ĐỌC SÁCH: HELENA PETROVNA BLAVATSKY

Helena Petrovna Blavatsky

 

I. Tài Liệu Lịch Sử Mới
A. Tài liệu vào thời 1875 - 1900
B. Tài Liệu sau 1900
II. Viết Lại Lịch Sử
A. Bản Báo Cáo của SPR
B. Coleman Chứng cớ không bao giờ có
C. Sự Thực bị Bẻ Cong
III. Cách Bộ Isis Unveiled và SD Được Soạn

Quyển H.P.B (Helena Petrovna Blavatsky) của tác giả Sylvia Cranston xuất bản năm 1992, nhằm kỷ niệm 100 năm bà Blavatsky qua đời (1891) chứa đựng nhiều chi tiết thú vị và quý giá. Trong sách có một số chi tiết đáng cho hội viên rành rẽ nên PST xin được trình bầy kỹ dưới đây.

I. Tài Liệu Lịch Sử Mới
Giá trị đầu tiên của sách là phần tài liệu dồi dào. Điều này rất đáng chú ý vì chính nhờ tài liệu từ nhiều nguốn khác nhau, mà người ta có thể nhìn lại một cách khách quan, hiểu rõ hơn sự việc từ 100 năm trước, để cho ra nhận xét đúng đắn về người và việc thời ấy. Nó cũng có nghĩa ta có thể sửa chữa các sai lầm vô tình hay cố ý của vài cuốn sách xuất bản trước đây về HPB. Dựa vào tài liệu thiếu sót từ những nguồn không thiện cảm với nhân vật (HPB), và đôi khi cố tình bỏ qua chứng cớ nào không thuận lợi cho giả thuyết của mình, tác giả những cuốn sau:
1. Madame Blavatsky The Woman behind the Myth (Marion Meads)
2. Madame Blavatsky’s Baboon (Peter Washington)
3. No Religion Higher than Truth, The Theosophical Movement in Russia (Maria Carlson)
đã có nhận định bất công, lầm lẫn to tát đối với HPB. Phần tài liệu có hai điểm đáng nói.

A. Tài liệu vào thời 1875 - 1900 nay được tìm ra
Nhiều thư từ, hình ành của các nhân vật liên quan nhiều hay ít đến Hội và nhất là với HPB, đã được tìm ra hay dịch từ ngoại ngữ sang Anh văn.
● Khi ở New York HPB có liên lạc thư từ với giáo sư Corson. Từ đó tới nay người ta chỉ có những thư bà gửi cho ông mà không có đủ những thư của ông. Gần đây do tình cờ người ta mới biết chúng nằm trong thư viện của đại học Cornell, và như vậy chữa lại được sai sót trong quyển 1 khi nói về mối giao tình giữa HPB và ông Corson.
● Năm 1886 HPB trao đổi ý kiến cùng ông J. Ralston Skinner, một học giả uyên thâm về cổ thư Ai Cập, Do Thái. Dù gắng sức nhiều trong trăm năm qua, người ta vẫn không tìm được các thư từ ấy. Chỉ vào khoảng năm 1979 khi có học giả tìm hiểu về ảnh hưởng của phong trào Theosophia ở Đông Nam Á, xem xét các tài liệu lưu trữ tại đại học Harvard mới khám phá chúng trong thư viện trường. Những văn kiện ấy cho một cái nhìn toàn vẹn hơn về cuộc đời HPB.
● Phần quan trọng nhất là số tài liệu tuy có sẵn trong lúc ấy nhưng bằng Nga văn, nên chỉ được dịch một phần hay chưa dịch. Nhờ việc chuẩn bị cuốn HPB mà tác giả S. Cranston mới cho dịch tất cả sang Anh văn, và do vậy có được những khám phá mới mẻ, lạ lùng như:
–  Sách về cuộc đời Helena A. Fadeyev, thân mẫu của HPB. Bởi không có tài liệu này, quyển 1 đã cho ra nhận xét quá đáng, sai lạc trầm trọng về mối liên hệt giữa HPB và thân mẫu. Người tìm hiểu lịch sử Hội và cuộc đời HPB hẳn sẽ cảm tạ bà Cranston đã có công minh chứng ngược lại, cho hiểu biết thêm về thân mẫu và thuở ấu thời của HPB.
– Sách và bài báo về HPB do chính em gái bà là Vera Zhellhovsky soạn, gồm 6 tập chưa hề được dịch trọn vẹn. Nói chung có 10 tài liệu của Vera được dùng trong cuốn HPB. và bà Cranston nhận xét rằng thế hệ sau chịu ơn của Vera rất nhiều. Chính nhờ nhật kỳ cùng tập chuyện ghi lại những năm thơ ấu của mình với HPB, cũng như những việc xảy ra cho HPB đến năm 1891, mà Vera đã giúp người sau xếp đặt các dữ kiện lịch sử đúng thực hơn. Mặt khác, bởi là thân nhân của HPB, bà có những quan sát và nhận xét người ngoài không thể có, giúp ta hiểu thêm về con người HPB.

