ĐỌC SÁCH KRISHNAMURTI

            Đọc  Sách:
Krishnamurti

 

Kỳ này ta đọc vài sách về hai nhân vật có tiếng về triết lý tinh thần là J. Krishnamurti (1895 - 1986) và Paul Brunton  (Raphael Hurst 1898-1991). Đại đa số sách thường là về ý tưởng của hai người, một số sách là tiểu sử, rồi sau khi họ qua đời có thêm một loại sách khác với tác giả ghi lại kinh nghiệm và hồi ức của họ với mỗi nhân vật.Những quyển sách trong bài này thuộc về loại chót, có thêm cái nhìn của mỗi tác giả về cá nhân của nhân vật qua sự tương tác với họ, là liên hệ thân hữu hay loại khác.Sách được giới thiệu để bạn có thêm hiểu biết về sinh hoạt và tư tưởng của hai nhân vật, hầu nhờ vậy có ý niệm đầy đủ hơn về con người và chỉ dạy của họ.
Quyển The Kitchen Chronicles: 1001 Lunches with J. Krishnamurti  -Michael Krohnen (1997),  có nội dung thú vị vì hoàn cảnh khác lạ, tác giả do vị thế của mình thuật từ góc cạnh đặc biệt khác với tất cả những sách khác đã viết về Krishnamurti, cho cái nhìn hiếm thấy về cách xử sự của triết gia với những ai làm việc quanh ông.
Michael Krohnen gốc Đức, sinh năm 1943, lớn lên đọc sách về Krishnamurti cảm thấy tư tưởng của ông  có sức thu hút, nên đi dự các buổi nói chuyện của triết gia từ Ấn Độ sang Anh rồi Thụy Sĩ, càng ngày càng quý mến và muốn gần gũi thêm. Đầu mùa xuân 1975, anh nhận được thư của bạn cho hay một trường Krishnamurti mới sắp mở vào tháng chín tại Ojai, California, và cần người làm vườn, nấu bếp, sửa chữa v.v. Michael nghĩ đó là quà Trời tặng từ trên cao rớt xuống, rất đúng ý của mình. Anh tưởng sẽ được chức làm vườn, mà lại được nhận làm ông bếp dù không biết gì về bếp núc. Nay công việc của anh là lo các bữa ăn cho nhân viên của trường và học sinh, và luôn cho triết gia khi mỗi năm ông tới đây ngụ một thời gian. 
Tại Ojai Krishnamurti có phòng riêng ở nhà bà Mary Zimbalist trong khuôn viên trường, mỗi lần ở đó từ vài tuần tới vài tháng. Trong thời gian ấy ông dùng bữa với nhân viên tại phòng ăn chung; khi đau ốm thì Michael mang thức ăn từ nhà bếp tới nơi ông ngụ. Mỗi trưa tại bàn ăn, mọi người tự do trò chuyện hăng hái về mọi đề tài, Krishnamurti cũng góp phần và tự nhiên là khi ông lên tiếng thì cả bàn yên lặng chăm chú nghe.
Sách thuật lại khoảng thời gian Michael làm bếp cho trường từ 1975 cho đến khi Krishnamurti qua đời tại đây năm 1986, mô tả khung cảnh rất dân chủ. Khi Michael cho hay bữa ăn đã sẵn sàng, triết gia rung chuông hoặc kêu to cho mọi người biết rồi ông bưng các món ra bàn, ai nấy góp một tay bầy bàn ăn. Mọi người xếp hàng lấy thức ăn và ông thường là người áp chót với Michael đoạn hậu. Ăn xong thì ai nấy cũng phụ dọn chén bát và ông mang đĩa thức ăn dư vào bếp; khi Michael thấy món tráng miệng ngon lành mà còn dư, trước khi cất vào tủ lạnh anh lấy riêng thêm cho mình một phần, thì sau lưng có tiếng nói.
– Anh cho tôi một phần với.
Hóa ra Krishnamurti cũng hảo ngọt. Michael ghi lại trong sách những cuộc thảo luận của mọi người với triết gia ở bàn ăn trong 11 năm làm bếp tại trường. Ông trò chuyện thân mật với tất cả, trong khung cảnh thoải mái giữa các thân hữu thích trao đổi, phân tích quan điểm của nhau; nên ta có thể xem đây là cách xử sự chân thật của ông, không cần phải e dè hay giữ gìn như ở khung cảnh khác giữa những người xa lạ, thí dụ như trên bục giảng ở hội trường rộng lớn.
Qua những câu chuyện ở bàn ăn, mọi người được biết Krishnamurti giải trí bằng cách đọc sách trinh thám, thường nhờ Michael khi nào ra phố thì mua cho ông các tác phẩm mới ra !Khi ai nấy sôi nổi bàn về phim đang chiếu hay kịch mới phát trên truyền hình, triết gia cũng thích thú lắng nghe và hỏi.
– Phim hay không ?
Ông thích phim mạo hiểm, phiêu lưu, cao bồi viễn tây với Clint Eastwood.Một người ngạc nhiên hỏi.
– Làm sao ông thích những cảnh bắn giết chứ ?
Krishnamurti nhìn cô, ánh mắt lấp lánh tinh quái và đáp.
– Nó đâu có thật, toàn đóng kịch thôi mà. Đạn giả, máu là sốt cà chua hay nước đỏ.Sau khi té xuống thì họ ngồi lên trở lại.
Người kia chưa tin, vẫn thấy lạ lùng.
– Nhưng làm sao … làm sao ?
Ông dựa ra sau ghế, nhẹ nhàng tiếp.
– Và tôi cũng thích cảnh trí sa mạc, núi non, xem ngựa sải vó phóng như bay, nhẩy qua sông suối thiệt vui.
Khi khác Krishnamurti thuật cho cả bàn nghe chuyện lạ lùng sau, cho thấy Liêu Trai Chí Dị là điều có thật:
– Chuyện xẩy ra ở London, lúc đó tôi ở nhà người bạn ở ngoại ô, một buổi trưa tôi nhìn ra cửa sổ thấy có xe Rolls - Royce tới đậu trước nhà. Người tài xế bước ra mở cửa xe cho một cô trang điểm kỹ và ăn mặc lịch sự. Cô nhấn chuông.Hôm ấy tôi ở nhà một mình nên ra mở cửa.Cô tự giới thiệu và hỏi có thể gặp riêng tôi về một chuyện cấp bách, nên tôi mời cô vào nhà.
“Cô đi ngay vào vấn đề, cho hay mình là cô Kiều hạng sang và rất thành công. Cô thành giầu có nhờ hằng trăm khách hàng thuộc xã hội thượng lưu nhất của Anh trong giới quý tộc, chính khách và thương gia. Sáu tháng trước, một trong những người ấy, người mà cô quý hơn hết thẩy, qua đời.Cô kể cho tôi nghe các việc này thật tự nhiên, rất bình thản.
“Một buổi tối chỉ có một mình cô ở nhà, ngồi trước lò sưởi.Nhìn vào ngọn lửa nhẩy múa, cô đùa nghịch gợi thầm trong trí hình ảnh người tình đã khuất, và kinh ngạc thấy đột nhiên có một bóng ma từ ngọn lửa hiện ra, với hình dạng của nhân tình. Cô kể tiếp cho tôi hay là kế đó là hai người chăn gối với nhau. Cô thấy kinh nghiệm vui thú và khích động, nên chuyện y vậy xẩy ra vào những đêm tiếp theo đó, nhưng chỉ khi nào cô ở nhà một mình.
“Chuyện kéo dài nhiều tháng, dần dần bóng ma càng lúc càng mạnh hơn và bắt đầu chế ngự cô. Nó bảo cô phải làm chi, và ý muốn của nó ngày trở nên đòi hỏi nhiều hơn, bảo cô rõ ràng là khi nào hai người gặp nhau lần tới v.v. Cô bị bóng ma chiếm hữu và nó làm chủ đời cô.
“Cô không muốn nhờ tâm lý gia, giáo sĩ hay bất cứ chuyên gia nào cho ý kiến, nên kín đáo hỏi thân hữu trong giới quyền quí xem họ biết ai đáng tin, và có thể khuyên bảo cô về một chuyện riêng tư hết sức tế nhị. Tên tôi được nêu ra và sau khi tới dự một, hai buổi nói chuyện của tôi, cô tin tưởng là tôi có thể giúp cô trong cảnh ngộ khó khăn lạ lùng này. Cô chưa nói cho ai hay về kinh nghiệm kỳ dị ấy của mình, tôi là người đầu tiên được biết. Cô gần muốn khóc khi thuật lại chuyện, thấy rõ là cô rất khổ sở.
“Tôi đồng ý giúp với điều kiện là cô làm đúng như lời tôi dặn.Cô hứa chắc. Tôi mới kêu cô để lại một chiếc nhẫn đang mang trên tay, và ba ngày sau trở lại. Trong thời gian ấy cô không được ăn nằm với ai, ban đêm không ở nhà một mình để bóng ma không thể tiếp xúc với cô. Khi ra về, cô ngỏ ý muốn đền đáp với một số tiền lớn nhưng tôi không nhận.
“Tôi đặt chiếc nhẫn kim cương của cô lên bệ bên trên lò sưởi. Nó nằm yên đó trong ba ngày kế, tôi không đụng hay có làm gì với vật. Ba ngày sau xe Rolls - Royce đến. Tôi đưa trả nhẫn, dặn cô luôn luôn mang nó trên tay, sống lại đời bình thường như xưa nay của cô và xem chuyện gì xẩy ra.
“Một tuần sau, cô gọi tôi, mừng rỡ hết sức.Hồn ma đã bị đẩy lui, ngay cả khi cô ở nhà một mình ngồi trước lò sưởi, nó cũng không hiện ra.Có vẻ như nó đã bị tống xuất hẳn.Cô cám ơn tôi rối rít và lại đề nghị tạ ơn bằng tiền bạc mà dĩ nhiên là tôi không thể chấp nhận.”
Ai nấy ở bàn ăn nín thở lắng nghe, tựa như đó là chuyện thần thoại trích từ Ngàn Lẻ Một Đêm thay vì là chuyện thời nay do Krishnamurti kể. Mọi người lặng thinh kinh ngạc, yên lặng sững sờ, tâm trạng căng thẳng cùng cực. Rồi làm như  có mệnh lệnh đưa ra, tất cả cất tiếng cùng một lúc, bàn tán sôi nổi với nhau các chi tiết của chuyện.
Triết gia ngồi lặng lẽ, điềm tĩnh thích thú nhìn ảnh hưởng chuyện ông kể đối với mọi người ở bàn ăn. Xong ông giơ một tay lên, nói to mau lẹ để làm tất cả chú ý.
– Nào, khoan đã. Chưa hết đâu, còn nữa, khúc cuối bất ngờ.Ông mỉm cười. Vài tháng sau nhóm chúng tôi đi ăn ở một tiệm trong thành phố, thấy cô này ngồi với vài người bạn ở một bàn khác. Cô nhận ra tôi và chào từ xa.Khi chỉ có mình tôi ở bàn trong một lúc, cô vội vàng đến và nói có chuyện quan trọng muốn cho tôi hay. Cô xin lỗi hết sức là đã làm mất thì giờ của tôi, và cám ơn lần nữa việc tôi đã giúp trong lúc cô gặp khó khăn; rồi kể tiếp là theo với thời gian, cô bắt đầu thấy chán và cô đơn nên vài tháng trước, cô lại gọi hồn ma trở về, để cho vui, và nay trọn câu chuyện lại diễn ra như trước …
Cả bàn nhao nhao bầy tỏ những ý kiến khác nhau, có người hỏi Krishnamurti.
– Rồi chuyện gì xẩy ra sau đó ?
Ông nhún vai đầy ý nghĩa.
– Chà, chẳng có gì khác … tôi nghĩ nó cứ tiếp tục.
Triết gia không cho giải thích gì thêm, để ai nấy tự mình phán đoán chuyện vừa nghe.
Sách còn rất nhiều chi tiết lý thú mà ta không có chỗ ở đây, nên mời bạn tìm đọc nếu có cơ hội.

