ĐỌC SÁCH: H.P.B. COLLECTED WRITTINGS

H.P.B. Collected Writtings

 

Trong các tác phẩm của bà Blavatsky, bộ H.P.B. Collected Writtings (BCW) ít được biết hơn những cuốn quen thuộc khác như The Secret Doctrine, The Key to Theosophy … nhưng đó lại là bộ sách phong phú nhất, cho ta biết nhiều về con người của bà, và hơn hết thảy là những chỉ dạy về Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL). Có thể sách không được phổ thông vì số lượng quá đồ sộ làm người ta e dè, trọn bộ gồm 14 cuốn, cộng thêm cuốn 15 là danh mục, mỗi cuốn dầy từ 500 đến hơn 800 trang, được soạn thảo hết sức công phu.

Xuất Xứ
Sách có một lai lịch khá đặc biệt. Sau khi bà Blavatsky qua đời năm 1891, những cộng tác viên đã có ý thu góp và xuất bản bài viết của bà rải rác trên nhiều tạp chí từ năm 1875 đến 1891. Có một số trở ngại khi làm vậy nên chỉ có một tuyển tập in năm 1895 rồi kế hoạch không được tiếp tục.
Việc tìm lại các bài báo xuất bản đã lâu là chuyện khó, và lại khó hơn khi ta biết bà viết bài với các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga và Ý. Bởi thế người sưu tập phải tìm sách báo ở nhiều nước nếu muốn có đủ hết các bài. Chẳng những vậy, khi viết bà ký nhiều bút hiệu khác nhau nên có thêm vấn đề là thẩm định nội dung, cách dùng chữ, kỹ thuật viết để xác quyết bài nào là của bà. Công việc dở dang ấy về sau được tiếp tục và hoàn bị qua ông Boris de Zirkoff.
Ông là cháu họ xa của HPB, không hề biết mặt bà. Lòng say mê Theosophy khiến ông cùng ý với nhóm ở trên. Hợp với một số đông thân hữu tại nhiều nước, ông đứng chủ biên bộ sách. Bài được sắp xếp theo thứ tự thời gian, và bởi mạng lưới cộng tác viên rộng lớn, nhóm đã tìm thêm một số bài đăng trên các báo Nga, Pháp, chưa hề được độc giả Anh văn biết tới. Chẳng những vậy, thư viện tại Moscow bấy giờ thuộc Liên sô, đã chụp phóng ảnh tất cả bài của bà được lưu trữ, gửi tặng miễn phí cho ông để nhờ thế ta có bản dịch Anh văn. Sự việc tiến hành chậm chạp, bài vở được chọn lọc từ năm 1926, sang đến 1933, quyển BCW thứ nhất được xuất bản tại Anh và quyển thứ 14 được hoàn thành vào năm 1982.

Nội Dung
Có nhiều điểm để nói về nội dung, nhưng có một chữ mà dù xét về bất cứ khía cạnh nào như lịch sử hội ban đầu, chỉ dạy MTTL, hiểu biết về con người bà Blavatsky, ta cũng phải dùng, đó là giá trị lớn lao của sách. Điều ấy cũng nói lên gián tiếp công lao của người chủ biên.
Vì được sắp xếp theo thứ tự thời gian, đây là tài liệu lịch sử quí báu về những biến cố xẩy ra cho Hội từ 1875, được ghi qua các bài viết của bà, cho thấy nhiều mặt của các biến xố, và chúng gây ra ảnh hưởng gì cho sự phát triển của Hội.
Từ những phản ứng văn chương đó, người ta biết được lòng trung thành, sự hy sinh của bà đối với các Chân Sư, và trên hết thẩy đối với chân lý. MTTL và sự sáng là hai điều được nhắc tới luôn trong các bài. Khi đọc những bài bút chiến, dù ta chỉ bắt được dư âm của cuộc tranh luận cách đây hơn trăm năm, nhưng tâm tình và lòng nhiệt thành của bà không phai nhạt, vẫn còn khơi dậy nơi người đọc mối cảm phục lớn lao.
