60 NĂM LÀM HỘI VIÊN
60 Năm Làm Hội Viên
Mỗi chúng ta do nhân duyên được dẫn tới TTH theo những cách khác nhau. Có người sinh ra trong gia đình mà cha mẹ đã biết Theosophy rồi và nay họ là thế hệ thứ hai, ba, tư v.v. Người khác đến với TTH nhờ các duyên may thú vị, sau đây mời bạn đọc bài Sixty Years of Theosophy, tác giả Gabriel Burgos, đăng trên The Theosophist số tháng Giêng và Hai, 2021.
Tôi muốn tả lại việc cả đời học hỏi Theosophy có nghĩa chi mà vài bạn có thể sẽ trải qua trong tương lai. Chuyện gì xẩy ra cho tôi thì cũng có thể xẩy ra cho nhiều bạn, vì tuy tình trạng thế giới bên ngoài tiếp tục như thường lệ, TTH cho phép chúng ta thấy và hiểu cuộc sống theo một cách hoàn toàn khác hẳn. Nó là sự khác biệt làm phong phú lớn lao tất cả phút giây trong đời.
Để làm vậy, tôi cần trở lại thời trước khi tôi gặp hội TTH (the Theosophical Society - TS), tức tuổi thơ của tôi. Tôi sinh ở Colombia và cả đời sống ở thủ đô Bogotá, và trong khung cảnh ấy, lẽ đương nhiên là gia đình tôi thuộc giáo hội Công giáo La Mã. Tại sao Công giáo ? Đó là chuyện tự nhiên nhất trên đời. Cha mẹ tôi không hề thắc mắc tại sao mình là Công giáo, và có lẽ ông bà cố, ông sơ của tôi cũng không bao giờ đặt câu hỏi ấy.
Tới tuổi đi học, ở bậc tiểu học có môn bắt buộc là Tôn giáo. Chúng tôi học sách giáo lý catechism do giáo sĩ Thiên Chúa giáo soạn ra, viết theo hình thức hỏi đáp mà học trò phải thuộc nằm lòng, từ lớp một tới lớp năm. Chúng tôi học tới học lui lắm bận tới mức không thể nào còn chỗ cho tự do tư tưởng. Học trò phải lập lại và tin bất cứ gì viết trong sách đó.
Tôi tin là các giáo sĩ thời ấy làm vậy với thiện tâm. Họ cũng bị nhồi nhét vào đầu y thế khi vào chủng viện trong tuổi thiếu niên thơ dại, và khi nhận chức linh mục thì họ sẽ giảng trở lại những gì đã học. Đó là hệ thống đòi hỏi sự vâng lời tuyệt đối những gì được giảng dạy, và là điều rất quan trọng. Việc gì xẩy ra cho trí não của chú bé con trong các điều kiện như thế ? Trí não em bị điều kiện hóa và kết cứng lại, em nhìn mọi chuyện trong đời theo các phán xét hay thành kiến đã được thành hình trước đó, và sẽ sống đời theo cùng đường lối y vậy.
Đa số con người không tự đặt câu hỏi là tại sao họ thuộc về một tôn giáo nào. Nếu cha mẹ theo Do Thái giáo thì con cái giống như thế; cha mẹ Hồi giáo thì các con sẽ theo Hồi giáo, và điều này cũng áp dụng cho tất cả những tôn giáo khác. Thành ra nó không cho phép người ta nhìn thế giới theo cách gì khác hơn là chỉ một cách nhìn duy nhất; người ta không thể thấy điều gì kẻ khác thấy.
Sau tiểu học là trung học cũng trường đạo, và môn Tôn giáo tiếp tục thêm ba năm. Tới năm thứ tư trong một lớp tôi gặp chữ Theosophy lần đầu tiên. Lớp này dạy rằng Chân Lý chỉ có thể được tìm thấy trong giáo hội Công giáo La Mã ! Ngoài giáo hội này ra thì không có sự cứu rỗi nào khác cả ! Các bài học chứng tỏ rằng tất cả những gì khác, như các giáo hội khác, triết lý v.v. đều sai lầm.