B. Tài Liệu sau 1900
Đa số nằm trong các lãnh vực khoa học, nghệ thuật cho thấy ảnh hưởng của Theosophy trong các ngành này. Quyển The Voice of the Silence là sách gối đầu giường của vua kích động nhạc Elvis Prestley, tới nỗi ca sĩ đặt tên cho ban nhạc riêng của mình là Voice. Bộ The Secret Doctrine (SD) và nhiều sách tương tự cũng được Elvis ưa chuộng, nhớ nằm lòng những đoạn chính. Albert Einstein có một bộ SD đặt thường xuyên trên bàn làm việc, và một đại học vài năm lại mua bộ SD mới, lý do là giáo sư sử dụng bộ ấy trong khi đọc ghi chú đầy bên lề, nên lâu lâu cần một bộ mới để … ghi tiếp và đọc cho rõ hơn. Ta sẽ có một bài riêng nói về phần này do đó chỉ đưa thêm một chi tiết quan trọng. HPB xác định bộ SD và quyển The Voice of the Silence được dịch từ kinh Tây Tạng xưa, một phần là kinh mật truyền, một phần là công truyền có trong các chùa Tây Tạng. Phần sau HPB gọi là kinh Kiu-te.  
Nhiều người không tin, cho đó là sản phẩm tưởng tượng của bà, hoặc nguồn gốc kinh không xưa như HPB nói mà được sáng tác ngay trong thế kỷ 19. Vào năm 1983 một học giả về Tây Tạng học đưa ra khám phá của mình, ghi rằng cho tới nay, bộ Kiu-te vẫn còn là chuyện bí ẩn. Không một người Tây Tạng thông thái hay nhà nghiên cứu Tây phương biết có bộ sách nào tên như thế. Nhưng bằng cách đi ngược trở lại, tìm những sách mà bà cho hay đã trích làm tài liệu, bây giờ người ta đã tìm ra được nguồn của SD. Giống như bà đã nói, quả thực những sách căn bản này tìm thấy được trong bất cứ tu viện Tây Tạng nào của phái mũ vàng (chính đạo), cũng như của nhiều phái khác, và đúng rằng ấy là những sách uyên áo, bí nhiệm, được Phật giáo Tây Tạng coi là giải bầy các chỉ dạy bí ẩn trong Phật pháp. HPB dùng chữ Kiu-te là theo cách gọi của giáo sĩ Tây phương đầu thế kỷ 19, ngày nay ta gọi là bộ Kanjur, một bộ kinh lớn của Tây Tạng.

II. Viết Lại Lịch Sử
Những tư tưởng mà thế giới ngày nay chấp nhận như luân hồi, tái sinh, luật tiến hóa về mặt tâm linh, đã không được chào đón một cách rộng rãi như vậy vào thể kỷ trước, khi HPB trình bầy và hăng hái bênh vực chúng. Một phần vì thế giới lúc ấy đang có phong trào tìm thuộc địa, các nước tây phương có khuynh hướng coi thường văn hóa, triết lý, tôn giáo của người bản xứ mà họ cai trị, những chỉ dạy trên được đồng hóa với triết lý Ấn và Phật giáo, (trong khi chính ra Thiên Chúa giào cũng có nói tới) và do đó bị giới trí thức Âu mỹ bài bác.
Phần khác những nhà truyền giáo tây phương muốn dân bản xứ theo Thiên Chúa giào, nay Hội làm sống lại tinh hoa của hai tôn giáo trên là việc bất lợi cho họ, do đó các giáo sĩ tìm đủ mọi cách để làm giảm giá trị của triết lý ấy. Kế nữa, tự bản thân HPB bị hai điểm bất lợi, là  phụ nữ và là người Nga. Thưở đó hai nước Anh và Nga đang e dè canh chừng nhau về ảnh hưởng quân sự, và chính trị của mỗi bên trong vùng Ấn - Iran - Afghanistan. Chính quyền Anh tại Ấn nghi ngờ sự có mặt của HPB ở đó lúc bà mới qua năm 1879, tuy về sau giả thuyết gián điệp được nhà cầm quyền chính thức bác bỏ. Nhưng mối nghi đã gieo, nhiều người dùng luận cứ này trong sách của họ từ đó tới nay, kể cả sách vừa xuất bản (1993) cho ra nhận định oan uổng về HPB (cuốn 2 và 3 ở trên).
