CHỮA BỆNH

CHỮA  BỆNH

 

Xem Bài Liên Quan

Bà Dora Kunz, hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ có thông nhãn, chỉ dạy cách chữa bệnh bằng tay gọi là Therapeutic Touch TT, chính yếu được y tá sử dụng tại Hoa Kỳ, theo đó người ta dùng tay vuốt qua - không đụng tới thân hình - để thẩm định tình trạng hay mức năng lực của thể sinh lực, và theo đó giúp thể được quân bình. Vài kết quả là giảm căng thẳng, hạ huyết áp, thở dễ hơn và tâm thần an ổn. Bà chữa bệnh cho nhiều người, hợp tác với bác sĩ trong việc chữa trị và nghiên cứu về bệnh và cách trị bệnh.
Sau đây là bài phỏng vấn giữa bà Dora Kunz với tiến sĩ Renée Weber về các điều này.
Renée Weber (RW): Đau ốm là gì và việc chữa bệnh can dự ra sao để tái tạo sức khỏe?
Dora Kunz (DK): Đau ốm là sự mất quân bình trong cơ thể, có thể xẩy cho các thể khác nhau, chẳng những nó gồm có tổn hại cho thân xác mà còn ảnh hưởng tới cảm xúc, cách suy nghĩ và những mức khác. Tôi cho rằng mỗi người chúng ta còn có phần tinh thần.
RW: Có phải tất cả bệnh đều là do mất quân bình mà ra ?
DK: Không, ta không thể nói tuyệt đối như vậy, mà phải kể đến tai nạn, gẫy xương, thí dụ thế. Tôi cũng thấy mức năng lực thấp của thể thanh có thể làm thể xác dễ mắc bệnh hơn, và việc này thường thấy có lâu trước khi bệnh lộ ra trong cơ thể. Tôi nghĩ là mọi bệnh tật đều có phần tâm thần trong đó.
RW: Còn bệnh nơi trẻ rất nhỏ thì sao ?
DK: Có một phần có tính tổng quát cho các trường hợp này gọi là karma. Tôi tin là bệnh tật có thể sinh ra do kinh nghiệm của quá khứ từ xưa, theo triết lý về nhân quả. Tôi chấp  nhận điều ấy, thực sự mà nói nó có thể là nguyên nhân cho bệnh, nhất là nơi trẻ thơ rất nhỏ chưa làm gì để góp phần sinh ra bệnh.
RW: Nói khác di, em bé mới sinh không có xáo trộn tình cảm ở mức sớm sủa đó, vậy các yếu tố gây bệnh không chừng nằm ở chỗ khác ?
DK: Nó có thể là yếu tố di truyền mà em thừa hưởng, mà nguyên nhân cũng có thể nằm trong những kiếp đã qua.
RW: Bà có nghĩ là trên nguyên tắc có cách nào đó để tìm hiểu chuyện này một cách thực nghiệm không ? Thí dụ như hỏi là karma đóng vai trò gì về bệnh.
DK: Tôi không trả lời được, nhưng nếu ta chấp nhận là có nhân quả thì có yếu tố số phận determinism. Hai ý đi chung với nhau. Karma là một giả thuyết mà nếu chấp nhận nó thì số phận phải đi vào câu chuyện tới một mức nào đó. Cùng lúc ấy, có những lực khác có thể làm thay đổi kết quả. Sự can thiệp của một người chữa bệnh cũng có thể là một phần của karma người bệnh.
RW: Karma cũng kể tới ý chí cá nhân phải không ? Karma cho rằng cách tôi nghĩ về bệnh và tôi có thể làm gì về bệnh, nằm phần nào trong khả năng của tôi.
DK: Tôi cho là có, cách của tôi là nhìn vào bệnh một cách thực tế, mà ta cũng hiểu là có tiềm năng của con người. Khi ta chấp nhận sự kiện là có bệnh, các thể khác có thể được khích động, chúng có thể mang lại sức mạnh tâm linh để chữa và còn có thể làm dứt bệnh.
RW: Khi nhận là có chuyện xẩy ra, năng lực của ta không được dùng để chống lại hay phủ nhận nó ư ?