Tôi lắng nghe, và tới phiên tôi tìm hiểu vài triết lý, và có bài nói về “Theosophy”. Theosophy có nghĩa gì cho học sinh lớp 9 bậc trung học ? Đó là cửa vào địa ngục ! TTH nguy hiểm nên:
– Xin đừng tới gần những sách này; cái Hội ấy là do hai bà lớn tuổi điên khùng, bậy bạ, lập ra, bà H. P. Blavatsky (HPB) và Annie Besant.
Trong lúc tôi còn đi học, mẹ của bạn tôi là hội viên của hội TTH và nhiều lần mời tôi dự buổi họp của nhóm học thanh niên TTH. Vì tôi đã có chủ trương nặng tính giáo điều chống lại hội - là thành kiến, lòng sợ hãi phải tới gần nó - tôi cám ơn bà nhiều bận vì bà mời tôi lắm lần, nhưng tôi không hề bước chân tới hội. Khác với tôi là thiếu niên có lối suy nghĩ hẹp hòi, nhà tôi Cecilita tuy cũng thuộc gia đình Công giáo nặng tính giáo điều nhưng có tự do suy nghĩ.
Trường của Cecilita rất khác thường là có học trò theo Do Thái giáo, và Cecilita thấy các cô này y hệt như học sinh Thiên Chúa giáo. Sự khác biệt duy nhất là khi tới giờ học môn Tôn giáo thì các cô đó được miễn. Cecilita thấy vậy hay quá, và nhận ra là không có gì khác biệt giữa cô gái Do Thái giáo và cô Thiên Chúa giáo, và điều này làm Cecilita có tinh thần cới mở.
Khi tôi lập gia đình, bên nhà vợ tôi có một bà dì là con chiên ghẻ trong họ hàng, vì bà là hội viên của hội TS trong khi gia tộc thuộc Công giáo La Mã hết sức bảo thủ. Bà nói với chúng tôi - cặp vợ chồng trẻ - về TTH và mời đi dự họp, mà cũng như trước, chúng tôi không quan tâm mấy. Bạn có thể thấy làm sao việc nhồi nhét sai lầm với ác ý, làm một kẻ có ý tưởng rộng rãi về các đề tài tôn giáo cảm thấy dội lại với chuyện chi họ không thể chấp nhận được.
Làm sao tôi đến với hội TS ? Phần lớn người biết TTH qua tờ quảng cáo tình cờ đọc được, nhưng nó khác trong trường hợp của tôi. Cha vợ tôi là người hết sức có kỷ luật. Ông là dương cầm thủ, thầy dạy hát và theo thời biểu chặt chẽ. Ông ăn tối lúc sáu giờ chiều, bẩy giờ tối lên giường; dậy lúc ba giờ sáng, tập thể dục, đọc sách, học đến bẩy giờ sáng và rồi ngồi vào đàn. Ấy là thông lệ phải theo của ông.
Thành hôn được một năm, chúng tôi về ở với ba của Cecilita, thế nên mỗi ngày tôi được nghe tấu nhạc cổ điển lúc bẩy giờ sáng, tuyệt diệu biết chừng nào ! Ông luôn bắt đầu với nhạc sư mà ông ưa thích là Beethoven, ông luôn chơi một bản sonata của Beethoven theo cách thần tình, và rồi theo sau đó là các nhà soạn nhạc khác. Ông bị tiểu đường và qua đời khi bệnh trở nặng.
Căn nhà to lớn của ông có hai cây dương cầm, một cho học trò và cây đại dương cầm rất xinh đẹp là cho ông, và không ai được phép chơi nó; đàn chỉ dành cho ông chơi mà thôi. Đồ đạc được chia ra để cho mướn nhà, và Cecilita thừa hưởng cây đàn lớn với các món khác. Nàng chơi đàn tài tử mà không phải là tay thiện xảo, chỉ chơi các bài đơn giản và không hề chơi hay như ba.
Nhưng rồi bắt đầu có hiện tượng này mà trước đó và sau này tôi không thấy có gì giống vậy. Mỗi ngày lúc ba giờ sáng Cecilita nghe tiếng ba nói.
– Dậy, con. Tới giờ tập đàn.
