LỊCH SỬ HỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội: Những NgàyĐầu  (tt)

Old Diary Leaves - H.S. Olcott

Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (số trước)

 

Giống như những lần đi các nơi trên đất Ấn để giảng và lập chi bộ, có nhiều chuyện xẩy đến trên đường; đó có thể là các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo muốn công kích, tấn công Theosophia, hay là học giả thông thạo kinh điển Ấn giáo muốn chứng tỏ sự dốt nát của hai vị về triết lý trong Ấn giáo. Ông Olcott ghi hai vị đã quen với các luận cứ hay được sử dụng cho việc này, nên họ dễ dàng trưng ra sự thật trong Theosophia, và cùng lúc cho cử tọa thấy người tranh cãi ích kỷ sâu đậm tới bực nào, hợm mình và có thành kiến mù quáng ra sao. Ông thắng cuộc nhưng có giá phải trả, như nhật ký ghi rằng là sau đó đối phương trở thành ‘kẻ thù nghịch tích cực’.
Tại Madras có bao công việc khác chờ đón, là trả lời hằng chục thư, viết bài cho The Theosophist, các vấn đề hành chánh phải giải quyết. Tiện đây ta ghi thêm để làm sáng tỏ, ấy là từ khi qua Hoa Kỳ lập hội, sang Ấn, sau đó sang Anh và cho tới cuối đời, HPB sinh sống bằng cách viết bài đăng trên báo Nga; còn ông Olcott thì trước khi rời New York đi Ấn Độ, đã thu xếp để ông làm đại diện thương mại tại Ấn Độ cho các công ty Hoa Kỳ.
Lúc này hội vẫn chưa có trụ sở. Khi đi các nơi trên đất Ấn và Ceylon, ông Olcott để ý tìm chỗ thích hợp. Ngày 31 tháng 5 có người kêu đi xem một nơi được cho là giá rẻ. Hai vị tới xem khu đất ở Adyar và bằng lòng ngay với địa điểm. Giá nêu ra khi ấy là khoảng hơn 9.000 rupee bằng 600 bảng Anh, tức là rất phải chăng khiến ông nghĩ có thể mua được. Một hội viên ứng tiền cọc, người khác thu xếp để mượn ngân hàng với mức lời thấp, và có việc gây quỹ. Sự kiện giá thấp được biết là do đường xe lửa được mở tới thị trấn Ootacamund cách Madras một ngày đi xe, và viên chức chính quyền Anh mỗi năm làm việc sáu tháng tại Ootacamund, như vậy Madras không còn thuận tiện và họ cho bán nhà cửa trên thị trường không có người mua.
Hai vị về Bombay ngày 8 tháng năm.

Chương XXIV

Ấn Độ có nhiều tiểu vương và một số người này mời hai vị đến gặp với những lý do khác nhau, hoặc để thỏa mãn óc tò mò về hai người da trắng cổ võ việc học hỏi triết lý Ấn giáo, hoặc mong được xem bà Blavatsky tạo hiện tượng; một ít người thực sự thành tâm muốn được biết về Theosophia và sẵn lòng giúp đỡ hội. Về phần hai vị thì họ cũng muốn các nhân vật lãnh đạo, gồm tiểu vương, các viên chức chính quyền người Ấn và Anh biết về hoạt động của hội để không ngờ vực, và nếu sau khi trò chuyện có ai tỏ ý tán đồng việc làm của họ, lưu tâm hơn đến tôn giáo trong nước và muốn học hỏi Theosophy thì càng hay.
Ông Olcott và bà Blavatsky rất chú trọng đến việc phục hồi triết lý Ấn giáo, cho hiểu biết về Theosophy nên không bỏ lỡ dịp nào để làm vậy. Thí dụ khi đến thăm chi bộ và được tiếp đãi nồng hậu, thức ăn mỗi ngày dọn trên mâm đồng chạm trổ khéo léo, ông hỏi hội viên sau khi ông rời nơi này thì họ sẽ làm gì với cái mâm. Mọi người chung quanh đều ngượng nghịu không trả lời. Ông bèn đáp thế cho họ, rằng vì họ là giai cấp cao theo Ấn giáo còn ông là người ngoài đạo, niềm tin trong dân gian nói rằng ông có từ điển xấu nên để không bị nhiễm chúng, mâm đồng chỉ dành riêng cho ông dùng mà không ai khác đụng tới; rồi sau khi ông rời đi người ta sẽ đập nát mâm để tránh lây từ điển.
