THƯ CHO ÔNG SINNETT
Thư 18 chấm dứt bằng một đoạn trích thơ của thi sĩ Tennyson. Ông Sinnett lấy làm thắc mắc vì ông có nghiên cứu về thi sĩ này (vài năm sau ông viết một quyển sách mỏng có tên Tennyson the Occultist), mà không thể tìm ra bài thơ ấy trong những tài liệu ông có. Dầu vậy, sau đó ông tìm ra đoạn thơ trong ấn bản năm 1830 tập thơ của Tennyson tên Poems Chiefly Lyrical. Bài thơ mà đoạn này trích ra có tên 'The Mystics' và được viết khi thi sĩ 20 tuổi, không hề được gồm trong tác phẩm nào sau này của Tennyson.
Thư 19 - nhận ngày 11-7-1881
Nội dung liên quan đến việc thành lập chi bộ Simla của hội.
Thư 20 - nhận ngày 5-8-1881.
Chi bộ Simla ban đầu dự tính có tên chi bộ Anh-Ấn, nhưng sau rốt tên được chọn là Simla Eclectic, với chi trưởng là ông Hume, chi phó là ông Sinnett. Có vẻ như ông Sinnett đề cập tới việc Chân sư chỉ dạy huyền bí học cho ông, và thư đáp.
– ... Nói thật là sự việc (chỉ dạy Huyền bí học) không tùy thuộc nơi tôi. Không may là có hai lần bạn nói một câu mà nó được ghi lại và ba ngày trước đây, khi tôi hỏi xin vài đặc ân cho bạn, câu mà bạn thốt ra được trưng cho tôi thấy rất bất ngờ. Khi nghe nó nhắc lại và thấy nó được ghi giữ, tôi phải dằn lòng nhìn nhận là có thể còn những bất ngờ khác mà thượng cấp tôi thật kính phục sẽ cho ra. Sự nhắc nhở này có vẻ nhẫn tâm đối với tôi nhưng nó đúng đắn, vì bạn nói lời sau tại Simla:
- Tôi là một hội viên của Hội Theosophia mà không là người Thông Thiên học.
Thế thì chúng ta phải đi theo mức chậm rãi như đã đi từ trước tới giờ, hoặc ngưng ngay và chấm dứt thư từ trao đổi. Tôi mong bạn sẽ thích chọn lựa đầu hơn.
... Tôi muốn ... nhấn mạnh vài chân lý ... mà đã được nói tới nhiều lần. Khoa Huyền bí học không phải là ngành mà trong đó bí mật có thể được truyền một cách đột ngột, bằng văn viết hoặc ngay cả bằng lời nói. Nếu được như thế thì tất cả chuyện mà các vị 'Huynh trưởng' phải làm chỉ là xuất bản cuốn Cẩm Nang của thuật này để dạy trong trường như dạy văn phạm. Người đời hay hiểu lầm là chúng tôi hữu ý tạo sự huyền bí quanh chính bản thân và quyền năng của chúng tôi - rằng chúng tôi muốn giữ lấy hiểu biết cho riêng mình, và cố tình từ chối không truyền dạy nó.
Sự thật là một phần lớn (nếu không phải là tất cả) những điều Bí ẩn không thể truyền cho đạo sinh, cho đến khi người đó đạt đến trình độ cần thiết của sự giác ngộ. Mức thu nhận phải đi đôi với ước muốn được chỉ dạy. Sự giác ngộ phải tới từ nội tâm. Trước khi có được việc ấy, không lời khẩn cầu, van xin, giảng dạy siêu hình hay thảo luận, hành xác ăn năn có thể mang lại nó. Tất cả những điều này chỉ là phương tiện cho mục đích, và điều chúng tôi có thể làm chỉ là hướng dẫn việc dùng các phương tiện đó, như đã được chứng thực qua kinh nghiệm bao thời đại, đi tới mục tiêu mong muốn.
Và điều sau này không có gì là bí mật trong ngàn năm qua.
- Trai giới, tham thiền, có tư tưởng, lời nói và hành động trong sạch.
- Tịnh khẩu trong một thời gian để cho phép thiên nhiên nói với mình, ai muốn thiên nhiên chỉ dạy.
- Kiểm soát đam mê và thúc giục thú tính.
- Có lòng hoàn toàn không ích kỷ ...
