ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB  (tt)

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Tôi nhớ kỹ một buổi chiều có nhóm người tiếng tăm chờ gặp bà, và khi tôi lên cho hay là có khách đến chơi, tôi thấy bà với y phục không hợp để tiếp khách. Khi cho bà hay khách là những ai, HPB sẵng giọng bảo ông bà X. có thể lên gặp bà. Tôi nhẹ nhàng trách là phòng bà và y phục không hợp, bà bảo tôi biến đi chỗ khác, còn nếu muốn bà xuống nhà tiếp khách thì bà sẽ như thế này mà xuống, và nếu bà muốn gặp ai thì sẽ như thế này mà gặp họ, và tôi cho mang thức ăn lên ngay vì bà đói lắm rồi. Tôi phải nghĩ ra cớ xin lỗi để khách phải ra về.
Khoảng thời gian tôi thích nhất luôn luôn là vào sáng sớm, lúc đó bà luôn luôn dễ nói chuyện, môi cong lại thành đường ưa nhìn, mắt sáng và hiền từ, và làm như bà luôn luôn hiểu và thông cảm không những với điều mà ta muốn nói, mà cả với điều ta không nói. Tôi không hề cảm thấy sợ hãi HPB, dù đôi khi bà dùng ngôn ngữ rất mạnh. Bằng cách nào đó ta luôn luôn cảm biết đó chỉ là ngôn ngữ mạnh ngoài mặt mà thôi.
Tôi có thể liệt kê biết bao trường hợp này rồi kia về hiện tượng, nhưng bà Blavatsky coi nhẹ những điều này, và chúng là phần nhỏ nhất trong sự nghiệp của bà; cũng như ai chỉ đến để mong được thấy hiện tượng, chỉ là một phần của đám đông. Nhiều người nhiệt thành tìm hiểu về khoa học và triết học sẽ tới lui nhiều bận, bị thu hút bởi sức mạnh của óc thông minh tỏ ra vô cùng giỏi dang trong cách HPB xử sự với nhiều đề tài nêu ra cho bà. Nhiều giáo sư trang nghiêm của đại học Cambridge đến và dành trọn buổi chiều trò chuyện với HPB, và nay tôi có thể thấy trước mặt hình ảnh to lớn của bà mặc áo rộng ngồi trong ghế bành lớn, với giỏ thuốc lá kế bên, trả lời những câu hỏi sâu xa, uyên bác về lý thuyết của vũ trụ học, và những luật quản trị vật chất.

 15G Laura C. Holloway
Tháng bẩy1884 - London

Ông Hermann Schmiechen, một họa sĩ trẻ người Đức khi ấy ngụ ở London và có một số hội viên tụ lại ở phòng vẽ của ông. Nhân vật chính trong số những người khách của ông Schmiechen là HPB. Bà ngồi một ghế đối diện với bục có đặt giá vẽ của ông. Có mấy người khác ngồi gần họa sĩ trên bục, tất cả đều là phụ nữ chỉ trừ một người.  Quanh phòng tụm năm tụm ba những người quen biết, ai cũng chú ý vào việc mà họa sĩ sắp làm.
Ký ức rõ nhất luôn luôn nằm trong trí người viết về buổi tụ họp đó, là hình ảnh bà Blavatsky lặng lẽ ngồi hút thuốc trong ghế bành, và hai phụ nữ khác trên bục cũng hút thuốc... Sau khi người viết nói ‘Khởi sự đi’, họa sĩ mau lẹ vẽ phác đường nét một cái đầu. Chẳng mấy chốc ai hiện diện cũng dán mắt vào họa sĩ khi ông vẽ hết sức mau lẹ. Trong lúc mọi người hăng hái chú tâm vào việc họa sĩ làm, người viết thấy hình dạng một người đàn ông với đường nét thân hình lộ ra bên cạnh giá vẽ, và trong khi họa sĩ cúi đầu xuống hình đang được tiếp tục phác thảo, hình dáng ấy đứng cạnh ông không tỏ dấu hiệu hay cử động gì. Người viết nghiêng qua bạn bên cạnh và thì thào.
– Đó là đức K.H., có hình đang được vẽ. Ngài đứng cạnh ông Schmiechen.
HPB nói to.
– Tả hình dáng và y phục của ngài đi.
Trong khi ai trong phòng thắc mắc về lời yêu cầu của HPB, người viết nói:
– Ngài cao cỡ Mohini, mảnh khảnh, mặt tuyệt đẹp sáng rỡ và linh hoạt; tóc chẩy dài hơi xoăn mầu đen, đội mũ mềm. Ngài có những sắc xanh và xám hòa hợp. Y phục là của người Ấn nhưng thanh nhã hơn và lộng lẫy hơn bất cứ gì tôi đã thấy, có lông viền quanh áo. Họa sĩ đang vẽ hình ngài.
Giọng nói nặng nề của HPB vang lên khuyến cáo họa sĩ, và một câu của bà lưu lại rõ ràng trong ký ức.
– Cẩn thận, Schmiechen, đừng làm gương mặt quá tròn; cho thân hình dài hơn, và để ý tới khoảng cách dài giữa mũi và đôi tai.
Bà ngồi ở chỗ mà không thể thấy giá vẽ hay biết trên khung vẽ điều chi.
Ta không biết trong số những ai hiện diện ở phòng vẽ trong buổi đầu tiên ấy, có mấy người nhận ra sự hiện diện của Chân sư. Trong phòng  có vài người nhậy cảm tâm linh, với họa sĩ Schmiechen là kẻ như vậy, bằng không ông sẽ không thể nào vẽ thành công như thế bức hình ông đã phác họa đường nét vào ngày đầy biến cố ấy.

