THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

Thư Gửi Ông Sinnett  (tt)
The Mahatma Letters to A.P. Sinnett

Xem Bài Số Trước

Thư 68 - Nhận tháng bẩy 1882.
Thư trả lời các câu hỏi của ông Sinnett về tình trạng giữa hai cuộc tái sinh.Để hiểu rõ ý ta cần nhắc lại về các nguyên lý. Tùy theo các triết thuyết hay trường phái mà ta có cách phân chia khác nhau về các nguyên lý, có khi đó là năm và khi khác là bẩy. Trong thư này chúng được chia như sau:
Nguyên lý 1       Thể xác
2 Thể sinh lực (thể phách)
3 Prana
4 Thể tình cảm
5 Thể trí, chia ra hạ trí (cõi hạ thiên)
và thượng trí (cõi thượng thiên)
6 Bồ đề tâm
7 Atma
Chữ Dhyan Chohans trong thư có nhiều nghĩa tùy đề tài, ở đây ta có thể hiểu đó là những đấng cao cả chăm lo sự sinh hoạt trong các cõi. Chữ này cũng được dùng để chỉ các vị Phật.
1. Thư trích dẫn kinh Phật mô tả về cõi Devachan bằng ẩn dụ, nói rằng … Nó có bẩy hồ quí, nước chẩy trong vắt gồm bẩy và một đặc tính (hay bẩy nguyên lý phát sinh từ Nhất Nguyên).  Này Xá Lợi Phất, đây là cõi Devachan…  Kẻ nào sinh ra trong vùng ân phước này thực sự được may mắn, họ không còn phải sầu não, khổ đau trong thời gian ở đấy … Vô số linh hồn tới đây ngơi nghỉ rồi trở lại chỗ của mình…

2. Khi linh hồn vào cõi Devachan, nó còn giữ lại trọn hồi ức của kiếp sống vừa qua trong một khoảng thời gian tỉ lệ với đời sống cõi trần. Nhưng nó không bao giờ có thể từ cõi Devachan trở về dương thế, cũng như cõi Devachan không giống chút gì với thiên đàng hay tây phương cực lạc của tôn giáo nào.

3. ‘Ai đi vào cõi Devachan ?’ Đương nhiên ấy là cái ngã tốt lành, đã được thanh tẩy, thánh thiện, hay chân ngã. Mỗi chân ngã - là kết hợp của hai nguyên lý sáu (Buddhi - Bồ đề tâm) và năm (Thượng trí)  - sau thời gian chuẩn bị vô thức được sinh vào cõi Devachan, bắt buộc phải trong trắng và thanh khiết như trẻ sơ sinh. Sự kiện họ được vào cõi Devachan cho thấy phần tốt nhiều hơn phần xấu trong cái ngã kiếp vừa xong. Và trong khi Karma lúc này đứng qua bên và sẽ đi theo anh trong kiếp tới, anh chỉ mang theo người phần karma của hành vi, lời nói và tư tưởng tốt lành vào cõi Devachan. ‘Xấu’ là chữ tương đối với chúng tôi như đã hơn một lần nói với bạn, và Luật Bù Trừ là luật duy nhất không hề sai chạy.Vì thế tất cả những ai chưa rơi xuống hố sâu tội ác không thể cứu vãn được, sẽ đi vào cõi Devachan.Họ sẽ phải trả giá về sau cho tội lỗi, hữu ý hay vô ý, còn trong lúc này họ được thưởng, nhận lại kết quả của nguyên nhân sinh ra chúng.