Thực vậy, thuở ban đầu do sự hiểu lầm của công chúng rằng Hội là một tôn giáo hay một giáo phái Phật giáo, do óc đố kỵ của giáo sĩ Thiên Chúa giáo khi hội bênh vực và khuyến khích việc tìm hiểu kinh điển Ấn giáo, Phật giáo, và do việc ông Olcott cùng bà mạnh dạn tuyên bố họ là tín đồ Phật giáo, ba điểm ấy gây khó chịu cho vài tổ chức Thiên Chúa giáo và người theo đuổi thuyết duy vật, những ai vẫn coi thường Ấn giáo, Phật giáo, xem đó là mê tín dị đoan, và đánh giá thấp văn hóa thuộc địa Ấn. Họ đã tấn công bà và hội nhiều lần, nhiều mặt nên nếu ta ghi bà tả xông hữu đột, chống đỡ cho việc làm của mình cũng không phải là quá đáng. Bà đương đầu với các âm mưu và lời vu khống một cách dũng mãnh, một lòng một dạ bênh vực chân lý, can đảm tiếp tục làm việc mà bà tin tưởng là trình bầy MTTL cho thế giới, bất chấp hậu quả xẩy đến cho cá nhân.
Giá trị lớn lao của bộ BCW còn nằm ở điểm sau, do việc tìm tòi kỹ lưỡng, người ta có được nhiều bản thảo chưa được xuất bản sau khi bà mất, dù trong báo hay trong sách. Những bài ấy xuất hiện lần đầu trong BCW, gây ra một số đảo lộn dở khóc dở cười. Thí dụ trước khi có bộ BCW, việc tính thời gian những cuộc tiến hóa (rounds) của địa cầu và các giống dân của cuộc tiến hóa thứ tư, được làm theo cách toàn thời hạn chia cho 7 (hoặc 7 cuộc tiến hóa, hoặc 7 giống dân), cho ra kết quả là thời gian của mỗi cuộc tiến hóa hay mỗi giống dân. Cách tính này được trình bầy tại trường Minh Triết ở Adyar, Ấn Độ và được in thành sách do Theosophical Publishing House (TPH) ấn hành.
Về sau, tài liệu đã nói xuất hiện trên BCW, theo đó cách tính hoàn toàn khác hẳn:
Giống dân I hiện diện trong x năm.
Giống dân II hiện diện trong …2x năm.
Giống dân III hiện diện trong 3x năm.
Giống dân IX hiện diện trong 4x năm.
Và tương tự cho những cuộc tiến hóa. Tức cuộc tiến hóa I hay giống dân I hiện diện ngắn nhất, và cuộc tiến hóa VII hay giống dân VII sẽ lâu nhất, thay vì có thời hạn đồng đều như nhau. Có lẽ vì khám phá này mà quyển The Earth and Its Cycles của E.W. Preston do TPH xuất bản năm 1931 đã không được tái bản. Nhưng dù vậy, bởi có ít người đọc BCW nên nhiều nơi chưa rõ sai sót trên (hoàn toàn không do tác giả Preston), và hiện nay vẫn tiếp tục dùng cuốn The Earth làm tài liệu tham khảo.
Khi dọc bộ BCW, một điều khác cũng cần phải ghi là phảng phất trong 14 cuốn người ta thấy được nhiều nụ cười của bà, hóm hỉnh, tinh quái mà cũng trẻ thơ, khiến cho ta vừa ngưỡng mộ kính phục, mà cũng vừa thấy gần gũi. Xin đưa ra hai thí dụ.