15H Henry Sidgwick,
9-10 tháng 8 - 1884, Cambridge, Anh.

(Vào ngày 8 tháng 8) chúng tôi trở về Cambridge. (Ngày kế đó) sau bữa tối chúng tôi dự buổi họp của chi nhánh Cambridge thuộc hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Society for Psychic Research SPR), với bà Blavatsky, Mohini và các hội viên khác của hội Theosophy sẽ có mặt. Buổi họp diễn ra tại phòng rộng rãi của Oscar Browning, có đông đầy hết tất cả thành viên của chi nhánh và nhiều người ngoài hơn nữa. Phải có hơn bẩy mươi; tôi không dè là đông người như vậy tới trong kỳ nghỉ hè dài.Ông F.W.H. Myers và tôi có phận sự là đặt câu hỏi để ‘kéo’ được bà Blavatsky trả lời. Mohini cũng trả lời một phần. Chuyện diễn ra vài tiếng đồng hồ tức chúng tôi thành công hơn tôi tưởng. Đủ mọi hạng người, mà phân nửa số này tôi nghĩ là đến dự nhưng biết rất ít về Theosophy, tỏ ra chú ý lắm trong suốt buổi.
Nói chung tôi có ấn tượng thuận lợi về bà Blavatsky. Tự nhiên là nội dung các câu trả lời của bà thì có vài điểm tệ hại như sách Isis Unveiled, nhưng cung cách của bà rất thành thật và ngay thẳng; khó mà tưởng tượng bà là kẻ mạo danh khéo léo nếu mọi chuyện là trò gạt gẫm và bà phải là vậy.
(Ngày 10 tháng 8) tất cả chúng tôi và ông Myers dự bữa ăn trưa với hội viên hội Theosophy. Chúng tôi tiếp tục có ấn tượng thuận lợi về bà; nếu tin được vào linh tính của mình thì bà là người chân thành, bản tính mạnh mẽ về cả trí tuệ và tình cảm, và thực lòng muốn điều lành cho nhân loại. Ấn tượng này càng đáng nói vì bà có bề ngoài không hấp dẫn, với nếp áo đầy tàn thuốc lá và cử chỉ không làm duyên làm dáng. Nora (bà Sidgwick) và tôi quả thật mến bà. Nếu bà là người bịp bợm thì hết sức tài tình; vì lời nói của bà không những có sự tự nhiên và không mầu mè, mà đôi khi còn có bộc bạch ngộ nghĩnh. Như giữa lúc nói về các Mahatma ở Tây Tạng, nhằm cho chúng tôi ý quí trọng các nhân vật này, bà buột miệng nói ra cảm nghĩ thật lòng, rằng vị Mahatma đứng đầu tất cả là xác ướp khô khốc già nhất mà bà đã thấy.
(Ghi chú: Henry Sidgwick là chủ tịch đầu tiên của SPR, có chân trong tiểu ban điều tra bà Blavatsky và các tuyên bố của bà. Tới cuối ông tin rằng HPB giả mạo và các Mahatma của bà không có thực.)

