ĐỌC SÁCH: WINGED PHARAOH
Đọc Sách: Winged Pharaoh
Chuyện ‘Winged Pharaoh’ khi xuất bản năm 1937 được cho là tiểu thuyết. Đây là quyển đầu tiên của tác giả Joan Grant, và sau đó bà cho ra nhiều chuyện kế tiếp cùng thể loại là hồi ức, nhưng không phải loại hồi ức bình thường mà là về những kiếp trước, và phải nhiều năm sau ít nhất Winged Pharaoh mới được công nhận phần nào có sự thực lịch sử, thay vì chỉ là tiểu thuyết suông. Ra ngoài lề một chút thì bởi đây là chuyện Ai Cập, mời bạn coi lại bài ‘Đọc Sách: Initiation’ trên PST 48 hay trang web PST tìm trong Danh Mục, tác giả Elisabeth Haich, và hay hơn nữa là đọc sách này để hiểu thêm chuyện Winged.
Mặt khác tác giả Jean Overton Fuller trong bài viết công phu ‘Joan Grant: Winged Pharaoh’ năm 1993, cho biết nhiều chi tiết về tác giả Joan Grant và các tác phẩm về sau của bà, nối tiếp chuyện Winged. Vắn tắt sách thì nhân vật chính Sekeeta sinh làm con của Pharaoh tại Ai Cập, có anh là Neyah lớn hơn ba tuổi. Ngay từ lúc nhỏ, cả hai được cho hiểu là hai anh em sẽ là đồng-Pharaoh cai trị Ai Cập sau khi cha qua đời, và như thế nếu đúng thì Sekeeta là vị nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập. Xếp đặt này còn có nghĩa đây là hình thức Đạo - Vương (Priest - King), một hình thức cai trị lý tưởng theo đó vì Vua một nước cũng là một đạo sĩ tinh thông huyền bí học. Hỉnh thức này được thấy qua Pharaoh trong chuyện Initiation nói ở trên, vào lúc chánh đạo chiếm ưu thế ở Ai Cập.
Sách tả lại cảnh sống của hai trẻ nhỏ trong triều đình với các chi tiết về sau được sách vở về khảo cổ học ở Ai Cập xác nhận như ta sẽ nói ở cuối bài. Khi Pharaoh qua đời Neyah lên thay cha và cũng năm ấy Sekeeta 11 tuổi vào học ở đền thờ tám năm, được huấn luyện về huyền bí học. Chi tiết của việc học tập ở đây rất thú vị. Có nhiều con đường hay sự phát triển khác nhau cho học viên, mà chỉ có một số ít theo đuối tới cùng thành giáo sĩ, số khác được dạy những thuật về y học rồi được gửi đi khắp nơi trong nước để chữa cho dân, người khác học thuật tiên tri nhìn vào tương lai để giúp việc quốc phòng, người như vậy gọi là looker tạm dịch là kiến giả.
Cách huấn luyện cho thuật chót vừa nói là học viên được dạy xuất hồn, bằng cách nhìn vào một điểm sáng chói, đôi khi nhìn vào ánh lửa nhưng thường là nhìn vào ánh nắng mặt trời phản chiếu trong một tách bằng bạc. Tuy cô đã rời cơ thể, đối với cô có vẻ như những chuyện cô quan sát ở xa ngoài trái đất là linh ảnh thấy trong chiếc tách bạc, và người ta chỉ có thể nhìn thấy phần đối ứng tâm linh của địa cầu. Họ trông chừng biên giới của đất nước để nếu có xâm lăng thì chuyện không xẩy ra bất ngờ, mà mọi người đã biết và chuẩn bị.
Người biết thuật cũng được dùng dể gửi tin giữa các đền thờ; bằng cách ấy đoạn đường phải đi dài mấy ngày nay chỉ là phút giây ngắn ngủi, khi giáo sĩ xuât hồn và kêu một cô kiến giả nhìn vào linh ảnh trong chiếc tách bạc. Một số tin hiện ra như là ký hiệu mà tất cả những đền thờ đều biết. Mỗi tỉnh thành lớn có ký hiệu hay biểu tượng riêng của chúng.
Nếu một cô (sách chỉ nói đó là các cô mà không cho biết là có người nam được luyện thuật này hay không) kiến giả thấy cây quyền trượng và rồi con cào cào, thì cô hiểu là ở kinh đô có dịch cào cào. Nếu thấy con dê rừng và vỏ trái bắp, cô biết là trại lính ở thành phố X cần thêm lương thực. Vào lúc hiểm nguy, các đền thờ cho ba cô nhìn vào ba mặt một kim tự tháp bằng bạc, và nếu cả ba thấy cùng một linh ảnh thì người ta biết rằng linh ảnh ấy rõ ràng và tầm nhìn của các cô không bị cản trở.
Trong số 40 học viên về thuật này, ba người được chọn làm kiến giả cho nữ thần Chân Lý Maat, và Sekeeta là một trong số ấy năm 16 tuổi. Ban đầu cô được dạy như trên là nhìn vào một ánh sáng chói để xuất hồn, rồi sau đó tự ý làm không cần trợ giúp, cho tới khi cô có thể đi khắp nơi tự do như thể xác thân đang say ngủ, mà cùng lúc mô tả mình làm và thấy gì bên ngòai thân xác. Sekeeta có thể đi khắp nơi, không bị giới hạn chỉ vào phần đối ứng của địa cầu. Những gì cô thốt ra khi mô tả được một người ký lục ngổi cạnh ghi lại, bởi tuy có thể nhớ mình nói gì trong lúc ở ngoài xác thân, lúc trở về Sekeeta không nhớ chi tiết chuyện đã nói; khi người ký lục đọc lại lời ghi thì cô biết là mình có mô tả rõ ràng chuyện gì đã thấy hay không.
