CÁC VÂN ĐỀ KHI NGHIÊN CỨU BẰNG THÔNG NHÃN

      

 

 

Việc quan sát bằng thông nhãn là đề tài thích thú nên nhóm các khoa học gia là hội viên hội Theosophy tại Anh có nhiều thảo luận với ông Geoffrey Hodson. Phần dưới đây lược dịch bài phỏng vấn đăng trên báo Science Group Journal vol. 10 No. 6, Nov - Dec 1966 của nhóm. Trong bài ông xác nhận điều mà sách vở ghi là con người có khả năng phóng đại một vật để quan sát, tựa như kính hiển vi hay kính phóng đại, và khả năng nhìn xa tựa như kính viễn vọng. 
Về khả năng của ông Hodson, khoa học gia ngoài hội đã làm việc cùng với ông nhiều lần. Để xác định là quả thật ông có thể tìm được những chi tiết về vật, khi làm thử nghiệm có một số chi tiết đã biết nhưng họ dấu kín không cho ông hay, dầu vậy trong lúc xem xét vật ông nhìn thấy và nêu ra. Ta có thể nghĩ đó là do viễn cảm (telepathy hay thần giao cách cảm) hoặc đọc được trí người mà không phải do thông nhãn, tuy nhiên ông cũng tìm ra những chi tiết về vật mà khoa học gia không biết và nói lên mà về sau, việc được kiểm chứng là đúng thật. Mời bạn xem bài.

Hỏi: Tôi muốn đề nghị rằng điều cần là có một loạt thí nghiệm giản dị như trò trẻ, thực hiện với sắp xếp thật nghiêm nhặt để loại bỏ viễn cảm, có tính chất làm thỏa mãn hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Psychical Research PR) và khoa học gia nói chung về việc thông nhãn là có thực. Thí nghiệm như vậy có thể như là xác định có dòng điện chạy qua hay không, hay đọc những con số ngẫu nhiên do một máy ngẫu nhiên chọn.
Đáp: Vâng, người có thông nhãn chắc chắn phải chứng tỏ là họ đáng tin nếu muốn khả năng này được dùng cho việc nghiên cứu. Khoảng thập niên 1920 tôi đã làm thành công các thử nghiệm về thông nhãn, cũng như nhiều lần về sau; nhưng ta cần nhiều thêm người có thông nhãn đã được thử nghiệm.
Tôi muốn nói ngay là nghiên cứu bằng thông nhãn đặt ra nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề lớn nhất của tôi là làm sao vật nghiên cứu được tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Nhiều hiện tượng xẩy ra chung quanh làm rối trí, và làm việc chú mục hóa khó khăn. Cho dù không sử dụng bất cứ khả năng huyền bí nào, khắp gian phòng làm như tràn đầy điều mà tôi gọi là ‘không gian lợn cợn - granular background’; vật gì cũng phải được nhìn xuyên qua không gian ấy. Người ta cũng luôn luôn cảm nhận hay thấy một ảnh hưởng khác, đó là ảnh hưởng của Mahat hay Tư Tưởng Thiêng Liêng; các hình nguyên mẫu - archetype luôn có đó với mỗi vật và chúng nằm trong Mahat.

