THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

Thư  Gửi  Ông  Sinnett (tt)

 

 

Thư 66 - Nhận ngày 7 tháng 9, 1882.
Thư gồm các câu hỏi của ông Hume và câu trả lời của đức K.H. về sự tiến hóa của con người  trong dòng tiến hóa nói chung và trên địa cầu nói riêng. Có vài điểm cần nói về ba thư 66 - 68.
–  Câu hỏi và câu trả lời có tính chuyên  môn, nặng phần cụ thể về phía ông Hume và huyền bí về phía đức K.H.
– Ta cần nhớ điều đã nói trước đây là vào thời điểm của thư chưa có chữ về các ý niệm huyền bí, hai ông Hume và Sinnett phải ’chế’ ra một số chữ để diễn tả ý mình; vài chữ này hiện giờ ta không dùng nữa. Về phần hai ngài K.H và M., để trả lời các thắc mắc nặng tính trí tuệ, các ngài dùng nhiều ý niệm huyền bí mô tả trong kinh Phật, triết lý Ấn giáo, kinh điển Tây tạng mà không có chữ  tương đương trong Anh ngữ. Vấn đề là khoa học tây phương thiếu cả chữ lẫn ý niệm về điều huyền bí, do đó hai ông có thể không hiểu ý các ngài, và hai Chân sư không thể giải thích chữ dùng để khiến hai ông nắm đúng ý.
Vì vậy ta sẽ lược dịch chỉ các điểm chính trong thư, tránh chi tiết chuyên môn khó hiểu, và dùng chữ giản dị. Nếu được xin mời bạn đọc nguyên tác để đào sâu hơn ý nghĩa của thư. Vài ý niệm xin được trưng ra để giúp bạn hiểu rõ thư:
– Một thái dương hệ có mười dẫy hành tinh.
– Một dẫy hành tinh có bẩy bầu
– Một dẫy hành tinh có bẩy vòng tiến hóa (Round) đi qua nó.
– Mỗi vòng khi đi qua một bầu có bẩy chặng (ring), tương ứng với bẩy giống dân (race).
– Cuộc tiến hóa có giai đoạn linh hoạt (Manvantara) được tiếp theo bằng giai đoạn ngơi nghỉ (Pralaya).

1. Ông Hume hỏi về số hành tinh trong hệ thái dương. Câu đáp là có bẩy bầu hữu hình và bẩy bầu vô hình.  Tuy nói là hữu hình nhưng ta không thấy các bầu làm bằng chất thanh ở cõi ether, trung giới và trí, và chỉ thấy được bầu ở cõi vật chất mà thôi. Trái đất chúng ta là bầu thứ tư của dẫy hành tinh gọi là dẫy địa cầu (Earth chain); dẫy có bẩy bầu hữu hình là bầu A tới bầu G. Nói về mặt tiến hóa thì bẩy bầu nằm theo hình chữ V, ba bầu trên đường đi xuống và ba bầu khác trên đường đi lên, với bầu thứ tư nằm ở điểm thấp nhất của chữ  V nơi mà vật chất và tinh thần quân bình nhau.
Mặc dầu vậy, đức K.H. khuyên ông Sinnett không nên quan tâm về các con số và tính toán, làm vậy chỉ gây rối trí vì có sự nhân bội hay phân chia bẩy lần diễn ra vô tận, có liên quan và tương tác với bẩy nguyên lý của thiên nhiên và con người . Đây là một trong các điều huyền bí của kinh điển, cũng như đây là lần đầu tiên Chân sư được phép tiết lộ các con số trên cho ông Sinnett.
2. Có tất cả sáu loài dưới người, ba loài vô hình là tinh linh  rồi ba loài hữu hình là kim thạch, thảo mộc và thú cầm. Hai trong ba loài tinh linh thì chỉ có bậc đạo đồ thấy được, loài thứ ba thấy ở dưới mặt đất. Có vô số các giai đoạn tiến hóa khác đi trước bẩy loài này (kể luôn con người ).