Dựa vào các văn kiện mới và bỏ công tìm hiểu những lời cáo buộc về HPB, tác giả Cranston chứng tỏ tất cả đều không có căn bản và do hiểu lầm, thiếu tài liệu, thiếu kinh nghiệm và trong một số trường hợp do ác ý, ganh tị. Việc tra cứu rất công phu nên đó lại là một điểm son cho tác phẩm. Ở đây ta chỉ đề cập tới ba luận cứ thù nghịch nay được minh xác ngược lại, với dẫn chứng cụ thể, rõ ràng. Xếp theo thứ tự thời gian, ta có:

A. Bản Báo Cáo của SPR
Chuyện bắt đầu trước đó một năm. Năm 1884 HPB sang Âu châu, ông H.O. Olcott sang Ceylon, hai vị vắng mặt nên việc hội tại Madras, Ấn, được giao cho một ban quản trị, riêng hai vợ chồng quản gia là ông bà Coulomb được HPB tin cẩn, cho quyền coi sóc tầng lầu, trong đó có phòng riêng của HPB. Công việc tổng quát của ông Coulomb là ngành mộc, sửa chữa tất cả những gì cần tại nhà hội ở Madras. Lúc ấy mái cần được tu bổ nên việc ông Coulomb ra vào nhà hội, tiếng búa tiếng cưa không làm ai nghi ngờ. Bởi ông bà vi phạm nội quy, ban quản trị trục xuất hai người ra khỏi khuôn viên hội, HPB rất tiếc nhưng cũng chấp thuận quyết định ấy. Sẵn các nhà truyền giáo tại Madras không có thiện cảm với việc truyền bá, phục hồi triết cổ của Ấn mà hai vị sáng lập đang nỗ lực, ông bà Coulomb ngụy tạo một số thư nói rằng cho chính HPB viết, cũng như trước khi ra đi ông Coulomb làm thêm một cánh cửa nhỏ trong phòng HPB, phao tin là ông được giao việc đứng sau cánh cửa ấy, thả rơi thư một cách bí mật làm người ta tin ấy là thư của Chân Sư tự dưng hiện ra.
Những thư ngụy tạo và chi tiết về cánh cửa này được ông bà Coulomb bán cho các nhà truyền giáo (sau khi dạm bán cho ban quản trị mà không thành), các giáo sĩ công bố trên mặt báo, kết tội HPB là dối gạt kẻ dễ tin vào phép lạ, để đi tới kết luận các Chân Sư chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng của HPB, và những điều kỳ diệu như hoa hồng từ trần rớt xuống, đồ vật ở điếm A được mang sang B cách đó mấy trăm km trong tích tắc, chỉ là trò bịp do HPB chủ xướng với sự trợ giúp của người khác.
Sự việc nổ lớn ơ Mỹ và Âu châu. Tại Anh, hội Nghiên cứu Tâm Linh - the Society for Psychical Research (SPR) phái ông Richard Hodgson sang Madras điều tra. Ông trong lứa tuổi 20, có thiện cảm với HPB và Hội nói chung, được ban quản trị tiếp đón vui vẻ, dành mọi dễ dàng trong lúc điều tra. Cánh cửa còn quá mới, vì đúng là nó mới được gắn, dấu vết đục đẽo còn tươi, điểm chú ý là bản lề quá khít nên cửa không mở không, phải lấy dao nậy cửa mới bật ra, tức lời thú nhận của ông Coulomb là đã đứng sau cửa nhiều lần bỏ thu ra ngoài không vững. Thêm vào đó, thư các Chân Sư hiện trên tay, trên bàn các nhân chứng ở những nơi cách xa HPB  600 km hay cả một đại dương, khi chỉ có một mình trong phòng trên tầu lênh đên, trên xe lửa đang chạy, cho thấy HPB không sao chủ mưu làm việc ấy. Nhân chứng lại quá đông và đều có tư cách đáng trọng.
Thế nhưng sau khi Hogdson nói chuyện cùng HPB, ông đổi ý thân hữu ra thù nghịch, vì tin rằng bà là gián điệp cho Nga. Hogdson tỏ ra thiên lệch bất công, tin vào các bằng chứng ngụy tạo do chính ông Coulomb viết, các tài liệu vu khống của ông bà Coulomb, bác bỏ những bằng chứng của HPB và các nhân chứng khác đã nhận thư của Chân Sư. Việc đáng nói là xấp thư ngụy tạo không hề được cho HPB xem, để bà có cơ hội xác nhận hay phủ nhận chúng, cũng như không ai được coi vì chúng bị mất sau đó. Thư không được trình cho mọi người vì kẻ sở hữu biết đó không phải là nét chữ của HPB và bởi thế, phải ém nhẹm thật kỹ.
Bản báo cáo của Hogdson do SPR đưa ra năm 1885 là một thảm kịch bi đát cho HPB và hội. Hogdson lên án nặng nề HPB và từ đó tới nay, cũng như chưa biết đến bao giờ mới ngưng, ai nghiên cứu về HPB và hội bắt buộc phải đọc  lời kết tội oan uổng đó, người thiếu suy xét nhắc lại chúng trong bài viết của mình, gây ra tại hại không sao lường được. Ngay cả bách khoa tự điển cũng trích những ý kiến hết sức bất lợi, sai lầm. Nhưng cũng từ khi ấy, thân hữu của HPB và hội viên cũng như một số sử gia và nhà phê bình văn học vô tư, đưa ra phần điều tra của riêng họ, vạch rõ cách làm việc thiếu khoa học, chứng cớ không xác thực, lý luận một chiều không vững của bản báo cáo. Sự thật dần dần được làm sáng tỏ, bách khoa tự điển cũng sửa lại phần viết về HPB, trả lại cho bà danh dự và công lao đúng mức; mặc dầu vậy, phải đợi 100 năm sau, vào năm 1986, sự việc mới ngã ngũ rõ ràng phần nào.