16C Vsevolod S. Solovyov, 26-7 tháng 8 - 1884
Brussels, Bỉ và sau đó tại Elberfeld, Đức.

Đã nhận được thư của bà bạn người Nga như tôi, bà Helena Blavatsky, trong đó bà viết về sức khỏe yếu kém của mình và xin tôi đến gặp bà ở Elberfeld, tôi quyết định có chuyến đi. Nhưng tình trạng sức khỏe của chính mình khiến tôi phải cẩn thận và muốn tạm nghỉ ở Brussels nơi tôi chưa hề đến, trời nóng chịu không được.
Tôi rời Paris ngày 24 tháng tám. Sáng hôm sau ở khách sạn tôi ngụ tại Brussels, tôi gặp cô Justine de Glinka; khi nghe tôi sẽ đi tới Elberfeld gặp bà Blavatsky, người mà cô quen biết và kính phục, cô quyết định đi với tôi. Chúng tôi dự tính đi xe lửa lúc chín giờ sáng mai. Hôm sau lúc tám giờ sáng, sẵn sàng để lên đường, tôi lại phòng cô Glinka và thấy cô bối rối lắm. Tất cả chìa khóa mà cô luôn luôn giữ bên người trong cái túi nhỏ, đem nó theo lúc lên giường ngủ, qua đêm đã mất tăm dù cửa phòng khóa.
Bởi hành lý bị khóa hết, cô không thể cất những đồ vật mà cô vừa dùng và mặc. Chúng tôi phải hoãn giờ khởi hành tới chuyến tầu một giờ trưa, và nhờ người tới mở valise lớn nhất. Khi nó được mở ra, tất cả chìa khóa thấy nằm dưới đáy valise, kể luôn cả chìa khóa của valise này cột dính vào những chìa khóa khác như thường lệ. Được rảnh buổi sáng, chúng tôi đồng ý đi dạo chơi nhưng bất thình lình tôi thấy yếu hẳn người và có ý muốn đi ngủ không cưỡng được.
Tôi xin lỗi cô Glinka rồi về phòng, nằm vật ra giường. Tuy nhiên tôi không sao ngủ được và nằm đó nhắm mắt mà tỉnh táo, rồi đột nhiên thấy trước đôi mắt nhắm của mình một loạt cảnh trí về những nơi tôi không biết, với trí não ghi nhận các chi tiết hết sức tinh tế. Khi viễn ảnh này ngưng lại, tôi không còn thấy yếu người nữa và đi ra gặp cô Glinka; tôi thuật lại hết đầu đuôi việc gì đã xẩy ra cho mình và mô tả tỉ mỉ cho cô rõ những cảnh tượng đã thấy.
Chúng tôi rời đi trên chuyến tầu lúc một giờ và coi này ! sau đoạn đường chừng nửa tiếng cô Glinka nhìn ra ngoài cửa sổ và bảo tôi.
– Nhìn kìa, đây là một trong những cảnh của anh.
Tôi nhận ra nó ngay lập tức và cho tới chiều tối trọn ngày hôm ấy, với mắt mở to tôi thấy tất cả những gì đã thấy hồi sáng với mắt nhắm. Tôi mừng là đã tả chi tiết hết linh ảnh cho cô Glinka biết. Đoạn đường giữa Brussels và Elberfeld hoàn toàn xa lạ đối với tôi, vì ấy là lần đầu tiên trong đời tôi đến Bỉ và vùng này của Đức.
Khi tới Elberfeld vào buổi chiều, chúng tôi lấy phòng ở khách sạn rồi vội vàng tới thăm bà Blavatsky ở nhà ông Gebhard. Cũng chiều ấy, hội viên TTH ở đó với bà Blavatsky cho chúng tôi xem hai bức tranh sơn dầu của hai Chân sư M. và KH do họa sĩ Schmiechen vẽ. Hình Chân sư M. đặc biệt cho tôi một ấn tượng lạ lùng, nên không có gì ngạc nhiên là trên đường trở lại khách sạn chúng tôi nói chuyện về ngài, và thấy hình ảnh ngài trước mắt chúng tôi. (Cô Glinka cũng có kinh nghiệm tương tự như tôi.) Nhưng đây là việc gì xẩy đến cho tôi.