đã được công bố như là phương tiện ở phương tây từ hơn hai ngàn năm trước, và còn lâu hơn nữa ở từ thời các nhà hiền triết Ấn Độ.
Những điều này phải được làm theo ra sao cho hợp với tính khí của cá nhân thì đương nhiên họ phải thử để tìm ra và là chuyện cho sự quan tâm theo dõi của vị thầy hay Guru. Quả thật đó là một phần của kỷ luật cho họ, và Guru hay vị chứng đạo (initiator) chỉ có thể giúp họ theo kinh nghiệm và năng lực ý chí của ngài, và không thể làm gì hơn cho tới lần chứng đạo sau cùng và tối thượng.
Tôi cũng nghĩ rằng không có mấy ứng viên tưởng tượng ra được mức bất tiện - không, phải nói là sự đau khổ và có hại cho chính ngài - mà vị chứng đạo tự đem vào mình chỉ để giúp đệ tử. Ai cũng có thể thấy là trình độ của người sơ cơ với nhân vật Huyền môn rất khác xa nhau. thế nên trong mỗi trường hợp người thầy phải thích nghi tình trạng của mình với của trò, và sự căng thẳng thật kinh khủng. Như vậy, có sự cố gắng phi thường khi vị Đạo sư cần đồng hóa với đệ tử, vì để công việc có kết quả, chúng tôi phải kết hợp với những người đang thụ huấn.
Vị Đạo sư có năng lực lớn lao chừng nào thì càng ít tương hợp với bản chất của người trần, người sau này thường đến với ngài mà thấm đẫm hơi hướng của thế giới bên ngoài, hơi hướng thú tính của đám đông ích kỷ, tàn bạo mà chúng tôi kinh sợ; ngài càng tách biệt thế giới ấy bao lâu và trở thành thanh khiết hơn chừng nào, việc mà ngài tự đặt cho mình càng khó chừng ấy. Và rồi, hiểu biết chỉ có thể truyền đạt từ từ; và một số những bí ẩn cao nhất - nếu thực sự được nói cho bạn nghe - lại có thể đối với bạn nghe như lời tầm xàm, rồ dại ...
Đó là lý do chính cho sự dè dặt kín đáo của chúng tôi. Đó là tại sao người ta hay than phiền có vẻ hữu lý một chút họ không được truyền dạy hiểu biết mới nào, dù đã học tập nhọc nhằn trong hai, ba năm hay lâu hơn nữa. Những ai thực sự muốn hiểu biết, hãy từ bỏ tất cả và đến với chúng tôi. Cần làm như vậy, thay vì đòi hay chờ chúng tôi đến với họ. Nhưng làm sao có thể làm được chuyện này trong thế giới và bầu không khí của bạn ?
Buồn khi thức dậy vào sáng ngày 18. Thực ư ? Nào, xin kiên nhẫn, bạn à, hãy kiên nhẫn. Có một việc gì đó đã xẩy ra tuy bạn không lưu lại được sự việc trong tâm tưởng, nhưng hãy để yên chuyện. Chỉ có điều là tôi có thể làm gì hơn được nữa ? Làm sao tôi có thể giải thích ý tưởng mà bạn chưa có ngôn ngữ cho nó ? Những ai có trí óc sâu sắc và mẫn cảm như bạn, thu nhận được nhiều hơn người khác, và ngay cả khi họ nắm được nhiều hơn, nó lại bị quên mất vì không có chữ và hình ảnh để trụ lại ý tưởng trôi nổi. Có thể bạn không hiểu tôi đang nói gì. Ngày kia bạn sẽ hiểu nó – Hãy kiên nhẫn.Trao cho một ai nhiều hiểu biết hơn là họ đủ sức để nhận là việc làm nguy hiểm; và hơn nữa nhiều suy xét khác làm tôi chùn chân. Truyền đạt thình lình nhiều sự việc, vượt chuyện bình thường, trong nhiều trường hợp gây tử vong không những cho người sơ cơ mà luôn cả ai trực tiếp liên hệ với họ. Nó tựa như
giao chiếc máy ghê gớm hay khẩu súng nạp đạn sẵn và mở chốt an toàn vào tay người chưa hề thấy vật như thế bao giờ.
