ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Đời Huyền Bí của HPB (tt)
The Esoteric World of Madame Blavatsky
Daniel Caldwell
Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Chương 18
Bỉ và Anh, 1886 – 1887
Sau khi bà tới Anh, hoạt động TTH lập tức khởi sắc mau lẹ. Chi bộ Blavatsky được thành lập và bắt đấu phổ biến các ý tưởng TTH. Nay HPB mất hẳn kiểm soát với báo The Theosophist, nên bà lập ra nguyệt san Lucifer vào tháng chín 1887, nhằm ‘chiếu sáng những điều ẩn dấu trong bóng tối’ như ghi trên bìa tạp chí. Cùng tháng đó, HPB dời về nhà số 17 Lansdowne Road, Holland Park, London.
Bà tiếp tục viết tác phẩm lớn của mình, cuối cùng hoàn tất và in thành bộ hai cuốn vào tháng 10-12, 1888. Hai người phụ tá không mệt mỏi là hai thanh niên Bertram và Archibald Keigthley, có trợ giúp lớn lao về tài chính trong việc xuất bản sách. Hai chú cháu đóng vai trò lớn trong việc mang HPB sang London. Cả hai người làm việc cận kề với bà trong việc chuẩn bị The Secret Doctrine để đem in. Ta sẽ đọc kỹ về cách sách được viết, và bản thảo được sắp xếp ra sao trong hồi ký của hai người, sẽ đăng sau khi loạt bài này chấm dứt.
The Secret Doctrine là thành quả tột đỉnh cho công trình sáng tác của HPB. Cuốn I liên can chính yếu đến cuộc tiến hóa của vũ trụ. Phần đầu là bẩy câu kinh dịch từ sách Book of Dzyan, với HPB viết bình luận và giải thích. Kế tiếp là phần dài, soi sáng các biểu tượng căn bản trong các tôn giáo lớn và thần thoại của thế giới. Bộ II có thêm những câu kinh trong sách Book of Dzyan, mô tả sự tiến hóa của con người.
18C Julia W. Keightley (vợ ông Archibald Keightley)
1886 - 1891, Pennsylvania.
Sống (tại Hoa Kỳ) cách xa Anh quốc bao nhiêu cây số, tôi chưa hề gặp mặt bà Blavatsky bằng xương bằng thịt. Giống như nhiều người khác mà tôi quen biết, lần đầu tiên tôi được nghe về bà là do đọc bản tường trình của hội nghiên cứu tâm linh Psychic Research, tố cáo rằng bà là kẻ mạo danh, và khẳng định lời vu cáo của ông R. Hodgson và ông bà Coulomb là sự kiện có thật.
Tuy vậy chẳng lâu sau đó, do kinh nghiệm riêng của mình, tôi bắt đầu nhận thức có vẻ bà không phải như vậy. Chứng cớ có được làm tôi hỏi xin bà chỉ dạy tôi, và sự kiện là tôi hoàn toàn tin tưởng vào và tin cậy bà là lý do chính yếu làm tôi đạt điều mong ước. Thái độ tin tưởng trong tâm trí tạo nên trong hào quang và các thể thanh của chúng ta tình trạng về từ lực và sức thu hút, rất khác với tình trạng co thắt và đậm đặc lại xẩy ra khi tâm tưởng đầy nghi ngờ hay chỉ trích. Hào quang và thể thanh của tôi thật sự rung động nhanh hơn. Ta không hiểu rõ mấy về sự co rút lại bao quanh con người. Muốn biết thì trước tiên phải có niềm tin và lòng hiến dâng, tận lực.
