GIẢI THÍCH HIỆN TƯỢNG
Giải Thích Hiện Tượng
1. Thuật Khinh Thân
2. Tụ Lực và Tản Lực
3. Tạo Ra Vật
4. Kết Tụ
5. Liên Lạc
6. Di Chuyển Vật
7. Thông Nhãn Thông Nhĩ
Vào phần tư cuối của thế kỷ 19, HPB đưa ra nhiều hiểu biết mà tới nay vẫn còn giá trị, cũng như bà làm nhiều hiện tượng mà khoa học lúc đó cũng như bây giờ không thể giải thích. Thay vì nhìn nhận rằng còn nhiều điều con người và khoa học chưa biết, một số người lại thẳng thừng bác bỏ hiện tượng, cho đó là trò dối gạt, xảo kế mà thôi. Đáp lại phủ nhận rất là không khoa học đó, quyển Isis Unveiled đưa ra mười điểm đáng được nhắc lại ở đây.
“ Để hiểu các nguyên lý của luật thiên nhiên có can dự… độc giả cần giữ trong trí những định đề căn bản của triết lý đông phương mà chúng tôi đã giải thích. Ta hãy nhắc lại thật ngắn:
1. Không có phép lạ. Mọi việc xẩy ra là kết quả của luật vĩnh cửu, không thay đổi, luôn luôn tác động.
2. Thiên nhiên có ba phần thành một: có một thiên nhiên hữu hình, khách thể; một thiên nhiên vô hình, nội tại, có bản tính tuôn lực khích động, là khuôn chính xác cho cái trước và là nguyên lý thiết yếu của nó, và trên cả hai điều này là tinh thần, là nguồn cội của tất cả các lực, chỉ mình nó bất tử và bất hư hoại.
3. Con người cũng có ba phần: ta có thân xác là cái khách thể, linh hồn là con người thật, và phần thứ ba tinh thần bao trùm soi sáng hai phần này, cái là chủ tể, tinh thần bất tử. Khi con người thật hòa được mình vào với phần tinh thần thì ta trở thành thực thể bất tử.
4. Huyền thuật - Magic là một khoa học, là sự hiểu biết về những nguyên lý này, và cách mà nhờ đó con người có thể đạt không sự toàn tri, và toàn năng của tinh thần cùng làm chủ được những lực của thiên nhiên khi vẫn còn ở trong xác phàm. Nếu nói như là một thuật thì đó là việc áp dụng hiểu biết này vào thực hành.
5. Minh Triết cổ thời khi bị lạm dụng thì là tà thuật; còn khi dùng cho mục đích tốt lành thì đó là huyền thuật chân chính hay Minh Triết.
6. Thuật đồng cốt là cái đối nghịch với sự đắc đạo, người đồng là dụng cụ thụ động cho những ảnh hưởng ngoại lai, còn vị đạo sư tích cực làm chủ chính mình và tất cả những tiềm năng thấp hơn.
7. Tất cả những vật đã từng hiện hữu, đang hay sẽ là, có dấu vết ghi lại trong bảng ký ức của vũ trụ vô hình. Vị đạo sư - được chỉ dạy khi dùng nhãn quang tâm linh - có thể biết tất cả những gì đã biết hay có thể biết được (trong thái dương hệ của chúng ta).
8. Các giống dân khác nhau về khả năng tinh thần được phú cho họ, như là khác nhau về mầu da, vóc dáng hay bất cứ tính chất bên ngoài nào; nơi một số dân họ có khả năng thông nhãn - clairvoyance trội hơn; nơi số người khác là khả năng đồng cốt. Có người thông thạo thuật phù thủy, và truyền những luật bí mật của nó về cách dùng thuật từ thế hệ này sang thế hệ sau, với kết quả là một loạt ít hay nhiều rộng rãi các hiện tượng tâm linh.