Tôi không nghe thấy gì cả - ấy là tiếng nói trong đầu nàng - nhưng tôi có thể cảm biết một luồng điện giật lúc ba giờ, như thể đã vặn đồng hồ báo thức. Nên cả hai vợ chồng cùng dậy, đi vào phòng học và nàng bắt đầu chơi đàn; ông còn chỉ nàng điều này kia, sửa lại nàng; như Cecilita nói.
– Trang nhạc ghi dấu này…
Và ông đáp
– Không phải, đó là dấu này…
Chúng tôi cùng cười và cứ như thế đến năm giờ sáng.
Chúng tôi không hề kể chuyện này cho ai nghe, chỉ hai vợ chồng biết với nhau ! Nhưng ngày kia Cecilita ngồi vào đàn và bắt đầu chơi một bản sonata của Beethoven theo cách khác thường, ấy là ba nàng đang chơi, mà không phải nàng ! Nàng tiếp tục chơi cho đến khi nhận ra điều ấy và đâm hoảng sợ. Rồi nàng ngưng lại, đậy nắp đàn và nói.
– Ba, con không thể để ba nhập vô trí con như vậy !
Nàng rất sợ và không muốn thức dậy chút nào nữa lúc tảng sảng. Nhưng làm sao đây ? Làm sao sống với nỗi lo âu đó ? Rồi nàng gọi người bạn là hội viên TS và kể chuyện. Người bạn nói.
– Tôi không giúp được, nhưng biết người có thể giúp bồ, ông lo về hội TS ở Colombia, tên ông là Walter Ballesteros.
– Tụi tôi xin hẹn được không ?
– Được chứ !
Người bạn gọi cho Walter Ballesteros và ông lập tức tiếp chúng tôi. Ông vô cùng thân ái, sẵn sàng giúp đỡ, luôn tốt bụng và không hề từ chối lời hỏi xin nào như thế. Chúng tôi đến nhà và ông đưa vào phòng làm việc của mình. Khi nghe chuyện gì xẩy ra, ông bảo chúng tôi.
– Nó là như vầy, do thuốc mà cha các bạn dùng, ông không ý thức là mình đã qua đời. Ông cần biết tình trạng của mình để có thể theo đường của ông. Ai đã chết cần ngưng hết mọi việc có liên hệ với cõi trần và đi bước đường mới. Sự sống phải tiếp tục cho ông.
Ý này tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho hai chúng tôi. Những gì chúng tôi được dạy về thiên đàng và địa ngục thì không giống như chúng tôi nghĩ. Chúng tôi có ý nghĩ là khi ai chết, họ sẽ chắp tay lại như cầu nguyện và bay lên trời, chỗ họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên trên tầng mây. Nhưng theo TTH, nếu ai chết mà không có hiểu biết thực về sự sống sau khi chết, họ sẽ tiếp tục bị hoang mang như trước đó. Chúng tôi cám ơn Don Walter, và đêm hôm ấy, chuẩn bị cho việc ba của Cecilita đến lúc ba giờ sáng.
Khi tới giờ, thay vì ngồi dậy, Cecilita nói.
– Ba, coi này, ba chết rồi, không còn gì cho ba làm ở cõi trần nữa, ba phải siêu thoát đi.
Khi nàng nói vậy, nàng hóa ra cứng đờ, thân cứng ngắc như là xác chết. Nay tôi kinh hoảng. Tôi nhớ có nghe rằng muốn biết ai còn thở chăng thì đặt gương trước mũi họ để thừ. Tôi đặt gương, thấy là nàng đang thở. Nên tôi nói với ba nàng.
– Luis, xin ông, ông làm hại Cecilita đó; xin để nàng yên và siêu thoát đi, đừng can thiệp vào đời nàng nữa.
Khi tôi nói vậy, Cecilita tỉnh giấc.
Chúng tôi trở lại gặp Don Walter, ông nói.
– Tôi xin lỗi là chưa giải thích hay thấy trước là việc này có thể xẩy ra. Chúng ta cần giúp ông. Ông cần sang cõi của mình, thoát cõi trần là nơi ông đã rời bỏ, và hướng vào cõi thanh nay là chỗ của ông. Sự sống phải tiếp tục.
