LỊCH SỬ HỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:

Những Ngày Đầu (tt)

Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

Một lợi điểm nữa của việc đổi chỗ là số khách thường ghé nay giảm bớt hẳn, vì chỗ này ở xa khu đông dân, thế nên hai vị có giờ đọc sách. Ông Olcott và bà Blavatsky ngụ ở đây cho tới tháng 12 - 1882 khi trụ sở Hội dọn về Adyar, và trụ ở nơi ấy luôn từ đó tới nay. Tiền mướn nhà Crows Nest là 200 rupee / tháng, nhưng họ chỉ phải trả 65 rupee vì nhà mang tiếng là có ma, và quả thực vậy nhưng con ma chỉ làm phiền ông một lần rồi mau lẹ bị đẩy lui.
Ông kể một đêm kia đang ngủ thì cảm thấy như có ai đứng trong tường nâng một góc chõng lên, vì chõng đặt sát tường. Tỉnh thần lại, ông đọc một chú ngữ tiếng Arabic mà HPB đã dạy ông hồi ở New York, và cái chõng được đặt xuống bốn chân trở lại, con ma đi mất và không hề phá khuấy nữa.
Những tuần đầu năm 1881 ông bận rộn viết bài cho báo The Theosophist, và gặp gỡ tạo mối liên hệ với một số người. Ngày 20 tháng giêng ông gặp người khách tên Mirza Murad Ali Beg lần đầu tiên. Khách là người Anh tuy sinh tại Madras, và khi lớn lên thì cải sang đạo Hồi. Nhân vật có đời sống phiêu lưu, đi hoang vào tà thuật, kể cho ông Olcott nghe rằng hết mọi khổ đau mà mình đã trải qua mấy năm trước là do bị tà lực phá hại trực tiếp, những lực ông đã triệu thỉnh để giúp chiếm đoạt một phụ nữ đoan chính mà ông say mê.
Một thuật sĩ tà lực theo đạo Hồi dạy ông ở trong phòng kín bốn mươi ngày, nhìn chăm chú vào một điểm đen trên tường, hình dung gương mặt của người sẽ là nạn nhân của ông, và lập đi lập lại cả trăm ngàn lần một chú ngữ nửa tiếng Arabic nửa tiếng Phạn. Ông làm như thế mãi tới khi thấy gương mặt thiếu phụ sống động lên; và khi môi cô mấp máy như muốn nói, là lúc cô hoàn toàn bị mê hoặc và sẽ tự nguyện đến với ông. Chuyện xẩy ra như đã tính; ông đạt được ước vọng của mình, thiếu phụ bị mất thanh danh, và sau khi đã triệu thỉnh chúng giúp ông đạt mục tiêu, ông bị quyền lực của quỷ thần xấu áp đảo vì  không đủ sức chế ngự chúng.
Nhân vật tới Adyar để nương tựa, ở lại đó vài tuần. Một buổi tối sau khi trò chuyện, ông ngồi xuống viết bài Elixir of Life cho báo The Theosophist (xin đọc Thuốc Trường Sinh, PST 71). Ông Olcott và bà Blavatsky còn ngồi lại trong phòng, và khi người này bắt đầu viết, HPB đi tới đứng sau lưng y như bà đã làm ở New York, khi ông Harisse phác họa chân dung một Chân Sư theo tư tưởng của bà truyền qua. Bài này đăng lên được nhiều người chú ý, và từ đó tới nay được xem là một trong những bài có giá trị và gợi ý nhất trong tài liệu TTH.
Ông khá dần và có thể hồi phục được nhiều phần mức tiến bộ tinh thần nếu ở lại với hai vị; nhưng ông mất quân bình, trí não khi vầy khi khác và rồi qua đời. Đối với ông Olcott, trường hợp này luôn là thí dụ đáng sợ về nguy hiểm mà người ta gặp phải, khi dò dẫm vào huyền bí học lúc bản thân còn nhiều thú tính.
Trong năm 1881 ông nói chuyện đáng chú ý là trường hợp của Damodar. Khi gia nhập hội, anh được cha cho phép tới ngụ với ông Olcott và bà Blavatsky, không màng đến các ngăn cấm về giai cấp theo Ấn giáo, và cũng bởi vì anh nguyện sống đời du tăng sannyasi. Lúc ấy, cha và chú anh cũng là hội viên tích cực trong hội. Theo tục lệ thuộc giai cấp Guzerati Brahmin của mình, Damodar được hứa hôn từ nhỏ, lẽ dĩ nhiên anh không biết gì và việc không có sự ưng thuận của anh. Nay tới lúc anh phải lập gia đình, nhưng ước vọng trong đời anh giờ là ở ẩn lo chuyện tinh thần, không muốn có chuyện lứa đôi.
