THỂ SINH LỰC

Thể   Sinh  Lực

 

 

Đã có nhiều bài về Thể Sinh Lực của các tác giả khác được đăng trên PST, nay là một bài nữa cho bạn có thêm tài liệu đề hiểu kỹ hơn.

1. Thể Sinh Lực (thể phách)
Mọi vật trong thiên nhiên có phần tương ứng làm bằng chất ether, nơi con người thể này được gọi là thể sinh lực (thể phách). Thể tuôn ra ở đầu ngón tay, ngón chân, lỗ chân lông, những cửa khẩu trên thân thể làn khí thanh nhẹ gọi là ‘hào quang sức khỏe’. Mỗi tế bào có chứa một lượng sinh lực prana dự trữ thường trực của cơ thể, tương đối tĩnh, được liên tục tái tạo bằng luồng prana tuôn chảy vào cơ thể từ mặt trời, không khí và thực phẩm. Tức các sinh hoạt rất phức tạp diễn ra trong cơ thể như là một khối chung, và bên trong thể sinh lực của mỗi bộ phận.
Thể thâm nhập trọn thân xác, có hình của vật sau và ló ra ngoài da khoảng 1,5 mm có mầu tím nhạt với những đường lực prana chính yếu mầu vàng cam chẩy xuyên qua. Tuy thể làm bằng chất ether thanh nhẹ hơn chất hơi nhưng nó cũng là vật chất; do vậy nó có thể hóa đậm đặc và phản chiếu ánh sáng nên ta có thể chụp hình, thấy được và sờ chạm được.

2. Hai Đường Prana
Sinh lực prana là một lực sử dụng thể phách, dùng nó và dây thần kinh làm phương tiện qua đó luân lưu. Prana là sinh lực phát xuất từ mặt trời. Mỗi dây thần kinh, mạch máu cả động và tĩnh mạch có vỏ bọc bằng chất ether, tạo thành đường kinh cho prana chạy qua. Có hai loại prana, một từ những cõi cao và một là prana cõi trần; ta mạnh khỏe là khi hai loại này gặp nhau dồi dào trong mỗi tế bào. Về mặt vật chất, các trung tâm prana lớn nằm ở các tuyến nội tiết và trung tâm thần kinh, về mặt cõi thanh chúng nằm ở luân xa thuộc các thể thanh.
Tình cảm, trí tuệ và tinh thần liên tục tuôn ra lực qua các luân xa và thể sinh lực, để hòa với prana cõi trần trong tế bào, mô và cơ quan, vì vậy tình trạng trí tuệ và cảm xúc hết sức quan trọng cho sức khỏe. Cho tất cả những thay đổi của tế bào, thể sinh lực tác động như là cái khuôn mẫu với các biến đổi và tăng trưởng xẩy ra trong đó. Khuôn mẫu này duy trì tình trạng cho các giai đoạn đặc biệt của cuộc đời, thí dụ như lúc trẻ thơ, thiếu niên, trưởng thành, già lão v.v. Chẳng những thể sinh lực bao trùm thể xác như một lớp da, mà cũng bao quanh mỗi cơ quan y vậy, tựa như một từ trường kín, giữ gìn sinh lực và khiến nó tiếp xúc với các chất trong tế bào trong những diễn tiến liên quan đến hoạt động, thay đổi và tăng trưởng của tế bào. Khi thành phần hóa học của tế bào và máu bị xáo trộn, khuôn ether giữ y hình dạng và mẫu mực cho tới khi sự tái sắp xếp được hoàn tất.
Luân xa và prana tuôn chẩy qua đó là đường nối giữa thân xác và linh hồn. Phần lớn nhờ qua chúng mà các trạng thái tâm trí và tình cảm ảnh hưởng cơ thể, những bộ phận trong đó và phận sự của chúng. Dòng sinh lực này chịu tác động của những thay đổi về cả thân xác và tâm lý, mà về sau đặc biệt chi phối hệ thần kinh. Những thay đổi và tình trạng của thể trí và thể tình cảm ảnh hưởng hệ thần kinh và các tuyến nội tiết, bằng cách chi phối dòng prana, tác động lên tình trạng của ba thể trí, tình cảm và sinh lực, và ảnh hưởng các trung tâm lực các thể thanh, tuyến nội tiết trong thể xác. Đây là nguyên do của việc xáo trộn tâm thần gây ra rối loạn trong thể xác, nói khác đi một số bệnh của thể xác có nguồn gốc tâm thần mà không phải là vật chất.
Tất cả những thay đổi và ảnh hưởng này đi tới cơ thể xuyên qua các trung tâm lực và thể sinh lực; do vậy ta phải học về luân xa và thể sinh lực, chúng là chìa khóa đích thực cho các vấn để về sức khỏe và bệnh tật.

