THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)
Thư 45 - nhận tháng hai, 1882
Những thư trước cho thấy đức K.H. đã xong kỳ nhập thất, tuy nhiên ông Sinnett không biết ngài có liên lạc với ông hay chưa nên ông tiếp tục viết cho đức M. Trên nguyên tắc nay đức K.H. sẽ đảm nhận trở lại việc trao đổi thư từ với ông Sinnett, nhưng đức M. tỏ ra rất nhân hậu và trả lời thư này. Tính đến ngày 17-11-1882 Hội sẽ thành lập được bẩy năm, ngài viết về các quyết định ban đầu giữa các Chân sư về việc thành lập Hội, và ta phải chịu ơn hai vị sáng lập ra sao.
– Thư bạn gửi cho tôi, vì bạn không biết là ngài K.H. đã viết thư cho bạn trở lại. Dầu vậy, vì thư viết cho tôi nên tôi sẽ trả lời ... Một hay hai Vị trong các Chân sư hy vọng là thế giới đã tiến xa về mặt trí tuệ nếu không phải là mặt trực giác, nên triết lý huyền bí không chừng được sự chấp thuận của giới trí thức, và cho ra động lực để khởi đầu một chu kỳ mới cho việc nghiên cứu huyền bí. Nhiều Vị khác, nay thấy là khôn ngoan hơn – có suy nghĩ khác, nhưng đồng ý cho làm thử nghiệm.
Dầu vậy, điều kiện đưa ra là cuộc thử nghiệm phải hoàn toàn độc lập không chịu sự lèo lái của chúng tôi; và không có sự can dự khác thường nào của chúng tôi. Vì vậy khi tìm kiếm chung quanh, chúng tôi thấy ở Mỹ châu một người có thể là lãnh tụ, có lòng can đảm đạo đức lớn lao, không ích kỷ và nhiều đức tính khác. Ông không phải là người giỏi nhất tuy nhiên (như ông Hume nói về trường hợp H.P.B ông là người khá nhất có được lúc này). Để làm việc chung với ông, chúng tôi chọn một phụ nữ có khả năng đặc biệt và tuyệt vời. Bà có những khuyết điểm cá nhân mạnh mẽ, nhưng với con người của bà thì hiện tại không có ai hợp với công việc này hơn.
Chúng tôi gửi bà sang Hoa Kỳ, mang hai người lại với nhau và cuộc thử nghiệm bắt đầu. Ngay từ phút tiên khởi cả bà và ông được cho biết rõ ràng là sự việc hoàn toàn nằm trong tay họ. Cả hai hiến mình cho cuộc thử nghiệm để đổi lấy phần thưởng trong tương lai xa xôi - như ngài K.H. nói – là chiến sĩ tình nguyện cho một Hy vọng Mong manh.
Trong 6 năm rưỡi họ đã chật vật chống chọi lại những khó khăn hẳn sẽ làm bỏ cuộc ai mà không làm việc với sự tuyệt vọng của người đánh cá sự sống và hết mọi phần thưởng cho nỗ lực cùng cự vô vọng. Thành công của hai người không tương xứng với hy vọng của những ai ủng hộ họ ban đầu, tuy về vài mặt nó thật là phi thường.
Trong vài tháng nữa giai đoạn dự bị sẽ chấm dứt, nếu tới khi ấy quan điểm của Hội về chúng tôi tức các 'Huynh Trưởng', không được dứt khoát rõ ràng, (hoặc gạt bỏ ý niệm trong chương trình của Hội hoặc chấp nhận theo điều kiện của chúng tôi) các 'Huynh Trưởng' sẽ không còn trong Hội. Chúng tôi sẽ rút lui khỏi sự chú ý của công chúng như hơi nước tan biến vào đại dương. Chỉ những ai đã tỏ ra trung thành với chính mình và với Chân Lý trong hết mọi chuyện mới được phép có tiếp xúc thêm với chúng tôi. Mà ngay cả những người này, từ vị Hội Trưởng trở xuống, cũng không được vậy, nếu họ không giữ lời hứa danh dự theo cách nghiêm chỉnh nhất là giữ mật, mà không điều gì vi phạm được, về chúng tôi ... ngay cả việc không trả lời bạn bè thân thiết nhất của họ, tuy sự lặng thinh nhiều phần làm sự việc có vẻ như 'giả mạo' so với bao chuyện đã xẩy ra. Trong trường hợp ấy, nỗ lực sẽ ngưng lại cho tới khi một chu kỳ bẩy năm khác khởi đầu, và nếu khi ấy tình hình tỏ ra thuận lợi hơn, sẽ có một cố gắng nữa theo cùng đường lối hay khác.