Ta nói phần nào vì vì từ lúc cho ra bản báo cáo 1885, SPR vẫn giữ lập trường là Hogdson chịu hoàn toàn trách nhiệm, còn SPR đứng ngoài vô can, mà thực ra chính SPR đã gửi Hogdson qua Ấn điều tra, cũng như SPR đồng ý với kết luận của bản báo cáo trước khi cho phổ biến, tức SPR có trách nhiệm tinh thần về nội dung. Dù dàng ngày càng có nhiều lập luận từ trong hội lẫn ngoài hội, từ những người vô tư không phải là hội viên mà chỉ muốn đi tìm sự thực, vạch ra thiếu sót của bản, SPR không thay đổi lập trường tuy cố gắng tránh né, tách xa khỏi hẳn bản báo cáo mỗi lần nó được để cập.
Sang năm 1886, SPR vẫn không chính thức nhìn nhận mình đã lầm và ngỏ lời xin lỗi, nhưng gửi một bản tin ba trang cho các nhật báo và tạp chỉ lớn ở Anh, Mỹ, Canada, mở đầu như sau:
‘Những nghiên cứu gần đây cho thấy bà Blavatsky, sáng lập viên Hội Theosophy đã bị lên án sai lầm.
‘Theo một bài phê bình mạnh mẽ đăng trên SPR Journal, vol 53 tháng tư, bài vạch trần bà Blavatsky của SPR năm 1885 nay bị nghi ngờ nặng nề. Tiến sĩ Vernon Harrison, chủ tịch hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia, từng là giám đốc nghiên cứu cho Thomas de la Rue, chuyên viên về chữ viết giả mạo, xét lại hồ sơ trên.’
Bản tin kết thúc bằng những câu trong bài phê bình.
‘Khi khảo sát cặn kẽ bản báo cáo, người ta càng ngày càng thấy trong lúc Hogdson sẵn sàng dùng bất cứ bằng chứng nào, dù không quan trọng và đáng ngờ thế nào đi nữa, để chứng tỏ HPB có lỗi, ông lại bỏ qua tất cả những bằng chứng thuận lợi cho bà. Bản báo cáo của ông đầy dẫy những câu ức đoán, phỏng chừng, không trình bầy như là sự kiện có thực, hay rất có thể là chuyện thực, ý kiến của nhân chứng vô danh không được ý nào khác hỗ trợ, ông chọn  lời hoàn toàn bịa đặt, lựa chứng cớ nào có lợi cho giả thuyết của ông mà thôi.
‘Tôi xin tạ lỗi cùng bà rằng chúng tôi phải mất 100 năm mới chứng minh lời bà viết là đúng thực.’ (Ông muốn nhắc đến việc bà Blavatsky ghi rằng mai sau người ta sẽ thấy bản báo cáo chứa đựng nhiều mâu thuẫn, thiếu chính xác, mù quáng lẫn lộn cái không đáng với cái quan trọng, vì Hogdson không đủ khả năng nghiên cứu hiện tượng siêu hình.)
Nay đọc sang chính bài phê bình của Harrison, ta thấy ông đưa ra nhiều luận cứ đáng ghi:

● HPB và ông Coulomb có nét chữ tương tự.
Điều này đã được chính HPB nói, nhưng trong bầu không khí thiếu thiện cảm và nghi kỵ năm 1884, không ai tin hay coi trọng lời này. Harrison vạch ra là Hogdson không hề so sánh nét chữ của các nhân vật liên hệ, cũng như bỏ qua không nhắc tới một số tài liệu trong bản báo cáo. Do vậy Hogdson không phải là người điều tra vô tử mà đã thành chứng nhân thù nghịch, và ta phải nhìn ông theo quan điểm ấy.  
● Lúc này 1986 công chuyện khó hơn vì xấp thư ngụy tạo đã biến mất. Harrison nghĩ rằng việc chúng không hề được dùng làm bằng cớ, hay trình cho mọi người xem, là chứng tỏ mạnh mẽ rằng chúng được ngụy tạo, với kết quả lời thú nhận của ông bà Coulomb (là HPB viết các thư ấy) thật không đáng tin. Hogdson đã nhận lời khai của ông bà không chút thắc mắc, nay nếu ta gạt bỏ thì trọn lý luận của Hogdson phải sụp.
Hai điểm sau do tác giả Cranston nhận xét cũng hỗ trợ HPB:
● Năm 1980 có việc dùng máy điện toán phân tích các bức thư của Chân Sư và HPB. Phương pháp ấy so sánh số âm trong các chữ, số chữ trong câu và mức độ xuất hiện của giới từ, liên từ. Người ta đi tới kết luận HPB không phải là tác giả những bức thư mà các nhân chứng nói là Chân Sư viết. Trong bản báo cáo SPR 1885 Hogdson chấp thuận lời ông Coulomb là HPB viết chúng
● HPB viết văn Pháp trang nhã, rành rẽ trong khi thư mà bà Coulomb đưa ra có những lỗi ấu trĩ.
