ĐỌC SÁCH: THE ESOTERIC WORLD OF MADAME BLAVATSKY
The Esoteric World of Madame Blavatsky
Quyển The Esoteric World of Madame Blavatsky của tác giả Daniel Caldweld ra năm 2000, trước đây xuất bản với tựa là The Occult World of Madame Blavatsky năm 1991. Sách có nội dung đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên câu chuyện về cuộc đời của bà Blavatsky, được kể lại bằng lời của chính những người đồng thời với bà.
Có hai điểm đáng nói về sách, thứ nhất ta đọc được nhận xét của người yêu mến kính phục bà, và cũng có được bài của người quan niệm khác hẳn. Theo với thời gian, sự thật về bà Blavatsky và việc làm của hội ngày cáng được sáng tỏ, nhiều chứng cớ được đưa ra thêm, cũng như nhờ cách xa với những sự việc lúc ban đầu mà người ta có cái nhìn vô tư, sáng suốt hơn. Sau hơn trăm năm thành lập, hội được nhìn nhận là một động lực đáng kể, thúc đẩy cho sự tiến hóa của nhân loại tới Chân Thiện Mỹ. Minh Triết Thiêng Liêng MTTL mà bà đưa ra nay được thấy là đã gợi hứng cho khoa học gia như Einstein sẽ nói về sau, nghệ sĩ (một số phong trào nghệ thuật, hay nghệ sĩ được thấy là chịu ảnh hưởng hay đáp ứng với MTTL do hội truyền bá, như tác giả Lewis Carroll với những chuyện của ông đặc biệt là bộ Chronicles of Narnia và Alice in the Wonderland, hội họa như Kadinsky và rất đáng kể là Nicolas Roerich, nhạc như Scriabin. Khi được yêu cầu soạn nhạc khúc cho The Secret Doctrine, Scriabin viết nên bản Prometheus.
Vì những thành quả ấy, đọc lại các nhận xét sai lạc mà người đồng thời với bà Blavatsky đưa ra, sự chống đối, cười chê của một số nhân vật trong xã hội đối với bà, và những khó khăn bà gặp phải khi làm việc cho Chân Sư, người ta nhận ra công khó của bà không được nhận thức đúng mức lúc bà còn tại thế.
Đặc điểm thứ hai của sách là các chuyện trong đó, thường có chi tiết liên quan đến thế giới huyền bí của bà Blavatsky, tức có nhiều hiện tượng rất lý thú, hấp dẫn. Dĩ nhiên nay ta hiểu rằng không có phép lạ, mà chỉ là việc sử dụng các luật trong thiên nhiên, của ai biết rành rẽ huyền bí học.
Những hồi ức trong sách do thân nhân, người quen, thân hữu, cộng sự viên và kẻ thù của bà Blavatsky ghi lại trên bào, tạp chí, hồi ký vẽ ra bức ảnh sống động về cá tính đầy bí ẩn bà, phác họa cho người đọc mức hiểu biết tâm linh vào thời ấy. Đọc chuyện ta nhìn ra tính khôi hài dí dỏm, nét thông minh sắc bén của nhân vật chính, nghe nhân chứng kể về các hiện tượng siêu hình mà họ mắt thấy tai nghe do bà làm ra, hay giữ lại những vật được tạo hình, và lời mô tả về các Chân Sư do người có duyên may được tiếp xúc với các ngài.