9. Một trong những Huyền Thuật là việc linh hồn tự ý rút khỏi xác thân có ý thức. Một số người đồng cũng có sự rút ra khỏi này nhưng nó vô thức và không tự ý… Đối với việc di chuyển đó đây của linh hồn thì nó không bị hạn chế trong không gian lẫn thời gian. Nhà huyền thuật tinh thông về khoa huyền bí có thể làm cho thân xác mình như biến mất đi, hay có vẻ như lấy hình dạng khác theo ý họ, làm cho thể thanh của họ hiển hiện hay cho nó có hình dạng khác.
10. Căn bản của huyền thuật là hiểu biết cặn kẽ mặt thực dụng của điện từ học, tính chất, sự tương quan, và tiềm năng của chúng….
Tóm tắt thì Huyền Thuật là Minh Triết tinh thần; thiên nhiên là tôi tớ cho thuật sĩ - magician. Có một nguyên lý thiết yếu thầm nhuần mọi vật mà ý chí của người toàn thiện kiểm soát được … Vị đạo sư có thể làm chủ cảm xúc và thay đổi tình trạng của thể xác và thể thanh của người khác chưa phải là đạo sư; ngài cũng có thể chế ngự và điều động tinh linh ngũ hành nếu muốn. Ngài không thể làm chủ tinh thần bất tử của bất cứ ai dù sống hay chết, vì tinh thần ấy là những điểm linh quanh như nhau của Bản Chất Thiêng Liêng, và không thể bị những gì khác lạ bên ngoài chế ngự.”
Cùng với các ‘phép lạ’ mà HPB làm, còn có thư từ các Chân Sư với cách viết và gửi đến người nhận thật kỳ lạ. Trong bài này, ta đưa ra các giải thích về hiện tượng để chứng minh cho điểm 1 trong bảng kể trên; vài ý cũng đã được nói sơ qua trong các số PST trước, đặc biệt PST 55, Vị Chân Sư, t.37.
1. Thuật Khinh Thân
Cả đông và tây phương đều có nhiều chứng cớ cho thuật này, như chuyện về một số thánh nhân của Thiên Chúa giáo và những vị khác ở phương đông, ngày nay vẫn còn được chứng kiến ở vài nơi, thí dụ vị sư ở nhà giam Hỏa Lò mà thi sĩ Nguyễn Chí Thiện kể trong chuyện ‘Sương Mờ Ôm Kín Non Sông’ Phần IV.
“… Gã kinh hoàng, không tin ở mắt mình. Nhà sư ngồi xếp chân bằng tròn, lơ lửng trên không, cách mặt sàn chừng nửa thước, hai tay chắp trước ngực, mắt lim dim. Nhà sư từ từ hạ thân xuống sàn, nhìn gã, nở một nụ cười từ bi:
- Con đóng cửa lại. Đừng nói với ai nhớ.
Gã như một cái máy làm theo lời vị cao tăng. “
Tất cả muốn nói người thuộc giống dân nào cũng có chung tiềm năng, người ta dùng những lực thiên nhiên và phương pháp mà khoa học không thể tưởng tượng ra. Thuật khinh thân - có vẻ như bác bỏ sức trọng trường - là việc có thể làm dễ dàng khi người ta thông thạo cách thức. Nó không đi ngược hay vi phạm luật nào cả, do thực tế là sức hút trái đất chỉ mới là phân nửa của một luật.
Tây phương gọi đó là sức trọng trường - gravity, đông phương chìu lòng cũng dùng chữ đó, nhưng thực ra chữ đúng là sức thu hút và nửa kia của luật là sức xô đẩy, và cả hai phần này của một lực chịu sự quản trị của những lực lớn hơn về điện lực. Trọng lượng và sự ổn định tùy thuộc vào cực - polarity, và khi cực của một vật có thay đổi so với trái đất ngay bên dưới nó thì vật ấy có thể bay lên.