3. Luân Xa (Chakra)
Luân xa (còn gọi huyệt đạo, trung tâm lực) là những cơ quan đặc biệt trong các thể sinh lực, thể tình cảm và thể trí, chúng không tĩnh lặng mà linh hoạt. Có bẩy luân xa chính và nhiều cái phụ trong cơ thể, mô tả thì các luân xa chính của thể sinh lực  là những xoáy lực có hình hoa hay hình chuông, nằm với bờ miệng của chúng trên bề mặt của thể. Mỗi xoáy lực có một ống là cái cuống dài chạy vào trong tủy sống hay tuyến trong não, và dọc theo cuống có hai đường di chuyển tới lui, đi ra và đi vào từ tủy sống tới hệ thần kinh.
Kể ra thì vị trí của chúng là đỉnh đầu, giữa hai chân mày, cổ họng, tim, tùng thái dương (solar plexus hay huyệt đan điền), lá lách và xương thiêng. Các hệ thống này đan lẫn vào nhau tạo thành mạng lưới chi li và đặc sắc. Nơi thể tình cảm và thể trí chúng to hơn và có mầu sắc nhiều hơn, và chuyền prana cõi cao tới các tuyến nội tiết trong thể xác và trung tâm thần kinh. Vai trò của chúng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng và cảm xúc; việc tiếp nhận prana và tuôn ra này có tầm quan trọng vô cùng cho sức khỏe. Về mặt vật chất hoạt động của luân xa có thể lớn hơn khi trời nắng đẹp, về mặt tinh thần thì nó nhiều hơn khi vui vẻ, hòa hợp; tư tưởng, cảm xúc và hành vi đúng đắn.
Nơi cây cỏ, luân xa thấy như là xoáy lực ether và tình cảm, qua đó sức sống và tâm thức đi qua sinh ra sự nhậy cảm và động lực tăng trưởng trong tế bào. Cây to cũng có những trung tâm lực, thú vật cũng thế, nhưng chúng phát triển nhiều nhất nơi con người, vừa là đường kinh cho prana vừa là cơ quan cho tâm thức trong các thể thanh. Hiểu biết về Theosophy nói rằng luân xa và thể sinh lực  là đường nối giữa tâm thức cõi trần và cõi cao. Khi cổ họng thắt lại vì ngượng nghịu, hay ruột gan thót lại rã rời, thay đổi trong tâm thức cõi tình cảm tác động trước tiên lên thể tình cảm, rồi luân xa cổ họng thể này, tới luân xa thể sinh lực, đến tuyến trong cơ thể và trung tâm thần kinh.
Các luân xa cho ảnh hưởng rõ ràng lên những tuyến nội tiết trong vùng của chúng, gây ra xáo trộn cho tuyến và làm thay đổi hành vi. Nói tổng quát thì sau khi bị căng thẳng, chấn động, có tư tưởng và tình cảm rối loạn hay tiêu cực, luân xa bị ảnh hưởng trước tiên rồi nó sẽ dần dần lan ra các tuyến và hệ thần kinh, tác động lên việc cung cấp prana, thành phần hóa học và biến dưỡng căn bản của cơ thể.
Mỗi luân xa cũng có tính chất riêng và chỗ của nó trong tính chất chung của trọn con người. Khi sức khỏe tốt lành, mọi việc hòa hợp với nhau và sinh lực tuôn chảy suông sẻ, hòa hợp qua hết các thể và các luân xa vào thể xác, tạo ra và duy trì sức khỏe. Vì prana thiết yếu như vậy cho sức khỏe, khi có bệnh chữa trị lý tưởng là tái lập sự tuôn chẩy tự do không bị cản trở của tất cả bốn đường tuần hoàn trong cơ thể, là máu, bạch huyết, hai dòng prana cõi trần và cõi thanh.
Mặt khác, bệnh sẽ xẩy ra trong các thể thanh như là tính chất của luân xa bị biến đổi (tốc độ quay chậm lại, hình dạng không tròn đều, mầu sắc bớt tươi thắm, v.v), trước khi triệu chứng lộ ra nơi thể xác và ai có thông nhãn thấy được những thay đổi này. Lợi điểm của việc chẩn đoán bằng thông nhãn so với việc phân tâm psycho-analysis dù sâu xa thế mấy, là nguyên nhân bên trong được thấy trước, và câu hỏi cho bệnh nhân được giới hạn vào những gì liên quan tới nguyên nhân, hay làm gợi nhớ lại biến cố trong quá khứ là căn nguyên cho bệnh tình lúc này, và nhờ vậy giải tỏa sự co thắt dòng chẩy.
Sau đây là hai thí dụ về tầm quan trọng của việc prana tuôn chẩy suông sẻ.
● Khi con người chìm đắm lâu ngày vào điều gì tới mức sinh bệnh, hình tư tưởng có thể thấy xuất hiện bên trong hào quang, rút lấy sinh lực của thể. Hình sinh ra có thể do ta sống quá nhiều trong quá khứ, suy gẫm mãi về hạnh phúc khi xưa và những ai cùng nơi chốn liên hệ với nó, hay cũng do nghiền ngẫm hoài chuyện buồn đã qua. Các thói quen ấy tạo nên hình tư tưởng, hình chuyện cũ sống nhờ vào luồng sinh lực tuôn qua thể tình cảm và thể trí, do vậy giảm bớt lượng sinh lực có sẵn cho chúng và tuôn qua chúng đi vào thể xác.
● Lòng sầu não được thấy như là khóm mây mầu xám bao phủ, chận nghẹt luân xa và đè ép thể tình cảm.