Hỏi: Tôi muốn có ý niệm thật rõ ràng nếu được, về kỹ thuật liên quan đến nhận thức ngoại cảm - extra-sensory perception. Thí dụ trước khi dùng thông nhãn hẳn ông phải đặt mình vào tâm thức thích hợp.
Đáp: Đúng vậy. Dùng từ ngữ TTH nó muốn nói có tâm thức thượng trí đáng kể, làm được nhờ luyện tập Raja Yoga. Nếu tôi nghỉ và ngủ đủ và sức khỏe tốt thì đạt tới nó mau lẹ. Khi thành công thì nó muốn nói có sự chú ý và trợ giúp của chân nhân cho trí não. Thực vậy, tôi xem việc dùng thông nhãn thành công khi tỉnh thức, là hoạt động của thượng trí nhiều cũng như là hoạt động của trí não. Tôi còn muốn đi xa hơn và nói rằng nếu không có việc ấy, mức độ và sự đáng tin của cuộc nghiên cứu đối với tôi rất là giới hạn. Nói gọn hơn là chân nhân phải có quan tâm đến việc làm.
Giờ nói về kỹ thuật, đây là câu hỏi quan trọng. Trong gần như tất cả việc tôi làm, tôi dùng luân xa giữa hai chân mày (ajna). Kundalini (luồng hỏa hầu) được dẫn đi vào não ở trán nói chung, và tuyến não thùy - pituitary gland nói riêng, ta phải chủ ý làm vậy. Sau đó là dùng ý chí đưa nó vào đường ống phễu dẫn tới luân xa ajna, cho tới khi phần này của cơ chế ‘nạp đủ điện’.
Khi ấy, đem vật nghiên cứu tới gần khoảng 10 - 15 cm ở điểm giữa hai chân mày, tức là bên trong đầu mở của luân xa. Vị trí chính xác này là điều thiết yếu đối với tôi. Đây là cho trường hợp dùng linh thị - psychometry (1) hay dùng thông nhãn để phóng đại, nhưng cố nhiên là không dùng khi khám nghiệm bệnh nhân để định bệnh.
Khi dùng thông nhãn để định bệnh, tôi áp dụng nhiều cách khác nhau. Thỉnh thoảng một bất thường trong thể sinh lực có thể là dấu hiệu đầu tiên về nơi có vấn đề. Kế đó chỗ bị viêm mà quan sát ở cõi thanh sẽ thường có mầu đỏ. Xem kỹ hơn thì tôi có thể nhìn xuyên thấu qua da, bắp thịt và tìm ra cơ quan mắc bệnh, hay đốt xương sống sai chỗ, thí dụ vậy. Chuyện sau có thể lộ ra không những là xương nằm trật mà còn cho thấy luồng thần kinh bị chuyển hướng. Nhưng trong việc này tôi không phải chỉ dựa vào thông nhãn mà thôi, đôi khi trực giác cũng có vai trò một phần. Rồi chân nhân cũng dự vào và khi đó những quan năng làm việc dễ dàng hơn và có khi còn tự nhiên xẩy ra.

Hỏi: Tôi muốn hỏi làm sao ông biết mình dùng thông nhãn ở cõi nào, cõi trí, tình cảm hay ether, và đặc biệt là ông có thể thực sự phân biệt được chăng bốn cảnh ether khác nhau (2), như ông C.W. Leadbeater nói rằng đã làm.
Đáp: Tôi đã định bệnh trong nhiều năm bằng thông nhãn, và trụ vào nhiều cõi khác nhau với bệnh nhân. Đầu tiên tôi sẽ nhìn vào thể sinh lực và hào quang ether phát ra, rồi xem xét tình cảm của họ tức phải dùng nhãn quan ở cõi tình cảm, và sau cùng tôi xem xét phần trí tuệ dùng nhãn quan ở cõi hạ trí. Vì vậy tôi tin rằng sau sáu hay bẩy năm làm việc như thế tôi biết rõ mình ở đâu.
Nói về những cảnh ether, tôi ý thức là thể sinh lực chiếm cùng khoảng không gian như thể xác mà còn túa ra ngoài khoảng sáu mm, kế tiếp là ba hào quang khác đồng tâm tỏa ra quanh thể xác. Tôi không dám nói chắc là các bầu này tương ứng với những cảnh ether mà ông Leadbeater mô tả. Tôi không thể tách hạt nguyên tử hóa học theo từng chặng tương ứng với những cảnh này, như ông nói là đã làm được.

Hỏi: Thí dụ khi ông xem xét một mẫu hóa thạch và mô tả sinh vật khi nó còn sống, trên nguyên tắc ông có nhiều cách để có được chi tiết. Nó có thể là bằng cách dùng linh thị hay thông nhãn như ông cho biết, hay nó có thể là dùng viễn cảm do ai nghiên cứu mẫu vật phát ra, có lẽ với thêm chi tiết mà óc tưởng tượng trong tiềm thức của ông thêu dệt thêm. Lẽ tự nhiên nó không thể chỉ do óc tưởng tượng mà thôi, khi quan sát của ông phù hợp chặt chẽ với suy đoán của người nghiên cứu. Mà có thể có cách thứ ba chăng ? Là người ta có thể bắt lấy tư tưởng về vật của nhiều người, trải qua một khoảng thời gian, gọi là trọn khối tư tưởng.
Đáp: Làm vậy thì đó là kỹ thuật dở, là chuyện nhiều phần ít xẩy ra nhất. Tuy nhiên người ta có thể thấy được Thiên ảnh ký, chuyện diễn ra như vầy. Nếu xem xét một mẫu hóa thạch, thí dụ, mới đầu tôi thấy trước mắt mình những hình ảnh nhỏ về khung cảnh của nó. Rồi có thể có thay đổi và ảnh tượng không còn là hình nữa mà trở thành khung cảnh của tôi, nên làm như tôi hiện diện ở đó, sống lại các biến cố. Thay đổi này cho biết tôi đang xem Thiên ảnh ký. Nó cho cảm tưởng đang có mặt, mình đang đứng ở hiện trường; tôi lại còn cảm được luôn nhiệt độ của thân xác mình, nhưng người ta không thể có hành động. Thí dụ nếu tôi được hỏi là sinh vật mà tôi đang quan sát có đuôi hay chăng, mà nếu nó đang ngồi thì tôi không thể làm gì được, phải chờ nó đứng lên để cho phép tôi thấy; tôi không thể dùng bất cứ quyền năng huyền bí nào thêm để nhìn xuyên qua thân và xem cái đuôi.