Quyển thứ hai tên A Jewel On a Silver Platter - Padmanabhan Krishna  (2015). Ta chọn giới thiệu quyển này một phần vì nội dung của sách chứa đựng tài liệu mới về Krishnamurti, phần khác vì bản thân tác giả. Ông ở vị trí tuyệt hảo để viết về triết gia do hoàn cảnh đặc biệt. Cha ông là em của ông N. Sri Ram, cố hội trưởng hội Theosophy quốc tế tại Adyar, nên ông rất quen thuộc với các ý niệm của Theosophy, mà cũng hâm mộ tư tưởng Krishnamurti từ hồi là sinh viên đại học cuối thập niên 1950.
Từ đó tới cuối đời Krishnamurti đôi bên gặp gỡ, tiếp xúc khi có dịp; sự kính trọng ban đầu của thanh niên dành cho triết gia từ từ chuyển sang tình bạn, kéo dài hơn ba thập niên. Cuối năm 1985 khi sang Ấn Độ giảng,Krishnamurti mời P. Krishna  - lúc ấy là giáo sư vật lý của Banaras Hindu University  - làm giám đốc trường Rajghat Besant tại Varanasi (Benares), thuộc tổ chức Krishnamurti Foundation India KFI của mình. Krishna chấp thuận, nhận chức vào đúng ngày triết gia qua đời tại Ojai, 1986, và làm việc cho trường từ đó đến 2003 trong chức vụ này hay kia. Do có thiện cảm với hội Theosophy lẫn hoạt động của Krishnamurti, P. Krishna đã có thể trình bầy quan điểm của triết gia một cách thân thiện hơn, và ấy là điều được biểu lộ rõ trong sách.
Ngoài những trò chuyện của tác giả với triết gia được ghi lại, ta còn đọc thêm trong phần I các bài phỏng vấn một số nhân vật quen biết nhiều Krishnamurti, phần II diễn giải tư tưởng của nhân vật. Sách không phải là một cuốn tiểu sử khác về triết gia, mà nhằm trưng vài khía cạnh ít được biết tới về cá nhân của ông theo quan sát của tác giả, như cách đối xử của ông với các cộng sự viên, lòng quan tâm của triết gia đến phúc lợi, cuộc sống cá nhân của những người này. Tác giả nhắc lại nhiều lần ý sau trong sách, là Krishnamurti không bác bỏ sự hiện hữu của các Chân sư (I have never denied the Masters, but some of the theosophists brought what was sublime to the ridiculous and I denied the ridiculous), ông chỉ bác bỏ ý niệm con người có về các ngài; cũng như triết gia không phủ nhận Thượng đế hay vai trò của tôn giáo, chỉ chê trách ý niệm ta đặt ra về Thượng đế, tôn giáo v.v.
Theo thời gian dường như vết thương lòng nào rồi cũng nguôi ngoai, giảm bớt xúc cảm mạnh mẽ ban đầu. Có vẻ như quyển A Jewel thúc đẩy mạnh hơn tiến trình đó, trình bầy hoạt động của triết gia theo cách dung hòa, giải tỏa ngộ nhận về tư tưởng của ông, lấp dần hố chia cách giữa ông và hội sau khi mối liên hệ hai bên đổ vỡ hồi cuối thập niên 1920, với sự việc gây chấn động lớn lao cho hội thuở ấy. Đó là ước mong và nỗ lực của tác giả, còn thành đạt hay không còn tùy vào suy nghĩ riêng của hội viên.
Sách ghi lại trung thực ý kiến của nhân vật khi được phỏng vấn và ấy là điểm đáng nói, chẳng hạn trong một bài, bà Radha Burnier, cố hội trưởng hội Theosophy quốc tế tại Adyar và là con gái ông N. Sri Ram tức chị em chú bác với tác giả, nói rằng việc đổ vỡ xẩy ra vào lúc có nhiều sự điên rồ (folly) trong hội, hồi thập niên 1920.
– Đưa ra nhận xét thẳng thắn và mạnh mẽ này là hành động đáng phục về phần bà Radha, có thái độ không che dấu sự thực, và
– Đem nó vào trong sách là chuyện đáng cho ta cám ơn tác giả.Nó khiến người đọc nhất là hội viên có cái nhìn đúng đắn về quá khứ, và như thế là làm ơn cho họ.Bởi chỉ khi nhìn nhận sự thật không tìm cách chống chế, ta mới có hy vọng không phạm lỗi lần nữa sau này.

Quyển thứ ba Lives in the Shadow withJ. Krishnamurti (1991) là hồi ức của Radha Rajagopal Sloss. Nếu hồi ức của Michael nhẹ nhàng thì nội dung cuốn Lives khác hẳn, vì được viết từ khung cảnh gần như không ai ngờ. Khi sách xuất bản nó tạo nên chấn động lớn, gây nhiều tranh cãi. Dư âm tới nay vẫn còn qua sự việc là người ta phải coi lại tất cả những lời Krishnamurti thốt ra trước khi có sách, xem xét chúng theo tiết lộ trong sách, cho chúng ý nghĩa khác với giải thích đưa ra khi chưa có tiết lộ.
Radha Rajagopal Sloss là con gái của DesikacharyaRajagopal. Tựa như ông Leadbeater khám phá ra Krishnamurti lúc nhỏ, ông cũng ‘khám phá’ ra Rajagopal như vậy, nói rằng Rajagopal cũng là người có thể là vận cụ cho vị Huấn Sư Thế Giới giống như Krishnamurti.Rajagopal nhỏ hơn triết gia bẩy tuổi, tốt nghiệp đại học Cambridge, nhưng thay vì có sự nghiệp riêng cho mình lại chọn làm việc với nhân vật sau từ 1922 đến 1967.
Khi tách rời khỏi hội Theosophy năm 1929, Krishnamurti và Rajagopal lập tổ chức mà cả hai là giám đốc chuyên lo việc phổ biến tưtưởng của triết gia. Có sự phân biệt rõ ràng về vai trò của hai người, nhân vật sau chỉ lo đi giảng còn Rajagopal trông coi tất cả mặt khác như tổ chức các buổi giảng ở nhiều nước (tìm nơi họp, lo sổ thông hành và chiếu khán cho ông, đặt khách sạn v.v.), biên tập hằng trăm bài giảng (văn nói) thành sách (văn viết) dễ đọc, thương lượng với nhà xuất bản để phát hành sách, thâu băng và xếp đặt lại thành cassette để bán, lưu trữ văn khố v.v. Ngoài việc giới thiệu triết lý của Krishnamurti cho đời, ông còn quản lý, trông coi mặt hành chính, tài chính của những cơ sở và hoạt động liên quan đến triết gia ở Anh, Ấn.
Nói khác đi, sách về tư tưởng Krishnamurti và cassette tới năm 1966 có được là do công lớn của Rajagopal. Điều đáng ghi là trong bao nhiêu năm đi nói chuyện, tất cả những buổi giảng của triết gia đều miễn phí, chỉ khi nào tiền mướn chỗ quá đắt thí dụ như  Carnegie Hall ở New York, khi ấy ban tổ chức mới bán vé để trang trải phí tổn. Krishnamurti và Rajagopal sống nhờ lợi nhuận bán sách, bán cassette.Rồi Rajagopal thuyết phục Krishnamurti rút tên khỏi tổ chức, chỉ còn lại một mình Rajagopal làm giám đốc, toàn quyền lo liệu mặt hành chánh, tài chánh, nắm tác quyền những sách của triết gia tức ông không còn quyền hạn chi cả.Tới năm 1971, sau hơn bốn thập niên cộng tác, Krishnamurti đòi lại quyền giám đốc và tác quyền dẫn tới nhiều vụ tranh tụng trước tòa, và tình bạn tan vỡ không hàn gắn được.
Mẹ của Radha làRosalindEdith Williams. Trong nhiều năm hồi thế chiến thứ hai (1939 - 1947), cặp vợ chồng Rajagopal và Rosalind cùng Krishnamurti sống chung tại Ojai. Khi sinh ra và lớn lên ở đó, Radha coi sự kiện nhà có ba người lớn là việc tự nhiên, nghĩ rằng gia đình nào khác cũng có sắp xếp như vậy.Sáng Krishnamurti cột dây giầy cho Radha đi học, và tan trường thì đón em nhỏ về.Về sau Radha hiểu biết hơn, khám phá rằng đó là một ménage à trois.Như đã nói ở trên, tiết lộ này của sách làm đảo lộn ý nghĩ người ta thường có về triết gia.Bạn nên đọc để cập nhật hiểu biết về một nhân vật quan trọng của thế kỷ 20.
Chuyện khác kể thêm là tại Ấn có nhà tiên tri rất hay dựa vào ngày sinh tháng đẻ.Một  hôm do óc hiếu kỳ, một người bạn mới ghi chi tiết trên của ba người Rosalind, Krishnamurti và Rajagopal, để lẫn lộn vào một xấp của nhiều người khác cũng muốn xem bói. Tuy nhiên, thầy tướng số sau khi xem xấp giấy này đã chỉ ra ba tờ của ba người, nói rằng ba nhân vật này có liên hệ mật thiết với nhau không phải chỉ trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp trước.

