CÁC THỂ CỦA CON NGƯỜI
Các Thể của Con Người
Mỗi sinh vật riêng biệt có thể được mô tả vừa như là một thực thể vật chất, và vừa như là một hệ thống các vùng năng lực tức các thể thanh không ngừng tương tác với môi trường chung quanh, kể luôn tất cả những sinh vật khác. Các vùng này thấm nhuần khắp không gian. Mỗi cá nhân là một vùng năng lực tập trung nằm trong những cõi tương ứng. Hơn nữa, các vùng riêng biệt này tương tác với nhau, đều là một phần của trọn cả hệ thống, linh động và tùy thuộc lẫn nhau. Sựhiểu biết là mỗi chúng ta liên kết với nhau cho ra khuôn mẫu về cách con người ảnh hưởng lẫn nhau.
Ta có thể thấy nó cho ra mô tả cũng như là cơ chế của những chuyện khác biệt, như cách thăm bệnh ảnh hưởng sức khỏebệnh nhân ra sao, hay làm sao người bị tâm thần phân liệt có thể cảm nhận nội lực và sự bất an của ta; làm sao ta có thể thấy người khác làm ta phấn khởi và bị kiệt lực khi có hay không có tiếp xúc bằng lời. Nhìn sự tương tác giữa con người với nhau theo mặt năng lực có thể giải thích làm sao mỗi cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau mà không biết; nó cho ta việc có thể nghĩ ra cách ảnh hưởng và thay đổi các tương tác này.
Thực vậy, mỗi tư tưởng hay tình cảm là một năng lực có thể ảnh hưởng vùng năng lực người khác. Những tương tác này có thể tích cực, tiêu cực (hao sức) hay trung hòa, thí dụ như ta có thể thấy mệt mỏi hay kiệt sức sau khi tiếp xúc với người này, mà bình an và thoải mái với người khác. Mọi tương tác của con người dù đó là hành động, tư tưởng hay tình cảm đều là sự trao đổi năng lực.Các năng lực này từ cơ thể tỏa ra vào không gian như là sóng chuyển động, dần dần tan loãng và phai mờ.Tới một khoảng cách nào đó chúng hòa vào vùng không gian.
Như thế, mỗi hành động, tư tưởng hay tình cảm có thể xem như là năng lực với đặc tính rõ rệt mà chúng ta tỏa ra không hay biết, hay chủ ý hướng đến một người khác. Trên thực tế, bệnh và sức khỏe có năng lực tràn đi theo cách đặc sắc bên trong mỗi cá nhân. Cách ấy có thể ví như sóng lan khi viên đá được thả xuống nước. Sóng to hay nhỏ tùy thuộc vào lực của chấn động khi viên đá chạm mặt nước.
Tương tự vậy, cường độ và trường độ của năng lực con người bị chi phối bởi sức chú tâm, hay chủ ý của tình cảm, tư tưởng hay hành động. Lắm khi ta không ý thức hành động, như khi bận tâm với một vấn đề trí tuệ ta có thể cảm thấy có ít đáp ứng tình cảm.Nhưng cho dù không nhận biết, thay đổi luôn xẩy ra và có thể được xem như là hiện tượng trong một thể.
Khi ta mô tả những đặc tính chính của cá nhân trong vùng không gian rộng lớn bao quanh, điều quan trọng cần nhớ là sự mô tả ấy chỉ là tượng trưng tĩnh lặng của một diễn biến linh động.Nó tựa như hình chụp một viên đá đang rơi, tức là làm ngưng đọng chuyển động đang rơi xuống của nó ở giữa trời, hình có thể gạt gẫm khiến ta nghĩ là viên đá đang trôi nổi trong không gian. Cũng y vậy, bất cứ mô tả nào về vùng năng lực (tức các thể thanh) cần được xem như là sự ngưng đọng giả tạo trong phút chốc của chuyển động liên tục, là tính chất của mỗi thể hay vùng.