Đó chỉ là mở đầu cho có chỉnh đốn lại kinh điển Ấn giáo bị hiểu sai. Tối hôm ấy ông giảng về hào quang, từ lực, cho thấy không phải một người Ấn sinh vào giai cấp cao thì thật sự tốt lành hơn người da trắng (dơ bẩn, là ông !) ngoại đạo, mà kinh sách ghi là có từ điển không thanh khiết.
Nay về Bombay, sau đó hai vị được mời tới gặp tiểu vương Baroda và vài nhân vật cao cấp trong chính quyền, nói chuyện lâu hơn tiếng đồng hồ. Chủ đích của tiểu vương là muốn được thấy hiện tượng, và được bà Blavatsky cho nghe tiếng chuông trong không, tiếng gõ trên kính. Dầu vậy, một viên chức trong triều của tiểu vương, phó thủ tướng Kirtane, là học giả thật lòng muốn  có hiểu biết thêm nên được cho thấy nhiều hơn.
Hôm đó sau khi đến gặp tiểu vương, ông Olcott trở về thấy ông Kirtane và bạn là hội viên của hội, thấm phán Gadgil, đứng ở thềm cửa phòng HPB với cửa mở còn bà ở trong phòng, quay lưng lại mọi người. Họ bảo ông đừng vào phòng vì bà đang làm hiện tượng, và vừa kêu hai người ra ngoài đứng đợi. Phút sau bà đi ra, cầm theo một tờ giấy trên bàn, kêu hai người này đánh dấu tờ giấy để xác nhận.
Cầm trở lại tờ giấy, bà nói.
– Nay xin quay tôi về hướng nhà của ông ta.
Họ làm vậy rồi bà đặt tờ giấy giữa hai lòng bàn tay nằm ngang, đứng yên một lát xong đưa nó cho ba người và đi vào phòng ngồi xuống. Hai ông Kirtane và Gadgil kêu lên kinh ngạc, vì tờ giấy trắng khi trước nay là một lá thư viết tay gửi cho ông Olcott, của Trú Sứ Anh tại triều tiểu vương Baroda và mang chữ ký người này. Ấy là chữ nhỏ, nét thật lạ lùng, và chữ ký thì như mớ dây rối nùi hơn là tên ai. Rồi hai người kể ông nghe chuyện.
Có vẻ như họ xin HPB giải thích mặt khoa học về việc kết tụ một bức hình hay chữ viết lên giấy, vải hay bất cứ bề mặt nào mà vô hình với ai đứng xem, không dùng mực, sơn, bút chì hay vật dụng chi. Bà giải thích rằng bởi hình ảnh của mọi vật và sự kiện được tàng trữ trong không gian, bà không cần phải thấy nhân vật hay biết nét chữ, hình ảnh muốn kết tụ; bà chỉ cần được cho tiếp xúc với đầu mối và có thể tự mình tìm ra, hay thấy chúng rồi biến chúng thành vật. Bà nói.
– Nào, cho tôi hay tên ai đó, bà hay ông, mà rất là không có thiện cảm với hội Theosophy, ai mà ông Olcott và tôi chưa hề biết.
Họ lập tức nói tên vị Trú Sứ Anh, người rất ghét ông Olcott và bà Blavatsky lẫn hội, không bỏ lỡ dịp nào mà không nói lời chẳng lành về hai vị, cùng ngăn tiểu vương mời hai vị đến dự lễ đăng quang của mình, theo lời đề nghị của thấm phán Gadgil. Hai người tưởng đây là chuyện rất khó làm, mà không phải vậy. Thư sẽ khiến ai đọc phá ra cười. Nó viết ‘Ông Olcott thân mến’, xin ông thứ lỗi cho những điều xấu xa mà người này đã nói về hai vị, xin ông ghi tên họ đặt mua ‘tạp chí The Theosophist được cả thế giới biết’, và nói rằng mình muốn trở thành hội viên hội Theosophy. Thư ký tên ‘Chân thành chào ông’ và ghi tên họ.
HPB chưa hề thấy một dòng chữ nào của người này hay chữ ký của họ, chưa bao giờ gặp mặt ông ta, và thư được kết tụ vào tờ giấy nằm giữa hai bàn tay của lúc bà đứng trong phòng, lúc ban ngày trời sáng rõ, với ba người chứng đứng xem.
