THẮC MẮC
Thắc Mắc
Dưới đây là vài sự kiện được trình bầy theo hiểu biết về MTTL của ông William Q.Judge, đáng cho bạn lưu ý, trích từ bộ sách hai quyển Echoes of the Orient của ông.
● Án Tử Hình
Một số tệ hại xẩy ra do việc không biết sự thực về bản chất thật của con người, và tình cảnh sau khi thể xác chết đi. Ảnh hưởng của sự thiếu hiểu biết như thế rộng lớn hơn mối quan tâm của một hay vài cá nhân. Chính phủ và việc thi hành công lý theo luật pháp do người đặt ra sẽ cải thiện nhiều, nếu được có thêm thông tin về đề tài hết sức quan trọng này. Khi xã hội có được hiểu biết và niềm tin sâu rộng về mặt bí truyền của thiên nhiên và con người, chúng ta có thể hy vọng có thay đổi lớn lao về việc kêu án tử.
Việc chính quyền ra lệnh giết một người thì sai lầm về mặt đạo đức, và cũng gây hại cho tất cả dân chúng; không một tội phạm nào đáng bị xử tử bất kể tội của họ ra sao… Theo Thiên Chúa giáo, việc giết chóc này đi ngược với luật được tin là từ đấng Tối Cao mà ra. Điều răn nói:
– Con không được giết !
Không có ngoại lệ nào áp dụng cho các nước hay cho chính quyền; nó cũng không có ngoại lệ cho loài vật. Vì vậy theo luật này, giết con chó là điều không đúng, đừng nói tới việc giết một con người. Nhưng các điều răn luôn bị lãng quên và vẫn còn như thế hiện nay. Thần học của con người luôn có thể biện luận để gạt qua bên bất cứ giới luật nào, và các nước theo Thiên Chúa giáo có thời kêu án tử cho bất cứ chuyện gì. Khi xưa người ta có thể bị treo cổ nếu lấy trộm chỉ một ổ bánh mì hay vài cây đinh. Dầu vậy, sự việc đã thay đổi và nay (1895) luật pháp chỉ kêu án tử cho tội sát nhân mà thôi.
Ta có thể chia những tội phạm đã bị hay sẽ bị xử tử theo luật của ta thành hai loại:
1. Ai chai đá, xấu xa, có tính sát nhân.
2. Ai không phải vậy, mà chỉ trong một phút điên cuồng, sợ hãi, hay giận dữ đã giết người khác. Những kẻ này lại có thể được chia làm hai hạng nữa, gồm một số hối hận việc mình đã làm và số kia không hối lỗi.
Nhóm người sau này không chủ ý là kẻ thù của xã hội giống như lớp người số một, nhưng họ cũng cảm thấy tức giận, hận đời và muốn trả thù cùng bao cảm xúc khác ngoài lòng hối lỗi, tất cả được gợi nên đối với xã hội đã bức bách họ và với ai trực tiếp can dự vào cuộc xử án và việc hành quyết họ. Ta phải kể đến bản tính, tình cảm sôi động, tâm trí và lòng cay đắng mà kẻ tội phạm do đó cảm thấy, để xem xét vấn đề, vì tâm trạng của họ khi bị mất đi sự sống có can dự rất nhiều tới trọn câu chuyện.
Tất cả mọi cách xử tử đều có tính dữ dằn, dù bằng dao, kiếm, đạn, thuốc độc, dây thừng hay luồng điện. Và với ai học hỏi MTTL, chữ dữ dằn-violent áp dụng cho sự tử phải có nghĩa nhiều hơn là cho ai không có quan điểm theo MTTL. Với người sau, một cái chết dữ dằn so với cái chết tự nhiên, dễ dàng, chỉ có một khác biệt duy nhất là sự mạnh tay đối với nạn nhân. Nhưng với chúng ta trong hội Theosophy, cái chết như vậy, một người bị dằng ra hung bạo khỏi xác thân họ, là chuyện nghiêm trọng, đáng chú ý về trọn tình trạng. Thực tế là nó tạo nên một sự nghịch lý, vì người như vậy không có chết; họ vẫn còn đó với chúng ta như là kẻ tội phạm mà không thấy được, có thể gây hại cho người sống và phá hại cho trọn xã hội.