Sau khi HPB nhận tôi làm học viên, không có luật nào áp đặt và không có chương trình soạn ra. Tôi tiếp tục việc thường lệ của mình và ban đêm, sau khi chìm vào giấc ngủ sâu, cuộc đời mới bắt đầu. Sáng dậy sau giấc ngủ thật sâu mà tâm tình đêm hôm trước vẫn còn đó, tôi nhớ lại thật sống động là mình đi tới gặp HPB. Tôi được cho vào mấy căn phòng mà về sau đã có thể tả lại cho ai sống cùng nhà với bà, nhắc luôn đến cả những chỗ thảm mòn hay có lỗ rách. Trong lần đầu tiên gặp như vậy, bà cho hay là chấp nhận tôi như là học trò. Sau đó, bà dạy tôi bằng nhiều cách, cho thấy hình trải ra như cảnh trí trên tường phòng.
Lúc khác, hiếm khi được vậy, tôi tỉnh giấc thấy bà đứng ở chân giường và khi tôi chống người lên cùi chỏ, ngôn ngữ bằng dấu hiệu của bà bắt đầu, âm thanh dịu dàng của thiên nhiên tràn lan trong căn phòng ngập ánh trăng, trong lúc hình ảnh sống động huyền diệu trôi qua trên tường. Tất cả những điều này thật hiển hiện đối với tôi. Tôi tỉnh thức hoàn toàn với cảnh tượng chung quanh, với các âm thanh tự nhiên của đêm, và ôm con chó cưng trong tay vì nó run rẩy và rên nhẹ khi thấy bà.
Tất cả nét biểu lộ trên mặt HPB thành quen thuộc đối với tôi. Tôi có thể thấy bà lúc này, chiếc áo ngủ cũ kỹ của bà - sao mà cái áo khoác cũ mèm ấy được quý như vậy - xếp nếp lại quanh bà khi HPB mở ra không gian trước mặt tôi, và rồi bà cũng mở ra cho thấy con người thật của mình.
Tôi có chừng hơn nửa tá thư của bà, và chúng không có chứa huấn thị gì; chúng bàn về những chuyện TTH bên ngoài và có đặc điểm này. Ban đêm bà sẽ dặn tôi nói điều gì đó với một người nào. Tôi làm theo, xem bà là người có thẩm quyền và vài ngày sau đó nhưng không đủ lâu cho tin truyền đi, thư bà sẽ tới viết chỉ dẫn mà tôi đã nghe trước đây ban tối. Như vậy tôi có thể chứng tỏ là đã thực sự nghe ý muốn của bà ngang qua biển, vì luôn luôn lời yêu cầu có liên quan đến việc khẩn cấp nào đó đột ngột xẩy ra chỉ một hay nhiều lắm là hai ngày trước đó. Tôi có thể kiểm lại kinh nghiệm của mình bằng cách này, và tôi cũng có thể nói vào lúc trước khi một chuyện xẩy ra.
18 E Charles Johnston
Xuân 1887, London
Tôi gặp HPB quí mến (bà muốn thân hữu gọi mình như vậy) lần đầu ở London vào mùa xuân năm 1887. Một số thân hữu của bà đã mướn nhà xinh đẹp ở Norwood, nơi mà hai tháp đôi của Crystal Palace và kính của sảnh đường to lớn chiếu sáng đường phố chằng chịt và nhà cửa. London thật mờ mịt. Công viên và vườn nhà tỏa mùi hương của những chùm tử đinh hương như chùm nho, và dây hoa vàng dưới chòm lá xanh non. Lớp khói luôn trùm thành phố nay mỏng bớt, thành màn xám chiếu hực sáng trong ánh trời chiều, với tháp chuông Westminster vĩ đại và cả ngàn nóc chuông lẫn ống khói xuyên qua đó. Mỗi căn nhà có màn khói của nó, trôi dài về hướng đông.
HPB vừa mới xong công việc trong ngày nên tôi ở trên lầu trò chuyện một chốc với thư ký tình nguyện của bà, một học trò của HPB phụ giúp bà với lòng tận tụy vô kể. Tôi đã quen anh từ hai năm trước, nên chúng tôi bàn về chuyện cũ, về tác phẩm lớn của HPB, The Secret Doctrine, và anh đọc cho tôi những câu kinh Dzyan vang vọng về đêm vũ trụ, rạng đông của thời kỳ linh hoạt manvantara, về các phù thủy của châu Atlantis đã biến mất; về ngày vĩ đại mà tất cả sẽ hòa vào Đại Hồn.