Học viên làm nhiều việc khi ra ngoài cơ thể lúc ban đêm, việc huấn luyện nhiều mặt này là để khi trở thành giáo sĩ, họ sẽ được gửi đi tới các đền thờ để phục vụ dân chúng, hoặc chữa bệnh hoặc cố vấn tâm lý do đó cần có hiểu biết và kinh nghiệm đa dạng. Nó có thể là công việc của người cứu trợ vô hình, như loại khác như Sekeeta kể với thầy khi về lại xác thân ban sáng:
Năm đầu tiên ở đền thờ, Sekeeta học cách luyện trí nhớ để giữ lại chuyện trải qua trong lúc ngủ. Mỗi sáng, cô tới gặp thầy kể đã thấy gì. Thỉnh thoảng cô gặp thầy trong giấc mơ, dặn cô khi thức giấc thì mang đến một vật cho ông để tỏ là nhớ đã nói chuyện với ông; đó có thể là một bông hoa, hay cọng lông chim bồ câu, hay một hạt mầu để xâu chuỗi. Có khi Sekeeta nhớ đúng vật thầy đã dặn, nhưng ban đầu có khi nhớ sai. Chẳng hạn cô thức giấc nhớ là phải mang cho thầy hoa poppy, trong khi đúng ra lời dặn là hoa loa kèn. Rồi khá hơn một chút thì cô tin là một mang tới nhánh lúa, để rồi khám phá thực ra là nhánh dây quấn quanh cột thứ ba ở chánh điện.
Theo cách ấy và nhiều cách khác nữa, cô học để luyện hồi ức của mình.
Sang năm thứ ba, thầy cùng đi với cô trong giấc ngủ để cô làm việc theo sự chỉ dẫn của ông, rồi khi thức dậy buổi sáng, cô thuật lại đã làm gì, và thầy cho biết cô nhớ đúng hay sai, đúng bao nhiêu phần trăm và nhớ lệch lạc thể nào. Sekeeta kể.
– Mới đầu con tới nhà một thiếu phụ nghèo có con nhỏ ốm. Cô không biết trẻ bệnh gì và nghĩ em sắp chết. Khi kiệt lực cô thiếp ngủ bên giường, con bảo cô là em nhỏ ăn nhằm cây độc khi chăn dê ngoài đồng, và cô phải cho em uống một chén dầu ngọt, lấy khăn nhúng nước nóng vắt khô đắp lên bụng để làm dịu cơn đau; và trong ba giờ thì cho con ăn bánh mì dầm trong sữa ấm. Chất độc sẽ tan và con cô sẽ mạnh trở lại.
Thầy hỏi Sekeeta.
– Đứa bé trai hay gái ? Họ ở nước nào ?
– Con nghĩ đó là bé trai, con không chắc. Con không biết nước nào, có đồi núi với cỏ ngắn.
– Em nhỏ là bé trai, và đó là đảo Crete.
– Kế đó con đi gặp một người bỏ đói bò của mình và để chúng ở trong chuồng dơ bẩn ngập rác, ruồi nhặng tụ thành đám ở những vết lở loét trên thân bò. Con làm anh thấy một con bò đực mầu trắng, sừng vàng. Bò nói với anh: ‘Ta là Ngưu Thần, vì anh đối xử tàn nhẫn với dân ta, anh phải ngủ nằm trong rác rến bẩn thỉu, và phải mang ách trên vai cho tới khi vết thương của bò lành hẳn’. Con không nhớ ở đâu và anh tên gì.
– Hắn tên là Shezzak và hắn ở Babylon. Đã năm đêm con tới gặp, kêu hắn có lòng nhân mà hắn không nghe; thế thì hắn cần cách dạy mạnh hơn lời nói, vì hắn không hiểu được sự đau đớn của bò nhà hắn cho tới khi chia sẻ nỗi đau ấy với bò.
– Rồi con đi tới chỗ khác, không biết là chỗ nào, ráng đi vào đường hẹp, nhưng có một quái vật kinh khủng chặn đường, như con cá sấu khổng lồ. Nó hùng hổ xông tới làm con quay lưng chạy thục mạng, tỉnh dậy thất kinh hồn vía.
– Đó là hình của kẻ ác tạo ra, đuổi con trở về nhập xác và ngưng việc làm của con. Thầy biết vật như thế gây kinh hãi, nhưng lần sau gặp nó con phải ráng sấn tới, và khiến nó tan rã dưới chân con. Nếu vật quá mạnh đối với con, hãy gọi thầy trợ giúp. Dùng lòng can đảm của con như thanh gươm và như cái khiên, và ai thách đố lòng can đảm sẽ phải chạy tránh con, vì mọi vật của Bóng Tối phải sợ Sự Sáng.
– Con ngủ trở lại, và đi tới Vườn Thiếu Nhi, chỉ cho hai bé trai bị khuyết tật là các em không cần phải cà nhắc, mà có thể chạy đua với nhau … rồi nhiều điều nữa mà con không nhớ. Con nghĩ là đã kể chuyện cho các em nghe. Và con xây nhà bằng cát cho một bé gái.