Nay ta sang hai tác phẩm chót về Krishnamurti, nhưng trước đó cần nói về lai lịch của tác giả. Mary Taylor (1915 - 2008) là người mẫu cho tạp chí Vogue, người mộng (Muse) cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Cecil Beaton, và là tài tử điện ảnh của Hollywood. Năm 1952 bà thành hôn cùng đạo diễn Sam Zimbalist của nhiều phim nổi tiếng, trong đó phim mà ông được biết tới nhiều nhất là Ben Hur; phim đang quay tại Ý thì ông bị đứng tim và qua đời năm 1958. Khi hoàn tất, phim đoạt giải Oscar 1960 cho phim hay nhất trong năm và bà nhận giải thưởng thay cho chồng.Đây là giải Oscar duy nhất từ đó tới nay được trao cho người đã mất.Mary Zimbalist từng nghe Krishnamurti giảng vào năm 1944 nhưng không đi sâu thêm.Sau khi chồng qua đời, hoàn cảnh khiến bà có những câu hỏi về cuộc sống nên đi nghe giảng tiếp để mong có giải đáp.
Thuở ấy lịch trình hằng năm của triết gia là mùa hè đi giảng ở Saanen - Thụy Sĩ, Anh, các nước Âu châu như Pháp, Hòa Lan v.v.; mùa đông giảng ở Ấn Độ và mùa xuân về Ojai, California giảng ở Hoa Kỳ. Thập niên 1960 là thời của hippies, nhiều người theo chân ông từ nước này sang nước khác theo lịch trình ở trên để nghe giảng, trong số đó có Mary Zimbalist. Ban đầu bà chỉ là người tới dự thính không có gì đặc biệt; bởi bà có xe mà ban tổ chức không có, tại buổi giảng ở các nơi bà tình nguyện rước Krishnamurti từ khách sạn hay nhà trọ đến nơi giảng rồi đưa về. Khi qua Anh, triết gia có nhiều gắn bó với nước này vì vậy ngoài việc giảng, khi rảnh rỗi ông còn muốn đi thăm cảnh thiên nhiên và bà vui lòng làm tài xế.
Ta ngưng ở đây một chút để nói vắn tắt về cuộc sống của Krishnamurti. Ông không có nhà cửa, tài sản, đi tới đâu thì hoặc Rajagopal mướn khách sạn cho ông, hoặc thân hữu mời ông đến ngụ trong khoảng thời gian đó.Ấy là hoàn cảnh của ông trước khi gặp Mary Zimbalist. Sau vài năm tình nguyện làm tài xế đưa rước Krishnamurti ở các nơi, bà xếp đặt để khi ông sang Hoa Kỳ thì ngụ ở nhà mình tại Malibu, sau đó tại Ojai, đều ở California. Kể từ đây cho tới khi qua đời, triết gia mới được ‘an cư’, có nơi chốn cố định tại Hoa Kỳ để về nghỉ ngơi mỗi năm. Tại Anh cũng vậy, trước khi mở trường tại Brockwood, mỗi lần triết gia sang Anh thì ở nhà mướn. Khi có trường rồi, một nơi trong cơ sở được dành làm chỗ riêng cho ông với bà Mary Zimbalist trang trí phòng ốc, và nhờ vậy ông có chỗ ổn định tại Anh. Do các việc làm của mình  Mary Zimbalist thành đóng nhiều vai trò đối với triết gia: bà là người tin cẩn, là bạn thân cận nhất của ông, nấu ăn khi cần, giặt và ủi quần áo cho ông, góp ý, là tài xế, bạn đồng hành, là cố vấn cho Krishnamurti trong việc lập các tổ chức mang tên ông v.v.
Có chỗ ở riêng là yếu tố quan trọng cho sức khỏe thể xác cũng như tâm linh của ông như ta sẽ thấy dưới đây. Ông là người rất nhã nhặn với mọi ai, khi mới gặp ông gọi bà là ‘bà Mary Zimbalist’ và phải năm năm sau ông mới dùng tên Maria để gọi bà; với phái nam ông luôn gọi là ‘Sir’, dù đó là Michael nấu bếp hay ai khác, và mọi người cũng gọi lại ông là ‘Sir’. Ông nhận xét là có vẻ như mỗi thời điểm có một nhóm người được gửi tới giúp mình, khoảng hai mươi năm cuối đời ông là một nhóm gồm người từ nhiều nước như Ý, Mỹ, Ấn Độ, Anh tụ lại lo cho ông, trong đó có bà Mary Zimbalist và Scott Forbes. Ý tưởng viết sách là do ông đề ra, nói rằng vì bà thân cận và chăm sóc cho ông nhiều năm, bà nên ghi lại mọi chuyện xẩy ra trong cuộc sống với ông để sau này viết thành sách, cho mọi người rõ sống với Krishnamurti là sao.
Giống như đức Phật có ngài A Nan là thị giả chăm lo cho Ngài, Krishnamurti có Mary Zimbalist đóng vai trò đó từ năm 1965 đến 1986. Khi xưa ngài A Nan ở cạnh và trông nom đức Phật thì nay Mary Zimbalist cũng quán xuyến mọi chuyện, sắp đặt cho cuộc sống của ông được an ổn, và là một trong những người gần kề nhất với Krishnamurti. Chẳng những vậy bà còn ở bên cạnh Krishnamurti trong hầu hết các chuyến đi của ông, từ nơi này sang nơi khác hơn hai mươi năm, lo mọi việc từ sổ thông hành, chiếu khán, sắp xếp hành lý, chìa khóa v.v. Mỗi lần từ Malibu hay Ojai sang Anh hành lý trên dưới bẩy valise, vì lúc đi là mùa xuân mà ông sẽ ở Anh cho tới đầu mùa đông.
Sự thân cận trong một khoảng thời gian dài như vậy làm cho hồi ký của bà phong phú, sống động với những chi tiết lý thú về con người, lối sống của Krishnamurti mà không sách nào khác viết về Krishnamurti có được. Đó là một trong những giá trị đáng nói của tác phẩm.Mặt khác, sách không những viết về triết gia, mà có luôn cả nhận xét về hoạt động của các tổ chức nhằm phổ biến tưtưởng của ông.Bà kể lại chuyện với tư cách là người trong cuộc, giúp người đọc nhận thức rõ hơn những vấn đề mà Krishnamurti phải đối đầu và các tổ chức này phải giải quyết. Nói khác đi, đóng vai trò triết gia cho thế giới là điều không dễ, chưa nói tới việc làm vận cụ cho vị Huấn Sư Thế Giới, và điều ấy đáng ao ước chăng lại là việc khác.
Từ năm 1986 sau khi Krishnamurti qua đời tới năm 2007, theo lời ông dặn bà viết hồi ký đoạn đời ở cạnh Krishnamurti (1960 – 1986). Giữa chừng từ 1994 đến 2007, Scott Forbes, hiệu trưởng nhiều năm trường Krishnamurti tại Brockwood, Anh, có những buổi trò chuyện với bà về hồi ký. Trọn các buổi trò chuyện được ghi âm, soạn lại thành 90 bài đưa lên internet với tên: 
In The Presence of Krishnamurti:
The Memoirs of Mary Zimbalist
trang web:  http://inthepresenceofk.org/issues/
Về phần Mary Zimbalist thì bà viết hồi ký thành sách có tựa:
In The Presence of Krishnamurti:
Mary Zimbalist’s Unfinished Book, 2015.

 Sự khác biệt giữa hai tài liệu, một trên internet một thành sách in thấy qua những điểm sau:
● Loạt bài Memoirs bắt đầu từ khi Mary Zimbalist đi nghe Krishnamurti giảng năm 1944 và chấm dứt lúc ông qua đời năm 1986 nghĩa là đầy đủ, trong khi sách Unfinished Book chỉ kể chuyện trong khoảng 1944 đến 1979 và ngưng ở đây, vì sức khỏe bà kém không thể tiếp tục. Tính ra Mary Zimbalist mất 21 năm để viết sách, bắt đầu ngay sau khi triết gia từ trần, viết xong năm 2007 và bà qua đời năm 2008. Lý do nữa là bà cho rằng hồi ký trên internet đã có chi tiết đến năm cuối đời của ông, nên giai đoạn ghi trong sách là đủ dù chưa hoàn tất.
Thành ra nếu sau khi đọc sách Unfinished Book kể chuyện chấm dứt ở cuối năm 1979 và muốn biết thêm tới hết là năm 1986, bạn cần vào trang web để đọc tiếp. Bạn cũng có thể không cần mua sách mà đọc thẳng Memoirs trên trang web, nếu có can đảm đọc trọn 90 bài tương đương 3.000 trang sách từ đầu tới cuối !
● Ấy là khác biệt thứ hai, có nghĩa bài trên internet có nhiều chi tiết hơn trong sách. Tuy nhiên ta cũng phải nói một phần đáng kể nội dung bài Memoirs là chuyện tào lao không cần thiết, người đọc không cần biết làm gì. May mắn là sách Unfinished Book đã loại bỏ gần như tất cả chuyện vô bổ. Có điều ấy vì Memoirs có hình thức và kỹ thuật viết là bài nói chuyện giữa hai người bạn, Scott Forbes và Mary Zimbalist, về một người bạn chung của cả hai là Krishnamurti do đó có tính dễ dãi, bông lơn một chút trong vòng thân hữu; còn sách Unfinished Book có sự nghiêm chỉnh, chừng mực, chọn lọc hơn.
● Khác biệt trong cách viết. Tuy cả hai dùng chung nguồn tài liệu là nhật ký của Mary Zimbalist, nhưng sách Unfinished Book đưa ra nhận xét của riêng bà và lời mô tả của bà về cảnh và người. Lời văn là của bà, ‘văn tức là người’, cho thấy nét dí dỏm, sắc bén, thông minh, khôn ngoan trong cách bà nhìn người, nhìn việc.Đối lại bài Memoirsít đưa ra quan điểm riêng, mà có tính thực tế như ký giả tường thuật sự việc hơn là cho nhận định.Kế đó Memoirs là tiếng nói của hai người thay vì chỉ thuần của Mary Zimbalist. Khác biệt chót là Unfinished Book được viết cho ai không biết gì hay không biết nhiều về triết gia.
Quyển thứ nămKrishnamurti: Prepare to Leave của Scott H. Forbes (2018) ghi lại chín tháng chót của triết gia, với Scott ở gần kề vị sau từ 6 đến 8 tiếng một ngày. Trước đó nữa, Scott đã làm việc với ông và trường của ông lập ra tại Anh từ 1974, thành hiệu trưởng trường từ 1985 đến 1994.