Dĩ nhiên đó là tình trạng ích kỷ sâu đậm, đó là lúc Chân nhân gặt hái phần thưởng của lòng không ích kỷ lúc sống trên trần. Anh chìm đắm trọn vẹn vào phúc lạc của tất cả tình thương cá nhân, những ưa thích và tư tưởng ở cõi trần, và gặt hái kết quả của hành vi tốt đẹp. Không có nỗi đau khổ, sầu bi nào, ngay cả thoáng buồn rầu cũng không làm đen tối hạnh phúc thuần khiết của anh; vì đó là trạng thái ‘Maya - ảo ảnh’ kéo dài …
Bởi cảm nhận hữu thức về cái tôi trên trần của một ai chỉ là giấc mơ thoảng qua, cảm nhận ấy cũng y vậy cho giấc mơ trong cõi Devachan, chỉ khác là điều sau sâu đậm trăm lần hơn, tới mức chân nhân đang hạnh phúc trong đó không thể thấy xuyên qua bức màn điều ác, nỗi đau buồn và khổ sở mà người họ thương yêu dưới trần không chừng đang gặp phải. Họ sống trong giấc mơ đẹp đẽ ấy với người họ thương mến, dù đã khuất hay còn sống trên đời; họ có những người ấy gần mình, ai cũng được sung sướng và hoan lạc, thanh thản như chính người đã chết đang mơ; tuy người trên trần không cảm biết gì việc ấy ngoại trừ vài linh ảnh hiếm hoi.
Trong giai đoạn này, trong tình trạng có Maya hoàn toàn mà phàm ngã ai còn sống mà nhậy cảm, đầy tình thương, thanh khiết, chìu theo cùng ảo mộng đó, tưởng rằng thân nhân xuống gặp họ ở cõi trần; trong khi sự thực là linh hồn họ được nâng cao đi vào gặp thân nhân ở cõi Devachan. Nhiều việc tiếp xúc ở cõi tâm linh quả thực xẩy ra, đa số có cho ai nhậy cảm và lòng thanh khiết; nhưng đồng cốt không hiểu biết thì rất khó chú tâm vào điều thật và chữa đúng lại hình ảnh họ thấy và nghe.
Vài hiện tượng giáng bút, tự động ký cũng là thật tuy hiếm hơn. Linh hồn kẻ nhậy cảm bị lôi cuốn vào hào quang của linh hồn người đã khuất hiện ở cõi Devachan, và trở thành  trong vài phút cái cá tính đã khuất ấy, và viết theo nét chữ của người đã qua đời, theo cách nói và tư tưởng của họ, như họ đã làm lúc còn sống trên trần. Hai linh hồn hòa vào nhau làm một, và linh hồn nào trội hơn sẽ chiếm ưu thế, ấn định cá tính của sự biểu lộ, và đặc điểm của nó sẽ lộ ra trong cách viết theo lối đó hay cách nói lúc mê man. Điều mà ta gọi là’ sự cảm ứng - rapport’ chỉ giản dị là tính chất làn rung động giữa thể tình cảm của người đồng còn sống và thể tình cảm của người đã khuất. Giống như trong nhạc, hai âm khác nhau có thể hòa hợp với nhau mà vẫn phân biệt được, sự hòa điệu hay bất hòa này tùy thuộc vào làn rung động đồng nhịp và các lúc đối ứng bổ túc nhau, sự cảm ứng cũng thế giữa người đồng và vong linh chế ngự, khi phân tử trong hai thể tình cảm hòa hợp với nhau.
Bạn hỏi việc liên lạc ấy phản ảnh tâm tình ai trong hai người; nó được xác định bởi cường độ tương đối của hai làn rung động trong chất Akasha.Hai làn rung động càng ít giống nhau chừng nào, lời thốt ra càng có tính của người đồng và có ít nét tinh thần dường ấy. Do đó hãy đo lường mức đạo đức của người đồng theomức đạo đức của vong linh ‘làm chủ’…

4.  Có nhiều trạng thái khác nhau nơi cõi Devachan; như trên trần có các cảm nhận, khả năng tận hưởng nỗi vui khác nhau thì cũng có nhiều loại hoan lạc. Ấy là thiên đàng uốn theo ý tưởng của một ai, trong mỗi trường hợp nó là do chính đương sự tạo ra, họ vẽ vời cảnh trí, đặt vào đó tình tiết mình muốn, và tạo ra nhân vật mà họ muốn có trong cảnh hoan lạc đền bù. Loại mà họ chọn sẽ hướng dẫn linh hồn - tạm thời chìm trong cái ngã - đi vào dòng hướng họ đến việc sinh vào nơi cao hay thấp hơn ở cõi trần là cõi của nguyên nhân. Mọi việc được điều chỉnh thật hòa hợp trong thiên nhiên, nhất là ở cõi thanh với các vị Phật - hay vị Dhyan Chohans - hướng dẫn động lực nơi ấy và không sinh ra lầm lỗi nào.

