BÊN TRONG LỊCH SỬ
Bên Trong Lịch Sử
Trong loạt bài Thư Gửi Ông Sinnett đang đăng trên PST, ông Allan Hume tỏ ý thắc mắc là các đấng Cao Cả có can dự vào các biến cố lịch sử chăng nhằm trợ giúp con người. Đức M. trả lời rằng đa số những can dự ấy thường được làm một cách kín đáo và thế giới không biết. Dầu vậy chuyện sau được nhắc tới nhiều và một số người tin đây là thí dụ cho điều mà đức M. đề cập.Bối cảnh lịch sử là những ngày đầu tại Hoa Kỳ - lúc ấy là thuộc địa của Anh - nhưng đã có chuẩn bị cho việc tách rời nước Anh. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã được soạn thảo và đại biểu các tiểu bang nhóm họp để thảo luận và rồi ký tên.
Sách (1) ghi lại như sau: Vào ngày 4 tháng 7, 1776 tại một tòa nhà ở Philadelphia nay tên là Old State House, có nhóm người tụ họp gồm đại biểu các tiểu bang nhằm mục đích nghiêm trọng là tuyên bố sự tự do của các thuộc địa Hoa Kỳ. Lúc đó ai cũng ý thức hệ quả của việc ấy bởi Anh là mẫu quốc, nếu cuộc cách mạng không thành tất cả những ai ký vào bản Tuyên Ngôn, đang nằm chờ sẵn trên bàn, sẽ bị án tử hình vì tội phản quốc, gia sản bị tịch biên. Ngoài ra, những người có mặt đại diện cho các thuộc địa khác nhau còn không đồng ý về những chính sách sẽ được áp dụng cho tân quốc gia.
Ngày hôm ấy có nhiều người đọc diễn văn.Các đại biểu bị xao động giữa việc đồng ý với bản Tuyên Ngôn và sự bất trắc của tình thế. Nếu họ may mắn thoát khỏi sự trừng phạt này thì một tương lai khó khăn nằm chờ trước mặt, là cuộc tranh đấu dành độc lập, tức có giao chiến với quân Anh đang đóng trên thuộc địa; chiến tranh có nghĩa có tổn thất, đổ máu, và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Đối chọi với thực tại đáng sợ này là viễn ảnh một nước Hoa Kỳ tự do thật phấn khởi. Các đại biểu tại cuộc họp lịch sử bị dằng co giữa hai hình ảnh đó, và còn lưỡng lự chưa nhất quyết ký tên vào bản Tuyên Ngôn.
Phòng họp khóa cửa có người đứng canh để ngăn sự gián đoạn.Họ bàn về giàn treo cổ, rìu chặt đầu, đoạn đầu đài và đột nhiên có tiếng nói mạnh mẽ vang lên. Bài diễn văn bắt đầu:
– Giàn treo cổ ! Chúng có thể treo cổ ta lủng lẳng trên giàn treo cổ; chúng có thể biến mỗi hòn đá thành chỗ chặt đầu; mỗi cái cây thành giàn treo cổ, mỗi ngôi nhà thành nấm mồ, nhưng chữ trên bản Tuyên Ngôn sẽ không bao giờ chết ! Chúng có thể làm máu ta đổ trên một ngàn thớt chặt đầu, nhưng từ mỗi giọt máu nhuộm thắm chiếc rìu chặt đầu sẽ nẩy sinh một anh hùng mới tranh đấu cho tự do…
Những chữ trong bản Tuyên Ngôn này sẽ còn sống hoài trên thế giới lâu sau khi thân xác chúng ta trở thành cát bụi… Hãy ký tên vào bản Tuyên Ngôn !Hãy ký, cho dù phút sau đó thòng lọng treo cổ được tròng vào cổ bạn. Hãy ký, cho dù phút sau đó căn phòng này vang đầy tiếng rìu chan chát bổ xuống ! Hãy ký, với tất cả hy vọng của bạn trong đời hay sự tử, như là nam nhi, là cha, là chồng, là anh, ký tên bạn vào bản Tuyên Ngôn hay là bị nguyền rủa mãi mãi ! Hãy ký, không những cho chính bạn mà cho muôn đời, vì bản Tuyên Ngôn ấy là sách mẫu cho sự tự do, là kinh cho nhân quyền mãi mãi...
Phải, xin bạn hãy ký vào văn bản vì hằng triệu người khác đang nín thở hồi hộp chờ đợi, ngước nhìn bạn để nghe được những chữ 'Các bạn được tự do.'
(Trên đây chỉ là tóm lược rất ngắn, bạn có thể đọc trọn bài diễn văn trong báo The Theosophist số tháng 5, 1938.Ngoài ra bài này cùng với những bài diễn văn khác đọc ngày ký bản Tuyên Ngôn được lưu trữ tại Library of Congress.)
