KIẾN TRÚC II
II. Các Luật Trong Kiến Trúc.
Minh Triết Thiêng Liêng MTTL trình bầy sự liên hệ giữa những điều mà bề ngoài không có vẻ liên hệ, thế nên có giá trị đối với người nghệ sĩ sáng tạo theo ý nghĩa là sự thành công của họ tùy thuộc vào việc họ xếp đặt tư tưởng theo kiểu mẫu vũ trụ tới bực nào, tiến hành hợp lý và nhịp nhàng đến mục tiêu định sẵn tới đâu.
Triết lý này cũng giúp ích cho người bình thường, cho nhà phê bình nghệ thuật, cho nghệ sĩ tài tử, nói chung là cho bất cứ ai muốn có sự hiểu biết chính xác và sâu xa cùng muốn thưởng ngoạn mọi ngành mỹ thuật. Dưới đây chúng ta thử nỗ lực tìm kiếm sự tương đồng giữa những gì mà MTTL xác nhận và dấu hiệu của chúng trong nghệ thuật kiến trúc.
Một trong những điều mà MTTL dạy là những giây phút choáng ngợp tâm hồn với viễn tượng về một trật tự thiêng liêng, điều hòa trong khắp vũ trụ mà thi sĩ và nhà huyền học cảm được trong tâm tưởng của họ, không phải là chuyện viễn vông của một cái tâm rối loạn, mà là điều thoáng thấy trong phút chốc của thực tại vĩnh cửu. Mỗi người chúng ta đều là kẻ tham dự vào một thế giới âm nhạc cụ thể, hình học và số học, một thế giới âm thanh, hương vị, hình thể, chuyển động, mầu sắc, liên hệ với nhau hòa điệu với nhau theo toán học, và con người bé nhỏ của chúng ta cùng với các vì sao xa thẳm rung động theo âm nhạc của vũ trụ. Có một nhu cầu mỹ thuật cai quản thế giới, nó là luật của nghệ thuật, vì nghệ thuật là sự sáng tạo được lý tưởng hóa, là thiên nhiên được mang lên tới một cấp độ cao hơn nhờ vào việc đi qua tâm thức con người.
Tư tưởng và cảm xúc có khuynh hướng cô đọng thành hình thái mỹ thuật giống như sương giá đọng lại trên cửa kính. Nghệ thuật vì vậy về một khía cạnh là sự đan kết theo một khuôn mẫu, trưng ra một thứ tự và một phương pháp sử dụng vật liệu hay phương tiện. Tuy không một kiệt tác phẩm nào được tạo ra nhờ việc chăm chú theo sát qui tắc vì người nghệ sĩ chân thực làm việc vô ý thức, theo linh tính, giống như con chim hót hay con ong xây tổ ong tự động, nhưng khi phân tích bất cứ một kiệt tác phẩm nào nó cũng cho thấy là tác giả giống như con chim hay con ong, đã theo qui tắc mà không biết.
Mỹ lệ có luật và qui tắc mà nó phải tuân theo tùy theo bản chất của trí tuệ con người. Sự khó khăn nằm ở điểm là những luật và qui tắc này mà mỹ lệ muốn biểu lộ trọn vẹn phải tuân theo, lại không được người nghệ sĩ ý thức trong trí khi sáng tạo tác phẩm, hay được người thưởng ngoạn nhìn ngắm tác phẩm biết được chúng. Tuy nhiên người ta có thể khám phá những qui luật này và có thể xếp đặt thành công thức theo một cách nào đó. Chúng ta chỉ cần đọc ra được những bài học có khắp nơi trong sách về thiên nhiên và nghệ thuật, là thấy được sự hiện diện của chân lý hay luật về mỹ lệ.