Mệt mỏi vì cuộc hành trình, tôi nằm ngủ yên rồi bất chợt tỉnh giấc vì có cảm giác một hơi ấm phà vào. Tôi mở mắt và trong ánh sáng yếu ớt từ ba cửa sổ chiếu vào phòng, thấy trước mặt mình hình dáng một người đàn ông cao lớn, mặc áo dài trắng gió thổi áo bay phất phơ. Cùng lúc đó tôi nghe hay cảm biết một giọng nói, bằng ngôn ngữ nào thì không biết tuy tôi hiểu hoàn toàn, bảo thắp nến lên.
Tôi cần giải thích rằng thay vì sợ hãi tôi lại vẫn thấy bình tĩnh, chỉ có điều tim đập mau. Tôi thắp nến và khi đó nhìn đồng hồ tay thấy là hai giờ sáng. Linh ảnh không biến mất. Có một người đàn ông sống động đứng trước mặt tôi. Và tôi nhận ra ngay tức khắc là hình người của bức chân dung mà chúng tôi đã thấy tối hôm qua. Ngài ngồi xuống chiếc ghế gần bên tôi và bắt đầu nói. Ngài nói một lúc lâu. Ngài nói nhiều việc, trong số đó ngài bảo nếu muốn thấy được ngài trong thể tình cảm thì tôi cần phải tập luyện nhiều, và bài học chót đã cho tôi vào sáng qua khi nhắm mắt mà thấy phong cảnh tôi sẽ gặp ngoài thực tế trong cùng ngày. Rồi ngài nói tôi có khả năng lớn về từ lực hiện đang phát triển. Tôi hỏi ngài mình phải làm gì với lực ấy, nhưng ngài không trả lời mà biến mất.
Chỉ còn lại mình tôi, cửa phòng khóa chặt. Tôi cho là mình có hoang tưởng và còn sợ hãi tự bảo mình là bắt đầu mất trí rồi. Tư tưởng này vừa mới trổi lên thì lại một lần nữa tôi thấy vị siêu nhân trong áo trắng. Ngài lắc đầu và mỉm cười bảo tôi.
– Hãy tin chắc rằng tôi không phải là sự hoang tưởng và bạn đã mất trí rồi. Sáng mai bà Blavatsky sẽ chứng tỏ cho bạn trước mặt mọi người là quả thật tôi có đến thăm bạn.
Rồi ngài biến mất. Tôi nhìn đồng hồ tay thấy đó là ba giờ sáng. Tôi tắt nến và lập tức chìm vào giấc ngủ sâu.
Sáng hôm sau, tôi cùng  đi với cô Glinka tới bà Blavatsky, câu đầu tiên bà nói với chúng tôi với nụ cười bí ẩn là:
– Chà, anh ngủ ngon không ?
– Ngon lắm, tôi đáp và thêm vào. Bà có gì để nói với tôi không ?
– Không, bà đáp. Tôi chỉ biết là Chân sư có đến gặp anh cùng với một đệ tử của ngài.
Cùng tối hôm đó, ông Olcott thấy trong túi áo mình một mẫu thư nhỏ ghi bằng nét chữ mà hội viên TTH đều cho là của Chân sư M:
– Chắc chắn là Ta có đó, nhưng ai có thể mở mắt cho người không muốn thấy.
Đây là trả lời cho những nghi ngờ của tôi, vì trọn ngày tôi tự nhủ mình đó chỉ là hoang tưởng, và điều này làm bà Blavatsky tức giận.
Tôi cũng nên nói là khi quay về Paris nơi tôi đang ngụ lúc này, những hoang tưởng của tôi và các chuyện kỳ lạ xẩy ra chung quanh tôi ngưng hẳn lại.