5. Ta gọi đó là ‘tình trạng tinh thần’ chỉ để tương phản với ‘tình trạng vật chất’ lớn lao của ta, và như đã nói, mức độ tinh thần sẽ tạo nên và ấn định các tình trạng khác nhau lớn lao trong giới hạn của cõi Devachan. Bà mẹ thuộc bộ lạc sơ khai cũng hạnh phúc không kém gì bà mẹ nơi cung vua, với con đã mất trong tay mình, tuy nói về chân nhân thì trẻ chết trước bẩy tuổi không đi vào cõi Devachan. Dẫu vậy óc tưởng tượng do tình thương sinh ra khiến bà thấy các con mình ở đó, không thiếu đứa con mà lòng bà thương tiếc. Nó chỉ là giấc mơ nhưng nói cho cùng không phải đời sống cõi trần tự nó là cảnh biết bao chuyện sống động mà không thực hay sao ?
Nỗi vui thú mà người da đỏ cảm thấy với cảnh săn bắn trong cõi mộng đó, thì sâu đậm không thua gì niềm ngất ngây của ai sành nghệ thuật có được, khi mê say lắng nghe các hòa tấu khúc do dàn nhạc tưởng tượng và ban đồng ca với giọng hát thiên thần xướng lên. Người trước chẳng có lỗi gì khi sinh làm kẻ bán khai và có bản năng săn bắt, dù nó làm nhiều thú vô tội phải chết, bởi tính ra nếu họ là người cha, chồng, con đầy lòng thương yêu thì tại sao họ cũng không được hưởng phần thưởng của mình ?
Trường hợp sẽ khác đi nếu cùng hành động tàn nhẫn ấy do kẻ có học thức và văn minh gây ra chỉ vì ưa thích trò thể thao. Người bán khai khi tái sinh chỉ đứng mức thấp trên thang tiến hóa vì sự phát triển đạo đức còn bất toàn, trong khi ấy Karma của người sau bị ảnh hưởng bởi đạo đức sai lạc …
Tất cả mọi người - chỉ trừ ai bị thu hút bởi từ lực nặng nề và rơi vào dòng cuốn họ tới hành tinh Tử là vệ tinh vật chất lẫn trí tuệ của trái đất – đều đủ điều kiện để vào tình trạng tinh thần tương đối ứng với tình trạng và tâm tưởng của họ lúc sống. Theo tôi biết, HPB có giải thích với ông Hume là nguyên lý thứ sáu của người là tinh thần thuần khiết, nên không thể có ý thức trong cõi Devachan trừ phi hấp thu phần trừu tượng, thuần lý của trí năng Manas và ký ức của nó.
Khi con người chết đi, thể sinh lực tàn lụi và prana rút về (nguyên lý hai và ba), tam thể hạ biến mất và bốn nguyên lý còn lại (bốn = tình cảm, năm = trí, sáu = bồ đề tâm, bẩy = atma) họp thành tứ thể thượng. Do vậy ta có tranh chấp giữa cái cao và cái thấp, xẩy ra ở nơi nằm giữa Kama-loka và  Rupa-loka. Nếu phần cao thắng, nguyên lý sáu thu hút về mình  phần tinh túy của  điều Thiện trong nguyên lý năm như lòng thương yêu thanh cao, ước vọng thánh thiện (tuy có tính trần thế) và phần trí huệ nhiều nét tinh thần nhất; nó sẽ theo nguyên lý bẩy thiêng liêng cao hơn vào cõi Devachan. Hai nguyên lý bốn và năm còn lại hợp thành vỏ (chữ mô tả rất đúng - xin đọc thêm PST 66 về vỏ) trống không, vẩn vơ trong bầu không khí của trái đất với phân nửa ký ức con người mất biệt (tức thượng trí), và bản năng thô bạo hơn linh hoạt đầy đủ trong một khoảng thời gian. Đây là ‘người hướng dẫn’ của đồng cốt trung bình.