Những thể này là sự tụ vào một chỗ bên trong vùng năng lựcchung của thế giới. Tụ điểm năng lực này là điều mà ta kinh nghiệm như là chính mình. Những thể khác nhau của con người có thể được xem như là các loại phân chia nhỏ hơn có liên can đến các vai trò đặc biệt. Chuyện hơi tương tự là cách ánh sáng trắng được xem như là hòa hợp tất cả mầu, nhưng có thể được phân chia thành các mầu chính và phụ, bằng cách dùng lăng kính.
Những thể tạo nên con người gồm có:
– Thể sinh lực hay vùng sinh lực, liên kết chặt chẽ với thể xác.
– Thể tình cảm hay vùng tình cảm, thường gọi là hào quang, gồm các cảm xúc. Mỗi người có thể mở rộng vùng này ra xa.
– Thể trí hay vùng trí, là thể hiện sự suy nghĩ của ta, và hòa hợp hình ảnh ta thấy cũng như là ý niệm và ý tưởng của ta.
– Vùng trực giác, có đặc tính là trật tự, sáng tạo và từ bi (vùng này là một nguồn của việc chữa trị.)
Luồng Năng Lực trong các Thể
Vùng năng lực của con người giống như bản nhạc hòa tấu. Bên trong vùng, năng lực liên tục tuôn chẩy và tràn ra ngoài, đôi lúc vào trong. Nói theo triết lý đông phương, năng lực căn bản chính yếu hay sinh lực đến từ prana. Prana đi vào cơ thể qua lá lách của thể sinh lực, tức không phải bộ phận này trong thể xác (vì lá lách có thể mất đi hoặc bị hư hại), được thay đổi và chuyển biến rồi phân phối nhờ cơ chế gọi là luân xa (huyệt đạo), có vai trò mà ta có thể gọi là trạm biến lực (tương tự như trạm biến điện). Huyệt đan điền - solar plexus chuyển biến năng lực này thành sinh lực thiết yếu rất quan trọng cho thân xác.
Mức của sinh lực tùy thuộc vào việc có bao nhiêu năng lực tuôn chẩy qua luân xa lá lách, cách nó được chuyển biến qua huyệt đan điền, và mức mà nó tuôn chẩy ra ngoài và được phân phối đi khắp cơ thể.Sự việc có thể được ví như nước trong đường ống (prana đi vào luân xa lá lách) được mở (khóa nước là huyệt đan điền) cho chẩy vào ống dẫn nước.Cản trở nào làm ngăn chặn luồng chẩy sẽ sinh ra bệnh.
Mức sinh lực thấp trong người thường liên hệ với việc huyệt đan điền co thắt lại, ngăn cản luồng prana chẩy đi dẫn tới việc hao hụt năng lực do căng thẳng quá độ. Mức sinh lực thấp thường khi đưa tới bệnh về sau. Chuyện hay thấy là người ta có khuynh hướng không ý thức là mức năng lực của mình thay đổi hay giảm sút, cho tới khi nó xuống tới một mức và các triệu chứng xuất hiện.
Khi cảm biết là năng lực xuống thấp, người ta tìm chất kích thích để ‘tăng’ lên. Hệ quả lắm khi là nghiện thí dụ như nghiện rượu.Dầu vậy, việc ‘tăng’ lên này không phải là giải pháp cho việc năng lực sút giảm. Để tăng cường thể sinh lực chúng ta phải làm cho mình được thư thái. Việc nghỉ ngơi làm tăng luồng prana chẩy qua huyệt đan điền, và do đó tăng lên mức năng lực dự trữ và ta tốn ít sinh lực trong diễn trình này.