Hỏi: Khi người có thông nhãn xem xét một vật ở cõi trần bằng quan năng siêu phàm, thì có thể cùng lúc nhìn thấy thể vật chất của nó ?
Đáp: Không. Khi dùng luân xa ajna, con mắt xác thịt đóng lại và phần vật chất biến mất khỏi tầm nhìn nếu xem xét bằng nhãn quan cõi tình cảm hay hạ trí, thí dụ vậy.
Tôi muốn mô tả một quan năng khác là phóng đại bằng thông nhãn. Sau khi đưa kundalini vào luân xa ajna như đã nói ở trên, và đặt vật vào chỗ, ta phóng ra ống ether là điều thực đối với tôi mà tôi gọi là kính hiển vi ajna. Nó được tạo ra hoàn toàn bằng lực và đậm đặc hơn phần còn lại của luân xa, có mầu xám và ta có thể dùng ý chí để di động nó trong vòng cửa miệng của luân xa. Có vẻ như nó làm bằng chất mà ông Leadbeater gọi là E4 thuộc cảnh ether thấp nhất.
Đầu ống được đặt vào bên trong chất mà ta muốn xem xét và trí ta ấn định mức phóng đại. Ý chí của ta không ngừng làm việc và việc áp dụng nó có tính quyết định, bằng không tất cả mọi điều khác phai mờ đi. Việc ấy giải thích vì sao người ta mệt mỏi, và tại sao quan năng không nên được dùng lâu trong một lúc. Tôi phải thú thật là cho tới nay (1966) các chặng tiếp nhau của việc phóng đại thì hoặc là ta không làm chủ được hoàn toàn, hay được tăng nối tiếp nhau mà có ý thức. Việc phóng đại tăng lên cà giựt, giống như khi ta đổi vật kính của kính hiển vi dùng đèn. Ta không biết mức phóng đại đích thực là bao nhiêu.
Thí dụ thì ta hãy thử xem xét một mẫu than chì. Cái nhìn sơ khởi của tôi về mẫu vật là nó như bột mầu đen, cho hay rằng ta vẫn còn ở cõi trần đậm đặc. Kế đó ta dùng ý chí để phóng đại. Kết quả đầu tiên là bột đen biến mất, thay bằng một vùng dầy đặc những đốm sáng hết sức li ti xẹt vô cùng mau lẹ theo đủ mọi hướng. Nói khác đi nó cho cảm giác như là ánh sáng - một hiện tượng về vật tự phát quang - và sự đen tối không còn nữa.
Theo sau đó thường là hai hiện tượng; cái đầu tiên làm như có mức cô đọng rất cao, tức là những tâm riêng rẽ của lực sáng rất nồng đậm, và thứ hai ở mức phóng đại khác thì thoạt tiên là những hình kỷ hà mờ ảo, thường là quay tít. Người trưởng cuộc nghiên cứu sẽ hướng dẫn tôi bằng cách hỏi, để có thêm chi tiết về một hình này hay kia. Nếu là câu đầu thì thí dụ là tôi sẽ mô tả hình nhím, tức có những tia lực mỏng manh túa ra từ một tâm thật sống động.
Nếu cần xem xét các hình thể thì có vẻ như chỉ thay đổi sức chú ý là được, kết quả là cái tâm mờ đi và những hình kỷ hà trở thành rõ ràng. Khi đó tôi sẽ mô tả các hình bát giác với ống quặng đi từ tâm mở ra tới các mặt của hình; cũng như một tâm mạnh mẽ giữa hai đáy với năng lực tuôn tràn xuống cái quặng, và đôi khi một hình bát giác nối với hay gần như áp một mặt vào mặt của hình bát giác khác.
Không gian lợn cợn mà tôi nói lúc đầu thấm tràn hết mọi việc này nhưng nó không ngăn trở tầm nhìn, người ta nhìn xuyên qua đó. Hình ảnh này của hạt nguyên tử hóa chất, thí dụ hình bát giác của carbon, thì thật rõ ràng là không phải ở mức cõi trần đậm đặc.
 



