ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB  (tt)

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

16 F Isabel Cooper-Oakley
Tháng 11 - 1884, Ai Cập.

HPB đến với ông Oakley và tôi (vào giữa tháng mười) và ở cùng với chúng tôi, cho đến khi chúng tôi bắt đầu đi Ấn Độ với bà. Nhà tại London gồm có HPB, em gái tôi (Laura Cooper), anh Archibald Keightley, ông Oakley, và tôi. Chúng tôi rời Liverpool đi Port Said trên đường tới Madras. Có sắp đặt là chúng tôi đi tới Cairo trước để lấy thông tin rõ rệt vể ông bà Coulomb, ở đó người ta biết nhiều về hai người này, vì tin về sự tráo trở của họ (đối với HPB) đã đến tai chúng tôi vài tháng trước.
Chúng tôi đến cảng Said ngày 17-11-1884 và ở đó vài hôm, chờ ông Leadbeater đến nhập bọn; khi ông tới chúng tôi lên tầu chở thư đi xuôi kinh Suez tới Ismailia, rồi lấy xe lửa đi Cairo. HPB là bạn du lịch hết sức lý thú, bà biết những điều khác nhau, rộng rãi cũng như lạ lùng, về mỗi phần của Ai Cập. Giá mà có chỗ để tôi kể chi tiết khoảng thời gian đó ở Cairo, dọc đường đi ngang qua phố xá kỳ lạ và nên thơ, và mô tả của bà về dân chúng và cảnh sống của họ.
Đặc biệt đáng chú ý là một buổi trưa dài ở viện bảo tàng Boulak trên bờ sông Nile, HPB làm ông (Gaston) Maspero, nhà Ai Cập học nổi tiếng, kinh ngạc với hiểu biết của bà; khi chúng tôi đi trong viện bảo tàng bà chỉ cho ông thấy những thứ bậc của các Đạo Vương, và cách họ được biết tới về mặt bí truyền. Rời Cairo, HPB và tôi đi thẳng tới Suez. Ông Oakley ở nán lại Cairo để lấy tài liệu của sở cảnh sát về ông bà Coulomb; rồi ông Leadbeater đến nhập bọn với chúng tôi tại Suez.