Nay ta trích dưới đây một số chi tiết hoặc thú vị hoặc đáng nói trong cả ba nguồn tài liệu: loạt bài Memoirs, cuốn Unfinished Book và sách của Scott.

● Krishnamurti thường nói là mình không hề đọc sách. Lẽ dĩ nhiên đó chỉ là một cách nói và ta không nên hiểu theo sát nghĩa đen. Khi hồi nhỏ học ‘gạo’ để vào đại học, chắc chắn là ông phải học và đọc sách; nhưng quả đúng là Krishnamurti không đọc sách như đa số người đọc để lấy kiến thức, mở mang hiểu biết. Với lối sống của ông là đi giảng trong hơn sáu mươi năm, từ chỗ này sang chỗ nọ, nước này rồi nước kia thì sách vở là gánh nặng. 
Vậy thì ông lấy nguồn hiểu biết từ đâu để diễn thuyết, đối thoại hằng mấy tiếng đồng hồ mỗi năm vài lần, khi thì với một khoa học gia, khi thì với nhóm cả chục người trí thức có trí năng cao hơn mức bình thường ? Họ mong muốn dự buổi thảo luận như vậy vì tưtưởng của ông kích thích họ; nhiều khoa học gia, triết gia, nhà giáo dục tới xin gặp ông trò chuyện. Ta không biết, mà chỉ ghi nhận sách duy nhất ông đọc trong bao nhiêu năm giảng triết lý ảnh hưởng hằng triệu người khắp nơi, làm các bộ óc siêu việt phải chú ý, khâm phục, là chuyện trinh thám !Chính ông thì chỉ nêu thắc mắc mà không hề giải thích sự việc.

● Trước mỗi buổi giảng, hoặc Mary Zimbalist đi cùng Krishnamurti từ nhà ra chỗ giảng hay bà lái xe đưa ông đi, Krishnamurti hay quay sang hỏi bà hoặc ai khác đi cạnh.
– Tôi sẽ nói gì đây ?
Ông không hề biết là mình sẽ nói gì, cho dù đôi khi đề tài đã được nêu trước. Những người trong xe hay ai đi với ông biết đó không phải là câu hỏi chờ họ trả lời nên đều lặng thinh. Thường không có ai giới thiệu mà tới giờ thì Krishnamurti một mình đi ra sân khấu hay bục, ngồi xuống cái ghế duy nhất ở giữa. Trông ông vóc dáng thật nhỏ bé mà có sự oai nghi làm thính đường im lặng ngay. Thường thì Krishnamurti ngồi đè lên hai tay úp trên ghế, đưa mắt nhìn quanh cử tọa một lát không nói gì. Sự lặng thinh ấy làm nhiều người tưởng ông khớp, vì buổi giảng có khi lên đến 10.000 người nếu giảng ngoài trời, bình thường là từ 3 đến 5.000 người; hoặc tưởng ông  quả tình không biết nói chi.
Nay ta biết thì thực ra việc lặng lẽ quan sát khối cử tọa vài phút đầu như vậy, là để Krishnamurti thẩm định trình độ và các nhu cầu khác nhau của khối đông, rồi ông sẽ nương theo đó mà nói chuyện cho phù hợp.

● Người đến nghe giảng có thể được chia làm bốn thành phần.
a. Giới trí thức đến để biết tài ông hay để thử thách, đặt câu hỏi và mong ông không trả lời được, hay đưa ra ý kiến cho thấy họ đúng và ông sai.
b. Người thật lòng muốn có hiểu biết, mong được soi sáng, đi tìm chân lý, tìm đạo.
c. Người phá khuấy, muốn đặt câu hỏi làm rùm beng để được chú ý, hay là kẻ có ý riêng không phục triết lý của ông, và có thể gây sự.
d. Ai mất quân bình tình cảm hay tâm thần. Ta không nên quên luật tâm linh là thiên nhiên trung tính không vị riêng ai hay vật gì, ánh sáng mặt trời soi sáng và mang hơi ấm cho cả người tốt và người xấu, còn mưa làm cây hoa và cỏ dại mọc tươi tốt như nhau. Nó muốn nói lực Krishnamurti phát ra thu hút cả người b và người d tới với ông.
Tuy vậy, Mary Zimbalist và những ai thân cận đều chứng kiến cảnh sau trong các buổi giảng, là Krishnamurti luôn có câu trả lời hợp cho từng thành phần.
– Với người trí thức muốn gài bẫy, lời của ông khiến họ phải lui lại suy nghĩ, thay đổi thái độ.
– Ai khiêm tốn muốn học hỏi thêm thì được chỉ dạy, khuyến khích.
– Ai sôi động thì Krishnamurti có lời khiến họ dịu lại, làm trung hòa và giải tỏa.
– Với người thứ tư thì Krishnamurti … chịu thua và những ai thân cận ông sau vài lần chạm mặt thì rút ra kinh nghiệm, tìm cách đối phó thay đổi tùy nơi, tùy trường hợp.
Thí dụ nhiều lần tại Saanen, Thụy Sĩ, Ấn Độ v.v. thiếu nữ và phụ nữ mất quân bình chặn đường ông, nói rằng ông và họ đã thành hôn ở cõi trung giới, hay cho biết đôi bên đã có một con với nhau. Có người tìm giờ ông ra phi trường và chờ sẵn ở đó để tới ôm chầm, hay đến tận nơi ông trọ gõ cửa muốn gặp; khi bị từ chối thì họ nằm lăn ra đường chờ trước cửa nhà, tỉnh queo như không.
Vậy thì nhóm hộ tống ông có chiến thuật là hoặc họ đi bao quanh ông để tránh có tiếp xúc như vậy, hoặc một người trong nhóm chặn lại và những người kia mau lẹ đưa ông ra xe đi ngay sau buổi giảng.
Khi khác thấy bóng dáng người mất quân bình sắp đi tới, Krishnamurti ngó quanh, băng qua đường nhẩy ngay lên xe bus đang dừng lại đón khách. Thân hữu lẹ làng phóng theo, họ nói đây có lẽ là lần duy nhất Krishnamurti dùng phương tiện chuyên chở công cộng. Làm ‘giáo chủ’ quả cũng mệt.

● Sự quấy nhiễu còn có hình thức khác. Khi ông giảng mỗi năm ở Saanen, Thụy Sĩ, giới trẻ hippies đem túi ngủ, lều đến cắm trại chung quanh nơi giảng, hay lái xe có chỗ ngủ đậu ở những làng gần đó. Như đã ghi số người dự có thể lên tới 5.000. Họ cần thực phẩm như bánh mì, sữa, trứng, cheese, trái cây, nước uống  trong hai tuần hay hơn; vì vậy họ thành nguồn lợi kinh tế đáng nói cho các làng trong thời gian ấy.
Ngày kia có nhóm người ở Tây Ban Nha đến xin nói chuyện với Krishnamurti. Họ cho biết là được gặp đức K.H. ở cõi trung giới, và ngài ra lệnh cho Krishnamurti sang năm dời chỗ giảng qua Spain. Năm sau thấy ông không nhúc nhích, nhóm người đó lập lại yêu cầu, bảo kỳ này là đức Mahachohan ra lệnh.Hành động như vậy khiến cho hội Theosophy mất uy tín và chỉ dạy mà hội đưa ra bị cười chê. Có lẽ điều ấy không quan trọng, như áng mây có thể làm mờ ánh mặt trời trong khoảnh khắc sau đó ánh sáng vẫn tiếp tục chói lọi rực rỡ không hề chi, nhưng sự việc cho thấy không phải ai may mắn có được hiểu biết về MTTL cũng đáp ứng thuận lợi. Ở đây là sự ghen tị về nguồn lợi kinh tế, và ý muốn chuyển lợi ích đó từ Saanen sang Spain.

● Một điều mà các thân hữu nhận xét là trước buổi giảng Krishnamurti có thể mệt mỏi do cảm cúm, có chút suy nhược, nhưng khi bắt đầu giảng thì làm như có nguồn năng lực tuôn chẩy vào người. Giọng nói ông hóa ra mạnh mẽ, vang to, rõ ràng và cứ như thế cho đến hết.
Khi chấm dứt và ra xe thì giống như nước thủy triều sau khi dâng lên nay rút đi, Krishnamurti toàn thân suy yếu và ngất đi trong phút chốc thường chỉ một, hai phút, ngả người vào ai đang lái xe. Thường thì bà Mary Zimbalist đưa tay phải ra đỡ cho thân hình ông khỏi ngã gục, còn tay trái tiếp tục cầm lái. Thân hữu đã được dặn trước và cũng như đã quen nên họ giữ yên lặng trong những lúc ấy, không động vào người ông và rồi ông hồi tỉnh, hồi phục trở lại.Đây là một bí ẩn mà chính Krishnamurti thắc mắc và muốn biết câu trả lời.