Nửa giờ như thế trôi qua, rồi tôi xuống nhà gặp Lão Phu Nhân - the Old Lady, chữ thân mến gọi HPB. Bà đang ở trong phòng làm việc, vừa mới rời bàn viết xong, khoác trên người chiếc áo xanh dương đậm mà bà ưa thích. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là về mái tóc dợn sóng của bà khi bà quay lại, rồi cặp mắt sâu thẳm kỳ diệu của bà khi bà chào tôi:
– Chào anh bạn ! gặp anh tôi mừng lắm ! Lại đây ta nói chuyện ! Anh tới đúng vào giờ trà !
Và bà bắt tay nồng nhiệt. Xong lớn tiếng gọi ‘Louise’ và cô giúp việc người Thụy Sĩ xuất hiện, nhận lệnh bằng một tràng rối rít tiếng Pháp, và HPB ngồi gọn ghẽ vào chiếc ghế bành, thoải mái gần hộp thuốc lá của bà, và bắt đầu vấn cho tôi một điếu thuốc lá. Cổ tay bộ áo Jaeger uốn quanh cườm tay bà, chỉ làm nổi bật bàn tay thanh tú có hình thể tuyệt vời, với những ngón tay khéo léo của bà, nhuộm sậm mầu nicotine, quấn giấy quyến bao quanh thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ.
HPB hỏi với một nụ cười vui vẻ thắc mắc:
– Hẳn anh đọc bản tường trình SPR rồi chứ ? Hội nghiên cứu quỷ tha ma bắt Spookical Research Society, và biết tôi là gián điệp cho Nga, và là kẻ mạo danh hàng đầu của thời đại ?
– Dạ, tôi đọc rồi. Nhưng tôi đã biết nội dung của nó. Tôi có mặt ở buổi họp khi nó được đọc lần đầu tiên, hai năm về trước.
– Nào, HPB nói, lại cười với ý nhị vô biên, con trừu con sôi nổi của Úc (chỉ Richard Hodgson) cho quả tim dễ cảm của anh ấn tượng gì ?
– Sâu đậm lắm. Tôi nghĩ ông phải là thanh niên rất tốt bụng, luôn dùng bữa ở nhà mà không cơm hàng cháo chợ; và Thượng đế đã cho ông tánh rất hợm mình. Nếu trong đầu có ý kiến nào thì ông sẽ miệt mài xông tới với nó, và không thấy chút nào các sự kiện trái ngược. Và trọn những gì bản tường trình nói tuyệt đối không lay chuyển được tôi, đối với tất cả điều chi ông Sinnett ghi trong sách The Occult World của ông.
– Anh nghĩ vậy làm tôi rất vui, bà trả lời theo cách trịnh trọng của mình, vậy nay tôi có thể yên tâm mời anh dùng trà.
Louise đã trải khăn trắng lên bàn trong góc, mang ra một khay, và châm đèn. Chẳng bao lâu anh thư ký đến cùng ngồi, bị la một chút vì không đúng giờ, mà anh không có lỗi ấy. Rồi chúng tôi quay trở lại nhóm người của SPR.
– Họ không làm nên chuyện gì đâu, HPB nói, họ đi theo đường vật chất quá, và cũng nhút nhát quá. Họ sợ gây nên trận bão nếu nói rằng các hiện tượng của chúng tôi là thực. Thử nghĩ coi nói vậy sẽ có nghĩa gì ! Sao, thực tế là nó sẽ liên kết Khoa học với các Mahatma của chúng tôi và tất cả những gì tôi đã dạy về người ở thế giới huyền bí và quyền năng vĩ đại của họ. Hội co rúm lại trước ý nghĩ đó, thành ra họ đem kẻ nhỏ nhoi đáng thương và xa xứ này làm vật tế thần.
Và mắt bà có đầy vẻ thương thân hài hước.