3. Vòng (Round) tiến hóa của một dẫy hành tinh đi từ bầu A đến bầu G. Bàn về kim thạch, khoa học phân loại đất đá theo nguồn gốc như đá trầm tích, hỏa nham, hữu cơ v.v. với các đặc tính vật lý. Phương pháp huyền bí thì khác hẳn, nó chia kim thạch và các loài khác theo đặc tính huyền bí của chúng, tức theo tỉ lệ của bẩy nguyên lý mà chúng chứa đựng. Lấy thí dụ đá trầm tích tương ứng với thể vật chất của người (nguyên lý đầu tiên) về mặt hóa học; đá hữu cơ nguyên lý thứ hai v.v. Ta được dạy là phải tìm hiểu về  bẩy nguyên lý nơi con người, và chia kim thạch tương ứng theo như vậy, và ngài gợi ý ta dùng trực giác để hiểu. Chân sư lấy làm tiếc là không thể ghi ra hết cho ông Sinnett vì ngài không được phép trả lời câu hỏi này. Đá cũng sống và chết như các loài  khác, khi cây cỏ và thú vật chết đi chúng để lại xác vật chất thì đất đá cũng vậy, chỉ có điều là đất đá sống lâu hơn; chúng sẽ chết vào lúc cuối của giai đoạn linh hoạt manvantara hay cuối một vòng.

4. Mỗi vòng có vô số nhánh, lấy thí dụ một vòng có bẩy mẫu chủng (root race), mỗi mẫu chủng có bẩy chi chủng (branch, sub–race), mỗi chi chủng lại có bẩy nhánh phụ (sub–branch). Tựa như việc phân loại cây cỏ đi theo thứ tự giới, ngành, họ, loại v.v. thì việc phân loại huyền bí cũng có cách riêng của nó. Ta được cho hay các chi tiết một vòng có ghi rõ trong những tạng kinh Tây Tạng, dầu vậy chỉ có bậc đạo đồ mới đọc và hiểu được mà thôi.

5 - 6. Hạ trí phát triển mạnh nơi người tây phương khiến họ muốn có con số rạch ròi trong nhiều chuyện. Tuy thế, khi ông Sinnett hỏi về con số những kiếp sống mà mỗi ai phải trải qua thì Chân sư cho hay ngài không được phép trả lời trọn sự thật, hay tiết lộ các con số, và an ủi ông Sinnett là với ai không muốn thành huyền bí gia thì những con số này không quan trọng. Điều có thể nói là trong giai đoạn linh hoạt của hệ thái dương hệ thì số này được ấn định, dầu vậy trong quãng nhỏ hơn như các vòng, các bầu có thay đổi theo trường hợp. Khi nói về hệ thống lớn như thế, phần cá nhân của người thường khi không quan trọng và có thể bị gạt qua bên.

