PHỎNG VẤN
Cô Robyn Finseth là hội viên TTH Hoa Kỳ, mà cũng là y sĩ và có thông nhãn - clairvoyance. Cô hành nghề tại Portland, tiểu bang Oregon, dùng thông nhãn của mình như là một phần trong khả năng nói chung của cô. Trong bải phỏng vấn dưới đây cô nói về thông nhãn, và cách dùng nó trong việc chữa bệnh.
Richard Smoley (RS): Cô có thể khởi đầu bằng cách nói về mình được không ? Làm sao cô có thông nhãn ?
Robyn Finseth (RF): Chuyện giản dị là tôi được sinh ra với khả năng đó. Tôi không nhớ có khi nào mà không thể thấy mầu sắc hay hào quang hay hình ảnh cõi bên kia, dù đó người hay thú vật đã khuất hay chỉ là hình bóng của đủ loại các thực thể. Tôi là thế hệ thứ hai trong một gia đình TTH, với ba mẹ vào hội từ hồi là thiếu niên.Nó có nghĩa tôi sinh ra trong một gia đình hiểu được ‘trẻ kỳ lạ’ này, và không đặt tôi vào tình trạng có thể có hại hay lợi dụng tôi.
Bà nội tôi có nông trại và rừng rộng hơn ba mươi mẫu. Khi còn bé tôi hay ngồi trong rừng cả mấy giờ đồng hồ chỉ để nhìn ngắm tinh linh chung quanh cây và khung cảnh thiên nhiên. Tôi cũng hiểu ngay từ lúc nhỏ là không phải trẻ nào cũng thấy được điều mình thấy, cho nên tôi giữ kín không nói gì về khả năng của mình.Thực vậy, tôi kinh hoảng khi nghĩ rằng người khác biết tôi có khả năng ra sao.Tôi bắt ba mẹ hứa là giữ bí mật của tôi, và chỉ chia sẻ nó với những ai có thể giúp tôi hiểu được thế giới ấy. Tôi tin chắc là do trực giác tôi hiểu chuyện có phần nào nguy hiểm cho tôi, và ý thức ấy có thể có được do một kiếp bị lợi dụng, hay giản dị chỉ do nhận biết là khả năng của tôi cần được tôn trọng và dùng một cách khôn ngoan.
Lúc còn là trẻ nhỏ tôi được gặp một y sĩ có tài là Harry van Gelder (em trai bà Dora van Kunz, cố hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ), ông chữa trị cho mẹ tôi. Khi ấy tôi được khoảng bẩy tuổi, và nhớ đến gặp ông ở Vancouver nơi ông hành nghề y sĩ chỉnh hình và chữa bệnh theo lối thiên nhiên - naturopathy. Ông là người có thông nhãn giỏi dang và dùng khả năng này trong việc chữa bệnh, và chính ở đó tôi bắt đầu con đường vào việc chăm lo sức khỏe. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp ông và cách ông chữa trị đã gợi hứng làm tôi muốn ngày kia mình cũng sẽ là y sĩ, ấy là những tư tưởng mạnh cho trẻ nhỏ như thế. Nhưng tôi không hề đi trệch con đường này, mà chỉ cần nhiều thì giờ hơn để tới đích.
Có nhiều người lớn tài giỏi trong lãnh vực này giúp tôi hồi còn nhỏ. Tôi ở trong hội bàn tròn của hội Theosophy, và một số huynh trưởng trong chi bộ Portland như ông Perry Karsten, cùng với bà Anna Berkey giúp tôi hiểu mình có thể làm được và không làm được việc chi, và không nhấn mạnh quá đáng vào các điều ấy. Họ giúp tôi làm thăng bằng đời mình mà không lạc đường ở thế giới bên kia. Bạn tin tôi đi, vũ trụ bên kia làm ta mê mẩn dù chỉ là đứa trẻ. Tôi nhớ ngồi nhiều tiếng đồng hồ trong phòng riêng của tôi hay ngồi một mình, vui thích với thế giới mà chỉ có tôi thấy được. Nay nghe thấy chính mình nói những lời này, tôi chỉ có thể tưởng tượng một tâm lý gia sẽ làm gì với tôi nếu tôi sinh vào một loại gia đình khác.Tôi chắc mình sẽ làm thinh về mọi chuyện.