Ngược lại, nếu phần cao thua, khi đó nguyên lý năm (trí năng Manas) hấp thu tất cả những gì còn sót lại của ký ức cá nhân và cảm nhận về tính cá biệt của mình trong nguyên lý sáu. Nhưng với tất cả những điều thêm này nó sẽ không ở trong Kama-loka, phần cõi tình cảm nằm trong bầu không khí của trái đất. Trong một thời gian rất ngắn, nó bị cuốn hút vào cõi nhân gian như cọng rơm trôi nổi qua lại trong giông gió; còn nguyên lý sáu và bẩy nay thuần là tinh thần không có chút gì của cái ngã thuộc kiếp vừa rồi, sẽ không vào cõi Devachan (vì không có phàm ngã đã thanh tẩy đi vào nơi đây), sau một thời gian dài hay ngắn nghỉ ngơi vô thức trong không gian vô tận, nó sẽ sinh ra trên hành tinh khác với cái ngã khác… Kiếp này giống như một trang bị xé rời trong quyển Sách Những Kiếp Sống, không có cả một chữ rời để lại hầu đánh dấu sự vắng mặt của nó.Chân thần sẽ không cảm nhận hay nhớ lại kiếp này trong những kiếp qua - điều sẽ có nếu nó đi vào cõi hình thể (Rupa loka - hạ thiên) ... Nói cho đúng thì phần số này xẩy ra rất ít, nó là ngoại lệ mà không phải là chuyện thường hay gặp.

6. Không kể những nguyên lý khác, nguyên lý sáu và bẩy tạo nên Chân thần trường tồn, bất hoại mà cũng vô thức. Để làm tâm thức  tiềm ẩn trong nó thức tỉnh với sự sống, nhất là tính cá biệt thì cần có Chân thần và tính chất cao nhất của trí năng hay nguyên lý năm. Chính trí năng này tạo nên cái tôi sống và tận hưởng hoan lạc trong cõi Devachan. Tinh thần hay tia không pha trộn của Nhất Nguyên, hợp với nguyên lý sáu và bẩy thành tam thể thượng cao nhất, hai nguyên lý này chỉ hấp thu điều tốt lành, thanh khiết và thánh thiện; vì vậy hồi ức có tính tục lụy, vật chất hay không tốt lành không thể theo ký ức của chân nhân vào cõi hoan lạc. Karma của những hồi ức về hành vi và tư tưởng xấu sẽ đến với con người khi có cái tôi mới nơi cõi trần.
Chân thần trong bất cứ trường hợp nào không hề bị hoen ố. Ngoài ra kinh điển ghi ‘Ai bước vào cõi sắc tướng Rupa-loka của Devachan không hề bị khổ não hay đau buồn vì đây là cõi tịnh độ.’

7. Thời gian giữa hai kiếp sống có thể kéo dài từ vài năm đến một khoảng rất lâu. Nó được chia làm ba chặng:
- Khi chân nhân bỏ thể xác và đi vào Kama-loka, phần thấp cõi tình cảm nằm trong bầu khí quyển. Giai đoạn này có thể dài từ vài phút đến vài năm.
- Khi nó đi vào phần cao cõi tình cảm. Giai đoạn này ‘rất dài’, dài hơn ta có thể tưởng, nhưng tỉ lệ với mức tinh thần của nó.