Ta chấm dứt phần này bằng đọan trích từ bài phê bình trên:
‘Bao lâu nay Hogdson được coi như là kiểu mẫu toàn hảo cho ai nghiên cứu chuyện tâm linh, và bản báo cáo 1885 là mẫu mực cho mọi bản khác. Ngược lại, đó là tài liệu thiên lệch quá mức, không có chút vô tư nào theo tinh thần khoa học. Ông không ngần ngại chọn những chứng cớ phù hợp với giả thuyết của mình, và làm ngơ hay ém nhẹm tất cả những gì khác có khuynh hướng thù nghịch với thuyết ấy.
‘Tôi không sao gỡ tội cho tiểu ban SPR về việc đã cho in ra bản báo cáo tệ hại từ đầu tới cuối này. Quí vị ấy chẳng làm gì khác hơn là chuẩn y lý luận của Hogdson, không hề cố gắng xét lại những khám phá của ông, hay đọc bản báo cáo với óc phê bình. Nếu họ làm vậy, hẳn các vị đó sẽ thấy ra sơ sót trong cách làm việc, tư tưởng bất nhất, giải thích thiên vị và sai lầm, thù nghịch đối với HPB, có lòng khinh rẻ người bản xứ (Ấn) và các nhân chứng khác, và như vậy, hẳn bản báo cáo đã bị xét lại, đòi hỏi cần được tra cứu thêm.’
Chúng ta có bổn phận minh oan cho HPB, vạch ra lỗi của bản SPR 1885, cùng cho những ai quan tâm biết về bài phê bình SPR 1885 Vẫn còn nhiều người không có những tin mới nhất về chuyện này, khi viết về HPB đã tiếp tục nhắc lại bản SPR 1885 và coi đó là chung cuộc, thí dụ là ba cuốn sách ghi ở đầu.

B. Coleman - Chứng cớ không bao giờ có
Năm 1893 ông William E. Coleman lên tiếng cáo buộc rằng HPB đạo văn, và những tác phẩm của bà không gì khác hơn là sự góp nhặt từ nhiều sách khác nhau, cũng như khi trích dẫn văn người khác HPB đã không ghi xuất xứ.
Tác giả Cranston minh chứng rằng đó là lời đầy ác ý và hơn nữa, không có bằng cớ. Coleman tuyên bố thật vô tội vạ mà không ghi câu nào, số trang trong SD đã được lầy từ trang nào của sách tác giả khác. Nghĩa là hoàn toàn không có bằng chứng. Để biện minh cho việc làm thiếu lương thiện ấy, ông nhắc đi nhắc lại từ 1893 đến 1909 là năm ông qua đời, rằng sẽ vạch trần mọi chuyện trong cuốn sách sắp in, trưng ra trong đó những đoạn văn mà HPB đã lấy của người khác. Cuốn ấy không hề xuất hiện, ông cũng không giải thích vì sao không có sách, hay xin lỗi vì mất quá lâu để soạn. Mặc dù cho tới nay100 năm sau vẫn không có bóng dáng cuốn sách nào như vậy, ý tưởng HPB đạo văn người khác đã lan rộng, lắm người chỉ nhắc lại lời Coleman, cho rằng nói thế là đủ mà không chịu kiểm lại xem có bằng cớ nào chứng thực cho lời trên.
Để tìm ra sự thực chuyện này, ta nên rõ nghĩa chữ ‘đạo văn’. Thí dụ quyển X của tác giả Y trích một bài thơ trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du, nó có nghĩa bài thơ được lấy từ nguyên tác, Thanh Hiên thi tập là nguồn đầu tiên của bài ấy. Nay ta trích cùng bài đó trong quyển X, thì quyển X trở nên nguồn tài liệu thứ hai. Theo lệ chung, người viết chỉ ghi xuất xứ bài thơ là Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du, mà không ghi là trích từ quyển X. Quyển X và tác giả Y sẽ được ghi vào phần thư mục ở cuối sách. Cách viết này hợp  lệ và HPB cũng như mọi văn sĩ theo cách ấy. Nếu Coleman gọi như thế là đạo văn (không ghi xuất xứ quyển X), thì vô vàn tác giả khác ngoải HPB cùng mắc tội ấy.
Một tác giả công bằng khác ghi rằng HPB trích sách để chứng tỏ, bênh vực ý tưởng bà đưa ra, mà không lấy ý kiến người khác làm của mình. Để chứng tỏ cuốn Isis Unveiled không phải chỉ là góp nhặt, vay mượn từ các sách khác nhau, người ta đã đếm từng hàng và thấy rằng 22 % sách là văn trích, 78 % là tư tưởng của HPB. Những câu trích có nhiệm vụ hỗ trợ giả thuyết trong sách mà không phải là phần then chốt. Ngày nay khi có ai trích Isis là trích phần 78 % là ý của bà, mà không phải 22 % phần ý người khác.
