VỀ HUYỀN BÍ HỌC

Về Huyền Bí Học

 

 

Tác giả H.K. Challoner quen thuộc với bạn đọc của PST, với hai tác phẩm của bà đã đăng trên báo PST:
- Vòng Tái Sinh, và
- Con Đường Lành Bệnh.
Nay xin giới thiệu với bạn một  quyển sách khác của bà tựa đề The Sword and the Spirit, xuất bản khoảng năm 1949 nay đã tuyệt bản. Sách chú trọng chính đến huyền bí học và huyền bí gia là chúng ta, và phần dưới đây trích những đoạn trong sách liên quan đến hai đề tài ấy.

A. Huyền Bí Học
Chữ ‘huyền bí học - occultism’ bị lạm dụng nhiều dẫn tới ngộ nhận, đôi khi nó còn bị dùng để dối gạt thành ra ta không ngạc nhiên khi có lời chê bai khoa học này. Lại nữa có những thuật được gọi là huyền bí học mà thật ra là giả hiệu, với bản chất không liên quan gì đến huyền bí học chân thực.  Làm sao để phân biệt chân và giả ? Điều đầu tiên hiển hiện là khi một ai xưng là ‘thầy’ hay một tổ chức, nói rằng họ sở hữu hiểu biết bí truyền và đòi hỏi:
–  Hoặc bạn phải tuân lời vị ‘thầy’ của tổ chức để được truyền dạy,
–  Hoặc bạn có thể được truyền cho các hiểu biết này với một lệ phí nào đó,
thì ấy là huyền bí học giả hiệu và bạn hãy chạy cho xa khỏi người ‘thầy’ lẫn tổ chức ấy.
Bà Blavatsky, một trong những người đầu tiên nỗ lực vén màn che phủ điều bí ẩn, và trưng ra trở lại những chỉ dạy bí truyền đúng thực cho tây phương, đưa ra một trong các định nghĩa rõ ràng nhất, không chút mập mờ về huyền bí học chân chính mà ta có thể có, và cần được nhiều người biết tới hơn, vì khi hiểu đúng đắn nó sẽ chữa lại tất cả các khuynh hướng nguy hiểm hơn về những điều gọi là ‘tỏ lộ - revelation’ bí truyền. Bà viết:
Huyền bí học không phải là huyền thuật - magic, tuy huyền thuật là một trong các thuật của nó. Huyền bí học không phải là việc thụ đắc những quyền năng, tâm linh lẫn trí tuệ, dù cả hai là tôi tớ nó. Huyền bí học cũng không phải là việc đi tìm hạnh phúc như con người hiểu nghĩa chữ ấy; vì bước đầu tiên là hy sinh, bước thứ hai là từ bỏ.
Huyền bí học là khoa học của sự sống, là thuật sống.

B. Các Nguyên Lý
Các nguyên lý căn bản của huyền bí học đã có từ xa xưa mà ngày nay ta không rõ ai là người đầu tiên đưa ra, chúng nói ngắn gọn như sau:
Lớn sao, Nhỏ vậy;
Trong sao, Ngoài vậy;
Trên sao, Dưới vậy;
Chỉ có một Sự Sống và một Luật;
Không có gì Trong, không có gì Ngoài;
Không có gì To, không có gì Nhỏ;
Không có gì Cao, không có gì Thấp trong cơ cấu thiêng liêng.
Những câu này có ý nghĩa trong mỗi cõi, từ vật chất đến tinh thần và ta phải đi tìm các ý nghĩa đó. Chúng chỉ có thể nghiệm ra nhờ tham thiền sâu xa, kiên nhẫn gắng sức, và nhất quyết nỗ lực. Cho dù ta có thể giải thích chi tiết những câu trên thì cũng không có ích mấy, vì kiến thức ít khi có giá trị lâu dài. Kiến thức đến từ bên ngoài, còn chân lý hiện ra từ tác động của tinh thần bên trong.
Vì lý do đó, cách duy nhất để hiểu chân lý này không phải bằng trí tuệ như phân tích, giải nghĩa, làm sáng tỏ, mà bằng việc áp dụng nó. Bởi chỉ khi áp dụng thì bất cứ ý tưởng nào mới thành chuyện thực và có thực. Muốn biết về sự sống thì ta phải sống nó.
Từ các châm ngôn trên, người ta suy ra vài phụ đề sau:

● Sự Sống là Một.
Một câu khác ta hay nghe diễn tả cùng ý là Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Như thế, những cách nói ‘trên, dưới, trong, ngoài’ ứng dụng cho những tình trạng tương đối, tức các giới hạn của tâm thức bất kể tâm thức ấy mênh mông tới đâu. Điều có vẻ là phân rẽ phần này với phần kia của sự sống, như chia rẽ giữa người này với người kia, dân tộc này với dân tộc nọ có thể nói là do giới hạn vừa nói, hay chỉ là thiếu cái nhìn trọn vẹn như thường thấy nơi người trung bình.

  ● Phụ đề thứ hai nói rằng Sự Sống là diễn trình muôn thuở của việc trở thành, hay nói rõ hơn thì cuộc tiến hóa luôn diễn ra, và không có sự ‘chết’. Hòn đá không phải là vật vô tri, im lìm không sinh động mà thực ra, các nguyên tử kết hợp thành hòn đá luôn hoạt động mãnh liệt và biến chuyển.
Sau khi đã có ý niệm về tính Duy Nhất của Sự Sống và một đặc tính của nó, điểm quan trọng kế là biết đôi chút về phương pháp.

● Phụ đề thứ ba có được sau khi chiêm nghiệm sự sống, ta thấy ngay rằng sự phát triển không hề đi theo đường thẳng mà theo dạng sóng  khi lên khi xuống, như thủy triều lúc tới lúc lui, tuân theo Luật Chu Kỳ, với các chu kỳ xử sự như là tác nhân điều hòa, là yếu tố tạo quân bình cho những diễn tiến trong vũ trụ.
Sự diễn tiến theo chu kỳ và tính quân bình cố hữu trong mọi biểu lộ, có tầm quan trọng chính yếu nếu ta muốn nhìn sự sống toàn diện, cũng như cả hai là chìa khóa để cho ta hiểu nhiều thắc mắc và vấn đề. Thiên nhiên biểu lộ phụ đề này rất rõ ràng qua việc ngày và đêm nối tiếp nhau, rồi bốn mùa thay đổi; và trong khi năm tháng đến rồi đi, thiên nhiên có khuynh hướng giữ cho mình trong tình trạng quân bình như là trọn một tổng thể.
Có những chu kỳ khác nhau diễn ra cùng lúc, chẳng hạn mỗi thế kỷ tự nó là một chu kỳ nhỏ dài trăm năm, các thế kỷ lại nằm trong một chu kỳ lớn là các thời đại theo chiêm tinh học, như trái đất hiện nay đang bước vào thời đại Bảo Bình Aquarius dài hơn 2.000 năm. Rồi thế kỷ và thời đại cả hai ở trong một chu kỳ lớn hơn nữa dài mấy ngàn năm, như sách vở ghi thời ta đang sống là thời mạt pháp tên Kali Yug, và theo cách tính của kinh sách Ấn dài khoảng 5.000 năm.
Ta không thể nói gì hơn vì thuyết về chu kỳ có đầy bí ẩn, và con số trong cổ thư với người viết có hiểu biết đúng đắn về các đề tài này, hay ngay cả trong bộ The Secret Doctrine, thường có tính che đậy mà không phải là thực. Nhưng khi ba loại chu kỳ thế kỷ, thời đại, thời mạt pháp trùng hợp ít nhiều với nhau, thì sự việc muốn nói có biến cố nổi bật và có tầm quan trọng lạ lùng, to tát trong sự phát triển của nhân loại.