4. Vai Trò
Thể sinh lực có ba phận sự:
a/ Là nơi dự trữ và truyền đi sinh lực.
Thể là hệ thống chứa đựng và luân chuyển prana, và đáp ứng lẹ làng với tư tưởng và cảm xúc, giống như các dòng prana. Nói khác đi thì sinh hoạt trí não và tình cảm ảnh hưởng tới khả năng giữ lại prana của thể sinh lực. Đây là một khía cạnh về sức khỏe ít được chú ý tới. Việc chữa bệnh bằng từ lực (còn gọi là nhân điện) tác động bằng cách tạo thay đổi trong thể và những dòng sinh lực.
b/ Là đường nối giữa cõi trần và những cõi cao.
Thể xử sự như đường nối giữa tâm thức và xác thân. Các luân xa trong thể giúp cho việc truyền tâm thức giữa các cõi.
c/ Là cái khuôn bằng ether cho thể xác.
Thể sinh lực cũng là hình mẫu,hay đồ hình cho việc tăng trưởng và sửa chữa xác thân.
Nói chi tiết hơn về điều này thì nghiên cứu bằng thông nhãn clairvoyance, người ta thấy có một khuôn bằng chất ether xuất hiện rất sớm sau khi có thụ tinh. Khuôn là cho thể xác sắp thành hình. trông giống thân hình em bé, hơi tỏa sáng, rung động nhẹ, là một vật thể sống, là hình ảnh phóng chiếu của Nguyên Mẫu Archetype - mà karma làm thay đổi - về thể xác con người sẽ được biểu lộ trong giai đoạn tiến hóa này của nhân loại, và các tính chất riêng biệt của giống dân.
Khuôn được dùng làm mẫu hay ‘bản đồ nguyên mẫu’ cho sự tăng trưởng của xác thân. Nhiều yếu tố chi phối sự tăng trưởng của thân xác sắp ra đời qua cái khuôn bằng ether, dưới đây là vài điều:
Lực tạo hình của chân ngã tái sinh
– Karma từ những kiếp trước mà cái khuôn ether là vật thể đầu tiên tiếp nhận, và do ảnh hưởng này mà thành phần và hình dạng, trong cũng như ngoài bị thay đổi. Các đặc tính của cha mẹ truyền lại mà sẽ bị đặc tính của chân ngã truyền xuống làm biến đổi
– Ký ức và hệ quả của những kinh nghiệm mà người mẹ trải qua trong lúc mang thai.
Những điều này có thể chi phối đầu tiên là cái khuôn ether, rồi tâm thức mới chớm của tế bào, sau cùng là sự tăng trưởng, tình trạng và bản năng của con người. Có vẻ như cái khuôn ether là nơi đón nhận và cất giữ nhiều ảnh hưởng đó, rồi truyền chúng vào thân xác và cá tính mới, chi phối hai điều sau ít nhiều trong đời. Chuyện diễn ra như sau:
Vào lúc trứng bắt đầu phân chia, hạt nguyên tử trường tồn được thiên thần cột vào hai tế bào mới tạo ra, cho chúng động lực. Sự hiện diện của hạt này được năng lực sáng tạo của chân ngã đi xuống làm sống động, khiến cho hai tế bào tăng trưởng theo ‘Ngôi Lời’. Năng lực sáng tạo nay được phóng vào và xuyên qua hạt nguyên tử trường tồn vào trứng vừa phân chia thành hai tế bào, cho ra ít nhất ba kết quả:
● Thứ nhất, thành lập một vùng hay bầu ảnh hưởng để việc tạo hình xẩy ra trong đó. Điều này tương ứng với vòng bất quá của thái dương hệ trong việc thành lập vũ trụ, gồm một loạt nhiều tia phát ra có phận sự cô lập một khoảng, ngăn sự xâm nhập của các chất liệu và làn rung động lạ.
● Thứ hai, truyền từ điển hay ấn định nhịp điệu cho vật chất trong vùng. Tác động của năng lực sáng tạo khiến vật chất chung quanh có rung động hòa hợp với cá nhân sắp tái sinh.
● Thứ ba, tạo nên hình hài. Hình này có thể xem như là cái khuôn ether mà theo đó thể xác được tạo ra. Ta có thể gọi diễn tiến này là kết quả thứ tư của lực ‘Ngôi Lời’ phát ra, và được mô tả như sau. 
Bên trong cái khuôn ether thấy có năng lực tuôn vào thành những đường lực, mỗi đường có tần số riêng của nó, họp thành đồ hình cho trọn cơ thể. Mỗi loại mô sẽ có đều hiện diện và khác với những loại khác, vì năng lực tạo ra nó có tần số khác. Như thế mô xương, mô cơ, mô của mạch máu, dây thần kinh, não và hết các loại mô đều có mặt bên trong khuôn ether, nhờ những đường lực với nhiều tần số khác nhau.
Tác động của những rung động phát ra vào chất liệu trôi nổi tự do ở chung quanh, có thể là yếu tố khiến các hạt nguyên tử đi vào kết hợp thành những phân tử khác nhau, sinh ra nhiều loại mô. Các phân tử này bị thu hút về những đường lực, và ‘an cư’ vào chỗ thích hợp  của chúng trong phôi thai đang lớn, do nhịp rung động tương ứng hay cộng hưởng chung. Như vậy, lại một lần nữa mỗi phần của thể xác, cả chất liệu lẫn hình dạng, hợp khít khao với chân ngã sẽ tái sinh. Khiếm khuyết do karma sẽ biểu lộ như là dị dạng, sức khỏe kém và bệnh tật, có tượng trưng trong khuôn như là sự lỗi nhịp hay luôn cả gẫy đổ, nhất là trong các đường lực dọc theo đó hay tùy theo đó mà mô được tạo ra.
Ra ngoài đề một chút, tổng quát mà nói thì trọn thân xác - và cũng như thái dương hệ - có thể được mô tả theo tần số, mỗi loại mô và mỗi cơ quan có độ dài sóng, nốt và mầu sắc riêng của nó; tới phiên chúng những điều này thay đổi theo tình trạng sức khỏe và bệnh tật. Khi có sức khỏe lành mạnh, mỗi phần rung động đúng nhịp và hợp âm của xác thân hòa điệu hoàn toàn. Lúc đau ốm thì chuyện ngược lại, phần này hay kia có sự lỗi nhịp. Thế nên thuật chữa trị chân chính là tái tạo nhịp điệu.

