BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG
Chúng tôi đồng ý với nhau cho một ngày picnic nơi bãi biển, góc cuối tây nam của tiểu bang Washington, giáp ranh với bang Oregon, và cũng là nơi con sông lớn Columbia đổ ra biển. Thú thật với các bạn, tôi không thực sự biết được lý do của chuyến “đi”, lý do của điểm “đến”, kiên nhẫn là một tính tốt, phải không các bạn? Người bạn bên cạnh rất ít nói, việc này vẫn thỉnh thoảng xảy ra, cô ấy có một ám ảnh bí mật nào đó, chìm đắm vào thế giới riêng của cô ấy, và tuy rằng vẫn sinh hoạt bình thường. Không thấy cô bạn mang theo giấy, bút, cassette, máy chụp ảnh (cô là một phóng viên) trong khi chuẩn bị cho chuyến đi…điều đó có nghĩa là “móng vuốt con mèo” đã được để lại thành phố? Nếu thời tiết Washington “chợt mưa, chợt nắng” thì tình trạng “lòng chợt từ bi bất ngờ” của người bạn cũng là dễ hiểu thôi, phải không các bạn?
Chúng tôi rời thành phố rất sớm, ít nhất ba tiếng rưỡi lái xe mới đến được bên bờ đại dương. Bây giờ là tháng mười, mùa thu hiện diện rõ rệt trên con đường dài, trong gió, trong mây, trên màu lá cây rừng...Vượt qua nhiều núi, đồi, rừng lá phong vàng rực, làng mạc nhỏ rải rác và hiu quạnh trên bình nguyên mênh mông của núi rừng Tây Bắc. Có lời yêu cầu ngừng xe cho một chuyến bách bộ xuyên qua cánh rừng lên đỉnh đồi, nếu may mắn chúng tôi sẽ kịp giờ đón mặt trời lên, bên kia ngọn đồi.
Chúng tôi yên lặng đi bên nhau, như trong một bức tranh lụa mùa thu, gió thổi mạnh và thường xuyên mang những cánh lá vàng bay vui mắt khắp nơi. Chúng tôi chìm sâu và thấm nhập vào sự bình an của núi rừng. Rõ ràng là chúng tôi không phải là những người khách lạ với thiên nhiên, chúng tôi trở lại là hai đứa trẻ thơ chỉ biết có đi và tận hưởng niềm an lạc thấm nhập, những cái gì được gọi là trưởng thành hay văn minh của phân tích, phán đoán, so sánh, đặt tên và những lo lắng, ưu phiền… đã thực sự để lại thành phố. Sự tĩnh mịch của ban sáng, khi mà sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ; khi mà chim muông vui hót vang mừng, vạn vật bừng sống động.… Theo đuổi sự tự tri, đi tìm hứng khởi tinh thần, chắc chắn thiên nhiên sẽ là một yếu tố quan trọng và là một người bạn tốt. Hãy hỏi thiên nhiên những bí mật mà nó đã gìn giữ nếu bạn là người có tâm hồn thần bí theo đuổi sự tự tri không mệt mỏi. Chân lý sẽ đến trong sự tĩnh lặng của tâm hồn và trong sự trong sạch khao khát sự tự tri.
Người bạn đi bên cạnh tôi sáng rực rỡ và thanh thoát, một nguồn năng lực mạnh mẽ, một nét trẻ thơ hồn nhiên, một sự trong sáng thánh thiện, một sự thấm nhập bí mật và hòa tan với núi rừng. Luật “đồng thanh tương ứng” vẫn luôn luôn tác động. Và rồi cuối cùng, cũng “đến” được đỉnh đồi. Chúng tôi có cái nhìn toàn thể bình nguyên rộng lớn, có hai ngôi làng nhỏ với con sông uốn khúc và đang ẩn mình mơ màng trong sương mờ ban sáng. Chúng tôi nhìn ra vài nóc nhà thờ, trái tim của ngôi làng. Ngôi làng vẫn còn trong giấc ngủ, có lẽ chỉ có những chú gà và chim muông đang là chủ nhân sống động của ngôi làng, khác hẳn với loài người, chúng đồng thanh reo lên mỗi ngày liên tục không mệt mõi, với mục đích đánh thức những người hàng xóm: “Hãy tỉnh thức, một ngày mới kỳ thú đang chờ đợi, và hãy thưởng thức mặt trời sắp lên…”
Tất cả đang chờ đợi mặt trời lên, để cho vạn vật bừng tỉnh và phát quang sáng chói. Mặt trời từ từ xuất hiện nơi chân trời, nhà nhạc trưởng vĩ đại nhất của ban nhạc đại hòa tấu trong thiên nhiên, nguồn năng lượng chính và là tâm điểm của thái dương hệ, sự cộng hưởng giữa những cái “tâm” cho ra kết quả bừng sáng và an lạc, giống như giọt sương hòa tan với ánh mặt trời trở thành hạt kim cương lóng lánh. Sự sống động hiện rõ nơi vạn vật, nét rạng rỡ bừng lên sức sống. Mặt trời lúc nào cũng đầy ánh sáng và sưởi ấm muôn loài, hiện tượng “mặt trời mọc, mặt trời lặn” chỉ là “ảo ảnh” của cái “thực tại” mà chúng tôi đang thưởng thức, mặt trời không mọc, cũng chẳng có bao giờ lặn. Hãy thưởng thức Mặt Trời lên như một thánh lễ, trong sự trang nghiêm, tĩnh lặng, đơn giản hồn nhiên của một đứa trẻ chỉ biết có hạnh phúc tươi mát tràn đầy. Một ngày mới, một chu kỳ mới của luật tuần hoàn trở lại…
Sự mỹ lệ thì ở đâu cũng có, thời điểm nào cũng có, nếu đã nhìn được từ thiên nhiên, chúng ta có rất nhiều hy vọng “nhìn được, cảm được” sự mỹ lệ nơi những người bạn chung quanh, nơi gia đình, nơi công sở…và cũng giống như mặt trời đến, bóng tối biến mất, mỹ lệ đến, sự ô trược, xấu xí mất dạng. Kinh nghiệm hạnh phúc rồi cũng sẽ qua đi, thế nhưng mãnh lực của nó sẽ còn mãi, dư âm của bản nhạc đại hòa tấu sẽ xuất hiện trở lại thường xuyên hơn, với nhiều vẻ khác biệt hơn về cường độ. Chúng tôi tạm biệt mùa thu vàng để tiếp tục đoạn đường còn lại. Sau cùng chúng tôi cũng “đến” được bên bờ Thái Bình Dương.