DK: Nó không được dùng để phủ nhận mà thay vào đó, người ta còn có thể hiểu ra cách có thể rút những năng lực khác, để thay đổi triệu chứng trong cơ thể.
RW: Bà có thể giải thích các thể là gì, và cách chúng liên quan đến sự mạnh khỏe và bệnh chăng ?
DK: Các thể bao quanh ta, mỗi người có nhiều thể khác nhau: thể xác, thể sinh lực, thể tình cảm, thể trí, thể trực giác v.v. và tỏa ra năng lực. Nó có nghĩa mỗi người liên tục tương tác với người khác, vể cảm xúc lẫn suy nghĩ của mình. Đa số người hoàn toàn không ý thức sự trao đổi không ngừng này, trừ phi có liên hệ mật thiết. Trong trường hợp ấy, điều họ cảm xúc thì ai mà cảm xúc được hướng tới sẽ ghi nhận được nó, hoặc là ý tích cực hay xáo trộn. Chuyện đặc biệt thấy rõ trong gia đình.
RW: Chúng là thật đối với bà, nhưng phần lớn người chỉ giản dị là không có ý thức về các thể ấy.
DK: Tuy mọi người đều biết ít nhiều về cách mình phản ứng với cảm xúc của người khác, nhưng nó không nhất thiết là hiểu biết có ý thức. Thí dụ tâm tình của ta hay lây sang người khác, cả tiêu cực lẫn tích cực. Chữa bệnh là sự tương tác có ý thức, và chủ ý hướng vào các thể này bên trong con người, cũng như giữa người chữa bệnh và bệnh nhân.
RW: Xin bà nói về cách chữa bệnh bằng tay TT.
DK: TT xem ra mới mẻ vì từ nhiều năm qua có nhấn mạnh về kỹ thuật y học, nhưng bên cạnh đó từ lâu đã có những cách chữa trị khác, ở nhiều nước kể cả Hoa Kỳ. Ai áp dụng nó có thể dùng chữ và phương pháp khác nhau, nhưng căn bản mà nói thì có một ý chung về chữa trị, bất kể nguồn nào mà ra.
RW: Ai chữa bệnh thường có một số đặc điểm chung tuy thuộc văn hóa, hệ thống khác nhau. Chúng là gì vậy ?
DK: Theo quan sát của tôi, có vài điểm chung xem ra thiết yếu.
– Trước tiên, người chữa bệnh phải có sự tin chắc hay niềm tin, là có quyền lực lớn lao hơn họ mà họ có thể rút ra để sử dụng.
– Thứ hai, tự nhiên là họ phải có lòng trắc ẩn chân thật và ý muốn giúp người.
– Thứ ba, để có hiệu quả thực sự, họ phải để cái tôi hay lòng tự cao tự tại qua bên trong việc chữa trị.
RW: Để qua bên vào lúc đó thôi ư ?
DK: Phải. Giữa người chữa bệnh và người ốm thường sinh ra liên hệ gần gũi, cảm thông. Nếu người chữa bệnh cảm thấy họ can dự về mặt cá nhân vào sự đau đớn của người bệnh, họ sẽ thấy lo lắng, và sự lo lắng ở bất cứ thể nào là một năng lực sẽ truyền vào người bệnh, cùng với năng lực chữa lành.
RW: Tức là có lý do để người chữa bệnh phải gạt qua bên ngay cả sự lo lắng của mình, về kết quả của việc chữa trị.
DK: Nó sẽ can dự vào, và trong vài trường hợp tôi còn thấy là ai đồng hóa với bệnh nơi người khác, có thể cảm nhận sự đau đớn trong thân thể mình. Rõ ràng làm vậy không hay cho người chữa bệnh, vì nó làm yếu đi năng lực của chính họ.
RW: Bà có thể tả cái quyền lực mà người chữa bệnh tin vào chăng ?
DK: Đối với tôi, có quyền lực chữa trị này và nó có thật. Tôi cảm nhận nó có ba tính chất là trật tự, sự trọn lành và lòng trắc ẩn. Nó là một phần của thiên nhiên và có tính đại đồng. Thành ra ai cũng có thể dùng nó và gọi bằng tên gì cũng được. Lực không thuộc một ai hay tôn giáo nào. Tôi nghĩ ấy là điều quan trọng
RW: Trật tự và lòng trắc ẩn liên quan ra sao với việc chữa bệnh ?