Chuyện gì xẩy ra ? Tất cả những gì mà kẻ bàng quan thấy là cái chết đột ngột được hoàn tất; nhưng thực tại là sao ? Cái chết tự nhiên thì giống như chiếc lá lìa cành vào mùa đông. Thời điểm chín muồi, trọn năng lực của cái lá đã tách ra; chúng không còn tác động nữa, cuống lá chỉ còn dính mỏng manh vào cành và một làn gió nhẹ là đủ khiến lá rơi. Con người cũng thế; chúng ta bắt đầu tách rời những cấu trúc bên trong của mình, và phân rã thể nọ với thể kia vì chúng đã xong phần việc của mỗi thể, và khi hơi thở chót hắt ra, những thành phần khác nhau của con người bên trong rời rã khỏi nhau và để linh hồn bay thoát.
Nhưng kẻ tội phạm chưa tới chung cuộc tự nhiên của đời họ. Thể tình cảm của họ chưa sẵn sàng để tách ra khỏi thể xác, cũng như là thể sinh lực chưa sẵn sàng để rời ra. Trọn con người bên trong còn đan chặt chẽ khít khao với nhau, thực tại là vậy. Ta nói những phần này chưa sẵn sàng để tách ra - sự thật là chúng không thể tách khỏi nhau vì chúng kết hợp với nhau theo luật, và theo một lực mà chỉ thiên nhiên mới có quyền kiểm soát mà thôi.
Sách cho ta thí dụ thú vị, chẳng hạn sau khi Quan Công bị xử tử, chuyện kể một vị sư thấy cảnh Quan Công bay qua các tầng trời, kêu gào trả đầu lại cho ông, nên vị sư tìm cách khuyên giải. Nghĩa là ông không ‘chết’ mà vẫn tiếp tục ‘sống’ ở bên kia. Chuyện thời nay là có người gặp kẻ tội phạm vài ngày sau khi có xử tử, họ thấy vong linh tội nhân bàng hoàng với sự kiện, không tin rằng mình đã chết, bị chấn động mạnh mẽ vì thấy mình vẫn còn ‘sống’ theo nghĩa còn đầy đủ thân hình, cảm xúc, tri thức và ở trong khung cảnh quen thuộc thay vì thiên đàng hay địa ngục như tôn giáo dạy. Người bạn phải nỗ lực hết mức làm cho họ dịu xuống và hiểu hơn.
Cảnh hay thấy là khi chỉ có thể xác bị làm cho phân ly với con người thật theo cách bất ngờ, trước thời hạn như vậy, đương sự chỉ bị choáng váng trong một lúc rồi sau đó tỉnh thức trong bầu không khí của cõi trần, vẫn là người sống động chỉ có điều không còn thể xác. Họ thấy người ta, thấy và cảm trở lại việc bị luật pháp lùng bắt. Những xúc động của họ linh hoạt. Họ thành ngọn lửa bừng bừng, một khối thù ghét. Không mấy ai trong chúng ta, dù trong khung cảnh thuận lợi, chịu nhận với lòng rằng mình sai hết mọi chuyện, và nói rằng hình phạt xã hội áp đặt lên ta là đúng và phải; và kẻ tội phạm chỉ có lòng oán hận cùng ý muốn trả thù.
Nếu bây giờ ta nhớ rằng tâm trạng của họ hóa tệ hơn do cuộc xử án và rồi việc hành quyết, ta có thể thấy nay họ trở thành hiểm họa cho người sống. Ngay cả khi họ không xấu cho lắm và đầy lòng oán thù như đã ghi, họ chứa đựng trong lòng việc làm của mình; nó có nghĩa họ mang theo mình những điều này sang cõi trung giới, làm bao quanh ta hình ảnh về tội phạm của họ và các điều này là vật sống động. Nói sao đi nữa họ thành nguy hiểm. Họ trôi nổi trong cõi mà trí não và ngũ quan của ta làm việc, họ luôn tiếp xúc với cái trí và cảm quan của người sống.
Số người bị căng thẳng và nhậy cảm thì nhiều hơn ta tưởng. Khi ai như vậy đụng chạm với kẻ tội phạm vô hình này, người sau lập tức tuôn vào người trước hình ảnh về tội lỗi và sự trừng phạt họ chịu, cùng với làn rung động sinh ra từ lòng oán hờn, ác tâm và ý báo thù. Đồng thanh tương ứng, các làn rung động này tạo nên người giống họ. Nhiều kẻ đã bị một lực mà họ không biết thúc đẩy mình phạm tội; và lực ấy đến từ cư dân như thế trong bầu sinh hoạt của ta.