Ngày hôm ấy rất đẹp, mặt trời ấm và mây trắng thật gần, thủy triều đang rút ra thật xa để lại phía sau một dải cát trắng dài, nhìn thẳng là biển cả mênh mông, và bên trái là con sông Columbia lặng lẽ hòa tan dòng nước ngọt ra biển. Nếu mùa thu có âm thanh là tiếng xao động của lá cây với gió thì biển cả có tiếng rì rào của sóng biển, một số nhà âm nhạc học nói là chủ âm trong thiên nhiên là cung Fa, đồng âm với âm thanh AUM…Cô bạn của tôi dùng những ngón chân trần viết chữ trên bãi cát “Gate, Gate, Paragate, Parasamgate Bodhi Savaha”. Đây là câu chú bằng Phạn Ngữ, không xa lạ gì với giới Phật Tử, nghĩa của nó là: Nỗ lực qua bờ bên kia. Và đây cũng là đề tài ám ảnh người bạn của tôi?
Mời các bạn theo dõi ý tưởng trao đổi của hai người bạn, cũng là những người theo đuổi sự tự tri giống như các bạn. Chúng ta đang có một thực tế của Đạo Phật truyền bá tại Phương Tây, sự bành trướng mạnh mẽ trong vòng 50 năm gần đây của cả ba chi nhánh lớn của Phật Giáo. Bài viết với một cố ý sử dụng ngôn ngữ của Phương Tây diễn tả giáo lý Phương Đông, một cách đơn giản nhất nếu có thể được, cố tránh sử dụng kiến thức (dù là kiến thức Phật Giáo) bằng cách đi tận nguồn. Đọc giả sẽ có cơ hội phán đoán sự cố gắng của người viết trong sự “tùy duyên” này và với một ước mong bạn đọc nên xem như là “một cách thức diễn tả ý tưởng” mà thôi, dĩ nhiên một cái trí rộng mở trong khi đọc luôn luôn cần thiết, bài viết theo thể loại vấn đáp.
Vấn: (Cười bằng ánh mắt tò mò) Chắc chắn là chị có một mối ưu tư, mối quan tâm đó liên hệ đến dòng chữ chị đã viết trên bãi cát? chia sớt đúng lúc là một tính tốt, phải không chị? (cười), tôi muốn tham dự vào mối quan tâm đó và đang sẵn sàng để nghe. Tôi đã gõ cửa và đang mong đợi cửa mở.
Đáp: (mỉm cười hồn nhiên nhìn ra khơi và với một chút ít ranh mãnh) Anh nói đúng, chia sớt là một tính tốt, nhưng mà tò mò là một tính xấu (cười to). Nếu tôi không cố ý, anh không dễ gì thành công trong nghề thầy bói đâu nhé, đừng tưởng bở! Thôi được rồi, anh có thể nào chỉ cho tôi bên kia bờ đại dương không? Chắc chắn là anh sẽ khéo léo tránh né câu hỏi, hoặc là trả lời mà không trả lời, một cách khác của từ chối khéo chứ gì? (cười). Thỉnh thoảng tôi vẫn là nạn nhân bởi sự trả lời khéo léo của anh, đến nỗi rơi vào cái bẫy một cách nhẹ nhàng, không lối ra (cười).
Tôi cũng muốn thử làm thầy bói, để xem có đoán trúng hay không nhé, anh sẽ trả lời với tôi là “bờ bên kia” xa khỏi tầm mắt của ngũ quan, của lục căn, cũng xa khỏi trí năng cụ thể hạn chế của loài người. Cũng có thể anh sẽ nói về “chân tâm”, về “tự tính” “vô ngã” “vô sinh” về “đốn ngộ” về “tự tính không trong vạn vật và trong ba la mật tâm kinh” dẫn chứng những câu chuyện thiền của những vị Tổ Trung Hoa/Ấn Độ hoặc là câu chuyện công án… cố thuyết phục đó là những vấn đề mà ngôn ngữ bất lực, bất khả tư nghị; và cuối cùng anh sẽ đưa vấn đề trở ngược về với người hỏi, anh cũng sẽ khéo léo nhắc nhở: đó là kinh nghiệm do nỗ lực, bền chí thiền tập của từng cá nhân…Đề tài sẽ phải chấm dứt nơi đó, rơi vào tình trạng “ngõ cụt” không lối thoát khi mà câu trả lời quy về “vấn đề cá nhân, trách nhiệm của cá nhân, tự tu, tự chứng”… Tôi không cho đó là cách trả lời sai, hay so sánh cách này hay, cách trả lời kia dở, anh biết tôi rõ lắm mà (cười).