DK: Nếu ta xem bệnh như là sự rối loạn, thì lực chữa lành là một lực có thể tái tạo trật tự cho các thể của người, vì nói về thân xác vật chất, cơ thể luôn có khuynh hướng về trật tự. Thể xác không ngừng bù đắp cho bao sai sót của những cơ quan trong người. Khi nó có bệnh thì cũng có sự rối loạn cho tình cảm và sự suy nghĩ. Cả ba đi chung với nhau, thế thì nếu người chữa bệnh có ảnh hưởng gì, năng lực chữa lành này phải tác động lên mọi thể của con người. Ai chữa bệnh, qua năng lực tươi mới này, có thể thúc đẩy khả năng lành bệnh của chính bệnh nhân. Như đã nói ở trên, có mức năng lực thấp thường là dấu hiệu trước khi có bệnh.  
RW: Lực chữa lành đẩy mạnh việc mang lại trật tự cho cơ thể, thế vai trò rõ ràng của người chữa bệnh trong chuyện này là gì ?
DK: Vai trò của họ chỉ là làm một vận cụ; do lòng trắc ẩn và sự chú tâm của mình để cho lực chữa lành tuôn qua họ tới bệnh nhân.
RW: Vận cụ này có cần không ?
DK: Nó không cần nếu chính con người có sức mạnh để mở lòng đón nhận lực chữa lành, và cùng lúc chịu ý thức là tình cảm và cách suy nghĩ của họ đã làm họ có bệnh, để thay đổi chúng.
RW: Vậy có thể có việc tự chữa, tự làm hòa hợp con người mình bằng lực chữa lành.
DK: Đúng, nhưng nó đòi hỏi người ta có ý thức về tình trạng rối loạn của mình, và việc sẵn lòng cùng khả năng buông bỏ nó.
RW: Nghe khó quá.
DK: Khó lắm. Tôi làm việc với nhiều bệnh nhân, và họ thường cảm thấy họ cái nếp pattern tình cảm và cách suy nghĩ đó, nên không thay đổi thói quen thì họ cảm thấy thoái mái hơn.
RW: Nó có liên hệ với hình ảnh họ có về mình không ?
DK: Hình ảnh của ai có về mình - điều mà họ thường nghĩ về mình mà không ý thức - là yếu tố rất quan trọng trong việc chữa lành. Nếu họ nghĩ về  mình như là luôn thất bại, hiếm khi có thể đạt mục tiêu trọn vẹn, nghĩ vậy sinh ra hình ảnh tiêu cực về cái tôi rất khó mà sửa. Đa số chúng ta hoàn toàn không ý thức cách ta nhìn chính mình. Ta có thể cảm thấy lòng sầu não cứ trở tới trở lui mãi, mà không liên kết nó với việc thiếu lòng tự tin nơi chính mình, với việc ta cứ lập đi lập lại nếp ấy. 
RW: Việc không ngừng có hình ảnh tiêu cực về chính mình, có gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của ta không ?
DK: Có.
RW: Giả thử người ta biết về các nếp suy nghĩ đó thì làm sao có thể biến đổi chúng ?
DK: Đó là tiến trình rất chán. Họ phải thành có ý thức làm sao ngay từ đầu, hằng ngày họ sinh ra lòng tự nghi ngờ bản thân. Khi ý thức cái nếp vào lúc bắt đầu có, ta loại bỏ nó từ trong trứng nước và thay đổi nó bằng cách dùng ý chí. Việc làm cái nếp mất lực và cho một lực mới vào có thể làm nó tàn dần. Hình ảnh về mình và sức khỏe có liên quan với nhau, vì các mức tâm thức khác nhau luôn luôn có tương tác.  
RW: Giả thử có ai không làm được việc tự chữa ấy thì vai trò của người chữa bệnh là gì ?
DK: Họ sẽ chú tâm vào tiềm năng làm cho một người được trọn lành, tôi cảm nhận là tiềm năng ấy có trong mỗi người.