Thế nên với sự giúp đỡ của các người bạn này, cả ở đây lẫn thế giới bên kia, tôi đã có thể đem những gì tôi có thể làm và thấy vào việc làm,
RS: Xin kể chút ít về kinh nghiệm thông nhãn của cô. Cô thấy gì ? Làm sao cô thấy nó ?
RF: Học cách làm cái trí tĩnh lặng là một trong những giải thích dễ nhất về thông nhãn. Ai tập thiền và dùng nó trong đời sống dường như hiểu hiện tượng này dễ hơn người khác.Chính trong sự tĩnh lặng này mà ta cho phép mình thành là một với chính mình, thế giới và vũ trụ. Chính trong sự lặng lẽ này mà ta hiểu rõ ràng đường hướng của ta như là con người.
Lúc nhỏ, mầu sắc sống động hơn đối với tôi, và tôi đoán ấy là vì tôi không thắc mắc nhiều như lúc trưởng thành, về mầu sắc hay ảnh hưởng của chúng mạnh ra sao, Tôi nghĩ điều người ta thực tình muốn biết là làm sao tôi nhìn bằng thông nhãn, và tôi chỉ có thể trả lời bằng cách nói là tôi không dùng mắt và có dùng mắt. Tôi thực sự thấy ở giữa hai việc dùng và không dùng.
Nó là việc nhìn từ khóe mắt hơn là nhìn thẳng vào vật.Nếu cần nhìn vào hào quang một ai thì không bao giờ tôi nhìn ngay vào nó mà chỉ nhìn sau khi đã gặp họ.Rồi tôi thường nhìn ra chỗ khác hay hướng mắt vào vật gì khác mà không thật sự nhìn vào đó; tôi thực ra chú tâm vào hào quang. Bởi hào quang là khoảng không gian riêng tư của một người nên tôi tôn trọng điều ấy và không ‘nhìn’ vào đó, trừ phi được yêu cầu làm vậy.
RS: Xin cô nói về việc dùng thông nhãn để chữa bệnh. Nó đóng vai trò gì ? Làm sao cô dùng nó ?
RF: Tôi là y sĩ tại tiểu bang Oregon nơi tôi cư ngụ. Khi người ta đến nhờ tôi chữa bệnh, tự động họ cho phép tôi dùng bất cứ phương tiện gì mà tôi có sẵn để giúp họ.Trong công việc của tôi, điều ấy có nghĩa tôi dùng tất cả cảm quan như xúc giác, thị giác (bình thường và khác thường), và sự giúp đỡ của những ai thỉnh thoảng đi cùng với bệnh nhân.
Không phải tất cả bệnh nhân hiểu mức độ khả năng của tôi, họ chỉ giản dị hiểu là tôi sẽ giúp họ theo bất cứ cách nào mà tôi được phép làm. Cho dù có khả năng này, tôi chỉ thấy điều mà tôi có thể thấy và làm điều tôi có thể làm. Có nhiều yếu tố can dự khi người ta có bệnh hay ở trong một tình trạng gì; hệ quả là ngay với những khả năng ấy đôi lúc giản dị là tôi không thể giúp chi được.
Vậy khi bạn nghĩ tới việc chữa bệnh bằng thông nhãn, thực ra đó không phải là sự mô tả chính xác.Chuyện đúng hơn là tôi dùng thông nhãn để hiểu vấn đề, cái được trưng ra hết mọi khía cạnh. Điều này đúng bất kể đó là vấn đề tình cảm hay tâm lý biểu lộ ra ở cơ thể, hay đơn giản chỉ là thương tật gặp phải trong đời. Tôi giúp bệnh nhân hiểu tình trạng của mình nhằm mục đích để có hiểu biết, như nếu đó chỉ là thương tật thì họ hiểu coi làm sao và tại sao cơ thể bị như vậy.Theo kinh nghiệm riêng tôi biết là nếu ta thực sự hiểu phần tại sao của vấn đề, nhiều phần là ta giải quyết được nó, hay giản dị chỉ là tránh được tình trạng ấy về sau.
Nhiều người không hiểu việc tình cảm tiêu cực mạnh mẽ có thể ảnh hưởng thể xác ra sao.Có lắm khi người ngồi trước mặt tôi không muốn nghe rằng họ có phần trách nhiệm cho tình trạng đang có.Họ tin rằng chỉ cần chữa trị cơ thể là xong; những người ấy tôi không giúp được.
RS: Ta trông thấy gì nơi một người thăng bằng ?và làm sao để ta có được thăng bằng ?