Thế nhưng mà, có thể nào trình bày khác đi hay không? Chúng ta có thế nào chia sớt nhiều hơn thế không? Không bằng lý luận, không bằng kiến thức? Chúng ta vẫn biết Chân Lý vốn đơn giản, thế thì tại sao không thể trình bày hay chia sớt được sự đơn giản? Hay là chỉ vì chúng ta quá phức tạp (cười), quá người lớn, hay quá văn minh, đến độ không thể hiểu được đơn giản? Và vụng về quá mức không thể diễn tả nổi đơn giản?
Vấn: (cười) Tôi đang muốn nghe, mà chị thì lại không muốn nói! Chị trả lời bằng một câu hỏi! Thôi thì đành vậy, hai chiều thì “bình đẳng” hơn một chiều, nếu đó đúng là ý muốn của chị. Tôi cũng rất là thông cảm với chị (cười), xưa nay chị sử dụng mỗi một chiều: đặt câu hỏi với người khác, nay tôi tạo cơ hội bằng vàng {à há, muốn kể lể công trạng?}, để cho chị tạo được thế cân bằng (cười), vậy mà chị nỡ lòng nào từ chối …(cười). Tôi có biết điều này nữa, hình như: chị hỏi thì vẫn cứ hỏi, nhưng mà chị không chờ đợi câu trả lời, có đúng thế không? {biết mà, có dấu cũng không được đâu, đoán mò nhưng vẫn đúng hoài đó chứ?}
Đồng ý hoàn toàn với chị, đơn giản là một ý kiến hay. Tại sao lại phải phức tạp? Vậy thì chúng ta thử “tạm quên đi” những đề mục lớn chị đã liệt kê trong ngoặc kép bên trên câu hỏi. Có lẽ chúng ta cũng nên quên đi (xem nhẹ đi, không quan trọng hoá) những danh từ “giác ngộ” “tu chứng” “đốn ngộ” “hướng ngoại” “hướng nội”…hoặc là sử dụng kiến thức giáo lý với đủ loại danh từ Hán Việt. Chị cũng biết mà, ba tôi giỏi Hán Văn bao nhiêu thì tôi lại …d..ố..t… Hán Văn bấy nhiêu!!!, (cười).
Theo câu hỏi của chị cứu cánh hay là mục đích cuối cùng là “đến bờ bên kia”, hay là Niết Bàn, cũng có nghĩa là giác ngộ, trực nhận chân lý, như vậy phương tiện là gì? Chúng ta cần phương tiện để đến được bờ bên kia chứ? Theo luật “đồng thanh tương ứng” trong thiên nhiên: cứu cánh và phương tiện không thể khác tính chất với nhau, phải có sự đồng dạng, cùng tần số với nhau mới có được “cộng hưởng”. Phương tiện phải là cứu cánh, cứu cánh phải là phương tiện. Không thể xử dụng cái công thức “cứu cánh biện minh cho phương tiện” tức là hai thành phần khác tính chất nhau, (phương tiện tàn ác cho ra một cứu cánh lành thiện???!!!!) mà người ta vẫn thường dùng ngoài xã hội, trên thương trường, trong chính trị. Loài người vẫn mải mê trong “đấu tranh để sinh tồn” “tranh đấu để vươn lên” (một loại cứu cánh biện minh) sự tranh chấp để vượt lên trên đồng loại, bất chấp công bằng và lẽ phải, sự đấu tranh vẫn xảy ra ngày càng khốc liệt trong xã hội được mệnh danh là “văn minh”!
Sáng nay chúng ta cùng nhau bách bộ/thiền hành xuyên qua rừng mùa thu, đích nhắm hay cứu cánh là đỉnh đồi, chúng ta sử dụng phương tiện bộ hành. Chúng ta đáp lại lời kêu gọi của chú chim đậu và hót trên cành “hãy tỉnh thức”, chúng ta có mỉm cười với những chiếc lá vàng bay, chúng ta có chói sáng cùng lúc với hạt sương mai ngậm ánh nắng vàng. Chúng ta có cộng hưởng với năng lượng của ánh sáng mặt trời. Dĩ nhiên chúng ta không có chỉ đi bằng bộ hành, chúng ta có đi bằng sự an lạc thảnh thơi, chúng ta có đi bằng sự tha thiết của mùa thu, bằng sự lặng lẽ hòa nhịp với “luật tuần hoàn bốn mùa”, chúng ta chẳng có mong cầu phải “đến”, thời gian và không gian biến mất. Chúng ta đã thành trẻ thơ với thế giới thần tiên, chúng ta đã trở thành ngọn đồi, thành rừng cây, thành con đường, thành sự sống mất rồi...
Chúng ta đã “đến” ngay từ lúc “tỉnh thức những bước chân đi”. Tôi có cảm được và hòa nhịp được với nguồn năng lực mầu nhiệm đó nơi núi rừng trong thực tại vĩnh cửu. Phương tiện và cứu cánh đã hòa tan với nhau cũng giống y như con sông Columbia bên trái của chúng ta đang hòa tan vào biển cả. Chị có tí gì ngờ vực là chị đã đến được đỉnh đồi không? Chắc chắn là không. Nó tự nhiên và giản dị như là cánh hoa sen đến ngày giờ bừng nở hoa dưới ánh mặt trời…Lòng trong sạch, tình yêu tha thiết thiên nhiên và sự mỹ lệ vốn dĩ đồng tính chất với sự tỉnh lặng của núi rừng, sự cộng hưởng là đương nhiên, và trong cái nguồn an lạc tự tại đó, chúng ta trực tiếp kinh nghiệm thực tại bí mật thâm sâu của đời sống. Những bí mật mà thiên nhiên đã gìn giữ sẽ được tiết lộ bằng tiếng nói vô thinh, tiếng nói của chân ngã. Tôi tin rằng chị có một số điều muốn nói về “bên kia bờ đại dương”, đã đúng lúc để chia sớt rồi đó (cười) và tôi vẫn đang chờ đợi cửa mở để bước vào.