Hỏi: Nếu xem xét một sinh thể, của thú hay cây cỏ, khi phóng đại ông có thấy cấu trúc tế bào giống như nhìn bằng kính hiển vi thông thường ?
Đáp: Tôi không nhớ, để xem nào. (Sau khi yên lặng xem xét một lá cỏ vài phút). Có vẻ như câu trả lời là không. Trước hết tôi thấy cái tôi gọi là hiện tượng bên lề, rồi năng lực tác động theo cả hai chiều, nhưng không thấy có tế bào nào. Tôi nhìn vào mặt sinh lực của vật và tự nhiên là không để ý tới cấu trúc cõi trần. Tuy nhiên có vài lúc tôi tin là đã thấy tế bào.

Hỏi: Một vấn đề tôi muốn biết rõ có liên quan đến yếu tố thời gian. Thí dụ trong các thí nghiệm mà ông muốn xác định là có giòng điện chạy qua hay không, bằng cách quan sát với khả năng phóng đại những sự việc diễn ra trong dây điện, tôi thắc mắc là ông có ‘làm đứng lại một khung hình’, đại khái thế, để nhìn vào hình ảnh của diễn tiến vừa xong mà không phải là nhìn vào chuyện gì đang xẩy ra ngay lúc này. Nếu đúng vậy thì nó có thể giải thích các sai lầm của ông. Tôi nghĩ ông giữ tâm thức luôn luôn trụ vào dây điện, trong khi đó để tránh hệ quả đã nêu ra về việc ‘làm thời gian đứng yên’, có lẽ ông cần rút ra và hướng tâm trở lại cho mỗi lần thử nghiệm.
Đáp: Có lẽ ông nói đúng là tôi không thể loại bỏ hoàn toàn yếu tố thời gian. Ta phải nhận biết là việc làm này với kính hiển vi ajna cần nỗ lực rất to lớn. Nó rất mệt và sau một chốc thì dễ phạm lỗi lầm. Trọn cơ thể đôi khi run bần bật với năng lực kundalini, và sức phải làm thì thật là mạnh mẽ. Chắc chắn tôi đã trụ vào bên trong dây điện trong các loạt thí nghiệm; tôi không dám rút tâm thức về rồi lại trở vô, bởi công sức phải bỏ ra quá lớn khi làm thế. Khi bị căng thẳng như vậy thì có thể phạm lỗi thành ra mỗi lần chỉ nên có sáu thử nghiệm, bằng không phẩm chất sẽ suy giảm không tránh được.

Hỏi: Chuyện rất đáng chú ý. Tôi tự hỏi việc ‘làm thời gian ngưng lại’ cũng đã xẩy ra chăng khi xem xét hạt nguyên tử. Cả ông Leadbeater và ông đều mô tả nó như là xoáy quanh, là tâm phóng ra năng lực khi mới quan sát bằng thông nhãn, và rồi cả hai ông đều có thể làm nó đứng yên để xem xét chi tiết. Ông Leadbeater nói dùng ý chí làm nó dừng lại, nhưng theo tôi nghĩ thì đúng hơn cả hai ông làm vậy bằng cách khiến một khung của phim ngưng lại, ví von mà nói.
Có đôi lúc tôi tự hỏi sao ông không nhìn hạt nguyên tử như cách vật lý gia nhìn. Một lý do có thể là chúng chuyển dịch quá mau, và các phần như âm điện tử, trung hòa tử v.v. cũng vậy, nhưng việc làm thời gian ngưng lại này có thể giải quyết được vấn đề ấy. Nay tôi thấy như nhiều phần là việc phóng đại bằng thông nhãn không áp dụng nơi cõi trần.
Đáp: Tôi đồng ý là tôi có thể xem xét những hình kỷ hà tương ứng với hạt nguyên tử như là hình đứng yên khi muốn vậy. Tôi thực sự không biết làm sao chuyện diễn ra, nhưng tôi nghĩ đề nghị của ông hợp lý nhất. Chuyện y vậy cũng xẩy ra khi thoạt đầu tôi nhìn vào tiên nữ và chú lùn. Thỉnh thoảng chúng đứng yên cho tôi, nhưng thường là chúng vụt đó đây không màng gì đến tôi, thế nhưng tôi có thể có được hình của chúng đứng yên để xem xét.
Tôi cũng đồng ý là có vẻ như việc phóng đại mạnh mẽ, cần để xem bên trong hạt nguyên tử, không dùng được ở cõi trần.