16 G C.W. Leadbeater
Tháng 11 - 1884, Ai Cập

Thời đó không có xe lửa chạy từ cảng Said, và cách duy nhất để chúng tôi có thể tới Cairo là đi dọc theo kinh đào Suez tới xa nhất là Ismailia, từ đó chúng tôi có thể đi xe lửa tới thủ đô. Chúng tôi đi dọc theo kinh đào trên tầu nhỏ chạy bằng hơi nước tựa như tầu kéo. Mỗi ngày tầu rời cảng Said lúc nửa đêm và tới Ismaila vào sáng sớm.
Trong ánh sáng ban mai vàng nhạt của Ai Cập, tầu chúng tôi đậu vào bến ở Ismailia. Còn vài giờ nữa xe lửa mới chạy, nên chuyện hữu lý là tìm khách sạn ăn sáng. Tới giờ thì chúng tôi lên xe lửa. Trên đường đi bà Blavatsky vẽ ra cho thấy viễn ảnh tối tăm nhất của phần số chúng tôi.
– Ah, người Âu châu các bạn, bà nói, các bạn tưởng mình sắp bước vào con đường huyền bí học và thắng lướt mọi khó khăn; các bạn không biết trước mặt mình có gì; các bạn chưa đếm những đổ vỡ dọc đường như tôi đã đếm. Người Ấn biết chờ đợi chuyện chi, và họ đã trải qua các thử thách và tranh đấu mà có tưởng tượng các bạn cũng không hình dung ra được, nhưng bạn, tội cho người yếu đuối, các bạn làm được gì ?
Bà tiếp tục tiên tri như vậy, đều đều giọng tới phát điên, nhưng nhóm cử tọa không dám thay đổi đề tài vì tôn kính bà quá. Chúng tôi ngồi bốn góc trong toa xe, bà Blavatsky ngồi đối diện với đầu máy, ông Oakley ngồi đối diện với bà với vẻ cam chịu của thánh tử đạo Thiên Chúa giáo; còn bà Oakley khóc nức nở, với vẻ mặt càng lúc càng kinh hãi, ngồi đối diện với tôi.
Thời đó xe lửa đốt đèn dầu khói um, và ở giữa trần mỗi toa có một lỗ tròn lớn để nhân viên gắn đèn vào bằng cách chạy trên mái xe. Lúc đó ban sáng nên không có đèn, cả ông Oakley và tôi ngồi ngửa ra sau ở chỗ của mình, thành ra hai người cùng nhìn thấy vật giống trái banh như sương mờ thành hình trong lỗ ấy, và một lát sau nó cô đọng thành tờ giấy gấp lại, rơi xuống sàn tầu của toa chúng tôi. Tôi cúi người tới trước, nhặt nó lên, và lập tức đưa cho bà Blavatsky, nghĩ rằng thư liên lạc bằng cách này phải là cho bà. Bà lập tức mở nó ra đọc, và tôi thấy mặt bà ửng đỏ lên.
– Chà, bà nói, tôi muốn báo cho các bạn về những khó khăn trước mặt thì được đáp lại như vầy đây, và bà thẩy tờ giấy cho tôi.
– Tôi đọc được chứ ạ ? tôi hỏi, và bà chỉ đáp,
– Thế tôi đưa cho anh để làm gì ?
Tôi đọc và thấy đó là mẫu thư ký tên đức K.H., gợi ý rất nhẹ nhàng tuy thật rõ, rằng có lẽ ấy là chuyện đáng tiếc khi bà có vài ứng viên nồng nhiệt, hăng hái mà lại cho họ ý niệm sầu thảm quá về con đường - dù có thể khó ra sao đi nữa - chót hết đưa họ tới niềm vui không sao tả được. Và mẫu thư chấm dứt với vài lời khen tốt lành cho mỗi chúng tôi với tên viết rõ. Câu viết riêng cho tôi là:
– Nói với Leadbeater rằng ta hài lòng với sự hăng hái và hết lòng của ông.
Tôi không cần phải nói là tất cả chúng tôi khoan khoái và lên tinh thần hơn, đầy lòng biết ơn; nhưng tuy không lời trách cứ nào có thể viết nhẹ nhàng hơn nữa, thấy rõ là bà Blavatsky không vui. Trước khi có cuộc trò chuyện, bà đang đọc một cuốn sách mà bà muốn viết bài điểm sách cho tờ Theosophist, và bà vẫn còn ngồi với cuốn sách mở trên đầu gối và tay cầm dao rọc sách. Nay bà đọc trở lại, vừa đọc vừa cầm dao phủi bụi sa mạc (từ cửa sổ tuôn vào) khỏi trang giấy. Ông Oakley nhổm người tới trước đưa tay như muốn đóng cửa sổ; nhưng bà Blavatsky nhìn ông bực bội và la lối.
– Ông dính tí bụi thì có sao đâu, hở ?
Tội nghiệp ông Oakley rụt trở lại vào góc của mình như con ốc chui vào vỏ, và bà không thốt thêm lời nào cho tới khi chúng tôi đến Cairo. Bụi làm khó chịu thật, nhưng sau khi bà nói như thế thì chúng tôi nghĩ tốt nhất là làm thinh chịu đựng.