– Con đã tới đây khi trước rồi như đã nhớ, và chơi với trẻ nhỏ. Các em nhoẻn cười trong giấc ngủ vì niềm vui có trong giấc mơ.
– Sau rốt, con nhớ tới gặp một người vừa qua đời, bảo rằng nay anh đã rời trần; nhưng anh cười vào mũi con và nói con điên. Anh cầm lên một hòn đá ném vào cái cây rồi nói, ‘Cô tưởng tui là hồn ma sao ? Hồn ma là do con người tưởng tượng, hay chỉ là sương khói gió thổi nỉ non. Tôi đang sống - có điên mới nói là tôi đã chết ! Ngay cả vết thương cũng lành rồi không để sẹo’.
‘Dù con nói nhẹ nhàng với anh, anh chỉ cười phá lên. Rồi con nói, ‘Coi tôi bay nè, ở đây tôi nhẹ hơn cánh chim’. Con dùng ý chí vọt lên bên trên anh. Nhưng anh vẫn chỉ cười bảo đó là trò ảo thuật, hay là giấc mơ lạ lùng, và anh hẳn đã ngủ mê vì quá chén say mèm … Anh bị giết trong quán rượu trên đảo, chỗ đóng thuyền trên đảo Crete, và tên anh là Praxares.
Thầy khen.
– Nhớ giỏi lắm. Con nhớ lại rõ ràng, có chi tiết, không thêm gì hay có hiểu sai. Lần tới đi ngủ thì đến gặp hắn nữa, cho tới khi hắn thức tỉnh với thực tại, và biết mình đang ở đâu.
– Sao hằn không tin là đã chết ?
– Người trong nước hắn không biết chết là gì. Họ tưởng khi ngưng thở là họ đến tận cùng của tâm thức, nên khi thấy mình còn sống, họ cho là mình phải còn đang sống trên mặt đất. Và bởi nghĩ như thế, họ bị ràng buộc vào giới hạn của địa cầu mà lẽ ra họ phải thoát khỏi… Nhưng hắn sẽ nghe, tuy phải mất thời gian.
Sang năm thứ năm học ở đền thờ, Sekeeta làm chuyện khác mỗi đêm. Sáng ra kể với thầy:
– Đầu tiên con đến với một cô là vợ của nông phu, tuy tốt bụng mà miệng không uốn lưỡi bẩy lần. Cô thương chồng nhưng hay la lối nếu anh biếng nhác, uống nhiều bia, hay khi làm đồng về anh không để dép ở ngoài cửa mà đi vào nhà, làm sàn nhà dính bùn. Người chồng không thấy tình thương của cô cho anh, vì nó bị che khuất bởi lời lẽ chua chát, nên anh mơ tưởng đến cô gái vắt sữa bò, hay nói với anh những lời khen ngợi.
‘Con dẫn cô tới chỗ có bức tường bằng gạch nung, vừa đủ cao để cô có thể thấy qua đầu tường sang phia bến kia, cảnh anh chồng nằm ngủ dưới bóng cây sung, đằng sau là chiếc cầy nằm chỏng chơ và ly bia đã cạn. Cô gọi với qua, bào:
– Anh lười ! Nếu anh mau mắn cầy ruộng như bia chẩy tọt xuống cổ họng thì anh thành giầu sang, và đáng công nằm ngủ thay vì lười mà ngủ như vầy.
Khi cô nói thì một hàng gạch khác hiện ra trên đầu tường. Con bảo cô
– Sebeck, cô có thấy là bức tường giữa cô và chồng sẽ cao dần lên, cho tới khi cô không thể đến với anh nữa và anh bị mất hút với cô không ? Mỗi viên gạch của tường là một lời dại dột của cô, rồi khi cô không còn thấy được anh vì tường che khuất, thì anh cũng không thấy được cô, và trong nỗi cô đơn anh đã thân cận với cô gái vắt sữa bò. Từ nay trở đi, hãy nghĩ kỹ trước khi nói. Chỉ nói những gì mà cô muốn ai thương yêu cô nói với mình. Đừng tạo thêm vách ngăn này và cô sẽ thấy nó tan rã do tình thương trong tim cô, như bức tường bằng đất bùn rời rã khi nước ngập.
‘Con nghĩ cô nhớ lời con dặn, vì hình ảnh con làm cô thấy sinh kết quả tốt hơn là chỉ khuyên bằng lời. Cô ở trong vùng châu thổ cách biển một ngày đường, nhà cô có năm phòng và ba cây chà là ở trước cửa. Bản ghi có như vậy không ?
– Có, và con đã trả lời cho cầu nguyện của cô bằng sự sáng suốt.
– Xong con băng qua biến rộng sang nước ở phía tây. Ở đó trong rừng già có một người đi tìm vàng. Kiếp vừa rồi anh là nhà quý tộc mà không nghĩ đến phúc lợi cho dân, và dân chúng lẽ ra phải được đối xử như là con cháu của chính anh, đã bị khổ sở nặng nề vì anh chẳng màng tới họ. Kinh rạch không được làm cho thông, ruộng vườn lẽ ra phì nhiêu thì thành đầm lầy cho muỗi mòng gây sốt ban đêm.