5. Màng Che Chở
Thể sinh lực còn vai trò thứ tư do một cấu tạo đặc biệt của nó gọi là mạng lưới nguyên tử (atomic web). Giữa thể sinh lực và thể tình cảm có một màng hay lớp vỏ bao bọc, gồm một lớp duy nhất bằng nguyên tử cõi trần, đan kín với nhau rất chặt và thấm đẫm một loại prana đặc biệt. Loại prana bình thường đi từ cõi tình cảm vào thể xác là loại dễ dàng đi qua màng che chở này, còn với tất cả những lực khác chúng không thể dùng vật chất nguyên tử của cả hai cõi, do đó màng có tác dụng là hàng rào tuyệt đối ngăn chặn.
Đó là cách che chở mà thiên nhiên tạo ra, để ngăn ngừa sự thông thương quá sớm giữa hai cõi tình cảm và hồng trần. Nếu không có sự sắp xếp khôn ngoan này, đủ loại kinh nghiệm ở cõi trung giới có thể tuôn vào tâm thức cõi trần mà cho đa số người, chúng chỉ gây hại và không mang lại điều chi hữu ích. Một thực thể ở cõi tình cảm có thể đưa lực vào con người bất cứ lúc nào, những lực mà người bình thường không được chuẩn bị để đối phó, và chúng hoàn toàn nằm ngoài khả năng đương đầu của họ. Họ hóa ra dễ bị thực thể ở cõi tình cảm muốn chiếm lấy thân xác của họ ám nhập.
Như vậy màng nguyên tử xử sự như là cách cản trở hữu hiệu đối với những gì không nên xẩy ra, và chuyện rõ ràng là bất cứ tổn thương nào cho màng là tai biến nghiêm trọng. Có nhiều cách gây ra tổn thương như vậy. Bất cứ chấn động tình cảm nào, hay tình cảm dữ dội thuộc loại xấu sinh ra sự bùng nổ trong thể tình cảm có thể cho ra kết quả như thế, làm màng lưới mỏng manh bị rách, khiến người ta bị điên loạn. Vài phép tập về mặt tâm linh cũng có thể làm tổn thương màng, cho hệ quả là mở rộng cửa mà thiên nhiên chủ tâm đóng chặt.
Thế nên cách an toàn duy nhất cho ai thực tâm muốn học khoa huyền bí, là không nên thúc đẩy bằng bất cứ cách nào việc phát triển những quyền năng tâm linh, mà an nhiên chờ để chúng khai mở vì chúng sẽ khai mở theo diễn tiến tự nhiên của cuộc tiến hóa. Bằng cách ấy ta có được mọi lợi ích và tránh được các hiểm nguy.