Ngay cả với những ai được cho là không ‘nhậy cảm’, các tội phạm trôi nổi vẩn vơ này cũng có ảnh hưởng, làm gợi nên tư tưởng ác độc khi không có nguyên cớ nào cho các ý này trong lòng người sống. Ta không thể nói qua quít cho xong lực to tát gồm lòng thù ghét, trả thù, sợ hãi, kiêu hãnh, gộp chung lại. Hãy lấy trường hợp của Charles J. Guiteau ám sát tổng thống James A. Garfield của Hoa Kỳ ngày 2 tháng 7, 1881. Guiteau trải qua nhiều ngày bị xử ở tòa. Lòng căm tức, phẫn nộ và cao ngạo của ông mỗi ngày được gợi lên tới tột mức cho tới ngày cuối, và ông chết đi đầy lời nguyền rủa những ai làm ông bị thiệt mạng.
Ta có thể khờ dại tới mức nói rằng trọn lực mà ông sinh ra như thế, sẽ lập tức tan biến chăng ? Cố nhiên là không. Theo với thời gian nó sẽ bị chuyển biến thành những lực khác, nhưng trong quãng dài trước khi việc ấy xẩy ra, ông Guiteau sống động sẽ trôi nổi qua trí và cảm quan của người, mang theo với mình và kéo ngang qua ta những hình ảnh xấu xa được vẽ nên, và các xúc động kinh khiếp sinh ra.
Ai học hỏi MTTL, tin vào việc bản chất con người có nhiều thể, vào sự phức tạp của con người bên trong và biết điều chi do luật thiên nhiên quản trị - mà không phải do sự tình cờ hay do ý của kẻ viện cớ phải bảo vệ xã hội nhưng không biết cách đúng để làm thế, và chỉ biết dựa vào sự trừng phạt và báo thù theo luật Moses - sẽ chống lại án tử hình. Họ thấy nó không công bằng với người sống, là một nguy hiểm cho quốc gia, và nó không cho cơ hội nào để cải hóa kẻ phạm tội.
Nói thêm thì có hai điều sau:
– Có ý nói rằng một việc xử tử theo luật thì có thể, và gần như luôn luôn, dẫn tới nhiều vụ sát nhân hay tự tử khác sau đó.
– Vong linh của người tự tử và của tội phạm bị tử hình, thì ở gần con người cõi trần hơn là các loại vong linh khác, vì cảnh thấp ở cõi trung giới nơi họ cư ngụ thì sát ngay cõi trần, thế nên hai loại người này cũng thường có mặt trước tiên trong bất cứ buổi cầu hồn nào.
Thế thì dự buổi cầu hồn là điều nên tránh để không tiếp xúc với ảnh hưởng xấu, mà còn vì một nguy hiểm khác. Ta đã nói tới nguy hiểm này trong một số bài trên PST nên đây chỉ là nhắc lại. Ấy là ai dự thường bị mất sinh lực sau buổi họp, bởi vong linh rút sinh lực của họ để tạo hiện tượng như hiện hình hay điều gì khác. HPB mô tả là vong linh lượn quanh như con mực sẵn sàng bám lấy ai cảm ứng để rút sinh lực của họ; vong linh bao phủ họ trông như miếng bông đá khổng lồ. Sinh lực rút ra từ những ai tham dự để tạo hình mà khi xong, sinh lực được trả về họ, nhưng bởi sinh lực nhiều người bị trộn chung lại, khi hoàn trả thì mỗi ai có thể nhận vào người mình một phần sinh lực của kẻ khác và do đó bị nhiễm khuynh hướng của họ.
● Tử Trận
Kẻ tội phạm bị xử tử và người lính tử trận giống nhau ở điểm là cả hai bị chết bất thình lình, nhưng hệ quả khác nhau. Người lính bị chết trong lúc chiến đấu có tâm trí gần như hoàn toàn chú mục vào chiến trận, nên khi đột nhiên thiệt mạng, ý tưởng tấn công và tự vệ nằm sâu trong trí họ. Giả thử sau khi qua đời còn vẩn vơ nơi cõi trung giới, họ sẽ tiếp tục hành động đã làm lúc tử trận. Nhưng với phạm nhân sống đời tội lỗi trên trần, lòng đầy dục vọng xấu và bước sang cõi bên kia với tâm hồn chất chứa sự oán hận và thù ghét, sẽ ở cõi trung giới với dục vọng chưa thỏa nguyền, mà không giống như người lính tràn ngập chỉ với một ý tưởng mạnh mẽ.
