TÍNH DỬNG DƯNG THIÊNG LIÊNG
Tính Dửng Dưng Thiêng Liêng
Trong giai đoạn đầu của việc phát triển tinh thần, dù biết rằng ta là linh hồn dùng ba thể ở các cõi thấp để học hỏi, điều ấy đối với ta vẫn nhiều phần là lý thuyết và ta thường đồng hóa mình với thân xác, tình cảm và trí tuệ.
– Hoặc ta chú trọng nhiều vào tình trạng cơ thể, lo lắng mỗi khi ‘ể mình’, nhức đầu sổ mũi.
– Hoặc tình cảm quan trọng đối với ta, và ta có phản ứng mạnh mẽ mỗi khi có khuấy động làm ta vui / buồn, hăng hái / sầu não.
– Hoặc khăng khăng rằng quan điểm - nhận xét của ta là đúng, và ý người khác không đáng giá bằng.
Sự đồng hóa này còn có thể dẫn tới vài tính sau.
– Quan tâm nhiều vào cái tôi
– Óc chỉ trích
– Thiếu tình thương
Tất cả những tâm tình này không thích hợp cho phương pháp của thời đại mới là làm việc trong nhóm. Để chữa lại thì có đề nghị ta tập có tính vô ngã impersonal và lòng dửng dưng thiêng liêng, hai ý này liên quan với nhau vì ý trước sinh ra ý sau, và chúng là đặc điểm của người đã hiểu biết, hiểu được lẽ Đạo. Tuy nhiên ý dễ bị hiểu lầm nên có lẽ cần nói về nó một chút. Vài cảnh ngộ sau cho giải thích chi tiết về ý:
– Tính vô ngã là bước đầu tiên trên đường tới tình thương và hiểu biết tinh thần. Nỗ lực của đa số người chí nguyện chân thành thường là tập trung vào việc thương yêu nhau, mà khi làm như vậy là nói như tục ngữ, “Lo chạy trước khi biết đi”,, thay vì ngược lại. Điều họ cần làm trước tiên là có lòng vô ngã trong cách xử sự với nhau, vì khi làm được vậy thì óc chỉ trích, phê bình sẽ tàn lụi và tình thương có thể tuôn vào.
Ta được khuyên khi có sinh hoạt trong nhóm, trong chi bộ, thái độ đúng đắn là học cách nhìn những gì ai khác nói ra hay đề nghị với lòng dửng dưng thiêng liêng hoàn toàn, và đã được cẩn thận làm nẩy nở. Chữ ‘thiêng liêng’ nắm giữ manh mối của thái độ cần có. Nó khác với lòng dửng dưng “I don’t care” chẳng lý tới ai hay chuyện gì, hay sự dửng dưng như là phản ứng tâm lý, được tạo ra để ‘thoát’ điều chi không dễ chịu; và nó cũng không phải là tánh dửng dưng vì kênh kiệu.
Nó là sự thản nhiên chấp nhận tất cả những gì đưa ra, dùng điều chi có thể dùng được, học việc chi có thể học được mà không bị ngăn trở vì phản ứng của phàm nhân. Ấy là thái độ bình thường của linh hồn hay chân ngã với điều không phải là cái ngã thực. Nó là sự gạt bỏ tiên kiến, mọi ý tưởng hẹp hòi đã có trước, mọi thói quen, lề thói của cái tôi, mọi ảnh hưởng hay quá trình.
Một cách làm là thanh tẩy trí não, tập loại bỏ khỏi tâm trí mọi tư tưởng chỉ trích và không tốt lành, để có thể đạt tính dửng dưng thiêng liêng đối với những cái ngã phù du và thoảng qua, với rối loạn thấy ở khắp nơi, và nỗ lực hướng về thái độ của Thiên Đoàn. Người chí nguyện trên lý thuyết có tính vô hại, nhưng thực ra có đầy thành kiến và xét đoán vội vàng. Họ được sử dụng để trợ giúp nhân loại mà các Vị dùng họ luôn luôn gặp trở ngại vì các tính chất này.
Lòng vô ngã có thể tập bằng cách có sự dửng dưng đối với ham muốn, mục tiêu và tiếp xúc có tính cá nhân. Ta được dạy cách để có nó là sự quên mình, chuyển hướng tâm thức vào linh hồn thay vì vào nơi nó thường trụ là cái ngã. Thường khi sai lầm nổi bật của đa số người chí nguyện là biểu lộ loại dửng dưng sai.
Một kết quả có việc thực hành tính này là tình cảm được gợi nên - mà là tình cảm muốn tránh - sẽ dần tàn lụi đi vì thiếu năng lực, vì không có phản ứng chú ý tới và do vậy cho thêm năng lực nuôi dưỡng nó. Đó là việc thực sự làm chủ tình cảm mà để làm được vậy, kinh nghiệm thấy nó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong đời, và dài nhất về mặt thời gian. Vậy ta nên biết trước để chuẩn bị.