16 H Isabel Cooper-Oakley
Tháng 12-1884 đến tháng 3 - 1885, Adyar, Madras.

Khi rời Cairo, HPB và tôi đi thẳng tới Suez. Sau hai ngày chờ tầu chạy bằng hơi nước, chúng tôi đi Madras. Ông Olcott và mấy hội viên đón chúng tôi ở Colombo (Ceylon), và chúng tôi ở đó gần hai ngày, đi xem vài chùa Phật giáo hết sức thích thú, có cuộc thăm viếng  thật đáng nói vị sư trưởng Sumangala, người có lòng rất quí chuộng HPB.
Sau đó chúng tôi đi Madras. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh ngộ nghĩnh lạ lùng khi chúng tôi đến Madras ngày 21 tháng 12. Một phái đoàn với dàn kèn đồng đi theo, xuống thuyền nhỏ ra đón chúng tôi; nhưng tiếng nhạc bị loãng chút ít, do việc sóng nhồi lớn quá nên dàn nhạc có lúc ở đầu lượn sóng to và khi khác thì gần như chìm lỉm giữa hai đợt sóng lớn. Khi lên bờ ở cầu tầu, hằng trăm người đến chào mừng HPB, và chúng tôi được xe vận tải trang hoàng hoa giấy khắp xe v.v. chở đi từ cầu tầu, có bao gương mặt sậm đen tươi cười chung quanh.
Bà được chở tới Pachiappah Hall, ở đó những vòng hoa hồng quấn quanh cổ chúng tôi cũng như nước hoa hồng rải đầy lên chúng tôi. Xong một hoàng thân chở HPB và tôi đến Adyar. Ở đây sự chào đón nồng nhiệt nhất đang chờ bà. Hội viên khắp nơi trong xứ Ấn về dự đại hội của Hội; chúng tôi đi vào sảnh đường lớn và lập tức thảo luận trường hợp ông bà Coulomb đang làm mọi người bận tâm.
Rồi ông Olcott cho chúng tôi hay là hội Nghiên Cứu Tâm Linh (London) đã gửi người tới điều tra sự việc; y như thế vài ngày sau đó ông Richard Hodgson từ Cambridge đến. Ông sinh ở Úc châu. Tôi tin chắc là nếu một người lớn tuổi hơn được gửi tới, ai có kinh nghiệm hơn và xét đoán chin chắn hơn thì vụ Coulomb sẽ được trưng cho thế giới theo một cách khác. Việc điều tra của ông Hodgson không được tiến hành  với tinh thần không thiên vị, và khi nghe ai nấy bảo bà Blavatsky là kẻ mạo danh, ông bắt đầu tin như thế; sau vài phỏng vấn với bà Coulomb và các nhà truyền giáo, chúng tôi thấy quan điểm của ông quay sang chống phe thiểu số.
Bản tường trình của ông không chính xác, vì ông bỏ sót mấy chứng cớ giá trị về các hiện tượng mà ông Oakley và tôi đưa cho ông. Bà Blavatsky và ông Olcott đối đãi với ông hết sức nhã nhặn và thân thiện, và cho ông mọi cơ hội để xem xét hết các góc, kẹt tại Adyar; thế nhưng ông thích nghe và tin lời chứng của một người giúp việc bị sa thải, có tư cách xấu mà lúc đó ai cũng biết, hơn là lời chứng của HPB và thân hữu của bà, những người không vì lợi lộc tiền bạc khi đưa ra chứng cớ của họ.
Cửa tủ và vách kéo đều do ông Alexis Coulomb làm trong lúc HPB vắng mặt, và vợ ông bán đứng tư cách của HPB cho các nhà truyền giáo, cũng như làm giả các thư mà bà đưa cho họ xem; còn HPB trước đây đã cứu bà khỏi chết đói. Ai có óc thông minh bình thường và lương tri có thể thấy là cửa tủ và vách kéo còn rất mới, mới tới độ không kéo được, rãnh còn mới quá không có dấu nào cho biết là đã được dùng như ông Oakley và tôi thấy, khi chúng tôi tìm cách mở cánh cửa kéo lớn nhất. Nếu chúng tôi hợp lực mà không làm được, thì chắc chắn việc nghĩ bà Blavatsky có thể dùng chúng làm trò gạt gẫm là chuyện kỳ khôi. Tuy nhiên ông Hodgson quá thiên về ý muốn có ‘thành công’ nên gạt qua bên những sự kiện giản dị, thông thường này.
Lập tức ngay sau đại hội kết thúc, ông rời trụ sở hội ở Adyar ra Madras sống, cho tới khi cuộc diều tra của mình chấm dứt.
Ảnh hưởng của nỗi lo này là HPB ngã bệnh nặng. Ông Olcott đã đi Miến Điện, chỉ còn lại tương đối có mình ông Oakley và tôi ở với bà. Trong ba tuần lễ đó ngày giờ mà tôi chăm sóc bà thật đầy lo âu, vì bệnh bà ngày càng nặng thêm và tới cuối thì bị hôn mê làm y sĩ phải chạy. Sự việc cho thấy ảnh hưởng che chở HPB tuyệt vời ra sao, lúc đau cũng như lúc mạnh, vì tuy tôi với bà hoàn toàn cô lập, ở gần mái nhà có một cầu thang ngoài trời dẫn lên cao, chung quanh không có ai, vậy mà hằng đêm tôi đi lên xuống mái nhà phẳng để thở khí trời giữa 3 - 4 giờ sáng, ngắm nhìn tia nắng rạng đông chiếu trên vịnh Bengal, tôi tự hỏi sao mình không chút sợ hãi ngay cả khi bà nằm có vẻ như sắp chết; tôi không thể tưởng tượng là quanh HPB có gì phải sợ hãi.
Chót hết tới một đêm khi y sĩ bó tay, và nói rằng không thể làm gì được nữa, chuyện thành bất khả. Lúc ấy bà hôn mê đã nhiều tiếng rồi. Y sĩ cho hay bà sẽ đi trong tình trạng ấy và tôi biết, nói theo suy nghĩ bình thường, buổi canh bệnh tối nay phải là buổi cuối cùng. Tôi không thể nói thêm ở đây việc gì xẩy ra, đó là một kinh nghiệm không sao quên được; nhưng tới tám giờ sáng HPB đột nhiên mở mắt và muốn ăn sáng, lần đầu tiên bà nói chuyện tự nhiên từ hai ngày qua. Tôi đến gặp y sĩ, họ kinh ngạc quá với thay đổi như vậy còn HPB nói.
– Ah ! thầy thuốc, ông không tin vào các Chân Sư cao cả của chúng tôi.
Bà bình phục dần từ hôm ấy. Y sĩ khăng khăng là bà đi Âu châu càng sớm càng hay.