RF: Trong cách chữa trị của tôi, thăng bằng là việc có được trọn cử động của xương sống mà không bị cản trở hay đau đớn gì. Đó là một cơ thể được cho chất bổ dưỡng đúng đắn và tập thể dục để hoạt động ở mức tối ưu của nó mỗi ngày. Thông thường, chữa lành là mang lại thăng bằng cho ba thể: xác, tình cảm và trí. Chữa lành là khả năng có nhận xét khách quan về mình mà không có sự chỉ trích.Là người TTH chúng ta dùng tham thiền để giúp mình trong việc có cái nhìn chân thật, khách quan.Nhờ tình thương và lòng tốt ta có thể đạt được việc mà ta hy vọng là chót hết có được, là sự thăng bằng của cái tôi trong đời.
Năng lực là phần rất quan trọng của sự thăng bằng. Theo sự quan sát của tôi, chúng ta có hai loại năng lực: chủ yếu và tái tạo. Năng lực chủ yếu là phần ta có được khi sinh ra, và phần tái tạo là năng lực ta có thể có được sau khi ngủ dậy, nghỉ ngơi, hay nhờ tham thiền. Ta phải cẩn thận khi dùng năng lực chủ yếu vì nó không thể được tái tạo; nó là năng lực ta có thể rút lấy khi phần năng lực tái tạo đã được dùng hết. Ai cũng có kinh nghiệm này khi ta tự nhủ ‘Mình kiệt sức rồi’. Bạn đã dùng tới năng lực chủ yếu, và khi phần này mất hết đi thì thể xác khó sống được.
Tôi không thể nói về sự thăng bằng mà không đề cập tới karma và tiền kiếp.Là người TTH chúng ta nhìn nhận rằng đây chỉ là một trong nhiều kiếp. Cho riêng cá nhân tôi và với những người khác mà tôi làm việc chung, tôi thấy là thường khi ta hiểu ở mức rất căn bản ấy là điều gì ngay trước mặt ta trong kiếp này. Tôi luôn nghĩ đến câu mà cô bạn Linda Jo Pym của tôi hay nói, ‘Tôi chỉ muốn học điều gì cần trong kiếp này, để kiếp sau khi tái sinh tôi không phải học lại nó nữa’. Tôi thích tư tưởng đó, và khi chính tôi đối đầu với một trong nhiều khó khăn của mình, tôi nghĩ, ‘Được, làm nó cho rồi để ta không phải tái sinh và làm nó trở lại nữa’.Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm là gặp phải những khó khăn cứ trở đi trở lại hoài.Thế thì, hãy lắng nghe chúng và lần sau có thể ta thử cách khác.
RS: Cô nghĩ ngày nay việc chữa bệnh cần đi về đâu ? Làm sao nó hợp với phương pháp y khoa thông thường ?
RF: Cái hay của phương pháp y khoa hiện đại là đã nới rộng giới hạn của hệ thống y học truyền thống. Chúng ta có nhiều cách để tìm hiểu về bệnh, và lối chữa trị khác được nhìn nhận là một phần của trọn y học. Ta có khả năng là không còn chỉ nhận được một đề nghị, mà có thể tìm tòi nhiều đề nghị trước khi ta quyết định cho mình cách hành động tốt nhất.
Chuyện đầu tiên tôi nói với bệnh nhân là họ thật sự là nguồn hiểu biết tốt nhất về việc chăm sóc sức khỏe của họ.Điều duy nhất mà chúng tôi như là y sĩ, điều dưỡng viên hay người chữa bệnh có thể đưa ra là đề nghị về đường lối nào là hay nhất.Bạn, là người gìn giữ thân xác của mình, sẽ biết rành hơn bất cứ ai khác về đường lối nào thì hợp nhất cho bạn.Nay rốt hết, người Mỹ không còn bị hạn chế chỉ có được một loại chăm sóc sức khỏe duy nhất, mà có thể tìm cách từ nhiều phương hướng khác nhau. Internet đã mở ra cho mọi người nhiều đường thăm dò, nên ta có thể biết được nhiều hơn về những cách chữa trị khác cho bất cứ bệnh hay tình trạng nào.