C. Diễn Giải Nguyên Lý
Khi học hỏi các làm việc của những luật vũ trụ, ta có được hiểu biết đúng đắn, nhận ra được ý nghĩa trong mọi vật. Tức là:
– Điều bên Trong sẽ tỏ lộ ý nghĩa của điều bên Ngoài;
– Cái Trên sẽ chiếu sáng qua cái Dưới;
– Chuyển động của cái Lớn sẽ cho ý nghĩa qua sự xuất hiện của cái Nhỏ, và
– Sự tương tác giữa Hai điều, thí dụ tinh thần và hình thể, sẽ cho ra điều thứ Ba là tâm thức giác ngộ. Tâm thức sẽ cùng hai điều này dự cuộc tiến hóa, kết hợp cả hai vào một chu kỳ mới của việc Trở Thành.
Con người tuân theo luật sinh - tử rồi tái sinh, thì bởi ‘Lớn sao, Nhỏ vậy ‘ và ‘Trên sao, Dưới vậy’, ta cũng có thể truy ra sự diễn trình tương tự cho quốc gia và giống dân, cho địa cầu, các vì Hành Tinh Thượng đế, và ngay cả những thái dương hệ. Và cũng như mỗi cá nhân ở một giai đoạn phát triển khác nhau, có em bé cần được chỉ dạy, kẻ khác là thiếu niên tình cảm còn bồng bột, người nữa đã đạt mức trưởng thành so với chu kỳ đời trước của họ, thì quốc gia cũng thế.
Trung Hoa cho ta thí dụ nhiều ý nghĩa khi áp dụng thuyết trên. Quốc gia này đã tới mức trưởng thành nhiều thế kỷ trước, có thành đạt và tạo dựng một nền văn minh độc đáo so với thế giới lúc bấy giờ, rồi chìm vào tuổi già, tới một giai đoạn chậm chạp hóa thạch. Đó là lúc của những triều đại ngay trước và rồi luôn cả nhà Mãn Thanh, hoàn toàn cắt đứt liên hệ với thế giới thực, và sống trong thế giới huyễn mộng tương tự như trạng thái ở cõi trung giới. Nay Trung Hoa bước vào một chặng mới, là tái sinh theo nghĩa đen và có thể sẽ đạt sự trưởng thành đích thực cho trọn quốc gia, lâu trước khi đa số các nước tây phương xong chặng hiện tại của họ là trẻ thơ và thiếu niên.
Với nước Đức, có ý kiến cho rằng việc tà thuật được dùng lan tràn khắp vùng rộng lớn bao gồm luôn nước Đức, không những khi xưa mà luôn cả nhiều năm trước thế chiến thứ hai, giải thích phần nào sự xuất hiện tinh thần Quốc xã Nazi  ở đó. Ta biết rằng các hình thức thông thường hơn của tà thuật  có liên hệ với tình cảm nơi người. Như mọi điều khác, tình cảm có thể được dùng cho việc tốt lẫn việc xấu. Nó là một lực mà khi được nâng cao lên mức tinh thần có thể sinh ra nhà thần bí mystic; mặt khác dạng thấp hơn sẽ cho ra một số quyền năng tâm linh, tính ác dâm sadism, bạo hành tình dục, sự đồi trụy v.v.
Nước Đức với lòng tự tôn huyền bí, thờ phượng chư thần của giống nòi làm người ta thành dễ đón nhận thuyết Quốc xã Nazi. Thuyết này có thể ví như một thực thể ám nhập một ai, làm chủ họ và dùng điều xấu lẫn điều tốt có nơi người này, trí thông minh, hiểu biết, luôn cả tình thương, cho mục đích phá hoại của nó.
Nhưng ta nên nhớ rằng không một thực thể ám nhập nào có thể làm chủ được một ai, trừ phi nơi họ có điều gì hay dục vọng tương ứng với nó. Sự thực là mỗi thực thể ám nhập ai chính là một bản chất của người đó, và không hề đến từ bên ngoài như nhiều người vẫn tin. Nó là ‘cái tôi’ từ quá khứ xa xôi trở về chiếm lại điều là nó. Ấy là tình trạng của Đức quốc. Nazi  là cái ngã ẩn khuất của Đức, và tất cả những ai vào lúc nào và theo bất cứ cách nào, đã chấp nhận sự khống chế của cái ngã ấy và trung thành với nó, dù ở trong hay ngoài nước Đức, là thể hiện của nó tới một mức cái ngã này.