Việc xẩy ra gợi cho chúng tôi ý muốn biết thêm, muốn học hỏi. Chúng tôi không còn giống như con trừu con bị người chăn chiên lùa đi bất kỳ chỗ nào họ muốn và nói.
– Đừng suy nghĩ, để chuyện đó cho tôi, bạn chỉ phải làm điều mà tôi kêu bạn làm.
Ấy là việc xẩy ra cho các lớp dạy về tôn giáo, và hồi đó chúng tôi tưởng là mình đã hiểu và biết cảnh ngộ này. Người ta không thể sống trong vô minh, chờ cho mơ tưởng sẽ tới về sau. Chúng tôi hỏi Don Walter có chỗ nào để học, nơi nào tụ họp và ông nói.
– Có, chúng tôi có những nhóm gọi là ‘Chi Bộ’. Đó là nơi để học hỏi, hội viên hội TTH tụ họp theo định kỳ, chọn một đề tài, một vấn đề, một cuốn sách, một bài nói chuyện, một bài viết, để học hỏi và trao đổi ý kiến.
Rồi chúng tôi hỏi ông sắp có buổi họp chi bộ nào không, ông đáp.
– Đây, ngay hôm sau có một buổi ở….
Và chúng tôi tới đó. Họ thảo luận nhiều chuyện rất lạ lùng mà Cecilita lẫn tôi không hiểu được, nên chúng tôi lại càng hoang mang hơn trước. Thành ra hai tôi quay về Don Walter và hỏi ông.
– Ông có phụ trách chi bộ nào không ?
Ông nói.
– Có, tôi phụ trách các buổi họp tối thứ ba.
Đó là chi bộ Maitreya (Di Lặc). Hay biết mấy ! Nó khác hẳn đi ! Nó thiệt thích thú. Don Walter với sự tách bạch rõ ràng trình bầy những đề tài khó nhất và phức tạp nhất. Ông không ngừng chỉ cho chúng tôi những điều thú vị để học, và hai tôi bắt đầu tới đó dự.
Lẽ tự nhiên cả hai đến như là quan sát viên, vì chúng tôi có thể đóng góp gì cho chi bộ khi không biết chi hết về các đề tài mà họ đang bàn ? Chúng tôi y hệt như đệ tử cấp Thinh văn (lắng nghe) trong trường của Pythagoras khi xưa, trước tiên phải lắng nghe hai năm rồi mới có thể lên tiếng nói, ấy là điều rất sáng suốt. Don Walter theo cùng phương pháp đó. Cố nhiên là ông cho phép đặt câu hỏi và rất nhiều lần, ông kéo chúng tôi vào nhóm và tìm cách rút ra đôi điều từ chúng tôi qua những câu hỏi ấy. Từ chút từ chút một, hai tôi tiến bộ dần trong việc học.
Các buổi họp này trở thành cớ gây lo âu cho chúng tôi. Hai tôi đếm ngày và giờ để tới chi bộ mà Don Walter hướng dẫn. Lúc ấy thiệt là hào hứng khi bắt đầu biết có bao chuyện đẹp đẽ, mà nếu không biết thì hẳn chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi sẽ không bao giờ biết được chúng, nếu không biết hội Theosophy. Hai tôi hỏi ông nên bắt đầu học gì ở nhà. Ông đề nghị vài cuốn sách, và chúng tôi thích đến mức hai tôi không ăn cùng một lúc, mà thay phiên nhau. Một kẻ sẽ ăn trong khi kẻ kia sẽ đọc, rồi đổi chỗ với nhau.
Lấy thí dụ, chúng tôi bắt đầu học về con người. Họ khởi sự nói rằng con người không phải chỉ có thể xác và hồn, mà còn có nhiều thể. Một thể gọi là ‘vía - astral’, thể nữa gọi là ‘trí - mental’, và chúng tôi hỏi.
– Chà, vậy là sao ? Mình có mấy thể ? Nghe như củ hành lột ra xem ta có bao nhiêu thể vậy ?