Mô Tả Các Thể
Thể Sinh Lực
Thể xác được thể sinh lực bao quanh và thấm tràn rồi phai mờ dần bên ngoài cơ thể từ 2,5 cm đến 15 cm; trung bình là khoảng 5 cm. Thể sinh lực này là một phần nội tại của thể xác; mỗi tế bào là một phần của thể sinh lực và đóng góp vào nhịp chung của nó. Khi thể sinh lực mạnh khỏe, bên trong nó có nhịp tự nhiên riêng biệt. Chỉ khi có bệnh ta mới thấy thể bị lỗi nhịp, và các thay đổi khác đi theo việc lỗi nhịp này xẩy ra.
Trọn hệ thống sinh lực có thể được xem tương tự như sự hoạt động của tim. Nếu ta mổ trái tim, mỗi phần nhỏ của tim dường như có nhịp tự động riêng của nó, nhưng khi quả tim khỏe mạnh, nó tổng hợp thành một nhịp chung. Cũng y vậy, mỗi cơ quan trong cơ thể có nhịp tương ứng của nó trong thể sinh lực.Bầu sinh lực bao quanh mỗi cơ quan đan kết với nhau và các nhịp dị biệt tương tác ở nơi giao tiếp, làm như có sự chuyển di xẩy ra.
Khi cơ thể toàn vẹn và khỏe mạnh, các nhịp ấy truyền dễ dàng từ cơ quan này sang kia. Tuy nhiên khi có bệnh, các nhịp cũng như là mức năng lực bị thay đổi.Thí dụ ta có thể thấy hệ quả trong thể sinh lực của việc cắt bỏ ruột dư.Khi trước các mô của thể xác nằm cạnh nhau có phận sự chuyển di năng lực, với ruột dư điều hòa vai trò này, năng lực có thể dễ dàng tuôn chẩy khắp trong mô. Sau khi mổ hay do bệnh tật, vai trò ấy bị thay đổi và năng lực tiêu tán phần nào thay vì được chuyển di.
Thể Tình Cảm
Thể này thấm nhuần cả thể xác lẫn thể sinh lực. Vùng năng lực tình cảm rộng hơn, tỏa ra bên ngoài cơ thể từ 45 cm đến 1,2 m. Nó có hình trứng, và tư tưởng hay chủ ý có thể làm nở rộng hình dạng bình thường, để diễn tả xúc cảm tràn dâng mà con người phóng ra. Điều ấy muốn nói một trong các tính chất chính của thể là sự co dãn.Nhờ tư tưởng và sự chủ tâm, thể tình cảm của một người có thể mở lớn tới khoảng cách đáng kể từ hơn 3 m đến 5 m.
Khi thể nở lớn, nó có khuynh hướng thấu nhập thể tình cảm của người khác, và do đó ảnh hưởng cảm xúc của họ. Tương tác ấy thường khi lan tràn sinh ra kết quả dây chuyền, vì thế tác động lên người ở xa. Thí dụ kịch sĩ hay nhạc sĩ có thể ảnh hưởng thể tình cảm của ai ngồi các hàng ghế đầu trong rạp hát; rồi tới phiên những người này ảnh hưởng nhiều người khác quanh họ, và cứ như thế lan đi, cho tới lúc trọn cử tọa bị buổi trình diễn ảnh hưởng.
Thể tình cảm của một người dễ bị thể tình cảm người khác thấu nhập và chi phối. Tựa như vi trùng và vi khuẩn, tình cảm rất dễ nhiễm và lan như ta dễ dàng quan sát khi đám đông trở thành cuồng loạn. Tình cảm đi vào thể tình cảm bằng các luân xa như huyệt đan điền, và như thế chi phối sức sống và sức khỏe của thể xác. Huyệt đan điền hay tùng thái dương là một tụ điểm, nơi mà sinh lực và năng lực tình cảm hòa lẫn với nhau nhiều nhất.