Sách bắt đầu từ lúc Helena Petrovna sinh tại Nga năm 1831 ghi lại thời trẻ thơ, niên thiếu, qua thư từ của người dì và em gái, cuộc thành hôn với ông Nikifor V. Blavatsky mà Helena khi ấy hơn 17 tuổi bỏ nhà ra đi gần như tức khắc sau đó. Cuộc hôn nhân bởi vậy chỉ có trên giấy tờ mà không hề thành sự thực. Ngay từ thuở nhỏ gia đình đã nhận ra Helena là người đặc biệt không giống một ai, tính tình cứng cỏi, thuộc dòng quí tộc nhưng lại thích kết bạn với các trẻ đồng tuổi là con của tôi tớ trong nhà (nước Nga lúc bấy giờ òn chế độ nông nô serf). Mẹ mất lúc Helema 11 tuổi, cha là sĩ quan đi trấn đóng xa nên Helena và em gái là Vera được ông bà ngoại mang về nuôi, có các gia sư lo việc giáo dục. Tính bướng bỉnh không chịu khuất phục một ai của Helena, làm các cô giáo rất khó mà khiến Helena làm theo ý họ. Bực quá cô giáo mới nói rằng với tính khí như vậy, Helena sẽ chẳng kiếm được tấm chồng, ngay cả ông Nikifor V. Blavatsky đã đứng tuổi, người mà Helena chê là thực xấu xí như con quạ trụi lông, cũng sẽ không thèm lấy Helena làm vợ ! Nổi giận với lời thách thức ấy, ba ngày sau Helena khuyến dụ làm ông cầu hôn và Helena nhận lời một cách đùa cợt. Khi ý thức tính cách hệ trọng của sự việc, Helena kinh hoảng tìm cách rút lui nhưng đã quá trễ. Sau lễ thành hôn, Helena Petrovna Blavatsky chỉ mới 17 tuổi bỏ nhà đi tới những nơi xa xăm ở trung Á, Ấn Độ, nam Mỹ, Phi châu và đông Âu trong 10 năm trời, với sự chu cấp của cha. Helena chỉ trở về Nga năm 1859.
Tới năm 1865 Helena lại rời nước lần nữa, du lịch nhiều chỗ như Tibet, gặp được đức K.H. lần đầu tiên năm 1868. Helena cũng tới Hy Lạp, Ai Cập, Syria, Ý. Helena về thăm thân nhân tại Nga năm 1872, sang mùa xuân 1873 được lệnh của sư phụ đi Paris, rồi tiếp đó theo lệnh của ngài đi New York. Tại đây bà gặp ông Henry S. Olcott, cùng ông lập hội Theosophia năm 1875, viết và xuất bản quyển Isis Unveiled năm 1877. Đây là thuở ban đầu của hội nên bà thực hiện nhiều hiện tượng để chứng minh, và làm quần chúng lúc bấy giờ chú ý đến, những luật còn ẩn tàng trong thiên nhiên mà khoa học chưa biết. Đặc biệt bà chống đối mạnh mẽ và từ chối việc liên lạc với người đã khuất khi được yêu cầu.
Ông Olcott làm việc cùng bàn trong phòng lúc bà viết quyển Isis Unveiled, nên được chứng kiến nhiều sự việc kỳ lạ, đó là có nhiều nhân vật khác nhau sử dụng xác của bà Blavatsky. Mỗi vị có một lối hành văn và chữ viết riêng, có chữ viết rất nhỏ, suông đuột, chữ khác cứng cỏi, phóng khoáng, chữ nữa thì nguệch ngoạc khó đọc với những chữ a, x và e viết theo lối ngọai quốc kỳ lạ. Bởi Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, nên bà thường nhờ ông Olcott sửa lại văn phạm cho bài viết, và ông nhận thấy bản văn có thật nhiều lối viết khác nhau, có khi ông phải sửa vài lần cho một hàng mà với lối viết khác thì nhiều trang gần như không phải sửa chút gì.
Cái toàn hảo hơn hết được viết trong lúc bà ngủ. Thí dụ chương 14 của cuốn I thì đêm đó hai vị làm việc tới khuya, lúc ông chào bà để về phòng là hai giờ sáng. Hôm sau khi ăn sáng, bà Blavatsky đưa cho ông sem một chương bản thảo khoảng ba bốn chục tờ chữ viết rất đẹp, bảo rằng do một Chân Sư viết hồi đêm. Nó hoàn toàn về mọi mặt và được cho sang nhà in mà không cần duyệt lại.