Trường hợp của chúng tôi y hệt vậy. Chúng tôi cảm thấy thời điểm tới gần, và phải chọn lựa giữa sự toàn thắng của Chân Lý hay là sự thống trị của Sai Lầm và Khủng Hoảng. Chúng tôi phải cho vài người được chọn lọc biết về điều bí nhiệm lớn lao, hay là để cho phe tả đạo dẫn dắt những bộ óc tinh nhuệ nhất của Âu châu vào cái mê tín dị đoạn điên rồ và chết người nhất là thuyết Thông linh học; và chúng tôi quả thực cảm thấy như là đưa thùng thuốc nổ vào tay những ai chúng tôi lo lắng muốn thấy họ tự bảo vệ mình chống lại phe tả đạo.
Bạn hiếu kỳ muốn biết tôi đi qua những đâu, muốn được nghe thêm về công tác và phận sự lớn lao của tôi ư ? Cho dù có nói để bạn hay, bạn cũng không hiểu chút gì về nó. Tuy vậy, để thử kiến thức và lòng kiên nhẫn của bạn, tôi có thể trả lời bạn chỉ một lần này. Bây giờ tôi từ Sakya-Jong đến. Đối với bạn tên ấy không có nghĩa chi, nhưng hãy lập lại nó trước mặt HPB và xem kết quả ra sao. Nhưng ta hãy quay lại chuyện.
Vậy thì, đã một tay đưa ra cho thế giới vũ khí cần thiết mà rất nguy hiểm, và với tay kia ngăn chặn lại tả đạo (sự tàn phá họ đã gây ra thực lớn lao), bạn không nghĩ là chúng tôi có quyền chần chừ, ngưng bước lại và phải cẩn thận, vì trước đây chưa hề làm thế bao giờ, hay sao ? Tóm tắt lại: khi lạm dụng sự hiểu biết người đệ tử luôn luôn phản ứng đến Chân sư mình, cũng như tôi tin bạn chưa biết là khi chia sớt hiểu biết bí ẩn của mình với người khác, theo luật không thay đổi vị Đạo sư trì hoãn lại tiến bộ của chính mình tới nơi an lạc vĩnh cửu.
Có lẽ, điều tôi nói bây giờ cho bạn không chừng giúp bạn hiểu rõ hơn sự việc, và nhận thức vị trí của mỗi người đúng hơn. Nấn ná dọc đường làm người ta không tới mức cuối cuộc hành trình sớm được. Và hẳn bạn thấy sự thật là phải có ai đó trả Giá cho mỗi vật và mỗi chân lý, và trong trường hợp này - Chúng Tôi trả giá đó. Đừng sợ; tôi sẵn lòng trả phần mình, và đã nói như thế cho ai hỏi. Tôi sẽ không bỏ rơi bạn, cũng như tôi sẽ không tỏ ra thiếu hy sinh hơn người đáng thương, kiệt quệ ta gọi là 'Lão Phu Nhân - HPB' ... Phải chi ứng viên cho việc chứng đạo biết nhiều hơn về điều này thì tôi chắc chắn là họ sẽ biết ơn hơn cũng như kiên nhẫn hơn, và bớt bực dọc với điều mà họ cho là sự kín đáo và không dứt khoát của chúng tôi ...
Đoạn kế nói thêm về tính chất của vị Planetary Spirit. Danh hiệu này có nhiều nghĩa, nó có thể chỉ vị Hành tinh Thượng đế, khi khác thì có nghĩa là chúng ta, linh hồn trên hành tinh, trong thư này nó dùng cho:
– ... vị đại sư, người có quyền năng do hiểu biết và sự giác ngộ của mình, không còn phải tái sinh vô thức, mà theo ý chí và ước muốn của mình và thay vì chỉ tái sinh sau khi chết phần thể xác, ngài tái sinh nhiều lần trong đời nếu muốn vậy. Ngài có quyền chọn cho mình những thân xác mới, trên địa cầu hay hành tinh nào khác, trong khi vẫn còn giữ hình thể cũ mà ngài nói chung duy trì cho mục đích riêng của mình. Hãy đọc kinh Kiu te (bộ kinh của Phật giáo Tây tạng nay được biết là kinh Kanjur) và bạn sẽ thấy trong đó có nói về những luật này. HPB có thể dịch vài đoạn cho bạn vì bà thuộc lòng chúng.