Indralaya (xin đọc PST 52), trung tâm TTH trên đảo Orcas ngoài khơi tiểu bang Washington, đã từ lâu hỗ trợ phương pháp dùng prana gọi là Therapeutic Touch (TT), đó là phương pháp do hai bà Dora Kunz và Dolores Krieger khởi xướng. Phương pháp này áp dụng trên khắp thế giới đã bổ túc những thiếu sót, khi nó dạy học viên - thường là điều dưỡng viên và y sĩ - cách truyền năng lực để giúp hướng cơ thể tới trạng thái tốt đẹp nhất. Tôi không thấy có khuôn mẫu y khoa truyền thống nào hay hơn bệnh viện, và TT đã được dùng ở đó. Khi ta có được TT ở khung cảnh như vậy thì tôi cho rằng ta đã đi một bước dài trong việc chấp nhận cách chữa trị khác với y khoa thông thường.
Khi tôi là y sĩ mới bắt đầu hành nghề trong tiểu bang của tôi năm 1981, chúng tôi khởi sự được gồm trong bảo hiểm cho bệnh nhân. Nay theo tôi biết không có một chương trình bảo hiểm nào mà không cho phép bệnh nhân thăm dò việc chữa trị theo cách khác (thí dụ châm cứu). Tôi biết Oregon cấp tiến hơn nhiều tiểu bang khác, vì chúng tôi cũng có trường nổi tiếng dạy cách chữa bệnh theo thiên nhiên. Thành ra theo ý tôi, việc chăm sóc sức khỏe của ta đang theo đúng hướng, tức là hòa hợp mọi hình thức chăm sóc sức khỏe.
RS: Cô có thể chia sẻ vài kỷ niệm có được về bà Dora Kunz ?
RF: Tôi là bé gái thật may mắn được gặp bà Dora Kunz hồi rất nhỏ. Một trong những lần tôi dự trại trên đảo Orcas có bà Dora ở đó, và mẹ tôi thu xếp để bà xem hào quang của tôi. Trong những năm ấy, bà Dora sẵn lòng dành thì giờ cho ai muốn có thêm hiểu biết. Tôi nhớ là mình sợ hãi với việc này, sợ rằng những gì tôi thấy chỉ là óc tưởng tượng của tôi mà thôi và không phải thật sự là thông nhãn chi hết. Ký ức duy nhất tôi còn giữ về điều bà nói chỉ giản dị là cứ tiếp tục con đường tôi đang theo, và ấy là chiều hướng tốt.
Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi có cuốn sách The Real World of Fairies (xin đọc PST 52) của bà Dora.Tôi yêu thích quyển đó, vì nó giúp tôi hiểu những gì tôi thấy và giúp tôi lọc lựa chi tiết mà không ai khác có thể giúp tôi hiểu rõ. Tôi cũng đọc cuốn sách do một y sĩ viết, họ nhờ bà Dora chẩn bệnh cho bệnh nhân. Sách gây tác động rất mạnh cho tôi trong những năm mới lớn ấy.
Bà Dora là người có thông nhãn tài giỏi, trội hơn tôi rất nhiều. Quyển The Personal Aura (xin đọc PST 40) của bà viết về sau này mô tả hào quang, đã luôn luôn giúp tôi hiểu nhiều những gì tôi thấy. Hào quang dễ thấy nhất là thể tình cảm.Nó luôn thay đổi với tư tưởng và cảm xúc.
RS: Có nhiều sách viết về thông nhãn. Đôi khi làm như có khác biệt giữa điều mà sách mô tả và điều nó thật sự là. Cô thấy nó có giống vậy với khả năng thông nhãn không ? Nếu có thì giống như thế nào ?
RF: Nếu bạn có năm người trong phòng với một vật, và kêu họ mô tả vật ấy thì tự nhiên là bạn sẽ có năm trả lời khác nhau. Cùng một vật mà đều khác nhau.Thế thì chuyện cũng y vậy với năm người có thông nhãn, vì có nhiều mức thấy.Hào quang tự nó cũng có nhiều lớp, và thỉnh thoảng khi tôi đọc điều mà ai khác nói, tôi có thể thấy vài phần mà họ thuật lại nhưng không nhất thiết là thấy hết tất cả chúng. Vậy thông nhãn của tôi giỏi hơn hay kém hơn ?Tôi nghĩ câu trả lời là không phải vậy.Giản dị là tôi có thông nhãn của tôi và tôi rất thoải mái với nó.Người khác có thể cũng thoải mái y vậy với khả năng của họ.