Hỏi: Tôi muốn hỏi về chuyện giản dị là nhãn quan ở cõi ether mà một số người có, cho phép họ thấy một chút về hào quang. Tôi đọc thấy đâu đó trong sách TTH là nhãn quan này có phần tương ứng bằng ether với mắt thịt, và phần võng mô ether nằm ngay sau võng mô của mắt phàm. Quan năng này được xem là độc lập với luân xa ajna, để dùng nó thì phải mở mắt và cần có ánh sáng, hay ta có thể dùng nó trong bóng tối hoàn toàn không ?
Đáp: Tôi không nhớ  ý đó về con mắt ether. Tôi có khả năng ấy nhưng xem nó chỉ là nhãn quan thông thường rộng hơn thôi. Luân xa ajna không có can dự vào, mà chắc chắn là mắt trần phải mở và cần có ánh sáng. Tôi chưa hề thử nó trong bóng tối, nhưng tôi nghĩ làm vậy không thấy được. Tôi có thể thấy thể sinh lực và lực tỏa ra mà không cần có cố gắng đặc biệt nào, tuy nếu phía đằng sau tối một chút thì tốt hơn. Nói khác đi, nhãn quan bình thường của tôi gồm luôn khả năng thấy chuyện ở cõi ether và có thể phân tích chúng một chút. Như thế tôi có thông nhãn bình thường ở cõi ether và nếu cố gắng tôi có thể tăng khả năng ấy lên mức khác. Nhưng nếu muốn quan sát chi tiết khoa học tôi phải nhắm mắt lại và đổi sang dùng luân xa ajna.
Thêm vào đó tôi có thể khám phá được sự hiện diện của tinh linh mà nếu mở mắt, tôi chỉ thấy các điểm sáng di động. Nếu muốn nhìn hình dạng của tiên nữ hay chú lùn, tôi lại phải dùng luân xa ajna ở cõi ether hay cõi tình cảm; còn khi muốn biết chắc sinh vật đang làm gì thì phải dùng trọn khả năng ở cõi tình cảm và cõi trí của luân xa này. Tuy nhiên tôi thường không chủ tâm mà nhìn thấy tiên nữ, và nhận ra là mình đã vô tình dùng luân xa.

Hỏi: Thấy như chúng ta lẫn lộn về giới hạn nghiêm trọng của loại nhãn quan ether đó. Trong vài sách, thông nhãn ở cõi ether được mô tả là ‘xuyên thấu’, có nghĩa khả năng nhìn thấu qua vật mờ  đục; còn nhãn quan ở cõi tình cảm là ‘bên trong’ có nghĩa một loại cảm quan ở bốn chiều đo, thấy một vật ở mọi bề cùng một lúc và luôn cả từ bên trong. Nhưng nay tôi cho rằng nhãn quan ether không cho khả năng nhìn thấu này, và chỉ một tờ giấy là cản được nhãn quan ấy hay kính lọc tia hồng ngoại chặn ánh sáng thường. Điều này giải thích đôi chút việc mà ông làm cho chúng tôi khi nhìn thể sinh lực qua kính lọc.
Nếu võng mô ether thực sự nằm đằng sau võng mô của mắt thịt là chất đục, thì nó có vẻ muốn nói đó là hình ảnh sinh ra do sự tỏa chiếu của tia hồng ngoại, phần duy nhất của quang phổ có sức xuyên thấu (ngoại trừ tia X). Dường như có can dự của ánh sáng ở độ dài sóng nào đó; mắt có thể nhậy cảm với khoảng gần tia tử ngoại, hay nhãn quan phải nhậy khác thường với những vật mờ ảo. Nhưng nếu vậy chuyện ngạc nhiên là ta không thể có được hình ảnh làm bằng chứng về hào quang.
Đáp: Đúng, nhãn quan ether chắc chắn có giới hạn, và nó không có khả năng nào để nhìn xuyên qua tấm phim mờ đục mỏng nhất; muốn nhìn được thì phải dùng luân xa ajna. Tôi không có ý kiến gì về những vấn đề khác mà ông nêu ra. Đang nói về kỹ thuật của thông nhãn thì tôi cũng nên đề cập tới hai hiện tượng khác. Một là trọn bìa của hào quang tình cảm thì rất nhậy với năng lực rung động ở chung quanh, và tới phiên nó lại có thể bắt lấy các hiện tượng và biến thành hình thể bên trong khoảng của nó. Chuyện thứ hai là thỉnh thoảng nhãn quan có thể tự nhiên linh hoạt.
Nay tôi muốn xin ông giúp suy đoán về hiện tượng mà tôi luôn luôn gặp là ‘không gian lợn cợn’. Đối với tôi trọn không gian chứa đầy những điểm sáng li ti di động tới lui. Đôi khi giữa chúng có sự bùng nổ tí hon sinh ra lóe sáng. Tôi có thể thấy cái nền đằng sau này với mắt nhắm hay mở.