7. Cũng vì chi tiết đưa ra bị giới hạn hay không đúng, việc ta có thể suy luận sai là điều dễ hiểu. Nói về các giống dân thì đối với huyền bí học, lý thuyết về nhân chủng học của tây phương bị xem là vô nghĩa (absurd) và chỉ giới hạn cho khoa sắc tộc học (ethnology). Tổng quát thì thông thường ta dành một kiếp trong mỗi nhánh của một mẫu chủng, và phải trải qua hết bẩy mẫu chủng. Thế thì số các kiếp là 7 mẫu chủng  x 7 chi chủng  x 7 nhánh phụ, cộng thêm bẩy kiếp nữa. Rồi từ các nhánh lại đâm ra nhánh phụ, nhánh nhỏ khác, và tổng số kiếp làm người của mỗi ai trên một hành tinh là 777 lần.
Hai nguyên tắc thúc đẩy và trì hoãn được áp dụng trong lúc sự việc diễn ra để loại bỏ tất cả sắc dân thấp và chỉ còn giữ lại một sắc dân ưu tú vào giai đoạn cuối. Nếu cho rằng trọn thời gian con người  có mặt trên địa cầu thuộc vòng hiện giờ là  một triệu năm (thời gian  của mỗi vòng thay đổi khác nhau), và một kiếp con người  dài một thế kỷ, thì tính ra trong vòng này thời gian ta sống dưới trần mang xác thân vật chất là 777 x 100 năm = 77.700 năm, và số thời gian còn lại 1.000.000 – 77.700 = 922.300 năm ta sinh hoạt nơi cõi thanh. Như thế với ai kể rằng nhớ được nhiều kiếp trước thì ta cần phải dè dặt !
Thí dụ trên chỉ kể đến những kiếp trọn vẹn, đầy đủ về tâm thức và trách nhiệm, mà chưa tính những lần hư chuyện như phá thai, khờ, khùng lúc sinh ra, yểu mạng, và nhiều ngoại lệ khác không thể được nêu hết. Điểm kế là đời sống trung bình một kiếp của người thay đổi lớn lao tùy theo vòng, đây là một chi tiết khác được giữ kín. Chúng ta được đề nghị là tìm hiểu thêm về số 777 kiếp.
8. Hai ông Hume và Sinnett bị rối trí về vòng và giống dân, thí dụ như ta đang ở vòng bốn mà trong một thư có hàm ý là có sự hiện diện của vài người thuộc vòng năm. Giải thích nói rằng chuyện tựa như vài giọt nước lác đác rơi trước cơn mưa, báo hiệu sắp có mưa hay mùa mưa sẽ đến, còn thì tự chúng không thể được gọi là cơn mưa. Vòng năm chưa bắt đầu trên trái đất, và ta không nên lẫn lộn dân của vòng này dù là mẫu chủng hay chi chủng với dân vòng kia.
Nhân loại của vòng năm có thể được xem là bắt đầu khi không còn một người thuộc vòng năm trên bầu hành tinh (C) trước bầu địa cầu (D) trong dẫy hành tinh, và không còn một người thuộc vòng bốn trên địa cầu. Những người rải rác của vòng năm đến với địa cầu thì rất hiếm và rất ít, và con cháu họ không thuộc vòng này. Trong số những người ấy là triết gia Plato, đức Khổng Tử, riêng đức Phật là người vòng sáu, còn Rahula (La Hầu La) con của ngài là người vòng bốn hiện giờ.
Đức K.H. xác nhận với hai ông là chúng ta chưa ở vòng năm, nhưng người vòng năm đã có mặt trên địa cầu từ mấy ngàn năm qua. Khoảng ấy có đáng kể gì khi so với thời gian con người  có mặt trên địa cầu trong một vòng, dài từ một đến nhiều triệu năm ?
Ngài cũng khuyến cáo trước là khi giải thích các ý niệm huyền bí, ngài dịch chúng từ tiếng Phạn sang tiếng Anh nên chữ có thể gây hoang mang cho các ngài lẫn cho hai ông. Thực tế là không phải lúc nào Chân sư cũng xử sự như là Chân sư tức sử dụng các quyền năng siêu phàm, trừ phi ngài dùng các quyền năng ấy từ đầu tới cuối khi viết thư thì mới mong thư toàn hảo, còn không thư do ngài viết sẽ có sơ sót như bất cứ ai khác.
Điểm này thú vị, nó cho ta biết thêm một chút về đời sống huyền bí. Chuyện có nghĩa ta không nên cho là vào mọi lúc một linh hồn tiến hóa cao sẽ toàn hảo luôn luôn, xử sự hoàn toàn không có chút lỗi lầm như người phàm nghĩ về các ngài, mà thật ra các ngài vẫn rất là ‘người’ với đôi khi có sơ sót.
Kế tiếp phần trả lời các câu hỏi, Chân sư ghi  các ý sau.
Khi tìm hiểu về sự tiến hóa hay phát triển trong bất cứ loài nào, ta cần nhớ luôn trong trí là mọi việc tuân theo luật thất nguyên, và có tương tác và liên hệ tương ứng trong khắp thiên nhiên.