Người lính ở cõi tình cảm giới hạn mình vào việc lập đi lập lại cuộc tấn công và phòng vệ, còn tội phạm nói chung tìm cách thỏa lòng trả thù và bản năng xấu của mình. Mời bạn đọc lại chuyện Ba Người Lính trên trang web PST, chương 12, hay PST số 60, t. 78, cảnh hồi thế chiến I với hai người lính Mỹ và Đức đã tử trận nay gặp nhau trong giao thông hào, rất thú vị.
Làm luật là phần việc của chính phủ mà không phải của dân chúng, vậy với tư cách là người dân và người học hỏi MTTL, một trong những việc ta có thể làm là chỉ dẫn mặt đạo đức và cái triết lý mà chỉ có nó mới có thể giải trừ điều ác, bằng cách nâng con người lên cao để không phạm tội, hay sẵn lòng tuân theo luật.
● Việc Cầu Hồn
Khi linh hồn để lại vỏ - shell tức thể tình cảm ở cảnh thấp thì chính nó sinh hoạt ở nơi khác, nhưng trong một khoảng thời gian có sự nối kết giữa linh hồn với vỏ, cái sau thấy ở buổi cầu hồn. Vì có nối kết ấy mà linh hồn bị cản trở - ngoài ý muốn của nó, trừ khi nó rất xấu xa - không qua được giai đoạn thanh tẩy (tức luyện ngục của Thiên Chúa giáo) để chuẩn bị vào cõi Devachan, mà đây là điều hết sức quan trọng.
Sách vở MTTL thường không khuyến khích việc cầu hồn - séance và đưa ra một số lý do, ở đây ta chỉ trình bầy một trong các lý do này. Ấy là khi các vỏ muốn tiếp xúc với người dự, một số đông tinh linh - là sinh vật không có ý thức đạo đức mà chỉ bị khích động do thu hút của từ lực - sẽ ùa vào vỏ của người qua đời khiến nó tạm thời có sự sống. Khi ấy chúng có thể truyền chính mình từ vỏ sang người đồng, chiếm lấy và làm linh hoạt bản tính thấp kém hơn của họ. Chuyện xẩy ra là khi nhập vào vỏ của người đã khuất, các tinh linh này chặn lại sự tan rã của những hạt nguyên tử trong vật chất tạo nên vỏ, mà lẽ ra sẽ diễn biến và hoàn tất nếu để tự nhiên.
Khi diễn trình phân rã bị ngăn cản, linh hồn bị cầm giữ lại, bất lực không thoát ra được. Do đó ai mong muốn kêu gọi vỏ hay muốn có hiện hình của người thân, là mỗi ngày cầm giữ thân nhân của mình, khiến họ bị ở lại lâu hơn và đau khổ hơn trong cảnh mà Thiên Chúa giáo dạy là địa ngục. Trang web PST có bài về các vỏ, mời bạn tìm ở Danh Mục để xem thêm.
● Con Người có thể Tái Sinh Làm Thú ?
Xem xét kỹ kinh Vedas và Upanishads của Ấn giáo, ta sẽ thấy là người Ấn thời xưa không tin vào triết lý này, mà tin như nhiều người học hỏi MTTL tin là ‘một khi làm người thì sẽ luôn là người’; nhưng tự nhiên là có ngoại lệ trong trường hợp ai có nhiều kiếp xấu liên tục lâu dài… Ta có thể đặt câu hỏi, ‘Làm sao ý tưởng như vậy lại có thể sinh ra từ triết lý chân thực ?’
– Đầu tiên, số phận của thể tình cảm là gì, và việc ấy ảnh hưởng ra sao, theo cách nào cho kiếp tới của một ai ?