Đáp: (cười) Vậy thì anh chuẩn bị đôi chân để chạy cho thật nhanh, không phải lúc nào cửa cũng mở đâu nhé (cười to), và cũng coi chừng cửa đóng lại bất thình lình, và anh sẽ không có đường về với vợ con đấy (cười to). Anh đã sử dụng phương tiện “mỹ lệ” để đi đến bờ bên kia, tôi muốn bổ túc vào câu trả lời của anh. Chúng ta đang sống trong thế giới tương đối và cụ thể của cái trí phân tích, hay còn gọi là cái trí cụ thể (hạ trí) so với cái trí trừu tượng, hay cái trí tuệ giác (thượng trí), đặc tính của nó là tổng hợp. Hạ trí là thủ phạm của ảo ảnh và là cái trí giết chết sự thật (chân lý). Chân lý tương đối là căn bản của thế giới này, đây là thế giới mà tuyệt đại đa số nhân loại đang sống, diễn tả dễ dàng bằng ngôn ngữ. Phương tiện đúng đắn có thể đưa hành giả “đến bờ bên kia” là cái trí tuệ giác (thượng trí), một lý do đơn giản: chỉ vì tính chất của thượng trí và “bờ bên kia” đồng đẳng để có thể tạo ra cộng hưởng.
Xin phép đưa ra một gợi ý, có tính cách tượng trưng, hầu đơn giản hóa tiêu đề hạ trí, thượng trí và bờ bên này, bờ bên kia. Hạ trí có thể ví như một ngọn đèn bão, sử dụng trong đêm tối, loại đèn tùy thuộc hoàn toàn vào tim đèn và dầu đốt. Loại đèn này cho ra một ánh sáng lờ mờ và soi sáng một không gian nhỏ hẹp. Thượng Trí hay là cái trí tuệ giác ví như ánh sáng của một tia chớp sáng trong đêm đen, và dù chỉ trong khoảnh khắc, chúng ta thấy được toàn thể cảnh vật chung quanh, và tuy chỉ xuất hiện như một tia chớp trực giác cũng đủ để đổi mới trọn cuộc đời của một hành giả trên bước đường tự tri và thực hiện Phật Tính.
Nền văn minh vật chất hiện tại, là nền văn minh của cái hạ trí (phân tích và chia cắt), nơi đó có vấn đề cục diện: khoa học thì chỉ biết có khoa học, triết học biết triết học, Thiên Chúa Giáo chỉ biết Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo chỉ biết Hồi Giáo…Tuy là Chân lý thì chỉ có một, và ẩn tàng trong tất cả các ngành học thuật. Chúng ta thấy ngay là không thể sử dụng hạ trí để tri thức bên kia bờ đại dương, chúng ta đang ở biên giới của một nền văn minh mới: văn minh tinh thần, theo diễn tiến tự nhiên của luật tiến hóa, trong đó cái trí tuệ giác sẽ là tâm điểm.
Có một câu chuyện thật đã xảy ra cho một người bạn, hơn 20 năm về trước. Trên chuyến vượt biên mà bạn tôi làm tài công, tàu ra khơi bằng cửa biển Gò Công, trong đêm tối đen. Cửa biển này rất to và có nhiều cồn cát rất cạn, ngư dân bắt cá bằng cách trồng những cây trụ gỗ thành vòng tròn và giăng lưới buộc vào trụ gỗ (đóng đáy). Ban đêm tối trời, nếu tàu vướng vào lưới thì coi như tương lai đen tối của tù tội, và “đến bờ bên kia” sẽ chỉ là một mơ ước! Lúc ấy biển động và mưa to, trời tối đen, người bạn tài công chỉ còn tùy thuộc vào những tia sét đánh, đủ để thấy toàn cảnh vật, và len lỏi con tàu tránh né những cái lưới cá tinh quái. Con tàu đã đến bờ tự do an toàn, nhờ vào cái thấy “toàn thể” một công việc mà ngọn đèn bão không làm được.
Vấn: Như vậy chị sẽ trình bày đề tài bằng một dạng “tổng quát” cho một cái nhìn toàn diện về “bờ bên kia”? Tôi đoán đúng chứ? Còn điều này nữa, muốn đến bờ bên kia, chúng ta cần một vị thầy chứ? Mối liên hệ thầy trò sẽ phải như thế nào?
Đáp: (cười) Anh lại đoán đúng nữa rồi, tôi bắt buộc phải sử dụng một số “giáo lý căn bản”. Có ba nguyên lý chính của Đông Phương:
1) Vũ trụ được bắt nguồn từ một Nguyên Tắc Vĩnh Cửu, Vô Biên, Không Biến Đổi, luôn luôn Bí Ẩn, được gọi là Cái Tuyệt Đối (Parabrahman) hay là Thực Tại Cơ Bản, hay là Tự Tính Không. Nguyên tắc này vượt trên sự hiểu biết của nhân loại.
2) Tinh Thần và Vật Chất (Nhị Nguyên), không phải là hai Thực Tại riêng rẽ, mà là Cục Diện của Cái Tuyệt Đối bên trên. Chúng là hai sản phẩm của việc phân thân và là nền tảng của sự biểu hiện nơi thế giới tương đối.