Hỏi: Thành viên của nhóm Khoa Học đưa ra vài đề nghị và thắc mắc sau về điều ấy:
– Nó có liên hệ gì với các’ hạt sinh lực’ mà ông Leadbeater mô tả ?
– Nó có phải là thể sinh lực của không khí ?
– Dùng thông nhãn phóng đại nó để xem có thêm chi tiết chăng thì có lợi không?
Đáp: Không, ‘hạt sinh lực’ xem ra khổng lồ so với những điểm làm nền mà tôi thấy. Chắc chắn phóng đại lên để xem xét là chuyện đáng công.
Tôi phải nhấn mạnh lần nữa những khó khăn và nguồn sinh ra lỗi lầm trong cách làm việc này. Công việc lớn nhất của tôi là tách rời vật khỏi những năng lực tuôn vào và các ảnh hưởng khác. Rồi có một khó khăn nữa sinh ra liên quan đến việc làm của tôi về các nguyên tố hóa học. Những hình kỷ hà mà tôi thấy về các nguyên tố thì rất thật đối với tôi; chắc chắn nó không phải chỉ là vì tôi nhớ lại chúng do đọc cuốn Occult Chemistry nhiều năm về trước. Tôi hiểu là chúng có ít hay không có liên hệ gì với hạt nguyên tử mà vật lý hiện đại mô tả.
Có hai mặt của Thượng đế can dự vào việc tạo nên hạt nguyên tử; một là Fohat hay Thiên Lực, ta có thể cho rằng đây là mặt mà các khoa học gia tìm hiểu. Có thể mặt này cũng là mặt động năng mà tôi thấy như là những dòng lực túa vào khi xem xét hạt nguyên tử được phóng đại. Rồi có mặt khác là Mahat hay Thiên Trí. Trí của Thượng đế chứa đựng ý tưởng, là hình nguyên mẫu - archetype mà tất cả mọi vật trên trần thể hiện và chỉ là bóng của hình, hiểu theo nghĩa của Plato. Có phải các nguyên tố mà khoa học cho ta biết, là biểu lộ của Fohat, được Tư Tưởng Thiêng Liêng của nguyên tố cho tính chất, và điều này khiến người có thông nhãn thấy như là những hình kỷ hà ?
Trước đó tôi có nói là cần thay đổi tầm nhìn một chút để chuyển từ hình ảnh rõ ràng của mặt này sang mặt khác. Tôi xin dè dặt đề nghị là cần phải giữ chúng tách biệt với nhau. Các hình kỷ hà không có liên quan gì với cái nguồn và tính linh động của hạt nguyên tử, vật thuần túy là từ Fohat. Ta có thể nói rằng Fohat chẩy xuống hay phát ra ngoài để tạo nên những nguyên tố, mà hình nguyên mẫu - là Mahat - tạo ấn tượng về đặc tính của nó lên nguyên tố.
Trí của người nghiên cứu vươn tới sự tuôn tràn này và do vậy sinh ra tư tưởng trong trí họ. Ý tưởng về hình nguyên mẫu của một nguyên tố trong Mahat thì vô sắc tướng ở những cõi cao, nhưng khi được phóng xuống những cõi sắc tướng (từ cõi hạ trí trở xuống) nó sẽ luôn luôn có tính chất và hình dạng thích hợp. Đây không phải là hình dạng mà thiên nhiên sẽ cho ra, mà là Tư Tưởng Thiêng Liêng được biểu lộ. Ý này có vẻ phù hợp với câu nói của trường phái Pythagoras khi xưa là ‘Thượng đế họa hình - God geometrises’.