6. Sau Khi Chết
Trong một số trường hợp, thể sinh lực  có thể tách rời khỏi thân xác tuy nó luôn luôn được nối liền vào đây bằng một dây ether mà sách vở gọi là sợi chỉ bạc. Vào phút người ta qua đời, thể sinh lực chót hết dứt lìa khỏi thể xác và có thể nhìn thấy như là một khối sương mầu tím, dần dần tụ lại thành hình dạng của con người vừa chết, hình này nối liền với thể xác bằng một sợi dây sáng lóng lánh. Dây từ lực này đứt rời vào lúc cái chết xẩy ra.
Việc thể sinh lực và prana cùng với nó rút lui làm hủy hoại tính toàn vẹn như là một khối của thể xác, khiến nó chỉ còn là tổng hợp các tế bào độc lập. Sự sống của những tế bào tự chúng vẫn tiếp tục như chuyện kể đôi khi tóc vẫn tiếp tục mọc dài nơi xác chết.
Vào lúc mà thể sinh lực rút ra và do đó prana ngưng luân chuyển, các sự sống thấp hơn thí dụ như tế bào sinh hoạt không còn theo đường lối và bắt đầu hủy hoại thể xác, vật trước đó là một thể có tổ chức. Thế nên cơ thể chưa bao giờ sống động cho bằng khi nó chết; nhưng đó là sống động của các đơn vị còn thì tổng thể lại chết; hay là sống động của từng phần nhỏ rời với nhau mà chết như là một sinh vật.
Khi chót hết thể sinh lực thoát hẳn ra ngoài thể xác, nó không đi xa mà thường trôi nổi bên trên cái sau. Trong tình trạng này ta gọi đó là hồn ma phảng phất, và đôi khi người ta có thể thấy được là hình dạng mờ như sương khói, tâm thức rất trì trệ và không nói năng. Nếu không có tình cảm dữ dội hay lòng xáo trộn rối bời, tâm thức ở trong cảnh mơ màng, an ổn. Một trong những thuận lợi to tát của việc hỏa thiêu là nhờ thể xác đậm đặc bị hủy diệt ngay, thể sinh lực mất chỗ trụ và do vậy mau lẹ tan rã.
Nhân đây ta có thể nói thêm về tục ướp xác. Chủ ý ban đầu là khi bậc thánh nhân qua đời, thể xác được duy trì để làn rung động thanh cao còn đó, tạo ảnh hưởng tốt lành cho khách hành hương, tín đồ tới viếng phần mộ. Tuy nhiên nếu xác kẻ ác độc, xấu xa được giữ lại, thể sinh lực còn vơ vẩn chung quanh có thể bị tà đạo sử dụng, gây hại cho con người. Đây là nguyên do của ‘lời nguyền’ mà nhân gian hay nói tới, và như thế càng thêm phần hữu lý cho việc hỏa thiêu.