Tôi có hay cười việc bạn mò mẫm bất lực trong bóng tối không ? Nhất định là không. Làm vậy thì cũng không tốt lành và khờ dại cho tôi, cũng như cho bạn nếu cười người Ấn nói tiếng Anh giọng bồi trong vùng mà chính phủ của bạn không chịu dạy dân chúng Anh văn. Sao lại có tư tưởng như thế ? Và bạn muốn có hình chụp của tôi ư ? Trọn cả đời tôi chỉ có chụp hình một lần ở Đức. Hình còn đó nhưng đã phai nhạt. Không có hình khác cho bạn. Tôi không dám hứa vì chưa bao giờ thất hứa. Tuy nhiên, để tôi thử, mai kia tìm hình cho bạn.
Đoạn trích thơ Tennyson ư ? Thật sự không nói được. Vài câu vẩn vơ lấy được ở cõi tình cảm hay trong trí não người khác và nhớ lại. Tôi không bao giờ quên điều gì đã có lần đọc hay thấy. Thói quen xấu, tới mức thường khi tôi làm mà không biết là nối lại thành câu những chữ và câu rời thấy trước mắt, không chừng đã được dùng một trăm năm trước đó, hoặc trăm năm sau từ hôm nay, liên hệ đến một đề tài khác hẳn; do lười và thực sự không có giờ.
HPB gọi tôi là 'trộm não' và là kẻ đạo văn ngày hôm nọ, do việc tôi dùng trọn một câu năm hàng mà bà tin chắc là tôi hẳn phải 'nhặt lấy' từ trí não của tiến sĩ Wilder; vì ba tháng sau ông cho in nó trong một bài tiểu luận của ông về trực giác tiên tri. Chẳng hề nhìn vào các tế bào não của triết gia lớn tuổi này. Lấy nó đâu đó trong dòng tư tưởng hướng bắc, không biết được.
Tôi viết điều này như là chuyện mới mẻ cho bạn, theo cách đó trẻ sinh ra có thể có hình dạng hết sức giống một người khác ở xa hằng ngàn dặm, không có liên hệ gì đến người mẹ, bà chưa thấy người này bao giờ nhưng hình ảnh trôi nổi của họ tạo ấn tượng lên ký ức linh hồn, trong lúc bà ngủ hay ngay cả trong lúc thức, và thể hiện lên vật chất nhậy cảm là xương thịt đang thành hình bà mang trong lòng.
Phải, tôi tin những hàng trích là do Tennyson viết nhiều năm về trước và đã được xuất bản.
Tôi hy vọng những suy nghĩ và giải thích rời rạc này của người ngồi trên lưng ngựa chín ngày liên tục không rời khỏi yên, có thể được tha thứ. Từ tu viện Ghalaring-Tcho (nơi quyển The Occult World của bạn được thảo luận và phê bình), tôi vượt qua vùng Horpa Pala về nhà. Phải, tôi đang mệt do vậy xin chấm dứt thư.
Vào tháng 10 tôi sẽở Bhutan.
Thư 21 - nhận vào mùa thu 1881.
Chi bộ Simla được thành lập ngày 21-8-1881 nên có lẽ thư này được nhận không lâu sau đó.
– ... Hãy tin rằng không người đồng thông minh, giỏi dang và chân thật nào cần 'hứng khởi' từ vong linh người đã khuất. Chân lý sẽ đứng vững mà không cần có hứng khởi từ thần thánh hay vong linh, và hơn thế nữa, sẽ đứng vững cho dù có những nhân vật này, 'thần nhân' mách bảo thường thường là điều sai lạc và thêm vào mê tín dị đoan sẵn có.
Trong thư có một điểm làm ta chú ý mà ít được sách vở đề cập, ấy là luật lệ mà các đấng Cao Cả tuân theo trong Thiên Đoàn (Hierachy). Thiên Đoàn có thể được xem như là một Ashram lớn mà các ngài là thành viên. Do lòng ngưỡng mộ và tôn kính của chúng ta đối với các ngài, ta có khuynh hướng xem Chân sư như là thần thánh, có tự do làm công chuyện theo ý mình. Thư của đức K.H. trong sách này bác bỏ mạnh mẽ ngộ nhận đó, vạch ra cho thấy ngài cũng có thượng cấp phải phục tùng, và có những qui tắc làm việc phải tuân theo.