Chân lý đầu tiên trình bầy là luật về sự duy nhất, nhất nguyên, vì chỉ có một Đại Ngã, một sự sống mà dù biểu hiệu dưới muôn hình vạn trạng có bản chất vẫn chỉ là một. Nguyên tử và vũ trụ, con người và thế giới, mỗi phần là một đơn vị, một tổng thể trọn vẹn liền lạc. Áp dụng luật này vào nghệ thuật là chuyện hiển nhiên tới nỗi gần như không cần làm sáng tỏ, vì nói rằng một tác phẩm nghệ thuật phải có tính duy nhất, phải làm cho ta thấy là nó đi từ động cơ duy nhất và là sự thể hiện của một ý tưởng chính, thì giống như nói chuyện ai cũng biết. Trong một tác phẩm kiến trúc, sự hòa hợp giữa những thành phần khác biệt với nhau gần như là mức độ để đo sự thánh công của công trình. Chúng ta nhớ lại bất cứ một kiệt tác phẩm nào bằng tính hấp dẫn duy nhất của nó, dù đó là nhà thờ hay là kim tự tháp. chúng có thể phức tạp, nhưng đó là một sự phức tạp có điều hòa, nó có thể có nhiều biến thái nhưng là biến thái trong một nhất thể bao trùm mọi nét.
Luật thứ hai không phản bác lại luật đầu nhưng bổ sung, nó là luật về phân cực tức nhị nguyên. Mọi chuyện đều có phái tính hoặc nam hoặc nữ, và điều này phản ảnh vào một cảnh thấp chân lý của MTTL, nói rằng Thượng Đế khi tự nguyện giới hạn sự sống vô biên của mình hầu có thể biểu lộ, đã tự nhốt mình vào màn giới hạn là ảo ảnh, với sự sống của ngài là tinh thần tức nam tính, và ảo ảnh là vật chất tức nữ tính, cả hai không bao giờ tách biệt nhau trong lúc vũ trụ biểu lộ. Hai tính chất này của sự phân cực không ngừng biểu lộ trong khắp thiên nhiên, ta có mặt trời và mặt trăng, ngày và đêm, lửa và nước, người nam và người nữ, và nhiều điều khác. Luôn luôn như có mối liên hệ chặt chẽ nối kết những thành phần của từng cặp đối nghịch như thế, mặt trời, ngày, lửa và người nam thể hiện và biểu lộ đặc tính tiên khởi và chủ động của thiêng liêng, còn mặt trăng, đêm, nước và người nữ là khía cạnh thứ hai và tiêu cực. Hơn thế nữa, mỗi ý niệm gợi lại những gì thuộc về cùng loại với nó, người nam giống như mặt trời có lực ghê gớm của lửa, còn người nữ có tính sinh học theo chu kỳ của mặt trăng, và giống như nước họ mềm mại, mang lại sự sống.
Vai trò mà sự phân cực này biểu lộ trong nghệ thuật tỏ ra quan trọng, và sự phân biệt luôn luôn cũng như rõ rệt giữa hai ý niệm là một điều đi xa hơn sự đối chọi bình thường. Trong âm nhạc ta có cung trưởng và cung thứ, trong tiếng nói là nguyên âm và phụ âm, chữ A há miệng là âm thanh chỉ sự căng thẳng, còn chữ M ngậm miệng chỉ sự thỏa mãn, phối hợp hai chữ này cho ra thánh ngữ AUM. Trong hội họa đó là mầu nóng và mầu lạnh, mầu đỏ là mầu của lửa chỉ sự kích thích, mầu xanh là mầu của nước mang lại sự bình an, ngoài ra còn có đường thẳng giống như lửa, đường uốn lượn trôi chảy giống như nước, mầu sậm là đêm, mầu sáng là ngày.
Trong kiến trúc đó là cây cột hay vật thẳng đứng chống lại sức trọng trường, bổ sung thì có xà ngang; cột nói lên ước vọng vươn cao, nỗ lực, còn đường nằm ngang làm êm ái tầm mắt và trí não, ngoài ra còn có khoảng trống và khoảng đặc.
Phái tính có thể được xếp loại để làm cho việc phân tích được dễ dàng hơn. Những gì chỉ về thời gian, hay mang tính chất thời gian có nam tính, và những gì mang tính chất không gian chỉ về không gian có nữ tính, chẳng hạn như chuyển động là thời gian đối ứng với vật chất chiếm chỗ không gian, trí não đối ứng với thân xác. Âm dương có thể là khái niệm thay thế cho nam nữ vì chúng không mang nặng nghĩa về phái tính. Vậy thì cái gì đơn giản, trực diện, tiên khởi, chủ động, tích cực là dương tính, và cái gì phức tạp, gián tiếp, thứ cấp, thụ động, tiêu cực là âm tính. Dương tính còn là những gì cứng, thẳng, thẳng đứng, cố định và âm tính là những gì nằm, cong, nằm ngang, biến thiên.