Vài điểm đáng chú ý trong thư:
– Luật chu kỳ được đề cập qua việc sinh hoạt của Hội đi theo từng chặng bẩy năm với mỗi chặng có thử thách của riêng nó, và tiến bộ có hay không tùy theo đáp ứng của Hội, tức tập thể hội viên.
– Cách làm việc của người đệ tử được thấy qua hai nhân vật chính trong Hội là ông Olcott và H.P.B. Hai vị được cho thấy việc cần làm (là thành lập Hội) và rồi phải tự mình thực hiện mà không thể trông mong vào sự trợ giúp của ai. Đôi khi có hiểu lầm và người ta thụ động chờ đợi có 'lệnh', trong khi thực ra người chí nguyện cần tạo cơ hội và mạnh dạn thực hiện điều anh thấy là cần làm.
Thư 46 - nhận tháng hai, 1882.
Nhiều phần là thư này tiếp theo thư 44, gồm thắc mắc của ông Sinnett và trả lời của đức M. về vũ trụ học. Ta không bàn các chi tiết vì đề tài thích hợp cho việc nghiên cứu cá nhân hơn là trình bầy trên trang báo chung cho mọi người, ở đây chỉ xin nói đến một số điểm ngoài lề.
– Chân sư tỏ ra rất 'người', đức M. ghi: Tôi mong bạn đọc được thư tôi không khó lắm so với trước đây. Tôi đã viết chữ dễ đọc hơn từ khi ngài K.H. trách là tôi đã làm bạn mất thì giờ quí báu với chữ như gà bới của tôi.Lời trách đúng lắm, và nay như bạn thấy, tôi đã sửa lỗi của mình.
– Vấn đề có chung từ ngữ cho đề tài trừu tượng được Chân sư đặt ra, “Bạn cần phải có thỏa thuận về chữ dùng khi thảo luận về cuộc tiến hóa theo chu kỳ. Từ ngữ của chúng tôi không thể dịch được, và dokhông có được hiểu biết rõ ràng về trọn hệ thống của chúng tôi (điều không thể tiết lộ cho ai ngoài các vị đạo đồ) bạn sẽ không có nhận thức rõ rệt gì, và chúng chỉ làm hoang mang, thí dụ như chữ 'Linh hồn – Soul' và 'Tinh thần – Spirit' như tất cả ai viết chuyện tâm linh mắc phải, nhất là ai theo Thông linh học – Spiritualism”.
– Không phải người bản xứ nào cũng sẵn lòng chỉ dẫn hiểu biết bí truyền hay MTTL cho người tây phương. Thí dụ như ông Subba Row người Ấn, là luật sư và là đệ tử đức M. Nể lời ngài ông có chỉ dẫn đôi điều về MTTL cho hai ông Sinnett và Hume, tuy nhiên ông không tỏ ra sốt sắng cho lắm. Đức M. an ủi ông Sinnett:
“Bạn phải tỏ ra kiên nhẫn đối với Subba Row.Hãy cho ông có thì giờ. Nay ông đang trong giai đoạn lặng yên và không muốn bị quấy rầy. Tôi sẽ kêu ông đừng quên bạn, nhưng ông rất ghen tị và xem dạy triết lý bí truyền cho người Anh là phạm thánh”.
Thư 47 - nhận tháng hai, 1882.
Đây là thư đầu tiên của đức K.H. cho ông Sinnett sau khi nhập thất trở về.
Bạn thân mến,
Tôi vừa trải qua cuộc hành trình dài để tìm hiểu biết tối thượng, và đã nghỉ ngơi một khoảng thời gian dài. Rồi khi trở về, tôi phải dành hết thì giờ cho nhiệm vụ ... Nay mọi việc đã xong ... Nói chung đây là phút đầu tiên tôi được rảnh rỗi và tôi dành cho bạn, cái tôi bên trong của bạn làm hòa tôi với con người bên ngoài thường hay quên rằng vĩ nhân là người rất giỏi trong việc sử dụng sự nhẫn nại.