‘Khi qua đời, anh biết mình đã làm mất cơ hội cứu giúp những ai anh nên là bạn của họ, thể nên anh cầu xin là vì đã để cho dân bị sốt mà chết, nay trở lại trần chữa trị ai khác bị sốt như người thưở xưa. Trong kiếp kế đó, tức là kiếp này, anh sinh ra làm con một người xây đường tài giỏi, khi được 18 tuổi anh rời nhà đi xa vì biết mình phải đi tìm một vật tuy không biết là vật gì; anh tưởng đó là tìm vàng và có thể dùng nó để cứu người.
‘Anh đi nhiều tuần qua những cánh rừng lớn, cây mọc dầy thành tường che khuất mặt trời. Rồi tới phiên anh ngã bệnh, bị sốt và rét, tưởng là sẽ chết mà không tìm thấy gì để chữa cho bênh của chính mình. Vì bị sốt, anh có thể thấy linh ảnh và trong một lúc làm như anh có thông nhãn, nên con lấy hình dạng của anh khiến anh tưởng thấy linh ảnh mình phải làm gì đề chữa bệnh của mình. Con đi tới một cái cây, cây kaban mọc ở gần chỗ anh nằm, và con lấy vỏ cây bỏ vào nồi đất nấu sôi trên đống lửa của anh. Khi sôi đã lâu, con uống nước thuốc và kêu to.
– Hay quá ! Hết sốt rồi, mình khỏe lại rồi.
‘Và anh không thấy con nữa, nhưng con thấy anh bò tới cái cây và biết anh nhớ linh ảnh. Anh đã tìm ra thuốc chữa bệnh sốt mà khi xưa dân chúng mắc phải vì anh đã bỏ bê họ, và như vậy Karma được quân bằng.’
Thầy cô hài lòng; còn Sekeeta vui là mình thành phương tiện cho anh chàng kiếm ra được vật mà anh đã khổ công tìm bao lâu nay. Sekeeta kể tiếp.
– Rồi con đi tới một bà đang trên giường chờ chết. Con trai bà đi xa lâu ngày và bà mong ước được thấy mặt con lần nữa trước khi qua đời, mắt bà dõi nhìn ra cửa, hy vọng là cửa mở và sẽ thấy con trai đi vào, về lại nhà sau chuyến đi xa của anh. Nhưng lúc đó anh đang ở trên thuyền giữa khơi biển động, chưa phải là giờ ngủ vì bão to. Nên con lấy hình dạng của anh và để bà mẹ thấy con đi vào giữa cánh cửa mở. Chỉ mình bà thấy mà thôi, còn gia đình đang than khóc quanh giường bệnh thì không. Con đi tới bà, và ai quanh đó thấy bà ngồi thẳng dậy, dang tay ra và họ nghe bà kêu to:
– Con của mẹ, con về với mẹ rồi.
‘Và khi họ thấy bà ngã ra sau, chết trên giường thì bà đi với con ra cửa mở vào nắng sáng. Con để bà yên nghỉ ở chỗ an lành cho tới khi con trai ngủ và tới chào đón bà.’
Năm 17 tuổi, Sekeeta học cách nhìn lại những kiếp trước của mình. Trong năm ngày cô sống lại năm kiếp, gặp toàn cảnh xáo trộn, chết trận hay chết dịch, chết đói, không cảnh nào an ổn. Cô tự hỏi sao mình nhớ quá ít sự bình an, êm đềm nên hỏi thầy và nghe đáp:
– Nghĩ tới kiếp này đi, Sekeeta. Ngày nào làm con nhớ nhất ? Ấy là ngày gay go, buồn khổ, những ngày khi con học đôi điều làm khôn ngoan hơn.
Thầy nói tiếp:
– Cuộc sống là thầy dạy ta. Đôi khi thầy nói về niềm vui lúc chiều tối, và khi khác nói bằng giọng như sấm sét vào tai ta. Nhưng luôn luôn thầy kêu ta có can đảm và nhớ rằng nước mắt của ta tưới làm cây bắp mọc cao. Con trải qua nhiều ngày bình an và lặng lẽ, trong nhiều kiếp; rồi có những lúc vui mừng tột độ hay thảm sầu vô kể, để lại ấn tượng rõ rệt trong hồi ức như một bông hoa poppy lẻ loi đỏ rực giữa hàng bắp vàng. Cũng y vậy, đầu tiên con ghi nhận những kiếp mà qua đó con học có can đảm, sự khôn ngoan, hay lòng trắc ẩn, vì chúng có mầu sắc chói lọi.
‘Những điều khác mà con phải học, tuy chúng được lưu trữ trong ký ức cho con tìm lại, không có sự thách thức mạnh mẽ cho ký ức như sự khôn ngoan, lòng can đảm có. Con có thể học sự kiên nhẫn qua nhiều kiếp như là một nông phu cầy ruộng, hay như người đàn bà làm việc ngoài đồng; mà những kiếp ấy không làm gợi nhớ ngay, vì chúng chắt lọc sự khôn ngoan một cách lặng lẽ, như hoa đổng thảo violet tỏa hương khi hoa nép dưới lá.
‘Những phút giây sau dễ nhớ, khi tiếng kèn vang lên và con vung gươm đỏ vì vấy máu quân thù gõ cửa sự chết; hay khi con bò lẻn nhẹ tới cửa này trong vùng đói kém mà chỉ kên kên là no bụng. Nhưng mỗi lần như một, cánh cửa sự chết mở ra êm ái trước mặt con, dang rộng trên bản lề khi con đi qua đó và biết sự quen thuộc của chúng như cửa vào nhà con.