RW: Tiềm năng đó có nghĩa gì ?
DK: Theo tôi hiểu thì có một điểm tâm thức bên trong mỗi người là mầm của sự trọn lành. Đó là tiềm năng thể hiện sự hòa hợp bên trong mình, và tích cực điều khiển các lực của sự sống, không phải chỉ phản ứng với vấn để hay những phần tiêu cực của mình. Trong thành phần của mỗi người có thể có những điều tiêu cực, mà cũng có sức mạnh, óc sáng tạo và sự khôn ngoan; một người chỉ cần sẵn lòng dùng chúng, và tôi xem những lực này là tiềm năng cho sự trọn lành.
RW: Đa số người rất ít khi biết dùng những điều này, bà có thực sự thấy chúng là một phần trong cấu tạo của ta chăng, khi bà xem bệnh và quan sát những thể của bệnh nhân ?
DK: Nó là một phần trong cấu tạo của con người. Ai sinh ra gặp nhiều trở ngại ở đời, vượt qua được chúng là nhờ điều chi đó trong tâm để tới mức trọn lành hơn. Thực tế là mỗi ai nếu có thể vượt qua khủng hoảng trong đời, vào lúc ấy họ cảm biết một sự bình an nội tâm, một cảm giác về đường hướng.
RW: Sao đông người chúng ta không cảm được sự an ổn, và sức mạnh ấy trong đời sống hằng ngày ? Sao có vẻ như nó tiềm ẩn và thụ động thay vì linh hoạt trong đời ?
DK: Trọn sức chú ý của ta trong đời sống thường ngày, dành cho chuyện vụn vặt nhỏ bé của sự sống, nhất là trong xã hội ngày nay, khi làm như ta tùy thuộc vào sự giải trí và khích động đến từ bên ngoài. Thực sự là ta không biết về chính tiềm năng của mình. Phần lớn người dính líu với điều chi thu hút sự quan tâm tức thì của họ, hay với việc đi tìm khoái lạc, mà không phải với việc đi tìm sự sáng tạo và tự tái tạo mình.
RW: Nhứng người chữa bệnh tài giỏi mà bà biết, họ có định tâm vững vàng không ?
DK: Họ biết định tâm và có lòng vị tha.
RW: Việc định tâm vững và sự trọn lành liên hệ với nhau ra sao ?
DK: Khi chỉ dạy cách chữa bệnh bằng tay, chính yếu cho điều dưỡng viên, tôi nhấn mạnh điều cần thiết là ai muốn chữa bệnh cần biết một chút về sự định tâm, ấy là chuyện phải được tập hằng ngày, là một hình thức tham thiền. Nó diễn ra ở nội tâm, và điều giúp ích là trụ năng lực của mình vào vùng tim. Bước đầu tiên là cảm biết bất cứ lo lắng nào ta có thể nhận ra vào một lúc, và cố gắng tách ra khỏi nó lúc ấy, chuyển sự chú ý vào cái tâm yên tĩnh này ở bên trong, là chuyện quan trọng trong việc chữa trị. Đa số người chữa bệnh cảm biết nó dưới hình thức này hay kia, tuy thường khi nó là bản tính thứ hai của họ, và họ có thể đặt tâm vô đó không cần gắng sức, không cần cái trí nhắc nhở. Dầu vậy khi tập cho y tá tôi chỉ họ định tâm có ý thức.
Định tâm làm cái trí và tình cảm lặng yên, nhờ vậy giúp phát triển khả năng tập trung tư tưởng và sự chú ý.
RW: Làm thế khiến năng lực tăng bội và hữu hiệu hơn ?
DK: Đúng vậy. Người ta cần tin rằng, mỗi bệnh nhân có một điểm là sự trọn lành bên trong, không bị sự đau đớn hay yếu ớt của thân xác chi phối. Ai chữa bệnh phài có cảm biết về sự trọn lành ấy nơi chính mình, để họ có thể vào được điểm ấy nơi bệnh nhân, dù bệnh nhân bệnh gì hay đau đớn nhiều ra sao. Người ta chỉ có thể truyền nó sang cho người khác khi chính họ kinh nghiệm sự trọn lành - ta có thể gọi đó là sự thiêng liêng - nơi họ.