Ông Olcott có hai buổi giảng tại Baroda, và buổi tối khi một viên chức cao cấp khác đến nói chuyện tìm hiểu, bà Blavatsky thuận đọc nội dung một bức điện tín nằm trong phong bì dán kín, trước khi phong bì được mở ra xem; bà cũng cho họ nghe tiếng chuông. Hôm sau, khi thủ tưởng ngỏ ý muốn nghe tiếng gõ thì bà cũng sẵn lòng làm trong buổi trò chuyện dài với hai vị.
Từ Baroda, ông Olcott và bà Blavatsky đi thăm một tiểu vương khác ở Wadhwan, trở về Bombay vào cuối tháng sáu, rồi ông đi Ceylon vào giữa tháng bẩy, với ý định tiếp tục việc gây quỹ giáo dục. Ông đi từ làng này sang làng khác giảng và quyên góp. Ngày 29 tháng 8 tại tỉnh Galle, sau buổi giảng có người đến tặng nửa rupee, xin lỗi vì số tiền quá ít nhưng họ bị tê liệt nửa người từ tám năm nay, không đi làm được nên không thể có nhiều hơn.
Trước đó, vị sư trưởng tại Colombo cho ông hay là nhà thờ Công giáo La Mã  đã sắp xếp biến một giếng thành nơi chữa bệnh, theo kiểu như nước suối ở Lourdes. Có tin nói một người đàn ông đã được chữa lành một cách lạ lùng, nhưng khi xem xét kỹ thì chỉ là tin giả mạo. Ông Olcott mới nói với vị sư trưởng rằng đây là việc nghiêm trọng và vị sư trưởng phải tìm cách giải quyết… bằng không chẳng bao lâu Phật tử dốt nát sẽ lũ lượt xin vào đạo Công giáo La Mã. Vị sư trưởng hỏi.
– Tôi phải làm sao ?
– Nào, ông phải lo chữa bệnh, ông hay vị tăng nào có tiếng, chữa lành người bệnh trong danh đức Phật.
– Nhưng chúng tôi không làm được; chúng tôi không biết gì về mấy chuyện đó.
– Dầu vậy vẫn phải làm. Ông Olcott đáp.
Khi người bị tê liệt này nói về bệnh của họ, có gì đó dường như nói với ông Olcott, ‘Đây là cơ hội cho mình có giếng nước thánh’. Ông biết về từ lực và việc trị bệnh dùng từ lực (còn gọi là nhân điện) từ ba mươi năm nay, nhưng chưa hề thực hành, chỉ thử nghiệm đôi chút ban đầu. Nay có xúc động vì lòng thiện cảm (mà nếu không có thì người trị bệnh không có khả năng để chữa dứt), ông vuốt cánh tay của người kia mấy lần và nói ông hy vọng họ sẽ cảm thấy khá hơn. Người đó ra về.
Tối hôm ấy, ông Olcott ngồi nói chuyện với thân hữu ở nơi trọ trên bãi biển. Người bệnh ban sáng cà nhắc bước vào, xin lỗi làm gián đoạn cuộc trò chuyện, nhưng họ trở lại vì thấy khá hơn rất nhiều và muốn đến tạ ơn ông.  Tin vui bất ngờ này thúc đẩy làm ông Olcott muốn đi xa hơn, nên ông chữa cánh tay họ thêm 15 phút và xin họ sáng mai trở lại.
Chuyện đáng nói là không ai ở Ceylon biết ông có khả năng trị bệnh bằng từ lực hay đã trị bệnh theo cách này, mà cũng không có ai có khả năng như vậy ở đó, nên giả thuyết là có hoang tưởng tập thể không vững ở giai đoạn này. Người bệnh đến buổi sáng, cảm thấy khá hết sức và nhiệt thành muốn tôn vinh ông như là siêu nhân. Ông trị họ tiếp hôm đó, hôm sau rồi hôm sau nữa tới mức sang ngày thứ tư, họ có thể quơ cánh tay quanh đầu, nắm rồi mở bàn tay, và cầm vật đưa tới lui như xưa. Trong vòng bốn ngày họ có thể dùng tay đã được trị để ký tên vào tờ biên bản ghi trường hợp của họ để công bố; sau chín năm đây là lần đầu tiên họ cầm được cây viết.
Ông Olcott cũng trị chân của họ và chỉ một hay hai ngày, họ có thể chạy nhẩy tự ý. Như đụn rơm được mồi cháy, tin truyền đi khắp nơi và nhiều người bệnh khác được mang đến cho ông, mới đầu một, hai người sau đó cả chục, và trong vòng một tuần nơi ông ngụ có đầy người bệnh từ sáng đến khuya.  Với lòng tự tin dâng cao mau lẹ, tự nhiên là khả năng truyền từ lực gia tăng bội phần, lúc đầu nếu cần mấy ngày để chữa một người, nay ông làm chỉ cần nửa tiếng.
