THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

 

(Xem Thư  cho  Ông  Sinnett  trong mục Sách Dịch) 

Thư 49 - nhận 3.3.1882

Trước khi vào thư có vài điều cần nói rõ. Sinh hoạt của Hội và bài viết của bà Blavatsky trong thời kỳ này tạo nên nhiều chú ý tại Ấn, Anh, Mỹ v.v. và có nhiều nhân vật trao đổi thư từ hoặc với bà hoặc viết cho tạp chí The Theosophist. Ngoài ra còn có tranh luận tại các nước trên, có liên quan đến Hội nói chung và HPB nói riêng. Thư của Chân sư gửi ông Sinnett chính yếu trả lời những thắc mắc ông nêu ra, mà thỉnh thoảng cũng có đề cập đến thư từ trao đổi hay ý kiến của các nhân vật đó. Trong phần học hỏi của ta về sách này, ấy là việc phụ thuộc nên ta sẽ không đề cập tới chúng trừ phi nội dung thư có liên quan trực tiếp về Theosophy, để tránh việc đi xa ngoài đề vô ích.
Dưới đây là các đoạn chính trong thư.
Có vẻ như ông Sinnett  tỏ hy vọng 'ngày kia ngài sẽ chia sẻ hiểu biết với tôi', và đức K.H. trả lời:
– Khi nào, hay làm sao 'thì không phải do tôi quyết định cũng như tôi không biết' vì hỡi bạn, chính bạn phải dệt nên vận mạng của mình. Có lẽ không lâu đâu mà cũng có thể không được, nhưng tại sao lại cảm thấy 'thất vọng' và ngay cả nghi ngờ ? Bạn hãy tin tôi, chúng ta có thể cùng đi với nhau trên con đường nhọc nhằn. Ta chưa gặp nhau, mà nếu có thì nó phải theo và dựa vào 'các luật huyền bí như đá tảng cứng chắc bao quanh ta', và không hề vượt ra ngoài chúng, dù ta than vãn cay đắng ra sao ...
Phải, đám đông kẻ muốn nhập môn có thể kêu rêu mãi mãi Sesame để cửa mở, nhưng cửa sẽ không hề mở bao lâu mà họ đứng ngoài các luật này ... Hỡi bạn, đừng nghi ngờ, vì không phải ở chân núi mà chính nơi đỉnh 'núi đá cứng rắn', con người mới thấy đặng trọn vẹn Chân lý, với tầm mắt thấu đến chân trời bao la. Và tuy chúng có vẻ đứng chặn đường của bạn, đó là chỉ vì cho tới nay bạn vẫn chưa khám phá hay để ý tới cách luật tác động và nguyên do của nó; thế nên bạn cho là luật tỏ ra lạnh lùng, nhẫn tâm và ích kỷ, tuy bạn có đủ trực giác để nhận ra chúng như là kết quả của minh triết bao đời.
Dầu vậy, khi ai tuân theo luật, dần dần họ có thể uốn chúng theo mong muốn của mình, và luật sẽ cho họ tất cả những gì họ mong muốn nơi chúng. Nhưng không ai có thể phá luật mà không trở thành nạn nhân đầu tiên, tới mức bị rủi ro là mất đi sự bất tử của mình, ở đây và kia. Bạn nên nhớ: sự mong chờ thái quá chẳng những chán ngắt mà còn nguy hiểm nữa.  Mỗi nhịp đập ấm hơn và mau hơn của con tim làm sự sống hao mòn dần,  vì chúng làm thể xác suy yếu với năng lực bí ẩn của chúng, và người tìm Chân lý không được chìu theo những đam mê, xúc cảm. Ai muốn đạt mục tiêu, cần lãnh đạm. Họ cũng không được mong ước quá nồng nhiệt hay thiết tha với mục tiêu muốn đạt, bằng không chính sự ước muốn quá nồng nhiệt cản ngăn, hay làm chậm trễ sự hoàn thành mục đích ...
Bạn sẽ thấy trong số báotới (The Theosophist) hai bài mà bạn phải đọc, tôi không cần giải thích vì sao mà để cho trực giác bạn làm việc ... vì bạn là một trong số ít người hiểu được ẩn ý, mà có nhiều ẩn ý trong bài, thế nên bạn được kêu gọi chú ý đến bài 'Elixir of Life' và bài 'Philosophy of Spirit'. Bài trước có nhiều chỉ dẫn và giải thích, sự mơ hồ của nó có thể làm bạn nhớ tới cảnh ai đó rón rén tới gần người khác, vỗ nhẹ vào lưng họ rồi chạy đi ... vì chúng đến như kẻ trộm giữa khuya trong lúc ta ngủ, rồi quay trở lại, thấy không ai đáp ứng với đề nghị - là điều mà bạn than phiền trong thư gửi cho chúng tôi. Lần này bạn được báo trước, vì vậy, bạn thân mến, xin đừng than vãn nữa.
Bài hai ... thì tôi phải nói rằng trong số các 'tiên tri' người Anh hiện nay, W. Oxley là người duy nhất có cảm nhận về sự thật, nên vì vậy là người duy nhất xem ra giúp được cho phong trào của chúng tôi ... ông là người duy nhất có hiểu biết phần Tinh thần, khả năng và vai trò của nó sau khi lìa thể xác mà ta gọi là sự tử; hiểu biết ấy nói chung dù không đúng hoàn toàn, ít nhất cũng rất gần Chân lý. Hãy đọc nó khi báo ra, nhất là câu 3, cột 1, trang 152 và kế tiếp khi bạn tìm ra bài.