Ấy là cách chúng tôi bắt đầu và tiếp tục học với Don Walter. May mắn là Cecilita và tôi hân hoan chia sẻ ý tưởng với nhau. Hai tôi hiểu nhau hoàn toàn, cả đời như thế, và có thể chia sẻ việc học vui vẻ cùng nhau. Cecilita quan tâm trọn đời về Theosophy như tôi bây giờ, và nếu lúc đầu tôi nhiệt thành với việc học trong chi bộ Bogotá, bây giờ tôi lại hăng hái hơn nữa. Đến chi bộ gặp bạn đồng chí hướng, chia sẻ ý nghĩ, khám phá nhiều điều, mở cửa đi vào điều huyền bí, thật là mãn nguyện, vì mỗi ngày có bao điều để học.
Nhiều người có thể nghĩ.
– Này, tôi đã biết chút ít về karma, luân hồi, đời sống sau khi chết, sao tôi cần học gì thêm ?
Không ! Mỗi ngày còn nhiều điều được khám phá; nó là chuyện tuyệt vời… Trong buổi học ở chi bộ, họ sẽ nói chi đó mà mới nghe lần đầu có thể làm chúng tôi ngơ ngẩn.
– Bạn không có linh hồn.
Rồi lập tức họ nói rõ thêm.
– Bạn là linh hồn dùng các thể, để phát triển bản chất tinh thần của bạn.
Nghe vậy làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng tôi về mục đích cuộc đời.
Đối với Cecilita và tôi, chi bộ của chúng tôi là ưu tiên và may mắn là chúng tôi không gặp vấn đề gì với các con và cháu về mặt ấy. Chúng biết là những điều ấy đứng hàng đầu đối với cha mẹ và ông bà mình. Chuyện ưu tiên luôn luôn là thức ăn tinh thần tìm thấy được trong chi bộ, nó hơn buổi tiệc mừng sinh nhật, cuộc đi dạo, hay bất cứ gì khác, và chúng sắp xếp để có những việc này sau ưu tiên TTH của cha mẹ và ông bà. Mà chúng cũng hiểu là chúng tôi tôn trọng ý con cháu, không hề nhất quyết đòi hỏi chúng phải theo đường này hay kia. Lấy thí dụ có ngày sinh nhật trùng với ngày họp chi bộ thì nó sẽ được tổ chức vào hôm sau, chẳng sao cả.
Chúng tôi thấy là làm việc cho chi bộ và cho hội quán của xứ bộ Colombia là một niềm vui, là sự vui thú… Đa số sách TTH viết bằng Anh ngữ, và cần dịch sang tiếng Spanish nên tôi thấy một trong những việc của tôi có thể là dịch bài báo, tạp chí, và luôn cả sách tiếng Anh. Làm vậy nó sẽ giúp tôi trước tiên. Ai học nhiều hơn là ai chịu làm việc hơn, và làm vậy là điều vui thích. Tôi dịch được vài quyển sách, và người khác có thể hỏi.
– Tốt, còn tôi có thể làm gì cho hội ?
Ai cũng có thể giúp cho hội bằng cách này hay kia tùy theo khả năng của mình. Nhiều năm về trước, có hội viên hỏi tôi.
– Huynh Gabriel, (trong chi bộ chúng tôi gọi nhau là ‘brother – huynh’, không phải như tổ chức Thiên Chúa giáo gọi là ‘sư huynh’ hay gì khác giống vậy, mà để nhắc nhở về tình huynh đệ, và chúng ta đều là con của cùng một Đấng Cha Lành thiêng liêng), sao huynh không mở một lớp về TTH ?
Tôi trả lời.
– Làm ngay.
Và với sự trợ lực của Cecilita, chúng tôi soạn bài vở. Khi ấy chưa có Internet và tôi biết rõ là khi dùng nhiều cảm quan cho một việc, người ta sẽ lãnh hội khá hơn; nó không giống như khi họ chỉ nghe hay chỉ thấy. Nên chúng tôi vẽ bảng hình cho lớp học, đủ loại hình, mà làm vậy cũng giúp rất nhiều cho việc học của riêng chúng tôi. Một số bảng hình đó còn giữ tại hội quán của xứ bộ Colombia ở thủ đô Bogotá, và nay thỉnh thoảng vẫn được dùng tới.