‘Mà con không nhớ điều này, rằng nó là âm thanh của suối nước ầm ầm, không phải giòng sông lững lờ êm trôi giữa hai bên bờ; con nhớ ngày có bão to khi lưỡi tầm sét bổ xuống con người, và không nhớ buổi chiều nhẹ nhàng khi con tản bộ một mình lúc hoàng hôn. Trong tương lai con sẽ nghe giọng nói của ta, vì minh triết nói với giọng to hơn hết, và con sẽ nhớ cách để nhớ.’
Khi khác Sekeeta so sánh đời mình phải gắng công học tập, trong khi chị em bạn lập gia đình hạnh phúc. Cô than thở với thầy:
– Con tập mấy năm để nhớ lại quá khứ, nhưng nhìn người khác con thấy học làm giáo sĩ cực quá. Nó khó hết sức khi người ta còn trẻ.
– Những vui thú của tuổi trẻ có ngọt ngào thật, mà rồi chúng sẽ chóng qua, như đàn chim bay giữa trời hè. Còn điều gì con học được ở đây là minh triết, nó trường cửu và con vẫn có nó khi thể xác già lão đi. Những điều mà con thấy khó khăn là di sản đáng hãnh diện mà con đã làm để nay được hưởng, và khi con ước phải chi đừng sinh vào cảnh này, thì tựa như nhạc sĩ muốn quăng cây đàn của họ.
– Nhưng ai trong trong nước cũng có thể tới đền thờ để được nghe chân lý, đem khó khăn của mình thưa với giáo sĩ, và vị sau do sự khôn ngoan của mình sẽ giải rõ cõi lòng của họ cho họ. Còn con phải gắng sức để có được minh triết cho mình.
– Có một nội lực và sự bình an mà chỉ ta mới có thể cho chính ta; và giá trị của nỗ lực con làm nằm trong đó. Không có gì trong đời mà không thể bị lấy mất đi khỏi con, trừ minh triết của chính con. Ở Ai Cập này, nơi có nhiều giáo sĩ, Sự Sáng chiếu rọi và tất cả mọi người đều có thể thấm nhuần trong đó.
‘Nhưng trong quá khứ, cái ác đã tràn lan địa cầu và không có giáo sĩ soi đường cho dân chúng trong những năm đen tối ấy. Chuyện đã xẩy ra rồi và sẽ xẩy ra nữa. Con có thể sinh ra trong một nước mà giáo sĩ không còn sự sáng, nhưng dù cả nước không có ai mà không ở trong bóng tối, minh triết mà ta dạy con ở đây sẽ vẫn còn ở với con. Khi ấy con có thể lên tiếng nói với đám đông, và có thể có vài kẻ nghe được ở đó, họ sẽ tìm nó để thỏa lòng khát khao chân lý, và không còn bị đói lòng với những lời vô bổ như chuyện sẽ xẩy ra trong đền thờ lúc ấy.
‘Mà này con, học trò của ta, con phải luôn luôn nói Sự Thật. Hãy kêu cầu thần thánh và ta sẽ nghe được lời con, cho dù ta ở xa bên ngoài trái đất. Đừng sợ chết cho những gì con biết là thật, tuy kẻ ác sẽ cho con lên giàn hỏa vì lời con nói. Và khi lửa phừng cháy, hãy nhìn lên các vì sao và con sẽ thấy ta nắm chặt tay con.’
Sinh hoạt của đền thờ gắn liền với đời sống dân chúng. Mỗi sáng trong hai tiếng đồng hồ, học viên nào đủ kinh nghiệm tuy chưa phải là giáo sĩ, ngồi tiếp khách trong phòng bên ngoài chánh điện, và bất cứ ai muốn được lời cố vấn khôn ngoan cho chuyện trong tâm sẽ tới gặp họ. Nếu học viên thấy chuyện quá sức mình thì sẽ chuyển cho người cao hơn. Làng nào không có đền thờ thì luôn luôn có một giáo sĩ cho dân chúng tỏ nỗi lòng, nên trong nước không có ai khi cần mà không có được một người bạn sáng suốt và người cố vấn khôn ngoan. Năm 19 tuổi, Sekeeta được xét thấy đủ sức làm công việc này, nhờ vậy học được nhiều điều có giá trị lớn lao. Nhưng không phải ai cũng hoàn tất việc huấn luyện, thực tế là sau thử thách vô hại đầu tiên, đa số học viên ý thức con đường huyền bí học có nghĩa là gì và chọn trở về với đời sống dân dã, không theo đuổi để thành giáo sĩ trong đền thờ.
Ý niệm về Karma rất rõ ở cố Ai Cập. Có một trường hợp làm Sekeeta thắc mắc. Đền thờ có một học viên sắp thi kỳ một của thuật tiên tri và ai cũng tin cô sẽ đậu, nhưng rồi cô bị trục xuất. Mọi người biết cô phạm lỗi nhưng không ai biết đó là lỗi chi. Sekeeta hỏi thầy cô gái đã làm gì, và được cho biết cô đã ăn nằm với một người thợ đẽo đá ở sân mới xây. Giải thích đưa ra cho việc trục xuất là tuy cô không thương yêu người thợ, nhưng thân xác cô ham muốn thân xác anh, và sự thúc đẩy để được có anh quá mạnh khiến cô không nghe theo tiếng nói của linh hồn. Kẻ mà ý chí không đủ mạnh để làm chủ thân xác mình, thì chưa sẵn sàng để được chỉ dạy cách làm sắc bén cái ý chí dễ dàng bị khuất phục như thế.