Nói về sự tiến hóa của người thì có điểm tột đỉnh, điểm đáy, vòng cung đi xuống và vòng cung đi đi lên. Bởi tinh thần tự chuyển hóa thành vật chất khi đi xuống, và vật chất chuyển hóa trở lại thành tinh thần (mà không phải là vật chất đi lên), lẽ tự nhiên sự tiến hóa của giống dân đầu tiên và sau cùng trên một hành tinh  trong mỗi vòng phải thanh nhẹ, có nét tinh thần hơn; và giống dân thứ tư nặng phần vật chất nhất (tính vật chất này cố nhiên biến chuyển dần trong mỗi vòng). Cùng lúc ấy, bởi mặt thông minh vật chất là sự biểu lộ của thông minh tinh thần ẩn tàng, mỗi giống dân trên vòng cung đi xuống phải có thông minh vật chất hơn là giống dân trước nó, và mỗi giống dân trên vòng cung đi lên sẽ có trí năng tinh anh cộng thêm với trực giác tinh thần hơn.
Giống dân đầu của vòng đầu sau một giai đoạn linh hoạt manvantara của thái dương hệ khi đó sẽ là giống dân thần thánh, nhưng ta khó mà dung hòa sự kiện này với cuộc tiến hóa của người từ loài vật. Đi vào chi tiết thì chuyện diễn ra như sau. Sự tiến hóa đi lên tới những nấc cao cũng vẫn có vài trường hợp thất bại như học sinh kém phải học lại, trong hàng ngũ thiên thần lẫn con người, tuy nhiên các thất bại này xẩy ra ở mức cao, linh hồn đã tiến xa và có phần tinh thần phát triển nhiều đến mức không thể bắt họ tiến hóa trở lại trong các loại thấp hơn.
Vậy thì khi một thái dương hệ mới bắt đầu, các linh hồn tiến xa này được mang vào dòng tiến hóa trước tinh linh, và tác động như là một lực tinh thần tiềm ẩn, bất động trong thái dương hệ mới, chờ tới khi cuộc tiến hóa đến giai đoạn của người. Khi đó Karma trở lại và họ trở thành lực chủ động, hòa lẫn với tinh linh hay các linh hồn cao của loài vật để từ từ phát triển đầy đủ mẫu người. Khi trộn lẫn như vậy họ mất đi phần thông minh cao và nét tinh thần đã có được, và sẽ có trở lại vào cuối vòng bẩy.
Ta có:
●Vòng một. Con người thanh nhẹ, không thông minh, nhưng phần tinh thần vượt trội. Trong các giống dân và nhánh nhóc tiếp theo, anh càng lúc càng vật chất hơn nhưng xét chung vẫn thanh nhẹ nhiều hơn. Giống như loài vật và thảo mộc, anh có các thể quái dị tương ứng với khung cảnh thô trược chung quanh.
● Vòng hai. Anh vẫn còn khổng lồ và thanh nhẹ, nhưng cơ thể càng lúc càng chắc và cứng, gọn hơn, là con người  có tính vật chất hơn, nhưng có phần trí năng vẫn chưa bằng phần tinh thần. Bởi trí năng có cuộc tiến hóa chậm và khó hơn cái khung hình hài vật chất, và trí năng không phát triển mau như thể xác.
● Vòng ba.Nay anh có được một thể xác gọn gàng, rắn chắc, mới đầu nó có dạng con khỉ khổng lồ và tinh khôn hơn là có nét tinh thần.Anh đang trên vòng cung đi xuống và nay tới điểm nơi mà nét tinh thần nguyên thủy bị trí năng sơ khởi che khuất, chìm lấp trong đó.Vào phân nửa cuối của vòng ba, hình dạng khổng lồ của anh giảm lần, cơ thể đậm đặc hơn và anh biết suy nghĩ hơn, nhưng vẫn còn là khỉ hơn là người.
● Vòng bốn. Trí tuệ phát triển lớn lao trong vòng này. Họ sẽ có được tiếng nói như của ta trên địa cầu, và từ giống dân thứ tư trở đi, ngôn ngữ được hoàn thiện cùng với hiểu biết về mặt vật chất gia tăng. Điểm giữa của vòng bốn cũng là điểm giữa của giai đoạn linh hoạt manvantara nhỏ (là giai đoạn linh hoạt cho một chuỗi hành tinh), và nhân loại bước sang vòng cung đi lên. Ở điểm này sinh hoạt trí não có rất phong phú trên địa cầu, nhưng phần tinh thần suy giảm.
Nửa đầu của vòng bốn có khoa học, nghệ thuật, văn chương và triết học sinh ra, suy tàn trong một nước, rồi tái sinh ở nước khác; nền văn minh và sự phát triển trí tuệ cũng đi theo chu kỳ thất nguyên như mọi việc khác. Chỉ từ nửa sau của vòng bốn thì chân nhân mới khởi đầu cuộc tranh đấu thực sự của nó với thân xác và trí não, để biểu hiện khả năng siêu phàm của nó. Ai sẽ trợ giúp cho cuộc tranh đấu vĩ đại sắp tới đây ?Ai ? Hữu phước thay ai ra tay trợ lực.
● Vòng năm.Tiếp tục sự phát triển và cuộc tranh đấu tương tự.
●Vòng sáu và bẩy. Ta không cần bàn về hai vòng này.