Việc trao đổi thư từ cùng ông Sinnett không do tự ngài quyết định, mà nằm trong quyền hạn của đức Mahachohan (đức Văn Minh). Thư 18 có nhắc đến điều này, và nay nói về chi bộ Simla đức K.H. ghi:
- ... Bạn cần nhớ rằng bạn đang ở trong trường học nghiêm khắc, và tương tác với một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của bạn. Đặc biệt bạn cần nhớ rằng nguyên nhân nhỏ bé nhất cũng sinh ra quả, cho dù là không ý thức, và động cơ ra sao đi nữa cũng không thể rút lại ... Các bạn đã sai lầm, mỗi cá nhân và tập thể như sẽ hiện rõ trong tương lai chỉ nay mai ...
Tôi xin bạn phải cẩn thận nhiều hơn trước. Cho dù động cơ trong sạch, ngày kia đức Văn Minh có thể chỉ xem xét kết quả, và chúng không chừng hóa tệ hại làm ngài không sao bỏ qua được. Nên luôn luôn có áp lực đối với hội viên chi bộ Simla để họ kềm miệng lưỡi và sự nhiệt thành của họ.
Ông Sinnett ao ước được diện kiến với đức K.H. bằng xương bằng thịt, điều này khó thực hiện vì thượng cấp ngài không cho phép như đề cập trong thư 13. Ngài trả lời thêm trong thư cho ông:
- ... Bạn à, bạn không nên ngạc nhiên nếu tôi cho hay là tôi thực sự thấy mệt mỏi và nản lòng với viễn ảnh trước mặt. Tôi e ngại bạn sẽ không bao giờ có kiên nhẫn chờ đến ngày tôi được phép làm bạn mãn nguyện. Nhiều thời đại trước các Vị trong nhóm chúng tôi khởi sự đặt ra qui tắc để sống theo đó. Tất cả những qui tắc này bây giờ trở thành Luật. Những bậc tiền bối chúng tôi đã phải tự mình tìm học hết mọi điều mà họ biết, chỉ có căn bản là được đặt sẵn ra cho các ngài. Chúng tôi đề nghị đặt cho bạn một nền tảng như vậy, mà bạn không chịu chấp nhận điều gì khác hơn là trọn cơ cấu, làm xong hết cho bạn sở hữu. Xin đừng cho là tôi dửng dưng hoặc xao lãng nếu nhiều ngày không nhận được trả lời của tôi. Thường khi tôi không có gì để nói, vì bạn hỏi nhiều câu mà tôi không có quyền trả lời.
Ta đã thấy ngài có công việc phải đi tới lui nhiều chỗ trong Ấn Độ và vùng lân cận, nay ngài cho hay sắp có lần đi xa nữa:
– ... Chẳng bao lâu tôi sẽ phải để bạn lại một mình trong ba tháng. Việc nó bắt đầu từ tháng mười hay tháng giêng là tùy thuộc vào động lực mà Hội có và tiến triển của Hội.
Việc đi xa này dẫn đến điều thú vị là đức M., mà ban đầu HPB hỏi xin ngài liên lạc thư với ông Sinnett và từ chối, nay thuận làm vậy, nhưng đó là chuyện về sau, bây giờ còn một điểm chót trong thư cần đề cập. Dòng tu mang tên The Society of Jesus (Dòng Tên) của Công giáo La Mã rất có thế lực khi xưa ở Âu châu, và nay ảnh hưởng vẫn còn cũng như lan rộng sang nhiều nước khác. Thư đề cập phớt qua đến tính chất này của tổ chức:
– ... Đề nghị dịch chương The Grand Inquisitor (trong chuyện The Brothers Karamazov, tác giả Fyodor Dostoyevsky) là của tôi; vì tác giả viết sách này lúc ông sắp qua đời, cho ra mô tả mạnh mẽ nhất và đúng thực nhất về The Society of Jesus (Dòng Tên) so với từ hồi nào đến giờ. Cho nhiều người, sách chứa đựng một bài học vĩ đại và ngay cả bạn cũng có thể được lợi khi xem sách.
Bạn có thể đọc thêm nhận xét của Chân sư Jesus về việc làm của dòng Tên trong quyển The Vision of the Nazarene của Cyril Scott. Lai lịch sách rất thú vị và nên tìm hiểu nếu thuận tiện. Vắn tắt thì Cyril cho hay ông cảm nhận tư tưởng của Chân sư Jesus về tình trạng của Thiên Chúa giáo nói chung, và ghi lại thành sách. Nói thêm thì đức giáo hoàng Francis được bầu năm nay 2013 thuộc dòng Tên.