Anh thấy mình là nạn nhân của tục lệ, và rất muốn được thoát khỏi hôn ước để thành chela (đệ tử) đích thực của Chân sư K.H., vị mà anh thấy lúc nhỏ và thấy trở lại khi đến với hội. Cha anh sau cùng ưng thuận, và Damodar giao cho cha phần gia sản đáng kể (50.000 rupee) mà anh được hưởng, với điều kiện vị hôn thê được mang về nhà cha anh và chăm lo tới suốt đời.
Dàn xếp này diễn ra một khoảng thời gian, rồi khi Damodar hoàn toàn theo hai vị sáng lập tới mức quy y ở Ceylon thành Phật tử, gia đình phản đối và làm áp lực để anh phải trở về giai cấp của mình.  Anh không thuận và kết quả là cha chú ra khỏi hội, mà còn tấn công hai vị sáng lập là những người vô can trong việc này bằng cách thóa mạ, phỉ báng họ. Dầu vậy Damodar vẫn ở lại với hội cho đến năm 1885 khi anh sang Tây Tạng gặp Chân Sư. Cha anh qua đời một thời gian ngắn sau khi mối liên hệ giữa đôi bên bị tan vỡ.
Một Chân Sư đến gặp HPB vào ngày 19 tháng hai. Khi xong việc và ra về, ngài để lại khăn đội đầu mòn cũ thêu chỉ vàng, có hình dạng đặc biệt mà ông Olcott còn giữ tới nay. Kết quả của cuộc viếng thăm này là ngày 25 tháng hai, hai vị có cuộc thảo luận dài về chuyện hội, đưa tới thỏa thuận là nay Hội được xếp đặt theo nền tảng khác, nhấn mạnh hơn ý tưởng về Tình Huynh Đệ, cho huyền bí học đứng sau, hay nói khác đi có một nhóm riêng cho nó. Cách ấy gieo mầm cho trường Bí Giáo E.S sau này. Đó là khởi đầu cho Tình Huynh Đệ  Đại Đồng có hình thức rõ rệt hơn.
Đã có sắp xếp trước để ông Olcott quay trở lại Ceylon một mình, gây quỹ giáo dục Phật giáo cho nam và nữ sinh tại đây, nên ông rời Adyar đi Ceylon ngày 23 - 4. Để làm được việc này ông cần sự hợp tác của hàng tăng sĩ lãnh đạo, do vậy khi tới nơi, trước tiên ông đi gặp các nhân vật ấy để nói chuyện và được họ hứa trợ giúp; kế tiếp ông bắt đầu đi giảng từng làng một để gây quỹ. Tiếp xúc rộng rãi như vậy ở các nơi làm ông nhận ra dân chúng thiếu hiểu biết sâu đậm về Phật giáo, ông nhờ các tăng sĩ soạn sách mà không xong nên phải tự mình làm chuyện này khi có giờ rảnh.
Ông ghi phải đọc 10.000 trang sách về Phật giáo bằng bản dịch Anh và Pháp ngữ, để soạn sách Buddhist Catechism (tạm dịch Phật giáo Sơ lược). Bản thảo được dịch sang tiếng bản xứ, ông hội họp với chư tăng lãnh đạo để có thỏa thuận về nội dung và ý nghĩa sách; tất cả những việc này chiếm nhiều tuần và ông than nó đã gây bao khó khăn cho ông; chính yếu vì sách cô đọng Phật pháp để người trung bình có thể đọc và hiểu trong vài giờ, kế đó ông phải chống lại khuynh hướng chung của con người, là phản ứng thụ động với những gì mới mẻ so với lề lối sẵn có. Phản ứng này quá mạnh làm ông phải chật vật tranh đấu từng chút một.