Hỏi: Tất cả những điều này hết sức thích thú đối với chúng ta là hội viên TTH, nhưng hẳn ông biết rằng khoa học gia đầu cứng như đá không tin chúng mấy. Thế nên chúng ta phải quay về câu hỏi ở phần mở đầu, và xem xét việc thông nhãn sẽ được nhìn nhận chăng theo những điều kiện thử nghiệm gắt gao. Chúng tôi phải giải thích rõ ràng hơn điều mà chúng tôi muốn. Thái độ của hội PR là trước hết tìm lời giải thích tự nhiên về các hiện tượng được cho là tâm linh. Điều này đôi khi làm hội viên TTH bực bội, nhưng nó có nghĩa là khi họ nhìn nhận là một quan năng ngoại cảm đã được chứng minh, khi ấy khoa học gia có thể nói về nó mà không sợ bị chế diễu.
Tình trạng hiện thời là có vẻ như họ chịu tin rằng viễn cảm có thực, mà chưa muốn nhìn nhận thông nhãn là một dạng khác của nhận thức ngoại cảm. Thế nên trong bất cứ nỗ lực nào nhằm chứng tỏ một cách khoa học là thông nhãn có thực, ta phải loại trừ khả hữu là có viễn cảm, dù cố tình hay không ý thức. Chuyện này khó vì bình thường phải có người kiểm xem lời của người có thông nhãn là đúng hay sai, và ngay cả khi không ai biết trước tính chất của vật được thử nghiệm, nó trở thành chi tiết được truyền đi bằng viễn cảm.
… Cách duy nhất thoát khỏi ngõ cụt này là máy chọn lựa ngẫu nhiên. Nó sẽ đưa ra một trong nhóm các vật làm thử nghiệm, được ngẫu nhiên chọn, có một cửa miệng được phủ kín để người có thông nhãn xem xét. Họ sẽ lặng lẽ ghi câu đáp mà không ai thấy bằng cách ấn nút, hay đặt một thẻ vào chỗ thích hợp. Máy sẽ tính tổng cộng các câu đúng và sai trong một loạt thử nghiệm, và không ai biết các thử nghiệm riêng biệt nào là đúng hay sai. Điều thiết yếu là tìm thử nghiệm nào dễ và mau để làm, vì sẽ phải cần làm khá nhiều lần.
Tôi nghĩ chúng ta có thể đặt làm một máy chọn lựa ngẫu nhiên. Xin ông vui lòng cho biết có thể giúp chúng tôi làm thử nghiệm như vậy không, lúc nào cũng được ?
Đáp: Tôi rất tiếc, nhưng câu trả lời phải là không. Những năm đầu tôi chịu làm như vậy, tuy chúng không gắt gao như bây giờ đòi hỏi. Cũng có nhiều kiểm chứng tình cờ xẩy ra trong việc làm của tôi mà tôi sẽ nói tới sau này. Tôi không còn cần phải thuyết phục chính mình rằng khả năng của tôi là có thật. Như đã nói ở trên để việc dùng thông nhãn có hiệu quả, chân nhân phải quan tâm đến chuyện và thực tình mà nói, nó chẳng màng. Những thử nghiệm như tôi nói đúng ra không ‘chỉ là trò trẻ’ như phần mở đầu hàm ý, mà chúng sẽ dùng trọn hết các khả năng của tôi với sự hợp tác của chân nhân.
Vài kiểm chứng tình cờ tôi nói ở trên xầy ra khi có thử nghiệm với hóa thạch ở Nam Phi. Một thí dụ khác cũng liên quan tới hóa thạch. Khi tôi mô tả những điều kiện của vật hồi nó còn sống, người mang đá tới lắc đầu và nói không đúng, sai hết rồi. Sau đó họ nhìn nhận là đã vô tình mang mẫu vật sai đến, và lời mô tả của tôi là đúng.