Coleman cũng mạnh miệng rằng bộ SD và The Voice oft the Silence không có nguồn gốc từ kinh điển xưa như HPB tuyên bố, mà do bà thu lượm đó đây, sắp xếp lại mà thành. Giống như trên, không có chứng từ nào đưa ra để biện minh cho lý này.

C. Sự Thực bị Bẻ Cong
Ngoài hai nguồn tài liệu Hogdson và Coleman, người không có hiểu biết cặn kẽ về HPB còn hay trích ý kiến thiếu thiện cảm về bà từ quyển A Modern Priestess of Isis của Vsevolod Solovyov. Ta nên biết sơ qua về lai lịch quyển này củng tác giả để thấu đáo chuyện.
Vsevolod Solovyov (xin chớ lầm với em của ông là Vladimir Solovyov, cả hai tên cùng viết tắt là V. Solovyov) là văn sĩ Nga chuyên viết tiểu thuyết lịch sử. Năm 1884 ông qua gặp HPB ở Paris và tỏ ý muốn được bà dạy cách làm hiện tượng. Khi không được thỏa mãn ông tìm cách ly gián HPB cùng hội viên tại Pháp, hủy hoại niềm tin của họ vào bà, nhưng việc đáng nói nhất là sau khi HPB qua đời, ông mới viết các bài báo năm 1892 về mối liên hệ giữa mình với bà, đưa chi tiết không đúng thật và không hay cho HPB. Năm sau chúng được in thành sách, và năm 1895 được SPR dịch sang Anh văn với tựa đề như trên.
Khi so sánh nội dung sách với bằng cớ từ nhiều nguồn độc lập khác nhau, người ta thấy Solovyov đã bịa đặt với ác ý, mà không phải đợi tới gây giờ mới có nhận xét ấy, bởi từ năm 1892 có lời phê bình là Solovyov khi thuật chuyện đã bẻ cong sự thật. Em gái HPB vì bất bình với cuốn sách này đã viết ra một tập sách nhỏ năm 1895, trả lời những vu cáo của ông, nêu ra nhiều điều về HPB mà chỉ người thân mới biết, cùng vạch những sai lầm cố ý trong sách của Solovyov. Mãi tới gần đây tâp sách nhỏ ấy cùng nhiều tài liệu khác mới được dịch sang Anh văn, và ta có thêm bằng chứng để viết lại cho đúng lịch sử. Về sáng tác này của Vera cũng như nhiều bài khác của bà, kẻ đi sau mang ơn Vera thật lớn, vì nếu không có bà làm nhân chứng ghi lại những sự kiện trong đời HPB từ thuở nhỏ đến lúc mất hẳn chúng ta không bao giờ biết sự thực.

III. Cách Bộ Isis Unveiled và SD Được Soạn
Bây giờ ta đi qua phần thú vị, nhẹ nhàng hơn của sách.
Tác giả Cranston ghi lại tóm tắt cách HPB viết những bộ  Isis, SDThe Voice of the Silence. Điểm cần nói ngay là HPB luôn luôn tuyên bố chúng không phải là tác phẩm do cá nhân bà soạn ra, mà chính là những chỉ dạy của các Chân Sư, bà chỉ có nhiệm vụ truyền đạt tư tưởng từ nhiều nguồn ra giấy, tựa như ra cánh đồng chọn những bông hoa tuyệt sắc, kết thành bó hiến tặng người đọc. Phần đóng góp duy nhất HPB tự nhận là sợi dây cột bó hoa. Ý này được hỗ trợ phần lớn bởi nhận xét từ người thân trong nhà. Các vị ấy nói rằng HPB được giáo dục kỹ thuở nhỏ, nhưng đó là nền giáo dục dành cho các tiểu thư quí phái giữa thế kỷ 19 như học đàn, học vẽ, sinh ngữ, mà không đặt nặng về khoa học, hiểu biết thông thái. Thế nên khi bà viết sách tỏ ra có kiến thức uyên bác về triết lý kinh Veda, vật lý, sinh học, khảo cổ học, gia đình hết sức kinh ngạc, lạ lùng không biết nghĩ sao.
Khi viết cuốn Isis năm 1875, HPB đã sử dụng nhiều khả năng huyền bí. Trong khoảng 6 tuần ở tại nhà giáo sư Corson, bà miệt mài làm việc và ông có cơ hội quan sát kỹ. Ông là giáo sư văn chương nên tủ sách ở nhà hầu như chứa toàn sách văn chương, có nghĩa bà không có sẵn tài liệu để viết về các đề tài chuyên môn nói ở trên, cũng như bà rất ít khi hỏi ý kiến giáo sư, ngoại trừ việc hỏi cách dùng chữ, vì Anh văn của bà khi đó chưa suông. Mặc dù vậy, giáo sư thuật là HPB có tư tưởng sâu xa về mọi đề tài, bà viết không ngừng từ 9 giờ sáng trên giường, trích dễ dàng rành rọt từng đoạn dài từ hằng chục cuốn sách mà ông biết rõ không ai có ở Mỹ lúc bây giờ, và dịch từ nhiều thứ tiếng sang Anh văn. Có lúc giáo sư không biết làm  cách nào HPB có được những con số cần cho bài viết, nhưng rồi ông thấy một bàn tay ốm mầu nâu từ dưới bàn hiện ra, ghi vội điều cần mà khi kiểm lại, luôn luôn tỏ ra chính xác.

