CHUYỆN AFGHANISTAN
Chuyện Afghanistan
Ian Robinson người New Zealand bị thu hút với núi non hùng vĩ, vắng lặng của Afghanistan nên đi du lịch Afghanistan năm 2010, tới thung lũng Bamiyan sau khi hai tượng Phật ở đó đã bị quân Taliban cho nổ sập. Anh nói chuyện với Mansoor - người hướng dẫn du lịch - về chuyện Phật giáo đã biến mất trong vùng…
– Nhưng nó chưa mất hẳn đâu. Mansoor chữa lại tôi, có một người ở gần Bamiyan là Phật tử.
– Họ là người Afghan à ? Tôi hỏi, ngạc nhiên là có thể có chuyện ấy trong nước theo đạo Hồi và đe dọa sẽ hành quyết một người Afghan đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo mấy năm trước.
– Phải, anh ta là Phật tử Afghan, có lẽ là người độc nhất như vậy.
Hôm sau Mansoor lấy xe đưa tôi ra khỏi thị trấn vài cây số.
– Abdul ở đây.
Mansoor bảo tôi khi xe rời đường chính quẹo vào đường làng.
Giữa những cánh đồng lúa mì và cây ăn trái là vườn có tường quen thuộc bao quanh căn nhà xi măng. Đằng trước có hai trẻ nhỏ chơi đùa, con của Abdul, cười nhút nhát trước hình dáng của người ngoại quốc và chạy trốn vào nhà.
– ‘Salam alakum, beshin.’ Abdul mời tôi ngồi xuống và nói vọng vào bếp với vợ, kêu mang trà và hạt hạnh nhân ra mời khách. Mansoor dịch câu hỏi lịch sự nhưng dè dặt của Abdul, muốn biết tôi là ai. Chuyện mau lẹ thấy rõ sự kiện làm người Afghan mà không theo Hồi giáo, trong nước Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan, là ở trong vị thế mong manh. Abdul bảo tôi.
– “Theo tôi biết thì tôi là người Afghan độc nhất theo Phật giáo. Trước mấy cuộc chiến có vài Phật tử người Ấn ở đây nhưng họ bỏ đi rồi. Tự nhiên là một ngàn năm trước đây trọn vùng này theo Phật giáo.
“Tôi là người Afghan và ba tôi theo Hồi giáo, nhưng tôi nghĩ tôn giáo không là điều phải chỉ do cha mẹ cho con cái, nó còn có tính riêng tư hơn thế. Trước khi quân Taliban đến, tôi đã có tiếp xúc nhiều với những người Nhật tới đây nghiên cứu về Phật giáo. Vài người trong nhóm là Phật tử và tôi bắt đầu tự mình tìm hiểu đạo Phật.
“Tôi nhận thấy là nó không có chi sai lầm, nó không chống lại Hồi giáo, và không có gì cần tranh chấp. Tôi nghĩ, ‘Nếu mình là tín đồ Hồi giáo tốt thì mình cũng là Phật tử.’ Khi đó tôi quyết định ấy là con đường tôi có thể đi theo. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đâu.”
Trong khoảng thời gian Taliban làm chủ, Abdul ở tại Bamiyan, giữ kín đạo của mình có lẽ là để giữ mạng sống.
– Có mấy người quanh đây biết tôi là Phật tử, nhưng họ là bạn. Họ biết tôi và họ chấp nhận điều đó.
– Abdul giữ chức vụ quan trọng trong vùng này, Mansoor thêm vào, tuy rõ rệt là gì thì tôi (Ian) không biết.
Anh được dân chúng kính trọng, có người còn sợ anh, điều ấy giúp anh làm Phật tử mà không bị ai khác quấy rầy. Nếu là người nghèo không có địa vị gì chuyện sẽ khác đi; anh có thể bị tấn công, luôn cả bị sát hại.
Con nhỏ của Abdul trèo lên lòng ba và ngồi đó, nhoẻn miệng cười với tôi trong lúc chúng tôi trò chuyện.