Khi ấy bạn có thể hiểu tại sao, thay vì trả lời câu hỏi trực tiếp của bạn tôi lại nói về một đề tài mà tính ra hoàn toàn chẳng có liên can gì đến bạn. Thí dụ hãy đọc định nghĩa của ông về chữ 'Thiên Thần' (ở hàng 30), và hãy ráng theo cùng thấu hiểu tư tưởng của ông, tuy luộm thuộm mà diễn tả đúng, và rồi so sánh chúng với chỉ dạy của Tây Tạng. Hỡi Nhân loại đáng thương, đến bao giờ Nhân loại mới có được Chân lý nguyên vẹn và thuần túy ?
Đoạn kế của thư bàn về vài nhân vật dùng thông nhãn quan sát cõi vô hình, trong đó theo ngài bà Kingsford là người mô tả sự kiện đúng thực không sai chạy nhất.
– Và tại sao ? Vì bà và nhóm của bà là người ăn chay nghiêm nhặt, còn người khác cũng có thông nhãn là người ăn thịt, uống rượu. Người theo thông linh học (Spiritualism) sẽ không bao giờ có thể tìm được đồng cốt và ai có thông nhãn (ngay cả ai chỉ có sơ sài) đáng tin, nói đúng nếu họ và nhóm của họ no đủ với máu thú vật và vô số bọt bèo của men rượu. Sau khi nhập thất trở về tôi thấy không sao thở được - ngay cả ở trụ sở Hội ! Đức M. phải can thiệp, bắt buộc trọn trụ sở phải bỏ thịt, và tất cả mọi người phải thanh tẩy, gột rửa kỹ càng với những thuốc tẩy khác nhau trước khi tôi có thể lấy thư của tôi ... Tôi không thể nào thực sự Hiện Diện ở đó, cho dù chỉ là việc ‘phóng chiếu - projecting’ Chừng một năm sau hay sớm hơn, có thể tôi thấy mình dạn dầy hơn như cũ. Lúc này thì bất khả - dù tôi làm gì đi nữa.
...
Có sự liên hệ đáng chú ý giữa khả năng thông nhãn chính xác và việc ăn chay nên ta sẽ nói thêm một chút về điều này. Về mặt bí truyền thì loài thảo mộc có vai trò là chuyển di và chuyển hóa sinh lực prana thành những dạng khác của sự sống trên địa cầu. Đây là vai trò thiêng liêng và độc đáo của nó. Sinh lực này ở cõi trung giới là phản ảnh của akasha, chất thiêng liêng phản ứng với mọi sinh hoạt của người. Nhìn về mặt khác, trong bẩy cõi thì cõi thứ hai từ trên đi xuống phản ảnh trong cõi trung giới là cõi thứ hai từ dưới đi lên.
Vậy thì, những ai muốn đọc Thiên Ảnh ký (Akashic Records) hay muốn làm việc ở cõi trung giới an toàn và nghiên cứu đúng đắn về hình ảnh các sự kiện phản chiếu nơi đây, bắt buộc phải theo cách ăn chay nghiêm nhặt, không có ngoại lệ nào. Do hiểu biết này từ thời châu Atlantis mà có đòi hỏi việc phải ăn chay, cũng như có sự thật và sức mạnh cho đòi hỏi ấy. Vì không tuân theo luật khôn ngoan này mà nhiều người có khả năng tâm linh hiện nay đã diễn giải sai lầm điều họ thấy ở cõi trung giới hay trong Thiên Ảnh ký, và mô tả sai lạc hoặc quá đáng về tiền kiếp.
Chỉ những ai đã ăn chay nghiêm nhặt mười năm trở lên mới có thể làm việc với Thiên Ảnh ký. Nếu cộng thêm với thể xác và thể tình cảm đã được thanh tẩy họ còn có trí tuệ phát triển, có sức chú ý, óc lý luận (rất hiếm khi có phối hợp các điều này), thì họ trở thành người diễn giải chính xác các hiện tượng nơi cõi trung giới. Sự ràng buộc của họ với loài thảo mộc vì vậy rất chặt chẽ và không thể gẫy đổ, và mối dây ấy sẽ đưa họ qua cánh cửa dẫn tới hình ảnh của việc nghiên cứu.
Nhưng trừ phi mục đích của việc ăn chay là để phụng sự ở mặt này, biện luận cho việc ăn chay cùng sự cổ võ cho lối dinh dưỡng ấy thường là vô ích, không thực tế. Bởi theo quan điểm của chân lý vĩnh cửu, con người ăn hay mặc thức gì sẽ được nhìn theo cách rất khác với của ai cuồng tín. Trọn vấn đề của việc giết hại, lấy mất đi sự sống (dù là của thú hay thảo mộc) là vấn đề lớn hơn ta biết, và cần được xem xét theo góc cạnh khác (không phải chỉ là theo mức độ khác mà còn là theo loại khác) so với việc lấy đi mạng sống của người. Trong con người có ba tính chất thiêng liêng tụ hội (tinh thần, vật chất và ngã thức), và không ai có quyền can thiệp vào vận mạng của con người. Còn khi vấn đề chỉ liên can đến hai tính chất thiêng liêng như thấy nơi các loài dưới người, thái độ có thể khác và sự thật khi lộ ra sẽ khác với điều mà trí óc nhỏ bé tin tưởng xưa nay.