Nhưng bởi các vật không có phần tâm thức thấy nơi con người hàm ý không có tự do ý chí, nên chúng không thể tự bay lên mà không có những trợ giúp khác. Ngược lại, thân xác con người sẽ bay lên trong không như chim mà không cần gì nâng đỡ, khi cực của nó có biến đổi. Sự thay đổi này được chủ ý tạo ra khi thở theo một cách riêng như đông phương biết, và thánh nhân tây phương vô thức làm trong điều kiện nào đó.
Khinh thân là việc biến đổi cực của thể xác thành loại điện đối nghịch với điểm của mặt đất ngay bên dưới. Khoảng cách thể xác nâng lên cao được bao nhiêu tùy thuộc vào lực và sức mạnh của việc đổi cực. Thuật vì vậy theo huyền bí học thì hoàn toàn dựa vào các luật về điện, mà không về trọng lượng hay mức đậm đặc.
2. Tụ Lực và Tản Lực
Người ta cần thông thạo hai lực này để có thể làm một số hiện tượng, thí dụ như tròng một vòng sắt đặc vào một vòng khác, hay đem một viên đá xuyên qua bức tường. Kết lực hay Tụ lực là lực chính vì khi lực tản không còn, lực kết sẽ đem các phần tử trở lại vị trí ban đầu của chúng. Ai thạo luật có thể làm phân tản các hạt nguyên tử của một vật - luôn luôn ngoại trừ cơ thể con người - ra một khoảng cách xa với nhau làm vật trở thành vô hình, và rồi gửi chúng đi theo một đường lực tạo trong chất ether, tới bất cứ nơi nào trên trái đất, dù xa xôi ra sao. Khi đến nơi ta muốn có vật, tản lực được rút về và vật tái hiện toàn vẹn. Nghe như chuyện huyền hoặc nhưng đó là sự kiện trong thực tế mà ngày kia, khoa học sẽ công nhận.
Sự việc diễn ra không có dụng cụ hay phương tiện nào. Nói đúng ra thì có dụng cụ, ấy là thân xác và não bộ con người. Theo quan điểm tinh thần, ‘não bộ của người là máy phát lực bất tận.’ Với ai có sự hiểu biết trọn vẹn về các luật thiên nhiên và có trí năng được luyện tập, họ có khả năng sử dụng luật làm những chuyện ghi trên, và lời kinh Thánh ghi rằng nếu có đức tin chỉ bằng hạt cải, người ta cũng có thể dời non. Thực vậy, hiểu biết về luật cộng thêm với đức tin cho ra quyền năng đối với vật chất, tâm trí, không gian và thời gian.
Nói về hiện tượng ghi ở trên, khi một vật nhỏ được làm tan rã theo cách huyền bí, nó có thể được làm cho xuyên qua những vật khác; hoặc nó có thể được mang đi mà không làm tan rã, rồi bất cứ chướng ngại đặc nào cản trở được khiến cho rã đủ một khoảng trống để vật đi ngang qua. Chuyện kể là có biểu diễn làm những vòng kim loại cái này tròng vào cái kia, với một vòng làm như chảy tan ra ở điểm tiếp xúc. HPB cũng được thấy làm nhiều điều tương tự mà sau đây là một thí dụ.
Trước mặt ông Judge là một vật nhỏ thí dụ một khoen, bà đặt nó lên bàn và không đụng gì tới vật, làm cho nó hiện ra bên trong một ngăn kéo gần đó. Có hai khả hữu ở đây:
– Hoặc bà làm vật tan rã và khiến nó đi vào ngăn kéo,
– Hoặc làm tan rã ngăn kéo một khoảng đủ rộng.
HPB làm để cho ông Judge thấy là chuyện có thể làm được, và cũng để giải thích cách những việc lạ lùng có thể được thực hiện, và phải thực hiện được theo các luật thiên nhiên và luật về trí não người.