Mỗi lần có thay đổi trong cách viết thì trước đó, hoặc bà rời phòng một lát hay ngồi bất động trên ghế, mắt vô thần nhìn vào khoảng không rồi trở lại trạng thái bình thường gần như lập tức. Sau đó là sự thay đổi rõ rệt về đặc tính, dáng điệu, lối nói, cách xử sự và nhất là tánh khí. Có vị vui tính hay kể chuyện đùa, vị khác nghiêm nghị tỏ ra rất thông thái, vị nữa không thích tiếng Anh với mức trọn buổi chỉ nói chuyện bằng tiếng Pháp với bà. Ngài đầy nghệ sĩ tính và rất thích máy móc. Có vị trầm tính, kiên nhẫn ưa giúp đỡ, vị khác khó tính đôi khi rất bực mình. Trong số các vị này có một vị mà về sau khi gặp mặt, ông thấy là có hàng râu mép dài mọc xoắn hai bên mép, và có thói quen đưa tay kéo râu không ngừng, làm một cách máy móc vô thức. Khi ngài sử dụng xác của bà Blavatsky, có những lần ông Olcott kinh ngạc, ngổi ngó trân trân tay của bà vuốt và xoắn bộ râu vô hình trên mép, mắt nhìn chăm chú vào khoảng không suy nghĩ rất lung. Tìm được ý rồi ngài ngó lên, thấy ông đang nhìn sửng mình lạ lùng thì sực nhớ ra, vội vàng bỏ tay xuống, tiếp tục việc viết lách.
Những quan sát như thế làm trăm năm sau khi đọc lại, ta cảm thấy các Chân Sư rất ‘người’, đầy nhân tính, và đưa ta vào bầu không khí sống động, hào hứng lúc bấy giờ. Khách đến thăm hai vị được chứng kiến nhiều hiện tượng siêu hình, mắt thấy tai nghe hay còn được giữ lại những vật được tạo ra mà họ gọi là phép lạ. Năm 1879 hai vị sáng lập hội qua Ấn Độ, ta gặp được các nhân vật mới và nhận xét của họ như ông A.P. Sinnett, Damodar K. Mavalankar, Franz Hartmann, có những chi tiết lý thú, chân thực, cho biết thêm về tính chất của bà Blavatsky. Thí dụ khi qua Tích Lan làm lễ qui y tam bảo thọ ngũ giới, bà đi thăm thánh tích mà theo truyền thuyết là răng đức Phật, rất được dân chúng địa phương tôn hờ. Họ muốn biết đây là răng thật hay giả, câu hỏi quả khó trả lời nhưng bà thản nhiên đáp:
– Cố nhiên là răng thật của ngài, trong kiếp đức Thế tôn làm cọp !
Tháng hai năm 1884 bà sang Âu châu, tiếp xúc với các hội viên tại đây, nhưng đến tháng 12 thì quay về Ấn Độ, vì cuộc điều tra của hội Nghiên cứu Tâm Linh – the Society for Psychical Research (SPR) về các hiện tượng. Sang tháng tư năm 1885 bà rời đất Ấn vĩnh viễn, trở qua Âu châu. Cũng vì vậy nay bà có những cộng sự viên mới, và khởi sự một giai đoạn mới là việc viết bộ The Secret Doctrine. Đây là bộ sách mang nhiều ý nghĩa cho khoa học nói riêng (Einstein luôn có một bộ trên bàn làm việc, ông đọc nhiều lần, ghi chú đầy ngoài lề trang sách. Khi ông qua đời, bộ sách được cháu gái mang tặng thư viện hội tại Adyar. Có ý kiến nói rằng thuyết tương đối mà ông tìm ra, phần nào nhờ vào việc nghiên cứu bộ sách này) và triết lý nói chung. Nội dung của sách vẫn được cho là chưa khai thác hết, mà sẽ còn dẫn tới nhiều khám phá mới trong tương lai.
Có nhiều giai thoại do người thân cận với bà thuật trong khoảng thời gian này. Họ nói rằng bà có thông nhãn clairvoyance, dù họ đang lênh đênh trên tầu từ Anh sang Mỹ, một mình trong phòng, nhưng khi trở về thì bà nói đúng chuyện gì xẩy ra cho họ giữa biển cả như thế. Người khác làm việc ở phòng ngoài, còn bà làm việc phòng trong không thấy nhau, dù vậy họ nghe lời khiển trách của bà về chuyện đang làm, y như có bà ngay trước mặt. Tuy nhiên họ ghi nhận rằng bà không biết việc gì sắp xẩy tới cho mình, hay không dùng khả năng thần thông để tránh sự phản bội đau lòng của thân hữu, kẻ thù độc ác. Có lần bị trộm lấy cắp một vật bà rất quí, bà không thể tìm ra kẻ trộm mà cũng không giúp được gì cho cảnh sát, khi gọi họ tới điều tra.