Ta đi hơi xa, tuy nhiên đó là lý do khiến việc học hỏi Theosophia thú vị vì nó mở rộng tầm nhìn lẫn ý thức của con người.
Dường như ông Sinnett  hỏi ý ngài về bài ông viết in trong tờ The Theosophist vì ngài trả lời.
– Phải, quả thật tôi hài lòng với bài viết vừa rồi của bạn, tuy nó sẽ không làm hài lòng ai  theo Thông linh học. Tuy nhiên bài viết có nhiều triết lý hơn và nghe hợp lý hơn là thấy trong một tá bài trên tạp chí hết sức khoe khoang của họ.  Dữ kiện về sau sẽ tới. Như thế, từng chút, từng chút một, điều khó hiểu hiện nay sẽ tự nó trở nên hiển nhiên ngày mai, và nhiều câu có ý nghĩa bí ẩn sẽ chói sáng dưới con mắt linh hồn của bạn, như vật trong suốt, chói sáng trong sự đen tối của tâm trí bạn. Ấy là con đường của sự tiến bộ từ từ, một hay hai năm trước bạn có thể viết bài tuyệt diệu hơn mà không sâu sắc bằng.
Ngài đưa ra nhận xét về tờ báo của Hội:
– Vì vậy, hỡi bạn, xin đừng bỏ quên tờ báo khiêm nhường, hay bị cười chê của Hội, và cũng đừng để ý cho lắm tờ bìa lạ lùng, hay 'đống phân bón' trong báo - như lời phê bình hay dùng và quen thuộc với bạn ở Simla. Tốt hơn hãy để ý tới vài hạt ngọc minh triết và chân lý bí truyền thỉnh thoảng được tìm ra trong 'đống phân bón' ấy. Cách thức và việc xử sự của riêng chúng tôi thì lạ lùng và không thanh nhã - mà còn hơn thế ... Nhiều người chúng tôi sẽ bị người Anh lịch lãm của bạn nhìn lầm là kẻ điên rồ. Nhưng ai muốn thành người con của Minh Triết luôn luôn có thể nhìn ra bên dưới bề ngoài thô tháp. Tờ báo của Hội cũng y thế. Hãy xem vẻ ngoài bí ẩn của nó, nhiều lỗi về văn chương và nhiều sơ sót ... Nhưng ai biết được có bao nhiêu người, không chùn chân vì bề ngoài chẳng mầu mè của báo, hình thức thiếu mỹ thuật và những thất bại của tờ báo không phổ thông, tiếp tục lật từng trang, rồi ngày kia được thưởng công cho sự trì chí của mình ! Vào một lúc bất ngờ câu đầy ý nghĩa có thể hiện ra sáng chói trước mắt họ, mang lại sự sáng cho vấn đề làm họ thắc mắc đã lâu...
Với chính bạn, có thể một sáng đẹp trời nào đó chợt nhận ra trong báo giải đáp bất ngờ cho một 'giấc mơ' của bạn đã quên, xưa cũ, mờ nhạt, mà khi nhớ lại sẽ cho ra hình ảnh không xóa nhòa trong ký ức, không bao giờ phai lạt nữa. Tất cả những điều này là chuyện khả hữu và có thể xẩy ra, vì đường lối của chúng tôi là đường lối của 'Người điên'.
Thư có đoạn thú vị. Ta được dạy rằng mọi hành động, tư tưởng đều lưu lại trong thiên ảnh ký Akasha, nay Chân sư cho thí dụ:
– Tôi đọc lại thư của bạn gửi ngài M và nhiều lần khám phá cái bóng của gương mặt bạn ở bìa trắng trang thư, với ánh mắt nhiệt thành, dò hỏi; tư tưởng bạn đã phóng chiếu hình mình lên nơi mà bạn hướng tâm vào, điều mà bạn mong ước được có thêm chi tiết, chỉ dẫn, như lời bạn nói là 'khát khao' ...
Nói cho kỹ thì viết thư cho bạn không phải là việc làm không mãn nguyện, vì bạn biết dùng hết sức tốt đẹp những điều ít oi có thể lượm lặt chỗ này chỗ kia. Thực vậy, khi than phiền không hiểu được bài viết về huyền bí học, ấy chỉ vì giống như nhiều người khác bạn không tìm ra được chìa khóa để mở lối vào cách viết của tác giả bài. Để ý kỹ bạn sẽ thấy huyền bí gia thực tình không hề có ý che dấu học viên nhiệt tâm, quả quyết điều gì họ viết, mà đúng ra Huyền bí học được cất giữ trong một tủ sắt có chìa khóa chính là trực giác.  Mức sốt sắng và nhiệt tâm đi tìm ẩn ý trong kho tàng Minh triết  thường là thử thách cho biết họ đáng được nhận tới đâu kho tàng bị chôn kín dó....