Hãy nhìn chung quanh Bạn; có ba 'độc chất' ngăn chận sự nhìn thấy Chân lý: nóng giận, dục vọng và huyễn tưởng. Hãy nhìn chung quanh Bạn; có năm bóng tối che lấp Chân lý: ganh tị, đam mê, lảo đảo, lười biếng và nghi ngờ. Con người sẽ không hề bỏ được sự ô nhiễm của tâm tánh kênh kiệu, xấu xa, không nhận ra phần tinh thần trong lòng mình. Bạn sẽ cố gắng tháo gỡ mình khỏi lưới sinh tử mà ai ai cũng vướng mắc – chỉ để rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta – và bớt đi sự thèm muốn, dục vọng chứ ?
Chỉ tới bây giờ tôi mới có thể viết cho bạn. Cùng lúc, tôi xin nói là trao đổi thư từ với bạn nay khó hơn khi trước, tuy lòng quí chuộng của tôi với bạn tăng nhiều hơn thay vì giảm đi như bạn lo ngại, và nò sẽ không bớt đi trừ phi do hành động của chính bạn.
Tôi biết rõ là bạn sẽ cố tránh gây ra trở ngại nào như thế, nhưng nói cho cùng thì con người là nạn nhân của khung cảnh chung quanh khi sống trong bầu không khí của xã hội. Chúng tôi có thể mong muốn làm bạn vì lợi ích (do ông Sinnett có thể giúp quảng bá Theosophy trong tầng lớp trí thức của xã hội Anh) , mà lại bất lực không làm được vậy. Nó tựa như ai thấy bạn ngụp lặn trong biển giông tố mà không có tầu bè nào gần đó để thả xuống nước ra khơi, và sức lực của mình thì bị tê liệt vì một bàn tay mạnh hơn kềm giữ lại.
Phải, tôi thấy được ý nghĩ của bạn ... nhưng bạn sai rồi.Đừng trách cứ vị thánh nhân vì ngài chỉ làm nhiệm vụ của mình cho nhân loại. Nếu không có đức Văn Minh và ảnh hưởng chế ngự của ngài, hẳn lúc này bạn không được đọc thư của tôi. Cõi phàm (của người trần) nghịch với cõi núi non (chỗ của các Chân sư), bạn biết điều ấy nhưng điềubạn không biết là mối nguy hại lớn lao mà bạn đã vô tình gây nguy hại do thiếu kín đáo.
Ngài vạch ra cho ông thấy là trong một thư trước, ngài có bàn về một nhân vật quen biết với ông Sinnett và ông trích lời nhận xét này để gửi cho họ. Kết quả là nhân vật phật lòng với ý kiến của ngài, và muốn hủy hoại chi bộ London.
Ngài cho biết tình thế có thể được cứu vãn, nhưng ông phải là người đầu tiên khởi công và cần suy nghĩ kỹ nếu muốn có thêm liên lạc với ngài:
– Tôi có thể lại gần bạn hơn, nhưng bạn cần thu hút tôi bằng cái tâm trong sạch, bằng cái ý chí gia tăng. Giống như cây kim la bàn, vị đạo sư đi theo điều chi hấp dẫn ngài.
Tựa như giây tương giao của người trần tỏ ra quá yếu ớt không thể gọi trở lại 'linh hồn' của ai đã khuất, trừ phi có ái tính hỗ tương còn sống sót như là một lực ở cõi trần, thì chỉ có tình bạn hoặc ngay cả lòng nhiệt thành cũng quá yếu ớt không thu hút được 'Thánh nhân' đã vượt qua giai đoạn trên đường mà người kêu gọi ngài bị bỏ lại, trừ phi có sự phát triển song song.
Ý muốn nói đức K.H. sau kỳ nhập thất đã bước thêm một chặng trên đường phát triển tinh thần, và nếu ông Sinnett không có phát triển tương đương thì giữa hai vị có khoảng cách.
Thư này cho hiểu biết về liên hệ giữa vị chân sư và đệ tử, cùng vài đòi hỏi cho ai muốn được nhận làm đệ tử. Trước hết ngài viết:
– Đức M. đã nói rõ rệt và thành thật là: Lòng Từ bi đối với toàn thể nhân loại là nguồn cảm hứng hằng gia tăng của ngài; và nếu có ai muốn ngài chú ý đến mình, họ phải vượt trội lòng từ bao khắp này bằng một lực khác mạnh hơn.