● Ta đã thấy làn rung động của ông mạnh ra sao trong chuyện trừ tà ở trên; mức rung động ấy còn có một lợi ích khác làm thân hữu của ông rất thích. Ấy là mỗi lần dùng bữa chung hay ngồi nói chuyện lâu với nhau, ông thường kêu bạn đưa nữ trang cho ông đeo (nhẫn) hay giữ bên mình, và sau bữa cơm 45 phút hay vài giờ thảo luận, khi ông đưa lại cho các bà, các cô thì hạt ngọc sáng ngời hẳn lên. Người ta có thể nói đó là do tưởng tượng, nhưng khi một người về nhà, cháu nhỏ vài tuổi nhìn rồi hỏi bà ngoại có đem vòng ngọc đi chùi hay không mà sáng chói. Krishnamurti bảo ngọc cho tác dụng mạnh hơn là vàng, và giữ qua đêm thì hiệu quả nhiều hơn, và nếu để ông giữ vài ngày thì càng sáng hơn nữa.

● Krishnamurti làm những phép khác mà bạn bè chỉ ghi nhận và không dám hỏi, vì họ mặc nhiên hiểu sự việc nằm ngoài mức bình thường và sẽ không có giải thích. Chuyện kể là sau khi ông và hội Theosophy tại Adyar, Madras, Ấn Độ đã làm hòa với nhau khoảng năm 1979, ngày kia ông cùng bà Radha Burnier đi dạo băng qua khuôn viên hội, lúc đó chánh hội trưởng là ông John Coats. Ngang qua một nơi, triết gia nhận xét là chỗ này có thay đổi so với cảnh ông biết mấy chục năm về trước, lúc còn là thiếu niên ngụ tại Adyar.Tuy nhiên bà Radhakhông đồng ý, nói rằng mình lớn lên ở nơi đây từ nhỏ tới giờ, không nhớ là có gì thay đổi.
Sau đó bà đem chuyện hỏi ông John Coats, ông xác nhận là đúng, cho hay vài năm trước nơi mà Krishnamurti nói tới được chỉnh trang, người ta dời mấy cây cột và thấy có hộp nhỏ trong một cây cột; họ mang đưa cho ông, mở ra thì hộp chứa những hạt ngọc. Chuyện được kể lại cho triết gia hay; ông giải thích là khi xưa bà Besant cùng với ông truyền từ lực vào những hạt này, rồi đem chôn ở góc đông bắc của khu đất để cho ảnh hưởng bảo vệ. Khi bị đào lên và chuyền tay như vậy thì ngọc không còn tác dụng, và ông làm phép một hộp khác đem chôn trở lại ở Adyar.
Nói thêm chi tiết thì hộp có chín loại ngọc: kim cương, lam ngọc sapphire, hồng ngọc, bích ngọc emerald v.v. không nhất thiết phải là nguyên hạt mà có thể chỉ là mảnh nhỏ. Về sau khi xây cơ sở ở Anh, Scott dò hỏi và khám phá là có thể mua được tất cả những mảnh ngọc với giá rẻ tại một viện chuyên về ngọc quí ở London; Krishnamurti bảo vậy là được.Scott không biết sẽ cần bao nhiêu nên đặt mua bẩy bộ.Chỉ dẫn của triết gia là mỗi bộ đặt vào hộp chứa bằng vàng hay mạ vàng. Hộp to chỉ bằng đốt đầu ngón tay cái, được giữ bên cạnh giường ông cho tới khi ông qua đời. Sau đó chúng được dùng tới mỗi khi có xây cất cơ sở liên quan đến Krishnamurti tại Anh, Ấn, Hoa Kỳ.
Ông dặn rất kỹ là chẳng những vị trí phải là đông bắc, mà còn đòi hỏi là người ta phải chào ngọc mỗi ngày, nói chuyện với chúng, tỏ lòng yêu quí bao quanh ngọc, giữ cho có giao tiếp luôn bằng không chúng sẽ giảm sức mạnh hay ‘chết’.Ông ngỏ ý tiếc là ở Ấn cũng được làm phép như vậy mà người ta lại để cho ngọc chết đi.

●Ông cũng có quyền năng khác. Ngày kia khi đi bộ ở miền quê thăm cơ sở ở Benares, Ần Độ, ngang qua một nơi ông chỉ tay nói.
– Đức Phật từng ngồi ở chỗ này.
Người ta biết con đường quê nằm trong lộ trình của Đức Phật tới Lộc Uyển Sarnath để thuyết pháp lần thứ nhất, nhưng làm sao Krishnamurti biết đích xác thì không ai hỏi. Sau đó cơ sở của ông cho dựng nên một chỗ thờ nhỏ đánh dấu nơi ấy.
Tưởng nên nói thêm ông hay đả phá giáo chủ và tôn giáo có hệ thống  các chức sắc, nhưng rất tôn kính Đức Phật, luôn tỏ ý thán phục ngài.

● Với thân xác có làn rung động cao và nhậy cảm, lẽ tự nhiên Krishnamurti rất e dè, cẩn trọng về những gì liên quan đến cơ thể mình. Ông không tán đồng việc hiến tặng bộ phận, và cũng không muốn những thân hữu gần kề nhất với mình làm vậy. Krishnamurti không đưa ra lý do rõ ràng, chỉ nói rằng thể xác là vật thánh (sacred), là phương tiện quí báu để ta giác ngộ nên cần được bảo vệ cùng giữ cho toàn vẹn. Kinh sách xưa ghi xác thân là đền thờ cho Thượng Đế tức con người thật bên trong.Có nghĩa cả đền thờ và Thượng Đế đều phải được quí trọng, giữ gìn mà không được xâm phạm, và càng không thể để bị tàn phá. Hủy hoại nó là hành vi phạm thánh.
Do đó ông cũng rất ngần ngại với việc truyền máu, vì không biết người hiến máu có đời sống ra sao, có uống rượu, ăn thịt, hút thuốc hay chăng để ông có thể yên lòng nhận. Ngày kia Krishnamurti phải có giải phẫu và được cho hay có thể ông cần tiếp máu. Để giải quyết, vài tuần trước đó ông đến bệnh viện lấy ra một lượng máu, phòng khi cần thì nhận trở lại máu của chính mình; may thay điều này hóa ra không cần thiết.
Sự nhậy cảm làm ông gặp khó khăn mà người thường có thể thấy khó hiểu. Mỗi lần đi giảng phải ở nhà trọ ông rất khổ sở, ông giải thích là trong số người nghe giảng có nhiều người biết nơi ông ngụ và họ hướng tư tưởng về đó, tạo áp lực mạnh mẽ khiến ông không thể nghỉ ngơi thư thái. Khi áp lực quá cao, Krishnamurti phải nhờ Mary Zimbalist chở đi nơi xa vài ngày để được an tĩnh. (Có điều ấy vì Krishnamurti thuộc cung 2, đường của những vị Huấn Sư Thế Giới. Đặc tính của cung 2 là thu hút cảm xúc người khác và ông không làm khác hơn được). Ông chỉ có thể thoải mái hoàn toàn ở chỗ không ai biết tới mình. Điều ấy có được trong hơn hai chục năm cuối đời khi Mary Zimbalist mời ông về cư ngụ nhà bà ở California, và ông luôn tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ này, tin rằng hẳn có sự thu xếp mang bà đến với ông và trợ lực như vậy.
Dầu vậy ngay tại đây đôi khi ông cũng không được yên.Có lần người quí mến ông từ xa đến ngồi thiền dưới bóng cây trước nhà, thân hữu cũng xin họ ra về vì tư tưởng họ làm ông bị chộn rộn.

● Ngoài việc xem phim cao bồi viễn tây để giải trí, Krishnamurti còn ưa thích đọc chuyện trinh thám. Ngày kia, Michael biết sở thích này cùng tác giả mà ông ưa chuộng , anh mua được cuốn sách tuy second hand mà còn rất mới, bìa bao kỹ. Biết là ông chưa đọc, anh hân hoan đưa cho triết gia. Ông thụt lui, hai tay nắm lại sau lưng, đáp.
– Nhưng nên lau cho sạch trước đã.
Dầu vậy ông cũng uyển chuyển khi cần. Sang Ấn Độ sau mỗi buổi giảng bao nhiêu người muốn chạm tay ông qua cửa xe hơi đưa ông về, ông thuận để cho họ làm.
Trưa thì ông ăn trưa chung với thầy cô ở phòng ăn nhà trường, như chuyện đầu kể. Buổi tối ở nhà riêng của Mary Zimbalist ông dùng bữa với bà, mỗi người một khay vừa ăn vừa xem truyền hình. Ăn xong thì Krishnamurti cũng phụ dọn dẹp, rửa chén. Khi truyền hình chiếu cuộc đấu quần vợt có tay vợt Chris Evert mà ông ưa chuộng, triết gia ngồi cổ võ tưng bừng trước màn ảnh, tiếc thay kỳ ấy Evert bị thua:
– Ráng lên, Chris !Tôi đặt cuộc 50 bảng Anh cho cô đó. Sao thua vậy, Chris ?
(Come on, Chris ! I have fifty pounds on you. What’s the matter, Chris ?)
Nói thêm cho rõ thì Krishnamurti không có tiền, và cũng không hề cờ bạc.
Khi khác xem phim của Hitchcock ở rạp, tới đoạn một người được mướn để hạ thủ người khác, triết gia can gián:
– Đừng, ông đừng nhận.1.000 dollars rẻ quá, không đáng công.

