HỎI & ĐÁP

Hỏi & Đáp

 

Bài này gồm bốn phần mà điểm chung duy nhất giữa chúng với nhau là hình thức hỏi đáp, với đề tài khác biệt cho mỗi phần.

 ● Phần 1. Trích tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học số 37-38 tháng 2-3 năm 1957, trang 57.

Xuất hồn có hai thứ: xuất thần và xuất vía.
– Xuât thần là tự điều động, con người xuất ra khỏi thể xác một cách có ý thức. Đây là trường hợp của những ai có khả năng, trong trạng thái xuất thần này con người vẫn luôn sáng suốt, đầy đủ ý chí.
– Xuất vía là thể tình cảm tự nhiên xuất ra khỏi thể xác một cách vô ý thức, hoặc vì lo lắng, áy náy, hoặc vì buồn rầu lo nghĩ quá độ hay vui mừng tới cực độ.
Sau đây là một hiện tượng mô tả trường hợp tự nhiên xuất vía có thực. Việc này xẩy ra hai mươi năm về trước (bài viết năm1954). Sau khi mục kích tôi rất nghi hoặc, cố gắng tìm hiểu sự thực của nó nhưng trước kia tôi không sao giải thích nổi. Ngày nay nhờ tìm hiểu Thông Thiên Học tôi mới khám phá được phần nào nguyên lý căn bản của hiện tượng ấy.
Năm đó tôi lên mười, anh tôi mười bốn. Trong lúc nghỉ hè chúng tôi về quê; anh tôi vửa đậu bằng Sơ học Pháp Việt và tiếp tục thi lấy học bổng vào trường trung học Mỹ Tho. Cha tôi dẫn anh đi thi, tôi thì ở nhà với mẹ. Anh trúng tuyển kỳ thi đậu ưu hạng. Bận về, đến tỉnh lỵ thì hay tin con gái của chị tôi bịnh nhiều nên thay vì về luôn nhà để báo tin mừng, cha tôi và anh đi thẳng tới nhà chị để thăm cháu. Nhà chị ở cách tỉnh lỵ độ mươi cây số ngàn.
Vì lúc đi cha tôi có định ngày về nên đến hôm ấy mẹ tôi và tôi rất nóng lòng trông đợi. Một buổi chiều, trời hoàng hôn mầu tro sét dần dần nhuộm tím cỏ cây, đàn diệc mê ăn về muộn nhắm rừng cây thẳng cánh, thỉnh thoảng buông hững hờ ở lưng chừng trời vài tiếng ‘oác oác’ dìu đàn.
Hôm đó nhà tôi có một người khách là anh họ của tôi đến chơi đã được hai ngày. Trong lúc mẹ tôi bận trên thang hái trầu để ăn trong buổi tối, anh họ tôi đang nằm trên võng hút thuốc và ngâm Kiều, còn tôi mắc lo thỉnh chuông, thắp nhang ở các bàn thờ  trong nhà; chúng tôi bỗng nghe có tiếng khoát nước rửa chân dưới cầu thang bắc ở cái ao bên cạnh nhà. Mẹ tôi lên tiếng hỏi.
– Đứa nào đi đâu bây giờ rửa chân đó bây ?
– Dạ thưa má con đi thi mới về đây má.
– Sao, con đậu hay rớt ?
– May quá con thi đậu ưu hạng.
– Còn ba con đâu, không thấy về !
– Dạ, ba con còn ở lại nhà chị Bảy con vì cháu Chuyên bịnh nhiều. Ba ở lại ít ngày lo thuốc men cho cháu, chừng nào cháu mạnh ba mới về.
– Nó đau sao đó ? bây giờ bớt chưa ?
– Dạ ba nói cháu đau ban. Ba bốc cho cháu uống được một thang, coi mòi đã bớt nhiều.
– Sao con không ở lại chơi đợi ba con cùng về luôn thể ?
– Con sợ má trông nên lật đật về báo tin cho má hay.
– Còn thằng Thinh đâu ? Con xuống xuồng đem valise và ôm đồ phụ với anh con lên nhà.
– Dạ con thắp nhang chưa xong má à. Để rồi anh con xách lên.
Theo như mọi lần thì tôi đã bỏ dở công việc, vồn vã chạy ra hỏi han mừng rỡ và phụ ôm đồ đạc vào nhà với anh tôi rồi. Không hiểu tại sao hôm đó tôi lại lẩn thẩn như vậy cũng lạ. Lại nữa, lẽ ra, người anh họ tôi cũng xuống võng đón anh tôi và hỏi thăm ba tôi, sao anh cũng thản nhiên nằm hút thuốc. Anh là người vui tính và nhạy mồm miệng lắm.
Hối hả thắp nhang xong, tôi chạy đón anh tôi ở cầu thang. Không một bóng người ! Tôi chạy dông một mạch xuống bến xuồng. Tôi cũng không thấy gì hết. Chiều hôm đó nước ròng sát đáy sông. Nếu lỡ đi đâu về tối, chúng tôi cũng phải lội đẩy xuồng lên bến để khóa lại. Tôi la hoảng lên.