Sekeeta hỏi thầy điều chi khiến người đàn bà ngoại tình. Vị đại giáo sĩ dạy chuyện sau:
– Có hai loại ngoại tình. Loại đầu là người đàn bà ăn nằm với người đàn ông cho dù kinh nghiệm riêng bảo họ rằng làm vậy không khôn ngoan. Nó sai vì khi để thân xác làm chủ mình, cô đã làm ý chí suy yếu. Cô phạm luật - đây là một trong các luật vĩ đại không viết trên trần, mà không phải luật pháp của con người - khi cả thân xác và tinh thần chống lại hành động, vì muốn có lợi lộc trần thế. Hệ quả tương đương với mức lợi họ nhận: ai đói lòng và ăn nằm với người đàn ông để có được bữa cơm thì không phạm luật mấy. Nhưng ai ăn nằm với người đàn ông để có được sang giầu, - như thành hôn với người quyền quí, phú hộ - thì đã phạm luật nhiều, và phải đổ nhiều lệ để điều chỉnh.
– Thế người đàn bà ăn nằm với người đàn ông để có thức ăn cho con, hay cho ai mà họ thương yêu thì sao ?
– Nếu cô làm vậy, không phải để có lợi cho mình, mà để cô có thể cho người khác thì cô không có làm gì sai. Khi hy sinh thân mình để kẻ khác được no lòng, cô đã làm giống như ai che chở bạn mình ở chiến trường. Hãy nhớ, Sekeeta, phán xét ai mà chưa biết rõ cảnh ngộ của họ là chuyện không khôn ngoan. Ngay cả khi biết rõ hoàn cảnh, con cũng phải biết tuổi tinh thần của người làm chuyện đó. Con sư tử hai tuổi không nhận ra con của mình (và giết nó) thì không có gì sai, nhưng thế gian phản đối khi có ai đối xử không tốt với con của mình; bởi con người lớn tuổi hơn sư tử (về mặt tinh thần) và do vậy có trách nhiệm lớn hơn.
‘Linh hồn trẻ bị mê muội vì khoái lạc của thân xác là chuyện nhỏ. Nhưng ai mà ý chí được luyện tập thì để ý chí bị trần thế làm mờ đục là việc mất phẩm cách. Thế nên học viên của đền thờ mà ngoại tình thì bị xem là có tội, không phải vì người đàn bà ăn nằm với người đàn ông là sai, mà nó sai vì cô làm vậy bất kể tiếng nói của kinh nghiệm. Học viên của đền thờ ăn nằm với người mà họ không muốn kết hôn để chia sẻ đời mình thì không xứng đáng. Nếu biết rằng tinh thần cả hai cùng đi với nhau thì họ nên công bố, bằng cách có lời thệ ước kết hôn trước mặt một giáo sĩ.
‘Mỗi hành động mà ta có thể nói chân thành, ‘Tôi làm việc này không phải cho tôi, mà vì tôi thương người khác nhiều hơn’, là một bước trên con đường đúng. Ngay cả ai theo tà giáo vì thầy của họ xa rời chính đạo, cũng được lợi do lòng trung thành của mình, nếu họ đi theo người mà họ thương yêu và không phải theo để mong có lợi cho mình.
‘Đôi khi để giúp ai khác, người ta phạm luật nhỏ. Nếu người mẹ ăn cắp ổ bánh vì không tìm ra cách nào khác để có bánh cho con đang đói, người đời xem cô là kẻ cắp nhưng trước mặt Thượng Đế cô cao hơn người khác để con chết đói vì họ run sợ. Và tuy cô mắc nợ cửa tiệm một ổ bánh, và phải trả lại vào lúc này hay kia, đời này hay đời khác, cô sẽ thấy là điều cô có được nhờ lòng can đảm thì tựa như thỏi vàng bên cạnh hạt cát.
- Vậy ăn cắp thì được, miễn là cho kẻ khác ?
- Nó chỉ là vậy khi không còn cách nào hơn để có được thức ăn. Nhưng trước hết người ta phải chịu làm bất cứ việc gì, gánh nước, rửa chuồng heo, tìm hết mọi kế, và chỉ làm vậy sau khi cầu Trời đừng để mình thành kẻ cắp.
Sekeeta hỏi.
– Có lần con gặp quan Thái Sư và vợ của ông, con gái một thương nhân giầu có. Con để ý khi bà nhìn ông thì trong ánh mắt có sự thù ghét. Bà ngượng nghịu với địa vị cao trọng mới có của mình, mà ai sinh ra sẵn trong cảnh ấy không lúng túng như vậy. Nếu bà lấy Thái Sư để có được vai phu nhân quyền thế, thì bà có như là một trong các cô ở gần trại lính không ?
Thầy đáp.
– Nếu lời con nói là đúng, và quan Thái Sư không nằm trong tim bà mà chỉ nằm trên giường của bà, thì so sánh bà với các cô đi với lính là không công bằng, vì các cô không chừng thương yêu ai vào giường của họ.
– Kiếp sau của người như bà sẽ ra sao ?