– Kế đó, con người có ảnh hưởng gì với hằng triệu hạt nguyên tử mà năm này sang năm kia đi vào người họ thành cơ cấu thể xác, và họ - tức linh hồn - có trách nhiệm tới đâu về các ảnh hưởng này, phải làm gì với chúng trong kiếp sau vui hay buồn, có hay không có cơ hội ? Đây là những câu hỏi quan trọng.
Người học hỏi Theosophy nhìn nhận là sau khi thể xác chết đi, thể tình cảm hoặc cũng chết và tan rã ngay, hay thành vẩn vơ ở phần thấp của cõi trung giới gọi là Kama-loka. Nếu con người có nét tinh thần hay có khi được gọi là ‘rất tốt’ thì thể tình cảm của họ tan rã sớm; nếu là kẻ xấu xa, có tính duy vật thì thể tình cảm của họ vì quá thô kệch nên không dễ tan rã, phải chịu cảnh trôi nổi phất phơ trong Kama-loka, hiện ra ở nơi cầu hồn như là vong linh của ai đó đã khuất, và làm hại cho trí não người trần trong khi chính nó bị những đau khổ khác.
Nhiều người có thông nhãn thời nay (bài viết năm 1895) nói rằng vong linh như thế lấy dạng của thú tùy theo đặc tính chính của người đã khuất. Sách xưa đôi khi nói là những hình thô kệch ấy ở cõi trung giới, bởi có ái tính tự nhiên với loài thấp hơn thí dụ như loài thú, sẽ dần dần đi theo hướng ấy để sau cùng rơi vào cõi trung giới của thú vật, và cung cấp chất liệu mà thú vật cần cũng như con người cần. Dầu vậy nó không có nghĩa là con người đi vào một con thú, vì trước khi chuyện này xẩy ra linh hồn có thể đã trở lại trần với một thể xác và thể tình cảm mới.
Dân chúng không thể biết phân biệt này nên dễ dàng tin triết lý nói rằng con người trở thành con vật, rồi các giáo sĩ nương theo đó xác nhận và dạy như thế. Niềm tin ấy lan rộng, như Ba Tư có chuyện cổ ghi rằng ai ác độc tái sinh làm cọp và những con thú dữ dằn, còn trong truyện Tầu hay nói một dũng tướng có cầm tinh là con vật nào đó.
Nay tới một điểm quan trọng thường không được chú ý nhiều, là hạt nguyên tử trong thành phần cấu tạo nên các thể của con người. Mỗi linh hồn chịu trách nhiệm về cách mình sử dụng các thể nói chung, và những hạt nguyên tử trong thể nói riêng. Mỗi chúng ta để lại dấu ấn rõ ràng trong các hạt nguyên tử, qua tính chất rõ rệt và đường hướng mà hạt nguyên tử được dùng trong cuộc sống của mình. Mỗi người có bổn phận không phải chỉ với chính mình mà còn với hạt nguyên tử được sử dụng. Mỗi giây phút ta dùng rồi thải bỏ chúng ra ngoài, nên ta cần sống sao cho chúng có được đời sống cao hơn là đời của người, thay vì của thú.
Việc ta tạo ấn tượng và sự thúc đẩy sẽ:
– Hoặc khiến chúng có ái tính với thân xác người và não bộ,
– Hay cảm thấy bị thu hút về đời sống thú vật và cảm xúc thấp của loài thấp hơn.
Các vị thầy biết điều này nên dạy trò là nếu họ sống đời xấu xa, những hạt nguyên tử của họ sẽ đi xuống thấp thay vì lên trên. Nếu họ chậm lụt và thờ ơ, hạt nguyên tử nhận ấn tượng như thế sẽ trôi giạt vào côn trùng, đất đá. Trong bất cứ trường hợp nào, các hạt nguyên tử tượng trưng cho con người tới một mức nào đó, tựa như bàn ghế, y phục, khung cảnh trong nhà nói chung tượng trưng cho ta là người dùng chúng. Từ đây, người ta rốt cuộc tin là con người có thể tái sinh làm con vật như là cách thuận tiện và dễ dàng, để khuyên răn nhân gian giữ hạnh kiểm tốt.