– Má ơi, anh Chín con mới về nói chuyện đây mà, sao bây giờ đâu mất rồi má à !
Mẹ tôi vội vã xuống thang. Ông anh họ tôi cũng bỏ võng chạy theo mẹ tôi xuống bến. Không một dấu chân lội, cũng không một dấu xuồng đẩy, thật lạ lùng. Mẹ tôi gọi anh tôi om lên. Người anh họ với tôi lội xuống mé sông xem lại coi có xuồng cắm dưới đó không. Cũng không luôn, chúng tôi chia nhau hai ngã tới mấy xóm nhà ở cận bờ sông hỏi thăm coi ai nấy có thấy anh tôi chèo xuồng về ngang đó chăng. Ai cũng trả lời, ‘Không thấy’.
Chúng tôi đâm hoảng. Mẹ tôi nói.
– Ủa, sao kỳ vậy cà ? Hồi nãy nghe rõ ràng tiếng nó nói leo lẻo với tao đây mà. Trên thang dòm xuống tao thấy nó mặc quần áo trắng với cái nón mãng cầu trắng lốp. Ai mà vô đây ? Xóm này có ai ăn bận như vậy đâu ! Thằng Tư cháu có nghe thấy gì không ?
– Dạ có, cháu nghe rõ tiếng thím nói chuyện với nó. Dạ mà sao cháu bất ý không để ý nên không nghe nó nói gì.
Tôi xen vào.
– Con còn nghe luôn tiếng của má và của anh con nữa. Tiếng ảnh nói rõ ràng hồi nãy đây chớ ai ? Bậy quá, phải chi lúc má kêu thì con đi liền, làm sao mất ảnh được. Trời ơi, hay là anh Năm con hiện về giả bộ anh Chín nói chuyện đây với má chớ gì ! Hồi còn sống anh Năm có nói giống anh Chín con không má ? Con ghê quá má ơi !
– Ê, bậy nà.
Tôi nhận thấy vẻ lo ngại hiện lên trên mặt mẹ tôi. Trời nhá nhem tối, màn đen đã rũ xuống. Vâng lời mẹ, tôi đi thắp đèn. Sau cuộc thảo luận chung, tôi ở nhà với mẹ còn người anh họ cấp tốc mượn xuồng ra tỉnh lỵ đến nhà anh Hai tôi để hỏi tin tức. Đi và về mất ba tiếng đồng hồ. Về nhà anh cho biết cha và anh tôi chưa về nhà, và hiện còn đang ở nhà chị tôi để trông nom đứa cháu bịnh y như đã nói ở trên. Tin thêm là cháu tôi đau ban và bịnh cũng bớt nhiều rồi. Anh tôi được trúng tuyển ưu hạng.
Qua đến chiều ngày hôm sau nữa, cha và anh tôi về đến nhà. Nghe mẹ tôi thuật lại hiện tượng vửa qua, ai cũng hết sức ngạc nhiên nhứt là tôi. Tôi rất hoang mang như sống trong giấc mộng. Lúc nào tôi cũng cố tâm tìm hiểu cho được sự thực. Tôi hỏi anh tôi.
– Đâu anh thử ráng nhớ coi chiều hôm ấy anh có ngủ ngày không ?
Sau một lúc trầm ngâm, anh tôi gật đầu.
– A, có. Tôi nhớ lại rồi. Buổi trưa ấy tôi với anh Sáu Dự (em của anh rể tôi) đi bắt cua biển về mệt quá, nên khi ăn cơm xong là tôi ngã ra ngủ một giấc rất say sưa. Thi đậu mừng quá tôi muốn bay về nhà liền để đem cái vui về cho má và em cùng chia sẻ nhưng bị kẹt lại ở nhà chị Bảy, thành thử tôi bức rức hết chỗ nói. Vì vậy mà lúc ngủ tôi chiêm bao thấy được về nhà.
– Mà anh có nhớ lúc nằm mơ thấy ở nhà có ai, anh thốt ra những lời gì không ?
– Tôi không sao nhớ nổi.
– Như vậy em dám quả quyết lúc đó anh đã tự nhiên xuất vía về nhà đó anh à.
– Em định vậy chớ đâu có chuyện lạ đời như thế được.
Theo chỗ hiểu biết hạn hẹp của tôi thì đây là một trường hợp xuất vía tự nhiên. Nhưng trong việc này tôi còn vài chỗ thắc mắc.
– Cái vía xuất ra làm sao lại khoát được nước để rửa chân thành tiếng được ?
– Cái vía làm sao lại có bộ phận vật chất dùng phát âm (thanh quản) cho thành tiếng nói để đối đáp với mẹ tôi ?
Sự thực là tôi nhớ tiếng nói ấy đúng là tiếng của anh tôi, mãi đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, những hình ảnh ngày xưa lại hiện rõ rệt trong óc tôi như một cuốn phim vậy.

