THƯ CHO ÔNG SINNETT
(The Mahatma Letters to A.P.Sinnett)
Thư 29 - nhận tháng mười 1881.
Thư 29 là thư dài nhất của đức M. gửi cho cả hai ông Sinnet và Hume. Chi tiết trong thư khiến cần có vài giải thích để bạn nắm được hết ý.
Tờ The Saturday Review, một ấn phẩm về thông linh học tại Anh, trong số ra ngày 3-9-1881 đăng bài công kích bà Blavatsky và ông Olcott, gọi hai vị là 'kẻ phiêu lưu vô lương tâm'. Ông Hume viết thư bênh vực hai vị mà có vẻ như tờ báo không đăng, sau đó thư này được đăng trên tờ The Theosophist số tháng 12 -1881 và 1-1882.
Trong bài, ông Hume nhắc đến thư của tướng H. Fadeev là chú của HPB và hoàng thân Dondoukoff Korsakoff để xác nhận lai lịch của bà, nhằm bác bỏ lời đồn đãi rằng bà là gián điệp cho Nga, là kẻ phiêu lưu v.v. Có thể là bài bênh vực này khiến Chân sư M. cảm thấy chịu ơn ông như ta sẽ đọc trong thư. Tuy nhiên, tính tình cao ngạo của ông khiến cho liên lạc giữa ngài và ông không được suông sẻ. Ta sẽ lướt qua nhiều chi tiết không cần thiết cho việc học, mà chỉ dịch những đoạn chính liên quan đến chuyện giữa các ngài và hai ông.
Để trả lời thư của bạn tôi sẽ hồi đáp bằng một thư khá dài. Bắt đầu thì tôi có thể nói điều sau, ... bỏ qua tính khó chịu ngoài mặt của ông Hume, tôi nhận thức trọn vẹn động cơ tốt lành, khả năng, và tiềm năng hữu dụng của ông.
Ông hiểu lầm quá đỗi ý viết trong bài Memo và phần P.S. (Memo là thư của đức M. cho hai ông nhưng ta không biết nội dung) tới mức nếu không phải mang ơn ông sâu đậm trong ba ngày qua, về điều mà ông làm cho chela lớn tuổi đáng thương của tôi, hẳn tôi không bao giờ chịu bỏ công làm điều có thể được xem như là một cớ, hay lời giải thích, hay là cả hai. Sao đi nữa, món nợ ân nghĩa ấy thiêng liêng quá nên nay tôi làm điều cho bà mà thông thường tôi hẳn sẽ từ chối không làm ngay cả cho Hội, tôi xin phép được cho các bạn hay vài sự kiện.
Đa số viên chức người Anh khôn ngoan vẫn chưa quen thuộc với cách cư xử của người Ấn-Tây Tạng chúng tôi. Chi tiết cho ra ở đây có thể hữu ích cho việc trao đổi tương lai của chúng ta. Tôi sẽ phải thành thật và nói thẳng và ông Hume phải thứ lỗi cho tôi. Nếu một khi bị buộc phải lên tiếng thì tôi phải nói HẾT, hoặc là không một chút gì.
Thưa hai bạn, tôi không phải là học giả giỏi dang như vị Huynh đệ đáng quí của tôi (chỉ đức K.H.), dầu vậy, tôi tin rằng mình hiểu giá trị của chữ nghĩa. Và nếu quả đúng vậy, thì tôi không hiểu tại sao phần tái bút P.S. của tôi lại có thể gợi nên lòng bất bình oái ăm như thế của ông Hume đối với tôi ? Chúng tôi sống ở xó hóc của Ấn Độ - Tây Tạng không hề cãi cọ (để trả lời cho vài tư tưởng đưa ra liên quan đến vấn đề). Cãi cọ và ngay cả việc thảo luận được chúng tôi để cho những ai, không thể bắt được vấn đề chỉ bằng cách nhìn thoáng qua, và do đó bị buộc phải phân tích cân nhắc, làm đi làm lại cho từng điểm một để đi tới quyết định sau cùng.
Bất cứ khi nào chúng tôi – ít nhất ai trong chúng tôi là đạo sư – theo người tây phương thấy có vẻ như 'không nắm chắc dữ kiện', có thể là vì điểm riêng biệt sau. Ấy là điều gì đối với đa số người là 'sự kiện', đối với chúng tôi chỉ là KẾT QUẢ đơn giản, tư tưởng phụ không đáng chú ý, vì chúng tôi thông thường chỉ chú ý vào sự kiện chính yếu. Thưa bạn đáng kính, cuộc sống ngay khi được kéo dài vô tận, thì cũng vẫn quá ngắn không đáng làm bận trí não chúng tôi với chi tiết thoảng qua – chỉ là bóng mờ.