Ông tin chắc nếu mình là người Á châu thuộc bất cứ sắc dân hay giai cấp nào, quyển sách sẽ không bao giờ thành hình, người viết sẽ chán nản và bỏ cuộc; nhưng hàng tăng sĩ ở Ceylon biết tính kiên trì nhất định làm cho bằng được của ông, và cũng vì họ quý mến ông nên chìu theo nài nỉ và sau rốt, ấn bản sách tiếng Anh và tiếng bản xứ được phát hành cùng lúc ngày 24 tháng 7. Nó trở thành sách chẳng những cho hàng tu sinh, mà luôn cả thành sách giáo khoa trong trường và trong nhà, và tính ra năm 1900 được dịch sang 20 thứ tiếng, được thấy ở Nhật, Đức, Thụy Điển, Pháp, Ý, Úc, Hoa Kỳ.
Trở lại việc đi giảng, ngày này sang ngày kia, tháng này sang tháng nọ ông đi khắp nơi bằng đủ mọi phương tiện như xe lửa, xe bò hay xe thổ mộ, thuyền, cỡi voi; trải qua ngày nắng ráo trời trong, hay ngày mưa tầm tã, đi đêm trăng sáng, dưới ánh sao; tối ngủ bị đánh thức dậy do tiếng hú, tiếng gầm thét, tiếng la của thú rừng; rồi muỗi từng đàn bu lại khi ngồi xe bò, vo ve inh ỏi, da bị chích sưng  phồng. Có lần nhóm ông tính đi thuyền này mà thương lượng giá cả không xong, nhóm mướn thuyền khác rồi về sau, họ nghe kể lại là người của thuyền đầu có bàn tính sẽ cướp và thủ tiêu ông dọc đường.
Xe đi nguyên đêm tới làng khi trời vừa sáng, dân làng tò mò nhìn chòng chọc người da trắng, không tôn trọng sự riêng tư mà ông thấy cần thiết khi tắm gội; theo phép xã giao ông phải tới thăm chùa hay tu viện ở mỗi nơi, trò chuyện với các sư sãi; giảng ở giữa trời hay trong phòng rộng nếu có chỗ, sau đó là gây quỹ, ghi tên người muốn cúng dường, bán sách Phật giáo. Bữa ăn thì người giúp việc nấu trên ba hòn đất chụm lại thành lò dưới gốc cây, ăn bốc cơm và cà ri trên lá chuối; sau đó có thể là buổi giảng thứ hai, rồi lời từ biệt dân làng và lên xe kẽo kẹt, tiếp tục hành trình  sang làng kế.
Cứ như thế ông khêu gợi sự quan tâm của cha mẹ đối với việc giáo dục con theo tôn giáo của chính mình, truyền bá sách vở và gây quỹ để thực hiện công cuộc. Sau cùng mệt mỏi quá, ông tìm cách cải thiện cách chuyên chở, biến xe bò hai bánh thành có lò xo, có chỗ ngủ cho bốn người, tủ đựng, bàn ghế, tủ sách, chỗ để thức ăn và cà ri, nồi, xô nước v.v. Khó khăn được giải quyết, và ông khoe có thể sống trên xe thoải mái và thuận tiện nhiều tuần mỗi lần có chuyến đi xa. Xe biến thành vật thú vị làm người hiếu kỳ vây quanh nhìn ngắm. Hơn 15 năm sau, xe ấy vẫn được lớp người kế của hội sử dụng khi làm việc tại Ceylon, như ông Leadbeater và nhiều người khác sau này.
Ông đi như vậy từ tháng 4 đến tháng 12, trong lúc đó ông cũng dành thì giờ trở lại miền nam Ấn Độ theo lời mời của hội viên để mở chi bộ tại đây. Ông trở về Bombay ngày 19 tháng 12. Nhìn lại hoạt động năm 1881 tại Ceylon, ông nhận xét tuy nhiều chi bộ được thành lập nhưng đa số tàn lụi dần, không sinh hoạt và vô dụng về mặt là trung tâm MTTL; dầu vậy chúng đều có công trong việc làm từ thiện.

Chương XXII - XXIII

Trong những tuần đầu tiên năm 1882 có nhiều hiện tượng xấy ra, nhưng ông Olcott chỉ kể lại một chuyện có liên quan tới mình. Ông D.M. Bennett là người Hoa Kỳ cổ võ có tự do tư tưởng, chống đối chủ trương chật hẹp và thiếu khoan dung của vài chi phái Thiên Chúa giáo. Vì sự chống đối này, người trong một chi phái có âm mưu gài bẫy, khiến ông bị buộc tội oan và bị án tù một năm. Có 100.000 ngàn người tại New York ký thỉnh nguyện thư xin tòa xét lại vụ án mà không được. Khi ra tù, chẳng những đông đảo người chào mừng ông, mà họ lại còn gây quỹ tài trợ cho ông đi vòng quanh thế giới, quan sát cách hoạt động của Thiên Chúa giáo tại các nơi, và ông ghé Bombay nhân chuyến đi này, gặp ông Olcott và bà Blavatsky.