Sau lời kêu gọi, nhân vật mà không ai biết tới này hết hơi ngồi xuống ghế. Lời hùng biện của người ấy đã đánh tan lòng sợ hãi, ý do dự trong tâm của những ai có mặt. Các đại biểu được lòng hăng hái của ông thúc đẩy, chạy tới bàn. Người này vừa ký xong thì bút lông đã bị người khác chộp lấy ký tên họ. Khi đã ký xong, mọi người quay lại để ngỏ lời cám ơn nhân vật không ai biết về những lời hùng hồn của ông, nhưng không có ai ở đó cả. Người ấy đã biến mất.Không ai biết nhân vật là ai, dường như không ai quen biết ông, tên ông không được ghi lại.Cũng không ai biết làm sao ông vào được phòng đã khóa cửa và có người đứng canh, hay ông ra đi bằng cách nào. Chót hết, sau hôm đó không nghe thấy nói gì về hành tung của ông, chỉ có bài diễn văn là bằng chứng cho sự hiện diện của người này. Ngày nay khi ai tới thăm căn phòng nơi việc ký tên diễn ra, nếu nhậy cảm họ vẫn có thể thấy cảnh nhóm người tụ họp, thảo luận sôi nổi và bầu không khí hào hứng mà cũng căng thẳng hôm đó.
Trong giới TTH nhiều người tin rằng nhân vật nói trên là Count St Germain hay Chân sư Rakoczi thường được gọi là Chân sư R. Việc làm của vị Chân sư này rất quan trọng cho cuộc tiến hóa của con người trong nhiều thế kỷ tới, nên tiếp đây ta nói sơ qua về trách nhiệm của ngài.
Như đã biết, trong số bẩy vị Chân sư đứng đầu bẩy cung thì Chân sư R. đứng đầu cung bẩy, chủ về Nghi Lễ, Huyền Thuật. Hai sự kiện:
● Thế giới bước vào Tân Kỷ Nguyên là chu kỳ Bảo Bình Aquarius đang tới thay chỗ cho chu kỳ Song Ngư Pisces đang rút lui, và
● Cung bẩy trở lại với ảnh hưởng của nó đang mạnh dần
khiến cho có quyết định trong Thiên đoàn (Hierachy) là chức vụ đức Văn Minh (Lord of Civilisation) nay do Chân sư R. đảm nhiệm. Sách ghi rằng ngài cósinh quán tại Hungary trong kiếp hiện tại, năm sinh thì thay đổi tùy theo nguồn, tuy vậy các tài liệu đều cho ngài có mặt tại Paris trong cuộc cách mạng Pháp 1789. Ông Olcott ghi ‘…ngài được gửi tới để điều khiển những karma tụ hội dẫn tới đại biến chính trị của thế kỷ 18 với các hậu quả đáng sợ, làm tuôn ra cơn bão đạo đức nhằm thanh tẩy bầu không khí xã hội trên thế giới.’
Một danh hiệu khác của ngài là The Regent of Europe, tạm dịch là Đấng Quản Trị Âu Châu, có nhiệm vụ trông coi sự tiến hóa của vùng đất này. Trong vai trò đó, ngài nỗ lực tinh thần hóa Âu châu thời trung cổ qua nhiều thế kỷ.Bởi vận mạng của nền văn minh tây phương là tiến hóa bằng cách hữu ý hợp tác, chuyện thiết yếu là những linh hồn tiến bộ của giống dân cần thể hiện ước vọng này.
Để giúp thực hiện việc ấy và tạo một phương pháp thực hành huyền bí học phù hợp cho Âu châu, ngài tái sinh thế kỷ này rồi thế kỷ kia nhiều lần tại nơi đây, hầu kinh nghiệm tất cả những giới hạn thể chất của mỗi thời kỳ, đầu tiên như là nhà huyền học mystic và rồi như là huyền bí gia occultist. Trong giai đoạn thứ hai ngài áp dụng vài nghi lễ huyền bí của Ai Cập thành một hình thức thích hợp cho thời đại.
Chuyện không may là những nỗ lực sớm sủa lúc ban đầu này trong các nhóm huyền bí như hội Tam Điểm (Mason), nhằm tạo một ý nghĩa thực về tình huynh đệ đại đồng trên đời, đã thất bại lần này rồi lần nữa, chính yếu vì nhiều người trong nhóm muốn có hiểu biết hay quyền lực cá nhân hơn là sự giác ngộ, là điều chỉ đạt được nhờ phụng sự có tính bí truyền.
Ngài có nỗ lực canh cải luật hiến pháp và điều kiện sống nói chung tại Âu châu, nhưng cũng gặp sự cản trở của một tổ chức tôn giáo. Dòng tu này tìm cách khống chế tôn giáo ở phương tây, mà còn hơn thế nữa, trong nhiều thế kỷ tu sĩ của dòng can dự vào chính trị và liên tục ngăn cản việc làm của ngài. Bất cứ khi nào một người chí nguyện được cảm hứng từ cõi cao có hoạt động đi ngược với khuynh hướng lạc hậu của thời đại họ sống, chuyện không tránh khỏi là người ấy trở thành đích nhắm cho tổ chức mật đó, chuyên tâm vào việc triệt tiêu họ.