Tính âm dương thấy rõ rệt nhất trong thảo mộc. Thân cây là dương, tàn lá là âm, rồi thứ tự này lập lại ở cành và lá. Cây như cây thông có cành lá phát xuất nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian từ cùng một thân thẳng đứng là cây dương tính, còn cây chẻ nhánh như cây liễu có âm tính. Mọi cây đều thuộc về một trong hai loại này hay nằm ở giữa hai tính chất, và lá cũng có sự phân biệt tương tự. Đó là sự phân biệt theo thời gian với tính liên tục xẩy ra từ một trục, và phân biệt trong không gian với tính đồng thời xảy ra từ một tâm điểm.
Trong kiến trúc, một tòa nhà gồm có bức tường đỡ cái mái, nói lên hai nguyên tắc là sự nâng đỡ và sức nặng. Biểu hiệu cho sư nâng đỡ là cột có thể xem như là bức tường cô đọng, và xà ngang là mái nhà rút gọn, cột thẳng đứng nên có tính dương, xà ngang có tính âm. Tính chất này có thể được nhấn mạnh bằng cách xẻ rãnh thân cột theo những đường thẳng đứng, làm cho sức mạnh của cột như được tăng cường, hay xà ngang được tô điểm thêm bằng những đường nằm ngang. Chưa hết, không phải cột chỉ thuần là dương tính mà tự nó cũng lại chia thành hai phần âm dương, với thân cột là dương và đầu với chân cột là âm. Đặc tính âm dương này rất phổ quát tới nỗi người ta có thể dùng nó làm căn bản cho việc phân tích bất cứ kiểu mẫu hay một thời đại kiến trúc nào, nó không phải chỉ là sự đối nghịch hay tương phản mà còn hơn thế nữa.
Vào thời trung cổ, vương cung thánh đường tại Âu châu biểu lộ tính âm dương này qua hai tháp chuông, tháp phía bắc hay tay mặt được xem là tháp dương và tháp phía nam là tháp âm, nhưng chỉ một số công trình duy trì điều này rõ rệt, thí dụ là vương cung thánh đường Tours với tháp phía nam tức tháp âm có nét thanh nhã hơn và ốm hơn, còn tháp phía bắc có góc cạnh hơn, hùng mạnh hơn. Nhà thờ Đức Bà tại Paris cũng giống vậy, có tháp phía bắc rộng hơn tháp phía nam, nhà thờ tại Amiens có tháp phía bắc cao hơn và tầng trên tháp đồ sộ hơn. Nay cả cách trang trí cũng nói lên sự khác biệt, cổng vào tháp phía bắc có vẽ chỉ một vòng tròn, cổng vào tháp phía nam là hai vòng tròn đồng tâm, sự dị biệt tuy nhỏ nhưng đáng chú ý vì người ta tin rằng số lẻ là dương và số chẵn là âm. Như vậy, số hai là số chẵn đầu tiên và do đó là số của người nữ, khi người đàn bà qua đời thì chuông đổ hai hồi, còn chuông đổ ba hồi báo hiệu cái chết của người đàn ông.
Đường thẳng và đường cong biến hóa với nhau thành vô số kiểu thức trong một tòa nhà làm nó trở nên sống động, và bằng cách học phân biệt chúng, biểu lộ chúng qua những hình thể mỹ lệ mới, con người làm cho kiến trúc trở thành mỹ thuật, nhưng trong khi đi tìm phương tiện cho tư tưởng, điều cần nhớ luôn là vẻ đẹp của một công trình kiến trúc nằm ở chỗ xứng hợp, thích đáng và biểu hiệu đúng đắn cả phương tiện lẫn mục tiêu. Một điều là cụ thể và cá biệt, điều kia là trừu tượng và phổ quát nhưng đều luôn luôn có thể hòa hợp.