7. Chữa Lành
Ta có ghi là ai mạnh khỏe, sung sức, thì liên tục phát ra ngoài thân xác sinh lực mà người khác có thể hấp thu. Theo cách đó người bệnh có thể được làm cho mạnh hơn, bệnh nhẹ có thể được chữa khỏi hay ít nhất việc hồi phục được mau lẹ hơn. Bởi dòng prana dễ được uốn nắn theo ý chí con người, chuyện khả hữu là ai chủ tâm có thể định hướng dòng sinh lực tuôn ra khỏi người họ, cũng như là mạnh mẽ tăng cường dòng chảy tự nhiên của nó. Ta có thể trợ giúp lớn lao việc bình phục khi hướng dòng prana tới bệnh nhân, người bị đau ốm vì lá lách của họ không làm việc được bình thường. Làn sinh lực phụ trội mà người chữa bệnh tuôn vào giúp thân xác người bệnh - như bộ máy - làm việc, cho tới khi nó hồi phục đủ để tạo ra lượng prana cần thiết cho mình.
Một cách làm theo phương pháp và có hiệu quả để trị bệnh dùng từ điển (còn gọi là nhân điện) diễn ra như sau:
Bệnh nhân ở tư thế thoải mái, hoặc nằm hoặc ngồi, và được kêu giữ cho mình càng thư thả càng hay. Cách rất tiện lợi là để bệnh nhân ngồi trong ghế dựa, với hai tay ghế phẳng và người trị bệnh ngồi ngang trên tay ghế, tức cao hơn bệnh nhân một chút. Người chữa trị sẽ dùng tay vuốt nhiều lượt trên thân bệnh nhân, hay trên phần nào họ muốn chữa bằng từ điển, dùng ý chí của mình rút chất ether bị ứ đọng hay có bệnh từ thể xác người bệnh ra.
Những lượt vuốt này có thể làm mà không cần chạm vào người bệnh nhân, tuy thỉnh thoảng đặt trọn bàn tay nhẹ nhàng, êm dịu lên da có thể giúp cho việc. Sau mỗi cái vuốt người chữa trị phải nhớ thẩy ra khỏi chính người họ chất ether mà họ đã rút ra, bằng không một số ether có thể lưu lại trong chính thể của họ, và chẳng bao lâu họ sẽ thấy mình mắc bệnh tương tự như bệnh đã chữa lành cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp thuộc loại này đã được ghi lại, ấy là người chữa trị không chừng làm bệnh nhân hết nhức răng hay đau cùi chỏ, để rồi sau đó thấy tới phiên họ bị đau răng hay đau cùi chỏ. Trong vài trường hợp, người chữa trị quên không ném bỏ chất ether bệnh mà họ lấy ra có thể làm mình đau nặng, và còn có thể khiến họ thành mắc bệnh kinh niên.