Như vậy, hiển nhiên một điều kiện của việc làm đệ tử là có lòng từ mạnh mẽ đối với nhân loại. Kế tiếp, thư đặc biệt có những lời an ủi và khuyến khích ông Sinnett. An ủi, vì như đã ghi trong các bài trước, ông Sinnett luôn ôm ấp hy vọng là được diện kiến Chân sư. Mong ước đó tới nay vẫn chưa được thỏa mãn và Chân sư nhận xét:
– Tôi nói tất cả những điều này không phải vì nội dung của nó chưa được nói cho bạn nghe trước đây, mà vì tôi đọc được tâm bạn và khám phá có chút buồn rầu phảng phất trong đó, tuy không phải là sự thất vọng. Bạn đã có trao đổi thư từ khác (với Chân sư M) mà vẫn không hoàn toàn mãn nguyện.
Vì vậy, để làm bạn vui tôi viết cho bạn và cố gắng xin bạn giữ tâm trí hân hoan vui vẻ. Hỡi bạn tốt và trung thành, những cố gắng, hoang mang và lo lắng của bạn đều được ghi nhận ... Tuy chưa phải là một đệ tử, nhưng bạn đã bước vào vòng công tác của chúng tôi, bạn đã băng qua lằn ranh huyền bí phân cách thế giới của bạn với thế giới chúng tôi ... và cho dù hai chúng ta có gặp nhau mặt đối mặt trong thể xác nặng nề hay không, chuyện không tránh được là bạn gặp chúng tôi trong cõi thực ...
Đặc biệt trong mấy tháng qua, khi bộ óc mệt mỏi của bạn chìm sâu trong giấc ngủ mê man, linh hồn nhiệt thành của bạn thường đi tìm tôi, và giòng tư tưởng của bạn thường đập vào vòng rào che chở tôi như các lượn sóng nhỏ đập vào bờ đá. Điều mà 'cái tôi bên trong', nóng nẩy, lo lắng, mong muốn kết chặt nó vào thì con người trong thể xác ở cõi trần không ưng thuận; sự ràng buộc của đời vẫn còn mạnh như dây xích sắt. Quả thật vài mối liên kết ấy thuộc loại thiêng liêng và không ai kêu bạn cắt lìa chúng.
Ở cõi thấp này còn có ngành hoạt động mà bạn ưa thích từ lâu và sự hữu dụng của bạn. Thế giới của chúng tôi không hề là gì hơn cõi mộng rực rỡ đối với người rất 'thực tế', và nếu trường hợp của bạn phần nào là biệt lệ thì ấy là do tâm hồn bạn có ước vọng sâu xa hơn người khác, những ai vẫn có tính 'rạch ròi phân minh' hơn, ai mà sự hùng biện nằm trong đầu óc hơn là quả tim, và tâm chưa hề tiếp xúc với tâm thanh tịnh của đức Phật.
Ngài an ủi ông:
– Bạn thân mến, nếu ít khi bạn có thư của tôi thì chớ bao giờ thất vọng mà nói 'Ấy là lỗi của tôi'. Thiên nhiên kết hợp mọi thành phần của Vương quốc mình bằng những sợi dây từ điện tế nhị của thiện cảm.Có cả một sự liên hệ giữa một vì sao với từng cá nhân. Tư tưởng bay mau hơn điện và tư tưởng bạn tìm được tôi, nếu nó được phóng ra với một động lực tinh khiết. Cũng như tư tưởng tôi sẽ tìm, gặp và thường nhập vào tâm trí bạn.
Chúng ta có thể sinh hoạt trong các vòng hoạt động phân cách với nhau, nhưng không hoàn toàn tách biệt nhau. Giống như người leo núi đứng trên đỉnh núi thấy ánh đèn trong thung lũng tối, hỡi bạn, mỗi tư tưởng nổi bật trong trí bạn sẽ lóe sáng và thu hút sự chú ý của thân hữu xa xôi của bạn và cũng là người trao đổi thư từ với bạn. Nếu được vậy thì chúng tôi tìm được dồng minh tự nhiên của chúng tôi trong cõi trần mờ ảo, là thế giới của bạn và là thế giới bên ngoài khu vực của chúng tôi.
Luật của chúng tôi là đến với mỗi tư tưởng như thế cho dù chỉ có lóe mập mờ thật yếu ớt của ánh sáng 'Phật tính' chân thật trong tâm họ, vậy bạn thu hút chúng tôi dễ hơn biết chừng nào. Hãy hiểu điều ấy và việc thu nhận vào Hội những ai mà bạn không ưa thích sẽ không còn làm bạn thấy lạ lùng. Câu 'Ai lành mạnh thì không cần y sĩ, mà ai bệnh mới cần' đáng chú ý, bất kể là ai nói.