Điều phiền toái là lòng ích kỷ không biết nghĩ tới kẻ khác của đám đông. Người bệnh được mang tới chật nhà, họ vây quanh ông từ sáng đến chiều xin được chữa, bất kể ông làm liên tục năm tiếng liền đã mệt nhọc cần nghỉ để ăn trưa. Tay chân tê liệt đã lâu bị co quắp lại, khô cứng, nhưng ông chữa làm nó thẳng ra và người ta nay có thể đi đứng, chạy.  Nhiều năm sau ghé lại Ceylon tình cờ gặp lại một người đã được chữa hết hẳn tê liệt khi đó, ông xin họ thuật lại cho ai có mặt lúc ấy được nghe. Họ kể là bị nằm liệt giường nhiều tháng, tay chân tê liệt thành vô dụng, rồi được mang lên chỗ của ông, ngày đầu chữa nửa tiếng và hôm sau chừng 15, 20 phút. Họ khỏi hoàn toàn trong 15 năm qua, bệnh không hề tái lại.
Tin lan xa nên khi đi giảng ở tỉnh, mỗi lần đến chỗ nào thì ông thấy đã có người bệnh chờ sẵn ngoài vườn, ở hành lang. Họ được mang tới bằng đủ mọi cách: cáng, kiệu, xe, xe đẩy tay v.v. và đủ mọi bệnh: lưỡi cứng từ nhiều năm, phong thấp, lưng còng. Ngày kia khi đến chỗ giảng, ông thấy người bệnh đầu tiên được chữa khỏi tê liệt nửa thân hình cũng có mặt; họ đi bộ gần hai mươi cây số để tới dự !
Trường hợp làm ông thú vị là có bà lão 72 tuổi, trước kia bị bò đá khi vắt sữa bò nên phải chống gậy mà đi, và không thể đứng thẳng. Bà cười ngặt nghẽo khi ông nói sẽ chữa lành sớm sủa để bà có thể nhẩy múa. Nhưng chỉ sau mười phút vuốt xương sống và tay chân, bà gần như lành hẳn và ông nắm tay bà, bỏ cây gậy và khiến bà cùng ông chạy băng qua sân cỏ. Trẻ có gân tay co rút khiến bàn tay không nắm lại được đã lành sau năm phút, ngồi xuống ăn bốc cùng cả nhà với bàn tay có thể co duỗi. Trong tất cả mọi trường hợp ông đều không nhận thù lao, và cũng nên ghi rõ là chữa trị không làm trong phòng riêng kín đáo, không có nhân chứng hay có gì bí ấn, dụng cụ lạ lùng, mà diễn ra trước công chúng, trước mặt mọi người; đôi khi việc còn diễn ra trong chùa, đền thờ giữa đám đông.
Nay ông kể lại phản ứng của vài người khi ông chữa bệnh miễn phi. Có một số bệnh nhân mà bệnh viện chính trong tỉnh Galle cho về vì không chữa được, họ bèn quay sang ông Olcott và lành bệnh; lẽ tự nhiên họ đi kể khắp nơi và một hôm, có y sĩ trẻ tuổi tới xem ông làm việc. Trong số cả trăm bệnh nhân chờ được trị, y sĩ K. nhận ra một người có bệnh đã thử nhiều cách mà bất trị, và muốn biết ông Olcott sẽ làm sao. Ông Olcott làm cho người bệnh đi được không cần gậy, lần đầu tiên từ mười năm qua.
Y sĩ K. thẳng thắn nhìn nhận hiệu quả của việc truyền từ lực, và ở cạnh ông Olcott suốt ngày hôm đó, giúp định bệnh, xử sự như người phụ tá cho ông. Đôi bên có thiện cảm với nhau, và họ đồng ý là hôm sau anh trở lại sau giờ điểm tâm để giúp thêm cho ông Olcott. Chính anh có bệnh ở chân cũng được ông Olcott chữa lành. Hôm sau y sĩ K. không đến mà cũng không có nhắn tiếng nào, sự việc chỉ được giải thích bằng mẫu thư anh gửi cho người bạn đã giới thiệu mình với ông Olcott.