Chuyện trở nên dễ hiểu khi ta nhìn theo luật, nó nói rằng người hiểu biết đạo lý và có khả năng siêu nhiên, chỉ được sử dụng chúng để giúp đời mà không được phép dùng vào mục đích riêng tư. Thế nên họ có thể cứu người mà không thể cứu mình, với thí dụ rõ nhất là đức .Jesus. Ngài đã cứu sống và chữa bệnh cho lắm kẻ, mà không dùng quyền năng để giúp chính mình khỏi nạn. Trở lại sách ta đang nói, nhận xét của người đương thời thay vì tạo ấn tượng rằng bà là người giả mạo, thì nó lại cho thấy rõ tư cách bà là một người hành đạo chân chính, con người thật của nhân vật Helena Petrovna Blavatsky đúng như lời bà nói một cách giản dị:
– Tôi chỉ là một hành giả Phật tử lớn tuổi, đi du hành trong nhân gian để giảng dạy một tôn giáo chân thực duy nhất là chân lý.
Sách chấm dứt lúc bà qua đời tại London năm 1891. Ta ghi lại đây những lời trích dẫn nói về HPB, trang 373 ghi lời người không phải là hội viên:
– Bà không phải là người hoàn toàn, bà có nhiều lầm lỗi, nhưng cái bà ghét nhất là lời khen ngợi luông tuồng về con người mình. Tôi có nói đôi khi bà ào ào cuồng loạn như cơn gió lốc, như trận bão xoáy dữ dội khi bị khích động mạnh mẽ, và tôi thường nghĩ rằng những lần nổi chứng như thế rất có thể là để nhắm vào mục đích đặc biệt. Kẻ thù của bà thường nói bà cộc cằn, thô lỗ, còn chúng tôi, những người hiểu bà, biết rằng không phụ nữ nào có tính khí khác với thói thường hơn bà. Lòng dửng dưng hoàn toàn với mọi hình thức bên ngoài, là lòng dửng dưng thực sự, dựa trên hiểu biết tinh thần bên trong về chân lý trong trời đất. Ngồi cạnh bà khi khách đến thăm từ bốn phương trời, tôi hay quan sát một cách thích thú sự lạ lùng họ cảm thấy lúc gặp một phụ nữ luôn luôn nói điều mình nghĩ. Nếu khách là một ông hoàng thì hẳn bà sẽ làm ông sửng sốt, còn nếu đó là một người nghèo thì họ sẽ được bà tặng đồng xu chót của mình và lời từ ái hơn hết.
Ở trang 329, người khác cho biết thêm:
– Có một điều mà bà không khoan thứ là lòng giả dối, đạo đức gỉả. Bà không dung thứ chút nào với chúng, nhưng nếu người ta thật tâm cố gắng thì dụ họ sai lầm thế mấy, bà sẽ không ngại cho lời khuyên và cách chỉnh đốn. Bà thành thật trong mọi cách xử sự, nhưng tôi học được về sau là có khi bà phải nín lặng không nói, để cho người khác có được kinh nghiệm và hiểu biết, ngay cả khi để được vậy thì có lúc họ tự lừa minh. Tôi không hề thấy bà nói điều gì không thật, nhưng tôi biết đôi khi bà làm thinh, vì ai vặn hỏi bà không có quyền có được hiểu biết họ muốn. Trong những trường hợp ấy, về sau tôi nghe họ cáo buộc là bà cố tình nói cái không thật.
Và đây là lời của ông Olcott, người làm việc lâu năm nhất với bà.
– Lòng khinh mạn, chống đối lại mọi hình thức, kiểu cách trong xã hội làm bà đôi khi khoác cho mình vẻ thô lỗ khác với con người thật của bà, bà chán ghét và tranh đấu một cách dũng mãnh như hiệp sĩ Don Quixote đúng nghĩa đối với sự giả dối của thói đời. Tuy nhiên ai nghèo khó, rách rưới, đói lạnh cần được an ủi, chắc chắn sẽ thấy ấm lòng với tình thương của bà, cánh tay bà mở rộng ban phát rộng rãi mà không ai khác có cung cách đàng hoàng thế nào đi nữa sánh bằng.
Tác phẩm được biên soạn công phu rất đáng xem, bạn có đặt mua một bản cho riêng mình. Ngoài ra chuyện cũng đã được dịch và đăng trên PST cùng trang web, từ số 49.