Ngài chấm dứt thư bằng lời khuyên.
– Đừng lo âu về những thiệt hại có thể xảy ra, khi sự việc không diễn tiến như dự tính. Đừng ngờ vực vì đặc tính của nó tạo ra sự bất an và cản sự tiến triển. Tự tín, vui vẻ và hi vọng khác với lạc quan mù quáng.Triết nhân không bao giờ tranh đấu trước với một hoạn nạn chưa xảy đến.
Thư 48 - nhận 1-3, 1882.
Ông Sinnett chưa biết là đức K.H. nhập thất xong và đã trở về, nên tiếp tục viết thư cho đức M. Thư 48 ghi trả lời của ngài và bởi ta không có những câu hỏi của ông Sinnett, câu đáp của Chân sư có thể khó hiểu. Dường như ông đề cập tới việc trình bầy MTTL đặc biệt cho người Âu Châu vì Chân sư viết:
– ... Thư vừa rồi của bạn giống như lời phản đối hơn là lời thỉnh cầu. Giọng nói của thư là tiếng hô khi ra trận của các tiên nhân Rajput của tôi, hơn là tiếng dịu dàng của một người bạn. Mà tôi thích như thế hơn ... thư có đúng nét thẳng thắn, chân thành. Vậy ta hãy trò chuyện, vì dù giọng nói của bạn có gay gắt, tấm lòng bạn lại ấm áp ... Âu châu có lớn, nhưng thế giới còn lớn hơn nữa. Mặt trời của Thần Triết cần chiếu sáng mọi nơi, chớ không phải chỉ ở một vùng. Phong trào (TTH) này còn nhiều điều mà bạn không hay biết, và công việc của Hội TTH có liên kết với một việc làm tương tự hiện đang diễn ra trong vòng bí mật tại khắp nơi trên thế giới. Ngay cả trong Hội có một phân bộ do một Chân sư người Hy Lạp (đức Hilarion) lo liệu mà không ai trong Hội biết, trừ H.P.B. và ông Olcott; mà ông Olcott cũng chỉ biết là công chuyện đang tiến hành, và thỉnh thoảng làm theo lệnh do tôi gửi đến ông, có liên quan đến phân bộ này. Chu kỳ mà tôi nói đến áp dụng cho trọn phong trào.Đừng lo ngại là Âu châu bị bỏ quên.
Ngài đưa ra vài thí dụ cho thấy một số nhân vật người Anh được cho cơ hội làm việc cho phong trào TTH mà không nắm lấy; hoặc họ từ chối không nhận hướng dẫn phong trào tại Anh, hoặc do lòng cuồng tín đã gạt bỏ các Chân sư ra ngoài phong trào. Đức M. nhận xét là tự các nhân vật đã tạo nên tình trạng ấy, ngài viết tiếp:
– Đức Văn Minh cấm chúng tôi tuyệt đối không dự phần nào trong đó ... Tới nay hẳn bạn đã học cách làm việc của chúng tôi.Chúng tôi giúp ý kiến chớ không bao giờ ra lịnh.Nhưng chúng tôi có tìm cách ảnh hưởng người khác.
Thí dụ cho điều này là trước năm 1877 tài liệu về thông linh học (spiritualism) không có chữ nào về triết lý huyền bí, bí giáo hay bất cứ điều gì mà lúc này (1882) tràn lan trong thông linh học. Những chữ về huyền bí học là tiếng kêu đầu tiên mở màn cho phong trào tại Hoa Kỳ, cuộc chiến đấu diễn ra dữ dội cho đến tận ngày H.P.B. và ông Olcott lên tầu sang Ấn.
Người Âu châu khác được giúp đỡ (để chứng tỏ là Âu châu không bị bỏ quên) là khoa học gia Crookes với việc khám phá khoa học của ông. Ta được cho biết là sự nghiên cứu huyền bí đã trước tiên đưa ông tới đó.