- Khi nó đi vào Rupa-loka là những cảnh sắc tướng của cõi trí (cõi hạ thiên), thuộc phần thấp cõi Devachan. Giai đoạn này dài tỉ lệ theo Karma tốt, sau đó thì chân nhân tái sinh. Trong cõi này linh hồn trải qua những chặng: sinh, hoại, lão và tử, có nghĩa chân nhân sinh ra rồi khởi sự tàn dần và cuối cùng ‘chết đi’, tức rơi vào tình trạng vô thức trước khi tái sinh, rời cõi hoan lạc để sinh trở lại vào cõi thấp, cõi của nguyên nhân.

8. Chắc chắn cõi Devachan không phải độc nhất là gia sản riêng cho bậc đạo sư mà thôi, và nhất định là có một ‘thiên đàng’ – nếu bạn muốn dùng chữ ấy – cho vô số ai đã qua đời trước đây. Nhưng không ai trong số này có thể nhìn ngắm cuộc sống dưới trần, do luật về sự Hoan Lạc và Maya ảo ảnh như đã nói ở trên.

9. Tình trạng Devachan dài nhiều năm, hằng chục năm, nhiều thế kỷ và cả mấy ngàn năm hay bội phần hơn thế. Tất cả tùy thuộc vào Karma dài ngắn ra sao. Hãy chế đầy dầu vào ly uống nước cho trẻ con, và so với bể nước cho thành phố mà nay đầy dầu, sự khác biệt về khối lượng dầu trong hai vật chứa này cho ta gợi ý về sự khác biệt lớn lao của Karma dài ngắn khác nhau. Mỗi hệ quả phải tương xứng với nguyên nhân và kiếp sống con người chỉ là một phần nhỏ trong chu kỳ linh hoạt manvantara, nên tư tưởng, lời nói và hành vi tốt lành của bất cứ kiếp nào trên một  bầu là nguyên nhân sinh ra hệ quả, với hệ quả cần thời gian để hóa giải cho trọn nhiều hơn là thời gian tạo nhân.
Vì thế khi bạn đọc kinh Phật ghi rằng hành động tốt này hay kia được thưởng bằng bao ngàn năm hoan lạc thì đừng cười chê sự phóng đại vô lý, mà hãy nhớ điều tôi đã nói. Chuyện chẳng khác nào từ hạt giống nhỏ nẩy lên cây bồ đề sống tới nay được 22 thế kỷ. Bạn cũng đừng cười khi đọc kinh Phật viết:
‘Giữa Kama-loka và  Rupa-loka có một vùng, nơi cư ngụ của Mara (sự Tử). Quỉ Mara đầy đam mê và  dục vọng, phá hủy mọi điều tốt lành như cối xay nghiền nát hạt bắp. Cung điện của  Mara rộng 7000 do tuần và có tường dầy bẩy vòng bao bọc’.
Nay hẳn bạn thấy có thể hiểu ần dụ này rõ hơn. Mara là hình ảnh ẩn dụ về bầu hành tinh ‘Chết’,  là xoáy mà bao sự sống phải bị hủy diệt sẽ mất dạng trong đó. Về cõi A Tỳ (Avitchi), đó  là nơi mà ai đọa vào không thoát ra được, không thể tái sinh, và tôi không có gì để nói thêm …  
Ngay khi chân nhân  ra khỏi Kama-loka và bước vào Rupa-loka của cõi Devachan, nó không còn có thể tiếp xúc với đồng cốt chịu cho nhập dễ dàng. Không ‘xác Cậu’ hay ‘xác Cô’ nào đã từng từ cõi Rupa-loka, chưa nói tới Arupa-loka cõi vô sắc tướng hay Thượng thiên, trở về trò chuyện thân mật với người trần.
Nói về ‘vỏ’ thì chúng không nhất thiết đều là xấu, nhưng ngay cả vỏ tốt lúc này cũng bị đồng cốt làm cho xấu đi. ‘Vỏ’ có thể chẳng màng vì chúng chẳng có gì để mất, tuy nhiên còn một loại vong linh khác ta chưa nói đến là ai tự tử và ai qua đời vì tai nạn. Cả hai loại này đều có thể liên lạc với người trần, và cả hai phải trả giá đắt cho việc thăm viếng như vậy. Để giải thích thì họ là ngoại lệ, vì họ phải ở lại trong Kama-loka, trong vòng thu hút của địa cầu tương ứng với bầu khí quyển, cho đến hết khoảng thời gian lẽ ra là kiếp sống bình thường của họ.