RW: Tức là họ có thể giúp người khác kinh nghiệm chiều đo ấy, vì chính họ đã cảm xúc nó trong lòng.
DK: Phải rồi, vào lúc đó. Tôi nhấn mạnh điều này để mọi người hiểu là với nền văn minh của ta, rất ít ai có thể giữ cho mình ở mức trọn lành đó luôn luôn, vì điều ấy rất hiếm trong thực tế. .
RW: Vậy người ta không nên ngã lòng và xuống tinh thần, nếu chỉ có thể làm được vậy đôi lúc mà thôi. Bà có một ví dụ độc đáo về chữa trị làm nhiều người ưa thích, đó là hình ảnh một cái cây; bà liên kết nó với việc chữa bệnh, người chữa bệnh và với bệnh nhân.
DK: Trọn đời mình tôi có sự đồng hóa mạnh mẽ với thiên nhiên, và rất nhiều buổi họp của chúng tôi là ở ngoài trời với cây bao quanh. Đối với tôi cây là ẩn dụ tuyệt vời bởi nó mọc rễ sâu trong đất, là biểu tượng cho thực tại vật chất. Muốn sống, cây phải lớn mãi lên trên hướng về mặt trời, là biểu tượng cho phần tinh thần trong con người. Thế nhưng cây thường khi bị gió, bão xô tới lui qua lại, nên đây thực sự là biểu tượng cho đời sống hằng ngày của ta với các vấn đề của nó. Thành ra tôi nghĩ cây là biểu tượng tuyệt hảo cho mỗi người trong chúng ta, và đặc biệt cho ai muốn thành người chữa bệnh
Tôi cảm thấy rằng ai chữa bệnh tài giỏi (hay bất cứ người chữa bệnh nào, tùy theo cách họ mở tâm mình ra với lực chữa lành này) ảnh hưởng được kẻ khác, vì họ rút lực chữa lành ở mức cao hơn, mức của trực giác và cao hơn nữa. Ớ mức ấy, người ta kinh nghiệm trong tâm cảm xúc hợp nhất với nhân loại và thiên nhiên, và do đó mất đi cảm nghĩ phân rẽ. Nếu lực chữa lành được rút từ mức ấy, và đi qua nhiều mức khác nhau của cảm xúc và sự suy nghĩ của ta, sức mạnh của nó sẽ hơn lên rất nhiều so với lực của tình cảm và thể xác của ta.
Nói về sự lành bệnh tức thì, khi ai được chữa hết bệnh trong tích tắc (như tôi đã từng chứng kiến), lực không những ảnh hưởng thân xác mà có sự chuyển hóa xẩy ra ở tất cả mọi thể. Quan điểm của họ về chính mình và khả năng cho ra đều có thay đổi. Nhưng sự biến đổi hoàn toàn của phàm nhân như vừa nói, xẩy ra sau việc lành bệnh theo cách này là chuyện rất hiếm
RW: Bà có giả thuyết nào để giải thích vì sao chuyện xẩy ra không ?
DK: Tôi phải dùng chữ đồng thời synchronicity, muốn nói người ta sẵn sàng cho việc chuyển hóa như vậy, mở lòng để thực tâm thay đổi. Lực chữa lành đi xuyên qua tất cả cõi cùng một lúc, dù nó bắt nguồn từ cõi tinh thần hay từ bất cứ nguồn nào, lời giải thích duy nhất có thể có là sự cùng lúc. Chuyện lý thú là trong tài liệu lưu trữ ở Lourdes, đa số bệnh nhân được lành lập tức là khi họ đã sát bên cửa tử, và phần lớn bệnh nhân mà tôi quan sát được hết bệnh tức thì, khi ấy cũng rất gần bờ tử sinh.
Tới lúc ấy gần như là họ đã buông bỏ những nếp sinh hoạt của mình. Họ không còn năng lực để bám vào chúng ở phút đó, và tôi nghĩ điều này khiến việc chữa lành xẩy ra được. Ít nhất nó có thể là một yếu tố trong những trường hợp hiếm có về lành bệnh tức khắc và hoàn toàn.