Khi nhìn ngắm diễn biến của trận bão, chúng tôi dõi tầm mắt vào Nguyên Nhân sinh ra chuyện, và để những cụm mây mặc cho gió đưa đẩy nhồi nắn chúng thành hình. Bởi luôn luôn có phương tiện trong tay – bất cứ khi nào tuyệt đối cần – để biết được chi tiết nhỏ nhặt, chúng tôi chỉ bận tậm với những sự kiện chính. Vì thế gần như chúng tôi không tuyệt đối sai như bạn thường khi bắt tội như vậy, bởi kết luận của chúng tôi không hề lấy từ sự kiện phụ mà từ tình trạng như là một khối chung.
Ngược lại, người trung bình – ngay cả giữa người thông minh nhất – để hết tâm vào chứng cớ của hình dạng và bề ngoài, không thể đi sâu trước hết a priori vào tận cốt tủy của sự vật, quá mau lẹ xét đoán lầm trọn tình trạng, và chỉ thấy được sai lầm của mình khi đã muộn.
Do chính trị phức tạp, tranh cãi và điều mà bạn gọi là, nếu tôi không lầm, chuyện vãn và khách khứa thảo luận ở phòng khách, biện luận tại Âu châu và do đó trong nhóm người Ấn-Âu nay trở thành 'phép trau luyện hợp lý cho khả năng trí tuệ'; trong khi với chúng tôi nó không hề vượt ra khỏi giai đoạn tinh khôi ban đầu của việc 'lý luận sai lầm', cái nền tảng lung lay, không vững chắc mà từ đó cho ra đa số ý kiến và kết luận.
Cũng thế, chúng tôi người Á châu dốt nát ở Tây Tạng, quen theo dõi tư tưởng của người mà chúng tôi tiếp xúc hoặc trao đổi thư từ hơn là ngôn từ của người đó, chúng tôi chỉ để ý sơ sài xem sự biểu lộ của họ chính xác tới đâu. Lời mào đầu này có vẻ khó hiểu và vô ích cho bạn, và bạn có thể hỏi tôi muốn nhắm tới điều chi. Xin kiên nhẫn, vì tôi có vài điều cần nói thêm trước khi có giải thích sau cùng.
Vài ngày trước khi rời chúng tôi, ngài Koot'hoomi nói với tôi về các bạn như sau:
- Tôi thấy mệt mỏi và chán chường với cuộc tranh cãi bất tận này. Tôi càng giải thích với hai ông chừng nào về hoàn cảnh chế ngự chúng ta, và giữa chúng ta có nhiều trở ngại cho việc tự do tương tác, họ càng ít hiểu tôi chừng ấy ! Trong điều kiện thuận tiện nhất việc trao đổi này sẽ không sao được mãn nguyện, lại còn chán ngán; vì không có gì ngoài việc gặp mặt nói chuyện riêng, trong đó có thể có việc thảo luận và giải quyết tức thì những khó khăn của trí não khi chúng xuất hiện, mới làm thỏa mãn họ hoàn toàn.
Làm như chúng ta hò vọng nhau ngang qua hố thẳm không thể vượt được, và chỉ một trong hai bên thấy được người đối thoại của mình. Thực vậy, không đâu trong thiên nhiên hữu hình lại có vực sâu của núi không qua được vô vọng như thế và cản trở lữ khách cho bằng vực sâu tinh thần, chặn họ lại không cho đến với tôi'.
Hai ngày sau, khi việc nhập thất của ngài được quyết định, lúc ra đi ngài hỏi tôi:
- Huynh sẽ trông nom công việc của tôi, đừng để cho nó bị hư hại nhé ?
Tôi đã hứa với ngài. Vào giờ phút đó có gì mà tôi sẽ không hứa với ngài đâu. Ở một chỗ mà người ngoài không biết, có một khe núi với cây cầu mỏng mảnh bằng cỏ bện lại bắc ngang, và dòng nước ào ạt chẩy xiết bên dưới. Thành viên gan dạ nhất trong hội leo núi của các bạn sẽ không dám băng qua cầu này, vì nó vắt vẻo như lưới nhện và có vẻ mục nát không đi qua được.