Điều hay thấy nơi ai hăng hái mới bước vào chuyện tinh thần là hết sức quan tâm với sự phát triển của riêng mình, chỗ đứng và việc phụng sự của họ. Bởi thế tất cả ai cũng cần phải học đừng chú ý đến mình để việc phải làm thành yếu tố quan trọng chính. Tánh dửng dưng thiêng liêng giúp rất nhiều cho việc quên cái ngã nhỏ bé vì do thói quen cái ngã này được làm cho to lớn, đến độ nó đứng giữa họ và các bạn đồng hành, cản trở sự tiếp xúc với họ, khiến việc phụng sự không có hiệu quả.
Tính này áp dụng hai chiều, cho mình và cho người. Áp dụng cho mình thấy ở mặt tình cảm, với sự thương / ghét, vui / buồn v.v.; ở mặt trí tuệ là sự chú ý vào cảnh ngộ trong đời. Cho người là thiên kiến, chỉ trích, xét đoán, phản ứng với cá nhân.
Cho việc làm, chỉ dẫn đưa ra là tập tính này đối với nơi chốn ta được đặt vào, với việc ta làm. Trong các trường hợp ấy, nó còn được gọi là lòng xả bỏ tinh thần. Một ý có thể giúp nhiều cho việc thực hành là hiểu rằng nhiều chuyện trong đời là ảo mộng, và ta lầm lẫn khi có phản ứng với nó. Vị thế của ta trong đời, phàm nhân của ai làm ta bực bội, thực sự mà nói đều là ảo mộng không ít thì nhiều, về mặt này hay kia; và có phản ứng như phê phán, xét đoán, thích hay không thích, nhiều phần làm ảo mộng dầy hơn, tăng thêm sức mạnh của nó.
Áp Dụng
Sau đây ta trưng ra vài thí dụ khác nhau mà đều cần lòng dửng dưng thiêng liêng, cho thấy sự vun trồng tánh này giúp ta yêu thương và phụng sự đúng nghĩa tinh thần ra sao.
Thí dụ 1 liên quan đến ảo mộng vừa nói ở trên. Đứng trước ảo mộng và biết nó là như thế thì đáp ứng thích hợp là giữ yên lặng, và có lòng dửng dưng thiêng liêng. Yên lặng muốn nói không thốt ra lời, mà luôn cả việc ngăn không phát ra tư tưởng với điều kiện chung quanh, dù đó là người hay khung cảnh. Phần lớn những gì mà ta xem là hư hỏng và sai lầm, phần lớn của gì đối với ta có vẻ như là chướng ngại, phần lớn ảo mộng trong đời nhiều khi thuần về mặt vật chất và sinh lý, và do vậy chỉ là bề mặt và thuộc về cõi ngoài, không ảnh hưởng đến con người bên trong. Nếu đó là cảnh của ta lúc này, thì lời khuyên là luôn luôn sống bên trên thân xác, làm ngơ với việc ta cảm xúc ra sao, và tìm cách sống càng xa nó càng tốt với tâm thức lúc thức tỉnh hòa vào với tâm thức của linh hồn.
Vậy nghĩa là sao ? Là có sự cách biệt insulation tinh thần, khác hẳn với sự cách biệt cá nhân. Đây là cách biệt sinh ra do việc dửng dưng về tình cảm đối với khung cảnh và người khác, nhưng đó là lòng dửng dưng thiêng liêng đặt trên sự xả bỏ tinh thần và không si mê. Khi có tính ấy, bạn làm tròn trách vụ của mình mà không đồng hóa với người hay hoàn cảnh. Linh hồn đứng riêng rẽ không vướng mắc, không ràng buộc, không sợ hãi và không bị kềm chế bởi những gì có trong ba cõi.
Đó là tính dửng dưng thiêng liêng chân thực. Khi khác, nó còn có nghĩa không chú ý quá độ tới thể xác, hay tâm tình và cảm xúc, hay ảo tưởng của tâm trí. Ta có thân xác và nó phải được chăm sóc đúng đắn; và bởi cảm xúc và tâm tình có thể bị khích động mạnh mẽ làm kiệt sức; cách đối phó với chúng không phải là vật lộn chống chọi, vì làm vậy là chú mục vào ý hay tình và cho chúng thêm năng lực - cách nói khác là tiếp dưỡng khí cho chúng - mà thay bằng những quan tâm khác, làm ngơ chúng, dửng dưng đối với xúc động cho tới khi tình cảm chết đi vì không được chú tâm đến, và lần mòn tiêu hao mất. Có việc ấy vì ta quan tâm quá nhiều đến chuyện không thiết yếu.
Thí dụ 2, khi khác tính dửng dưng thiêng liêng làm người ta không còn bị chi phối bởi lòng thương thân trách phận, bởi giới hạn của tình cảm. Vấn đề ở đây không phải là làm sao loại bỏ khó khăn, mà chỉ giản dị là dửng dưng không màng chúng có đó hay không. Thái độ này có phản ảnh là câu thường nói, ‘Bạn không sửa đổi được vấn đề, nhưng sửa đổi được phản ứng của mình với nó.’