RW: Trong cách chữa bệnh bằng tay TT, bệnh nhân có ở trước mặt người chữa bệnh. Còn gửi năng lực này tới ai không hiện diện ở đó, hay gửi ý chữa lành tới nơi có chiến trận và bạo động thì sao ?
DK: Trên lý thuyết tôi tin mọi tư tưởng đều ảnh hưởng người khác; khoảng cách không cho ra khác biệt đáng nói.
RW: Có nghĩa tư tưởng và cảm xúc tìm đến nơi và tác động bất kể xa gần ?
DK: Phải lắm.
RW: Vậy thời gian và không gian không là trở ngại à ?
DK: Không, không là vậy đối với năng lực chữa lành này.
RW: Như thế nó có tiềm năng chữa lành theo nghĩa rộng nhất của chữ, không phải chỉ chữa lành một bệnh riêng biệt nào đó, mà có lẽ như là một nỗ lực để tạo hòa bình cho thế giới
DK: Đúng thế.
RW: Khi bà nói tới cái nếp, khuôn mẫu pattern, thì có hai loại là bất lợi và thuận lợi phải không, hay là chỉ có một loại ?
DK: Có cả hai, với cái nếp sinh hoạt tích cực, tốt lành, năng lực của ta hướng ra ngoài, thực sự làm tăng mức an sinh của ta. Lòng nhân ái là cách mạnh mẽ để tái tạo con người của mình, và tăng cường ta với năng lực mới.
Trích:
Spiritual Healing - Theosophical Research Center

Chữa Bệnh bằng Trí hay Chữa Bệnh Khiếm Diện
Trong bài phỏng vấn trên bà Dora Kunz có nhắc sơ tới ý này, phần dưới đây nói thêm về việc ấy.
Cách chữa này dựa vào tương quan cảm thông, do vậy điểm cần yếu là cái trí của người chữa bệnh và bệnh nhân phải hòa hợp tới một mức nào đó. Theo cách ấy, khi một người chữa bệnh hướng làn tư tưởng mạnh tới bệnh nhân, hay người bạn gặp cảnh khó khăn, người sau - nếu biết và đáp lại - có thể phản ứng hòa hợp với tư tưởng chữa lành, đôi khi cho ra kết quả kinh ngạc. Nhưng tư tưởng của người chữa bệnh muốn có hiệu quả, phải dựa trên sự nhận thức rõ ràng là người kia đang gặp khó khăn, và lòng thành muốn giúp đỡ.
Ai chữa bệnh cũng cần ý thức là bệnh tật lộ ra có thể phản ảnh tình trạng sâu kín hơn, và trên thực tế có thể là valve an toàn tốt lành cho cái sau. Việc hướng tư tưởng chữa bệnh có thể là chữa triệu chứng ngoài mặt, mà bỏ qua không đụng tới sự rối loạn tâm lý sâu xa là gốc rễ của vấn đề, và tuy chữa trị như vậy có thể tạm thời thành công, nhiều phần là nó không chữa nguyên nhân căn bản.
Khi bệnh nhân vắng mặt, không biết vào lúc có chữa trị, không chừng ấy là điều thuận lợi, vì khi không ý thức chuyện gì đang diễn ra, họ không kháng cự hay lo lắng quá đáng muốn giúp đỡ và đáp ứng lại. Cả hai tâm trạng này gây ra căng thẳng cho thể sinh lực, và thường khi cản trở hành động mà lẽ ra cho ảnh hưởng tốt lành.
Thí nghiệm với khả năng tâm linh thấy là ý tưởng phất phơ bên lề tâm thức của một ai, đôi lúc đi vào tâm người nhận rõ ràng hơn và thật hơn là ý nào mà người gửi chủ tâm đến. Chuyện hay thấy là cái trí thoải mái làm giảm căng thẳng cho thể sinh lực, nên cho phép hiện tượng xẩy ra ở nơi có ít ngăn trở. Nguyên tắc này được áp dụng chặt chẽ vào việc chữa trị bằng cái trí, ấy là tư tưởng trợ giúp gửi đến một người bạn, ngay cả khi ta không biết là họ đau ốm và cần được giúp, có thể có ích nhiều hơn là có nỗ lực về sau để chữa lành.