Ấy là chuyện thực xẩy ra cho đông cung thái tử Rudolf của Áo, người cố công mang lại một quan điểm sáng suốt hơn là cái nhìn cứng ngắc đang chế ngự triều đình Áo. Khi làm vậy Rudolf không ngừng bị những kẻ thù ẩn nấp lập mưu mô phá khuấy, đưa tới thảm kịch khiến thái tử mất mạng ngày 30.1.1889 tại Mayerling, Áo. Thảm kịch Mayerling trở thành biến cố lịch sử tại Âu châu, dẫn tới những sự việc quan trọng về sau và rồi thế chiến I. Ta để qua bên chi tiết mà chỉ ghi vắn tắt là ở cõi bên kia, linh hồn nhân vật này đang chuẩn bị để trong lần tái sinh tương lai, họ lại có thể trở thành một trong những người tiền phong cho giống dân mới.
Chuyện được cho hay là do cái chết của mình, khi hy sinh tham vọng cõi trần và thiệt mạng vì đặt tình thương lên trên hết thẩy, những ai như thế trở thành con kinh cho đường lực hiếm có phát xuất từ cõi bồ đề hay tình thương tinh thần, là cõi mà giống dân tương lai sẽ từ đó có được hứng khởi.
Một thí dụ khác cho sự can thiệp của các Chân sư để giúp đỡ nhân loại là chuyện được thuật lại trên tờ New York Times (2) - tài liệu không có thêm chi tiết rõ ràng - về một cuộc họp kín ban đêm tại Liên Hiệp Quốc. Đó là vào khoảng nửa đêm và mọi cửa dẫn vào nơi dự khán đều đóng. Đại diện các nước tranh cãi nhau và không đi tới một kết quả chung. Bất thình lình một nhân vật cao lớn mặc y phục đông phương đầu quấn khăn, đứng dậy ở lan can khu dành cho công chúng ngồi xem và nói.
- Thưa quý vị, tình thế là như vầy… và giải pháp là như vầy…
Ông trình bầy vấn đề và giải pháp chỉ trong vài mươi chữ ngắn gọn. Mọi người vỗ tay và ông cúi chào rồi biến đi ngay trước mắt họ. Mọi cánh cửa đều khóa và không có người gác cũng như không có ai vào hay ra.
Một sự việc nhỏ nữa là khi thế chiến II kết thúc, 50 nước hội họp để bàn việc xây dựng, tái tạo thế giới sau những đổ vỡ, hủy hoại của chiến tranh; hội nghị San Francisco nhằm thành lập Liên Hiệp Quốc đã diễn ra từ 25.4 – 26.6.45, trong khoảng thời gian có lễ Wesak - còn gọi là lễ Đức Phật hiện (27.5.45). Ấy không phải là việc tình cờ, mà bởi đó là giai đoạn hết sức khó khăn cho thế giới nên việc được xếp đặt như thế hầu cho trong thời điểm thuận lợi này, khi lực của Sự Sáng tuôn tràn qua đức Phật, đức Chúa - là hai đấng chủ trì lễ nơi cõi thanh - xuống thế, chúng giúp cho hội nghị giải quyết được các vấn đề.
Nhìn theo mặt tâm linh, hội nghị chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thiên đoàn. Lực tuôn xuống kích thích cả nét ích kỷ lẫn xả kỷ, gợi nên tiềm lực lớn lao về tình cảm và trí tuệ, khiến hội nghị nhắm tới lợi ích cho nhân loại, và xem phúc lợi cho toàn thế giới thì quan trọng nhiều lần hơn đòi hỏi hay tình trạng của một nước nào.