Lớp được mở ra mỗi năm vào tuần Phục Sinh, từ thứ năm đến sáng thứ bẩy, tổng cộng 12 đến 14 giờ mà nay được các hội viên khác phụ trách. Từ đó ra sách tên Approaching Theosophy.
… Chúng ta cần phải học hỏi, nhưng không thể chỉ ở trong mặt trí tuệ và học tập mà thôi, ta cần phải sống TTH. Điều thực sự làm rung động người nghe là điều ta truyền sang tâm họ qua kinh nghiệm của mình, hàm ý một cách sống với mục tiêu khác, đầy hào hứng, lạc quan, vì cuộc sống đẹp đẽ và huy hoàng. Người ta có thể hỏi.
– Theosophy giúp được gì cho tôi ?
Đây là câu hỏi mà mỗi người phải tự trả lời cho mình. Nếu người ta đến với hội và tin là sẽ có được quyền năng, có thông nhãn, đọc được tư tưởng người khác, tiên đoán được tương lai - thích thú biết bao. Nhưng họ gõ sai cửa rồi. Họ sẽ không tìm được những điều này ở đó.
Làm hội viên của hội TTH không có nghĩa là chúng ta toàn thiện. Chúng ta đi tìm chân lý, làm ta trở nên hoàn thiện và đó là công việc làm mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút… Ấy là điều hằng có trong nhà tôi - từ khi chúng tôi là lứa đôi trẻ tuổi, tới tuổi chin chắn, rồi tuổi già và sau đó nữa khi nhà tôi rời trần, vì đối với tôi lúc nào nàng cũng có đây. Cơ thể hóa già nua nhưng trí tuệ và linh hồn vẫn trẻ trung, và chúng tôi tiếp tục với ý tưởng đó, điều được phản ảnh trong nhà của con và cháu chúng tôi.
…
Nhân đây ta tiếp lời ông Burgos ghi lại mặt huyền bí về buổi họp của một chi bộ TTH dành cho hội viên. Các ảnh hưởng này không thể có được khi có công chúng không phải là hội viên tham dự, hay khi việc diễn ra không đúng cách và không có sự hòa hợp hoàn toàn. Nếu hội viên hiện diện mà có tình cảm riêng tư như ganh tị, giận hờn, nghĩ về mình theo bất cứ cách nào như muốn được nổi bật trong buổi học chung, thì không sao có được ảnh hưởng huyền bí hữu ích. Còn nếu họ quên mình để cố gắng hiểu đề tài học, thì kết quả tốt lành rất đáng kể có thể được sinh ra mà họ không hay biết chi cả.
Ta hãy xem một buổi học về một cuốn sách đã chọn, ai nấy biết trước đoạn, trang sẽ thảo luận và có chuẩn bị trước khi đến dự… Sự kiện là khi một ai nghĩ về đề tài TTH, họ tỏa ra chung quanh làn rung động rất mạnh mẽ vì thực tế là không có gì cản trở nó, như âm thanh giữa vùng thinh lặng, hay tia sáng chói rạng trong đêm đen. Nó khởi lên sự chuyển động ở cõi trí và chất liệu cõi trí loại rất hiếm khi được dùng, và sự túa rải ấy chạm vào thể trí của người trung bình ở điểm lâu nay ngủ yên.
Tác động như thế cho tư tưởng đó một giá trị đặc biệt, không những cho ai nghĩ ra ý đó mà luôn cả cho mọi ai khác chung quanh, vì ý nghĩ đó có khuynh hướng gợi dậy và sử dụng một phần hoàn toàn mới trong cái trí. Ta cần hiểu làn rung động đó không nhất thiết sẽ truyền tư tưởng TTH đến ai không biết gì về TTH, nhưng nó khơi dậy phần trên của thể trí, nâng cao và làm rộng mở tư tưởng của họ như là một khối chung, theo đường lối mà tư tưởng của họ có thói quen đi theo, và như vậy sinh ra lợi ích vô kể.