D. Ý Nghĩa Thời Đại
Ta được nghe nói là theo chiêm tinh học, trái đất vừa rời khỏi thời đại Song Ngư Pisces và bắt đầu bước vào thời đại Bảo Bình Aquarius. Ý nghĩa của Bảo Bình là gì ? Hình ảnh của Bảo Bình là một người mang trên vai bình nước chúc xuống cho nước chẩy ra, và có vài cách diễn giải hình ảnh này, một cách nói rằng nước tượng trưng cho tình cảm bị kềm chế trong bình ý chí, và được nâng lên cao trong không là trí tuệ, tuôn tràn cho tất cả như là ‘nước của sự sống’. Như vậy, về một ý thì Bảo Bình có thể được nói là xử sự như cầu nối, băng qua khoảng không giữa cõi vật chất và dục vọng với cõi tinh thần.
Trong  thực tế, hội Theosophy mở đầu cho những nỗ lực tương tự về sau, nhằm cùng mục đích này. Sự thành lập Hội Thông Thiên Học cuối thế kỷ 19 là một sự việc có tầm quan trọng ít khi được nhận biết đúng mức. Ấy là lần đầu tiên trong lịch sử có ghi chép của nhân loại, bức màn đã được vén lên trưng ra những điều bí ẩn của Huyền Môn - Mysteries mà từ trước tới giờ chỉ được truyền cho người đệ tử lúc chứng đạo initiation.  Do vậy, một số lớn các chỉ dạy về Theosophy trong những trường huyền môn khi xưa, giờ được truyền giảng rộng rãi cho công chúng. Chuyện ấy chỉ có thể làm được vì nhân loại đã sẵn sàng cho nó. Một trong các chỉ dạy quí giá này là lần đầu tiên con đường tiến hóa được mô tả rõ ràng, và ai học được điều ấy thường tỏ lòng biết ơn sâu xa.
Sự việc muốn nói về một mặt, thế giới có đủ số người có khả năng ứng dụng khối hiểu biết được tuôn ra như vậy, có lẽ đây là nhóm mà sách bà Bailey gọi là ‘nhóm mới những người phụng sự thế giới - The New  Group of the World Servers’; và cũng có thể do một phần của nhân loại chìm quá mau vào hố duy vật nên ‘yếu tố quân bình’ nói ở trên tự động làm việc, chuyển tình thế từ đêm tối qua ánh sáng, cho phương tiện để ai như vậy có thể được cứu vớt khỏi tuột dốc nguy hiểm, nếu muốn.
Về mặt khác, học được hiểu biết huyền môn khiến người ta có thêm trách nhiệm, là nhìn sự việc, vấn đề, tìm giải pháp theo quan điểm tinh thần, thay vì theo nhãn quan của người trung bình chưa biết luật thiêng liêng và nhìn theo mặt vật chất. Chuyện hay gặp là người có thiện tâm muốn cải thiện thế giới, tìm cách thay đổi tình trạng họ cho là xấu sang tốt hơn. Người trung bình làm vậy vì đối với họ, tình trạng ấy là yếu tố quyết định trong đời, và tin rằng biến cải hay chuyển hóa nó sẽ thay đổi được nhân tính.
Huyền bí gia chủ trương ngược lại, cho rằng tình trạng ấy chính ra là hệ quả mà không phải là nguyên nhân, và có thể được ví như là triệu chứng của căn bệnh nằm sâu. Thuốc hay trị liệu có thể tạm thời làm mất đi triệu chứng, nhưng chỉ khi nào độc chất được thải trừ thì triệu chứng mới tự nó tiêu tan. Huyền bí gia tin là điều này áp dụng cho tình trạng hiện thời của nhân loại. Tất cả xáo trộn, rối loạn thế giới đang trả qua là triệu chứng của căn bệnh nằm sâu mà nếu không chữa tận gốc, sẽ lan tràn mãi cho tới khi nó hủy diệt ta hoàn toàn.
Huyền bí gia sẽ không làm việc với triệu chứng, mà tìm cách đối phó với bệnh là sự tranh chấp bên trong. Và điều gì gây ra bệnh ? Trước hơn hết thẩy là óc Vô Minh, sinh ra mất quân bình rồi tới phiên nó đưa tới tranh chấp; lấy thí dụ về cơ thể, ta ăn bậy vì vô minh, gây rối loạn cho sự tiêu hóa làm mất quân bình và sinh ra bệnh.
Khi bàn về cách đối phó, chữa trị, có điểm hết sức quan trọng cần được ghi ra, ấy là mỗi sự phát triển phải được kiểm soát từ trên cao, hay vấn đề phải được giải quyết ở mức cao hơn mức của vấn đề, thì ta mới đạt được ổn định thực sự, thí dụ tình cảm phải được lý trí chế ngự thì kết quả mới vững bền. Như thế, một ai có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, cân bằng sẽ ít khi bị mất quân bình ở cõi thấp.