16 J Henry S. Olcott
7-8 tháng 2 - 1885, Adyar, Madras, Ấn Độ.

Chân Sư của chúng tôi (Morya) lại cứu HPB khỏi tay tử thần. Vài ngày trước bà nằm chờ chết và có điện tín gửi tôi ở Miến Điện kêu về, với viễn ảnh là có rất ít cơ may gặp được bà còn sống. Nhưng khi ba y sĩ cho rằng bà sẽ chìm sâu vào sự hôn mê và chết đi không ý thức, Ngài đến, đặt tay lên người bà và trọn câu chuyện thay đổi.
Ngày trước buổi hôm qua chuyện tệ tới nỗi Subba Row và Damodar ngã lòng, hốt hoảng và nói hội Theosophia sẽ tan vỡ. Nào, hôm qua có một yogi người Ấn tới, mặc bộ y thông thường mầu vàng, có một bà mà người ta tin là nữ đệ tử đi theo, trông có vẻ khắc khổ. Tôi được kêu tới và đi vào rồi ngồi xuống, chúng tôi yên lặng ngó nhau. Ông nhắm mắt lại, định tâm và gửi tôi ý không lời.
Ông được Chân Sư (Narayan) ở Tirivellum (Vị đọc cho HPB bài ‘Trả Lời một Hội Viên người Anh’) để trấn an rằng tôi sẽ không để bị lẻ loi. Ngài nhắc cho tôi nhớ cuộc trò chuyện của tôi với (Damodar) và (Subba Row). Và ngài hỏi tôi (trong trí) là có phút nào tôi tin rằng ngài, người luôn chân thực với tôi, sẽ để tôi lo liệu một mình không được trợ giúp ?
Rồi ông và người nữ đệ tử đi vào phòng bệnh của HPB, và ngược lại với cách hành xử của người Ấn cho phụ nữ như vậy, bà đi thẳng tới HPB vuốt khắp người, và theo lệnh của ông bắt đầu đọc chú ngữ mantram. Xong ông lấy trong áo một khối to bằng trái cam, là tro thánh dùng trong đền thờ Ấn giáo để xoa lên người sau khi tắm, và kêu nữ đệ tử đặt nó vào tủ nhỏ de ra trên đầu giường của HPB. Ông cho bà hay là khi nào cần đến ngài thì chỉ tượng hình ngài như là hình thể thấy được hiện thời, và nhắc trong trí tên ngài ba lần. Có nói chuyện thêm một chút xong họ ra đi.

Chương 17
Từ Ấn Độ tới Ý và Đức, 1885 - 6.