Trở lại thư 21, câu kết cho ta biết thêm bậc Chân sư gặp khó khăn ra sao khi từ cõi thanh với làn rung động thanh bai của ngài phải tiếp xúc với người trần có làn rung động thô kệch, nặng nề. Như đa số người Anh ở cùng tầng lớp xã hội, ông Sinnett uống rượu và đức K.H. nhận xét:
– Bầu không khí rượu brandy trong nhà kinh khiếp quá.
Thư 22 - nhận vào mùa thu 1881.
Làm như thư gửi cho hai ông Sinnet và Hume, bắt đầu ở giữa một chuyện gì khác, và nhiều phần là thuộc về một thư khác; đoạn này giải thích vì sao con người HPB lại như vậy.
– ... Tôi ý thức thật đau lòng sự kiện là câu nói của bà thường khi không mạch lạc - nhất là khi bà sôi nổi - và cách xử sự lạ lùng của mình làm bà thật không thích hợp cho vai trò là người chuyển thư của chúng tôi. Dầu vậy, bạn thân mến, một khi bạn biết được sự thật; một khi được cho hay là cái trí thiếu quân bình này, việc dường nhưlời lẽ và ý tưởng của bà thiếu mạch lạc, tính nóng nẩy khích động, nói chung tất cả gì dễ gây bực bội cho ai nghiêm nghị, tính kín đáo và cách xử sự của họ bị chấn động với sự bộp chộp kỳ lạ mà họ cho là tính khí của bà, điều làm bạn dội ngược, - một khi bạn biết không một việc nào trong số này là lỗi của bà, may ra khi ấy bạn có thể nhìn HPB theo cách khác.
Tuy chưa tới đúng lúc để cho bạn biết trọn bí mật; và bạn chưa sẵn sàng để hiểu Đại Huyền Học mặc dù được cho hay, nhưng do có bất công to lớn và sai lầm đã xẩy ra, tôi được phép cho bạn thoáng thấy chuyện bên trong. Tình trạng này của bà liên quan chặt chẽ với việc huấn luyện huyền bí bà có ở Tây Tạng, và do việc bà được gửi đơn độc một mình vào thế giới để chuẩn bị dần dần cho những người khác.
Sau gần một thế kỷ luống công tìm kiếm, thượng cấp của chúng tôi phải dùng cơ hội duy nhất để gửi một thân xác người Âu vào đất Âu châu, như đường liên kết giữa vùng đất ấy với vùng của chúng tôi. Bạn không hiểu ư ? Đương nhiên rồi. Vậy xin nhớ điều bà cố công giải thích và những gì bạn thu lượm tương đối khá từ bà, tức sự kiện trong con người toàn bộ có bẩy nguyên lý. Nào, không người nam hay nữ nào, trừ phi là bậc đạo đồở 'vòng thứ năm - fifth circle', có thể rời vùng Bod-Lhas (nơi ẩn cư của các Vị trong Thiên đoàn, ở đây muốn nói là nơi học đạo) và trở về cõi thế với sự toàn vẹn của mình - nếu tôi có thể nói như vậy.
Ít nhất một trong bẩy phần của họ (bẩy nguyên lý: tình cảm, trí v.v.) phải để lại đằng sau vì hai lý do; đầu tiên là để tạo nên đường liên lạc cần thiết, dây truyền tin, hai là vật bảo đảm an toàn nhất để một số điều sẽ không hề bị tiết lộ. Bà không phải là ngoại lệ đối với luật, và bạn đã thấy một gương khác là người thông minh cao độ phải để lại một phần của mình đằng sau, và do vậy bị xem là lập dị.
Mức độ của sáu nguyên lý còn lại tùy thuộc vào tính chất sẵn có, đặc tính riêng về tâm thần và sinh lý của người ấy, nhất là tính tình mà khoa học đương thời gọi là 'atavism'. Theo ước muốn của tôi, ngài M. qua trung gian của bà có đưa một đề nghị với bạn, nếu bạn còn nhớ. Bạn phải chấp nhận nó, và bất cứ lúc nào muốn, bạn có được một giờ hay hơn để trò chuyện với HPB thật, thay vì người bị khiếm khuyết tâm lý như bạn thường phải tiếp xúc hiện nay.
