VÀI LỜI NHẬT DỤNG
Chỉ có môn triết học bí truyền (tức là sự hòa hợp tinh thần và tâm linh giữa con người với Thiên nhiên) khi tiết lộ những Chân lý căn bản là có thể khởi xướng tinh thần hợp nhất và hòa hợp cho dù có bao dị biệt lớn lao giữa những tín điều đối chọi. Vì vậy, Theosophy mong đợi và đòi hỏi nơi người hội viên một sự khoan dung rộng rãi với nhau, và nhân từ với các khuyết điểm của nhau, không nề hà trợ giúp nhau trong việc tìm chân lý trong mọi mặt của thiên nhiên, luân lý và vật chất. Tiêu chuẩn đạo đức nầy phải được triệt để áp dụng hằng ngày.
Minh Triết Thiêng Liêng không được chỉ tiêu biểu cho một sưu tập sự thật về luân lý, một mớ đạo lý siêu hình biểu hiện qua thảo luận có tính lý thuyết. Minh Triết Thiêng Liêng phải được đem ra thực hành và do đó không có sự bàn bạc vô ích, theo nghĩa thuyết giảng chuyện không đâu và nói năng hoa mỹ. Khi mỗi người Thông Thiên Học chỉ làm bổn phận mình, tùy theo khả năng và nghĩa vụ, thì sự khốn nàn của thế gian giảm đi rõ rệt, ở trong và ngoài phạm vi của mỗi chi bộ Thông Thiên Học. Hãy quên mình trong khi phụng sự. Nhiệm vụ của bạn sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhõm….
Đừng hãnh diện khi người khác khen ngợi và nhìn nhận việc làm của bạn. Tại sao hội viên của Hội Thông Thiên Học khi nỗ lực trở thành người Thông Thiên Học, lại coi trọng ý kiến tốt hay xấu của người kế bên về chính họ và việc làm của họ, bao lâu tự họ biết là điều ấy hữu ích và có lợi cho kẻ khác ? Lời ca tụng và nhiệt tâm của nhân gian cao lắm cũng chỉ thoảng qua; mà chắc chắn theo sau đó là tiếng cười của kẻ chế nhạo và lời kết án của người bàng quan dửng dưng, và thường là trội hơn lời ngợi khen của ai thân thiện. Đừng coi thường dư luận của thế gian và bạn cũng đừng vô ích gợi nên lời phê bình sai lầm. Tốt hơn hãy thản nhiên với lời khen hay chê của ai không thể biết bạn như bạn thực sự là, và ai do vậy, phải thấy bạn không bị chi phối bởi cả hai, và hãy luôn đặt lời khen hay trách cứ của Chân nhân trong lòng cao hơn ý của đám đông.
Những ai trong các bạn muốn biết chính mình theo tinh thần của chân lý, hãy học sống đơn độc dù ở ngay giữa chỗ đông người đôi khi bao quanh bạn. Hãy tìm sự hòa hợp và trò chuyện với Thượng đế nội tâm; hãy chỉ tuân theo lời khen hay chê của thần linh ấy, vị không thể nào tách rời được với cái ngã thực của bạn, vì đó chính là Thượng Đế; còn gọi là Tâm Thức Cao.
Bạn hãy thực hiện ngay những ý định tốt của mình.Đừng bao giờ để chúng chỉ là những ý định.Đồng thời, cũng đừng chờ đợi phần thưởng hay sự thừa nhận về những việc phải mà bạn đã làm.Phần thưởng và sự nhìn nhận nằm trong lòng và không tách lìa được với bạn, vì chỉ Chân ngã mới có thể nhận biết đúng mức và giá trị thật của chúng. Bởi mỗi người trong các bạn có chứa trong tâm mình Tòa Án Tối Cao - công tố viên, luật sư bào chữa, bồi thẩm đoàn và quan tòa - mà bản án đưa ra là điều không hề có kháng cáo; vì không ai có thể biết bạn rõ hơn chính bạn biết mình, một khi bạn học cách phán xét Chân nhân ấy bằng ánh sáng không hề chập chờn của tính thiêng liêng bên trong - là Tâm Thức Cao của bạn. Vì thế, hãy để khối đông không hề biết con người thật của bạn, lên án cái tôi bên ngoài của bạn theo ánh sáng giả tạo của họ…
Những ai lên tiếng phán xét thường tự cho mình vai trò ấy, đa số không hề có đấng cao cả hằng hữu nào trong tâm là thần tượng, ngoại trừ cái tôi hay phàm ngã của họ; vì với ai cố công trong đời đi theo ánh sáng nội tâm, ta sẽ không hề thấy họ phán xét và lại càng không lên án ai yếu đuối hơn mình. Vậy thì đã sao khi kẻ trước lên án hay khen ngợi, hạ nhục hay nâng bạn trên bục cao ? Họ không hề hiểu bạn cách này hay kia. Họ có thể xem bạn là thần tượng bao lâu họ tưởng bạn là tấm gương phản chiếu trung thực về họ trên bục cao, hay trên bàn thờ mà họ đã dựng cho bạn, và trong khi bạn làm họ vui hay có lợi cho họ. Bạn không thể mong là gì đối với họ ngoại trừ là vật thờ tạm thời, kế chân một vật thờ khác vừa bị vứt bỏ, và theo sau bạn là một ngẫu tượng khác nữa. Bởi vậy, hãy để những ai tạo ngẫu tượng ấy hủy diệt nó bất cứ khi nào họ muốn, hạ bệ nó vì lý do không đâu y như lý do họ dựng nó lên. Xã hội tây phương của bạn không thể nào sống được hơn một giờ mà không có người lãnh đạo và cũng không thờ phượng ai lâu hơn vậy; và bất cứ khi nào nó phá bỏ thần tượng và trét bùn bôi nhọ thì đó không phải là khuôn mẫu mà xã hội hạ bệ và phá bỏ, mà là hình ảnh méo mó xã hội tạo ra theo hoang tưởng sai lầm của nó và là vật nó đã phú cho tật xấu của mình.