Nay ta sang một đoạn quan trọng giải thích cách hành xử của người có hiểu biết bí truyền, và ta được dạy là đừng phán xét vì rất có thể bị sai lầm. Có vẻ như trong thư của mình, ông Sinnett tỏ ý trách H.P.B. là không chân thật, lời nói không chính xác. Nay đức M. giải thích ông đã sai ra sao:
– Bạn biết ngài K.H. và tôi, nhưng bạn có biết gì về trọn Thiên Đoàn và các phân chia của nó ?'Đừng hỏi và bạn không phải nghe lời dối gạt'.Bà bị cấm không nói ra những gì bà biết. Bạn có thể phân bà thành trăm mảnh và bà cũng không hé môi. Không, bà được ra lệnh là nói sai lạc khi cần thiết, và nếu có tánh gạt gẫm tự nhiên hẳn bà sẽ vui hơn, hài lòng hơn từ lâu.Nhưng bạn à, ấy là mấu chốt của chuyện.Bà quá thành thật, nói năng bộc trực, không thể nào gạt gẫm người khác và nay bị trách móc vì có tánh tình như vậy.
Hỡi bạn đáng kính, xin ráng đừng hấp tấp. Thế giới không phải chỉ một ngày là được dựng nên ... Hãy để cuộc tiến hóa diễn ra tự nhiên, và ta đừng làm nó đi lệch hướng và sinh ra quái vật khi ra công hướng dẫn nó ... Nên tôi xin nói 'Hãy chờ'. Ai biết tình hình sẽ ra sao vào tháng 11 ? Bạn có thể nghĩ đó là cái cớ cho chúng tôi thực hiện lời 'đe dọa' 'đóng cửa', còn đối với chúng tôi sự việc có thể nhìn rất khác. Chúng ta hãy ráng hết sức mình. Có những chu kỳ như 7, 11, 21, 77, 107, 700, 11.000, 21.000 v.v. Một số chu kỳ hợp lại cho ra một chu kỳ lớn v.v....
Ngài đưa ra lời khuyến cáo:
– Hãy xem xét kỹ lưỡng, phái mũ vàng (chính giáo) và phe tà giáo kình chống nhau không những ở Tây Tạng mà thôi. Hãy xem việc làm xấu xa của họ tại Anh quốc trong nhóm 'các huyền bí gia và người có thông nhãn'. Hãy nghe thân hữu của bạn, khoa học gia Wallace dạy dỗ y như một vì 'đạo sư' chân chính về 'tả đạo', về cuộc hôn nhân giữa linh hồn và tinh thần, và đảo lộn định nghĩa đúng thật; ông tìm cách chứng minh là mỗi vị đạo sư đang hoạt động ít nhất phải lập gia đình theo nghĩa tinh thần, nếu vì lý do nào đó không thành hôn theo nghĩa thể chất, bằng không sẽ có nguy hiểm là Chính Tà lẫn lộn (1) ! Nói để bạn hay là các thuật sĩ đã có mặt ở Ấn rồi, và ở đâu cũng có việc làm xấu xa của họ cản trở chuyện của ta. Đừng xem đây như là ví von ẩn dụ mà nó là sự kiện có thật mà ngày kia có thể trưng ra cho bạn thấy.
Có nói gì thêm về tính lập dị của ông Olcott và sự thua kém của Hoa Kỳ với Anh quốc cũng chỉ vô ích; tất cả những gì có thật theo quan điểm của bạn thì chúng tôi đã ý thức và biết từ lâu; nhưng bạn không biết thành kiến trong mắt bạn hời hợt như thế nào, tựa như phản ảnh của ngọn nến trong nước sâu. Hãy cẩn thận kẻo ngày kia chúng tôi làm theo ý bạn và đặt bạn vào vị trí của ông Olcott ... Đứng ngó và phê bình việc tử vì đạo là chuyện thoải mái, nhưng bị tử vì đạo thì khó hơn. Không có phụ nữ nào bị chê trách bất công nhiều cho bằng H.P.B. Hãy đọc những thư từ đăng báo ở Anh lăng mạ bà, chúng tôi, và Hội. Phần trả lời trong phụ bản 'Supplement' là do tôi viết. Vậy đừng trách cứ bà.Tôi muốn biết bạn nghĩ sao về phần đó.
Đoạn trên cho ra vài chi tiết đáng nói.
– Trong những ngày đầu của Hội các Chân sư tham dự chặt chẽ vào công việc Hội, như viết bài cho tờ The Theosophist. Có nghiên cứu đề ra khoảng 20 bài viết trong các số đầu là do hoặc chính các ngài viết, hoặc gợi hứng cho người khác viết.
– Ông Sinnett hãnh diện việc mình là người Anh và thường cho là mình biết làm công chuyện hơn, xử sự hay hơn ông Olcott.
(1) H.P.B. trả lời cho ý này bằng lời giải thích rõ ràng trong The Secret Doctrine.
(còn tiếp)