Nhưng nó không phải vậy, mà ai dám chấp nhận thử thách và thành công – vì họ sẽ được vậy nếu đúng là họ được phép vào – sẽ vào một hẻm núi có khung cảnh mỹ lệ không gì đẹp hơn, tới một trong những chỗ của chúng tôi mà không có một chi tiết nào đề cập tới nó giữa những nhà địa lý Âu châu. Cách tu viện xưa một độ đường có tháp lâu đời, mà trong lòng nó đã sinh ra nhiều thế hệ Bồ Tát. Chính nơi đó nay thân hữu của hai bạn nằm bất động – người huynh đệ của tôi, ánh sáng của linh hồn tôi, người mà tôi có lời hứa trung thành là theo dõi công việc của ngài trong lúc ngài vắng mặt ...
... Tôi muốn nói, trừ phi ông Hume hiểu ra rằng tiêu chuẩn mà ông quen dùng để phán xét người Âu châu trong xã hội của chính ông, hoàn toàn không thể áp dụng cho chúng tôi, việc ngài K.H. hay tôi chỉ dạy cho ông học chỉ mất giờ ...
... Cả hai bạn nỗ lực với ý nghĩ lạ lùng rằng chúng tôi có thể, và lại thực sự quan tâm đến những gì nói hay nghĩ về chúng tôi. Bạn nên tỉnh ngộ, và xin nhớ rằng điều kiện đầu tiên đối với một thuật sĩ tầm thường, đã là sự tự huấn luyện để thản nhiên trước sự đau đớn về thể xác, tình cảm của y. Không có điều chi có thể làm cho cá nhân chúng tôi đau khổ hay vui sướng ...
... Máu hoàng tộc Rajput của tôi không bao giờ cho phép tôi để phụ nữ bị tổn thương ... cho dù bà thấy điều 'tưởng tượng' ... mà không bênh vực bà, và ông Hume biết về truyền thống của chúng tôi đủ để ý thức tính hào hiệp của chúng tôi đối với phụ nữ còn sót lại trong giống nòi thua kém của chúng tôi ...
... Giữa lòng tôn kính tưởng tượng mà ông nghĩ là chúng tôi mong ông có, và tính gây hấn không kêu mà có ... có một hố thẳm và không có cây cầu nào mà ngay cả đức Chohan có thể thấy được. Trước sau tôi vẫn như vậy và luôn luôn tôi vẫn là người nô lệ của bổn phận đối với Thiên đoàn và Nhân loại; chẳng những được dạy mà còn mong ước đặt tình thương nhân loại lên trên lòng yêu thích các cá nhân. Vì vậy cáo buộc tôi hay bất cứ một ai trong chúng tôi có lòng ích kỷ thật là vô cớ.
Ngài Chohan, ngài K.H. hay là tôi đều không coi nhẹ giá trị của ông Hume. Ông đã làm điều vô giá cho Hội, cho HPB, và riêng mình ông có khả năng làm Hội thành tác nhân hữu hiệu cho việc lành. Khi phần tâm linh tinh thần được để cho hướng dẫn thì không có ai trong sạch, giỏi hơn hay tốt lành hơn ông. Nhưng khi nguyên lý thứ năm (trí năng) nổi bật qua lòng cao ngạo không thể đè nén, chúng tôi sẽ luôn luôn đối đầu và thách thức nó ...
... Ông Sinnet thất vọng là tôi không thuận làm hiện tượng hoặc có một ai trong chúng tôi tiến đến với hai bạn. Tôi không thể làm khác hơn được, và hệ quả ra sao đi nữa thái độ tôi cũng sẽ không có thay đổi gì cho tới khi ngài K.H. trở về. Các bạn biết cả hai chúng tôi yêu quí đất nước và dân tộc chúng tôi, và chúng tôi xem Hội Theosophia có tiềm năng lớn lao để làm điều thiện trong tay đúng người; và ngài K.H đã hân hoan đón mừng việc ông Hume hòa mình với công cuộc và tôi xem chuyện có giá trị cao – nhưng chỉ đúng mức.