Nói riêng về hạt nguyên tử, chuyện lý thú là có hai nguồn tài liệu đáng tin nhấn mạnh việc ta có trách nhiệm và bổn phận với chúng, làm thăng hoa chúng. Bởi giống như các loài tiến hóa thì hạt nguyên tử cũng tiến hóa; làn rung động thấp - sinh ra do cách sống, tâm tình, tư tưởng của người - làm hạt nguyên tử trong thể của họ thành nặng nề. Khi ấy người ta có việc phải làm là tinh lọc chúng, khiến chúng trở nên thanh khiết. Việc tinh lọc này được nhắc tới trong chuyện ‘Vòng Tái Sinh’, và trong sách ‘Con Đường Lành Bệnh’, có đăng trên PST và trang web.
● Cách Mạng Hoa Kỳ 1776 có được gợi hứng ?
Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, có ý kiến nói rằng thật ngạc nhiên là không có chỗ nào cho thần học giáo điều trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập hay Hiến Pháp của nước này. Có sự ngạc nhiên vì hai văn kiện ấy được soạn, và chính phủ được thành lập vào thời điểm mà giáo điều loại này hay kia chiếm thế thượng phong. Tuy những tín đồ Thanh giáo - Puritans và các phái khác đến châu Mỹ để có tự do tín ngưỡng, họ vẫn còn rất giáo điều và cố chấp với niềm tin của mình, nên nếu ta thấy trong Hiến Pháp - là luật căn bản của một nước - có gì về tôn giáo và giáo hội thì ta sẽ không lạ. Nhưng cho dù tìm ta vẫn không thấy, ai hỗ trợ giáo hội muốn đặt viên đá tảng cần thiết đã hoài công, và ngày nay (1884) Hoa Kỳ mừng vui vì chuyện, thấy có thể tăng trưởng với mức độ kỳ diệu làm Âu châu lạ lùng.
Việc hủy bỏ các nỗ lực của người cuồng tín năm 1776 là do các đạo sư mà về sau có can dự với hội Theosophy. Các ngài trông nom việc soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp, ấy là lý do ai nặng óc giáo điều Thiên Chúa giáo không thể chen chân để đem Thượng Đế vào hiến pháp.
Trong bản Tuyên Ngôn, nó nói tới tự do có từ ‘thiên nhiên và thần linh của thiên nhiên’. Trong câu 2 và 3 những quyền tự nhiên của con người được liệt kê, như quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nhà vua được nói tới như không xứng đáng là ‘quốc trưởng của một nước văn minh,’ không có gì nói ông là quốc trưởng Thiên Chúa giáo hay xứng đáng là người như vậy. Khi nói về người dân Anh, bản Tuyên Ngôn nói người ta ‘kêu gọi ý công bình và lòng rộng rãi của dân bản xứ.’ Tất cả những gì nói tới tôn giáo và Thiên Chúa giáo hay các điều răn của Chúa Trời bị loại hẳn. Và ở câu kết, những người ký vào văn kiện đồng cam kết ủng hộ bản Tuyên Ngôn, và gạt bỏ hoàn toàn mọi ý kêu cầu Thượng Đế.
Về hiến pháp 1787, lời mở đầu tuyên bố nó được soạn cho sự đoàn kết, cho công bằng, cho bình an và phòng vệ, cho sự tốt lành chung và tự do. Điều VI nói rằng sẽ không hề có đòi hỏi về tôn giáo để nắm chức vụ trong chính quyền, và Tu chính án thứ nhất ngăn cấm việc đặt để tôn giáo hay giới hạn việc tự do thi hành nó.
Các vị Đạo sư cao cả tìm người mà Hoa Kỳ cần, và thấy người ấy tại Anh, là ông Thomas Paine. Các ngài tạo ảnh hưởng khiến ông và ông Benjamin Franklin sang Hoa Kỳ. Thomas Paine thành người hô hào chinh cho việc các thuộc địa tách rời đế quốc Anh. Ông viết quyển Lương Tri - Common Sense là xúc tác làm cháy tiêu dây ràng buộc giữa Anh và Hoa Kỳ .
Trong quyển thứ hai The Age of Reason, ông viết ‘… có những ý nghĩ không do suy gẫm mà tự xẹt vào trí tôi …và tôi có được hết mọi hiểu biết nhờ chúng.’ Các ý này là do những Đạo sư đem vào não của ông. Ông viết: ‘Tôi thấy một quang cảnh mênh mông mở ra về tình hình tại Hoa Kỳ .’ Chuyện nhân vật khác là Benjamin Franklin cũng rất đáng nói. Năm 22 tuổi ông viết chơi lời trên mộ chí của mình, nhắc tới luật tái sinh khiến ta thầm hỏi làm sao ông biết luật đó:
“Thân xác của B. Franklin, nhà in sách, giống như bìa cuốn sách cũ, ruột bị móc hết, mất chữ mạ vàng, nằm đây làm thức ăn cho giun. Nhưng công trình không mất hẳn, vì ông tin là nó sẽ xuất hiện lần nữa trong ấn bản mới, được Tác Giả sửa chữa và hiệu đính lại.”