● Trong bài trả lời linh mục Roca (vol. XI), khi ông có nhận xét không đúng về Phật pháp, bà dùng lịch sử chứng minh điểm sơ sót, và bởi bài viết của linh mục có chút ngạo mạn xúc phạm đến Phật giào, bà chấm dứt bài bằng câu ‘Om Mani Padme Hum’ !
● Nhân dịp báo Le Lotus Bleu của hội Theosophia tại Pháp ra số đầu, bà viết bài kể lai lịch của  hoa sen xanh theo thần thoại Ấn, và kết thúc như vầy.
‘Hồ sen xanh đó vẫn còn, và bởi sen xanh được coi là hoa thần, có lệnh trong vùng không ai được phá rối bầy cá sấu trong hồ, vốn được dân gian tin là từ hoa sen biến ra. Vì thế, cứ mươi người xuống hồ thì có chín người lên cõi Nirvana ngay lập tức, và những con  cá sấu ở đó trở thành loài cá sấu to nhất đời.’
Giá trị các bài trong BCW còn nằm ở diểm chúng soi sáng các nghi vấn hay phần khó hiểu trong kinh điển. Chẳng hạn khi nhận xét rằng hình ảnh người nữ từ xưa đến nay bị trình bầy sai lạc với ý xấu, bà đưa ra nhiều hiểu biết mới mẻ và thâm sâu về biểu tượng học qua đoạn văn sau:
‘Có chuyện ngụ ngôn cho thấy những gì người nữ có thể làm được, nếu họ không bị nam giới lấn át. Chuyện kể con sư tử đi ngang bức tượng tạc lực sĩ thân hình vạm vỡ, rắn chắc, đang banh hai hàm một sư tử. Nó bèn nói rằng, nếu để cho loài sư tử tạc bức tượng thì hai nhân vật hẳn phải đổi chỗ nhau. Nhận xét này cũng đúng cho nữ giới, nếu họ được quyền vẽ lại cuộc đời nhân loại, hẳn họ sẽ vẽ câu chuyện với nhân vật chính đổi vai cho nhau. Chính người nữ đã dẫn người nam đến cây Hiểu Biết, làm cho anh phân biệt điều Thiện và điều Ác; rồi nếu người nữ được làm theo ý mình, hẳn cô sẽ đưa anh tới cây Sự Sống, làm cho anh bất tử (vol XI, p. 550)
Tất nhiên bà không nói đến xác thân nam hay nữ mà con người khoác lấy khi tái sinh, và sẽ bỏ lại khi qua đời. Câu chuyện trên có thể hiểu là trong cuộc tiến hóa, nguyên lý tình cảm (đặc tính nữ) phát triển trước, dẫn đến nguyên lý trí tuệ (đặc tính nam), làm con người có óc phân biện. Nói khác đi nhờ cảm xúc thoải mái hay không, mà người ta có sự chọn lựa sơ đẳng giữa Tốt và Xấu. Kế đó, sự phát triển nguyên lý Bồ Đề (Buddhi Phật tánh) vốn được xem là đặc tính nữ, làm con người giác ngộ, sinh hoạt ở cõi cao và đạt sự sống vĩnh cửu.
Vì những giá trị vừa kể, ai muốn nghiên cứu MTTL hay lịch sử hội cần đọc BCW. Trong khi xem sách, có một điểm nên lưu ý là thời điểm các bài và hiện tại bây giờ cách xa nhau, vài ý chính đáng vào lúc đó nay đã bớt tầm quan trọng, ngược lại thời của chúng ta có những điều cần được bàn kỹ mà thời trước chưa quan tâm đúng mức.