Thông Thiên Học cần được biểu lộ trong cách sống đại đồng, hoàn toàn thấm nhuần với tinh thần của nó, cái tinh thần thương yêu, bác ái, khoan dung lẫn nhau. Hội Thông Thiên Học, như là một khối, có công việc trước mặt nó mà trừ phi được thực hiện hết sức khéo léo, sẽ làm thế giới của những ai dửng dưng và ích kỷ nổi dậy kháng cự nó. Theosophy phải chống lại tính thiếu khoan dung, thành kiến, vô minh và lòng ích kỷ ẩn núp dưới chiếc áo giả dối. Nó phải soi sáng hết sức mình bằng ngọn đuốc Chân Lý được giao phó cho tôi tớ nó. Nó phải làm việc này không sợ sệt hay ngần ngừ, không e ngại lời chê trách hay kết án. Theosophy, qua xướng ngôn viên của nó là Hội, phải nói lên Chân Lý vào mặt của sự Dối Trá; đối đầu với cọp trong hang của nó mà không có tư tưởng hay lo sợ nào về hậu quả xấu xa, và sẵn sàng đuơng đầu với lời vu khống và đe dọa.
Là một Hội, không những nó có quyền mà còn có bổn phận phơi bầy điều xấu và nỗ lực hết sức để sửa chữa sai lầm, qua tiếng nói của giảng viên trong Hội, hay bằng chữ in trên sách báo của Hội, dù vậy làm cho lời cáo buộc của nó càng vô tư càng hay. Nhưng cá nhân mỗi hội viên không có quyền như thế. Trước tiên các hội viên phải làm gương về tinh thần đạo đức có đường lối rõ ràng và được áp dụng mạnh mẽ, trước khi có quyền chỉ vạch ngay cả với ý lành, việc thiếu đạo đức chung hay mục tiêu duy nhất trong các tổ chức hay cá nhân khác. Không một người Thông Thiên Học nào có quyền trách cứ một người anh em dù ở ngoài hay ở trong tổ chức. Vị đó cũng không có quyền chỉ trích hành vi hay tố giác họ, bằng không, y không còn là người Thông Thiên Học nữa. Vì muốn là người Thông Thiên Học bạn phải ngoảnh mặt làm ngơ đối với những khuyết điểm của người kế bên, và bạn nên chú mục vào chính những sai lầm của mình để điều chỉnh chúng và trở nên sáng suốt hơn. Bạn không nên chỉ vạch sự sai biệt giữa lời nói và việc làm của một người, dù người đó là anh em hay là người kế bên.Tốt hơn, bạn nên giúp ai yếu kém hơn mình trên con đường nhọc nhằn của cuộc sống. Vấn đề của Minh Triết Thiêng Liêng chân chính và sứ mạng lớn lao của nó là, trước tiên, có ý niệm rõ rệt không mập mờ về các ý tưởng và bổn phận đạo đức, những điều làm thỏa mãn trọn vẹn nhất các cảm xúc chính đáng và vị tha trong con người; và thứ hai, là gương mẫu cho những khái niệm này trong việc áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày, mở ra sân trường nơi chúng có thể được ứng dụng với sự vô tư hơn hết.
Đó là công việc chung đặt trước mặt ai sẵn lòng hành động theo các nguyên lý này. Nó là công việc khó nhọc, và sẽ đòi hỏi sự gắng sức cực khổ và kiên trì; nhưng nó phải dẫn bạn tới sự tiến bộ không sai chạy, và khiến không còn chỗ cho ước vọng ích kỷ nào bên ngoài giới hạn đã vạch... Bạn đừng chìu theo sự so sánh thiếu huynh đệ về công tác mà bạn đã hoàn tất, và việc làm bị bỏ dở của người kế bên hay của người anh em. Trong phạm vi Thông Thiên Học, không ai bị đòi hỏi phải làm quá sức lực và khả năng cho phép của họ. Bạn đừng quá nghiêm khắc với sự xứng đáng hay không xứng đáng của ai muốn gia nhập vào hàng ngũ của bạn, vì chỉ có KARMA - là luật thấu đáo mọi bề - mới biết rõ trình độ của con người bên trong, và đối xử với nó một cách công bằng.…. Sự hiện diện suông của một người có thiện ý, thiện cảm, cũng có thể giúp bạn trên phương diện từ điện.
Mức độ thành công hay thất bại là dấu mốc mà các vị Thầy phải theo, vì chúng sẽ tạo nên rào cản do chính tay bạn đặt nên giữa bạn và những ai mà bạn đã hỏi xin làm thầy của mình. Càng tiến đến gần mục tiêu in trí chừng nào, khoảng cách giữa học viên và Chân Sư càng thâu ngắn lại.
Some Words on Daily Life, Collected Writings VII, p. 173-75
(Bài được cho là Chân Sư K.H. viết)