Chưa hết, người ta còn có thể nghĩ ra cách thứ ba để làm chuyện trên là HPB thôi miên ông Judge để ông mê ngủ, và trong lúc ông không ý thức, bà sẽ đặt vật vào ngăn kéo mà ông không hay biết. Ông không chấp nhận điều ấy, và nói rằng nếu nó diễn ra như vậy thì đó lại là chuyện còn tuyệt diệu hơn hai đề nghị ở trên.
3. Tạo Ra Vật
Dùng những quyền năng vừa kể, ai đã tập luyện có thể tạo ra trước mắt ta, cho ta sờ mó, cầm nắm vật mà trước đó không thấy, và theo bất cứ hình dạng nào muốn có. Ai không biết luật thì khờ khạo gọi đó là tạo ra vật, nhưng nó chỉ giản dị là sự tụ lại của vật chất. Vật chất nằm lửng lơ trong không khí chung quanh ta. Mỗi hạt vật chất, hữu hình hay vô hình, đã qua tất cả những hình dạng có thể có, và chuyện mà người biết thuật làm là chọn hình dạng muốn có, hiện hữu - như tất cả mọi hình thể khác - trong Akasha, và rồi dùng Ý Chí cùng óc tưởng tượng bao phủ hình dạng đó bằng vật chất được kết tụ.
Vật được tạo ra như thế sẽ nhạt nhòa mất dần trừ phi ta dùng vài cách thức khác - không cần ghi ra ở đây -, khi ấy vật sẽ còn hoài. Nếu muốn viết thư trên giấy hay vật liệu khác thì người ta cũng dùng quyền năng này và cách thức đã nói. Hình ảnh rõ rệt - như hình chụp sắc nét - của mỗi hàng, mỗi chữ, được tạo nên trong trí, và chất mầu được rút ra từ không khí đặt vào bên trong giới hạn mà não - là máy phát lực và hình bất tận - vạch ra.
Tự nhiên là ý này dẫn tới nhận xét rằng Ý Chí con người thì rất đỗi mạnh mẽ, và óc Tưởng Tượng là khả năng thật hữu ích với lực sống động. Óc Tưởng Tượng là sức mạnh tạo hình cho trí não người. Nơi người trung bình, nó không đủ mạnh để làm gì hơn là mơ mộng, nhưng người ta có thể tập cho nó. Khi được tập luyện, nó sẽ tạo một mẫu bằng chất liệu cõi trung giới mà qua đó lực tuôn chẩy và kết quả thành hình. Nó chỉ đứng sau Ý Chí trong khối dụng cụ của người.
Một trong những khả năng của óc Tưởng Tượng được luyện tập là tạo nên hình, nhưng ta có thể đi tới giới hạn lớn hơn là dùng nó tạo nên một hình thực, bằng chất ether, hay một hình dạng để dùng theo cùng cách người thợ dùng cái khuôn bằng cát để chế sắt lỏng vào, đúc thành vật.
Thế thì đó là khả năng thượng thặng, theo nghĩa Ý Chí không thể làm việc của mình nếu óc Tưởng Tượng yếu ớt hay không được luyện tập. Thí dụ, nếu ai muốn kết tụ từ làn không khí uốn lượn cho hình bằng chất liệu cõi trung giới, chất mầu sẽ rơi trên giấy cũng theo đường uốn lượn và tản mác tương tự.
4. Kết Tụ - Precipitation
Đây là một hình thức khác của việc tạo ra vật, và được thấy nhiều trong những năm đầu của hội, nên ta sẽ đi vào chi tiết hơn. Đầu tiên thì như đã nói, bất cứ khoáng chất, kim loại, chất mầu nào ta muốn dùng cho việc đều có sẵn lửng lơ trong không khi do sự bay hơi. Vàng, bạc, sắt và kim loại khác có thể bay hơi do nhiệt, điều này diễn ra hằng ngày trong các nhà máy, quặng mỏ trên khắp thế giới.