E. Thực Hành
Nói về sự cải tổ một tình trạng xã hội, thì câu hỏi đáng chú ý là có nên áp đặt điều gọi là ‘tốt’ cho ai khác chăng. Thí dụ lắm kẻ tin chắc rằng nếu có đông người duy tâm tụ lại, là huyền bí gia thì càng hay, do sức mạnh của lòng ao ước chuyện lành, sẽ khẩn nài được lãnh tụ thần thánh nào đó, vị sẽ điều khiển thế giới, đưa ra luật công minh, điều kiện toàn hảo và chẳng mấy chốc sẽ mang lại Thiên đàng dưới thế. Mà nghĩ kỹ một chút ta sẽ thấy viễn ảnh này đi ngược lại mọi luật trong vũ trụ.
Giả dụ ta có nhóm người với linh hồn thanh khiết kết nối với nhau không vì tư lợi, và khiến được một vị lãnh đạo toàn hảo xuất hiện, thì chuyện gì xẩy ra ? Sự hiện diện của vị ấy sẽ tạo một thế giới lý tưởng chăng ? Họ sẽ làm thay đổi một cách kỳ diệu bản chất ích kỷ, còn bất toàn rất lớn của những ai mà họ lãnh đạo ư ? Nếu nghĩ như vậy là ta đề ra một quyền lực có thể làm người ta hoàn thiện mà chính kẻ đó không cần gắng sức do ý chí của mình, và nó muốn nói tới đấng cứu thế hay thần thánh có trong vũ trụ bên ngoài.
Rồi giả dụ là đấng cứu thế này tạo nên một thiên đàng nhỏ bé cho nhân loại, mà nhân loại có xứng đáng hưởng việc ấy không ? Nếu không xứng đáng thì điều ấy muốn nói rằng con người có thể ích kỷ như họ muốn, không cần tự cải hóa mà vẫn hưởng được cõi trời, chẳng bận tâm đến việc tu thân cho mệt. Chủ trương này không giống chút nào với triết lý bí truyền, dạy rằng luôn luôn có những linh hồn tiến hóa cao ở trên trần, được biết tới bằng nhiều tên gọi như nhà tiên tri, thánh nhân, đạo sư, có đầy lòng từ cho thế giới, nhưng tất cả điều họ có thể làm cho con người hay điều sẽ làm được, là chỉ cho ta cách tự cứu rỗi lấy mình mà thôi.
Dân chúng hay quốc gia kêu gọi loại nhà lãnh đạo mà họ đáng được có, và chỉ khi nào họ trở thành tinh thần như là một khối chung, thì mới kêu gọi được trong những vị ‘đạo vương - initiate king’ mà cổ thư nước nào cũng nói đến, những đấng đã từng cai trị nhân loại thời hoàng kim. Thời hoàng kim sẽ trở lại còn hiện nay ta đang sống trong thời mạt pháp. Ai có hiểu biết đúng đắn về những luật huyền bí, sẽ không mất thì giờ kêu cầu cho có một vị lãnh đạo mà họ tưởng tượng là sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho thế giới, vì bất cứ cái gì mà họ mời gọi chỉ là sự thể hiện bản chất của mình, và nếu bản chất họ bất toàn thì điều chi xuất hiện cũng sẽ là vậy.
Hơn nữa, bất cứ điều chi đến là phải đến với họ mà không đến với thế giới, vì thế giới không phát ra lời kêu cầu nào. Nếu một nhóm người đã giác ngộ tinh thần khẩn cầu được một vị lãnh đạo theo cách ấy, thì vị này chỉ là lãnh đạo của họ mà thôi, còn với đại đa số quần chúng, nếu vị đó nỗ lực ảnh hưởng họ thì nhân vật ấy thành một áp đặt lên dân chúng từ bên ngoài.