Tôi nhìn nhận là khi ai nói họ có thông nhãn thì nghe lạ lùng, nhưng tôi là ai mà nói là họ không có ?Hồi còn trẻ và trong lúc tập luyện, tôi được dạy là tìm sự thực trong những gì tôi thấy hay cảm nhận, và đôi khi phải tách ra xa kinh nghiệm một chút mới thấy được sự thực của nó.Tất cả chúng ta đều nghĩ ngợi ước ao nhưng đó là điều ta cần phải tránh.Công chuyện của ta là phân biệt sự thực của chữ với sự thực của hành động.
RS: Nhiều tôn giáo, triết lý, kể cả Theosophy, khuyến cáo về nguy hiểm của chuyện tâm linh. Cô nghĩ gì về những khuyến cáo ấy ? Chúng có đúng không ? Có quá đáng không ?
RF: Hình thức trực nhận nào cũng có thể nguy hiểm nếu dùng không đúng cách. Ta có thể tự gạt mình khi nghĩ ta là thế này hay thế kia, điều có thể đúng hay không đúng. Tôi sẽ rất ngần ngại khi ghi danh học khóa được quảng cáo là ‘thông thương với các hồn’, hay dùng phương pháp đáng ngờ để có câu trả lời. Tôi nghĩ có nguy hiểm khi mở ra với vũ trụ theo cách làm bạn dễ bị nguy hại với những lực không tích cực. Chắc chắn có điều tiêu cực trong thế giới này.
Chuyện dễ hiểu là trong mọi cách đều có thể có sự tiêu cực. Tôi tin nơi chính mình, và khi tôi gặp ai can dự vào chuyện bất hảo thì tôi chỉ tránh xa họ, tạo một lớp mây che chở giữa tôi và người ấy, nếu không có lý do nào khác ngoài việc là giúp hướng điều tiêu cực thành tích cực.
Thế thì, đúng, có nguy hiểm trên con đường này. Tôi rất may mắn trong đời là các vị thầy của tôi đều tài giỏi hơn tôi rất xa, và có thể giúp tôi phát triển điều mà tôi dùng ngày nay trong cuộc sống thường nhật của mình.
RS: Cô sẽ khuyên ra sao cho ai muốnphát triểnkhả năng như vậy ?
RF: Đã có nhiều người hỏi tôi câu ấy trong đời, và tôi thấy rất khó mà trả lời. Tôi không biết làm sao mình đã phát triển khả năng này, nhưng suy đoán mạnh mẽ rằng sự việc chỉ là do tôi đã phát triển nó qua nhiều kiếp. Trong lúc phát triển, khả năng này không bị đóng lại và tôi rất tạ ơn việc ấy, vì nó giúp tôi thành làm việc giỏi hơn trong suốt đời.
Tôi đoán lời khuyên tốt nhất tôi có thể cho ai là đừng ‘tham vọng’ muốn có phát triển, mà tốt hơn để cho con người mình phát triển.Nếu số mạng khiến họ có được thì tốt. Khả năng cũng phải được dùng với sự cẩn trọng, đây là khả năng dễ bị hiểu lầm. Tôi luôn thích câu nói của bà Dora Kunz là ‘Thông nhãn bị đánh giá quá cao, vì con mèo cũng có thông nhãn.’ Tôi hiểu nó theo ý là ta phải khiêm nhượng.
Dù có khả năng nhìn vượt xa khỏi thế giới vật chất, tôi cẩn trọng khi làm vậy.Tôi luôn tự nhủ là khi nhìn vào người khác là thực sự nhìn vào chuyện riêng tư của họ.Nó không phải là chuyện của tôi trừ phi họ xin tôi cho lời khuyên.Tôi nhìn nhận là đôi lúc tò mò muốn biết chuyện gì xẩy ra cho ai đó, và thấy hình ảnh không tránh được.Nhưng cũng không phải là lúc nào tôi cũng làm vậy. Nếu bạn chặn tôi ngoài đường và nói ‘Nhờ cô xem giùm hào quang của tôi,’ tôi sẽ từ chối. Chuyện như thế đã xẩy ra với tôi, và khi gặp áp lực tôi chỉ buông trôi và hết mọi cảm quan không còn linh hoạt.Ngoài ra, tôi cảm thấy là bị xúc phạm.
Thành ra, vâng, xin nói lần nữa là có nguy hiểm. Dù rất thoải mái, tôi sẽ rất cẩn trọng trong việc giúp người khác theo con đường này.
Theo:The Quest,Summer 2016.