8. Thôi Miên và Thay Prana
Ta cần phân biệt rõ ràng và nhất định giữa hai điều này.
● Thôi miên hypnosis có nguyên ngữ từ Hy Lap hypnos có nghĩa là ngủ, như vậy theo sát nghĩa đen ấy là thuật làm người ta ngủ. Thường thì ấy là kết quả của việc làm thần kinh tê liệt, sinh ra do thần kinh thị giác bị mỏi mệt hay cách nào khác. Tự nó thì không gây tổn thương gì, tuy hiển nhiên là thuật có thể được dùng cho việc tốt hay xấu. Nó thường khi làm người ta không cảm thấy đau, và có thể làm cho thân xác nghỉ ngơi nên có thể là điều rất tốt lành. Nói cho đúng thì ấy là tình trạng tự mình dẫn dụ mình, với kết quả là người ta bị đặt cho ai khác làm chủ họ ít nhiều, trong giới hạn thay đổi theo tính chất của họ và mức độ thôi miên, cũng như là khả năng và tài khéo léo của người thôi miên, và họ có thể bị buộc làm chuyện mà người trước muốn.
● Thay prana hay mesmerism tác động theo nguyên tắc khác hẳn. Bác sĩ Fredrick Mesmer (1734-1815) tại Vienna khám phá là ông có thể chữa bệnh bằng ảnh hưởng của bàn tay. Phương pháp là người chữa trị rút ra hay đẩy lùi prana của bệnh nhân, và truyền vào đó sinh lực của chính họ. Hệ quả tự nhiên của việc này là bệnh nhân mất hết cảm giác trên thân mình, chỗ mà prana của chính họ bị đẩy ra. Ta đã thấy ở trên là cảm giác tùy thuộc vào việc truyền tiếp xúc đến các luân xa của thể tình cảm, qua chất liệu của thể sinh lực. Vậy thì khi chất ether bị lấy đi, liên kết giữa thể xác và thể tình cảm bị cắt đứt và hệ quả là ta không còn cảm giác.
Việc thay prana có thể đi xa hơn tới mức đẩy lui prana của chính người bệnh ra khỏi não của họ và thay bằng prana của người tác động. Trong trường hợp ấy, người ta hoàn toàn không làm chủ được xác thân mà bị người tác động làm chủ, khi đó người này có thể sai khiến thân xác bệnh nhân làm điều họ muốn. Hệ quả lý thú của việc thay thế prana của một ai, là người tác động nhận kích thích nào thì người bị truyền prana cảm biết kích thích ấy, hay ngược lại là người nhận prana có kích thích nào thì người tác động có thể cảm được nó.
Lấy thí dụ cánh tay bị thay prana, dòng từ lực của chủ nhân cánh tay bị thay bằng từ lực của người tác động. Sau đó nếu chích nhẹ vào bàn tay của người tác động thì chủ nhân của bàn tay có thể có cảm giác, do sự việc là ether của dây thần kinh được nối với não bộ của người bị thay lực, họ nhận thông tin từ ether của dây thần kinh người tác động nay là ether dây thần kinh của họ, và do vậy đáp ứng theo đó.