Đặc tính nhị nguyên nay được một tính thứ ba biến cải, đó là trong mỗi nhị nguyên có một vật thứ ba tiềm ẩn, là hai sẽ ngụ ý có ba, vì mỗi phái tính đều trên đường trở thành phái tính đối diện và điều này thực hiện nhờ yếu tố thứ ba trung hòa, không giống hai yếu tố đầu nhưng mang tính chất của cả hai yếu tố này. Nó giống như đứa trẻ có thể giống cả hai cha và mẹ, hoàng hôn đứng giữa chiều và đêm, đất là con đẻ của nước và lửa, trong nhạc giữa chủ âm (tonic) và âm thứ bẩy (dominant seventh) ta có âm thứ ba hòa giải hai âm này. Hội họa có ba mầu căn bản với mầu vàng chen giữa mầu đỏ và mầu xanh, và trong kiến trúc là hình vòng cung không phải là đường thẳng hay đường ngang mà là sự nâng đỡ cũng như là sức nặng. Ngoài ra, trong khi cây cột là nam tính và xà ngang là nữ tính thì vòng cung đứng trung hòa, ba hình thức này là ba điều căn bản mà bao nhiêu thế hệ đã dùng để mở rộng nghệ thuật kiến trúc.
Đặc tính ba ngôi này thấy trong chữ TAU của Ai Cập là cây thánh giá mà phần đầu là một vòng tròn, với chữ Vạn của đạo Phật nằm trong vòng tròn, kế đó nhiều biểu tượng của Thiên chúa giáo phối hợp cây thánh giá và vòng tròn. Những hình tượng như vậy có ý nghĩa thâm trầm cho các tư tưởng gia trong thời đại xưa, và ngày nay mỗi nghệ sĩ cần sử dụng các biểu tượng đó trong hình thức này hay hình thức khác, và nếu dùng nó theo nghĩa bí ẩn thì tác phẩm của họ sẽ có thể có được mỹ lệ và nét độc đáo, bởi độc đáo là nhận thức mới về mỹ lệ, và mỹ lệ là tên gọi của chân lý mà chúng ta chưa hiểu được.
Trong kiến trúc, bộ ba với cột, xà ngang và vòng cung được ứng dụng rất đẹp đẽ vào nhiều công trình thời Phục Hưng (Renaissance), nếu xét về mặt chức năng thuần lý thì nó là chuyện thừa và không có gì biện minh được cho việc dùng cả ba một lúc, bởi vòng cung nâng đỡ sức nặng nên cột chỉ đứng làm vật trang trí, nhưng cho dù vô lý sự phối hợp cả ba lại làm thoả mãn ý niệm về mỹ thuật và làm trọn vẹn ý niệm về ba ngôi. Các thánh đường sử dụng ba yếu tố này hợp lý hơn với cả ba đều có công dụng mà không hiện diện chỉ để làm vì, đường cong có phận sự là làm giảm bớt sức nặng của khối vật liệu đè lên xà ngang. Kiến trúc cổ điển cũng có xếp đặt tương tự, khi một khoảng không gian do một vòng cung duy nhất tạo nên được một hay hai cột phân chia thành phần phụ.
Ba là con số nổi bật của kiến trúc, vì đó là con số của không gian ba chiều đo, và trong tất cả những ngành nghệ thuật, khoa kiến trúc quan tâm nhiều nhất đến sự biểu lộ mối liên hệ trong không gian của những thành phần. Sự phân chia một tổng thể thành ba phần liên hệ có tính phổ quát đến mức có vẻ như là trí óc con người hành động theo linh tính. Đền đài Ai Cập có hai tháp canh hai bên lối vào ở giữa, vương cung thánh đường có hai tháp chuông, và nơi hành lễ nằm giữa, chùa có tam quan, dinh thự có hai phần giống nhau nằm hai bên và giữa là một cấu trúc khác. Sau chót ngay cả một thành phần căn bản của kiến trúc tự nó cũng có ba thành phần, cột có chân, thân và đầu cột và mỗi tiểu tiết này cũng có thể chia làm ba phần nhỏ khác.