Huỳnh Kim Thinh.

Lời Bàn.
Theo tôi hiểu thì đó là một cuộc xuất vía tự nhiên mà trường hợp trong chuyện có thể tạo ra được. Xuất vía ấy không phải hoàn toàn ‘vô ý thức’ bởi người trong chuyện có điều lo lắng mẹ ở nhà mong đợi, và cũng có vài điều muốn nói. Những điều ấy tạo nên ý muốn về nhà mà xác thân không làm theo vì có cản trở. Thường thì không nhớ lại đã xuất vía đến nơi muốn tới và mắt của xác thân không thấy được vía ấy.
Trường hợp kể lại đây có sự đặc biệt là khi vía xuất ra khỏi xác có mang theo một phần lớn của cái phách (thể sinh lực). Người xuất vía nhớ lại là nhờ có cái phách đi theo, vì cái phách là cầu liên lạc giữa cái vía và xác thân. Người ta có thể nhìn thấy vía–phách ấy được, nhứt là những người có khả năng linh cảm hay là họ hàng ruột thịt, thân yêu.
Vì còn nặng phần cái phách nên cái vía hành động y như khi còn ở trong cái xác. Nghĩa là, muốn đi lại thì dùng thuyền … (bằng cái phách của chiếc thuyền hay bằng một chiếc thuyền mà tư tưởng tạo nên). Vía–phách ấy có những hành động thông thường như lội bùn, múc nước rửa chân … Vía–phách ấy giống y hệt người thật, từ cử chỉ, lời nói đến cả cách ăn mặc.
Thể phách nâng, nhấc đồ vật được. Những nhà khảo cứu về huyền bí học bên Âu châu đã thí nghiệm dùng chất phách của đồng tử cùng những người dự cuộc để xê dịch đồ vật.
Phát âm là tạo sự rung động cho không khí. Cái vía, cao hơn xác thân một bực, có thể dùng thể phách của mình để phát thanh ra như tiếng nói. (Xung quanh ta là âm thanh nhưng tai của xác thịt chỉ có thể thâu được những âm thanh ‘trầm’).
Trường hợp xuất vía chung với phách này có thể xẩy ra khi xác thân mỏi mệt nhiều, hay khi bị thuốc mê. Người ấy, nếu lúc thức dậy ngay, sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn lúc thường, vì cái phách không có ở lại tu bổ các xác mà lại đi nơi khác.
Vía–phách không rời xác xa được vì sự liên lạc giữa thân và phách không cho phép. Bên Phi châu, mỗi khi muốn xuất vía–phách thì người phù thủy thoa khắp mình một thứ thuốc và uống ‘linh đan’. Thuốc thoa làm phách dễ rời thân còn ‘linh đan’ chỉ là một thứ thuốc mê. Người phù thủy ấy cần đem phách theo để trông thấy, để người khác nhìn thấy mình, để hoạt động gần giống như khi có xác thân, và nhứt là khi thức giấc còn nhớ lại những việc đã làm.
Xuất vía–phách có điều không hay là xác thân bị nhọc mệt. Còn nếu xuất thường, tạo nên thói quen, cái phách có thể có thể rời xác thân thình lình làm người ấy bị chết giấc. Còn có một điều hại đáng kể là nếu cái vía–phách ấy đang ở ngoài  mà bị thương tích thì gây nên thương tích cho xác thân y như vậy.
Nếu người muốn xuất vía mà không muốn có những điều hại này (để phách ở lại với xác) và có thể nhớ lại những điều đã thấy cùng đã làm, thì phải tạo liên lạc giữa sự hiểu biết của vía thẳng đến bộ óc của xác thân cùng mở những huyệt hay luân xa ở đầu cùng ở bụng.
Chuyện xuất vía kể lại đây không có chi là hại. Trái lại nó làm cho ta thấy:
1. Ngoài xác thân này còn có những xác thân khác.
2. Ý chí có thể điều khiển được tất cả các thể.
Đó là thiển ý của tôi và cũng mong học giả bốn phương đã từng suy tầm, thực nghiệm về vấn đề xuất vía giúp thêm ý kiến.
F. Mylne.
● Phần 2.
Cuối thập niên 1960 sang thập niên 1970 Hoa Kỳ, Âu châu rồi lan dần sang các nước khác có phong trào hippy, cũng như có nhiều đạo sư người Ấn sang Hoa Kỳ nhất là vùng tây nam như San Francisco, dạy Yoga và các khoa học tâm linh cổ truyền của Ấn. 
Ngày kia Krishnamurti được mời nói chuyện tại một thính đường ở San Francisco, nhưng thay vì thuyết giảng ông đề nghị cử tọa đặt câu hỏi và ông trả lời. Thính đường yên lặng một chốc rồi có người dơ tay, đó là một cô gái trẻ. Cô hỏi.
– Ông có thể coi chỉ tay, tiên đoán số mạng cho tôi được không ?!