…
Tiếp tục nói về sự trợ lực của thiêng liêng trong những biến cố lớn, nay ta sang công việc chuẩn bị mà vị Chân sư, người khởi xướng điều ta gọi là 'phong trào lao động', đảm trách. Phong trào này được Thiên đoàn xem là một trong các nỗ lực thành công nhất trong lịch sử, nhằm làm khối đông người (thuộc giai cấp trung lưu và thấp hơn) thức tỉnh về việc cải thiện chung, và do đó tạo động năng, thúc đẩy họ vào sự sáng theo nghĩa bí truyền. Cùng với sự phát triển của phong trào lao động là việc giáo dục quần chúng được thực hiện, với kết quả là - theo cái nhìn về trí tuệ được khai mở - trọn mức tâm thức có ý thức được nâng cao khắp nơi. Tuy nạn mù chữ vẫn còn nhiều, nhưng người trung bình trong tất cả nước dân chủ tây phương và nước Nga, có mức giáo dục ngang với người trí thức thời Trung Cổ. Sinh hoạt này cho ta thấy cách những Chân sư làm việc, vì với người bình thường, phong trào lao động được xem là nẩy sinh trong quần chúng và giới thợ thuyền. Nó là sự phát triển tự ý, dựa vào sự suy nghĩ và chỉ dạy của chỉ vài người mà xã hội xem chính yếu là kẻ xách động và gây rối. Trên thực tế họ là một nhóm đệ tử - trong số đó nhiều người không ý thức vị thế tinh thần của mình - hợp tác với luật Tiến hóa và với Thiên Cơ. Họ không đặc biệt là đệ tử cao cấp nhưng liên kết với các Ashram tùy theo cung của mỗi người, và do đó cảm nhận ấn tượng từ Ashram. Nếu là đệ tử tiến xa hay là bậc đạo đồ, công việc của họ sẽ vô ích vì Thiên cơ mà họ trưng ra sẽ không được ứng dụng ở mức thông minh của khối đông thợ thuyền ít học, hay hoàn toàn không có học, khi ấy.
Vị Chân sư này làm việc phần lớn với giới trí thức, thế nên ngài là Chân sư thuộc cung ba, Trí tuệ Tích cực. Ashram của ngài lo các vấn đề về kỹ nghệ, và mục tiêu của mọi sự suy nghĩ, mọi kế hoạch, và mọi công việc gây ấn tượng cho trí não nào có thể tiếp nhận, được hướng tới việc tinh thần hóa những ý niệm về đảng lao động trong mọi quốc gia, cùng với ý niệm về kỹ nghệ gia, để nhờ vậy hướng họ về mục tiêu là chia sẻ đúng đắn như là một bước lớn hướng với mối liên hệ chính đáng giữa con người. Bởi thế vị Chân sư này hợp tác với Chân sư R., Vị đứng đầu Ashram cung ba và cũng là một trong ba Đấng đại diện tam giác lực của Ashram lớn là Thiên đoàn.
Các ngài là:
- Đức Bàn Cổ (Manu - cung 1),
- Vị Huấn Sư Thế giới (đức Chúa hay đức Di Lặc - cung 2), và
- Đức Văn Minh Lord of Civilisation phụ trách cung 3,
trong đó có Ashram của vị Chân sư này (tên của ngài không hề được tiết lộ cho công chúng hay) là một Ashram nhỏ nằm trong Ashram lớn cung 3, tựa như Ashram của đức D.K. nằm trong Ashram lớn cung hai của đức K.H.
Ngài nhất thiết phải là người Anh, vì cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu hơn trăm năm trước tại Anh, và tiềm năng của việc đã làm có liên hệ đến ảnh hưởng cho quần chúng và ảnh hưởng đến kết quả đạt được tại mỗi nước, nhờ công nhân và phương pháp họ dùng. Tất cả những tổ chức lao động lớn, quốc gia hay quốc tế, có liên kết lỏng lẻo với nhau về mặt tinh thần, vì trong mỗi nhóm vị Chân sư này có các đệ tử của ngài không ngừng làm việc để giữ cho phong trào diễn tiến theo đúng đường với Thiên cơ. Ta nên nhớ rằng mọi phong trào vĩ đại trên trần đều phô diễn cả điều thiện lẫn điều ác; điều ác phải bị chế ngự và làm tan biến, hay đặt để vào đúng chỗ tương xứng của nó, trước khi điều thiện và hợp với Thiên cơ có thể được biểu lộ đúng đắn.
Điều này muốn nói việc chi đúng cho cá nhân thì cũng đúng cho các nhóm. Trước khi linh hồn có thể biểu lộ qua phàm nhân, phàm nhân ấy cần phải được khuất phục, làm chủ, thanh lọc và hiến mình cho việc phụng sự. Tiến trình làm chủ, chế ngự này hiện đang diễn ra, và bị các phần tử đầy tham vọng và ích kỷ ồn ào chống báng.