Ta qua luật kế trong kiến trúc là sự đồng vọng hay consonance, nhưng trước đó sự việc đã hiển hiện trong thiên nhiên với một vật được hồi âm và lập lại trong khắp những phần của nó. Chẳng hạn tiểu vũ trụ và đại vũ trụ có cùng bản chất, ngày và đêm là phản ảnh của lúc sống và thời gian ngơi nghỉ trên cõi Devachan, cái lá là hình ảnh nhỏ bé của cây, mỗi bông hoa là cái lá biến hình, và sóng là một phần của thủy triều lên và xuống. Trong âm nhạc luật biểu lộ qua việc chủ âm hay tonic trở tới trở lui trong bài, hay chủ đề chính được lập lại trong chủ đề phụ, dương cầm và ban hòa tấu nhạc có nhạc khóa Sol hay tay phải được lập lại trong nhạc của khóa La hay tay trái. Hội họa sử dụng cùng nguyên tắc với việc lập lại một số mầu sắc nhưng có thay đổi, hay việc phối hợp một số đường nét ở những phần khác trong cùng bức tranh, được xếp đặt để hướng nhãn quan đến một tâm điểm nào đó. Mỗi họa sĩ biết rằng bất cứ mầu nào quan trọng trong bức tranh cần phải có âm vang, tức lập lại ở vài chỗ khác trong tranh để tổng thể được quân bình.
Một bài diễn văn cũng theo luật này, hay một kịch bản cũng vậy, với ý tưởng chính hay trọn một cảnh được lập lại nhưng trong khung cảnh khác làm cho nó nói lên điều khác hẳn. Sự tái lại, hồi âm này cũng diễn ra trong kiến trúc, ta có một hàng cột nhỏ nằm bên trên hàng cột lớn đường bệ, hay lan can tầng trên là sự lập lại của dẫy cột bên dưới. Vương cung thánh đường có tháp hai bên cổng vào là vòng cung nhọn thì bên trong, mỗi tượng thánh đứng trong một khung thờ nhỏ sâu trong tường với khung vòng cung nhọn bao quanh tượng. Kiến trúc cổ điển luôn luôn có âm vang dưới nhiều hình thức, hoặc tỉ lệ được lập lại, hoặc đường nét song song, hình kỷ hà song song, hoặc theo cùng cách thức trang trí, xây cất, như một bản nhạc được soạn một cung và không ra khỏi cung ấy ngoại trừ khi theo một cách thay đổi hợp lệ. Ý chính vẫn là có âm vang và tương đồng.
Đa dạng mà đồng diệu là một tính khác đi sát với nét trên, muốn nói tính dị biệt mà không phải rập khuôn, và bầy tỏ trong đa số trường hợp như là sự biến hóa dễ thấy và nổi bật giữa những đơn vị riêng rẽ thuộc về cùng một loại. Hai cái cây không bao giờ đâm nhánh giống nhau, và hai cái lá từ cùng một cây không hề rập khuôn y hệt, không có hai người nào hoàn toàn giống nhau tuy có thể có đường nét tương tự, và dấu tay của ai thì của riêng người đó mà thôi. Sự việc muốn nói lên chân lý rằng bản sắc không hề gạt qua lề tính dị biệt, luật ràng buộc nhưng ý chí con người tự do, mọi người đều là huynh đệ và ràng buộc với nhau trong tình huynh đệ tuy nhiên mỗi người đều độc đáo, đều là cá nhân tự do. Công trình kiến trúc thể hiện luật này qua những chi tiết thú vị, như nhìn sơ qua thì phần trang trí trong một nhà thờ kiểu Gothic có vẻ như giống nhau, nhưng khi đến gần thì có nhiều nét khác lạ, hoặc hàng cột trong một đền thờ Hy Lạp mỗi cây đều có bệ chạm trổ theo cách riêng. Biến đổi khác là trong mỗi hàng cột 15 cây của vương cung thánh đường Pisa tại Ý, chẳng những chiều cao của cột không giống nhau, mà khoảng cách giữa chúng cũng không đồng đều. Chuyện không phải tình cờ, mà bởi người thời ấy ghét tính đơn điệu và việc lập đi lập lại vô nghĩa nên đã thay đổi hàng cột theo cách thức trên, vì sự phân chia bằng nhau cứng ngắc và đều đặn làm mất đi vẻ hứng thú và sinh động.