– Nó phải là cái chi tương tự vậy, tôi đáp, vì giản dị là bản tường trình không có biện luận vững chắc. Nó là loại yếu nhất mà tôi đã đọc. Không có lấy một chứng cớ thực trong đó từ đầu tới cuối.
– Thực tình anh nghĩ vậy ư ? Đúng rồi ! HPB kêu lên, và bà quay sang anh thư ký, tuôn một tràng chỉ trích, bảo anh tham lam, biếng nhác, không gọn gàng, không có phương pháp và nói chung không có giá trị. Khi anh thử biện bạch dè dặt, bà nổi giận và nói rằng anh ‘sinh ra vớ vẩn, sống vẩn vơ, và sẽ chết vơ vẩn.’ Anh chịu thua và tự nhiên là để rơi một vệt lòng đỏ trứng lên khăn bàn trắng của bà.
– Thấy chưa ! HPB kêu to, nhìn anh giận dữ với vẻ trách móc chết người, rồi quay sang tôi để mong có thiện cảm với gian khổ của bà. Ấy là cách của bà, la mắng học trò trước mặt khách lạ. Nó cho ý nghĩa lớn lao về bà là dầu thế họ vẫn yêu quí bà luôn.
– Có một điều về SPR tôi muốn xin bà giải thích. Cách viết những thư huyền bí (của các Chân Sư) là sao ?
– Anh muốn biết gì ? HPB hỏi, lập tức chú ý.
– Họ nói rằng chính bà viết chúng, và thư có bằng chứng các dấu rõ rệt về chữ và lối viết của bà. Bà nói gì về điều ấy ?
– Để tôi giải thích như vầy, bà trả lời, sau khi nhìn lâu vào đầu điếu thuốc. Anh có bao giờ thí nghiệm với việc truyền tư tưởng ? Nếu có, hẳn anh để ý thấy rằng người nhận bức hình trong trí thường khi nhuộm mầu nó, hay thay đổi nó một chút với tư tưởng của mình, có điều đó khi có việc truyền tư tưởng hoàn toàn thật diễn ra. Việc kết tụ một bức thư - precipitate cũng giống vậy. Chẳng hạn một Chân Sư của chúng tôi, Vị có lẽ không biết Anh văn, và tự nhiên không có nét chữ viết tay tiếng Anh, muốn kết tụ một thư trả lời cho thắc mắc gửi trong trí đến ngài. Giả dụ ngài ở Tibet, còn tôi ở Madras hay London.
Ngài có câu trả lời trong trí, nhưng không phải bằng Anh ngữ. Đầu tiên ngài phải gây ấn tượng tư tưởng đó lên não của tôi, hay lên não của ai khác biết tiếng Anh, và rồi lẩy hình dạng của chữ sinh ra trong não đó để trả lời ý. Rồi ngài phải tạo một hình trong trí về chữ viết, cũng do gây ấn tượng lên não của tôi hay của ai khác để lấy hình dạng. Rồi hoặc qua tôi hay chela (đệ tử) nào mà ngài có liên kết bằng từ lực, Chân Sư phải kết tụ hình những chữ này lên giấy, đầu tiên gửi hình dạng đó vào trí của chela và rồi kết tụ chúng vào giấy, dùng từ lực của người chela làm việc in, và lấy chất liệu đen, xanh hay đỏ tùy trường hợp từ chất nơi cõi thanh. Bởi tất cả mọi vật tan biến vào cõi thanh, ý chí của người biết thuật huyền bí có thể lấy chúng ra trở lại. Nên họ có thể lấy mầu sắc để đánh dấu con số trong thư, dùng từ lực của người chela đóng dấu nó lại, và hướng dẫn trọn sự việc bằng từ lực của ngài mạnh hơn rất nhiều, là một dòng ý chí mạnh mẽ.
– Nghe hợp lý lắm, tôi đáp. Bà chỉ cho tôi thấy cách làm được không ?