Điểm chính trong thư là tính thất nguyên và luật loại suy. Thư trả lời các câu hỏi của ông Hume để rồi từ đó ta lại có nhiều câu hỏi khác phải tự mình tìm hiểu và trả lời.

Thư 67- Nhận ngày 10 tháng 7, 1882.
Thư tiếp tục trả lời các câu hỏi của ông Hume, nhưng ta sẽ lướt qua các chi tiết siêu hình mang tính triết lý. Ngoài ra Chân sư cũng cho hay ngài không thể đi quá xa vượt giới hạn cho phép tiết lộ về đề tài này.

1.
Trong mỗi hình thái của kim thạch, thảo mộc, thú cầm luôn luôn có mầm của nằm sẵn từ bao thời gian qua cho một thực thể tương lai, có tiềm năng phát triển thành bậc siêu phàm. Hãy thử xem bào thai nơi người. Từ lúc đậu thai cho đến lúc nó được bẩy tháng, bào thai lập lại ở mức độ nhỏ các chu kỳ kim thạch, thảo mộc, thú cầm mà linh hồn đã trải qua trong những lần tái sinh trước, và chỉ trong hai tháng cuối mới phát triển đặc tính của con người sắp sinh. Thể này chỉ hoàn tất vào lúc trẻ được bẩy tuổi. Nó hiện hữu không tăng không giảm qua bao thời gian trong thiên nhiên cũng như nay trong lòng mẹ, trước khi theo đường đi lên.
Câu ‘Các giai đoạn của bào thai trong bụng mẹ thể hiện bản lưu trữ cô đọng của vài trang thất lạc trong lịch sử địa cầu’ của một triết gia thông thái đã nói đúng, dựa nhiều vào trực giác hơn là theo khoa học. Như thế bạn cần nhìn lại các thực thể kim thạch, thảo mộc, thú cầm. Mỗi thực thể này vào đầu giai đoạn linh hoạt manvantara là hạt nguyên tử vũ trụ tiên khởi,  đã được phân hóa bởi lực sống vào phút đầu tiên, và tiềm năng nằm bên trong nó cuối cùng về sau phát triển thành đấng cao tột (planetary spirit).
Các hạt nguyên tử do ái tính của mình sẽ kết hợp với những hạt nguyên tử tương tự khác, và theo với thời gian khối tổng hợp đó thành bầu hành tinh có người ở, sau khi trải qua các giai đoạn tinh vân, là bầu lửa mù mịt, cô đọng, kết cứng lại, co rút và nguội dần. Không phải hành tinh nào cũng có người ở, nhưng ta không được cho biết gì thêm.
Khó khăn lớn lao trong việc nắm được ý tưởng của diễn biến này nằm ở chỗ ta tạo nên ý niệm bất toàn ít nhiều trong trí về tác động của một nguyên chất (One Element), sự hiện diện không tránh được của nó trong mỗi hạt nguyên tử, và sự phân bội không ngừng cùng gần như vô hạn về sau của nó thành các tâm linh hoạt mới mà không ảnh hưởng chút nào đến khối lượng ban đầu của nó.
Ta hãy xem hạt nguyên tử vũ trụ tiên khởi gọi là A, không phải là một trung tâm sinh hoạt có chuvi (tức có giới hạn) mà là điểm ban đầu manvantara cho cuộc tiến hóa. Từ đây nó sinh ra B, C, D v.v.hằng hà sa số. Theo dòng tiến hóa mỗi điểm chính sinh ra các điểm phụ a, b, c, d v.v.; rồi tới phiên các điểm này phát triển thành A’, B’, C’ v.v. và như thế thành cội rễ hay nguyên nhân cho sự phát triển thành các ngành, lớp, bộ, họ mới v.v. đến vô tận.
Hạt A nguyên thủy và các nguyên tử đồng bạn  của nó cũng như là a, b, c v.v. không mất đi chút nào lực ban đầu hay tinh chất sống khi có sự phân hóa theo dòng tiến hóa. Lực trong đó không biến thành điều gì khác, mà với mỗi trung tâm mới được tạo ra từ bên trong nó, lực nhân bội đến vô tận và không hề mất đi tính chất về phẩm hay về lượng. Thay vào đó, khi tiến triển nó lại còn thu thập được thêm nhờ phân hóa.
Lực ấy thực là bất hoại, nhưng không tương ứng và không thể hoán đổi (như điện lực biến thành nhiệt) theo nghĩa mà khoa học chấp nhận, đúng ra ta có thể nói là nó tăng trưởng và mở rộng thành ‘điều khác’ trong khi chính tiềm năng và bản thể của nó không hề bị ảnh hưởng chút gì do việc biến hóa ấy. Nó cũng không phải là ‘lực’ theo ta hiểu, chữ gần đúng mà ta có thể gọi nó là sự sống vô tận và là nguồn của  mọi sự sống vô hình lẫn hữu hình, là tinh chất bất tận, luôn có đó, nói ngắn gọn là Swabhavat (ta sẽ gặp chữ này nhiều lần trong bộ Secret Doctrine).