Ông Bennett đã đọc quyển The Occul World của ông Sinnett và có thiện cảm với hội Theosophia, do vậy sau khi trò chuyện với hai vị đã ngỏ ý muốn gia nhập hội. Yêu cầu này làm ông Olcott khó nghĩ, lý do là khi ấy một nhóm Thiên Chúa giáo tại Bombay đang công kich hội và ông Bennett. Ý của ông Olcott là muốn giải quyết sự việc êm đẹp để giữ hòa khí, ông không muốn có tranh luận gay gắt làm cản trở mục đích chính của hai vị, là học hỏi và truyền bá Theosophy.
Thế nên ông ngần ngại, biện bạch trong sách rằng  ấy chỉ là sự cẩn trọng khi xử thế trong đời, nhưng bị la; bởi khi ông cho HPB biết ý của mình, Chân Sư qua bà cho hay bổn phận của ông và trách cứ về nhận định sai lầm này. Ngài nhắc ông nhớ lại mình còn bất toàn ra sao khi các ngài nhận ông làm đệ tử ở New York, nay ông cũng vẫn chưa toàn hảo và được khuyên chớ phán xét người khác; và rằng trong trường hợp này, ông biết là những lực tấn công ông Bennett (tức vài chi phái Thiên Chúa giáo) xem ông như dê tế thần tượng trưng cho phái chống Thiên Chúa giáo, và do vậy rất xứng đáng để ông Olcott bầy tỏ thiện cảm và khích lệ. Ngài kêu ông thử nhìn lại trọn danh sách hội viên và tìm xem có ai không có lỗi lầm chăng.
Vậy là đủ, ông quay lại, đưa mẫu đơn gia nhập để ông Bennett điền, với ông và bà Blavatsky là hai người bảo trợ.
Ta ngưng ở đây một chút để nói thêm về nhân vật Bennett.  Ông Sinnett đã được báo trước sự việc trong một thư của đức D.K. viết thay Chân sư K.H. vào tháng giêng 1882. Đây là thư số 46 trong loạt bài Thư Gửi Ông Sinnett.
– Tôi cũng được kêu cho ông hay là ông Bennett người Hoa Kỳ sắp đến Bombay. Cho dù nơi ông Bennett có sự quê mùa là đặc tính của nước ông và khuynh hướng quá tự do, ông (Sinnett) có thể nhận ra ấy là một trong các nhân viên của chúng tôi (mà chính đương sự không biết), để thực hiện kế hoạch chỉ dẫn cho tư tưởng tây phương thoát khỏi mê tín dị đoan. Ngài sẽ rất vui lòng nếu ông có thể tìm cách cho ông Bennett hay ý tưởng đúng đắn về tình trạng hiện thời, và tiềm năng tương lai của tư tưởng Á châu, nhất là của Ấn Độ.
Khi ông Sinnett gặp ông Bennett, hiển nhiên phản ứng của ông rõ ràng không thuận lợi. Ở đây ta nên nhớ thái độ của ông Sinnett - là người Anh - đối với đa số người Mỹ thường không có thiện cảm. Chân sư M. viết cho ông như sau trong thư nhận tháng  hai năm 1882:
– Bạn chỉ thấy ông Bennett có bàn tay không rửa, móng tay không sạch và dùng ngôn ngữ thô lậu, và đối với bạn có cách xử sự không thanh bai. Nhưng nếu ấy là tiêu chuẩn của bạn về đạo đức tuyệt hảo hay quyền lực tiềm tàng, thì có bao nhiêu đạo sư hay lama tạo phép lạ được bạn công nhận ? Đây là một phần của sự mù quáng nơi bạn.  Giả thử ông Bennett chết bây giờ - và tôi dùng cách nói Thiên Chúa giáo để bạn hiểu tôi rõ hơn - Tử thần sẽ nhỏ vài giọt lệ nóng từ mắt của mình để khóc thương người không được đời trọng dụng như thế, đó là những giọt lệ ông Bennett sẽ nhận được cho phần mình.