Thư 50, 51, 52 - nhận khoảng 11 - 14.3.1882

Ba thư này được xét chung với nhau vì thời điểm và khung cảnh mà ông Sinnett  nhận chúng. Cả ba nói về cùng một sự việc, và nhận được tại Allahabad khi ông Olcott và một đệ tử tên Bhavani Rao đến nơi đây, ngụ nhà ông Sinnett vài ngày trong chuyến đi lên miền bắc Ấn, còn HPB ở tại Bombay. Vào ngày trước khi ông Sinnett  nhận thư 50, ông đã viết cho đức K.H. và đưa thư cho Bhavani Rao. Sáng hôm sau anh thấy thư trả lời dưới gối, anh giải thích là thư của ông đã được lấy đi vào tối hôm trước.
Chuyện xẩy ra là vào ngày viết thư này 11–3, khi về nhà buổi chiều ông thấy có vài điện tín gửi cho mình. Theo lời ông thì theo thường lệ chúng nằm trong phong bì dán kín trước khi được bưu điện phát ra, tất cả đều từ người mà ông có liên hệ kinh doanh. Tuy nhiên, bên trong một phong bì này ông thấy có một mẫu thư nhỏ xếp lại của đức M. Ông bảo 'Chỉ sự kiện thư được chuyển đi theo cách huyền bí vào trong phong bì dán kín tự nó là một hiện tượng', mà hiện tượng mẫu thư đề cập tới 'lại càng lạ lùng rõ ràng hơn.'
Ông viết trong quyển The Occult World (p.164–66):
– Mẫu thư làm tôi đi tìm trong phòng viết một mảnh thạch cao chạm nổi mà đức M vừa lập tức chuyển đến từ Bombay. Theo linh tính tôi đi ngay đến chỗ mà tôi cảm thấy là nhiều phần nó sẽ nằm đó, tức ngăn kéo bàn viết chỗ dành riêng cho việc trao đổi thư từ theo cách huyền bí. Đúng y vậy, tôi thấy một góc thạch cao bị vỡ với chữ ký của ngài in trên đó.
Tôi lập tức gửi điện tín cho Bombay hỏi có việc gì đặc biệt vừa xẩy ra chăng, và ngày hôm sau nhận được hồi đáp là ngài làm vỡ một hình bằng thạch cao, và mang đi một mảnh. Sau đó tôi nhận được bản xác nhận chi tiết từ Bombay với chữ ký của bẩy người xác nhận tất cả những điểm quan trọng.
Vắn tắt thì bản xác nhận ghi rằng nhiều người ngồi quanh bàn ăn uống trà ngoài hàng hiên chỗ ở của HPB. Mọi người nghe có tiếng động lớn như thể có vật rơi xuống vỡ tan đằng sau cửa phòng viết của bà, khi ấy phòng trống không có ai. Tiếp theo là một tiếng động khác lớn hơn nữa, và tất cả ùa vào tới phòng viết. Ở đó, ngay sau cánh cửa họ thấy trên sàn khuôn thạch cao Paris của một bức tranh bị vỡ làm nhiều mảnh. Vòng dây sắt của tranh còn nguyên, không bị cong. Những mảnh thạch cao được xếp trên bàn và thấy là thiếu một mảnh, tìm mà không thấy. Một chốc sau HPB vào phòng và khoảng một phút sau cho mọi người đọc mẫu thư  với chữ viết và chữ ký của đức M, ghi rằng ngài mang mảnh thạch cao bị mất về Allahabad, và bà nên thu nhặt các mảnh còn lại và giữ kỹ chúng.
Ông Sinnett ghi tiếp rằng sự kiện mảnh mà ông nhận được ở Allahabad 'quả thật là mảnh còn thiếu của khung bị vỡ ở Bombay ' được chứng thực vài ngày sau đó, 'vì tất cả những mảnh còn lại ở Bombay được cẩn thận gói lại và gửi cho tôi, và bìa nham nhở của mảnh tôi nhận ráp vừa khít với bìa của góc bị mất, và tôi có thể xếp các mảnh lại với nhau thành khung trọn vẹn'.
Sau khi nhận được thư 50 qua Bhavani Rao, hôm sau ông viết cho đức K.H. thư nữa, nghĩ là có thể dùng cơ hội thuận lợi là sự có mặt của ông Olcott và Bhavani Rao vào tối ngày 13-3. Hôm sau ngày 14 ông nhận được thư rất ngắn của ngài K.H. là thư 52. Sau đó, khi ngài có thể trả lời dài hơn là thư 54, ông hiểu là phương tiện giới hạn có vào lúc ấy đã cạn và đề nghị của mình không thể thực hiện được. Tuy nhiên ông nói điều quan trọng của trọn câu chuyện là, khi xem xét mọi mặt, ông đã trao đổi thư với ngài K.H. trong vòng vài tiếng đồng hồ, vào lúc mà HPB ở Bomb bay, phía bên kia đất Ấn.