Cảm xúc di chuyển tự do trong thể tình cảm, và ảnh hưởng của nó gần như là tức thì. Thí dụ khi ai nổi giận, năng lực tình cảm ấy hoặc nổ bung từ thể của họ ra mọi hướng, hay là được phóng tới một người riêng biệt như viên đạn bay tới mục tiêu. Nếu chung quanh có ai khác, năng lực giận dữ này sẽ tương tác với thể của họ, cộng hưởng với chúng, và tăng bội bất cứ cảm xúc tương tự nào mà chúng có thể có.
Kết quả là sự giận dữ ấy có thể được gợi nên trong lòng ai khác cho dù họ không ý thức việc ấy.Tự nhiên là khi có ít tương tác giữa những ai hiện diện, xúc cảm tức giận ban đầu có khuynh hướng tan loãng và phai lạt đi. Dầu thế, nếu lúc ấy có ai đáp ứng thì sự giận dữ sẽ leo thang và có thêm nhiều người sẽ bị chi phối. Diễn biến của việc tức giận có thể châm ngòi cho cảm xúc tương tự nơi người khác, có tương ứng trong vật lý. Ấy là phần lớn chất liệu có tần số có thể được tăng bội chỉ với rất ít hay không cần năng lực, nếu lực được áp dụng ở tần số cộng hưởng của chất liệu; sóng đứng sẽ thành lớn hơn và lớn hơn nữa, có thể sinh ra nguy hiểm. Áp dụng trong thực tế thì để tránh nguy cơ này, khi một toán lính băng qua cầu họ được lệnh không xếp hàng đi thành một nhịp có thể làm cầu rung và sập, mà đi tự do, mạnh ai nấy đi theo nhịp của mình. Nhịp loạn xạ khiến cho không có cộng hưởng, cầu không rung.Nói khác đi nếu lực được áp dụng có tần số không cộng hưởng thì không sinh ra sóng đứng.
Ta có thể làm triệt tiêu ảnh hưởng của sự trao đổi lực bằng việc nhận biết nguồn của sự giận dữ, và xác định nó chẳng có liên hệ hay quan trọng gì. Phương cách này cho phép ta hóa giải tình thế, thay vì tích cực tìm cách làm chủ chính năng lực tình cảm. Việc tích cực làm chủ tình cảm như nói rằng ‘Tôi phải không được tức giận !’ có khuynh hướng làm năng lực quay trở về ai phát ra nó, thay vì cho phép nó tan loãng ở bìa thể tình cảm.
Năng lực phản hồi này nếu không được làm tiêu tan sẽ cho ảnh hưởng tệ hại lâu dài. Nhận biết và nhìn nhận cảm xúc có trong lòng vào lúc ấy bằng cách nói, ‘Tôi đang giận và tôi biết thế’, xét ra có hiệu quả hơn. Khi vạch ra lý do của sự giận dữ nơi ta, thường khi ta có thể mỉm cười về sự chênh lệch kỳ cục giữa nỗi tức giận và hệ quả theo sau. Ta có thể chuyển năng lực bất hòa của sự giận dữ thành sự xuôi thuận, bằng cách nghĩ tới điều chi làm ta thương yêu trở lại người kia. Nói khác đi, nỗi tức giận được nhận biết, làm tiêu tan và chuyển biến thành tư tưởng thân ái.
Những yếu tố đó chi phối thể tình cảm, mỗi xáo trộn như thế tác động lên huyệt đan điền hoặc tích cực hoặc tiêu cực, và do đó ảnh hưởng luồng prana tuôn vào những cơ quan khác nhau.Nơi người khỏe mạnh, năng lực nói chung có khuynh hướng từ cơ thể tỏa ra ngoài theo dòng chẩy liên tục. Luồng năng lực đi vào và đi ra này bị ảnh hưởng bởi điều mà con người làm. Sự thư thái có khuynh hướng làm thể mở rộng; tham thiền cho phép thể nở lớn theo mọi hướng và trở thành linh hoạt hơn, thăng bằng, hòa hợp; còn nỗi lo lắng khiến thể co rút lại.