 ● Phần 3. Đây là một đoạn trong bài Vấn Đáp với ông Sri Ram, Chánh Hội Trưởng năm 1955, trích từ tạp chí Đạo Học của Hội TTH VN, số 20–21, có lẽ ra tháng tám, 1955. trang 38.

Hỏi: Krishnamurti có lần tuyên bố giáo lý TTH là thuốc độc, xin ông cho biết ý kiến.
Đáp: Tôi không được biết đích xác về câu tuyên bố này. Muốn phê bình nó, phải biết nó trích trong đoạn văn nào và trường hợp nào phát sinh ra nó. Có lẽ câu này được tuyên bố để phê bình quyền lực ở bên ngoài. Rất hữu lý, Krishnamurti nhấn mạnh về việc sự hiểu biết đòi hỏi phải có trí phê phán độc lập. Bất cứ tín điều nào, dù chân thật, nhưng căn cứ vào thẩm quyền từ bên ngoài thì cũng có thể gọi là thuốc độc. Theo nghĩa này ta có thể nói Thiên Chúa giáo là thuốc độc, Ấn Độ giáo là thuốc độc, TTH là thuốc độc, và cả lời giáo huấn của Krishnamurti cũng là thuốc độc…
Hỏi: Chúng ta làm thế nào để truyền bá  giáo lý TTH và làm tăng số hội viên ít oi ?
Đáp: Hội viên đông hay không, đó là điều phụ thuộc, và chúng ta không dụ người theo ta bằng cách lôi kéo khách hàng như kẻ bán hàng ngoài chợ; ta khoe về món hàng của mình và chê bai món hàng của người ngồi cạnh hay sao ?
Trước hết, nhiệm vụ của chúng ta là ráng sống theo TTH làm một gương mẫu có giá trị, rồi sau mới ráng hết sức mình truyền bá cho thật nhiều người những điều gì ta cho là chân thật, có thể giúp cho nhân loại đi tới con đường hòa bình và hạnh phúc. Còn công chúng nhìn nhận hay bài xích chân lý thì mặc lòng.

● Phần 4. Thông Thiên Học tại miền bắc VN trước 1954.
Ta được biết hội TTH VN chính thức thành lập năm 1952, nhưng  đã có những chi bộ sinh hoạt trước đó nhiều năm tại VN, trong nam cũng như ngoài bắc. Trong PST số 55 bài về lịch sử hội VN có ghi những chi bộ tại miền nam VN, nay trong tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học số 2, tháng 3 năm 1954, trang 14, bài phỏng vấn y sĩ Nguyễn văn Ba có đoạn:
Vấn: Thưa ông, nếu tôi không lầm hình như ông gia nhập hội TTH đã lâu năm, và đã từng làm chi trưởng chi nhánh Bắc Việt ?
Đáp: Thưa phải, tôi vào hội TTH đã ngoài 20 năm nay, và lối năm 1937–39 tôi có giúp chi nhánh Bắc Việt.
Y sĩ Nguyễn văn Ba cũng thuộc ban giám đốc hội TTH VN trong nhiều nhiệm kỳ, làm việc trợ giúp  cho hội và cô nhi viện TTH.
Ngoài chi tiết này, báo Đạo Học năm 1954 mà rất tiếc không nhớ rõ số nào, có đoạn ngắn ghi tin một nhóm hội viên tại Sài Gòn ra thăm chi bộ tại Hà Nội cùng năm.
Như vậy ta biết TTH cũng đã có mặt tại miền bắc từ nhiều năm cho tới tháng 7 - 1954. Tuy nhiên, danh sách để thành lập xứ bộ năm 1952 có bẩy chi bộ đều ở trong nam, vậy phải chăng năm 1952 không còn chi bộ nào sinh hoạt tại miền bắc ? Nhưng nếu vậy thì sao có nhóm hội viên Sài Gòn đi Hà Nội năm 1954 ? Tính đến nay mọi việc diễn ra đã quá lâu nên e rằng không thể tìm được chi tiết về sinh hoạt TTH tại miền bắc vào lúc ấy. Dầu vậy, PST mong vị nào, hay bạn đọc nào có thân nhân, từng là  hội viên tại miền bắc cho biết thêm chi tiết, để lịch sử Hội TTH VN được đầy đủ hơn.