Điểm thứ hai là phản ứng hóa học gọi là kết tủa - precipitation, thí dụ chất đồng trong một dung dịch có thể phản ứng với dung dịch khác, làm đồng không hòa tan nữa mà kết tủa thành chất đặc lắng xuống đáy. Tương tự vậy, người biết thuật có thể lấy chất liệu từ trong không khí, sắp xếp các nguyên tử chặt chẽ lại với nhau trong khuôn thành khối và hóa ra hữu hình cho ta thấy.
Để có khuôn người ta phải dùng óc tưởng tượng đã được luyện kỹ, bằng không thì không một hình nào được tụ lại hay thư sẽ tạo được ấn tượng lên não bộ mà ta hướng tới. Óc tưởng tượng tạo nên một bức hình của mỗi chữ, mỗi mẫu tự của mỗi hàng, khi làm xong bức hình được ý chí và óc tưởng tượng hợp lại, giữ trọn bức hình như là cái khuôn trong một khoảng thời gian cần để cho phép chất liệu chạy vào khuôn này, và hiện ra trên giấy. Đây chính là cách mà các Chân Sư của HPB gửi thư không do các ngài viết bằng tay của mình.
Gửi tin bằng lời để người nhận nghe được làm theo cùng phương pháp. Hình ảnh người nhận phải được tạo ra và giữ một lúc, tức ta phải làm như chụp hình, và nếu hình của chữ hay của người bị thiếu chú ý hay bị mờ nhạt, tất cả những lực khác sẽ tung tóe và kết quả rỗng không. Nếu hình được tạo bằng tư tưởng mơ hồ của người như hay thấy, nó sẽ cho thấy các đường lực nhỏ túa ra khỏi não của họ, và thay vì đến mục tiêu, lực sẽ rơi xuống đất cách người gửi chừng một, hai thước.
Khi kết tụ thư lên giấy ở nơi xa, hiển nhiên còn nhiều yếu tố phải nghĩ đến. Thí dụ ta phải biết sức kháng lực bên trong và bên ngoài của tất cả các chất, vì nếu không tính đến chúng, lực sẽ đẩy tin đi sai chỗ. Và rồi nếu một người được dùng để nhận ở đầu kia, tất cả kháng lực và tư tưởng của họ cũng phải được biết kỹ bằng không chuyện sẽ thất bại hoàn toàn. Việc cho thấy đó là chuyện công phu ra sao. Điểm chót phải tính là tuy sự việc được diễn ở cõi thanh, chuyện luôn luôn xẩy ra là mỗi lần lực ở những cõi này được khơi dây để tác động, thì phản ứng phải được giữ cho bằng với lực động y hệt như ở cõi trần.
Ta đưa ra ở đây một thí dụ để hiểu rõ thêm về óc tưởng tượng. Ngày kia HPB nói với ông Judge bà sẽ làm để cho ông thấy kết tụ là sao. Bà nhìn chăm chú vào một miếng gỗ trơn láng, và rồi những chữ chậm chạp hiện ra trên đó để tới cuối thành một câu dài. Sự việc thành hình ngay trước mắt ông và ông có thể thấy vật chất tụ lại tự xếp đặt trên mặt miếng gỗ.
Tất cả những chữ trông giống như bà viết tay, vì bà tạo nên hình trong não và cố nhiên là theo lối viết riêng của bà. Nhưng ở giữa có một chữ bị nhòe, loang ra thành một đốm mầu ở một phần của chữ. Bà nói.
– Ở chỗ này tôi chủ ý khiến tư tưởng về hình ảnh đi lang bang, để anh có thể thấy ảnh hưởng. Khi tôi không chú ý, vật chất đem vào không có khuôn để theo nên tự nhiên là rơi vãi trên mặt gỗ, bung ra thành một khối mầu rơi tùm lum trên gỗ không theo hình nào.