Quân bằng là một luật kế, nếu người ta vạch một mặt phẳng thẳng đứng ngang qua đường giữa của một thân cây, thì trong đa số trường hợp ta sẽ thấy là khối lá dù xếp đặt bất thường ở hai bên thân cây thế nào đi nữa, nó thường là quân bằng nhau. Tương tự vậy, trong mọi chuyển động của cơ thể, khi có thay đổi về cân bằng ở một bên thì có sự điều chỉnh của cơ thể phía bên kia, theo cách thức sao cho một đường trục đi ngang qua trọng tâm sẽ chia thân thể thành hai phần có khối lượng bằng nhau, như trong thí dụ cái cây. Luật quân bằng ở cõi trần là thể hiện của luật Bù Trừ trong huyền bí học, theo đó mọi hoạt động đều mang lại phản ứng tương xứng, hay sự công minh của luật Công Bằng. Nhạc có sự quân bằng với sự đối chọi, một đoạn nhạc được đáp lại bằng đoạn nhạc khác có chung tính chất và trường độ bằng nhau, hội họa có sự phân bố các khối như nhà cửa, rừng hay khóm cây, nhóm người theo cách thức sao chúng quân bằng nhau, để không thấy có sự căng thẳng hay lệch lạc trong bố cục bức tranh. Kiến trúc tuân theo luật này qua việc xếp đặt các yếu tố đối xứng nhau, đó có thể là mặt phẳng hay tầng lầu ở hai bên trục. Đôi khi chúng không nhất thiết phải tương xứng về mọi mặt mà có thể khác nhau như hai tháp của nhà thờ tại Amiens và cho ra nét tinh tế, sống động.
Trong thiên nhiên có sự thay đổi nhịp nhàng, hoặc làm cho hình thể thanh tú, cô đặc hơn trong không gian, hoặc ngược lại khiến nó mở rộng tan loãng hơn, về mặt thời gian đó là việc tăng tốc độ cho nhanh hơn, hay giảm tốc độ làm chậm lại, nhưng trong cả hai trường hợp sự việc đều do luật chính xác toán học kiểm soát, như luật về gia tốc khi một vật rơi tự do. Hình ảnh của luật thấy qua những vòng tròn càng lúc càng lan rộng trên mặt nước khi ta cho rơi một viên sỏi vào hồ tĩnh lặng, hay những vòng xoáy của vỏ sò, cây đâm nhánh càng lúc càng nhỏ và đường gân của lá phân chia càng lúc càng tinh tế. Đường xoắn ốc trình bầy luật này đẹp đẽ trong không gian lẫn trong thời gian, và theo MTTL đó là khuôn mẫu chung trong vũ trụ, là mô thức của mọi vật đã có, đang có và sẽ có.
Tính giảm thiểu nhịp nhàng này có ở khắp nơi, và nằm ngay trong mắt chúng ta, vì một chuỗi những đơn vị bằng nhau theo toán học, chẳng hạn những thanh ngang của đường rầy xe lửa, một hàng cột cao bằng nhau khi nhìn theo luật phối cảnh sẽ nhỏ dần nhịp nhàng. Một tòa nhà tuân theo luật này với việc người ta xây thường cho nó càng cao càng nhẹ, hay tỏ vẻ ra như thế bằng cách dùng nhiều biến đổi từ dưới đất đi lên, và phương pháp thường nhất là tầng dưới thấp dùng cột đơn giản, cứng cáp ít tô điểm, và tầng trên có cột trang trí nhiều hơn, thí dụ là đấu trường Coloseum tại La Mã. Vương cung thánh đường kiểu Gothic sẽ có vòng cung nhọn của cổng chính lập lại nhỏ hơn trên cao, nhiều chi tiết hơn.
Nguyên tắc chót về mỹ lệ trong thiên nhiên là sự tỏa rộng (radiation), có liên can đến luật đầu tiên trình bầy là luật Nhất Nguyên. Những phần khác nhau của bất cứ một sinh vật nào đều tỏa ra từ một tâm, hay tụ về một tâm chung, giản dị nhất là cơ thể của sao biển năm nhánh phát xuất từ một tâm chung, phức tạp nhất là cơ thể con người, và rộng lớn vô biên là thái dương hệ xoay quanh mặt trời, hay hơn nữa là Thượng đế phóng chiếu ánh sáng và sức sống trong khắp vũ trụ. Luật hiện diện khắp nơi trong thiên nhiên cũng như trong nghệ thuật, trong quang học những đường song song được xem là gặp nhau tại một điểm ở vô cực, trong tranh là luật phối cảnh với mắt người thưởng ngoạn sẽ theo đường nét hướng về tâm bức tranh. Kiến trúc có toàn bộ công trình hoặc theo hình ellipse với hai tâm điểm như đấu trường Coloseum ta có nói ở trên, hoặc đền Panthenon dựa theo hình tròn có một tâm điểm. Chẳng những vậy, trang trí trên tường, trên cột, trên cửa cũng thể hiện nguyên lý này trong những triều đại khác nhau và thời gian không gian khác nhau. Người Ai Cập dùng hoa sen, Hy Lạp dùng lá sồi đều nhắc tới nguyên lý tỏa rộng.