16D Laura C. Holloway
Tháng 8 - 10, 1884 Elberfeld, Đức

Bà Blavatsky có thể làm phát ra âm thanh như tiếng chuông ngân, trầm và êm dịu, mà hết sức trong trẻo, và tất cả chúng tôi đều nghe được trong nhiều điều kiện khác nhau. Bà cũng biết việc gì xẩy ra ở những phần khác trong tòa nhà, và ngày kia trách cứ một người trong bọn về điều thốt ra ở công viên cách lâu đài 1.6 km. Chủ nhân bảo rằng suốt buổi chiều bà Blavatsky không có rời phòng.
Tôi nhớ có dịp khi tôi xin phép về phòng để ngồi viết. Đến tối khi mọi người tụ lại ở phòng khách, tôi kinh ngạc thấy bà nói với tôi:
– Bà không viết được gì cả hôm nay. Tôi thấy bà ơ thờ để thì giờ trôi mất.
Quả thật tôi ngồi trước cửa sổ lớn trọn buổi chiều, nhìn ra đồi, ngắm mây trôi và suy nghĩ nhiều việc. Tôi nghĩ nhiều đến bà Blavatsky vì đang suy tính điều quan trọng đối với tôi, là nên ở đây lâu hơn với nhóm hay nên quay về Anh. Bằng cách nào đó bà biết chuyện chi làm tôi bận tâm và nói với tôi lúc chúng tôi đi xuống cầu thang.
– Bà cùng về với tôi.
Tôi nhủ thầm là sẽ không làm vậy, mà sự việc đưa đẩy khiến đúng là tôi quay về London cùng với bà.
Có vẻ như bà tiên đoán được tương lai bằng nhiều cách… Con người bà là điều bí ẩn, bà làm những việc lạ lùng. Khả năng của bà thật đáng kể và chúng thể hiện mà không có dự tính… Không nhà cửa, không ràng buộc thân thích, không có tình thân mạnh mẽ, làm như bà đơn độc trong đời … Bà ở trong cõi của riêng mình và không ai có thể hiểu bà một cách thân thiết. Tôi có lúc ở trong phòng cùng với bà khi cảm thấy con người thật của bà ở xa tít, và thấy bà chỉ nhìn người xa lạ một cái rồi nói về họ như thể những kiếp qua của họ trải hết trước mặt bà.
Ngày kia bà ngồi ở bàn viết bài khi tôi không được mời mà vào phòng. Tôi làm gan bước thẳng tới bà trong tay cầm bức thư dán kín, viết cho guru Vị gửi thư cho tôi qua bà.
– Thưa bà, tôi muốn có trả lời cho thư này và muốn nhờ bà gửi nó đi.
Bà la lối tôi, nổi giận, muốn biết tôi có quyền gì với bà mà đòi hỏi bà gửi thư cho các Mahatma. Khi bà nói xong, tôi lặng lẽ xin bà chuyển thư đi, thêm rằng nó quan trọng. Bà vặn lại.
– Chuyện tình cảm của người ta không có gì là quan trọng cả. Ai trong quí vị cũng tưởng là hễ ngỏ lời cầu xin thì lập tức phải có hồi đáp ngay từ chính Jehovah. Tôi mệt với những điều ngớ ngẩn này rồi.
Tôi bình tĩnh đặt thư lên bàn, ngồi xuống gần đó và đối mặt với bà, nhìn vào lá thư của tôi. Bà mở một ngăn kéo của bàn viết mà tôi thấy là trống trơn, và bảo tôi để thư vào đó. Tôi đặt lá thư trên bàn vào hộc tủ rồi tự tay đóng nó lại. Bà ngả lưng trên ghế, nhìn tôi chăm chú và nói rằng ý chí của tôi đang phát triển. Tôi bảo là mình đặt nhiều hy vọng khi viết bức thư, và thư trả lời sẽ ảnh hưởng đường tương lai của tôi.
Một cảm xúc đột ngột thúc đẩy làm tôi hỏi bà là thư đã gửi đi chưa và không đợi trả lời, tôi mở ngăn kéo thấy thư không còn đó nữa. Tôi nhìn kỹ khắp nơi để tìm lá thư. Mấy ngày sau tôi gặp bà Blavatsky ở dưới nhà khi bà cùng một người khách ra khỏi nhà đi xe ngựa, và bà đưa tay ra để tôi giúp bà bước xuống những bậc thềm. Tôi cầm lấy tay bà và cười hỏi.
– Lá thư của tôi đâu ?
Bà chăm chăm nhìn tôi một lát và tôi đột nhiên cảm biết mà không rõ vì sao, là thư đã có hồi âm. Tôi đưa tay vào túi áo thấy có lá thư nằm đó, xếp lại và dán kín trong phong bì Trung Hoa.
Thế giới đã cười chê HPB nhiều hơn bất cứ phụ nữ nào trong thời của bà… Có lần người ta hỏi bà là ai, bà đáp giản dị:
– Tôi là hành giả Phật tử, đi quanh thế giới để giảng dạy tôn giáo duy nhất đúng thực, là chân lý.