Thư 50 - nhận tại Allahabad 11-3.

Bạn thân mến,
Chúng tôi rất dễ tạo bằng chứng về hiện tượng khi có điều kiện cần thiết. Chẳng hạn từ lực của ông Olcott sau sáu năm thanh tẩy đã hòa hợp mạnh mẽ với chúng tôi, mặt thể chất và đạo đức càng ngày càng hợp nhiều hơn. Damodar và Bhavani Rao do bẩm sinh hòa hợp, hào quang của cả hai cũng phụ  vào, thay vì tống xuất và ngăn trở việc làm hiện tượng. Sau một thời gian bạn cũng có thể trở thành như thế, tùy ở nơi bạn mà thôi. Cưỡng ép để tạo hiện tượng khi có khó khăn về từ lực và những mặt khác là điều tối kỵ, cấm ngặt như nhân viên thu ngân ở nhà băng phát tiền được tín thác cho họ.
Ông Hume không hiểu được chuyện này, và do vậy 'tức giận' là các thử nghiệm khác nhau mà ông bí mật soạn cho chúng tôi đều bị hư. Chúng đòi hỏi phải chi ra năng lực gấp mười lần vì ông bao quanh chúng bằng hào quang không thanh khiết, chứa đầy lòng nghi ngại, giận dữ, và chế nhạo sắp sẵn. Ngay cả việc làm điều này cho bạn ở cách xa trụ sở Hội cũng sẽ không thể được, nếu không có từ lực mà ông Olcott và Bhavani Rao mang đến với họ, và tôi không thể làm nhiều hơn.
K.H.

Thư 51
Do bà Sinnett nhận được trong khoảng 11-13 tháng 3. Theo đó ngài K.H. gửi bà một lọn tóc của ngài để bà đeo hộ thân. Bà không được mạnh khỏe cho lắm và phải tiếp tục ở lại Anh một thời gian, để ông Sinnett quay trở lại Ấn trước bà hồi đầu năm.

Kính gửi bà Sinnett,
Hãy mang lọn tóc cất trong túi vải ..., bên dưới nách trái một chút dưới vai trái. Hãy theo lời khuyên mà ông Olcott sẽ cho bà hay. Nó tốt và chúng tôi không phản đối. Đừng chất chứa trong lòng cảm xúc không tốt ngay cả với kẻ thù và ai làm quấy với bà: vì lòng ghét bỏ tác động như thuốc độc, và có thể làm hư ảnh hưởng của ngay cả tóc này.
K.H.