Như thế bạn cần ý thức rằng bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm để ràng buộc bạn và ông Hume gần hơn chúng tôi, chúng tôi sẽ làm với trọn tấm lòng. Nhưng nếu sự chọn lựa là giữa việc chúng tôi bất tuân lệnh cấm rất nhỏ nào của ngài Chohan về gặp mặt hai ông hoặc điều gì được phép viết hoặc cách nào, ở đâu, và việc gây phiền lòng hai bạn, ngay cả cảm xúc chống đối mạnh mẽ của hai bạn và sự xáo trộn cho Hội, chúng tôi cũng sẽ không ngần ngại một phút giây nào. Người ta có thể cho ấy là vô lý, ích kỷ, bực bội và kỳ quặc và trách chúng tôi đủ điều, nhưng đối với chúng tôi, luật lệ là luật lệ. Không một quyền lực nào có thể làm chúng tôi bớt đi một điểm nhỏ của bổn phận.
... Chỉ có điều bạn đã sai và sẽ luôn sai, bạn thân mến, là giữ ý nghĩ rằng hiện tượng có thể trở thành 'động cơ mạnh mẽ' để làm rúng động nền tảng những niềm tin sai lầm trong trí óc phương tây. Dù bạn có làm gì đi nữa, chỉ trừ những ai chịu tự mình nhìn thấy, chớ hề có ai chịu tin. Có lần bạn nói, 'Hãy làm chúng tôi thỏa mãn và rồi chúng tôi sẽ làm thỏa nguyện thế giới'. Bạn đã được thỏa mãn và kết quả là sao ?
Và tôi mong có thể gây ấn tượng vào trí bạn niềm tin tưởng sâu xa rằng chúng tôi không muốn ông Hume, hay là bạn, chứng tỏ rõ ràng với công chúng rằng chúng tôi thực sự hiện hữu. Xin nhìn nhận sự kiện rằng bao lâu người ta còn hoài nghi thì sẽ có lòng hiếu kỳ và thắc mắc, và sự thắc mắc kích thích óc suy gẫm sinh ra nỗ lực; còn khi điều bí ẩn của chúng tôi bị tục hóa hoàn toàn thì chẳng những xã hội hoài nghi không được lợi gì to tát, mà sự riêng tư của chúng tôi không ngừng bị lâm nguy, và phải luôn luôn được canh phòng với tốn hao năng lực không hợp lý. Xin hãy kiên nhẫn, bạn của bạn tôi.
... Và như thế ta trở lại điểm khởi đầu ... vì bạn tìm cách xuyên thấu chuyện tinh thần bằng con mắt xác thịt, uốn điều không thể uốn cong theo mẫu thô kệch của bạn về điều nên là, và thấy nó không thể uốn cong; không chừng bạn có thể làm gẫy cái mẫu ấy và mất biệt mộng mơ của mình.
Đoạn sau cho thấy tình thân giữa hai ngài M. và K.H. sâu đậm như thế nào, nó làm rõ thêm sự kiện bậc thánh nhân cũng còn nét rất 'người' là có thương mến riêng tư.
... Vào tối ngày 25, vị Huynh đệ thân mến của tôi (đức K.H.) cho hay là khi nghe ông Hume nói trong phòng HPB, rằng ông chưa hề nghe ông Olcott bảo là đã chính mắt nhìn thấy chúng tôi, và thêm rằng nếu ông Olcott cho hay như vậy, ông sẽ tin vào tư cách của ông Olcott và tin lời ông, ngài muốn kêu tôi tới ông Olcott và bảo ông làm thế, vì ngài tin rằng ông Hume hẳn sẽ vui lòng nếu học được vài chi tiết. Ước muốn của ngài K.H. là luật đối với tôi. Và đó là lý do tại sao ông Hume nhận được thư của ông Olcott ...
... Ta hãy dừng ở đây. Tôi chấm dứt bức thư dài nhất đã viết trong đời, nhưng tôi làm là cho ngài K.H. – tôi mãn nguyện rồi ...
Trong thư có đến ngọn tháp nơi đức K.H. đang thiếp ngủ, tạp chí Smithsonian số tháng tư 2004 thuật lại khám phá của nhà khảo cổ học Martine Frederique Darragon, về những tháp bằng đá rải rác ở chân núi trong rặng Himalaya. Bà Darragon chụp hình và đo gần 200 tháp như thế ở tỉnh Tứ Xuyên và Tây Tạng. Đo bằng carbon phóng xạ cho thấy tuổi của 32 tháp trong số này là vài trăm năm, còn một tháp ở Kongpo, Tây Tạng lại xưa hơn nữa, nhiều phần được xây trong khoảng từ một ngàn đến một ngàn hai trăm năm về trước.
Bà đặc biệt thắc mắc về hình dạng ngôi sao của tháp, có hình tám đỉnh và hình khác mười hai đỉnh. Người ta không biết gì về những tháp này và có nhiều bàn luận về mục đích của tháp.