Áp đặt điều kiện, dù đó là hòa bình, sự bảo hộ, cho một ai hay dân tộc, quốc gia vào lúc không đúng - mà may thay nó không làm được - còn có thể lấy mất cơ hội họ phải nắm lấy, bài học phải trải qua. Nhưng nói chung ai tìm cách áp đặt ý mình cho kẻ khác, thường không nghĩ về sự sống như là điều phải học hỏi; họ chỉ nhắm đến việc thoát khỏi kinh nghiệm mà họ không muốn chính mình hay ai khác có.
Một cách để có thái độ đúng đắn là mỗi sáng người ta hãy ngồi yên lặng trong một chốc, khiến mình thành con kinh cho Sức Mạnh của Sự Sáng, không phải để hướng nó mà đúng ra cho nó một phương tiện để biểu lộ nơi cõi trần cho ngày sắp diễn ra, để nó hoàn toàn không bị ý chí cá nhân của họ làm vướng mắc, để tác động theo luật bên trong.
Không dễ gì làm vậy vì mỗi lần ta để cho tư tưởng thiếu nhân từ phát sinh, hay cảm thấy thiếu kiên nhẫn, bực bội, lo lắng v.v. chúng sẽ cản trở dòng Ánh Sáng, và có khi còn đóng lại đường kinh. Khi tâm có loạn động ta phải tìm cách tạo lại sự an tĩnh bên trong, tự nhắc nhở về mục đích của mình vào mỗi phút yên tĩnh không có gì bận trí.
Mục đích thực của huyền bí gia là trở thành một con kinh thanh khiết vô tư như thế. Chuyện khó nhất mà ai mới bắt đầu học huyền bí học, là khi họ nhận ra mình không thể làm gì về mặt khách quan để giúp thế giới. Một bên thì anh thấy là con đường huyền bí học là con đường chân thực duy nhất, nhưng bên kia thì anh hết sức mong muốn có thể làm giảm bớt khổ nàn thấy chung quanh, và anh đâm ra nghi ngờ con đường mình đang theo đuổi, và nghi ngờ động lực thúc đẩy mình. Anh tự hỏi hành động có ích kỷ chăng khi chú tâm vào sự phát triển bên trong mình, và để mặc thế giới lẫn những ai tìm cách khác nhau để cải thiện nó, lo cho chính họ ?
Người ta phải có can đảm tinh thần mới có thể tiếp tục dấn thân trên con đường. Nhưng một khi có bước đầu tiên quay vào bên trong thì các trở ngại giảm bớt đi. Khi biết rằng không thể có trợ giúp thực sự cho thế giới, thì ta cũng biết chuyện tốt nhất làm được là nâng cao chính mình, là một phần của thế giới.
Huyền bí gia biết rằng mỗi cá nhân phải học về con đường của mình bằng kinh nghiệm cay đắng, vì không có cách nào khác mà đa số người có thể học; nên họ hiểu là loại bỏ những tình huống khó khăn trước khi con người học xong bài học của mình là không giúp ích gì cho kẻ đó, và còn làm chậm trễ cuộc tiến hóa của kẻ ấy. Theo luật thiên nhiên, cách duy nhất hữu hiệu người ta có thể làm là:

● Trước hết nỗ lực nâng cao bản tính của mình lên cho càng lúc càng gần hơn Thiên tính, làm thanh khiết các tính chất của giống dân. 

● Thứ hai, làm tất cả những gì có thể làm để chỉ dạy ai đã phát triển tới mức chịu hấp thu, và giúp họ luyện chính mình để có thể góp phần vào cùng nỗ lực. Châm ngôn của bước này là ‘Nếu phải nuôi ăn người đói thì hãy dạy họ gieo trồng. Vì không ai thâu hoạch được kết quả mà người khác gieo trồng.’

Lời than phiền đưa ra về diễn trình này nói rằng làm vậy quá chậm, khi những vấn đề sinh tử đòi hỏi có giải pháp ngay lập tức. Nhưng sự kiện hiển hiện là cuộc tiến hóa diễn ra chậm chạp, còn khi ta tìm cách thúc đẩy, đi tới quá mau, việc ấy luôn làm suy yếu sự tăng trưởng, giống như cái cây khi bị thúc ép cho mau lớn sẽ không đủ mạnh và không đầy đặn, hay nhồi nhét quá nhiều vào trí não trẻ không giúp em có được khôn ngoan và hiểu biết đúng thực.
Ta đang ở trong giai đoạn có thay đổi to lớn, xáo trộn rộng rãi trên địa cầu, nên lòng ao ước một hoàn cảnh lý tưởng, một nhà lãnh tụ toàn hảo là điều dễ hiểu. Nhưng điều cần biết là khi đại đa số chúng ta chưa làm chủ được bản tính thấp của mình, thì không thể nào mong mà có được một quốc gia hay giống dân - còn sơ khai và lạc hậu trên thang tiến hóa - lại có được sự toàn thiện về một mặt nào đó. Mong mỏi này không thực tế mà còn có thể muốn nói, là ai như vậy sợ hãi cái thế giới bất toàn họ đang sống trong đó, không dám đối mặt với những rối rắm đang đứng trước họ. Họ tìm cách thoát bằng việc vẽ ra những mơ mộng viễn vông cho một tình trạng, xã hội, quốc gia lý tưởng, không thể có liên quan chút gì đến sự việc và con người như họ là, và càng không tượng trưng chi hết cho giai đoạn tiến hóa đương thời.
Tới đây, hẳn đã đủ để cho ta hiểu rõ hơn về huyền bí học để có ý niệm đúng đắn. Nay xin trích thêm hai giải thích khác cũng của HPB về huyền bí học và huyền bí gia.      

  Điều mà huyền bí gia chân chính tìm kiếm, thì không phải là sự hiểu biết, hay phát triển, hay quyền năng cho chính mình, mà do vì hiểu biết rằng sự hòa hợp mà họ là một phần, bị phá vỡ ở cõi ngoài, họ tìm cách hóa giải sự bất hòa thành sự hòa hợp cao hơn.
Sự hòa hợp là Theosophy hay Minh Triết Đại Đồng, là nguồn cội phát sinh mọi tôn giáo, là tất cả, là dây nối kết mọi người lại với nhau, là ý nghĩa thực của chữ ‘tôn giáo’.
Vì vậy, Theosophy không phải là một ‘tôn giáo’, mà tự nó là tôn giáo, là điều kết hợp ai ai với nhau, trong Tình Huynh Đệ Đại Đồng.
  Huyền bí học chân thực hay TTH là việc 'Từ Bỏ lớn lao cái Tôi vô điều kiện và tuyệt đối, trong tư tưởng cũng như trong hành động. Nó là lòng Xả Kỷ, đưa người sống theo nó ra bên ngoài cuộc sống thông thường. 'Anh không sống cho mình mà sống cho đời'.