Hôm qua ngài làm sai. Lẽ ra ngài không nên kêu bà chuyển thư cho ông Sinnet trong tình trạng như bà có. Nhưng cho rằng bà có trách nhiệm về sự sôi nổi thuần mặt sinh lý, và để bà thấy cái cười khinh miệt của hai ông, thì thật là tội lỗi. Xin thứ lỗi cho tôi, chư huynh, cách nói chuyện không mầu mè. Tôi chỉ hành động theo điều bạn đòi hỏi nơi tôi trong thư của bạn. Tôi ra công 'xem xét tinh thần và ý nghĩa' của mọi chuyện nói và làm trong phòng ở nhà ông Sinnett; và tuy không có quyền 'lên án' các bạn - vì các bạn không biết tình trạng thật của chuyện - tôi không thể làm gì khác hơn là hết sức không bằng lòng điều, cho dù bề ngoài vô cùng trau chuốt, ở trường hợp thông thường khác sẽ vẫn là sự TÀN NHẪN.
Đây là thư quan trọng cho biết nguyên do vài bí ẩn của nhân vật HPB, ta không đi vào chi tiết mà chỉ xin ghi vài điều giúp bạn có thêm tài liệu.
1. Thứ nhất, có nhiều sách vở nêu ra những giả thuyết khác nhau về con người của bà mà bạn có thể tìm đọc. Nói cho đúng tất cả chỉ là phỏng đoán, và không có cách gì chứng tỏ giả thuyết này xác thực hơn giả thuyết kia, trong đó có ý kiến sau:
– HPB người Nga tức giống dân Slav. Trong lúc sinh thời nhiều lần bà cho các Chân sư mượn xác để qua bà làm việc như viết bộ Isis. Có ý kiến nói rằng một trong các ngài là Vị rất cao, trong kiếp hiện thời ngài là người Slavonian và chính vì có tâm trí của sắc dân này mà vị sứ giả của thời đại phải được chọn, nếu có thể, là người Slav. Việc cùng sắc dân khiến HPB hòa hợp được với làn rung động của ngài.
(Boris de Zirkoff, Theosophia, January-February 1948).
2. Thứ hai, sau khi đọc thư trên, ông Hume viết cho HPB một thư ngày 4-1-1881 với lời lẽ trịch thượng; trong quyển The Mahatma Letters to A.P.Sinnett thư nằm ở trang 490-494, và cũng được gộp trong quyển The Letters of HPB to A.P. Sinnett. Ý kiến của ông được Chân sư M. đọc và phê bình ngoài lề. Khi ông tỏ ý không tin và nghi ngờ giải thích trong thư 22, ngài ghi:
– ... Giả thử không phải một trong bẩy nguyên lý bị khiếm khuyết mà cả bẩy thì sao ? Mỗi một nguyên lý đều bị thiếu sót khiến cho không thể dùng được hết khả năng của nó ? Và giả thử đó là luật khôn ngoan của quyền năng thấy xa trông rộng !
Ông Hume than phiền là tình trạng các nguyên lý như vậy khiến thân hữu của bà đôi lúc có lòng hoài nghi nghiêm trọng về sự hiện hữu của các Chân sư là những Vị gửi bà ra thế giới làm việc, và luôn cả thiện chí của bà. Đức M. viết rằng những ai biết rõ HPB không hề nghi ngờ như thế.
Nay nếu bạn xem lại thời điểm của hai thư trong sách thì có điểm sau không hợp lý.
– Thư 22 của đức K.H. được ông Sinnett viết tay là nhận vào mùa thu 1881, tức trong khoảng tháng 9 đến tháng 11-1881.
– Thư ông Hume đề cập đến vài điều trong thư trên tức phải nhận và viết sau nó, nhưng sách ghi ngày viết là 4 tháng giêng 1881. Một giải thích đề nghị là có thể thư ông Hume viết ngày 4-1-1882.
3. Thứ ba, cũng vấn đề thành phần các nguyên lý của HPB không toàn vẹn, ông Rudolf Steiner có nhận xét sai lạc mà bạn cần biết khi đọc sách của ông (Spiritualism, Madam Blavatsky & Theosophy).
Thư 23 - nhận tháng mười 1881.
Đức K.H. giải thích về chuyến đi sắp tới của ngài, và cho hay đã nhờ Chân sư M. thay ngài tiếp tục việc liên lạc thư từ với hai ông:
– (Nói về ông Hume) ... Tôi sẽ không thể nhận được thư của ông Hume hay trả lời nó trong ba tháng tới ... Thượng cấp đặc biệt muốn tôi có mặt vào dịp lễ đầu năm của chúng tôi, tức tháng hai sang năm, và tôi cần ba tháng để chuẩn bị cho nó. Vì vậy, tôi phải xin chào từ giã bạn, bạn thân mến, xin nồng hậu cám ơn tất cả những gì bạn đã làm, và cố công làm cho tôi. Tôi hy vọng có thể cho bạn hay tin của tôi vào tháng giêng sang năm ...