Vào ngày 24 tháng 6 - 1885 hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Society for Psychic Research SPR) mở cuộc họp mà Charles Johnston tham dự, trong đó ông Richard Hodgson có bài tường trình sơ khởi cuộc điều tra của ông về những hiện tượng của bà Blavatsky (bài 15A). Cuộc tấn công dữ dội của ông bà Coulomb vào bà Blavatsky gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bà, nên bà rời Ấn Độ đi Âu châu, tới Ý đầu tiên. Cuối tháng bẩy, HPB rời Ý và sau khi ghé St. Cerues, Thụy Sĩ một lúc ngắn, bà đến Wurzburg, Đức khoảng giữa tháng tám. Ở đây nhiều thân hữu tới thăm, trong đó có ông bà Sinnett (bài 15B) trước khi bà soạn bộ The Secret Doctrine. Cuối năm đó trong lúc viết tác phẩm này, nữ bá tước Watchmeister đến với HPB, thành bạn ở cạnh bà. Cảnh sống lặng lẽ, viết lách của họ bị gián đoạn vào ngày cuối năm, lúc HPB nhận được bản tường trình của SPR.
Tại Wurzburg, HPB tiếp tục công việc với bản thảo The Secret Doctrine, dùng nhiều kỹ thuật khác thường. Cùng lúc ấy, cũng có nhiều khách đến thăm trong đó có Emily Kislingbury và ông bà Gustav và Marie Gebhard. Đầu tháng năm, nữ bá tước Watchmeister rời Wurzburg cùng Marie Gebhard đi Áo thăm ông Franz Hartmann, và  HPB cùng cô Kislingbury đi nghỉ hè ở Osten, Bỉ vào cùng lúc. Tuy vậy, ông Gustav Gebhard thuyết phục bà ghé thăm ông ở Elberfeld (một thị trấn của Đức trong thung lũng Ruhr, nay thuộc về thành phố Wuppertal.) Ở đó em của HPB là Vera Zhelihovsky và con gái là Vera đến thăm bà (về sau cô Vera thành hôn với Charles Johnston).

17A Charles Johnston
1885, London

Trong năm 1884, hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Society for Psychic Research SPR) rất chú ý đến hiện tượng mô tả trong quyển The Occult World của ông Sinnett, và tạp chí The Theosophist của bà Blavatsky, và chỉ định một tiểu ban xem xét các hiện tượng. Họ cho ra bản tường trình sơ khởi rất thuận lợi, rồi có quyết định bổ sung công việc mở đầu ấy với thêm điều tra tại Ấn Độ, và một học viên trẻ tuổi về các hiện tượng tâm linh, ông Richard Hodgson, được cử đi Ấn Độ làm chuyện ấy.
Trong thời gian đó, nhiều chuyện xẩy ra tại Adyar, gần Madras, trụ sở của hội Theosophia. Trong khi bà Blavatsky và ông Olcott đang ở Âu châu và vắng mặt tại đây, hai người giúp việc tại trụ sở là ông bà Coulomb, nhiều năm được cho cư ngụ tại trụ sở hội ở Bombay và Madras, được yêu cầu ra khỏi khuôn viên. Họ bị cáo buộc là thâm lạm tiền bạc, nói xấu và lừa đảo, khiến để họ ở lại trong trụ sở như là người tin cẩn không còn thích hợp.
Sau đó hai người trả đũa bằng cách tấn công bà Blavatsky; một tổ chức truyền giáo Thiên Chúa giáo ở Madras làm lớn chuyện, nói rằng hiện tượng ghi trong quyển The Occult World và ở sách vở khác là trò dối gạt, và nhiều hiện tượng đó là do ông bà Coulomb làm ra, nay hối tiếc về lỗi lầm của mình. Họ cũng cho in ra các thư nói rằng do bà Blavatsky viết đưa tới cáo buộc gian lận; nhưng nguyên bản các thư này không hề được đưa ra để có xem xét công minh, và phó bản của chúng thì đầy lỗi văn phạm, có tính thô tục và xấu xa, không giống chút nào với những thư thật của bà. 
Ông Richard Hodgson tới Ấn không lâu sau khi cuộc tấn công mở ra. Ông tỏ ra thích tư tưởng và phương pháp của hai người này tự tố cáo là họ đã lừa đảo, và trên thực tế ông chấp nhận quan điểm và chủ trương của họ, về trọn câu chuyện hiện tượng mà ông được gửi sang để điều tra. Ông ở một thời gian ngắn tại Ấn Độ và quay trở về Anh đầu năm1885. Vào cuối tháng sáu 1885, ông đọc một phần bản tường trình của mình về hiện tượng trong buổi họp của SPR.
Buổi họp ấy đánh dấu một giai đoạn trong thái độ của dư luận đối với phong trào TTH. Đã sẵn không có thiện cảm từ hồi nào đến giờ, dư luận sau đó có thù nghịch rõ ràng và không tin. Bà Blavatsky bị xem như là kẻ mạo danh, và thân hữu của bà là người điên khùng. Công chúng chấp nhận quan điểm của ông Hodgson không thắc mắc hay xem xét. Tôi có mặt ở buổi họp định mệnh ấy cùng với nhiều người khác. Sau khi ông Hodgson đọc bài tường trình của ông, thành viên của tiểu ban đi gặp cử tọa để thảo luận nó. Ông F.W.H. Myers là một trong những người làm vậy. Khi ông hỏi cuộc họp cho tôi cảm nghĩ gì, tôi nhớ mình trả lời là trọn câu chuyện hết sức không công bằng đầy tai tiếng, và nếu chưa phải là hội viên của hội Theosophia thì tôi nên vào hội ngay lập tức, dựa trên cách làm việc của ông Hodgson.