Hỏi: Đôi khi có khoa học gia muốn áp đặt thí nghiệm khoa học lên người có thông nhãn như dùng máy chọn lựa ngẫu nhiên, người có thông nhãn thấy khó chịu và không thể làm việc có hiệu quả. Tại sao vậy ? Phải chăng vì họ sợ là bị sai, hay sợ là không còn tin tưởng về khả năng của mình ?
Đáp: Rất có thể là vậy. Bản thân tôi thì tôi chỉ làm việc với khoa học gia, nhưng tôi thích họ chấp nhận khả năng thông nhãn của tôi là có thật, và cho tôi dùng chúng để đi tìm sự thật. Chuyện sẽ làm hoang mang nếu cùng lúc họ cũng tìm thế đẩy tôi vào việc phải chứng tỏ là có thông nhãn. Ấy là thử làm hai thí nghiệm một lần và không thỏa đáng. Các điều kiện thí nghiệm nhiều phần làm người có thông nhãn lo ngại. Giả dụ những câu trả lời của họ bị chứng tỏ là sai; nó có thể chỉ vì họ lo lắng và không làm việc hiệu quả; nhưng lòng tự tin của họ bị suy giảm đi.
Trong trường hợp của tôi, tôi càng thấy sự việc nghiêm trọng hơn. Ông có nhận ra là trọn thế đứng của Theosophy được xây dựng trên nhận thức ngoại cảm theo nghĩa rộng nhất chăng ? Tôi cảm thấy là trọn thế đứng ấy bị nguy ngập. Tôi hiểu người ta cần có thái độ khoa học đề tìm sự thật bằng mọi giá, nhưng cho riêng mình tôi không thể loại trừ cảm tưởng về trọng trách.
Giờ tôi có thể rất thẳng thừng hỏi một câu ngược lại chăng ? Quý vị thực sự tin là tôi không biết mình dùng viễn cảm hay thông nhãn hay sao ? Tôi có thể dùng viễn cảm, nhưng thật ra tôi cẩn thận tránh nó như là sự xâm phạm không cần thiết vào trí người khác. Tôi không hề cố tình dùng nó tuy đôi khi tôi không thể tránh nhận được một tư tưởng rất mạnh.

Hỏi: Tự nhiên là chúng tôi rất tin vào những khả năng và tư cách của ông. Chuyện ông làm có giá trị vô kể và thích thú cho hội viên TTH. Nhưng đó không là cách của khoa học gia. Họ gạt phần cá nhân qua bên, và đòi hỏi có bằng chứng khách quan. Hơn thế nữa ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn chuyện dễ dàng ra sao cho việc người có khả năng tâm linh có thể vô tình bị tiềm thức của mình dẫn dụ sai lạc. Trong địa hạt tế nhị này chúng ta có thể bắt buộc phải chấp nhận rằng không thể nào có được bằng chứng khách quan. Sự thực là trọn vấn đề này đã được thảo luận hơn năm năm về trước trong Science Group Journal.
Có phải việc các thí nghiệm có thể thất bại, chỉ vì bầu không khí chỉ trích chống đối của người làm thí nghiệm, là chuyện thật ?
Đáp: Đúng thế, thái độ như vậy nhất định can thiệp vào, sự chống đối có thể làm suy yếu các khả năng của người ta.

Hỏi: Tôi ngờ là viễn cảm có thể không sao được loại trừ hoàn toàn. Hơn nữa, thí nghiệm làm theo cách của hội PR tự chúng có những giả thuyết và đây là một điểm yếu. Hội viên TTH nên quan tâm đến sự sống. Tôi  tự hỏi các thí nghiệm khoa học lạnh lùng có thật tình công bằng cho người có thông nhãn. Ta cần có thái độ cố gắng đi tìm sự thật, mà không phải là nỗ lực chứng tỏ có hay không có thông nhãn. Việc tìm sự thật là diễn trình năng động.
Đáp: Tôi rất đồng ý.
….

Theo: Tường Trình cuộc Thảo Luận với ông Geoffrey Hodson. (E. Lester Smith)
Ghi chú:
1. Linh thị - psychometry:
Khả năng cầm một món là vật sở hữu của ai đó và mô tả những sự việc liên can đến chủ nhân và vật; như cho biết chủ nhân còn sống hay không.
2. Cõi ether:
Cõi trần được chia làm bẩy cảnh, từ dưới đếm lên là cảnh vật chất đậm đặc, chất lỏng, chất hơi và bổn cảnh ether. Thể xác có cấu tạo là những chất thuộc ba cảnh thấp nhất: đặc, lỏng, hơi; thể sinh lực có thành phần là bốn loại ether.