Phật giáo đại thừa gọi đó là Adi Buddhi, là trí huệ cao tột và tuyệt đối thấm nhuần khắp trọn …là nguồn mẹ, là tổng khối mọi trí huệ đã, đang và sẽ có trong bất cứ phần nào thuộc thái dương hệ của ta. Suy luận ra bạn sẽ thấy Adi Buddhi còn là tổng hợp trí huệ của trí huệ vũ trụ, kể luôn cả trí huệ của  bậc Dhyan Chohan cao nhất. Đấy là tất cả những gì tôi dám nói với bạn về đề tài đặc biệt này, và tôi e ngại là không chừng đã đi quá giới hạn cho phép.Vì vậy khi nào tôi nói về nhân loại mà không ấn định gì thì bạn phải hiểu là tôi không muốn hàm ý nhân loại thuộc vòng bốn của ta, mà là trọn những ai đã tiến hóa.
Phải, như đã viết trong thư, chỉ có một nguyên chất và ta không sao hiểu được hệ của ta trước khi ý niệm đúng đắn về nó được ghi chặt chẽ trong trí. Thế nên bạn phải thứ lỗi nếu tôi nói về đề tài này lâu hơn thực sự cần, nhưng nếu sự kiện trước tiên lớn lao này không được nắm vững thì phần còn lại sẽ không sao hiểu được. Nguyên chất này nói một cách trừu tượng thì đó là lớp đáy hay nguyên do thường hằng của mọi biểu lộ trong thế giới hiện tượng.
Người xưa nói đến năm hành được nhận biết là ether, khí, thủy, hỏa và thổ … mà năm hành này chỉ là các dạng phân hóa của một nguyên chất. Con người là thực thể có bẩy phần  thì vũ trụ cũng vậy. Tiểu vũ trụ với thất nguyên đối với đại vũ trụ và thất nguyên của nó thì tựa như hạt mưa và đám mây mà giọt mưa từ đó rơi xuống, và theo với thời gian sẽ trở về nơi ấy. Sự tiến hóa của khí, thủy, hỏa v.v. từ mức tuyệt đối trừu tượng đến cụ thể cho thấy tiềm năng có vô số hình dạng thay đổi hay sự tiến hóa của bản thể; cái nguyên nhân hằng tiến hóa làm sinh động, thúc đẩy đằng sau sự biểu lộ trong thiên nhiên.
Hãy lấy lửa làm thí dụ. Nguyên lý lửa là căn nguyên tối hậu cho mỗi hiện tượng lửa trên tất cả các bầu trong dẫy. Nguyên nhân gần là các tác nhân điều khiển bẩy sự đi xuống của lửa trên mỗi hành tinh (mỗi hành có bẩy nguyên lý, và mỗi nguyên lý có bẩy nguyên lý phụ, cái sau tới phiên chúng là nguyên nhân cho việc khác).Hành lửa là một thất nguyên mà phần cao nhất của nó là thuần tinh thần.Bầu chúng ta là bầu thứ tư trong dẫy nên lửa ở dạng thô trược hơn hết, nặng tính vật chất hơn hết như con người bị nhốt trong thân xác.Ở bầu trước bầu này, lửa bớt nặng trược so với ta biết trên trái đất; và bầu trước nữa thì lửa lại thanh nhẹ hơn nữa.Cứ như thế lửa càng lúc càng thanh khiết và có nét tinh thần hơn nơi mỗi hành tinh đi trước. Khi trước hết thẩy tức vào đầu manvantara, nó hiện ra gần như là sự sáng thanh khiết.
Vì bầu chúng ta nằm ở đáy của vòng cung, nơi vật chất có dạng nặng nề nhất, ở bầu kế chúng ta trên đường đi lên, lửa sẽ bớt đậm đặc như ta thấy. Đặc tính tinh thần của nó sẽ y như lửa trên bầu đi trước chúng ta trên vòng cung đi xuống, và bầu hai trên vòng cung đi lên có tính cách tương ứng với bầu hai trên vòng cung đi xuống v.v. Mỗi bầu trong dẫy có bẩy biểu lộ của lửa mà cái đầu tiên tương ứng với cái biểu lộ lần chót của lửa trên bầu ngay trước bầu đang nói; diễn trình này sẽ đi ngược lại ở vòng cung đối nghịch. Vô số biểu lộ khác nhau này của các hành chỉ là cành, nhánh, nhánh con của ‘Cây Sự Sống’ duy nhất nguyên thủy.
Theo luật ‘Trên Sao Dưới Vậy’ hay sự tương ứng thấy khắp nơi, ta hãy tìm hiểu bằng phép loại suy, theo đó trong mỗi khoáng chất đều có một tinh thần. Tôi xin nói thêm là mỗi hạt cát, mỗi tảng đá hay mỗi khối đá hoa cương là phần tinh thần kết cứng hay hóa thạch. Bạn không chắc ư ? … Hãy xem nguồn gốc của đá trầm tích hay hỏa nham là gì.Đá trầm tích là hỗn hợp của ba hành là thổ, thủy và hỏa hay đúng hơn là ba biểu lộ của một nguyên chất; tương tự vậy đá hỏa nham là hỗn hợp của chất liệu vũ trụ (trong điều kiện vật lý khác), tự nó là một trong các biểu lộ của nguyên chất. Thế thì làm sao ta có thể nghi ngờ việc kim thạch có chứa trong nó ánh linh quang của Nhất Nguyên, như mọi vật khác trong thiên nhiên hữu hình ?