17 B A.P. Sinnett
Tháng 4 - 10, 1885, Wurzburg, Đức - Tổng hợp

Rời Ấn Độ, bà Blavatsky tới Naples, Ý vào tháng tư 1885 và đến ngụ khách sạn tại Torre del Greco gần đó. Bà chỉ ở vài tháng tại Torre del Greco rồi đi tới Wurzburg, Đức. Nhà tôi và tôi đến thăm bà tại Wurzburg, trong chuyến đi mùa thu của chúng tôi năm 1885. Bà ở tại số 6 đường Ludwigstrasse. Bộ The Secret Doctrine chưa được soạn hồi tháng chín 1885, khi nhà tôi và tôi gặp bà. Chúng tôi thấy chỗ của bà ở ít tiền, nhưng thoải mái và yên tĩnh, lúc ấy vui do bà dì Fadeyev của bà có đó. Lẽ tự nhiên bà đầy giận dữ về cách xử sự sai lầm của SPR mà bà phải chịu đựng. Dầu vậy, nói chung thấy sức khỏe và tinh thần bà khá hơn là chúng tôi tưởng, và vài triệu chứng khởi đầu cho thấy nay mai sẽ có việc chuẩn bị cho cuốn The Secret Doctrine.
Khoảng một tháng sau khi chúng tôi về London vào tháng mười, tôi nhận được thư của bà Blavatsky, trong đó bà viết:
– Tôi hết sức bận rộn với Secret D.. Chuyện ở New York (ý muốn nói khung cảnh viết của bộ Isis) nay có lại, chỉ có điều rõ ràng hơn và hay hơn. Tôi bắt đầu nghĩ nó sẽ chứng thực cho chúng tôi. Bao hình ảnh, khung cảnh bao la, cảnh tượng, chuyện thời xa xưa, có đủ hết ! Chưa hề thấy hay nghe gì hay hơn vậy.
The Secret Doctrine là thành quả tột đỉnh cho công trình sáng tác của HPB. Cuốn I liên can chính yếu đến cuộc tiến hóa của vũ trụ. Phần đầu là bẩy câu kinh dịch từ sách Book of Dzyan, với HPB viết bình luận và giải thích. Kế tiếp là phần dài, soi sáng các biểu tượng căn bản trong các tôn giáo lớn và thần thoại của thế giới. Bộ II có thêm những câu kinh trong sách Book of Dzyan, mô tả sự tiến hóa của con người.

Chương 18
Bỉ và Anh, 1886 - 1887

Tháng bẩy 1886 HPB tới ở tại Osten, Bỉ và tiếp tục viết bộ The Secret Doctrine. Đầu năm 1887 một số hội viên người Anh thúc giục HPB sang London, để nơi này thành trung tâm cho công cuộc Theosophia tại đó. Dầu vậy vào đầu tháng ba, HPB đau nặng vói thận bị nhiễm trùng. Các y sĩ, cả Bỉ và Anh, cho rằng bà chỉ còn sống một lúc ngắn; bà viết di chúc và chỉ dẫn chuyện phải làm với xác của mình. Nhưng qua đêm đột nhiên bà có lại sức khỏe, nói rằng Thầy của mình cho có chọn lựa giữa việc bỏ xác hay tiếp tục sống để hoàn tất bộ The Secret Doctrine. Tháng năm 1887, bà dời chỗ sang Anh với sự giúp đỡ của Bertram và Archibald Keigthley (hai chú cháu với cháu hơn chú một tuổi).
(còn tiếp)