– Anh phải có thông nhãn, bà nói, theo cách hết sức thẳng thắn và tự nhiên, để thấy và hướng dẫn dòng lực. Nhưng điểm chính là như vầy: Giả dụ lá thư được kết tụ qua tôi; nó sẽ đương nhiên có vài dấu vết về cách biểu lộ của tôi, ngay cả cách viết của tôi; nhưng sao đi nữa, nó hoàn toàn là hiện tượng huyền bí đích thực, và là mẫu tin thực từ vị Chân Sư đó.
Ngoài ra, khi mọi chuyện làm xong hết rồi nó làm nét chữ giống hơn. Và chuyên gia không phải là không mắc sai lầm. Chúng ta có những chuyên gia quả quyết rằng tôi không thể nào đã viết các thư đó, và cũng là chuyên gia giỏi nữa. Nhưng bản tường trình không nói gì về họ. Và rồi có những thư cũng y nét viết tay, được kết tụ khi tôi ở xa cả ngàn dặm. Ông Hartmann nhận mấy thư ở Adyar, Madras khi tôi ở London. Tôi không thể nào viết chúng được. Mà anh đã xem những thư huyền bí đó chưa ? Anh nghĩ sao ?
– Có, tôi trả lời, ông Sinnett có cho tôi xem một tập thư, trọn những thư mà hai cuốn The Occult World và Esoteric Buddhism được viết dựa trên đó. Một số mầu đỏ, hoặc mực hoặc bút chì, mà mầu xanh dương nhiều hơn. Mới đầu tôi nghĩ là viết chì và thử lấy ngón cái chà để làm nhòe, mà nó không nhòe.
– Tự nhiên là không rồi, bà cười, mầu được đẩy sâu vào bề mặt tờ giấy. Nhưng còn chữ viết thì sao ?
– Tôi xin nói. Có hai cái, một chữ xanh và một đỏ; chúng hoàn toàn khác nhau, và cả hai không giống như chữ của bà. Tôi đã dành nhiều thì giờ học về sự liên hệ của nét chữ viết tay với tính người, và hai đặc tính thấy hết sức rõ rệt. Chữ mầu xanh thì rõ ràng là của một người rất dịu dàng và điềm tĩnh, mà có ý chí rất đỗi hùng mạnh; có óc lý luận, dễ dãi và chịu bỏ rất nhiều công sức để làm rõ ý mình. Đó là chữ viết của người có hiểu biết rộng đầy thiện cảm.
- Không phải là tôi rồi, HPB nói với nụ cười, ấy là Chân Sư Koot Hoomi; ngài là người Brahmin sinh ở Kashmir, anh biết chứ, và du lịch nhiều nơi ở Âu châu. Ngài là người viết các bức thư trong quyển The Occult World, và cho ông Sinnett phần lớn tài liệu cho quyển Esoteric Buddhism. Nhưng anh đã đọc chúng hết rồi.
– Dạ, tôi nhớ ngài nói bà kêu qua không gian lanh lảnh như tiếng công gáy. Bà đâu có nghĩ như vậy về mình.
– Làm gì có, bà nói, tôi biết mình có giọng êm ái như chim khuyên. Còn chữ viết kia thì sao ?
– Chữ đỏ à ? Ồ, cái đó thì khác hoàn toàn. Nó dũng mãnh, táo bạo, khống chế, mạnh mẽ; nó đến như núi lửa nổ bung, còn nét chữ kia thì như thác Niagara. Một cái là lửa, cái khác là đại dương. Chúng khác nhau hẳn, và cả hai không giống chút nào chữ của bà. Nhưng nét chữ thứ hai thì giống chữ của bà nhiều hơn chữ đầu.
– Đây là Thầy tôi, bà nói, Vị mà chúng tôi gọi là Mahatma Morya. Tôi có hình của ngài đây.