“Không có mấy người đã phải chịu đau khổ, và bị hàm oan như ông; và cũng chỉ có ít người có quả tim tốt lành, không ích kỷ và chân thật hơn ông. Chỉ có thế thôi; và ông Bennett không tắm gội thì cao cả về mặt đạo đức hơn ông Hume lịch sự, như bạn cao hơn người hầu cho bạn.
“Điều HPB nhắc lại với bạn là đúng: ‘Người bản xứ (Ấn Độ) không thấy sự thô lậu của ông Bennett và ngài K.H. cũng là người bản xứ.’ Tôi muốn nói chi ? Nào, đơn giản chỉ là người bạn như đức Phật của chúng ta (chỉ đức K.H.) có thể nhìn xuyên qua lớp sơn bóng ngoài mặt để thấy thớ gỗ bên dưới; và bên trong con sò nhớt, hôi là ‘viên ngọc vô giá’ ! B. (Bennett) là người chân thật, có con tim chân thành, chưa kể có lòng can đảm đạo đức tột bực và còn là người bị bách hại vì niềm tin của mình.
“Đức K.H. quí những người như vậy trong khi ngài sẽ chỉ chê trách ai như Chesterfield hay Grandison. Tôi  chắc việc một K.H. ‘nhã nhặn’ cúi người chào ông Bennett vô thần thô lậu, thì không đáng ngạc nhiên gì hơn chuyện kinh thánh kể đức Jesus ‘nhã nhặn’ cúi người với cô gái điếm Magdalene:  Bạn thân mến, đạo đức có mùi của nó y như thân xác có mùi vậy. Hãy xem ngài K.H. hiểu tánh tình bạn ra sao, khi kêu đệ tử trẻ ở Lahore phải thay áo trước khi tới nói chuyện với bạn.
“Này bạn, phần ngọt ngào của trái cam nằm bên trong vỏ; tôi xin nhắc lại, ráng nhìn bên trong hộp nữ trang để thấy ngọc quí và đừng tin những gì trên nắp hộp; người này là kẻ chân thật và rất nhiệt thành, ông không hẳn là thiên thần  -  phải tìm mới thấy ai như vậy ở nhà thờ đẹp đẽ, tiệc tùng trong dinh thự của nhà quí tộc, rạp hát và hội quán và những nơi khác được dân chúng trọng vọng - nhưng bởi thiên thần nằm ngoài thế giới của chúng ta, chúng tôi vui mừng được sự trợ giúp ngay cả của ai chân thật, gan dạ mà dơ bẩn.”
Tiếp tục công việc của hội, trong số những hiện tượng xẩy ra khi ấy ông Olcott ghi lại một chuyện mà ông nghĩ là hay. Có lần thư tới, Damodar nhận được bốn thư mà về sau khi mở ra thấy có ghi chú của Chân sư bên trong. Bốn thư này đến từ các nơi riêng biệt khác nhau và đều có dấu bưu điện. Ông đưa thư cho một người chứng, nói rằng thường thấy có chữ viết thêm bên trong thư, và xin họ kiểm chắc phong bì để xem có dấu gì cho biết thư đã được mở ra. Sau khi xem xét, họ cho hay tất cả các thư đều nguyên lành.
Kế tiếp, ông xin HPB để phong bì lên trán xem có lời ghi nào của Chân sư trong thư. Bà làm vậy và cho hay có hai thư như thế, và đọc lời ghi theo quan sát bằng thông nhãn. Sau đó ông kêu người chứng tự mình mở thư, thấy đúng như bà đã đọc. Trong hai tuần tiếp theo, trước mặt nhiều người khác có thêm hiện tượng như thư từ trần phòng rơi xuống, và một lần từ giữa trời khi nhóm người ở ngoài vườn. Những sự kiện này có ghi trong sách The Occult World của ông Sinnett.
Như ta thấy ở trên, với Phật tử tại Sri Lanka thì ông Olcott giảng về Phật giáo để củng cố niềm tin và tôn giáo của họ. Nay tại Bombay có cộng đồng người Ba Tư gọi là Parsi theo Hỏa giáo Zoroastrianism, họ mời ông thuyết giảng về đạo của mình. Ông nhận lời sau khi từ chối mà không được, vì cho rằng mình không ở trong đạo và không biết gì nhiều, nhưng ông dùng bài giảng để chứng tỏ nó có điểm giống với Ấn giáo và Phật giáo. Bài giảng thành công và nhiều người Parsi gia nhập hội.