Thể Trí
Thể trí con người là một phần của thể trí vũ trụ và thấu nhập thể tình cảm cũng như là các thể khác. Thể trí có thể được mô tả như là tượng trưng cho hoạt động trí tuệ của một người.Nó lộ ra khả năng tượng hình, lý luận hay tạo khái niệm, suy nghĩ minh bạch, và tổng hợp hay rút tỉa kinh nghiệm của mình. Kích thước và độ sáng của thể liên quan đến cách trí tuệ linh hoạt.
Nếu hình tư tưởng trong sáng được kết hợp với động lực tình cảm thì thể trí có thể lan rộng vào không gian, và / hay là mở lớn tới ai khác ở xa. Tuy thường khi nhỏ hơn thể tình cảm và trụ một chỗ, nó cô đọng hơn.Nó có khả năng tỏa một phần rất nhỏ của mình ra một khoảng cách xa khi có tư tưởng dẫn dắt. Muốn thể này vươn ra đến kẻ khác, nó cần có một tình cảm mạnh mẽ thúc đẩy như lòng thương yêu hay lo lắng. Động lực tình cảm thường được gợi nên khi có nhu cầu, như nỗi lo sợ hay âu lo. Nhu cầu này cho phép thể trí vươn ra và cộng hưởng với thể trí của người khác.
Những tính chất khác nhau bên trong mỗi thể thì tương tự như quang phổ, theo nghĩa trong đó có nhiều tần số rung động hay độ dài sóng khác nhau, cũng như mức đậm đặc và sức sáng. Ảnh hưởng này thường khi được người có thông nhãn mô tả.
Thể Bồ Đề
Thể bồ đề giống như các thể khác thấm nhuần trọn vũ trụ. Sự liên kết với thể này sâu đậm hơn khi có liên hệ hòa hợp giữa thể tình cảm và thể trí, nghĩa là khi tình cảm ta an ổn và tâm trí lặng yên. Cho dù năng lực của thể thấu nhập mọi vật, ta có cảm tưởng là nó từ trên cao xuống.Đây là kinh nghiệm thực sự vì năng lực từ trên cao xuống khi ta có tâm trụ trong người và vững vàng.Nó muốn nói ta lặng lẽ ở nội tâm. Việc tựa như nhạc êm dịu, đẹp đẽ phát ra làm nền mà ta không thể nghe được do tiếng ồn trong đời sống hằng ngày. Nhưng âm thanh hằng có đó và có thể được cảm biết rõ ràng khi thế giới yên lặng. Thành ra nếu ai luyện cho mình biết lắng nghe, họ có thể trở thành ý thức tiếng nhạc ngay cả khi có tiếng động lớn nhất.
Tương Tác Giữa Các Thể
Như đã nói ở trên, bốn thể vừa mô tả hòa hợp với nhau mà cũng có những tính chất riêng biệt. Chúng là những thay đổi của trọn vùng sinh hoạt của người, tựa như ba mầu đỏ, xanh và vàng là các phần thuộc quang phổ của ánh sáng trắng. Các thể liên tục tương tác với nhau qua những luân xa, và chúng cũng bị thể của người khác chi phối. Sự tương tác này giữa con người với nhau là yếu tố làm ta sống động.
Để giữ gìn sức khỏe, năng lực trong tất cả những thể phải đi ra, đi vào và tuôn chẩy tự do. Bệnh xẩy ra khi năng lực bị nghẽn và / hay co thắt lại trong bất cứ thể nào, làm cho dòng chẩy giảm bớt hay chậm lại. Nhìn theo khía cạnh ấy, con người là một phần của hệ thống năng lực sống động và hệ thống này chỉ ngưng lại khi ta chết đi. Diễn trình này tương tự như sự tương tác linh động của sóng nước, cái luôn ở trong trạng thái chuyển động không ngừng.