3) Từ hai nguyên lý bên trên, nảy sanh ra vô số vũ trụ và thiên hà, xuất hiện và tan biến theo Chu Kỳ vô tận của Sristi và Pralaya (biểu hiện và ngơi nghỉ) và theo Luật Tuần Hoàn: Sáng Tạo, Bảo Tồn, Hủy Diệt.
Trên hành trình đi đến nguyên lý thứ nhất hay là bờ bên kia, hay tự tính không, chúng ta bắt buộc phải “đi” xuyên qua nguyên lý thứ ba: luật tuần hoàn và nguyên lý thứ hai: nhị nguyên. Tất nhiên có rất nhiều con đường. Những vị thầy đã đắc pháp có thể biết được căn duyên của đệ tử, ngày giờ của đóa hoa sắp nở, bằng nhiều cách vị thầy gợi ý tạo ra giọt nước cuối cùng, làm tràn ly nước.
Chúng ta cũng không nên cố chấp vào tiệm ngộ hay đốn ngộ, tha lực hay tự lực, thí dụ như phát biểu “thiền tông nhắm vào đốn ngộ và tự lực, tịnh độ tông và mật tông nhờ vào tha lực và tiệm ngộ”. Luôn luôn có sự ngang nhau, đồng tính chất với nhau mới có được cộng hưởng, học trò đủ sức nâng tâm thức lên cao đủ để có sự cộng hưởng với tâm thức của vị thầy, vậy thì tha lực cũng là tự lực, tại sao phải chấp và thành kiến? Có đốn ngộ nào mà không cần tiệm ngộ? hoặc trong kiếp này hoặc trong vô số kiếp trước? Sẽ rất dễ bị thành kiến và chết trong những từ ngữ!
Chúng ta cũng có nghe nói về “tâm truyền tâm” như trong tích “Niêm hoa vi tiếu” giữa Đức Phật và Ngài Ma Ha Ca Diếp. Chúng ta cũng có biết chân lý tuyệt đối, hay là phần vô vi không thể diễn tả đầy đủ bằng ngôn ngữ, chỉ vì ngôn ngữ là phương tiện và cứu cánh chân lý tuyệt đối không cùng tính chất với nhau (giống như toán học không diễn tả nỗi vô cực, mà chỉ dùng ký hiệu số 8 nằm ngang). Quá khứ cho biết kinh sách đã dùng ẩn ngữ, như biểu tượng hay những ngụ ngôn nhiều ý nghĩa. Chúng ta cũng có nghe nói đến loại kinh vô tự, hay là loại kinh viết bằng nét lửa, loại chữ kén chọn đọc giả, rất ít người có khả năng đọc được, và chỉ đọc được bằng cặp mắt tinh thần, đọc xong là chữ biến mất. Tất cả điều trên liên hệ mật thiết đến việc nâng cao trực thức của chúng ta đến thượng trí, và chỉ có một cách duy nhất là trực nhận bằng kinh nghiệm thực sự sự chân thực của chân lý, một khi chúng ta bắt đầu biết “nghe” và bắt đầu biết “đọc”. Vị thầy bên ngoài và vị thầy bên trong luôn tương xứng đồng nhịp.
Vấn: Chị đã trình bày, phải vượt qua hai biển lớn, hay là nguyên lý ba và hai, mới đến đươc “bờ bên kia”. Chị có thể nào trình bày thêm chi tiết không? Thí dụ như là phải học “bơi” cho thật giỏi? (cười)
Đáp: (cười) Bơi với nghĩa bóng. Chúng ta đã đi bộ khá xa rồi, và cũng đang đến bờ bên này của con sông Columbia. Sông to quá, bờ bên kia chỉ được thấy lờ mờ. Sông đã vậy, biển còn to hơn nữa. Chúng ta chỉ thấy những đợt sóng liên tục đổ vào bờ. Tôi có thấy luật tuần hoàn: những con sóng biển được sinh ra, tồn tại một khoảng thời gian, rồi tự hủy diệt, và cứ liên tục như vậy ngàn năm. Văn hóa Đông và Tây có gặp nhau ở nguyên lý thứ ba bên trên, từ Ai Cập đến Hy Lạp đến Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo... Danh từ sử dụng có khác nhau, nhưng ý nghĩa thì giống nhau: sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt ba giai đoạn này chi phối từ vũ trụ cho đến một hạt nguyên tử, một nền văn minh cho đến sự biến chuyển của tư tưởng trong diễn giảng của Phật Giáo.
Phật Giáo diễn giảng tư tưởng của chúng ta liên tục biến chuyển qua ba giai đoạn: Sanh (uppada), Trụ (thiti) và Diệt (Bhanga), và nếu sự biến chuyển này đúng cho thế giới tư tưởng bên trong thì cũng đúng cho thế giới bên ngoài? Nguyên lý thứ ba có Sự Vô Thường, Ảo Ảnh và Đau Khổ là đặc tính tiềm tàng bên trong. Khi chưa hiểu biết: có sự chia ly, hủy diệt, mất mát nào không tạo ra đau khổ? Một kiếp sống được sinh ra, tồn tại trong 80 năm, rồi chết đi để rồi tiếp tục luật tuần hoàn đó trong một kiếp khác…Giây phút chúng ta thức tỉnh về sự vô thường, ảo ảnh của một kiếp sống, tự nhiên tất cả ngộ nhận có vẻ vững chắc trước đây về “cái tôi” “của tôi” sụp đổ và bắt đầu tan biến đi trong nỗi tuyệt vọng vô bờ! Tiếng nói nội tâm lên tiếng nhắc nhở cho một sự thay đổi cách sống một cách nghiêm chỉnh, một đời sống mới, một quyết định mới theo đuổi sự tự tri và những giá trị thật và vĩnh cửu.