Mặc dù vậy, sự can dự của Chân sư đạt thành công tột bực, trong việc chuẩn bị cho phần trí tuệ của khối đông rốt cuộc nhìn nhận ra nguyên lý Bồ đề mà đức Chúa tượng trưng. Thế giới đang phát triển ý niệm đúng đắn về giá trị, và tiềm năng của phong trào lao động tại mỗi nước khi phát triển đúng cách sẽ đặt nền tảng cho nền văn minh mới. Bởi vậy, Ashram của ngài phụ trách các vấn đề kinh tế khắp thế giới, và cũng tấn công thẳng vào óc duy vật căn bản thấy trong xã hội đương thời. Việc thương lượng và trao đổi, ý nghĩa của tiền bạc, giá trị của vàng (là biểu tượng căn bản cho cung ba), việc sinh ra thái độ đúng đắn với đời sống vật chất, và trọn tiến trình của sự phân phát hợp lý (thí dụ tài nguyên như nước sông) là những vấn đề trong số các vấn đề mà Ashram này phải đối phó. Thành quả của Ashram rất là to tát và có tầm quan trọng lớn lao trong việc chuẩn bị trí não người cho sự tái hiện của đức Chúa, và cho Tân Kỷ nguyên mà Ngài sẽ mở đầu. Các nhà tư bản và lãnh đạo công nhân, chuyên gia tài chính và nhân viên biết suy nghĩ, và thành viên của mọi ý thức hệ khác nhau đang thịnh hành trên thế giới hiện nay, đều tích cực hoạt động trong Ashram này. Ai có tín ngưỡng thông thường hay ai hiểu huyền bí học theo nghĩa cứng ngắc, sẽ xem nhiều người giống vậy như là không có nét tinh thần, tuy nhiên tất cả những người ấy thực sự có nét tinh thần sâu đậm theo đúng nghĩa, mà họ không màng được gọi bằng nhãn hiệu chi, hay bị gán là thuộc trường phái nào, thuộc về nhóm bí giáo nào. Họ làm gương về cách sống và đó là dấu hiệu đáng nói của việc làm đệ tử.
● Nay tới lúc ta cần nắm vững nguyên tắc đầu tiên và to lớn về huyền bí học chân thực, chi phối mọi ai làm việc cho Thiên đoàn là: Động cơ Chân chính.
● Nay tới lúc cần nhận ra phẩm chất người việc làm trong Ashram, trên hết thẩy đó là: Phụng sự quên mình.
● Nay tới lúc người ở khắp nơi phải ý thức rằng việc gia nhập Ashram của bậc Chân sư tùy thuộc vào Trí Thông Minh, cộng với động cơ và việc phụng sự đúng đắn.
Khi cả ba yếu tố này có nơi một ai, vị Chân sư biết là ngài có được phương tiện tốt đẹp để huấn luyện. Thế giới lúc này có đông đầy người như thế, tượng trưng cho hy vọng lớn lao của tương lai.
Một điểm cần nói ở đây là qua vị Chân sư này và Ashram của ngài mà việc đối phó và ngăn ngừa điều ác được thực hiện, vì chuyện thiết yếu là nhóm này phải đương đầu với óc duy vật trần trụi và các giá trị giả tạm mà óc duy vật ấy sinh ra. Điều ác bị chế ngự do các lực vĩ đại củacon người được điều hợp, mà không phải do một hay hai người giác ngộ. Ta cần nắm vững điều ấy. Năng lực cung ba mà Ashram của vị Chân sư người Anh, dưới sự điều khiển của vị Mahachohan hay đức Văn Minh, sẽ cho ra thái độ đúng đắn với óc duy vật, và mang lại quân bình giữa các giá trị vật chất và tinh thần. Cuối cùng lực của điều Ác mà bao lâu này khuấy phá thế giới con người, sẽ trở thành vô ích.
Kế tiếp ta sang Ashram lớn mà Chân sư R. điều khiển. Ngài giữ chức vụ đức Văn Minh và phần việc của ngài là mang lại nền văn minh mới mà ai nấy đang chờ đợi. Đó là Ashram cung ba và do vậy chứa đựng trong vòng của nó tất cả những Ashram thuộc cung ba Trí tuệ Tích cực, cung năm Khoa học Cụ thể, và cung bẩy Nghi lễ Trật tự. Tất cả những Ashram này làm việc dưới sự điều khiển chung của đức R. Ngài làm việc chủ yếu qua những Chân sư thuộc ba loại năng lực ấy. Riêng chính ngài thì Chân sư chuyên về năng lực cung bẩy, là năng lực mang lại trật tự trên địa cầu.
Đây là cung Nghi lễ Trật tự và qua sinh hoạt của năng lực ấy, khi được hướng và sử dụng đúng đắn, có một nhịp đúng cách áp đặt lên mọi mặt của cuộc sống con người. Có một nỗ lực thường xuyên được thực hiện để ngăn chặn sự rối loạn xấu xa hiện tại đang thấy, và nhằm sinh ra nét mỹ lệ có trật tự trong tương lai. Vũ khí chính mà các lực Ác phối hợp sử dụng là rối loạn, hỗn độn, gián đoạn, thiếu an ninh, và do vậy các nỗi lo sợ. Tiềm năng của những năng lực này rất lớn vì chúng không thuộc vào một nhóm người nào và thuộc về mọi ý thức hệ. Sự hỗn loạn sinh ra do lòng thờ ơ, do sự bất trắc, sợ hãi, nạn đói, bất an, khi thấy người khác vô tội mà bị hại, và sự xáo trộn sinh ra do các phần tử xung đột, chém giết nhau trong mỗi nước không có biệt lệ, đây là các điều mà đức R. nỗ lực giải quyết, và ấy là công việc gian nan tột mức. Trọn nhịp suy nghĩ trong quốc tế phải thay đổi, và đó là việc làm chậm chạp và khó nhọc; trong mọi nước, các nhân vật ác độc gây ra hỗn loạn và sự bất trắc, nhưng cuối cùng họ sẽ được thay bằng những ai có thể hợp tác theo nhịp của cung bẩy và nhờ vậy sinh ra mỹ lệ.