Một người bạn mà ông tin tưởng kể chuyện rằng có lần họ hỏi người làm ảo thuật ở đông phương, là người này làm gì khi tạo nên một con rắn bò tới lui trước đám đông dán mắt nhìn. Người sau đáp rằng họ được dạy từ lúc còn rất nhỏ là thấy một con rắn trước mặt mình, và đó phải là một hình ảnh hết sức mạnh để ai nấy ở đó cũng phải thấy được hình. Người bạn hỏi.
– Nhưng làm sao anh phân biệt được nó với con rắn thật ?
Họ đáp là mình có thể thấy xuyên qua rắn nên đối với họ, vật trông giống như cái bóng của một con rắn, và nếu họ không tạo ra hình quá thường thì chắc là chính họ sẽ kinh hoảng khi thấy hình. Nói giản dị thì sự việc chỉ là luyện óc tưởng tượng, sao cho khi muốn thì người ta có thể thấy trong trí đường nét tổng quát của bất cứ vật gì, và sau một khoảng thời gian có vẻ cái trí tạo nên hình như là vật sờ mó được.
● Ngôn Ngữ
Thư nhận được từ các Chân Sư được viết bằng một số ngôn ngữ: Hindi, Urdu, Hindustani, và Anh ngữ, trong khi các ngài có Vị không biết tiếng Anh, vậy chuyện được làm ra sao ?
Để gửi một thư bằng tiếng Anh viết theo lối kết tụ thì không nhất thiết là ngài phải biết Anh văn, mà chỉ cần người viết - là một đệ tử được sử dụng cho việc này - biết ngôn ngữ đó là đủ. Ngài sẽ đặt tư tưởng vào trí của họ bằng tiếng của họ và dùng mẫu đó làm hiện ra thư.
Còn nếu ngài quen thuộc với tiếng mà họ dùng thì sự việc càng dễ hơn nữa
● Giả Mạo Cách Viết
Mỗi cách viết khi đã viết trên đời được ghi lại trong chất akasha (astral light) và nằm ở đó làm mẫu, và nếu được dùng nhiều nó lại càng ghi đậm thêm. Như vậy sự kiện HPB - khi xưa là phương tiện cho thư từ các Chân Sư đến - nay đã qua đời thì không phải là lý do khiến nét chữ ấy không còn được dùng nữa. Vì mỗi lần có ai chết và các ngài phải tạo một khuôn chữ mới, thì ấy là chuyện điên rồ và mất thì giờ. Tự nhiên là các ngài dùng khuôn đã có. Khuôn mẫu ấy không có gì linh thiêng, mà ai dùng thông nhãn khéo léo có thể tìm thấy nó trong akasha.
Từ đây, nếu đúng, ta suy ra hai chuyện:
– Các thư liên lạc mới không cần phải bằng lối viết mới.
– Có nguy hiểm là người ta có thể bị ảnh hưởng, và làm cho tin rằng họ nhận được thư của Chân Sư trong khi thực ra đó chỉ là chữ bắt chước.
Để tránh lầm lẫn này, nếu tính chất thư mới không phù hợp với những thư trước được biết là từ người trung gian mà các ngài chỉ định, thì nguồn không chân thực dù hiện tượng tuyệt vời ra sao.
Nói thêm thì không có luật về bản quyền ở cõi thanh, khi vị đạo sư tạo ra hình ảnh ở cõi thanh, nó thành của chung cho mọi người; chuyện càng là vậy trong trường hợp của các ngài vì các ngài có khả năng khắc sắc bén và sống động, tất cả hình ảnh trong chất akasha mà ngài làm ra thì sâu sắc và còn ở đó, lâu hơn là hình do người thường khắc với tư tưởng yếu ớt của họ vì chưa phát triển.
