh xung quanh và của chính mình. Ngày nào con người còn cột chặt vướng mắc vào tương đối của hoàn cảnh và của chính mình, ngày đó vẫn là thất vọng, bất mãn và bám chặt vào mặt đất đau khổ. Hãy nở hoa trong không gian và hành động một cách tự do không quyến luyến, không ghét bỏ sự dị biệt cũng như hãy chờ đợi kiên nhẫn, điều này giúp con người hoà hợp với các đợt thuỷ triều lên xuống của luật tuần hoàn. 

                                                                  
MLT