Việc làm hóa ra phức tạp hơn do sự kiện là trong khi thay thế trật tự cho hỗn loạn, văn hóa các nước phải được duy trì và đường nét chính của nền văn minh mới được trưng ra người ta xem. Ashram lớn này do thế đối đầu với hai phần tử trong mọi nước, một là những ai còn bám chặt vào chuyện xưa cũ tệ hại của quá khứ, và những ai làm việc cho cái đối nghịch cực đoan với quan điểm này tức chuyên chú vào việc gì mới mẻ. Dưới ảnh hưởng của năng lực cung bẩy, sự quân bình phải được tạo lập và duy trì, để cho 'con đường trung đạo tốt lành' chủ về hành động chính đáng và liên hệ đúng đắn giữa người với nhau, có thể được theo đuổi một cách an toàn. Dầu vậy, công việc của Chân sư R. được nhẹ bớt phần nào do sự kiện là cung bẩy nay linh hoạt và tiềm năng của nó tăng dần mỗi năm. Phần việc của ngài cũng được trợ giúp qua việc làm thông minh của Ashram thuộc Chân sư người Anh, Vị không ngừng làm việc với khối đông thức tỉnh dần và đang chỗi dậy.
Tuy Chân sư R. đứng đầu cung ba và điều khiển hai cung phụ là cung năm và cung bẩy, ngài không tự mình điều khiển các lực này, vì ngài là một trong ba Vị đảm nhiệm ba chức vụ hàng đầu trong Thiên đoàn như đã nói, và công việc của ngài không thể bị giới hạn vào sinh hoạt thuộc chỉ một cung nào. Ngài hành động xuyên qua Ashram của những cung đó, nhưng bản thân ngài thì làm việc chủ yếu qua sự hợp tác với đức Chúa và đức Bàn Cổ.
Nói thêm về việc bất cứ một khởi xướng, gợi hứng nào dù có nguồn gốc thiêng liêng cũng có hai mặt là tốt và xấu nếu bị lạm dụng. Vị Chân sư người Anh khởi xướng phong trào lao động hồi cuối thế kỷ 19 và rồi để phong trào tự diễn tiến sau đó theo đà của nó, khi nước Nga nhập cuộc và nhấn mạnh đến giai cấp vô sản hay công nhân, và loại bỏ mọi thành phần khác trong nước. Điều này sinh biến cố ta gọi là cuộc cách mạng của công nhân 1917, và rồi chế độ cộng sản tại Nga. Ta cần phân biệt để nhấn mạnh rằng chế độ toàn trị, độc tài không hề là chủ trương của Thiên đoàn, và đường lối ấy đi ngược với cơ tiến hóa.
Có vẻ như phong trào được hướng dẫn từ bên trong lúc ban đầu khi nó còn yếu ớt, như chiếc xe cần được đẩy lúc chưa nổ máy. Khi xe nổ máy rồi và có trớn thì không còn trợ lực nữa, nay xe chạy theo lực của riêng nó và theo sự điều khiển của người lái xe. Điều không may là những ai hướng dẫn cuộc cách mạng tại Nga đã phạm lỗi lúc ban sơ, kết quả là nước Nga đi theo chiều hướng bất lợi cho sự tiến hóa của con người.
Lỗi lầm chính của nước Nga cộng sản là lạm dụng, và bóp méo động lực thiêng liêng ban đầu hỗ trợ cho ý thức hệ của nước ấy. Đó là quyết tâm phân rẽ dân Nga với thế giới trong thời cộng sản, dùng thủ đoạn dối trá, bưng bít thông tin. Chế độ toàn trị lúc ấy không phải là tai họa chính, mà tai họa chính là việc bác bỏ không cho dân chúng phát triển tâm thức đại đồng. Bởi có những chính thể toàn trị ở các nước khác nhưng dân chúng có thông tin tự do, và không bị ngăn cấm có hiểu biết những biến cố trên thế giới. Việc trọn một nước có trí não đóng kín là điều nguy hiểm tột bậc, y như cá nhân có trong tâm trí nguy hiểm khi đóng kín đầu óc với thông tin, hiểu biết chuyện trên đời, và khi từ chối không đón nhận những ý tưởng, cách xử sự mới.