– Ta không có hết chi tiết về bà nên không thể cho con hay, nhưng lần kia có thiếu phụ tới đền thờ xin được giúp đỡ. Ta nhìn vào quá khứ của cô và thấy rằng trong một kiếp trước, cô thành hôn với người vì những điều mà anh có thể cho cô, mà trong tim không có tình yêu thương hay lòng lành cho anh. Trong kiếp này cô yêu thương một người thuộc sứ bộ ngoại quốc khi họ sang đây. Gia đình không bằng lòng nhưng cô thành hôn với họ và theo về nước. Tới chỗ, cô khám phá là người này tàn nhẫn và cay đắng, anh vui thích hạ nhục cô trước mặt khách vì anh thù ghét dân tộc cô. Tuy cô sợ và khinh anh nhưng cô không bỏ được lòng ham muốn đối với anh, nên chịu đựng những gì anh đối xử với cô.
‘Chỉ sau khi anh chết cô mới quay về nước, và không còn gia đình thân nhân nào. Nay cô chăm lo cho trẻ mồ côi. Sự việc là linh hồn có lần lấy tất cả mà không cho ra điều chi ngay cả lòng biết ơn, trong kiếp này nó cho chính mình kể luôn tấm lòng mà không nhận lại được chút gì.’
– Mà tại sao cô lại si mê người kia ?
– Có thể là cô có món nợ phải trả cho anh. Hay có thể sự thu hút này về mặt thể chất là do sắp đặt của thiêng liêng để quân bình karma và để có được kinh nghiệm. Đôi khi chuyện được làm như thế để nhờ vậy, người ta trải qua những việc mà bằng không họ sẽ từ chối không chịu bị đau khổ; khi khác nhờ thế hai người nối kết với nhau do lòng thù ghét, có thể thoát khỏi dây ràng buộc với nhau. Bởi trong mỗi cuộc hôn nhân, dù không hạnh phúc thế mấy, luôn có gì đó học được về lòng khoan dung và thông cảm.
‘Thân xác có thể đi tìm thân xác theo ý của thần linh, nhưng sự kêu gọi của tinh thần với tinh thần chỉ có được do kinh nghiệm được chia sẻ. Và một cuộc hôn nhân chân thật là khi hai người đi với nhau trên cùng con đường, nâng đỡ và an ủi nhau trong lúc xa cõi trời và phải ở dưới thế.’
Năm 19 tuổi, Sekeeta qua được kỳ thi đầy thử thách và có chứng đạo (initiation), thành giáo sĩ và nay ra khỏi đền thờ, về triều làm Pharaoh cùng anh là Neyah cai trị Ai Cập. Nhưng trước đó là lễ thành hôn của Sekeeta với Neyah, đây chỉ là biểu tượng cho việc hai anh em cai trị như là hai Pharaoh hợp nhất, còn trên thực tế thì mỗi người có chồng hay vợ riêng của mình. Cũng từ biểu tượng này, tuy Neyah có con nhưng Sekeeta là Vương Hậu nên con của Sekeeta được xem cũng là con của Neyah, và là kẻ thứ nhất nối ngôi khi hai anh em qua đời. Về sau Sekeeta sinh con gái và cô kế vị mẹ làm Pharaoh.
Nhưng đó là chuyện còn lâu, vào lúc này khi cầm quyền, Sekeeta dùng những phương tiện của đền thờ để giúp cô cai trị, và khi quân thù xâm lấn, cô mặc giáp cầm thương lên chiến xa, chỉ huy lính ngoài trận, là Pharaoh dũng cảm.
…
Tóm tắt chuyện là vậy, mà nhiều chi tiết bên lề cũng thú vị không kém. Như đã nói, ban đầu sách được đón nhận như là tiểu thuyết, và phải chờ 24 năm sau, tải liệu khảo cổ mới đưa ra bằng chứng xác nhận những chi tiết kể trong chuyện. Ở đây ta ghi lại vài điều sau.
a. Đúng ra Joan Grant không dự tính viết chuyện, nhưng cô nằm ngủ thấy cảnh tượng và nói trong giấc ngủ. Chồng cô lấy giấy bút ghi lại, sau một thời gian xấp bản thảo ngày càng dầy khiến họ sắp xếp cho thứ tự, và chừng đó mới nghĩ đến việc ra sách. Bởi chồng cô là nhà khảo cổ học đi đào xới ở Ai Cập, trong lúc cô mô tả sự việc, anh cho đó là thời kỳ Tân Trào - New Kingdom đã có kim tự tháp cùng con Nhân Sư Sphinx, nên thúc giục cô đi tìm các dấu mốc này.
Tuy nhiên trong linh ảnh, Joan Grant trở về hàng ngàn năm trước, nhìn chung quanh mà không thấy có kim tự tháp nào lẫn con Nhân Sư, nên cô nhất định cho đây là thời kỳ xưa hơn nữa, lúc chưa có những công trình ấy. Hai người không đồng ý về thời điểm, Joan khăng khăng giữ ý kiến của mình và giữ y chi tiết in trong sách. Nay ta biết thời của Sekeeta là Cựu Trào - Old Kingdom, cách đây hơn 5.000 năm và trước Tân Trào.