Thư 52 - nhận 14-3-1882.
Impossible: no power. Will write thro' Bombay.
Không thể được: không có năng lực. Sẽ viết ở Bombay.
K.H.

Thư 53 – viết ngày 17-3-1882.
Đây là thư của HPB gửi ông Sinnett, ta trích ra hai đoạn đặc biệt nói tới con người tâm linh hay con người thật của HPB, và việc ông Sinnett ước ao được gặp đức K.H., vì điều sau này có liên hệ đến các thư kế tiếp. Không rõ vì lẽ nào các sách lại xếp thư của bà vào loạt thư Chân sư gửi ông Sinnett.
... Thầy tôi (đức M.) cho hay có một diễn biến mới sắp đến cho chúng tôi. Ngài và đức K.H. bàn tính với nhau và chuẩn bị làm việc, hai ngài bảo thế. Tính đến tháng 11 thì chúng tôi còn được vài tháng (1), và nếu từ đây tới đó mà chuyện không hoàn toàn tốt đẹp, và không có điều mới mẻ cho Tình Huynh đệ Đại đồng cùng Huyền Bí học, thì chắc chúng tôi phải bỏ cuộc.
... Nào, ông thực sự nghĩ là ông biết TÔI ư, ông Sinnett  ? Ông tin như thế vì nghĩ là đã dò dẫm qua lớp vỏ bên ngoài và trí não tôi hay sao ? Nếu vậy thì ông rất lầm ... Ai cũng cho rằng tôi không trung thực vì cho tới nay tôi chỉ trưng ra cho thế giới thấy phần bên ngoài của bà Blavatsky ... Tôi muốn nói rằng ông không biết về tôi, vì bất cứ điều gì nằm bên dưới vỏ ngoài, nó không phải là điều ông nghĩ nó là, và phán xét rằng tôi không trung thực thì đó là sai lầm lớn nhất trong đời, chưa kể nó còn là sự bất công trắng trợn. Tôi (con người thật bên trong) ở trong nhà tù và không thể lộ ra con người thật của mình như mong muốn ...
Nhưng tất cả những điều này ông coi chỉ là sự bực bội, và sẽ nói 'Bà lại điên rồi’. Hãy để tôi tiên đoán là rồi sẽ có ngày ông cáo buộc là ngài K.H. cũng đã lừa dối ông, vì không cho ông hay điều mà ngài không có quyền nói cho ai khác biết.. Phải, ông cũng sẽ trách móc ngay cả ngài, vì ông luôn luôn nuôi hy vọng thầm kín là ngài có thể có biệt lệ cho ông...
Tại sao thư này có vẻ như gắt gỏng vô ích ? Vì ngày giờ đang tới gần, và sau khi đã nỗ lực làm điều phải làm, tôi sẽ rút lui khỏi xã hội tây phương thanh lịch và mất dạng ...
Tốt hơn đừng giận về những gì tôi nói hay làm; tôi nói với ông như là bạn, bạn thật lòng, là bao lâu mà ông không thay đổi cách sống thì không mong có biệt lệ.

(1) Tháng 11-1882 là Hội được 7 tuổi, trải qua bẩy năm đầu tiên kể từ ngày thành lập và giai đoạn ấy được xem là sự thử thách. Lời ghi trong thư cho thấy làm như HPB gặp nhiều căng thẳng trong lúc này; nếu Hội như cuộc thí nghiệm bị thất bại sau bẩy năm, bà đã làm hết sức mình và không còn làm gì thêm được nữa nên sẽ rút lui. Ta không rõ bà bị áp lực tới bực nào.
Con người thật của HPB luôn là điều bí ẩn từ khi đó tới nay, có nhiều tìm hiểu về điều này từ lúc ấy tới giờ mà tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán. Điều ta có thể nói khá chắc chắn là thân xác HPB chỉ là phương tiện cho con người thật bên trong sử dụng, và con người thật này theo các suy luận là một vị Chân sư, hay vị đạo đồ cao cấp hay một đại đệ tử thì không ai biết.
Chót hết, một điểm được nhấn mạnh trong mấy thư qua là muốn tạo hiện tượng, cùng được diện kiến đức K.H. mà ông Sinnet luôn tỏ ý mong muốn, thì cần hội đủ một số điều kiện như khung cảnh có từ lực thuận lợi. Chân sư cho biết điều không thích hợp ở nhà ông một phần là do thói quen uống rượu:
– Bầu không khí trong nhà kinh khiếp quá. (PST 65, t.16)
Nay HPB khuyến cáo ông Sinnett lần nữa trong đoạn chót của thư trên.
Thư này nói nhiều về sự kiện có các luật trong huyền bí học mà người ta phải tuân theo. Phần lớn người đời dường như tin rằng chỉ cần hô câu thần chú như trong chuyện cổ tích 'Ali Baba - 1001 Chuyện' là 'Mè ơi, mở ra', thì cửa sẽ mở cho họ bước vào huyền bí học, nhưng thư ghi điều ấy không thể xẩy ra khi con người không tuân theo luật.