Ra ngoài đề một chút thì tương tự vậy, lỗi lầm của Công giáo La Mã là nỗ lực áp đặt lên tín đồ cách suy nghĩ, niềm tin, về thần học lẫn chính trị, đặt để tín đồ phải làm gì, đọc, mặc cái gì. Sự áp đặt này cũng là tội lỗi của nước Nga cộng sản với mức độ lớn hơn.Với những phương tiện kiểm soát đó, việc tăng trưởng của hiểu biết đúng nghĩa bị ngăn chặn, bóp méo và thui chột. So sánh thì khối đông người trong những nước theo Công giáo La Mã không được tự do suy nghĩ bằng như dân sống trong những nước theo đạo Tin Lành.
Một chi tiết nhỏ là trong thế kỷ trước, việc truyền bá Theosophia gặp nhiều khó khăn ở châu Mỹ La tinh, nơi đa số dân chúng các nước theo Công giáo La Mã. Các bài giảng tại nhà thờ có nội dung bài xích Theosophia, và tín đồ bị đe dọa dứt phép thông công nếu dự buổi giảng của ông Jinarajadasa, chánh hội trưởng của hội Theosophia, khi ông tới giảng ở các nước nam Mỹ.
Chuyện lạ lùng là tầng lớp chỉ huy trong Công giáo La Mã lẫn nước Nga cộng sản có hậu ý tốt, họ tin rằng khối đông dân chúng thất học không đủ sức tự quyết định nên nghe, nghĩ hay chọn lựa việc chi, vì thế dân phải được bảo vệ. Với Công giáo La Mã đó là những lệnh và cấm đoán của Vatican, qua hàng giáo sĩ, về thái độ và hành vi đúng đắn phải theo, không được thắc mắc. Trường hợp kia là nước Nga cộng sản, chính quyền không cho biết sự thực về các biến cố và chuyện chi xẩy ra, trong nước cũng như ngoài nước.
Việc xẩy ra là nhóm Hắc Đạo đã làm việc xuyên qua các nhân vật cầm đầu nước Nga cộng sản. Những kẻ sau chống đối quyền tự do của con người và nhất là tự do tư tưởng. Đường lối này đi ngược với chủ trương của những đấng lãnh đạo tinh thần của nhân loại là Thiên đoàn, và đi ngược với điều lợi lâu dài cho nhân loại.
Câu hỏi hợp lý được nêu ra là tất cả những hiểu biết này có ích gì cho con người và cho người chí nguyện đang tìm cách phụng sự ? Điều mà nhân loại cần hôm nay là nhận thức rằng CÓ một Thiên cơ, đang thể hiện rõ ràng qua mọi biến cố trên thế giới, và tất cả những gì đã xẩy ra trong lịch sử con người, tất cả những gì đã xẩy ra lúc gần đây, chắc chắn nằm trong đường hướng của Thiên cơ ấy. Chuyện cũng cần thiết là nếu có Thiên cơ, nó giả định có những Đấng phụ trách việc soạn ra Thiên cơ và thực hiện thành công Thiên cơ ấy.
Theo quan điểm của người trung bình nhìn sự việc theo nghĩa hạnh phúc cõi trần, Thiên cơ phải là điều chi vui vẻ, điều chi làm cho đời sống vật chất dễ dàng hơn. Với Thiên đoàn tinh thần, Thiên cơ nói đến các sắp xếp hay hoàn cảnh làm nâng cao và mở rộng tâm thức con người, nhờ đó cho phép họ khám phá cho chính mình các giá trị tinh thần, và có những thay đổi cần thiết theo ý tự do của mình, nhờ vậy sinh ra cải thiện cần có cho môi trường, phù hợp với nhận thức tinh thần đang khai mở.
Không một giá trị chân thực nào có thể đạt được qua sinh hoạt chuyên quyền, độc đoán của Thiên đoàn tinh thần. Đó là bài học cần thấu đáo, vì việc làm của những thế lực toàn trị, trong quá khứ và ngày nay, và ảnh hưởng của nó được ghi nhận. Trong hệ thống toàn trị, tự do bị gạt bỏ hay giới hạn, ý chí tự do của cá nhân bị phủ nhận và ngăn cấm không cho biểu lộ, cá nhân bị xem như là vật lệ thuộc vào nhà nước đầy quyền uy, bị guồng máy công an giữ chặt ở vị trí đó. Sự phát triển của cá nhân chỉ có giá trị khi phục vụ cho quyền lợi của nhà nước, còn chính cá nhân, như là một đơn vị thiêng liêng của nhân loại, thì không hiện hữu, theo quan điểm toàn trị.
Như thế, ta có muốn Thiên đoàn tinh thần của địa cầu chúng ta làm việc theo đường lối toàn trị, áp đặt hòa bình và sự an nhàn, dùng vũ lực để ngăn chặn sự ác, và làm việc cho an sinh vật chất của con người ? Hay là ta muốn các Chân sư hướng dẫn nhân loại nhờ hiểu biết đúng đắn, để có hành động cần thiết, cho dù nó trải qua thử thách và sai lầm và tiến trình chậm hơn nhiều ? Ta có muốn nhân loại tự mình đứng vững trên hai chân như là tác nhân thông minh cho Thiên cơ, hay ta muốn họ bị đối xử như là trẻ con thiếu trách nhiệm, phải được mạnh mẽ bảo vệ đối với chính họ ?