Nói về việc nhập thất của đức K.H., trong một thư cho bà đồng Hollis-Billings đăng trên The Theosophical Forum, 1936, HPB viết:
- Ngài K.H. nay thiếp ngủ ba tháng để chuẩn bị cho việc chứng đạo (initiation, còn dịch là điểm đạo) của ngài trong trạng thái Samadhi, kỳ chứng đạo áp chót mà ngài sẽ thành một trong các đạo sư cao tột nhất ... Thân thể ngài giờ đây lạnh cứng nằm trong nhà hình vuông bằng đá đứng riêng, không có cửa sổ hay cửa lớn, lối vào là một đường hầm từ cửa phòng cất di tích của tu viện, và tinh thần ngài bay bổng tự do. Vị đạo sư có thể nằm như thế nhiều năm, khi cơ thể ngài được cẩn thận chăm sóc trước đó bằng việc đưa tay truyền từ điện v.v. Ấy là chỗ xinh đẹp, núi Himalaya nằm bên mặt và một cái hồ xinh xắn nằm gần đạo viện. Vị Chohan của ngài ... trông chừng thân xác ngài; đức M., thỉnh thoảng cũng ghé qua thăm ... Nói chung đức Morya sống với đức K.H., vị sau có nhà ở hướng núi Kara Korum.
Cũng trong tháng 10-1881, hai ông Sinnett và Hume nhận được một thư hết sức quan trọng, được cho là quan trọng nhất trong số các thư của Chân sư gửi cho hai ông, nói về mục đích thành lập Hội Theosophia và Tình Huynh Đệ Đại Đồng như là đặc điểm chính của Hội, mà không phải là biến Hội thành học viện về huyền bí học cho một thiểu số người.
Thư này thường được gọi bằng tên Hiến Chương Hội Theosophia hay Thánh Thư 1881, do đức K.H. viết cho hai ông, ghi tóm tắt quan điểm của đức MahaChohan (đức Văn Minh). Bản chính của thư không còn mà chỉ có những bản chép tay thuộc nhiều nguồn. Trong bản của ông Sinnett, ông ghi thư viết cho chi bộ Simla.
Nội dung thư của đức MahaChohan đặc biệt nhắm tới những người lãnh đạo chi bộ nói riêng và chủ trương của chi bộ nói chung, nên ta nhắc lại một chút về việc thành lập nó. Chi bộ Simla ban đầu có tên dự định là chi bộ Ấn-Âu, nhắm chính yếu là thu hút giới cai trị người Anh tại Ấn, và nếu không đủ người tây phương thì thứ yếu là người Ấn có học thức tây phương và có địa vị trong xã hội Ấn, nhằm mục đích quảng bá Theosophia trong giới học thức. Có vẻ như nghiên cứu về hiện tượng là một phần trong mục đích của chi bộ, với ông Hume là chi trưởng đầu tiên. Sinh hoạt được vài năm thì chi bộ đóng cửa.
Bản dịch thư này có trên trang web của PST với tên Thánh Thư 1881. Đức MahaChohan được ghi trong thư của các Chân sư với nhiều tên như đức Chohan, đức Khobilgan. Nơi đây ta nên phân biệt chữ Chohan thường được dùng để chỉ Vị có lần chứng đạo thứ sáu như các Chân sư K.H. và M. và những Chân sư đứng đầu các cung v.v. Danh hiệu MahaChohan chỉ có nghĩa là vị Đại Chohan (Maha – Đại), bậc cao hơn và đã đạt tới lần chứng đạo thứ bẩy. Vị Đại Chohan ở đây được cho biết là đức Văn Minh (the Civilisation Lord), và được ngài K.H. mô tả là đấng mà 'tương lai nhân loại trải dài trước mặt ngài như trang sách mở rộng.'
Từ đó tới nay có sự thay đổi trong thành phần nhân sự của Thiên đoàn. Dường như có thay đổi Vị đảm nhiệm chức vụ này. Từ đức MahaChohan trong thư được mô tả có bề ngoài là 'ngài cười vui với dòng lệ chẩy trên gương mặt nhăn nheo', ta được cho biết là năng lực cung bẩy trở lại khiến chức vụ MahaChohan nay được một đấng thuộc cung bẩy đảm trách.
(còn tiếp).
(Xem Thư cho Ông Sinnett trong mục Sách Dịch)