Nói khác đi, kiếp ấy trong dòng tiến hóa phải diễn ra như đã định; cho họ cơ hội sống đời giả tạm (khi tiếp xúc với đồng cốt) là một tội và là sự tàn nhẫn, vì nó làm sống lại ký ức của chuyện và tăng cường sự đau khổ của họ; ấy còn là cơ hội làm nặng thêm Karma khi mời gọi họ đi qua cánh cửa mở tức nhập vào đồng cốt hay ai nhậy cảm, vì họ sẽ phải trả giá đắt cho mỗi niềm vui như thế. Tôi sẽ xin giải thích.
Ai tự tử, khờ dại mong được trốn tránh cuộc đời, sau khi chết thấy là họ vẫn còn sống, và như thế là sẽ có đủ đau khổ nằm sẵn trong đời này cho họ.Sự trừng phạt nằm trong cường độ của việc sau. Hành động nông nổi ấy làm họ mất đi hai  nguyên lý sáu và bẩy tuy không phải mãi mãi vì họ có thể có được trở lại cả hai; nhưng thay vì chấp nhận sự trừng phạt này và cơ hội để chuộc lỗi, thường khi họ bị làm cho hối tiếc sự sống và bị mời mọc có lại sự sống bằng cách sai lầm. Trong cõi Kama-loka, nơi có dục vọng mạnh mẽ, họ có thể thỏa mãn ham muốn trần tục qua người sống mà khi làm vậy, khi đến hết kiếp lẽ ra phải có, thường là họ mất chân thần luôn.
Với nạn nhân của tai nạn, tình trạng họ còn tệ hơn nữa; trừ phi họ tốt lành và trong sáng để được cuốn hút lập tức vào trạng thái say ngủ lặng lẽ, một giấc ngủ đầy mộng đẹp mà trong đó họ không còn nhớ chút gì về tai nạn, mà sống giữa bạn bè và cảnh trí quen thuộc, cho tới hết kiếp đã định, khi ấy họ vào cõi Devachan, còn không họ có số phần ảm đạm. Đó là linh hồn không hạnh phúc, họ không phải là vỏ vì dây liên kết của họ với hai nguyên lý cao chưa đứt hẳn, và nếu là người tội lỗi hay ưa sắc dục họ sẽ vẩn vơ đây đó cho tới khi cái chết đến vào ngày giờ đã định.
Họ qua đời vào lúc tràn đầy ham muốn chuyện cõi trần, điều ấy ràng buộc họ vào khung cảnh quen thuộc, và bị khuyến dụ bởi những cơ hội mà đồng cốt đưa ra để qua đó thỏa mãn được ham muốn của mình. Họ là vong linh chưa siêu thoát, đầy thèm khát rượu chè, ham ăn uống, mê sắc dục, keo kiệt, tham lam, độc ác, tàn nhẫn, họ xúi giục nạn nhân của họ phạm tội ác ghê gớm, và hân hoan khi nạn nhân làm theo. Chẳng những họ tàn phá đời kẻ sau, mà khi tới cuối đời như đã định, họ bị đưa ra khỏi hào quang trái đất vào những vùng mà họ phải chịu đau khổ và kết thúc với sự hủy diệt hoàn toàn.
Nhưng nếu nạn nhân của tai nạn hay sự bạo hành là người không xấu cũng không tốt cho lắm - là người trung bình - thì chuyện sau có thể xẩy ra cho họ. Đồng cốt nào thu hút họ sẽ tạo cho họ chuyện không hay vô cùng, tức tạo ra các uẩn mới và Karma mới xấu xa. Tôi sẽ giải thích Karma ấy là gì trong trường hợp này.