Không phải là với trí thông minh đang khai mở mau lẹ và sinh hoạt của người trong mọi nước, tốt hơn nên tập cho con người biết nhận ra sự hợp nhất căn bản của mọi người, và được dẫn dụ để có hành động cần thiết, là xác nhận rằng tính hợp nhất đó là điều sẽ làm lợi cho trọn khối nhân loại trên mọi vùng đất ở khắp nơi, và cùng lúc cũng duy trì văn hóa cá nhân và quốc gia, cùng với nền văn minh đại đồng và hệ thống khắp thế giới nhìn nhận có tính thiêng liêng ?
Để nhắm tới sự tự do nói chung và sinh hoạt trí tuệ của người tự do mà Thiên đoàn kiên trì làm việc và thành công. Ý niệm về sự duy nhất và sinh hoạt liên kết cho lợi ích chung được hiểu biết và chấp thuận rộng rãi hơn ta tưởng. Phương pháp toàn trị nhắm tới việc áp đặt sự đoàn kết, trói buộc tất cả mọi người vào một tin tưởng chung đồng nhất về chính trị, kinh tế và xã hội; đặt chính quyền vào trung tâm tinh thần thiêng liêng, nơi mà lẽ ra ta tìm được thực tại tinh thần. Một điều ta cần nhớ là con người có quyết định sau cùng về chuyện trên thế giới. Thiên đoàn và không một ai ép buộc nhân loại phải làm điều chi, theo ý tự do ý chí của con người phải được duy trì.
Phương pháp của Thiên đoàn là làm việc qua cá nhân và qua các nhóm để sinh ra nhận thức tinh thần rộng rãi, ai ai khắp nơi sẽ chấp thuận chính phủ tinh thần bên trong của địa cầu như là sự kiện, và sẽ làm việc chung với nhau để tạo nên nước Trời dưới thế mà không phải là trong một thời điểm xa xôi, và ở thiên đàng mơ hồ nào đó. Đây không là mơ ước huyền bí hay bất khả, giản dị chỉ là sự nhận biết và hiển lộ của điều hằng có, được cho biết khi đức Chúa đến với nhân loại hơn hai ngàn năm về trước, và là điều sẽ được nhìn nhận khắp nơi khi Ngài lại đến với chúng ta trong tương lai gần.
Vì vậy, cho tất cả những ai làm việc và phấn đấu cho lợi ích của nhân loại theo sự hướng dẫn của Thiên đoàn, có lời khuyến dụ là hãy phấn khởi và tăng lòng can đảm của bạn. Thiên đoàn không những hiện hữu mà ngày càng tới gần nhân loại hơn. Uy lực do sự chú tâm, đoàn kết tinh thần của Thiên đoàn có thể được cảm biết bằng nhiều cách; nó là tác nhân sinh ra phần lớn nỗ lực kiên trì của mọi ai làm việc nhân đạo, và tất cả những ai thấy sự hợp nhất khi đối đầu với thử thách lớn lao, và cho dù có tình trạng quá mạnh đối với sức chịu đựng của con người, lẫn óc bi quan đã áp đặt lên tâm trí nhân loại.
Thiên đoàn hiện hữu và đang đứng chực hờ. Các Chân sư làm việc theo Thiên cơ, một Thiên cơ có thể tìm thấy trong lịch sử đã qua của con người và có thể truy lại; một Thiên cơ do sự ích kỷ của nhân loại, đã phải sinh ra các thế chiến I và II kinh khiếp, một Thiên cơ mà ngày nay có thể và sẽ bắc cầu ngang qua hố thẳm ngăn cách giữa quá khứ ích kỷ, vật chất, không thỏa mãn, với tương lai mới cho thấy sự hợp nhất lớn lao trên thế giới, và sẽ hành động khéo léo làm thay thế những gì từ trước tới nay đã chi phối, bằng các giá trị tinh thần. Bảo đảm cho những điều này là sự kiện óc thông minh của người đang phát triển ở khắp nơi, phấn đấu mù quáng để có tự do và hiểu biết, và hằng nhận được sự trấn an, hiểu biết và trợ giúp của những Đấng luôn làm việc để tạo hoàn cảnh và tình trạng, theo đó nhân loại có thể có được cách tốt nhất để có sự biểu lộ thiêng liêng.
Sách tham khảo:
- (1) The Secret Destiny of America. Hall, Manly P.
- (2) Talk does not cook the Rice. Vol I. R.H.H câu 42, 53.
- Discipleship in the New Age, I, II. A. A. Bailey
- Externalisation of the Hierachy. A. A. Bailey
- The Rays and the Initiations. A. A. Bailey