● Krishnamurti có ý thức rất rõ về công việc của mình.Ông nói nhiều lần ‘Thân thể này là để đi giảng’, và giữ gìn sức khỏe cẩn thận. Với nhóm thân hữu phụ tá và với Mary Zimbalist, ông luôn nói:
– Các bạn phải sống lâu hơn tôi để phổ biến tưtưởng, chỉ dạy mà tôi đã nói hằng chục năm qua.
Ông nhấn mạnh về luật động và phản động ở cõi huyền bí, ấy là khi một lực lành đưa ra thì có tà lực phản kháng lại, và bởi chúng không hại được ông, tà lực sẽ nhắm vào ai giúp ông là những người thân thiết chung quanh. Tà lực không động tới ông vì Krishnamurti luôn cảm thấy mình được che chở, ông hay nói hễ ông đi phi cơ thì không bao giờ có tai nạn, và khi những ai phụ tá ở cạnh ông thì họ cũng được bảo vệ luôn; nhưng nếu  do công việc họ phải ở xa thì có thể bị hại. Vì thế ông thường xuyên nhắc nhở Mary Zimbalist và người khác phải lái xe cẩn thận, chăm lo kỹ càng cho sức khỏe.
Khi Mary Zimbalist có công chuyện phải đi xa mà không có ông đi cùng, triết gia  đeo nhẫn của bà một lúc, và có khi đeo nằm ngủ qua đêm, trước khi bà đi. Mary Zimbalist cảm thấy là ông truyền từ điển vào ngọc khiến nó có tác dụng che chở khi ông không có mặt.

● Ông cũng có phân biệt kỹ giữa mình là phần tâm thức, và thể xác là phương tiện được sử dụng.Tâm thức ấy có thể rút lui bất cứ lúc nào, nói khác đi lằn ranh giữa sự sống và chết của thân xác rất mỏng manh. Do đó ông dặn kỹ ai thân cận phải tránh điều đó, không để nó xẩy ra bằng những cách:
– Không gây mê khi giải phẫu. Khi nhổ răng hay giải phẫu, ông luôn hỏi kỹ để chọn lựa cách gây tê mà thôi.
– Tránh phải nằm lại ở bệnh viện, mà ông muốn tĩnh dưỡng ở nhà. Trong lúc còn mê mệt, ông muốn bà Mary Zimbalist ngồi cạnh, nói chuyện với ông nhắc nhở việc phải làm để ‘tâm thức không rút lui’ và đi mất !
Khi đau nặng, ông muốn Mary Zimbalist hay Scott ở bên cạnh luôn. Có lần Scott phải ra khỏi phòng một chốc, khi trở vào bị la.Scott hiểu ông cần anh ở cạnh thân xác để trông chừng nó, mà không phải là ở cạnh chính ông.Krishnamurti biết đây là thân xác hết sức quí giá, phải mất cả ngàn năm để tạo được như vầy cho công chuyện duy nhất là thuyết giảng, và hay nói lên điều ấy.

● Ông nghĩ nhiều về tương lai trong những năm cuối đời, có chút thất vọng do không biết chắc sau khi qua đời thì làm sao giữ cho tưtưởng mình còn mãi, lo lắng không có người kế nghiệp.
Krishnamurti hay thuật chuyện trong số hằng trăm đệ tử của đức Phật, chỉ có hai vị hiểu được Ngài lại đều chết trước đức Phật. Nay ông thấy hơn sáu chục năm đi giảng mà vẫn không có ai hiểu rõ hay sống theo chỉ dạy của mình. Một công việc của thân hữu quanh ông là mời các nhân vật có trí não siêu việt dự cuộc đối thoại với Krishnamurti, hoặc thâu âm hoặc thâu hình.Tuy nhiên dù nhiều người trí thức tới thảo luận, không ai có thể thách đố, thách thức ông; không ai hiểu được ông. Triết gia cảm thấy bực bội, tựa như tay vợt tennis kỳ tài không có đối thủ và đâm chán, cuộc đấu nào cũng quá dễ đối với họ; hay là kỳ vương không gặp ai đủ sức chơi cờ ngang ngửa với mình. Ông cần được kích thích, và hay than phiền là thân hữu đã không dùng ông đúng mức.
Ý này biểu lộ qua việc thân hữu nhận xét là sau buổi giảng tới giờ đặt câu hỏi, theo thông lệ người dự thính viết câu hỏi ra giấy, ban tổ chức sẽ thu lại đưa cho ông trả lời; nhiều lần chuyện xẩy ra là ông viết lại câu hỏi cho sâu sắc hơn, hay tự mình đặt ra câu hỏi, để giúp người nghe hiểu thêm bài giảng.

● Vì cho rằng không ai hiểu được mình, triết gia căn dặn thân hữu là sau khi ông qua đời, không ai có thẩm quyền để nói là họ diễn giảng tưtưởng của ông; cùng lý do ấy không trường nào mà ông lập ra lúc sinh thời về sau được mang tên là trường Krishnamurti, lúc ông không còn đó để trông coi; trong khi ta thấy có trường Rudolph Steiner, trường Montessori v.v.

● Ngày nay khi kỹ thuật cho phép thâu âm, thâu hình vào băng, đĩa và người ta có thể ngồi nhà nghe nhạc, nghe kinh thì lợi ích có đúng như ta tưởng ?Nhiều bài trên PST đã cho giải thích về điều này, ghi rằng ngoài mặt vật lý ở cõi trần (sóng âm thanh, tần số) còn có mặt huyền bí (làn rung động, các thể thanh) phải kể tới.Scott trong quyển của ông cho ta thêm ý. Ông nhận xét là việc cử tọa đối mặt ngồi nghe Krishnamurti giảng còn có nghĩa có sự chia sẻ, điều mà tuy ông không hiểu và không thấy nhưng lờ mờ cảm biết tác dụng.
Scott thuật Krishnamurti rất chán ngán việc mỗi năm phải đi nhiều chỗ làm cơ thể mệt mỏi không sống lâu.Đầu thập niên 1980, manh nha bắt đầu việc trụ sở chính của thương nghiệp có thể hội họp với các văn phòng địa phương bằng vệ tinh. Scott tìm hiểu và tả với ông là ông có thể không cần phải đi nữa nếu không muốn; Scott có thể thiết lập hệ thống và Krishnamurti ngồi một nơi giảng cho đám đông, hay có cuộc thảo luận tương tác với một nhóm ở bất cứ đâu. Triết gia thích thú với việc ấy nhưng từ chối, bảo rằng giảng từ xa không giống như gặp mặt. Khi có sự hiện diện của ông, người ta nhận được những điều mà họ không thể có khi xem băng, đĩa hay do vệ tinh truyền lại; và nhận được nó bất kể biết hay không biết điều này.
Ít ra Scott nắm được điểm chính của hiện tượng, ông ví dụ việc nghe đĩa, nghe băng của ai có thiên tài về nhạc.Họ chỉ nghe bản nhạc chơi qua một lần dù rất phức tạp, là có thể chơi lại trên dương cầm rất đúng; nhưng kết quả không y vậy.Scott giải thích khi mình lắng nghe bản nhạc người này chơi thì nó không có tâm tình trong đó, không cảm xúc mà trống không, vô hồn và máy móc.
Ta có thể nói thêm. Sự việc giống như bạn đứng ở mé nước trên bãi biển.Sóng vỗ rì rào vào chân bạn rồi rút ra, xong lại ùa trở vô; chuyện cứ tiếp tục một cách máy móc như vậy đã hằng triệu năm và sẽ còn mãi. Tính cách máy móc này tương tự như âm thanh phát ra từ băng đĩa khi nghe nhạc, nghe kinh. Chỉ có thế và chỉ có vậy. Bây giờ thử nhớ lại cảnh tắm mưa hồi nhỏ, trẻ con hớn hở cười vang té nước vào nhau; hay ta vo viên tuyết rơi trên đất và ném nhau. Hành động lập đi lập lại như sóng biển, nhưng cái khác biệt là có ý tưởng và đáp ứng. Sự hăng hái, vui vẻ của một bên kích thích bên kia, gợi nơi họ đáp ứng tương tự, và rồi khuếch đại nhiều lần hơn khi trao đổi tới lui. Sự trao đổi này thiếu vắng lúc nghe máy.
Nhạc sĩ, kịch sĩ khi diễn xuất trên sân khấu phát ra cảm xúc của họ. Cảm xúc lan truyền đến cử tọa gợi nên đáp ứng, đáp ứng tới phiên nó quay trở về khích động người trình diễn làm nhạc sĩ chơi mê say hơn, kịch sĩ đóng xuất thần hơn. Hào quang đôi bên nở lớn, mở rộng, đẹp đẽ hơn; người cho thành người nhận, người nhận thành người cho, cả hai hòa làm một và với ai có công lực thâm hậu (!) như Krishnamurti, đức Phật, đức Chúa, sự hòa hợp này có nghĩa người nghe được nâng lên cao hơn, được kinh nghiệm trong phút chốc mức hoan lạc tinh thần mà bình thường không sao có được. Cảm xúc hay thấy là sự ngất ngây, lâng lâng sau buổi diễn kịch hay hòa nhạc, tâm tư vẫn còn bay bổng, phơi phới.
Sự nâng cao, hòa hợp ấy là điều triết gia muốn nói tới khi cử tọa gặp ông trong buổi giảng, là điều Scott mơ hồ cảm nhận mà không biết vì sao, là điều không có được khi nghe máy. Nhân đây ta cũng nên mừng là đã có duyên may được biết MTTL; hiểu biết ấy làm ta thấu đáo, nhận ra phần thâm sâu của nhiều việc mà ai khác khi bắt chước - nhưng hiểu sai - hành động của ông, đã chê bai hội và Theosophy mà hội đưa ra, và do vậy không nắm được ý nghĩa ẩn kín cùng vẻ huyền diệu của sự sống.