Chúng ta có nhiều loại Karma và Nirvana diễn ra theo lắm cách khác nhau cho vũ trụ, thế giới, chư thiên, các vị Phật, Bồ Tát, con người và loài vật. Karma và Nirvana chỉ là hai của bẩy điều bí ẩn lớn trong triết lý siêu hình của Phật giáo, trong đó các nhà đông phương học chỉ biết có bốn mà biết rất thiếu sót … Karma là niềm tin căn bản dạy rằng khi một chúng sinh – dù đó là người, thiên thần hay thú vật, chết đi, có  một thực thể mới sinh ra trên cùng hành tinh này hay khác, trong điều kiện mà họ đã tạo nên ở kiếp trước. Hay nói khác đi, Karma là năng lực hướng dẫn, và Trishna (hay Tanha) lòng ham sống dựa theo các uẩn Skandha cũ sinh ra các uẩn mới, tạo nên thực thể mới, và chi phối chính việc tái sinh.
Nói rõ hơn thì thực thể mới nhận thưởng hay phạt tùy theo công đức hay tội lỗi của thực thể trước; Karma tượng trưng quyển sổ trong đó tất cả hành vi của con người, tốt, xấu hay vừa vửa được chính họ cẩn thận ghi chép, hay đúng ra là do chính hành động của họ ghi lại, phần cộng và phần trừ.  Ta thấy rõ ở đây lý luận nghiêm khắc và thực tế của Phật giáo, hay Thiên thần bảo hộ ghi chép mà Thiên chúa giáo tạo ra đầy thi vị, nói rằng chuyện cần là mỗi nguyên nhân phải cho hệ quả.
Ai chống đối Phật giáo nhấn mạnh đến sự bất công có vẻ có, là kẻ làm ra tội thì thoát được hệ quả mà nạn nhân vô tội thì phải chịu đau khổ, vì kẻ phạm lỗi và kẻ đau khổ là hai thực thể khác nhau. Sự thật là về một mặt họ có thể được xem như thế, nhưng về mặt khác họ là một với nhau.‘Thực thể trước’ là cha mẹ duy nhất - cả cha lẫn mẹ - của ‘thực thể sau’. Cái trước là người tạo tác ra cái sau trong thực tế, và theo sự thực giản dị còn hơn là thế so với bất cứ người cha nào bằng xương bằng thịt. Và khi nắm vững ý nghĩa của uẩn bạn sẽ thấy tôi muốn nói gì.
Các uẩn tạo nên tính chất cá biệt về thể chất và trí tuệ mà ta gọi là con người (hay bất cứ thực thể nào)… Có bẩy uẩn và vào lúc này chỉ cần nói rằng chúng có liên hệ với ảo tưởng là ta có sự cá biệt, là cái Ngã; hai ý này dẫn đến maya ảo ảnh là sự tin tưởng sai lầm, và niềm tin vào sự hữu hiệu của nghi lễ, nghi thức vô ích, vào kinh cầu và sự cầu bầu, xin thánh thần can thiệp vào nhân quả cá nhân.
Giờ trở lại câu hỏi về bản chất của người già kiếp trước và người trẻ kiếp này, tôi xin nhắc lại với bạn lần nữa rằng ngay cả khoa học của bạn cũng nhìn nhận một sự kiện xưa, rất xưa mà đức Phật đã dạy rằng ai ở tuổi nào dù tâm tình vẫn y như cũ nhưng thể chất họ không giống như vài năm trước (chúng tôi nói rằng chu kỳ mà tế bào thể xác thay đổi là bẩy năm và có thể chứng tỏ điều ấy), tức nói theo Phật giáo thì các uẩn của họ đã thay đổi. (Kinh Phật giảng rằng không một uẩn nào là linh hồn, mà bởi thân xác liên tục thay đổi không người nào hay thú vật, cây cỏ vẫn y như vậy trong hai ngày liên tiếp hoặc ngay cả hai phút kế nhau. ‘Này các thầy ! hãy nhớ rằng trong con người không có nguyên lý vĩnh cữu, và chỉ đệ tử thông thái đã có được minh triết khi nói “Tôi là” mới biết họ nói gì’). (còn tiếp)