Muốn qua sông, muốn vượt đại dương phải vượt qua vô thường, và ảo ảnh, đứng bên trên luật tuần hoàn, vượt qua đêm đen của đau khổ, tự chứng tỏ có thể đứng vững trên hai chân, tiếp tục con đường. Chúng ta có khả năng nhìn mặt trời trong sự thật hằng có của nó, không lặn, không mọc trong cái hiện tượng ảo hóa của luật tuần hoàn. Khi có tỉnh thức, hành giả sẽ tự khám phá ra cách đi riêng, không ai giống ai.
Vấn: Xin phép được góp ý thêm về nguyên lý thứ ba. Bên cạnh luật tuần hoàn ảnh hưởng tất cả sự sống, tôi có thấy bản chất tam diện của đời sống, luôn đi song đôi với luật tuần hoàn. Đây là một học thuyết được tìm thấy trong các tôn giáo lớn. Đó là: Tĩnh (Tamas), Động (Rajas) và Nhịp (Sattwa). Tôi thật sự không biết Phật Giáo có chủ trương tương tự hay không? Chúng ta có thể tìm thấy “đến bờ bên kia” xuyên qua ba bản chất này, trong văn hóa Đông lẫn Tây.
Chúng ta có biết câu chuyện về chú sãi nhỏ, ở giai đoạn đầu thì thấy sông là sông, núi là núi, trạng thái “tĩnh” (tamas), tâm thức biến chuyển sang giai đoạn “động” (rajas) chú phát biểu là sông không là sông, núi không là núi, và sau cùng, sau khi thấu hiểu được cái toàn thể, trạng thái nhịp (sattwa, trung đạo của tĩnh và động), tức là có tuệ giác, tức là đến được bờ bên kia thì chú sãi kia (chắc là đã trọng tuổi, không thể gọi bằng chú sãi nữa rồi) nói sông là sông, núi là núi, dĩ nhiên giai đoạn ba khác xa với giai đoạn một, giai đoạn một thì tiêu cực, thụ động và không có thử thách, giai đoạn ba tích cực, chủ động và vượt qua thử thách. Bài thơ của thi sĩ Tô Đông Pha được dịch nôm như sau:
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang
Khi chưa đến đấy, luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang
(bản khác dịch là Lư Sơn). Chúng ta cũng có thấy nội dung đó trong nhận định của Nietzsche khi nói là con người có ba giai đoạn: con lạc đà, con sư tử, và trẻ thơ hồn nhiên. Ông này ảnh hưởng mạnh phong trào Hippy thập niên 60, khi mà giới trẻ bế tắc, phủ nhận giá trị xã hội quy định, đi tìm một cái gì chân thật và vĩnh cửu.
Nội dung này cũng phản ảnh nơi quyển truyện “Câu Chuyện của Dòng Sông” của Hermann Hesse. Trong đó Tất Đạt là người đã trải qua cả ba giai đoạn: hiền lành chấp nhận, như con lạc đà, giai đoạn “tĩnh” trong thời gian tu học nơi vị thầy Bà La Môn, giai đoạn hai là giai đoạn nổi loạn, chống đối, trạng thái “động” của con sư tử, ông tranh cãi và phủ nhận giáo lý của Đức Phật, Tất Đạt chọn sống cuộc đời của vị thương gia với cô kỹ nữ và cuối cùng là giai đoạn “đến được bờ bên kia” đạo đức hồn nhiên của một trẻ thơ và minh triết của một ông già, tự do, an nhiên tự tại vượt khỏi mọi ràng buộc và cảm thông dễ dàng với nhân sinh đang chìm đắm đau khổ trong hai giai đoạn đầu. Ngược lại Thiên Hữu chỉ có một giai đoạn mà thôi, giai đoạn con lạc đà. Yếu tố đau khổ, yếu tố vô thường, yếu tố ảo ảnh, lòng khao khát sự tự tri thể hiện trong toàn quyển truyện.... Xin chị trình bày tiếp về cái biển thứ hai, hay là nguyên lý thứ hai: nhị nguyên.
Đáp: Như vậy “đi” là tiệm tiến, đi từ A đến B tiêu thụ một số lượng thời gian, tức là có yếu tố không gian/thời gian trong đó. Đi trong thế giới nhị nguyên; đi trong thời gian và không gian; đi trong tương đối, đi trong tranh chấp chọn lựa, đi trong so sánh hơn thua; đi trong cố gắng và giới luật…Trong đó có những cặp đôi nhị nguyên tương đối với nhau và thường thì chúng ta chấp nhận sống một nửa của nhị nguyên, lên án một nửa kia: thiện/ác; đúng/sai; khôn/dại; có/không; còn/mất; già chết/hết già chết; chứng đắc/không chứng đắc; sâu/cạn; dơ/sạch; thành công/thất bại…Có sự cố gắng, có giới luật, có sự lau chùi tấm gương bụi bậm, có tứ diệu đế, có thập nhị nhân duyên, có lục độ... Nhân loại đã chia đôi thế giới bên ngoài, đề cao thiện, lên án cái ác, chấp nhận cái đúng, phê phán cái sai, ca tụng khôn ngoan, diễu cợt cái dại dột, trọng đãi thành công, khôi hài cái thất bại của kẻ khác, hể hả khi được buồn khổ khi mất…
Thế giới chúng ta đang sống tràn đầy những thành kiến của nhị nguyên, lòng trắc ẩn với những người không may không có chỗ đứng, sự cạnh tranh đã trở thành tiêu chuẩn của xả hội “văn minh”! Kết quả không thể tránh khỏi là một thế giới chiến tranh dưới mọi hình thức, tinh thần bất an, lo sợ ... Sự chấp nhận “trung đạo” xem ra hãy còn quá sức so với trình độ tiến hóa của nhân loại hiện tại. Khi đề cập đến nhị nguyên, không thể quên đề cập đến Trung Quán Luận, do ngài Long Thọ (Nigarjuna) đưa ra vào thế kỷ thứ hai, một phương tiện đưa chúng ta đến bờ bên kia. Trung Quán Luận cho biết chân lý không ở hai cực đoan, chỉ có thể kinh nghiệm điều này bằng trí tuệ giác. Đời sống của hành giả sẽ thay đổi toàn diện, quan niệm sống mở rộng, không giới hạn trong thành kiến hẹp hòi và nhất là lòng bi mẫn phát triển cao độ.