 9. Thuật Đồng Cốt
Thuật dựa trên tình trạng ether khác thường. Đồng tử medium là người mà những thể của họ có cơ cấu bất thường, với thể sinh lực dễ dàng bị tách rời khỏi thể xác. Thể sinh lực khi trồi ra ngoài cung cấp phần vật chất căn bản cho việc ‘hiện hình’. Hình hiện ra thường chỉ ở ngay quanh người đồng, chất liệu tạo nên hình tùy thuộc vào sự thu hút luôn kéo hình về thân xác từ đó mà nó đi ra, thế nên khi hình bị giữ cách xa thân người đồng một lúc lâu, hình sẽ tan rã, chất liệu tạo nên nó lập tức ùa trở lại về nguồn. Các hình này chỉ có thể hiện hữu trong chốc lát, giữa nơi có làn rung động mạnh của ánh sáng chói chang. Có lẽ vì vậy mà buổi cầu hồn thường diễn ra trong phòng mờ tối.
Nói chung thuật đồng cốt nguy hiểm nên may mắn là tương đối hiếm người có cơ cấu như vậy, nó gây căng thẳng và làm xáo trộn thần kinh. Khi thể sinh lực bị trồi ra ngoài, nó bị rách làm đôi; trọn cả thể không sao bị tách rời khỏi thân xác vì như vậy sẽ gây ra cái chết, bởi sinh lực hay prana không thể luân lưu mà không có chất ether. Ngay cả việc thể sinh lực rút ra một phần cũng làm thể xác dã dượi, và gần như làm ngưng đọng các sinh hoạt thiết yếu của nó; theo sau tình trạng nguy hiểm này thường là việc kiệt sức tột cùng.
Tại buổi cầu hồn để có hiện hình, ai nhìn bằng thông nhãn có thể thấy thể sinh lực thường trồi ra từ bên trái của người đồng, tuy đôi khi từ trọn bề mặt của cơ thể. Nó thường hiện ra như là ‘hồn người hiện về’, dễ dàng uốn nắn thành hình dạng thay đổi theo tư tưởng của những ai dự khán, và có sức mạnh cùng sinh lực khi người đồng chìm sâu vào cơn mê thiếp. Thông thường, lẽ tự nhiên là chuyện diễn ra mà người dự khán không cần phải chủ ý làm gì, tuy vậy nó cũng làm được khi người ta cố tâm muốn. Chuyện kể bà Blavatsky nói rằng với hiện tượng ở trang trại Eddy, bà chủ tâm tạo hình của ‘hồn ma’ hiện ra thành nhiều nhân vật khác nhau mà người dự khán thấy được.
Tuy chất ether - được uốn nắn thành hình ‘hồn ma’ như vậy - không thể thấy được bằng mắt thường, nhưng nó có thể cho phản ứng hóa học lên phim có tráng hóa chất, do lớp tráng phim này nhậy cảm với vài tần số của ánh sáng không ảnh hưởng tới mắt người. Đó là lý do nhiều trường hợp ghi lại có ‘hình hồn ma’ thấy trên âm bản của phim chụp.
Cộng thêm với chất liệu thuộc thể sinh lực của người đồng, chuyện hay xẩy ra trong các buổi cầu hồn là chất ether cũng được rút ra từ thể của ai ngồi xem, ấy là lý do ai dự những buổi này sau đó thường cảm thấy mỏi mệt. Ngoại trừ những trường hợp rất hiếm hay khi mà người ta cẩn thận giữ gìn, không cần phải nói thuật đồng cốt là chuyện có hại và còn có thể vô cùng nguy hiểm. Tuy thế, ta cũng phải nhìn nhận là nhờ nó mà một số lớn người có được hiểu biết, hay niềm tin, về thực tại của thế giới vô hình và việc sự sống tiếp tục bên kia cửa tử. Về mặt khác, ta cũng có thể nói rằng hiểu biết hay niềm tin như thế có thể có được bằng cách khác ít nguy hại hơn.

 

Tóm Lược.
Thể sinh lực là chỗ điều khiển ở cõi trần, nơi chứa đựng và phân phát năng lực cho thể xác. Nó được phú cho khả năng tự bảo trì, tác động ở mức đậm đặc hơn tức xác thân. Nó là ‘người tổ chức’ trọn sự sống phức tạp trong cơ thể, là khuôn mẫu cho các mô và trọn cơ thể.
● Thể này có vai trò là đường nối giữ cái trí và thân xác. Ảnh hưởng tâm lý làm việc qua những luân xa, hệ thần kinh, các tuyến, và tất cả năng lực của chúng tác động lên:
– Mỗi tế bào vào lúc tăng trưởng hay tan rã, do ảnh hưởng của chúng lên thể sinh lực.
– Hoạt động của những tuyến.
– Sự hòa hợp nói chung của trọn cơ thể.
● Đằng sau cơ chế là Chân ngã, ảnh hưởng lên cả tâm thức và sinh lực với cơ chế như sau:
– Atma tương ứng với bộ xương
– Buddhi với chất dịch và mô
– Manas với hệ não tủy
● Sức khỏe đòi hỏi có sự tự do tác động trong khắp mỗi thể, và có tương tác giữa tâm thức và lực. Ta có thể giúp cho sự việc bằng tư tưởng, cảm xúc và hành động thể hiện Chân ngã, và do vậy giữ cho những đường kinh được mở rộng.
Nội tâm ta là nơi dự trữ năng lực tinh thần có thể chi phối mạnh mẽ sự vật. Điều quan trọng là ta cho ra và nhận vào một cách khôn ngoan, và có mục đích cao, không ích kỷ trong đời. Khi ấy Chân ngã có thể và sẽ thể hiện chính nó, đem năng lực tinh thần tuôn vào làm tràn ngập thể xác, duy trì tình trạng sức khỏe toàn hảo và hòa hợp. Thể sinh lực là đường dẫn và nối liền giữa những thể với nhau.

Trích:
Basic Theosophy, G. Hodson

Xem bài có liên quan