5. Liên Lạc
Khi muốn liên lạc với một cái trí khác ở xa bất cứ khoảng nào, người biết thuật hướng tất cả phân tử của não và trọn ý tưởng để rung động đồng nhịp với cái trí họ muốn gây ấn tượng, và cái trí sau với não bộ của nó cũng tự ý làm cho mình đồng nhịp, hay hòa vào cái trước. Theo cách ấy, dù vị đạo sư ở Bombay và bạn của ngài ở New York, khoảng cách không là vấn đề vì cảm quan bên trong không tùy thuộc vào thính giác, mà có thể cảm biết và thấy tư tưởng cùng hình ảnh trong trí của người khác.
Một thí dụ cho việc này là khi HPB tới buổi họp của chi bộ London tại London năm 1884. Trước đó, một đệ tử là Mohini đã có mặt ở London mấy ngày rồi; ở Ấn Độ anh được dặn là trong thời gian HPB sang London, anh phải luôn tỏ lòng tôn kính rất mực với bà, vì bà đại diện cho một đấng muốn nhìn cảnh hội viên ở London sinh hoạt qua tai mắt của HPB, theo đúng nghĩa đen. Ta không rõ Mohini có biết đấng ấy là ai hay không, nhưng anh làm đúng như được dặn. Buổi tối hôm đó khi HPB lên tiếng và mọi người nhận ra sự có mặt của bà, Mohini chạy đến phủ phục dưới chân HPB, điều mà bình thường anh không làm và HPB khi ở Ấn Độ rất không bằng lòng việc được đối xử như vậy. Về sau, có tiết lộ rằng đức Mahachohan (đức Văn Minh) dùng thân xác HPB. Mời bạn đọc lại chuyện HPB.
Trở lại sự liên lạc, khi muốn nhìn vào trí để bắt tư tưởng của người khác và hình ảnh chung quanh họ, để biết họ thấy và nghĩ gì, người ta sẽ hướng thị giác cùng thính giác bên trong vào cái trí ta muốn thấy, và lập tức tất cả hiển hiện ngay. Nhưng chỉ ai thiếu ý thức mới xử sự vậy và bậc đạo sư không làm việc ấy, trừ phi trong những trường hợp được cho phép hết sức chặt chẽ, bởi theo các ngài đó là sự xâm phạm quyền của người khác.
Không ai có quyền - cho dù họ có khả năng - đi vào trí kẻ khác và lục lọi bí mật trong đó. Đây là luật cho tất cả, và nếu ai thấy mình sắp khám phá bí mật của người khác thì phải lập tức rút lui và không tiến sâu hơn. Nếu vẫn tiếp tục đi tới, họ sẽ bị tước quyền năng này và phải nhận hệ quả của sự trộm ấy. Bởi thiên nhiên có luật và nhân viên thi hành công luật, lại thêm không thể có hối lộ nào, và việc phạt sẽ tới không sớm thì muộn.
6. Di Chuyển Vật
Một hiện tượng khác đáng để ý là di chuyển vật mà không có tiếp xúc tay chân. Việc có thể làm bằng vài cách.
– Cách thứ nhất là làm cánh tay và bàn tay của thể sinh lực nhô ra khỏi thân xác, dùng nó nắm lấy vật ta muốn xê dịch. Ta có thể làm được vậy với khoảng cách giữa vật và người xa tới hơn ba thước. Ta không đi vào chi tiết mà chỉ ghi để cho thấy tính chất của chất liệu và tay chân thể sinh lực. Trong gần hết mọi trường hợp, hiện tượng được thực hiện bằng việc dùng bàn tay của thể sinh lực, tuy vô hình nhưng vẫn là vật chất.
HPB làm điều này nhiều lần, dang tay lấy đồ vật ở bên kia phòng, ta không thấy cánh tay và bàn tay của bà, mà kinh ngạc thấy đồ vật tự động xê dịch bay vào bàn tay bằng xương bằng thịt của bà.