16E C. W. Leadbeater
31.10.1884 London

 Tôi viết một lá thư cho Chân sư Koot Hoomi. Sau đó nhận được thư trả lời. Nhưng tôi không biết cách nào để gửi thư nữa cho ngài, bèn mang nó tới bà Blavatsky và bởi bà sẽ rời Anh hôm sau đi Ấn Độ, tôi vội vàng lên ngay London để gặp bà.
Xin bà đọc thư của Chân sư KH thật là chuyện khó khăn, vì bà nói mạnh mẽ rằng những thư như vậy là dành cho người nhận mà thôi. Tuy nhiên tôi khăng khăng giữ ý và chót hết bà đọc, rồi hỏi tôi muốn nói gì để trả lời. Tôi đáp lại và hỏi bà làm sao có thể gửi thông tin ấy tới cho ngài. Bà trả lời là ngài đã biết nó rồi, lẽ tự nhiên muốn nói đến liên hệ hết sức mật thiết giữa bà với Chân sư.
Rồi bà bảo tôi đứng chờ cạnh bà, đừng bỏ đi vì bất cứ lý do nào. Bà theo sát lời ấy tới mức kêu tôi vào phòng ngủ của tôi khi bà vào đó lấy nón đội, và khi cần xe tới rước đã không chịu cho tôi rời phòng đi ra cửa huýt sáo gọi xe. Lúc đó tôi không hiểu chi hết mục đích của việc này, nhưng sau đó tôi nhận ra là bà muốn tôi có thể nói bà không hề rời khỏi tầm mắt tôi giây phút nào cả, giữa lúc bà đọc thư của Chân sư gửi cho tôi và tôi nhận được thư trả lời.
Tôi nhớ thật sống động như mới xẩy ra hôm qua làm sao tôi ngồi trong xe ngựa với bà, cảm giác ngượng ngùng xấu hổ tôi có, một phần do vinh dự được làm vậy và một phần do nỗi sợ hãi của tôi là hẳn tôi đã làm phiền bà vô cùng, vì tôi bị ép vào một góc tí tẹo của xe, còn thân hình to lớn dềnh dàng của bà đè nặng lên phía bên kia xe, làm lò xo kêu rít suốt dọc đường. Ông bà Cooper-Oakley sẽ cùng đi với bà sang Ấn Độ, và tôi cùng với bà đi tới nhà hai người này rất trễ tối hôm đó.
Dù khuya như thế, vẫn có nhiều thân hữu tận tâm với bà tụ lại ở phòng khách nhà bà Oakley để chào từ biệt bà Blavatsky, nay ngồi trong ghế bành cạnh lò sưởi. Bà đang nói chuyện hào hứng với những ai có mặt ở đó, và cuốn điếu thuốc lá bất tận của mình, khi thình lình bàn tay phải bà giật lên về phía lò sưởi theo cách rất lạ kỳ, lòng bàn tay ngửa lên trên.
Bà nhìn xuống tay mình ngạc nhiên, mà tôi cũng vậy, vì tôi đứng sát cạnh bà, nghiêng người đặt một cùi chỏ lên bệ lò sưởi; và mấy người trong bọn chúng tôi thấy thật rõ ràng có một khối sương mầu trắng thành hình trong lòng bàn tay bà rồi cô đọng thành một tờ giấy gập lại, và bà lập tức đưa cho tôi, bảo.
– Đây là thư trả lời cho anh.
Cố nhiên mọi người trong phòng tụ lại, nhưng bà kêu tôi đi ra ngoài đọc thư, nói tôi phải không để cho ai biết nội dung của thư. Nó là mẫu thư rất ngắn.  (còn tiếp)

The Esoteric World of Madame Blavatsky - Daniel Caldwell