Vấn: Chúng ta có biết trong Ba La Mật Đa Tâm Kinh có đề cập đến không có chứng đắc. Chúng ta cũng có nghe chủ trương: không đi mà cũng chẳng có đến. Như vậy là sao?
Đáp: Chúng ta cũng có biết lời khuyên: “Đừng sống trong quá khứ, cái đã chết, cũng đừng sống trong tương lai là cái mù mờ chưa xảy ra. Hãy sống trong hiện tại vỉnh cửu”. Đức Phật là người không đi, không đến, ngài lúc nào cũng tỉnh thức trong hiện tại vĩnh cửu (dừng). Có một câu chuyện như thế này: Trên bước đường du hành, Đức Phật phải đi xuyên qua quãng đường không an ninh. Ngài được khuyên nên chọn một quãng đường khác, né tránh chạm trán với một tướng cướp nổi tiếng giết người hung bạo tên là Angulimala. Dĩ nhiên là ngài từ chối lời khuyên. Ngày hôm ấy, Đức Phật bình thản khoan thai an nhiên kinh hành, tướng cướp Angulimala vác gươm đuổi theo. Lạ quá! dù là ngài rất an lạc từng bước chân, thế mà tên cướp lực lưỡng kia rượt mãi vẫn không kịp. Cuối cùng, Angulimala bỏ cuộc, đứng lại chống gươm thở hào hển và la to lên là: “Này ông thầy tu kia, hãy dừng lại”. Khi ấy Đức Phật thong thả trả lời: “Ta đã “dừng” lại từ lâu lắm rồi, tại sao nhà ngươi chưa chịu “dừng”? Oai lực của ngài hợp với thiện căn của Angulimala, đúng lúc với luật nhân quả cho phép để tạo ra giọt nước làm tràn ly nước và cũng đúng ngày giờ đóa hoa Chân Tâm nở. Angulimala bừng tỉnh cơn mê, vất gươm và quỳ xuống đảnh lể…Angulimala trở thành tu sĩ kể từ ngày hôm ấy...
Nếu anh có hỏi thêm: “Như vậy trạng thái “dừng” có phải là trạng thái cao nhất?”. Câu trả lời sẽ là không. Trong hành trình khám phá Chân Ngã, trong những vực sâu kín nội tâm, hành giả càng tìm thấy những nét huy hoàng càng lúc càng to hơn, và những thực tại càng sâu sắc hơn. Không bao giờ đến một mức độ để có thể tự nói là: “Đây là cao nhất, xa nhất, không thể cao và xa hơn nữa”. Vì vậy nguyên lý thứ nhất vẫn nói là “vượt lên trên sự hiểu biết của nhân loại”. Không có khởi đầu mà cũng chẳng có chấm dứt, biểu tượng là vòng tròn, chu vi của nó không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm chấm dứt và bán kính thì vô cực, như vậy làm sao chỉ được điểm nào là điểm chứng đắc bắt đầu? Và điểm nào là điểm chứng đắc cuối cùng? cao nhất trên cái chu vi? chúng ta cũng không thể vẽ vòng tròn bán kính bằng vô cực!
Riêng về trạng thái “đến” tôi có tham khảo một huynh trưởng, người mà tôi ngưỡng mộ về mọi mặt, huynh ấy phát biểu: “đến” là một dấu hiệu bắt đầu, khi bạn ứng dụng thuyết trung quán luận vào đời sống, khi mà trực giác cho thấy trọn vẹn con đường, và chỉ là bắt đầu mà thôi, trong hành trình dài đến nguyên lý thứ nhất, nguyên lý tự tính không, và chẳng có gì phải tự hào. Các bạn có trọn quyền tự do kiểm chứng bằng kinh nghiệm của các bạn. Với trường hợp “dừng” hay là “hiện tại vĩnh cửu” vàng ròng không thể trở lại thành quặng mỏ. Ngược lại trường hợp “đến” không như vậy, hành giả vẫn bị vấp ngã, và chưa hoàn thiện, con đường hãy còn dài...
Vấn: Một câu hỏi cuối cùng, “đến” có phải là hiện trạng chỉ xảy ra cho những người theo đuổi sự tự tri? Và câu chú chị đã viết trên bãi biển hình như gắn liền với bài kinh Ba La Mật Tâm Kinh, và Lục Độ hay là sáu Paramitas, tại sao có sự gắn liền đó?