Lấy thí dụ phong trào duy vật và thông linh học (Spiritualism) nổi bật vào cuối thể kỷ 19, để làm giảm bớt ảnh hưởng của chúng, bà đã viết nhiều bài sâu sắc, cũng như chúng là một trong những lý do khiến hội được thành lập. Ngày nay nhu cầu trình bầy chân lý và sự sáng vẫn còn mạnh như xưa, nhưng đối tượng cho nỗ lực của người nghiên cứu MTTL thay đổi, từ thuyết duy vật sang tâm linh học (Psychism). Ngành này là một cản trở của việc học hỏi chân lý, nếu ta vì nó mà ham mê việc truy tiền kiếp của mình, liên lạc với người đã khuất, đoán biết tương lai, tập xuất hồn sang cõi trung giới v.v. Tức nhắm vào hiện tượng rồi dễ dàng đi vào tả đạo thay vì đi tìm sự sáng trong tâm, thể hiện con người thật. Nếu giữ được ý này trong khi đọc BCW, ta không sợ bị trói buộc vào quá khứ khi nghiên cứu lịch sử, tới mức quên đi nhu cầu hiện tại.
Bộ sách quá dầy, có nhiều bài dài với các chi tiết lý thú, nên muốn khai thác trọn bộ cần có đông người làm việc chung. Thế nên rất mong sự hợp tác của bạn đọc, như chọn bài dịch hay giới thiệu các ý tưởng đặc sắc; ngoài ra ban biên tập PST cũng sẽ lần lượt xin trình bầy phần đáng chú ý nhất trong BCW.
Từ bộ BCW, người ta không khỏi liên tưởng đến hai bộ khác là các sách của bà Alice A. Bailey và bộ Agni Yoga (12 cuốn !) của bà Helena Roerich, và tự hỏi sự liên quan giữa chúng ra sao. Cả ba đều là nỗ lực của Thiên Đoàn Hierachy, các Chân Sư qua ba vị đệ tử trên, đưa ra cho thế giới một số chân lý cần cho sự phát triển tâm linh trong giai đoạn này (sự trợ giúp còn được thấy ở ngành chính trị, khoa học, nghệ thuật nhưng ta chỉ giới hạn vào mặt tôn giáo). Bà Blavatsky là người tiên phong đi khai phá, đặt nền móng cho Theosophy tái xuất hiện, hai vị Bailey và Roerich tiếp nối bằng cách xây dựng và phát triển trên nền móng đó.
Đây là tiến trình thấy trong bất cứ một công cuộc nào, MTTL do bà Blavatsky có tính chất như hiến pháp một quốc gia, nêu lên mục đích, lý tưởng Chân Thiện Mỹ cho mọi người hướng tới cùng những luật tổng quát, đường nét đại cương. Để thực hiện lý tưởng đó cần những bộ luật sát với thực tại, chi tiết hơn, được tìm thấy qua nội dung trong sách của hai bà Roerich và Bailey.
Giờ đây hẳn một số bạn có thắc mắc nhỏ, là việc truyền đạt MTTL cho thế giới trong thế kỷ 20 đều do ba nữ nhân đảm trách có phải là tình cờ, hay có lý do ? Câu hỏi được giải thích phần nào khi ta đọc lại biểu tượng về người nữ và cây Sự Sống ở trên; do cấu tạo đặc biệt của những thể, thân xác nữ có lợi điểm hơn thân xác nam trong việc làm trung gian chuyển sự hiểu biết tinh thần từ một nguồn cao xuống cõi trần. Vì vậy người khởi đầu phong trào Theosophy trong chu kỳ mới này là một nữ nhân (bà Blavatsky), vị kế nghiệp bà cũng lại là một nữ nhân tài giỏi khác (bà Besant), rồi hai bà Bailey và Roerich chọn thân xác nữ không nằm ngoài lý do ấy. Nhân đây là một chuyện về con cháu bà Blavatsky của thế kỷ 20, chúng hứng thú với biểu tượng ở trên nhưng lại nói thêm. ‘Dĩ nhiên Thượng Đế tạo người nam trước người nữ, bởi người ta luôn luôn tạo hình mẫu thô sơ trước khi làm một kiệt tác vẹn toàn !’ Đồng ý hay không, chỉ xin bạn một nụ cười vui vẻ.