 Thư 54
Đây là thư 'sẽ viết từ Bombay' mà đức K.H. hứa trong thư 52. Thư này là thư đầu cho loạt sự kiện được nói đến trong các trao đổi về sau nên ở đây ta chỉ ghi vắn tắt, và dành phần giải thích kỹ khi tới đúng chuyện. William Eglinton người Anh, có tài đồng cốt và các Chân sư hy vọng có thể làm việc cùng ông để giúp quảng bá Theosophy và khiến Hội được công chúng chú ý hơn. Eglinton qua Ấn cũng có phần nào mong muốn được gặp các ngài. Vì vậy trong thư  HPB ở trên số 53, bà có chuẩn bị cho phản ứng của ông Sinnett nếu ông Eglinton được tiếp xúc với các ngài, mà ông Sinnett  cho tới nay vẫn chưa được duyên may đó. Những chữ trong ngoặc  '...' dường như là được ngài trích từ thư ông Sinnett.
– Bạn không hiểu rõ hết ý trong mẫu thư ngắn ngày 11 - 3 của tôi, bạn à. Tôi ghi là dễ tạo hiện tượng khi có những điều kiện cần thiết, nhưng dù sự có mặt của ông Olcott và Bhavani Rao tại nhà bạn đã cho cơ hội dùng lực, nó vẫn chưa đủ cho thí nghiệm mà bạn đề ra.
Bạn cho rằng đề nghị ấy hợp lý và tôi không trách là bạn đã hỏi xin. Có thể tôi cũng mong bạn có các thí nghiệm ấy để được thỏa nguyện cho riêng bạn, mà không phải để cho công chúng, vì như bạn biết, sự tin tưởng trong những trường hợp như vầy phải bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân. Chứng cớ gián tiếp (không do chính mắt thấy tai nghe) không hề thực tình làm mãn nguyện một ai, trừ đầu óc nào dễ tin (hay đúng hơn là không chút nghi ngờ).
Không ai theo Thông linh học khi đọc sách của bạn kể về các thí nghiệm mà bạn nêu ra với tôi sẽ gán cho các sự kiện điều gì khác hơn là đồng bóng, và bà nhà cùng bạn không chừng bị họ gộp chung vào các yếu tố của việc ngồi đồng. Nghĩ thử đi ! Không, hãy kiên nhẫn chờ đợi, bạn đang chậm chạp thu lượm tài liệu mà ở đây chúng tôi gọi là chân hiểu biết, và hãy sử dụng nó tối đa. Không phải hiện tượng vật chất sẽ làm con tim của ai không tin vào 'Nhóm Huynh Đệ' (chữ của ông Sinnett  chỉ các Chân sư) hóa ra tin tưởng, mà đúng ra  hiện tượng về trí tuệ, triết lý và luận lý mới làm được vậy...
Bạn không ý thức được rằng nếu không nhờ trí não ngoại lệ của bạn và sự giúp đỡ từ đó mà ra, hẳn ngài Chohan (đức Văn Minh MahaChohan) đã đóng cửa liên lạc giữa chúng ta với nhau từ lâu sao ? Phải, hãy đọc và học hỏi, bạn thân mến, ấy là mục tiêu nhắm tới. Bạn có vẻ bực dọc, thất vọng khi đọc những chữ trong thư 52.
"Impossible: no power here. Will write thro' Bombay." (Chân sư thêm chữ 'here'.)
Không thể được: không có năng lực ở đây. Sẽ viết ở Bombay.
Với tình trạng của tôi hiện giờ, tám chữ ấy sẽ khiến tôi phải tĩnh dưỡng tám ngày mới lại sức, nhưng bạn không hiểu tôi muốn nói gì, bạn không có lỗi chi cả.