HPB thuật cùng ông là bà trích các sách khi dùng thông nhãn, đọc chúng ở cõi cao ngay trước mặt (giống như con người có các thể thanh, đồ vật cũng có thể vô hình tương ứng, và cái mà HPB đọc là phần thể thanh của sách ở cõi trung giới), y như ta đọc sách thường. Bà chỉ việc dịch chúng sang Anh văn rồi ghi số trang. Ông Olcott xác nhận điều này, vì ông làm việc cùng bà trong 2 năm soạn cuốn Isis nên biết rõ cách viết của HPB. Giáo sư nói thêm là cả trăm cuốn sách mà bà trích không có trong thư viện của ông, nhiều cuốn không có ở Mỹ, một số rất hiếm và khó tìm chỉ có ở Âu châu, và khó mà tin là HPB trích từ ký ức.
Bộ SD cũng được viết theo cách tương tự, các nhân chứng có mặt trong lúc bà viết đồng nói rằng bà có thật ít sách trong nhà, nhưng không ngừng trích từ nhiều nguồn khác nhau. Có khi đó là sách xưa được cất giữ trong thư viện Vatican mà để kiểm chứng, bà nhờ người tra lại và nhờ thế, nhân chứng mới biết có sách ấy tại Vatican. Cũng có khi đó là những sách mà nhân chứng biết rõ chỉ lưu trữ ở thư viện quốc gia tại London, haysách hiếm bà không có trong tay. Thường khi số trang đúng như bà đã ghi, nhưng cũng có lúc HPB ghi ngược với sách, thí dụ số trang là 407 thì bà ghi trong bản thảo là 704, việc nhìn ngược được giải thích là hiện tượng thông thường nơi cõi tình cảm mà khi mệt, HPB không buồn chữa lại. Nhân chứng khác kinh ngạc khi thấy bà chép như thể đọc từ một cuốn sách trước mặt, trong khi đó chỉ là khoảng không họ chẳng thấy có gì. Ban đêm, nhân chứng ngủ trong phòng làm việc kế bàn viết của HPB, sáng ra đã thấy bản thảo được sửa chữa, thêm bớt bằng nét chữ khác đè lên nét chữ của HPB, mà anh biết chắc cả đêm không có ai vào phòng. 
Cách viết quyển The Voice of the Silence không khác gì, HPB dọc bằng thông nhãn nguyên tác bản kinh Tây Tạng rồi dịch chúng sang Anh văn.
Giai thoại văn chương về HPB còn nhiều, chỉ xin ghi một chuyện chót. Khi làm báo Lucifer, HPB có thói quen trích vài câu thơ đem vào mục xã luận, ngày kia người phụ tá thấy tên tác giả bài thơ là Tennyson, một đại thi hào của Anh. Người bạn thuộc nhiều thơ của thi sĩ nên tin chắc đây không phải là thơ ông, và tỏ ý e ngại với HPB là không chừng có sự nhầm lẫn, nhưng anh bị đuổi ra khỏi phòng, được yêu cầu đừng làm rộn bà. Bởi sắp tới lúc đem báo đi in, anh tiếp tục nài thêm chi tiết bằng không phải bỏ những câu ấy trong bài xã luận, một lát sau HPB gọi vào và cho thêm hai chữ ‘The Gem’.
Chuyện lại càng bí hiểm vì theo chỗ anh biết, không bài thơ nào của Tennyson có tựa đề như vậy, nhưng HPB nóng nẩy xua anh đi chỗ khác chơi. Người bạn đành trở lại thư viện quốc gia nhờ giúp đỡ, và mọi người đồng ý là không có bài thơ đó. Sau cùng ông thư viện trưởng đề nghị tìm phần tạp chí, bởi ông nhớ mài mại có một tạp chí tên vậy, xuất bản đã lâu và chỉ sống một thời gian ngắn. Quả thật có tạp chí The Gem, chuyên về thơ, ra vài tháng trong năm 1831 (câu chuyện xẩy ra năm 1889) rồi thôi, trong đó anh gặp bài thơ của Tennyson mà HPB trích. Người bạn ghi thêm là trong những năm về sau, anh không thấy một tuyển tập thơ Tennyson nào có bài thơ trên.