Và bà cho tôi xem một bức tranh sơn dầu nhỏ. Tôi chưa thấy mặt ai tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính như thấy trên mặt bà khi nói về Thầy mình. Bà nói ngài là một hoàng thân Rajput, thuộc một trong các dòng dõi chiến sĩ xưa trong vùng sa mạc ở Ấn Độ, quốc gia đẹp đẽ, tinh anh nhất trên thế giới. Ngài có thân hình to lớn, cao hai thước, vóc dáng tuyệt mỹ, là mẫu mực siêu đẳng về nét mỹ lệ của nam giới. Ngay cả bức hình cũng toát ra uy lực tuyệt vời làm kinh ngạc; gương mặt tỏa lực, như mãnh liệt; mắt sậm đen, sáng quắc nhìn kỹ bạn; nét mặt sắc cạnh, tóc râu đen nhánh - tất cả nói lên sức mạnh của nam tính. Tôi hỏi bà tuổi của ngài, bà đáp.
– Anh bạn à, tôi không nói chắc được vì tôi không biết, nhưng tôi có thể cho anh hay là tôi gặp ngài lần đầu tiên năm tôi 20 tuổi, vào năm 1851. Lúc đó ngài như người trung niên vửa độ sung mãn. Nay tôi đang bước vào tuổi già mà ngài vẫn ở tuổi trung niên. Tôi chỉ nói được có vậy thôi, còn thì anh phải kết luận lấy.
Rồi bà kể cho tôi nghe đôi điều về các Chân Sư và đạo sư khác mà bà biết. Bà biết nhiều đạo sư thuộc các sắc dân, từ miền bắc và nam Ấn Độ, Tây Tạng, Ba Tư, Trung Hoa, Ai Cập; mấy nước Âu châu, Hy Lạp, Hungary, Ý, Anh; vài sắc dân ở nam Mỹ, nơi bà nói có một nhóm các đạo sư.
– Mà anh à, tối rồi và tôi đã buồn ngủ. Chào anh nhé.
Và Lão Phu Nhân cho tôi lui ra với vẻ thật oai nghi bà luôn có, vì ấy là một phần của bà. Bà là nhà quí tộc tuyệt vời nhất mà tôi biết.
Có một cái gì đó trong con người của bà, dáng điệu, nét sáng và nghị lực từ đôi mắt, nói lên một đời sống rộng lớn hơn và sâu sắc hơn. Ấy là điểm vĩ đại nhất nơi bà và nó luôn có đó; cái cảm tưởng về một cảnh giới to lớn hơn, quyền năng thâm sâu hơn, uy lực vô hình; làm cho ai rung động cùng nhịp với khả năng phi thường của bà được bừng tỉnh, và thành động lực cho họ đi theo đường bà chỉ. Với ai không thể thấy như bà, không thể chia sẻ phần nào viễn ảnh của HPB, đặc tính ấy hóa ra sự thách thức, làm bực bội, sinh lỗi nhịp, thành lực đối kháng, cuối cùng đưa họ tới thái độ thù nghịch dữ dội và chối bỏ bà.
Khi mọi việc đã xong, bà vĩ đại hơn bất cứ tác phẩm nào của mình, đầy uy lực sống động hơn cả sách vở tuyệt vời của bà.
Chương 19
Lansdowne Road
London 1887 - 1888
Vài tuần sau khi HPB đến Anh quốc, chi bộ Blavatsky được thành lập và mở những cuộc họp mà bà là nhân vật trung tâm. Thì giờ của bà dành cho việc viết sách, hội họp, trò chuyện, và chơi bài solitaire giải trí. Đầu tháng Chín 1887 HPB dời về nhà ở số 17 Lansdowne Road, vùng Holland Park của London, và tiếp tục nhiều sinh hoạt của mình ở đấy. Không lâu sau đó bà cũng bắt đầu một tạp chí mới tên Lucifer, nghĩa đúng là người mang ánh sáng, mà cũng có ý trêu chọc quan niệm thông thường người ta có về tên ấy; tờ báo ghi chủ đích là ‘mang ánh sáng tới những điều bị che dấu trong bóng tối’. Khoảng cùng lúc đó Theosophical Publishing Company được thành lập ở London.
(còn tiếp)