Những tương tác này xẩy ra giữa con người với nhau, và mỗi thể biểu lộ tình trạng của ta. Một sự thay đổi trong bất cứ thể nào sẽ ảnh hưởng đến sự biểu lộ của ta trong những thể khác, vì trọn chúng là một khối.Rồi khi một thể tương tác với thể khác, nó thay đổi và tái sắp xếp lại chính nó. Đây là điều quan trọng cần nhớ về cấu tạo của con người, ấy là mỗi phần chịu ảnh hưởng của những phần khác, và tới phiên nó ảnh hưởng các phần này.
Tái Tạo Năng Lực
Nói về sức khỏe, ta cần ý thức mức năng lực trong thể sinh lực và cách làm đầy nó trở lại.Thông thường ta không nhận biết là năng lực đang giảm cho tới khi thấy mình kiệt sức.Chuyện trớ trêu là càng kiệt sức bao nhiêu thì việc làm đầy trở lại và tái tạo, cung cấp năng lực càng khó bấy nhiêu. Để tránh làm giảm sút năng lực, ta có thể ý thức các dấu hiệu ban đầu như cổ họng thắt chặt, cổ và vai căng thẳng, hay bao tử thót lại. Điều không may là đa số người không lắng nghe những dấu hiệu ‘mờ nhạt’ này trong người, mà sự chú ý của ta hướng ra ngoài do chọn lựa hay do hoàn cảnh.
Để làm đảo ngược vòng hao mòn năng lực này, điều ta cần trong đa số trường hợp là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cho phép dòng sinh lực được tái lập, và khiến mình được thư thái là cách đầu tiên cho việc làm đầy trở lại năng lực này. Phương pháp rõ rệt dùng để tái tạo năng lực tùy thuộc vào riêng mỗi người, cũng như mỗi thể cần cách thức khác nhau.Trong mọi trường hợp, điều gì làm cho một thể sẽ ảnh hưởng đến tất cả những thể khác vì chúng tương tác với nhau.
Nhằm gia tăng và tái tạo sinh lực trong một hay tất cả những thể, ta có thể dùng những cách sau.
Thể Sinh Lực: học làm thư thái.
1. Tập làm thư thái cơ thể bằng cách co lại và dãn ra những nhóm bắp thịt khác nhau.
2. Ngủ những giấc ngắn và vui thích với cảm giác nằm xuống hay cuộn tròn người lại cho dù khó ngủ, như khi kiệt sức hay quá mệt.
3. Thở hơi sâu, sao cho khi thở ra bụng săn lại và phẳng, và khi hít vào thì bụng căng tròn và phình ra, điều này làm tăng lượng dưỡng khí cung cấp.
Thể Tình Cảm: học cách xả bỏ tình cảm
1. Buông bỏ những cảm xúc tiêu cực về mình hay người khác.
2. Chuyển sang cảm xúc tích cực về ai khác.
3. Đến với người khác bằng tình cảm tích cực, và tương tác với người có năng lực tích cực bất cứ khi nào làm được.
Thể Trí: đừng lo lắng nữa.
1. Buông bỏ ‘định kiến’, đừng nghiền ngẫm mãi một chuyện, buông bỏ lúc này điều tranh chấp hay vấn đề gì, biết rằng ngày mai có thể có giải pháp khi bạn ở trong tình trạng thư thái hơn.
2. Lảm mình quên chuyện lo nghĩ bằng cách nghĩ hay đọc chuyện gì khác; có sở thích mới; nghe nhạc, chơi trò; chơi ghép hình hay xem truyền hình.
3. Có hành động ngay; làm chuyện phải làm thay vì hẹn khi khác.
Thể Bồ Đề
1. Tập tĩnh lặng hay trụ tâm, rồi nhờ tham thiền bước vào tâm bồ đề có sự an lạc và hòa hợp.
Theo:Spiritual Healing,
Nhiều tác giả - Dora Kunz thu thập.