Có vẻ như y sĩ K. rời ông Olcott lòng đầy hăng hái về những gì đã chứng kiến, anh đi thẳng tới y sĩ trưởng của bệnh viện và thuật lại. Cấp trên lắng nghe mà khi anh nói xong, bảo rằng ông Olcott là lang băm, việc chữa lành chỉ là điều gạt gẫm, bệnh nhân được trả tiền để nói dối, và cấm thanh niên không được dính dáng chi với ông Olcott hay trò không nhận tiền của ông. Y sĩ trưởng khuyến cáo rằng nếu không tuân lệnh, anh K. có thể bị mất việc; và nếu khám phá là ông Olcott có nhận thù lao thì họ sẽ đưa ông ra tòa vì chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề ! Do vậy mà hôm sau y sĩ K. không đến cũng không có hàng chữ nào gửi ông Olcott.

Chương XXV

Nay ông Olcott ghi thêm về chi tiết chỉ nói sơ qua ở trên, là ảnh hưởng hay vai trò của lòng thiện cảm trong việc chữa bệnh bằng từ lực với câu chuyện sau. Trong chuyến đi vừa kể ở phía nam Ceylon, tới làng nhỏ Pittwnella cách Galle chừng 8 km tuy ông không chắc lắm, có người bị bán thân bất toại được mang tới xin chữa trị.
Ông bắt đầu ở cánh tay, vuốt dọc theo đường thần kinh và bắp thịt, thỉnh thoảng còn thổi vào đó; chưa tới nửa tiếng mà ông đã làm cho cánh tay co duỗi được tới mức họ có thể quay cánh tay trên đầu,  nắm hay mở ngón tay tự ý, cầm viết, luôn cả lượm cây kim, nói chung là sử dụng tay làm đủ việc theo ý mình. Trước đó ông đã chữa những trường hợp nhiều tiếng rồi và cảm thấy mệt, nên kêu ban tổ chức mời người bệnh ngồi để ông nghỉ một lát.
Trong lúc hút ống điếu xả hơi, ông được nghe kể bệnh nhân là người khá giả, đã tốn 1.500 rupee chạy thầy chạy thuốc mà không hết, và là người keo kiệt, ai cũng biết về sự bủn xỉn của họ. Chuyện tiền bạc đối với ông Olcott thật thấp kém và tệ hại, nên lập tức cảm tình của ông thay đổi hẳn. Ông đề nghị họ hỏi người kia là tính cúng dường bao nhiêu cho quỹ giáo dục Phật giáo để mở trường. Bệnh nhân than vãn rằng mình là kẻ nghèo, đã tốn biết bao tiền cho y sĩ, nhưng sẽ cúng một rupee.
Đó là tột đỉnh sự việc, ông kêu ban tổ chức nói với người này rằng tuy đã tốn 1.500 rupee mà tiền mất tật mang, nay được chữa cánh tay miễn phí vậy giờ họ có thể chi ra cùng số tiền để xem y sĩ có chữa lành được chân của họ, và họ không cần cúng một rupee xây trường Phật giáo mà dùng nó để trả tiền y sĩ. Ông nói ban tổ chức đưa người này ra và không muốn thấy mặt họ nữa; nhưng ban tổ chức đồng một ý xin ông nghĩ lại, vì kẻ chống đối sẽ diễn giải sai thái độ này, bởi từ trước tới nay ông không hề nhận một xu thù lao ; hoặc họ nói đây là cớ để hội đồng Phật giáo tạo áp lực về việc cúng dường gây quỹ.
Thế nên sau một chốc ông cho đem bệnh nhân trở vào và trong vòng nửa tiếng đồng hồ chữa lành chân bị tê liệt của họ, bệnh nhân ra về đi đứng bình thường như mọi ai khác. Một thời gian sau, ông hỏi lại vài trường hợp đáng để ý, trong số có trường hợp này. Câu trả lời làm ông rất ngạc nhiên, ấy là cánh tay đã lành hẳn, nhưng chân bị tê liệt trở lại. Ông không đọc thấy sách nói có trường hợp nào như vậy nhưng lý do thật hiển hiện, ông không có thiện cảm thật lòng với người bệnh sau khi nghe về lòng keo kiệt của họ, và do vậy thể sinh lực của ông không rung động theo thần kinh của họ như đã xẩy ra khi chữa cánh tay; kết quả là có sự kích thích trong một chốc làm lành mạnh, rồi sau đó bị tê liệt như cũ. Trong cả hai lúc chữa tay và chân, ông có cùng lượng sinh lực truyền sang, nhưng lần chữa sau không có chút thiện cảm, thiện ý như khi chữa tay và làm nó lành hẳn.