Đoạn thư sau cần giải thích để ta nắm đúng ý. Lúc mới thành lập Hội các vị sáng lập dự tính có ba cấp hội viên, cấp một là hội viên thông thường, cấp hai là các đệ tử và ai tiếp xúc với các ngài, và cấp ba là các Chân sư. Có vẻ như ông Sinnett  bàn về cấp hai và đức K.H. viết:
– Bạn không thể tránh được khó khăn trong việc soạn chương trình cho 'các cấp'. Tôi muốn bạn soạn thủng thẳng, chừng nào rảnh hãy làm. Vì cho dù không thành công trong việc soạn chương trình thích hợp cho nhu cầu của Á châu và Âu châu, bạn có thể nghĩ ra điều tốt cho nơi này hay kia, và rồi ai khác có thể bổ túc phần còn thiếu. Nói chung người Á châu rất nghèo và trong lúc thiếu thốn này sách vở thật khó kiếm cho họ, nên bạn có thể thấy rõ làm sao một kế hoạch cho việc trau luyện trí năng -  để chuẩn bị cho thí nghiệm thực tiễn nhằm khai mở quyền năng tâm linh nơi chính họ - phải được suy tính khác đi.
Thời xưa, nhu cầu này được vị Guru cung cấp, ngài hướng dẫn người chela (đệ tử) qua những khó khăn của tuổi thơ và thiếu niên, và giảng dạy theo khẩu truyền, cho đệ tử hiểu biết - bằng với, hay nhiều hơn hiểu biết qua sách vở - để có tăng trưởng trí tuệ và tâm linh. Nhu cầu  có một 'người hướng dẫn, triết gia, và bạn' (mà ai xứng đáng với cả ba danh hiệu này ?) không thể nào cung ứng được, cho dù bạn cố gắng thế mấy đi nữa. Tất cả điều bạn có thể làm là chuẩn bị phần trí tuệ, còn thì cái động lực hướng tới việc 'trau luyện linh hồn' phải do chính đương sự mà ra. May mắn biết bao cho ai có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của ảnh hưởng đương thời và vượt lên trên bầu không khí !
... Chuyện có thể làm bằng cách áp dụng phương pháp của hàng La hán, nhà Yogi hay người Sufi; trong mỗi nhóm huyền học như vậy đã từng có nhiều người không hề biết đọc hay viết (thí dụ là tương truyền thì tổ Huệ Năng mù chữ). Nếu không có ý thức tâm linh thì không trau luyện nào có thể mang lại điều ấy. Và trường lý thuyết cao nhất mà cũng thực tiễn nhất thuộc loại này là trường mà chúng tôi - kẻ trao đổi thư từ với bạn - được dạy dỗ.
Tất cả những điều nói trên được ghi ra không phải để khiến bạn nản lòng, mà như là sự kích thích. Nếu bạn đích thực là người Anh thì không trở ngại nào làm giảm nhiệt tâm của bạn; và trừ phi mắt tôi nhìn không rõ thì tận căn bản ấy là tư cách của bạn. Với mọi người chí nguyện, chúng tôi chỉ có lời này: RÁN  THỬ.
Nay, trở lại cái cười của bạn hồi tháng 9 vừa qua về các nguy hiểm tưởng tượng cho ai sinh ra hiện tượng, nguy hiểm gia tăng tỉ lệ với mức to lớn của hiện tượng sinh ra, và việc không thể nào bác bỏ nó. Hãy nhớ lại đề nghị thí nghiệm của bạn là mang tờ Times tới đây (ông Sinnett  có đề nghị này khi mới trao đổi thư với các ngài năm 1880). Bạn à, nếu một hiện tượng chẳng đáng (so với điều có thể làm được) mà ông Eglinton làm đã gợi nên sự ghét bỏ mạnh mẽ dường ấy, khiến ông có thể bị tù vì làm chứng gian, thì số phận của 'Lão Phu Nhân' ( chỉ HPB) sẽ là gì ! Các bạn vẫn còn là dân bán khai dù nền văn minh của bạn được khoe khoang ra sao đi nữa.
Và nay nói về ngài M. (phần này hoàn toàn giữa bạn với tôi và bạn phải không hé môi lời nào với bà Gordon). Ông Eglinton hôm trước sửa soạn rời Ấn và khiến bà Gordon (1) lo ngại rằng bà đã bị gạt gẫm, rằng không có 'Huynh Trưởng' nào (các Chân sư), vì ông Eglinton bác bỏ sự hiện hữu của các ngài. Rồi tuần qua, ngài M. ra tay và kết quả là có sự nhìn nhận bất ngờ về sự hiện hữu ấy. Bài học rút ra từ trên, cho bạn và nhiều người khác, có thể hữu ích trong tương lai, sự việc phải tăng trưởng và phát triển (2).

K.H.

1. Trung tá Gordon và phu nhân ông là hội viên tại Ấn và là các người bạn trung thành của HPB, ta sẽ gặp lại bà Gordon trong các thư sau.
2. Như ta sẽ thấy trong các thư sau.
Sách tham khảo:
– Esoteric Psychology vol 1, A.A.Bailey