● Nói về mặt tổ chức thì có lẽ có bài học đáng để ý ở đây. Bà Zimbalist được xem là cánh tay trái của Krishnamurti, là cộng sự viên đắc lực, là phụ tá thân cận, tin cẩn của ông; nhà của bà trở thành nhà cho triết gia trú ngụ nhiều tháng hằng năm. Các thân hữu ở Ấn khi có dịp gặp mặt, xem cách bà làm việc, cách xử sự, tỏ ý với bà rằng tuy ai muốn có hẹn, muốn nói chuyện với ông phải gặp bà trước, Mary không hề ngăn trở mà thấy hợp lý thì sẵn sàng thu xếp cho người ta gặp ông. Bà có phận sự là người giữ cửa door keeper nhưng luôn để cửa mở khi nào được, xử sự như chủ nhà hiếu khách. Nói khác đi bà không sợ người khác đến với Krishnamurti thì ảnh hưởng hay thế lực của mình bị mất bớt.
Tình cảnh ngược lại ở Ấn. Khi qua đó giảng thì ông ở nhà người này hay người kia, trước khi ông đến thì có sự tranh chấp trong ban tổ chức giữa những người muốn triết gia đến ở nhà mình; có điều ấy vì văn hóa của Ấn trọng vọng bậc Guru, Guru đến ngụ nhà ai thì đó được xem là hân hạnh lớn lao cho chủ nhà, họ lên giá đối với người chung quanh. Chủ nhà khi ấy xử sự như là door keeper, thích ai thì cho gặp Krishnamurti tại nhà mình, không thích ai thì gạt đi, e ngại rằng khi ‘chia sẻ’ ông  với nhiều người thì ảnh hưởng và thế lực của họ suy giảm. Mà đây là những người đóng vai trò quan trọng trong tổ chức của ông tại Ấn; cách hành xử của họ làm rõ nghĩa vì sao ông nói không có ai hiểu được triết lý của mình.Chẳng những vậy, họ còn muốn loại bỏ người khác để mang thân nhân vào các chức vụ của tổ chức.
Ta không biết Krishnamurti ý thức tình cảnh này hay không, chỉ biết rằng mấy lần đi Ấn giảng ông lo lắng, tỏ ý không vui khi ban tổ chức cho biết đã xếp đặt cho ông tới ngụ nhà nào trong lúc ở New Dehli hay Benares, thí dụ vậy. Có lần lo tới mức trước khi lên đường, ông hỏi đi hỏi lại thân hữu ở Anh là ông có đủ tiền ra mướn khách sạn chăng, nếu cảm thấy không thoải mái ở nhà đã được chọn cho mình tại Ấn. Năm chót sang Ấn và có lẽ biết ngày giờ ra đi đã tới, ông có nhiều thay đổi lớn về nhân sự trong trường học, cơ sở tại đây, bổ nhiệm những ai ông tin cậy.

● Chi tiết kế là về một chuyện lớn trong đời Krishnamurti, khiến ông hao tổn thì giờ, sức lực, tâm trí và gây nhiều phiền muộn, thiệt hại cho ông. Đó là việc cộng tác giữa Rajagopal và triết gia bị tan vỡ. Nhắc lại thì Rajagopal là giám đốc duy nhất của Krishnamurti Writings Inc (KWI), nắm mọi quyền hành về hành chánh và tài chánh lẫn tác quyền sách. Tới năm 1967, luật sư cho Krishnamurti hay cách tổ chức này bất lợi cho ông, và nên có thay đổi để hoạt động tài chánh được minh bạch hơn. Nay ông có nhiều cộng tác viên thuộc thế hệ sau, họ giúp ông thương lượng với Rajagopal để có thay đổi mà không thành; ông bèn tuyên bố tách rời khỏi KWI, lập tổ chức mới là Krishnamurti Foundation Trust (KFT), và kiện Rajagopal để lấy lại tài sản, bản thảo, văn khố, tác quyền.
Rajagopal kiện ngược lại. Tài sản rất đáng kể vì gồm đất đai và cơ sở ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Ấn. Bản thảo cũng rất nhiều và có giá trị lịch sử, vì chẳng những nó gồm bài viết, thư riêng của Krishnamurti mà luôn cả tài liệu, văn kiện, hình ảnh từ Adyar gửi sang Hoa Kỳ trong thập niên 1920. Tính ra có ít nhất ba vụ kiện giữa hai bên với nhau, kéo dài từ 1971 đến khi ông qua đời năm 1986.Trong thời gian đó, mỗi lần có thưRajagopal gửi tới, Krishnamurti không đụng thư, bảo nó ‘evil’ và kêu người khác mở thư đọc rồi tóm tắt cho ông hay. Khi lỡ cầm vật Rajagopal đích thân đưa thì ông xem như tay bị dính dơ và đi rửa tay ngay khi có dịp. Chỉ sau khi ông mất đi vụ kiện mới kết thúc do dàn xếp ngoài tòa; thỏa thuận giữa hai bên là Rajagopal giữ tác quyền những sách của Krishnamurti xuất bản trước 1968, còn KFT có tác quyền những sách từ 1968. Nay tác quyền các sách của ông thuộc về hai tổ chức KFT và Krishnamurti Foundation America (KFA).
Bài không bàn về nội dung các vụ kiện, mà chỉ muốn ghi người ta không biết nên nghĩ sao khi cả hai Krishnamurti và Rajagopal đều được ông Leadbeater ‘tìm ra’, tin rằng đây là những người đầy hứa hẹn, có thể là vận cụ cho vị Huấn Sư Thế Giới, lại đi tới kết cục như thế này. Radha Sloss, con gái Rajagopal, bênh vực cha mẹ trong sách Lives của cô, còn sách của nhóm KF cho rằng Rajagopal gian lận, lường gạt Krishnamurti trong hơn bốn mươi năm. Họ vạch ra khi triết gia qua đời, ông không có nhà cửa, tài sản, của cải gì ngoại trừ y phục và đồng hồ tay, còn Rajagopal có nhà cửa xây cất bằng tiền lấy từ KWI (là cơ quan từ thiện nhận cúng dường của bá tánh để phổ biến tư tưởng Krishnamurti), và là triệu phú. (Mary Lutyens, Krishnamurti and the Rajagopals).
Có lẽ có việc ấy vì ta đang sống trong một thế giới chưa hoàn hảo, mà cũng đã có tiền lệ rồi. Khi trước, Yogananda sang Hoa Kỳ lập tổ chức; có đông người tới học nên ông quay về Ấn tìm phụ tá và chọn một sư đệ mang sang Hoa Kỳ. Vị Thầy chung của hai người, Sri Yukteswar, không tán thành chọn lựa này; dầu vậy chuyện diễn ra và nhiều năm sau, người sư đệ tách khỏi tổ chức của Yogananda rồi có kiện tụng giữa đôi bên.

● Đáng nói hơn hết là lời tiên tri. Trong những dịp Krishnamurti sang Ấn ông có gặp và thảo luận với nhiều học giả người Ấn về Phật học, trong đó có học giả đáng trọng Jagannath Upadhyaya chuyên nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng. Một buổi tối ở Madras, Upadhyaya đến gặp ông và vài người nữa, tỏ vẻ rất ngần ngại, thật kính cẩn về điều sắp nói, xem đó như là chuyện hết sức bí mật. Ông nói rằng kinh sách xưa, rất huyền bí và ít ai biết, ghi có một nơi gọi là Dhyana-gange (minh triết địa) ở Hi Mã Lạp Sơn. Có bản đồ ghi rõ đường tới chỗ này, nhưng Upadhyaya bảo đi theo bản đồ thì không bao giờ tới được. Ở nơi ấy có nhiều Bồ Tát, trong đó có đức Di Lặc (Maitreya hay đức Chúa) ngụ và theoUpadhyaya, các Ngài không hiện hữu bằng xác phàm.
Bà Annie Besant có nói chuyện với thầy của ông Upadhyaya là Gopinath Kaviraj.Vị này đưa bà tới gặp thầy của mình Siddhananda và vị sau bảo.
Tôi được biết trong số các Bồ Tát cư ngụ tại Dhyana-gange, một Vị sẽ xuống trần và bà phải tìm một thân xác làm phương tiện cho Ngài.
Dường như bà Besant kể với ông Leadbeater và hai người đi tìm ở Âu Châu, Hoa Kỳ.
Gopinath Kaviraj thuật với Upadhyaya là khi quân Mông Cổ tới Ấn Độ, họ tiêu hủy kinh sách  nhưng một số đã được tẩu tán trước đó sang Nepal, Lhasa. Ông bảo:
– Có một bản kinh giữ ở Kathmandu, Nepal. Sang đó mà tìm học.
Thế nên Upadhyaya sang Nepal mấy lần nghiên cứu kinh điển. Krishnamurti không nhớ rõ là bộ kinh viết vào thế kỷ thứ bẩy hay thứ chín sau tây lịch. Ông nhấn mạnh là học giả Upadhyaya thuật lại với cung cách vô cùng ngần ngừ, hết lòng tôn kính, không muốn kể lại cho ai biết, không muốn thổ lộ.Học giả tin chắc điếu mình kể ra là thiêng liêng sacred, không phải là chuyện để bô bô khoác lác.
Trong bản kinh tìm được ở Kathmandu, học giả đọc thấy kinh ghi cùng chuyện như bà Besant đã nghe, là một nơi ở Himalaya có nhiều Bồ Tát ở và đức Maitreya sẽ xuống trần. Upadhyaya thì thào gần như không muốn thốt thành lời khi kể tên, ông bảo không nên nói tên nhân vật ra.Kinh viết Ngài sẽ biểu lộ qua một người và ta phải đi tìm ra người đó. Khi tìm ra Krishnamurti, bà Besant tới gặp Gopinath Kaviraj và Siddhananda cho hay tên của thiếu niên. Cả hai vị nói.
– Đúng là cậu bé ấy.
Krishnamurti thường trở lại lời tiên tri này, thắc mắc ý nghĩa thật của nó.Cùng lúc, nhiều lần ông nói với thân hữu là phải mất cả ngàn năm để tạo một thân xác như vầy, cho năng lực thiêng liêng sử dụng, làm chuyện ông đang làm là đi giảng.