Nếu tư tưởng của chỉ một người sinh ra kết quả ấy, thì tác động của mười người hay hơn nữa hướng về cùng đề tài sẽ vô vàn lớn hơn. Năng lực của tư tưởng kết hợp nhiều người thì rất nhiều lần mạnh hơn tổng số các tư tưởng riêng rẽ của họ. Nhìn như thế thì một chi bộ TTH trong thành phố hay cộng đồng có sinh hoạt thường xuyên, theo đúng cách, sẽ cho ra ảnh hưởng nâng cao rõ rệt và làm thăng hoa tư tưởng của dân chúng chung quanh. Với ai mà tâm tình chưa thức tình ở mức cao, làn rung động của những tư tưởng cao liên tục lan đến họ ít nhất đưa họ mau đến lúc thức tỉnh.
Để phân biệt thì hình tư tưởng có thể truyền đi chính xác bản chất của tư tưởng, đến ai có chuẩn bị phần nào để tiếp nhận nó; thí dụ hội viên hay nói là sau khi có buổi học về luân hồi thì có người - trước đây tỏ ra không để ý mấy tới chuyện đó - hỏi họ thông tin về đề tài ấy; còn làn rung động tuy có thể lan ra vòng to lớn hơn nhưng có tác dụng không rõ rệt bằng.
… Điểm khác là lực ở mỗi cõi thường chỉ giới hạn ở cõi ấy, nhưng nó có thể đi xuống và soi sáng cõi dưới nếu có đường kinh đặc biệt cho việc đó. Đường kinh luôn luôn được tạo ra bất cứ khi nào có tư tưởng hay tình cảm hoàn toàn không ích kỷ. Tình cảm ích kỷ đi theo vòng kín và mang đáp ứng của nó về lại cõi của nó, động lực không ích kỷ là năng lực tuôn ra không trở lại mà đi lên trên, tạo con kinh cho năng lực thiêng liêng cõi cao tuôn xuống. Đó là ý về việc lời cầu nguyện được đáp ứng nói trong tôn giáo.
Tư tưởng nơi người bình thường vị kỷ bắt đầu ở những cảnh thấp nhất của cõi trí, rồi lập tức rơi xuống mức thấp tương ứng ở cõi tình cảm. Vì thế sức mạnh của nó ở cả hai nơi rất giới hạn, bởi có cả một biển các ý tương tự bao quanh xào xáo, nên chắng mấy chốc làn rung động bị chìm mất và đè bẹp trong cảnh rối loạn ấy.
Thế nhưng làn rung động phát ra ở mức cao hơn có bầu sinh hoạt trong trẻo hơn, vì số tư tưởng như vậy có ít vào lúc này, và khi hội viên học những sách như Ánh Sáng trên Đường Đạo hay Tiếng Vô Thinh, họ có thể tạo nên đường kinh cho lực từ cõi cao hơn xuống cõi trí rồi túa ra.
Vai trò thật và lớn nhất của một chi bộ TTH là làm một con kinh để phân phối sự sống thiêng liêng, ý này mô tả sự kiện điều vô hình thì to lớn nhiều phần hơn điều hữu hình. Nhìn theo mắt phàm ta chỉ thấy một nhóm nhỏ người tụ lại, sốt sắng học hỏi mỗi tuần; nhìn sâu hơn ta thấy làn rung động của tư tưởng, các hình tư tưởng được tạo ra, và luồng hùng mạnh của năng lực thiêng liêng, phát xuất từ cái tâm nhỏ bé xem ra không đáng kể ấy ảnh hưởng nhiều linh hồn khác chung quanh.
Hội viên không đi họp đều đặn có khi nói rằng họ nghĩ buổi họp chi bộ tẻ nhạt, và không học được gì nhiều. Nhưng chuyện sơ đẳng là họ đến họp không phải để nhận mà để cho, không phải để được giải trí mà để góp phần của mình vào công cuộc lớn lao cho sự tốt lành cùa nhân loại. Khi đến họp là họ có đặc ân là một phần của đường kinh cho Sự Sống thiêng liêng.
(The Hidden Side of Lodge Meetings - C.W. Leadbeater)