Đây là những luật căn bản và rõ ràng nhất của thiên nhiên được ứng dụng vào khoa kiến trúc, bản liệt kê còn dài nhưng điều đáng quan tâm là chúng đều là những khía cạnh khác biệt của một luật chung, theo đó Thượng đế biểu lộ trong không gian và thời gian. Để nhắc lại thì trước tiên là luật Nhất Nguyên, và bởi mọi đơn vị đều có hai bản chất kế tiếp ta có luật Nhị Nguyên, tính nhị nguyên này không đứng yên mà sinh động tương tác với nhau cho ra ba ngôi. Sự tương tác càng lúc càng nhiều dẫn tới luật đa nguyên trong nhất nguyên hay luật Đồng Vọng tức consonance, vì tiến trình phân hóa thường có khuynh hướng lập lại chính nó cũng như khuôn mẫu đầu tiên sẽ tái hiện nhưng với hình dạng thay đổi. Vậy thì tiếp theo là luật Đa Dạng trong Đồng Điệu, còn luật Quân Bằng chỉ là biến thể của luật Phân Cực, và bởi mọi vật có thăng có trầm, kiến trúc có luật Thay Đổi Nhịp Nhàng. Sau chót luật Tỏa Rộng hay radiation thể hiện trở lại, tái xác nhận dưới hình thức ngày càng phức tạp tính nhất nguyên căn bản mà từ đó nẩy sinh bao chi tiết lý thú.
Để mô tả những luật này chúng ta hãy xem cách chúng được áp dụng vào một công trình của kiến trúc là đền Taj Mahal, một trong những tòa nhà đẹp nhất của thế giới. Đền là một nhất thể gồm hai phần, một phần cong và một phần nhiều góc cạnh, có thể nói tổng quát như là một cái tách úp lên hình khối vuông. Mỗi phần như vậy lại gồm có ba phần nhỏ, là hai nóc tròn nhỏ ở hai bên nóc tròn chính nằm giữa, và hai cạnh với phần chính hình thang ở trung tâm. Toàn bộ nói lên luật đồng vọng, những vòng cung ở hai bên hông lập lại vòng cung ở giữa, nóc tròn nhỏ là hình ảnh của nóc tròn lớn, và đường nét trang trí của những tháp nhỏ lập lại đường nét chính. Lối trang trí thật đa dạng, tỉ mỉ, trọn công trình có sự đối xứng khắp nơi và đo đó quân bằng, những tháp thu nhỏ lại từ dưới lên trên tức giảm thiểu nhịp nhàng, và khối thấp to nhỏ tỉ lệ với nhau, sau chót toàn khối tỏa rộng từ một điểm trung tâm gồm những phần tử nằm trên đường xuất phát từ tâm chung.
Mọi vật dù xấu hay đẹp đều tuân theo và diễn tả một trong những luật này, và mục tiêu đầu tiên của một tác phẩm kiến trúc là tuân theo và biểu lộ chúng. Công trình nghệ thuật không là gì nếu không có tính khéo léo, tức nó càng được nhìn thấy dưới nhiều khía cạnh chừng nào, như trên dưới, trái phải, qua lại thì càng tốt chừng ấy. Riêng cho kiến trúc là làm tròn một số điều kiện theo cách thức thực tiễn, tiết kiệm và đáng khen, khiến cho hình thể biểu lộ phận sự của công trình. Kiến trúc sư và cũng là nghệ sĩ sẽ làm điều nói trên mà còn hơn thế nữa, và thường khi làm việc một cách vô ý thức, hòa điệu, hân hoan; tòa nhà của họ tuân theo các luật trên mà cũng là luật của nghệ thuật, và trở thành một tác phẩm nghệ thuật, vì nghệ thuật là phương pháp của thiên nhiên được mang lên những khung trời cao hơn của tư tưởng mà chỉ có con người bước vào, và là một trong những mục tiêu cho MTTL khám phá.
CLAUDE BRAGDON
(The Beautiful Necessity)