Ta chấm dứt bài đọc sách dài về Krishnamurti bằng vài nhận xét sau.
● Điều trước tiên dễ nhận thấy là có vẻ các linh hồn tái sinh theo nhóm. Thực tế là có những đợt người tới hỗ trợ triết gia trong các giai đoạn khác nhau của đời ông.Nhóm đầu gồm nhiều người là hội viên trong thập niên 1920.Có ý kiến cho rằng nhờ họ mà trớ trêu thay việc ông tách ra khỏi hội có hoạt động riêng mới làm được.Sách ghi bà Besant đã chuẩn bị nhóm này trong đó có Rajagopal, bảo họ trợ giúp Vị Huấn Sư Thế Giới khi ngài xuất hiện. Do vậy họ đi theo ông khi hội và ông chia tay; tới đợt sau trong đó có Mary Zimbalist, Scott Forbes thì đa số gồm người ngoài hội tụ lại quanh ông.
● Điều thứ hai là về sự tái hiện của đức Chúa (đức Di Lặc) được sách vở nói tới nhiều.Qua câu chuyện của Krishnamurti ghi ở trên, giờ ta thấy có nhiều trở ngại mà đức Chúa phải giải quyết, nếu ngài chọn đến với thế gian bằng cách tái hiện ở cõi trần, sống trong xác phàm giữa nhân loại như đã làm cách đây hơn 2.000 năm. Cách ấy có thể thu hút người mất quân bình đến với ngài, ngài trở thành tụ điểm cho bao tưtưởng hướng về như Krishnamurti đã gặp. Kiện tụng, tranh chấp là những khả hữu khác có thể xẩy ra.
Sách vở cũng ghi chuyện không nhất thiết phải vậy, ngài có thể theo cách khác là không đích thân tái hiện mà làm việc ở cõi cao, gợi hứng cho nhiều tổ chức để họ thực thi ý tưởng của ngài.
● Tiếp tục ý này, việc các đấng Cao Cả xuống trần sinh hoạt với người phàm là một hy sinh lớn lao về phần các ngài, tuy con người không biết. Nếu Krishnamurti bị ảnh hưởng do sự nhậy cảm của ông như ta đã thấy, thì các ngài còn gặp áp lực nhiều hơn nữa.
● Điều chót là thanh minh cho triết gia. Khác với ý sai lầm ghi từ lâu trong nhiều sách và được một số hội viên tin theo, ông tin có Chân Sư; ông chỉ không muốn các Ngài bị làm trò cười, ý niệm bị châm biếm, hóa rẻ tiền.
Nếu trong những lúc chuyện trò với thân hữu ông bông đùa, chế diễu nhẹ nhàng:
– The Lord has come ! (Đức Chúa tới rồi !)
ta nên hiểu ông nói điều chi (sự điên rồ folly trong Hội vào thập niên 1920 do lòng sùng tín quá mức), và tại sao nói như thế (vạch ra sự điên rồ, nó khiến những điều vô cùng quí giá, thiêng liêng - như Chân Sư, đệ tử, đường Đạo - trở thành đề tài cho người nhạo báng thô tục).
Sẵn đây, với bạn nào muốn tìm hiểu về con người, cuộc đời Krishnamurti thì bởi có nhiều quyển tiểu sử của ông trong đó một số do người không biết mấy về ông viết, tốt nhất bạn nên đọc sách do ai biết rõ về ông soạn ra. Xin đề nghị:
– Năm quyển tiểu sử do Mary Lutyens viết.
Bà được xem là người biết triết gia lâu nhất từ khi là bé gái ba tuổi, và là một bạn thân thiết nhất của ông. Chẳng những bà rành rẽ chuyện hội, có hiểu biết về Theosophy mà còn là người yêu của Krishnamurti. Do ông phải đi nhiều nơi thường xuyên: Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ v.v. tình yêu ‘long distance’ không sống nổi và Mary Lutyens lập gia đình với người khác. Tình yêu đổi thành tình bạn kéo dài tới khi Krishnamurti qua đời.Ông quý mến bà tới mức yêu cầu bà viết tiểu sử của mình.Bạn có thể tin tưởng sách của Mary Lutyens.
Krishnamurti: The Years of Awakening. 1975
Krishnamurti: The Years of Fulfilment. 1983
Krishnamurti: The Open Door. 1988
Krishnamurti: His Life and Death. 1990
Krishnamurti and the Rajagopals. 1996
– Sách của  Mary Zimbalist, Scott Forbes và Michael Krohnen trong bài này.
Có lẽ nên ghi thêm là trọn đời mình Krishnamurti chỉ yêu cầu hai người viết về ông, Mary Lutyens soạn tiểu sử và Mary Zimbalist ghi chuyện sống với triết gia là sao.

Quyển thứ sáu My Father’s Guru của Jeffrey Masson (1988) viết về một nhân vật khác cũng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 là Paul Brunton, được người thân cận gọi tắt là PB. Đây là tên hiệu khi viết văn, còn tên thật của ông là Raphael Hurst.
Ông viết nhiều sách về đông phương huyền bí ở Ấn Độ, Ai Cập; làm thế giới tây phương lưu ý tới các bậc thầy tâm linh đang sống tại ashram ở Ấn Độ, hay nơi ẩn cư chỗ khác. Nhiều người cảm thấy bị lôi cuốn vào thế giới huyền bí này và muốn trở thành ‘đệ tử’ của PB, trong số đó có cha mẹ và bác của tác giả. Cha mẹ ông nồng nhiệt, ao ước bước vào đường Đạo tới mức giao Jeffrey và em gái cho PB hướng dẫn từ lúc nhỏ.Jeffrey biết ngồi thiền, đọc thánh ngữ Aum, xem đó là chuyện tự nhiên và quấn quít PB.
Cha mẹ lấy làm mừng, càng mong ước con sẽ ‘thành đạo’. Jeffrey lớn lên, trải qua tuổi thiếu niên đầy lý tưởng, hỏi PB đủ điều và mê mẩn với câu trả lời của ông mà cậu bé tin chắc như bắp. Có lẽ đó là chuyện hay, nhưng chắc chắn lạ lùng như ngày kia trong thang máy, khi Jeffrey 16 tuổi còn em gái 14 tuổi, bàn luận hăng say về Phật giáo, có một người bước vào yên lặng lắng nghe, rồi khi thang máy mở cửa, người này ngỏ ý muốn gặp cha mẹ hai em vì thán phục cách họ dạy con. Hóa ra đó là triết gia nổi tiếng Al Huxley. Mà cũng có phần không hay vì khi vào đại học, bao năm sau nhìn lại tác giả nhận ra mình rất khờ khạo, chưa trưởng thành bằng với bạn học cùng tuổi. Thí dụ do ảnh hưởng của cách dạy dỗ trong nhà, trong số các môn học Jeffrey chọn trên đại học có môn Phạn ngữ. Ngày đầu tiên ở lớp, Jeffrey hỏi thầy:
– Guru của thầy là ai ?
Thanh niên dùng chữ ‘Guru’ hàm ý bậc thầy dẫn dắt về mặt tâm linh, còn giáo sư Phạn ngữ thì rất thực tế, cười nhẹ chữa lại.
– Nếu anh muốn hỏi ai dạy tôi Phạn ngữ thì đó là ông …
Tiếp xúc nhiều hơn với người chung quanh làm Jeffrey đặt câu hỏi về cuộc sống tâm linh mà ba mẹ tạo cho mình và em gái từ hồi mới sinh đến giờ, và bắt đầu tìm hiểu thêm, sau đó vỡ mộng. Anh nhìn lại khoảng thời gian ở cạnh PB, phân tích lời nói, thái độ của ông rồi nghi ngờ, và quyết định chất vấn người sau. Có những chuyện không vui xẩy ra, với kết cục là Jeffrey đoạn tuyệt hẳn với quãng đời đầy lý tưởng  nhưng xây dựng trên nền tảng không thật. Tuy nhiên chuyện cũ không chấm dứt hoàn toàn, vẫn cho ảnh hưởng mạnh là Jeffrey trở thành học giả có tiếng về Phạn ngữ, dịch một số tác phẩm chữ Phạn sang Anh văn.
Cũng bởi gia đình rất thân cận với PB, Jeffrey có những câu chuyện, sự tương tác mà chỉ ai trong cuộc mới có thể có, nên mới lạ, lôi cuốn.Với nhiều người như cha mẹ và bác của Jeffrey, PB được xem là bậc thầy đáng kính trọng, họ nhất nhất tuân lời, đón ý để làm vừa lòng ông.  Lòng sùng tín mạnh đến nỗi trong thập niên 1950 có chiến tranh lạnh giữa Mỹ - Nga, PB cho rằng sắp có tai biến xẩy ra trên thế giới và khuyến cáo thân hữu tìm chỗ an toàn để tránh nạn. Một số tin lời, bán hết nhà cửa, sự nghiệp, di cư trọn gia đình xuống nam Mỹ, tức có sự đổi đời lớn lao trong cuộc sống của họ; trong khi đó PB sang … Úc rồi Thụy Sĩ, làm phật lòng nhiều người.
Về sau, Jeffrey đổi ngành làm nhà phân tâm học. Vì lẽ này, quyển My Father’s Guru được viết theo lối phân tích tâm lý, điều ta cần biết để hiểu dụng ý của tác giả, hiểu tại sao chuyện được trình bầy như thế này mà không là thế khác, và do đó, giới hạn của sách. Nhân vật PB được mô tả trong sách có thể làm ta ngỡ ngàng, nhưng đó là chuyện phụ.Ý chính khi ta đọc quyển này là cách đọc sách. Có nhiều cách đọc, cũng như có thể thẩm định chúng theo những khía cạnh khác nhau. Cách đọc hay thấy là cách Jeffrey sử dụng để viết quyển My Father’s Guru tức dùng trí phân tích, tuy nhiên cách ta đề nghị là dùng tâm lý tinh thần thay vì phân tâm học, để hiểu rõ ràng hơn nhân vật PB.
Có nhận xét là PB đã một tay làm triết lý đông phương phổ cập ở tây phương trong thế kỷ 20. Nếu PB bịJeffrey vạch ra khiếm khuyết thì một phần là do ai đi theo ông đã đặt ông lên bục cao để tôn sùng; trong khi đó tựa như mọi ai khác PB là một linh hồn cũng đang trên đường tìm sự sáng, nên tự nhiên là có thiếu sót mặt này hay mặt kia. Sự giác ngộ có giá của nó, và nỗi thất vọng của ai nghe theo lời PB rồi ‘chưng hửng’ là bài học,  là cái giá phải trả cho việc tìm ‘thầy’, tìm Đạo, làm họ khôn ngoan hơn, bớt quá tin vào bậc ‘thầy’.