F. Hai Hướng đi.
Nay thử xem con đường của huyền bí gia và thần bí gia khác nhau ra sao. Trước tiên nhà thần bí không nhất thiết phải là huyền bí gia, nhưng huyền bí gia có tính chất của nhà thần bí. Khác biệt giữa hai bên là như sau:
– Nhà thần bí làm việc với sự sống đang tiến hóa, với Thượng đế bên trong, đi từ tâm ra ngoại biên. Trong khi đó huyền bí gia làm việc với hình tướng, với Thượng đế trong các biểu lộ bên ngoài, đi từ ngoại biên vào tâm.
– Nhà thần bí tiến bước nhờ ước nguyện và lòng sùng tín mạnh mẽ với Thượng đế bên trong hay với vị Chân Sư mà anh hướng về. Còn huyền bí gia đạt mục tiêu do việc hiểu cách luật tác động, và bằng việc dùng lực kết nối vật chất và uốn nắn nó theo nhu cầu của sự sống bên trong. Theo cách đó huyền bí gia đi tới những Vị làm việc với luật, cho đến khi đạt tới bậc của những Vị này.
– Nhà thần bí làm việc theo đường  Minh Triết - Từ Ái, Hòa Hợp, và Sùng Tín tức cung hai, bốn và sáu. Với huyền bí gia họ đi theo đường Ý Chí hay Quyền Lực, Trí Linh Hoạt, Trật Tự và Nghi Lễ tức cung một, ba và bẩy.
Cả hai gặp nhau và hòa chung qua việc phát triển trí năng hay cung năm, Khoa học Cụ thể; và ở cung năm này tính thần bí hòa vào huyền bí học và thần bí gia làm việc với tất cả bẩy cung.
– Khi đi tìm Thượng đế bên trong và do tìm hiểu những luật của bản thể mình, nhà thần bí hóa ra thông thạo những luật quản trị vũ trụ mà họ là một phần trong đó. Họ sẽ không thể hiện được tình thương qua hành động trừ phi dùng ý chí thông minh, do đó họ phải trở thành huyền bí gia.
Về phần huyền bí gia họ nhận biết Thượng đế trong thiên nhiên hay hệ thống, và biết mình là một phần nhỏ của tổng thể rộng lớn hơn, do vậy chịu sự quản trị của cùng những lực. Họ sẽ thất bại khi chỉ trở thành là người ích kỷ dùng trí thông minh biểu lộ quyền lực, trừ phi có động lực là tình thương để đi tới mục tiêu nhờ ý chí và hiểu biết.
Khi tham thiền:
● Thần bí gia loại bỏ hẳn sắc tướng. Họ định trí vào Thượng đế nội tâm, suy gẫm về cái tâm đó và tìm cách nối kết nó với những tâm khác như Chân Sư mà họ chọn, hay thánh nhân nào khác, không để ý chút gì tới hình thể bên ngoài. Họ tập trung vào điều trừu tượng, vào tính chất, sự sống hơn điều cụ thể. Họ có ước vọng, hòa hợp, họ thương yêu và loại trừ hẳn trí cụ thể, muốn đi thẳng từ cõi tình cảm lên cõi của trực giác là Bồ đề trong việc đi tìm Chân ngã. Khuyết điểm của họ là mơ mộng, không thực tế, viễn vông, giàu tình cảm và thiếu óc phân biện. Họ có trực giác, dễ tự hy sinh thành người tử vì đạo.

♦ Huyền bí gia chú tâm vào hình thể che đậy cái Ngã bên trong, và dùng cả hạ trí lẫn thượng trí tìm ra Chân ngã, tức đến cùng mục tiêu như thần bí gia. Họ nhận biết các lớp vỏ che phủ, học các luật quản trị thái dương hệ. Họ tham thiền về hình tướng cho đến khi nó mất dạng và đấng tạo ra hình tướng trở thành là tất cả. Họ cần loại bỏ lòng tự kiêu, tính ích kỷ, ham muốn quyền lực trước khi có thể an toàn tiến bước trên đường Đạo.

● Thần bí gia khi hành thiền tạo nên trước mặt và quanh mình một khối sương mù, lộn xộn, mờ ảo mà họ là tâm hay tâm ấy có chứa biểu tượng như thánh giá, và có thể có luôn cả hình những đấng Cao Cả. Hình này nằm trong khối mây sùng tín, tràn đầy mầu về ước nguyện, tình thương và khao khát sâu đậm. Mầu hết sức thanh khiết, trong trẻo và hình vươn lên rất cao. Tùy khả năng và tâm tánh mà biểu tượng hay hình bên trong chính xác nhiều hay ít.

♦ Người chủ về trí tuệ tạo hình kỷ hà với đường nét rõ ràng và thường cứng ngắc. Nhờ tham thiền họ tạo hình rất cẩn thận và chính xác, cần cù chọn lựa chất liệu cõi trí đem vào hình, tuy có các khối mây là chất liệu cõi tình cảm nhưng chúng là thứ yếu. Mầu sắc có thể rất trong trẻo, hình đứng riêng phân biệt rõ ràng, không bị chìm mất trong tình cảm trào dâng như hình của người thần bí hay bị vậy.
Về sau, khi mỗi người có phát triển toàn vẹn, thành thần bí gia lẫn huyền bí gia, hình sẽ gồm cả hai đặc tính và là vật tuyệt sắc.

Theo:
Letters on Occult Meditations. A.A. Bailey.
The Sword and the Spirit, H.K. Challoner
Mời bạn đọc lại các bài khác về huyền bí học đã đăng trên PST nếu muốn biết rộng thêm. Xin dò trong mục Danh Mục và Đề Mục trên trang web PST.