Thời mà cô tả lại trong sách được sừ xem là thời hoàng kim của cố Ai Cập, đó là giai đoạn thanh bình, thịnh vượng, cũng như là lúc việc buôn bán trao đổi với các nước được ghi lại.
b. Chuyện chú ý là việc khai quật của thế kỷ 20 tìm ra ngôi mộ lớn của một hoàng hậu tên Meryet-Nit. Ngôi mộ này đặc biệt vì tuy được ghi là mộ của hoàng hậu, nhưng nó lại quan trọng và to lớn như mộ của một Pharaoh. Khảo cổ gia nghĩ rằng nó phải là mộ của Nữ Vương Nhiếp Chính. Trong chuyện, Sekeeta ghi đó là mộ của mình và đã trông coi việc xây cất nó vào những năm cuối đời. Tên nữ hoàng theo sách vở là Meryet-Nit, ấy là một cách viết khác với cùng các mẫu tự của tên dùng trong chuyện là Meri-Neyt. Đây là tên của Sekeeta khi thành giáo sĩ.
c. Sekeeta kể là anh trai Neyah và mình tặng mẹ một vòng đeo tay, mô tả kỹ vật cùng ghi trong chuyện là khi mẹ qua đời, bà được chôn trong mộ chồng cùng với chiếc vòng. Khi tìm ra mộ Pharaoh A Atet (tức cha của Sekeeta), người ta thấy chiếc vòng còn nằm trên một cánh tay, sách có hình vòng này (1925) còn vòng thì được trưng bầy tại viện bảo tàng ở Cairo. Ta không biết Joan Grant có thấy vòng này hay không.
d. Nhiều đoạn trong chuyện mô tả vật dụng bằng bạc như gương, tách v.v. Khi sách in ra năm 1937 các nhà Ai Cập học cho rằng thời cổ Ai Cập chưa có bạc. Mãi hơn sáu mươi năm sau, tài liệu mới ghi thời Cựu Trào người ta đã biết dùng bạc làm vật trang sức. Có nghĩa Joan Grant xác nhận trước trong chuyện, khảo cổ học cùng thời bác bỏ ý này, và rồi về sau nhìn nhận. ( Jaromir Malek: In the Shadow of the Pyramids, 1992)
e. Sau hết, trong sách Joan Grant qua Sekeeta nói rằng thời trước thời cha mình, Ai Cập chưa thống nhất vùng thượng lưu với hạ lưu sông Nile, chỉ đến thời ông nội mới cai trị cả hai vùng. Sách khảo cổ in năm 1961 trưng ra điều này (Walter Bryan Emery, Archaic Egypt).
Như vậy một khoa học gia và người có linh ảnh cùng đi tới một sự kiện lịch sử, theo cách riêng của mỗi người độc lập với nhau, và họ xác nhận cho nhau. Đây là trường hợp độc đáo vì Joan Grant ra chuyện trước khi có sách khoa học, và chắc chắn nhà khảo cổ không dùng ‘tiểu thuyết’ làm chứng cớ cho nghiên cứu của mình.
Nay ta có thể tới một thắc mắc là trong chuyện Winged cũng như chuyện Initiation, kiếp trước của ai cũng là Pharaoh và công chúa, không thấy ai là dân quê, thợ rèn, là làm sao ? Câu trả lời nằm trong những quyển tiếp theo của Joan Grant, cũng là hồi ức về nhiều kiếp khác sau kiếp ở Ai Cập. Có thăng trầm đủ hết. Pharaoh thành quân nhân Anh tử trận hồi thế chiến I.
Thế thì câu hỏi chót là đang có hiểu biết về huyền bí học, sao Sekeeta tuột dốc ở những kiếp sau ? Joan Grant giải thích phần nào, nói lý do là lòng ham muốn quyền lực và có kiếp đã dùng cách bất chính để đạt ước vọng. Trong ba ngàn năm, linh hồn lang thang với ấn tượng là bị cắt đứt khỏi nguồn mà nó có lần đã biết. Chuyện thật tới đâu và đáng tin tới bực nào thì người đọc tự quyết định.
Có ý kiến là trong số các hồi ức này hay nói chung là các chuyện của Joan Grant, cuốn đầu tiên xem ra hay nhất. Bạn có thể dễ dàng tìm mua hai quyển Winged Pharaoh và Initiation trên internet. Nếu còn tò mò, bạn có thể đọc thêm cuốn tự thuật của bà, Far Memory, chính yếu là chuyện … ma vì Joan thấy ma tùm lum, mà cũng nhiều chuyện tái sinh. Joan kể một kiếp bị chặt đầu hồi cách mạng Pháp 1789, cô sống lại kiếp đó và nói … không đau ! Vì vừa ra khỏi xác là được gia đình chào đón.
Cuối sách, Joan (Sekeeta) ngồi cạnh giường bệnh một người bạn thân là Daisy (mẹ Sekeeta), thương yêu cô còn hơn mẹ ruột kiếp này. Có một quân nhân (Pharaoh) đến bên giường, đó là Bunny anh ruột Daisy mà cô không biết mặt. Daisy nhổm dậy, một Daisy trẻ trung, cầm tay anh và cả hai cười với Joan rồi bước đi, để lại xác Daisy thoi thóp trên giường.
Vài liên hệ cũng đáng ghi:
– Vợ chồng hay cha mẹ của Sekeeta trong kiếp Ai Cập (Pharaoh và hoàng hậu) thành anh em trong thế kỷ 20: Daisy và Bunny, phái tính không đổi.
– Anh em là Neyah và Sekeeta thành vợ chồng: Joan và Leslie Grant, phái tính không đổi.
Thôi, không bật mí nữa mà để bạn xem. Happy reading !
Ghi chú: Đây là bài đọc sách, không phải nghiên cứu khoa học nên ta chỉ ghi lướt qua những điểm đặc sắc, mà không chú thích nguồn gốc đầy đủ, đưa ra tài liệu chứng minh, nặng tính cách biên khảo. Những chi tiết này có ghi đầy đủ trong bài viết công phu của Jean Overton Fuller, mời bạn tìm xem.