Việc kế của ông trong năm là đi một vòng lên miền bắc Ấn, và ông đi xe lửa rời Bombay ngày 17 tháng 2. Thông lệ là tại mỗi nơi, ông dừng lại có một hay hai buổi giảng và nếu thuận tiện thì lập chi bộ mới ở đó. Có khi ông qua đêm ở nhà một hội viên, khi khác vị Tiểu vương long trọng cho xe đón ông ở sân ga, và mời ông ngụ trong nhà khách của họ. Chặng cuối của ông là Calcutta, ông tới đây vào đầu tháng tư và HPB cũng đến họp mặt với ông mấy ngày sau.
Thời gian ở Calcutta rất bận rộn cho hai vị, họ viết bài, tiếp khách, có buổi thảo luận với ai muốn tìm hiểu Theosophy, và gặp gỡ các hội viên của chi bộ. Hai vị đi Madras ngày 19 và tới nơi ngày 23 tháng tư. Những ngày tiếp theo có khách đến thăm và có các buổi đón nhận tân hội viên; làm như có làn sóng hào hứng thổi qua lúc ấy vì đông đảo người muốn gia nhập. Có lần ông không thể nhận vào hội từng người riêng rẽ mà nhận một lúc hai mươi hai người.
Dầu vậy, ông rất thực tế là không đặt sự thành công hay thất bại của hội trên con số hội viên, vì ông ghi tiếp là chẳng lâu sau đó, khi hội quán Cosmopolitan Club mở cửa có phòng đọc sách và bàn chơi bi da, hội viên của hội dần dần rời bỏ triết lý siêu hình để qua chơi bi da và đọc báo.
Ngày 3 tháng năm, ông Olcott và bà Blavatsky được rời xa cảnh đông người và có dịp làm việc riêng rẽ với nhau trên thuyền, chỉ có Babula người giúp việc và các tay chèo làm bạn. Nơi sẽ tới là Nellore cách Madras hai ngày theo sông nước. Thuyền đi lúc bẩy giờ tối và hôm ấy gần trăng tròn nên cảnh trí thật hữu tình.  Ban ngày thì hai vị dành trọn thì giờ cho việc trả lời thư từ bị ối đọng, viết bài cho The Theosophist và thảo luận về tương lai của hội. Ông ghi là khi ấy hai người không hề nghĩ tới việc có thể có chi bộ tại Hoa Kỳ và Âu châu, đừng nói tới Á châu, Úc châu và các nơi khác như sẽ thấy sau này. Năm 1882 ngoài Ấn Độ thì chỉ có hai chi bộ khác, một ở Anh, một ở đảo Corfu thuộc Hy Lạp, tại Hoa Kỳ không có hoạt động. Không ai thấy trước là hội sẽ phát triển như ngày nay.
Thuyền không đi thẳng tới Nellore mà ghé bến, rồi từ đây người ta phải đi cáng thêm ba tiếng đoạn đường 24 km mới tới chỗ lúc 11 giờ đêm. Tuy trễ như vậy mà vẫn có diễn văn chào mừng, và ông Olcott phải có đáp từ hai lần, một lần tiếng Anh và một lần tiếng Phạn, trò chuyện. Đây là diễn tiến thông thường mỗi lần tới một nơi, mà xong thủ tục chào đón hai vị mới được đi nghỉ. Qua ngày hôm sau là công việc thường lệ mỗi lần tới một chỗ như vậy, tức thuyết giảng, soạn bài cho báo, và nhận hội viên vào hội; đến tối có cuộc trò chuyện với các học giả trong vùng, đến hoặc để tìm hiểu Theosophy hoặc để thảo luận.
Từ Nellore, hai vị đi sang nơi khác cũng vẫn phải dùng cáng hay kiệu, mỗi chiếc cần sáu người khiêng. Dọc đường buồn tẻ và nóng gần 40 độ C, nhưng người khiêng kiệu cứ lầm lũi đi, tới Guntun vào lúc mặt trời lặn ngày thứ ba. Sau các buổi giảng và tiếp xúc với người ở đây, các hội viên, ông Olcott và bà Blavatsky đi kiệu rời Guntun lúc 10 giờ đêm để tránh cái nóng; rồi đi thuyền, lên bộ và trở về Madras.
(còn tiếp)

 Old Diary Leaves - H.S. Olcott