Thí dụ 3. Người ta hay nghĩ rằng lời khuyên đồng hóa mình với kẻ khác muốn nói họ phải hòa hợp hoàn toàn với tất cả kinh nghiệm, tâm tình và phản ứng của kẻ sau. Nhưng chuyện không phải vậy, và không nên vậy. Điều muốn nói là sự hòa hợp (nhờ trực giác) với mục tiêu ẩn sâu của linh hồn, và tiếp theo là cách biệt mình insulate không tiếp xúc quá gần với ai đang có xáo trộn tình cảm. Bạn hãy trợ giúp họ, thương yêu họ, nhưng chớ đồng hóa với họ. Ý đưa ra là hãy tập có sự cách biệt tình cảm, mà không phải là việc từ chối không đối mặt và tiếp xúc với sự đau khổ của con người nơi cõi trần.
Nó có nghĩa ta tập thái độ của linh hồn và trí tuệ đối với hoạt động của thể tình cảm, để cho phép ta biểu lộ tính dửng dưng thiêng liêng đối với cảm xúc và mối đau khổ cá nhân. Tính này là kết quả của lòng từ, đặc điểm của những bậc đã giải thoát và ở lại cứu độ thế nhân; nó chuyển hay đổi phản ứng tình cảm dữ dội thành sự khôn ngoan điềm tĩnh, thông cảm, do việc đồng hóa với linh hồn của người mà ta muốn giúp đỡ, và khi làm vậy chuyện không tránh được là ta cũng trợ giúp luôn phàm nhân đang đau khổ. Bởi điều gì trên cao sẽ tuôn xuống dưới.
Thái độ vô ngã đi hai chiều, ta áp dụng nó trong cách xử sự của mình với người, và đổi lại nên nhớ rằng nó cũng được áp dụng cho ta. Khi một người được gợi ý - và vị Chân Sư chỉ có thể gợi ý mà không hề ra lệnh - là cần có thay đổi về thái độ và cách thể hiện của họ, khi đời sống tinh thần cần được làm cho mạnh mẽ hơn, và nên có điều chỉnh về cái ngã để được tự do hơn (bớt bị tình cảm chi phối, thí dụ vậy) và do đó việc phụng sự được hiệu quả hơn, mà họ đáp ứng bằng cách tỏ ra tức giận và thất vọng, điều ấy muốn nói là người bạn vẫn còn bị chìm trong phản ứng của phàm nhân.
Chuyện không có gì mới lạ. Tính vô ngã được nhắc tới như là một điều kiện trên đường Đạo trong nhiều sách, như cuốn Chân Lý Hằng Ngày ghi:
Ngày 6 tháng 11
Bổn phận đầu tiên của người đệ tử là nghe không tức giận, không nghĩ quấy, về bất cứ điều chi mà vị đạo sư có thể nói với y. M.
Thí dụ 4. Dường như điểm chính của đời một người là sự chán nản, vì khi nhìn lại họ không đạt được mấy thành quả trong kiếp này, thí dụ cảnh nhà không vui, sự nghiệp không viên mãn, mơ ước không thành, và thân xác giới hạn việc làm của họ. Nếu nhìn kỹ thì cùng với nó, tính dửng dưng thiêng liêng là mục tiêu cho họ nhắm tới. Nay đã học được ý nghĩa của đau khổ và đối ứng với nó, điều người bạn được khuyên nhắm tới cũng là việc phát triển tính dửng dưng thiêng liêng.
Nhìn theo mặt tinh thần, người bạn đã trang trải được nhiều karma, nhiều hơn anh biết, và giờ được tự do hơn đã tưởng khi họ mới bắt đầu kiếp này, lại nữa tất cả những ai mà họ tiếp xúc và giúp đỡ, sẽ là người họp thành cái nhân cho việc làm của anh bạn trong một kiếp mai sau.. Do đó theo quan điểm của linh hồn, kiếp này của họ chiến thắng vẻ vang. Nhìn theo quan điểm của cái tôi, nó bị chán chường, bực tức. Giữa hai điều thì điều nào quan trọng hơn ? Câu trả lời không chừng làm ta ngạc nhiên là cho ai trên đường Đạo, có lẽ không điều nào quan trọng.
Lời kết là ta được khuyên đừng quá chú ý đến cái tôi, mà hãy chú tâm nhiều hơn vào linh hồn của mỗi người. Khuyết điểm mỗi chúng ta có đó, như khuyết điểm của mỗi ai đi trên đường. Lắm người mất quá nhiều giờ - và như thế chậm bước lại trong việc tích cực thể hiện phần tinh thần của mình - do để ý chuyện không cần thiết, và quá chú mục vào sơ sót lẫn giới hạn. Thay vào đó, chuyện nên làm là nhận biết chúng rồi tiếp tục đi. Chúng không phải là tất cả những gì bạn có để trưng ra, chúng không cho thấy trọn bức hình.
Kế tiếp, đừng mất thì giờ để tự phân tích mình quá kỹ, hay để cho bị dằn vặt vì thất bại. Đừng quên mục tiêu mà bạn hướng về, rồi đi tới.
Discipleship in the New Age, vol. I-II. A.A. Bailey.