2.
Giai đoạn cần thiết cho sự hoàn tất bẩy chặng của kim thạch thì dài hơn các loài khác vô cùng. Suy luận theo luật thất nguyên thì mỗi bầu trước khi tới giai đoạn trưởng thành phải trải qua giai đoạn tạo hình cũng thất nguyên. Luật thiên nhiên thì đồng nhất và việc đậu thai, tạo hình, sinh ra, lớn lên, tăng trưởng  của trẻ nhỏ chỉ khác với các điều này nơi một bầu về mức độ mà thôi ... giống như các nguyên tử trong cơ thể thay đổi mỗi bẩy năm, một bầu tái tạo những lớp của nó sau mỗi bẩy chu kỳ.
Có ba loại manvantara (giai đoạn linh hoạt) và pralaya (giai đoạn ngơi nghỉ).
a– Manvantara và pralaya vũ trụ.
b– Manvantara và pralaya thái dương hệ 
c– Manvantara và pralaya nhỏ của dẫy hành tinh
Khi pralaya loại a chấm dứt thì manvantara vũ trụ khởi sự. Lúc ấy trọn vũ trụ phải khởi sự tiến hóa lại từ đầu.
Khi có pralaya thái dương hệ  thì nó chỉ ảnh hưởng thái dương hệ ấy mà thôi, và một pralaya thái dương hệ = 7 pralaya nhỏ; pralaya nhỏ chỉ liên hệ đến dẫy hành tinh như dẫy của chúng ta, và các bầu trong dẫy có thể có hay không có người sinh sống. Nằm trong pralaya nhỏ có tình trạng hành tinh ngơi nghỉ hay ’chết’, như thiên văn gia nói về mặt trăng, theo đó thể xác là đất đá của hành tinh còn hiện hữu nhưng động  lực sống đã rút lui.
(còn tiếp)

Theo: The Mahatma Letters to A.P. Sinnett