– Tôi không nghĩ chuyện tệ như vậy đâu ! Abdul cười lớn. Sao đi nữa không có ở Bamiyan, nhưng ở mấy chỗ khác trong Afghanistan thì chuyện có thể khác hẳn. Nhưng có nhiều người trong nước không sợ Phật giáo hay Ấn giáo. Thời buổi này có nhiều phim Ấn Độ trên truyền hình, chúng tôi thấy người Ấn thực hành đạo của họ, cúng bái thần thánh của họ mà chẳng ai màng, ngay cả giáo sĩ Hồi giáo mullah cũng thiệt ra không để tâm, vì ai cũng biết là thông thường các Phật tử và người theo Ấn giáo không tìm cách khuyến dụ người khác cải đạo sang đạo của họ.
Thiên Chúa giáo thì lại là điều khác. Có vẻ như dân chúng vẫn chưa quên mấy cuộc thánh chiến của Thập Tự quân, và đặc tính muốn cải đạo người khác của Thiên Chúa giáo làm người Afghan theo Hồi giáo sợ hãi. Abdul nói tiếp.
– Người ta thấy bị Thiên Chúa giáo đe dọa. Tôi không biết họ có nên nghĩ như vậy hay không. Dù sao thì sự thật là họ sợ; đó là cảm nhận của họ. Hai năm trước có khoảng ba trăm người Nam Hàn tới Bamiyan. Ban đầu họ được đón tiếp nồng hậu vì chúng tôi không biết họ tới đây làm gì. Chúng tôi nghĩ họ phải là nhân viên cứu trợ đến để giúp chúng tôi, nhưng rồi họ đi ra chợ và gõ cửa nhà người nghèo để cho hình ảnh của đức Jesus. Họ nói với dân làng những điều như ‘Nước chúng tôi giầu và phát triển vì chúng tôi theo Thiên Chúa giáo. Đức Jesus giúp chúng tôi, và nếu các bạn theo đạo Thiên Chúa thì các bạn cũng thành giầu có luôn.’
Chẳng bao lâu hành động của người Nam Hàn bắt đầu làm dân địa phương bực bội. Ở Bamiyan, Mansoor bảo tôi, người ta sợ chuyện có thể dẫn tới xô xát. Các giáo sĩ Hồi giáo trong vùng họp lại, và kết quả là người truyền giáo được yêu cầu ra khỏi nơi đây.
Với Abdul chuyện hết sức khó nếu anh muốn tỏ ra theo đạo Phật một cách công khai, và anh không có kinh sách. Dù sao thì cũng không có mấy sách viết bằng tiếng Ba Tư về Phật giáo, và không có cộng đồng các đạo hữu hỗ trợ thì có rất ít cơ hội để có thảo luận về đạo giáo.
– Trong tương lai chúng tôi muốn thấy Afghanistan cởi mở hơn, thành nơi mà người ta có thể chọn bất cứ đạo nào họ muốn theo. Abdul nói tiếp. Khi người ta thấy an ổn hơn, họ sẽ không cảm thấy bị đe dọa nếu hàng xóm là người khác đạo. Đầu tiên, ta cần người dân chẳng màng nếu có ai đó theo tín ngưỡng khác, rồi ta cần họ chấp nhận. Nhưng tôi nghĩ ta đang nói chuyện ít nhất trong năm mươi năm sau mới có, và chỉ xẩy ra nếu sự việc diễn tiến tốt lành ở Afghanistan.
Tôi nhớ có lần đọc một câu nói của một vị đại sư Phật giáo rằng ‘Ai thực hành chánh pháp ở nơi mà đạo pháp không còn, thì công đức vô lượng.’ Tôi kể cho Abdul nghe, anh mỉm cười và đáp.
– Phải, tôi nghĩ chuyện hay là có đạo Phật hiện diện ở đây; nó là lịch sử của chúng tôi và ta không nên quên lãng nó.
Chúng tôi bắt tay nhau khi từ giã, và tôi chúc Abdul mọi sự lành trước khi hỏi anh câu cuối.
– Anh nghĩ sao khi quân Taliban phá hủy các tượng Phật ?
Anh nhún vai và lắc đầu.
– Cái gì đã xẩy ra thì đành vậy thôi.
Trich:
Tea with the Taliban
Ian D. Robinson