Ngày 1 tháng 11 ông lên tầu về Bombay và ngày 7 tháng 12 đại hội thường niên của hội được tổ chức tại Bombay, với đây là lần đầu tiên có nhiều chi bộ gửi người về tham dự; từ năm sau đại hội diễn ra tại trụ sở Madras. Khi đại hội chấm dứt, hai vị đóng gói sách vở, bàn ghế và vật dụng mang xuống trụ sở mới. Trên xe lửa đi Madras HPB bị mất chiếc khăn quàng, vì cửa sổ mở một bên mà hai vị ở bên kia chào từ giã hội viên. Khi hay ra, ông ghi HPB la lối nhưng điều đáng nói là bà không dùng khả năng của mình để tìm kẻ trộm.
Ông Olcott rất hài lòng về chỗ ở mới, ghi là nay không còn phải lo việc mướn nhà, đổi nhà, tin tưởng nơi đây sẽ mang lại nhiều ngày vui cho hai vị. Tuy nhiên chuyện trước mặt phải làm là tìm người giúp việc nhà, có những sửa chữa cần thiết, nhận bàn ghế gửi tới và sắp xếp chúng, và chuyện khác là Chân sư M. đến hằng ngày để gặp HPB.

Chương XXVI - XXVIII
Chữa Bệnh

Năm 1883 được ông ghi là rất bận rộn mà cũng thật lý thú trong lịch sử hội. Có 43 chi bộ mới mà đại đa số là do ông thành lập và ở Ấn Độ, và chặng đường ông đã đi là hơn 11.000 km. Nếu so ra thì đoạn đường này rất khác với cùng khoảng cách ở Hoa Kỳ, nơi có thể lên xe lửa đi từ chỗ này sang chỗ kia không rắc rối và thẳng một mạch; tại Ấn người ta phải đổi từ xe lửa sang thuyền, cáng, hay cả voi, xe bò không có lò xo ngồi bị xóc làm xương cốt tê rần, ê ẩm mấy ngày sau. Cũng như hai vị đã tách xa nhau nhiều lúc như năm qua, ông Olcott có những chuyến đi giảng khắp nước Ấn, chữa bệnh và lập chi bộ mới, còn HPB ở Madras lo tờ The Theosophist.
Những tuần lễ đầu năm dành cho có xếp đặt trụ sở mới, ký giấy tờ mua trụ sở, và khởi đầu việc gây quỹ để trả tiền mua với hai vị ghi danh đầu tiên góp 2.000 rupee, bằng 1/5 tổng số tiền cần có. Ông Olcott viết là cần nói rõ như thế để đáp lại lời rằng hai vị dùng Hội làm lợi cho mình.
Chương trước ta ghi một số tiểu vương quan tâm đến việc làm của hai vị, nay có tiểu vương đầu tiên đến thăm trụ sở mới của hội, ở chơi một tuần. Ông Olcott xin tiểu vương vùng Kathiawar đến như người thường với ít kẻ hầu mà thôi, nhưng khi ra đón ông ở trạm xe lửa, ông Olcott thấy có 19 người, còn tiểu vương cho vậy là ít lắm rồi. Nó gồm thị vệ, đầu bếp, nhạc công, thợ hớt tóc, và cận vệ. Khi bị trách móc, tiểu vương rất ngạc nhiên, nói rằng mang ít người hơn như ông Olcott muốn thì không được, vì nếu không dặn, tiểu vương sẽ mang theo trăm người tùy tùng hay đông hơn !
Ngày 17 tháng 2 ông lại lên thuyền đi Calcutta, tới nơi được tiểu vương ở đây mời ngụ ở nhà khách, còn nhà của tiểu vương biến thành bệnh viện vì bệnh nhân tới đông muốn được chữa, và người khác vây quanh xem thành chật cứng. Ông chữa lành nhiều trường hợp, hay ít ra là thấy hết bệnh ngay lúc đó, và ghi rằng ông không biết về sau lành hẳn hay chăng. Thí dụ người bị động kinh năm, sáu chục lần trong ngày được chữa trong bốn ngày thì hết hoàn toàn, nhưng ông cho rằng có thể sẽ không hết luôn về sau, vì một bệnh với nguyên nhân sâu xa làm động kinh nhiều lần như vậy một ngày thì khó mà chữa dứt chỉ trong vài hôm, người ta sẽ cần chữa phải vài tuần mới có thể nói là sức khỏe bình phục hẳn hay không. (còn tiếp)