– Cách thứ hai là dùng tinh linh. Khi có người điều khiển, chúng có khả năng mang đồ vật đi bằng cách đổi cực; du khách tới Ấn Độ và các nơi khác thấy cảnh những vật nhỏ làm như được xê dịch đó đây mà không có gì nâng đỡ chúng. Tinh linh được dùng khi vật được mang về từ khoảng cách xa hơn khoảng tay chân thể sinh lực có thể vươn dài ra. Người đồng có thể làm việc này mà ít khi biết làm sao họ làm được.
Trọng lượng và sức trọng trường là do tác động của cực âm với cực dương, là kết quả của sự thu hút và xô đẩy, và bàn tay của thể sinh lực dùng luật này để di chuyển vật, thí dụ một quyển sách. Cuốn sách không có trọng lượng của riêng nó, vì nếu đem lên một đỉnh núi rất cao nó sẽ có trọng lượng khác với khi ở chân núi. Làm thay đổi cực của cuốn sách và lập tức nó trở thành nhẹ như lông chim. Làm thay đổi sự tương quan giữa vật lớn nhất hay vật nhỏ nhất với quả đất ngay bên dưới nó, và ta có thể hoặc tăng lớn lao hay khiến vật mất đi sức nặng. Do luật này mà sét đôi khi mang vật nặng đi một khoảng cách rất xa.
Nói tiếp về cuốn sách làm thí dụ, một cách để mang nó đi là làm đổi cực của nó. Cách khác làm bàn tay thể sinh lực đậm đặc, rắn chắc đủ để nhấc nó lên, nhưng luôn luôn khi bàn tay như vậy tới gần bất cứ vật nào, nó lập tức làm đổi cực của vật rất nhiều, vì bàn tay bằng chất liệu đó có khả năng tự nhiên làm việc ấy; nên không cần một cánh tay rất đậm đặc của thể.
7. Thông Nhãn Thông Nhĩ
Hai khả năng này liên hệ chặt chẽ với nhau, và là biến thái của một khả năng. Âm thanh là một trong các đặc tính phân biệt của cõi trung giới, và bởi ánh sáng đi kèm với âm thanh, hình ảnh cùng lúc có được với việc nghe. Thấy một hình ảnh với thị giác cõi trung giới có nghĩa là cùng lúc ấy nghe được một âm thanh; và nghe được cái sau muốn nói có một hình ảnh liên hệ bằng chất liệu trung giới. Nói về mặt huyền bí, mỗi âm thanh lập tức sinh ra một hình ảnh.
Ở cõi cao có hình ảnh của tất cả chuyện gì đã xẩy ra cho bất cứ ai, cũng như hình ảnh cho những biến cố sẽ tới mà nguyên nhân có đường nét rõ ràng và được tạo ra kỹ. Nếu nguyên nhân chưa xác định thì hình ảnh tương lai cũng mù mờ, nhưng cho khối biến cố của vài năm sắp tới, tất cả những nguyên nhân luôn được vạch ra với sự xác định, đủ cho ai có khả năng có thể thấy trước như thể đó là hiện tại. Hình ảnh nơi cõi cao hiện ra trước con mắt tâm linh và phản chiếu vào mắt phàm từ bên trong, rồi hiện ra cho người ta thấy.
Loại thông nhãn cao nhất - tức thị giác tinh thần - thì rất hiếm. Thông nhãn bình thường chỉ liên quan với các mặt và lớp thông thường của chất liệu trung giới, và chỉ là thoảng qua không đầy đủ, rời rạc vì nó chỉ liên quan tới vật chất và ảo ảnh. Do tính chất rời rạc và không đủ, ít ai có thông nhãn có khả năng thấy nhiều hơn một trong những cảnh thấp của cõi trung giới vào một lúc, và do đó ta nên xét lại tầm quan trọng gán cho ai tuyên bố là họ dùng khả năng này.
Theo:
– Echos of the Orient W.Q. Judge
– Ocean of Theosophy W.Q. Judge