Sách không những chỉ thuật về đời HPB mà còn dầy công ghi lại ảnh hưởng của Theosophy trong nhiều địa hạt: cuộc khảo cứu kinh nghiệm cận tử (near death experience), ý thức về tân kỷ nguyên, khoa học, việc Phật giáo được truyền bá sang tây phương đặc biệt là Mỹ. Lối biên soạn rất công phu, cho thấy phong trào Theosophy mà HPB khởi lên đã đóng góp đáng kể vào việc mở mang hiểu biết con người về cõi tâm linh, nâng thế giới lên nhiều mức về cả trí tuệ lẫn tinh thần, đưa nhân loại tới gần chân lý hơn.
Điểm sau cùng được trích ra từ sách là HPB khẳng định nhiều lần kinh Tân Ước của Thiên Chúa giáo, được  soạn mấy trăm năm sau khi đức Jesus qua đời, không tả lại cuộc đời của ngài về mặt lịch sử, nghĩa là không có nhân vật lịch sử nào tên Jesus sinh ngày 25 tháng 12 năm 1 (khác với đức Phật là một nhân vật lịch sử, có những tài liệu lịch sử không phải kinh điển, chứng tỏ sự hiện hữu của ngài), mà chỉ ghi lại các chân lý hằng hữu, dựng nên chuyện tưởng tượng quanh một nhân vật có thật, lấy đó làm cớ để lồng vào chuyện con đường tiến hóa tinh thần (xin đọc lại bài Vị Chân Sư xứ Galilee, PST số 29)
HPB ghi rằng kinh Tân Ước vay mượn từ nhiều nguồn kinh điển xưa của Ấn và Ai Cập. Việc thụ thai trinh nguyên là chuyện thần thoại từ lâu ở Ai Cập, còn để lại hình khắc trên vách đền thờ, cũng như chữ Jesus phát sinh từ nhân vật Joshua có thực của người Do Thái, sinh khoảng năm 105 trước tây lịch. Đây là một Chân Sư bị bách hại mà về sau người ta thêu dệt thêm, biến hóa đời ngài, gọi là đức Jesus.
Tư tưởng ấy nay được chứng thực phần nào. Đã từ lâu trong thế kỷ 20 một số giáo sĩ, nhà thần học Thiên Chúa giáo, học giả, người thường, tham dự chương trình nghiên cứu về đức Jesus (‘Jesus Seminars’) để gạn lọc những gì quả thật do ngài thốt ra, và những gì là ý thêm vào của đời sau. Nhóm ấy gồm 200 người và sau 6 năm chuyên cần làm việc, họ đi tới kết luận năm 1991 là chỉ vào khoảng 20 % những lời kinh Tân Ước ghi là của ngài, mới đích thực do ngài thốt ra. Câu ‘Ta là con đường, là sự thật và là sự sáng; không ai có thể đến cùng Cha Ta mà không qua Ta’, được nhóm công nhận không phải là lời đức Jesus. Và như thế, đó là một thách thức cho quan niệm từ lâu của các chi phái Thiên Chúa giáo, rằng con người chỉ được cứu rỗi bằng cách tin vào đức Jesus.
Nhân đây ta cũng bàn thêm, có thể người viết kinh đưa ra chân lý trong câu trên theo nghĩa:
Cha … là Chân thần, Atma, Phật sẽ thành.
Ta… là nguyên lý Christ, Buddhi, Bồ đề tâm, Phật tánh
Hiểu được vậy thì câu văn đầy ý thâm diệu, là phải nhờ phát triển Bồ đề tâm, thể hiện Phật tánh, con người mới tìm được bản chất nguyên thủy của mình là Chân thần. Chỉ bởi người sau thiếu hiểu biết, muốn tôn giáo mình có địa vị độc tôn mới giảng theo nghĩa hẹp hòi. Thái độ cảnh giác khi đọc kinh thánh còn nằm ở việc bản văn nguyên thủy viết bằng tiếng Do Thái cổ, sau được dịch sang tiếng Hy Lạp, Lâin, rồi các ngôn ngữ khác. Câu văn khi dịch đã bị làm biến thể, ý nghĩa thay đổi mà người dịch có lúc do quyền lợi riêng tư không ngần ngại sửa đổi, thêm bớt như HPB vạch trong bài viết của bà (HPB Collected Writtings, vol. 9 p. 226). Nhóm Jesus Seminars thường công bố khám phá trên mặt báo tại Mỹ và Canada, dễ dàng cho bạn đọc ở bắc Mỹ theo dõi.
Ta đi hơi xa, nay trở về với cuốn HPB, sách như vậy rất đáng xem với tài liệu phong phú, nghiên cứu cẩn trọng và thấu đáo, đặc biệt là phần ảnh hưởng 100 năm sau của phong trào Theosophy trên thế giới. Chỉ một số nhỏ chi tiết được nêu ra trong bài viết này, còn thì sách chứa đựng nhiều khám phá mới lạ khác về cuộc đời và công nghiệp của HPB. Việc biên khảo thật công phu nhưng sách dễ đọc, và rất hữu ích cho ai  muốn biết chính xác về lịch sử Hội, nên xin ân cần giới thiệu với bạn đọc. Sách cũng đã được tóm dịch và đăng trên PST cùng trang web.