Đây là bài viết của ông William Q. Judge, còn ý kiến của HPB là các Chân Sư của hội không can dự vào cuộc cách mạng Hoa Kỳ mà theo ý riêng của bà, người của tổ chức Rosie Cross quả có đóng một vai trò lớn trong đó, tức người Âu châu định cư trên đất Mỹ. Bà cũng cho là không có gì nối kết ông B. Franklin với Theosophy của thế kỷ 19 là nhóm Rosie Cross; và cuộc cách mạng Pháp diễn ra nhờ ảnh hưởng của một Vị là Chân Sư Count de St. Germain.
● Độc Thân và Chuyện Tinh Thần
Có phải là cần sống độc thân để đạt tới mức cao nhất của đời tinh thần ?
Có nhiều cách để có phát triển cao nhất về phát triển đời tinh thần. Có những học viên huyền bí học chân chính cũng như có đạo sư cao cả đã lập gia đình và có con. (Thí dụ Pythagoras là tiền thân đức K.H.; đại sư Sri Yukteswar Giri thầy của Yogananda, và vị Thầy trong chuyện Vị Chân Sư). Sự thành đạt cao tột nhất chỉ đạt được tới khi người ta đã trải qua kinh nghiệm này. Trong một số điều kiện và vào một lúc nào đó, việc sống độc thân là sự trợ giúp lớn, nhưng nếu học viên là người đã lập gia đình thì bổn phận của họ là tiếp tục việc học tập trong điều kiện ấy, và thay vì thành rào cản; việc có gia đình sẽ là một giúp đỡ cho họ nếu học viên hiểu đúng đắn ý nghĩa của nó. Tất cả những bài học được dạy cho học viên chân chính về huyền bí học đến với họ trong đời sống hằng ngày, và qua những luật của thiên nhiên. Người độc thân mất vài bài học này - các bài học mà họ phải học không tránh được - vì họ vi phạm một luật lớn của thiên nhiên.
Hệ quả của tình trạng độc thân là học viên làm việc chỉ bằng trí tuệ. Nhưng công việc huyền bí chân chính cũng cần dùng đến quả tim. Người độc thân sẽ không hề học được một trong những điều huyền bí lớn của huyền môn, vì họ không đồng hành cùng Thượng đế, là thành người làm chủ lực sáng tạo.
Mời bạn đọc thêm ba bài Hôn Nhân, tìm trong Danh Mục - Đề Mục trên trang web PST, phần Đường Đạo.
● Có phải ăn chay là điều bắt buộc để có một đời sống tinh thần cao và sự an nhiên ?
Người ta có thể ăn cỏ, ngũ cốc, rau trái trong một triệu năm nhưng chuyện tự nó không sinh ra một đời sống tinh thần cao và an nhiên. Tất cả những điều này là trợ giúp, mà không phải là điều cần thiết. Ăn rau trái và không ăn thịt làm thanh lọc thể xác, khiến nó bớt nặng nề, bớt phần vật chất và bớt thú tính hơn. Nhưng món chi bổ dưỡng cho người này có thể là độc chất cho kẻ khác, vậy hãy theo cách nào bạn thấy là khôn ngoan nhất. Lại nữa kinh thánh ghi lời đức Jesus rằng:
– Không phải điều chi đi vào miệng làm nhơ uế người, mà điều chi đi ra mới làm họ dơ bẩn (tức lời nói, hành vi và tư tưởng) (Matt 15:11).
Trong huyền bí học chân chính, tư tưởng đúng đắn, động cơ chính đáng thì quan trọng hơn là bất cứ điều gì chỉ là hành động hay sự thực hành bên ngoài. Ai ăn chay mà không thay đổi bản tính cùng tư tưởng của mình, nghĩ rằng sẽ đạt chuyện tinh thần thì chắc chắn là không có được tiến bộ tinh thần nào.