Đáp: “Đến” không có kỳ thị hạng người nào cả. Giới nghệ sĩ, giới khoa học gia…vẫn thường xuyên có được trực giác và hứng khởi tinh thần từ những cõi giới cao. Kinh sách xưa vẫn có nói: “Người nghệ sỉ chân chính, vì lòng trong sạch yêu nghệ thuật mà làm việc, nhiều khi còn đi đúng con đường chính hơn là một tu sĩ tưởng mình là người siêu thoát, đã rời bỏ bản ngã, nhưng thực sự họ chỉ mở rộng biên giới của kinh nghiệm và dục vọng tế nhị”. Khi nghe lại hòa tấu của những nhạc sĩ lớn, có cảm hứng từ thiên nhiên như là Felix Mendelssohn, Antonio Vivaldi, Bach, Beethoven … chúng ta có thể cảm được sự rung động tinh tế, thanh cao và cộng hưởng với nguồn hứng khởi của tác giả.
Nếu những nhà tôn giáo, thiền gia đi bằng con đường chân lý, và bác ái thì những người nghệ sĩ đi tìm sự hội nhập với chân ngã xuyên qua con đường mỹ lệ. Tất cả những con đường đều đi đến mục đích. Đến là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy ly nước, trạng thái cuối cùng của đi. Khi “đi” chấm dứt là “đến” xuất hiện, nếu không bỏ cuộc nửa chừng. Trong một quyển kinh Phật nào đó, tôi quên mất tên, có nói: một khúc gỗ đang trôi trong một con suối, nếu không vướng vào ghềnh đá, nếu không mục nát từ bên trong, một ngày nào đó cũng trôi được ra biển cả. Riêng về phần hai của câu hỏi về sự liên đới giữa “bờ bên kia” và lục độ, xin phép anh cho những lần sau, dĩ nhiên là có liên hệ đến đề tài hôm nay, nhưng mà bài viết đã dài quá rồi!
Vấn: Xin phép chị tôi tóm tắt lại đề tài hôm nay. Có nhiều con đường đi để có thể đến được bờ bên kia. Đừng câu nệ tự lực hay tha lực, đốn ngộ hay tiệm ngộ, tại sao lại phải phân biệt như vậy? Kinh nghiệm đến bờ bên kia nên xem như một kết quả tự nhiên xảy ra khi mà giới, và định lực đầy đủ, hay là động lực nội tâm đủ mạnh. Giống y như khi chúng ta chuẩn bị đầy đủ chai, lọ, ống nghiệm, tia lửa điện, xong thu thập hai phần hydrogen và một phần oxygen, đúng thời điểm đó tạo một tia lửa điện, nước sẽ xuất hiện (sự sắp xếp chai, lọ, ống nghiệm…có giá trị như một nghi lễ đọc kinh của phái tịnh độ).
Lời đề nghị ở đây là hãy tự biết mình, ưu và khuyết điểm. Sử dụng ưu điểm, thí dụ bạn nhạy cảm và yêu thích thiên nhiên, yêu nghệ thuật, yêu sự mỹ lệ, hãy đến với thiên nhiên mỗi ngày, cần có một “công án” trong tâm trí. Chúng ta bắt đầu bằng những nghi vấn, bằng những câu hỏi. Lòng yêu thích chân lý sẽ tạo ra một định lực, định lực này sẽ lôi kéo chúng ta vào đề tài trong giờ thiền định, và kéo dài ngoài giờ thiền định, mỗi khi ta có giờ rảnh (ra chơi, làm vệ sinh, lái xe đi làm, thức dậy nửa đêm…và đấy là một phản ứng tự nhiên) lời giải đáp, hay là điểm “đến” sẽ xảy ra bất ngờ. Khi ấy mọi nghi vấn chấm dứt, sự tự tin trở nên sống động, niềm an lạc ngự trị, kinh nghiệm được sự toàn vẹn rộng mở, mọi giới hạn không còn nữa.
Có một gợi ý như thế này: Trong toán học định nghĩa: “cái chấm là một vòng tròn không có bán kính” và “vòng tròn được định nghĩa là một cái chấm, bán kính bằng vô cực”. Chúng ta thấy ngay cái chấm có cùng bản chất với vòng tròn, cùng nằm trong luật đồng thanh tương ứng, sự vô hình “không bán kính” của cái chấm và sự bao la “vô cực của bán kính” của vòng tròn đều vượt ra ngoài cái trí “cụ thể” của chúng ta. “Đến” là trạng thái cái chấm trở thành vòng tròn, chúng ta kinh nghiệm được không biên giới, vượt lên trên những cố chấp của giới hạn…và khi “đến” cả ba trạng thái không thể phân chia cùng xuất hiện, đó là Minh Triết, Bác Ái và Ý Chí kèm theo niềm an tịnh vô biên. Phật Giáo gọi là Bi, Trí, Dũng.
Những ai có kinh nghiệm nếm được niềm an lạc này đều ao ước tất cả nhân loại đều có được như vậy, nhưng mà sẽ không có thực tế chút nào, ai có ăn thì người ấy no lòng, phải không các bạn? Kinh nghiệm bờ bên kia, hay là bên kia bờ đại dương là một kinh nghiệm thực tại, ngay tại nơi đây, ngay lúc hiện tại khi mà tâm thức bừng sáng, bừng nở như cánh hoa sen đúng ngày giờ dưới ánh nắng mặt trời.
Đáp: Cám ơn anh nhiều lắm, nhưng mà anh phải giúp tôi, sau nhiều giờ đi bộ, tôi không thể tìm lại câu chú tôi đã viết trên bãi biển! Có lẻ nội dung là “bờ bên kia” tôi lại viết sai vị trí ở “bờ bên này” cho nên sóng biển đã mang dùm cho tôi câu chú ấy vượt biên sang bờ bên kia rồi! (cười) Vả lại làm gì có “bờ bên này” hay “bờ bên kia” anh nhỉ?
Họ có với nhau những nụ cười hồn nhiên và nguồn hạnh phúc an lạc.
MTL