Nay tôi phải ngưng. Tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài, rất dài của tôi. Hy vọng chúng ta tạm biệt nhau như là thân hữu từ lâu nay, và ta sẽ gặp lại cũng là thân hữu còn tốt hơn nữa, xin cho tôi bắt tay bạn 'ở cõi tâm linh' ...
Chi tiết nhỏ nhặt trong thư cho biết các đấng cao cả còn giữ xác phàm thì vẫn còn bị giới hạn do những điều kiện vật chất cõi trần, và Chân sư là người như chúng ta mà không phải là nhân vật vô hình sống trên mây xanh. Ở đây ngài K.H. cho biết sẽ có chuyến đi dài, trong thư 117 ngài ghi là rất mệt mỏi sau một thời gian dài trên lưng ngựa. Chúng trưng ra vài thực tế trong cảnh sống và việc làm của các ngài, giúp ta có ý nghĩ đúng thực hơn về các Chân sư.
Thư 24 - nhận tháng mười 1881.
Đức M. bắt đầu thay đức K.H. và có trao đổi thư với hai ông Sinnett và Hume. Trong quyển The Occult World, ông Sinnett viết:
– Có thay đổi thật rõ rệt về đặc tính của người viết thư khi vị thầy mới của chúng tôi đảm nhận việc. Thư của ngài K.H. luôn có đặc tính dịu dàng, nhu hòa là cách viết của ngài. Ngài sẽ viết cả nửa trang khi cần, để tránh rủi ro có câu hay ý nào vô tình làm buồn lòng người khác. Chữ viết của ngài cũng luôn luôn dễ đọc và đều tay.
Vị thầy mới của chúng tôi đối xử rất khác; ngài bảo mình gần như không biết ngôn ngữ của chúng tôi, và viết rất tháo đôi khi thật khó đọc. Ngài không rào đón trước sau chi cả với chúng tôi. Nếu chúng tôi viết bài về những ý tưởng huyền bí đã học được và gửi tới ngài, hỏi như thế có đúng chăng thì đôi lúc thư quay về với một đường mầu đỏ đậm gạch ngang qua bài và chữ 'Không' viết ở ngoài lề.
Khi khác một trong chúng tôi viết:
– Ngài có thể chấp thuận ý niệm của tôi về điều này, kia hay không ?
Phụ chú ở ngoài lề khi bài gửi trả lại là:
– Làm sao tôi có thể chấp thuận điều mà bạn không có !
và cứ như thế. Nhưng cho dù vậy, chúng tôi có tiến bộ với đức M. và dần dần, thư từ về phía ngài bắt đầu bằng những câu ngắn viết nguệch ngoạc thật sơ sài trên giấy Tây Tạng thô ráp, khơi rộng dần đôi khi thành cả một bức thư. Và ta cần hiểu rằng trong khi cách viết sơ sịa và ngắn gọn của ngài cho ra đối chọi ngộ nghĩnh khi so với sự dịu dàng, êm nhẹ của ngài Koot Hoomi, không có gì ngăn lòng quyến luyến của chúng tôi với ngài lớn mạnh dần, khi chúng tôi bắt đầu thấy ngài chịu xem chúng tôi là học trò của ngài, sẵn lòng hơn lúc ban sơ.
Tôi tin chắc là vài độc giả sẽ hiểu tôi muốn nói gì khi dùng chữ 'lòng quyến luyến' trong trường hợp này. Tôi cố ý dùng chữ không mầu sắc để tránh phơi bầy cảm xúc mà nói chung có thể không hiểu được, nhưng tôi xin đoan chắc với họ rằng trong mối liên hệ lâu dài - dù chỉ qua thư từ - với nhân vật tuy là người như chúng ta nhưng xét về vị trí tự nhiên của họ trong đời thì cao tột vượt lên trên người bình thường, do sở hữu những tính chất được nhìn nhận chung là thiêng liêng, không dễ gì mô tả cảm xúc gợi nên hoặc tả chúng một cách hời hợt.
Đức M. mở đầu thư bằng lời cám ơn ông Sinnett đã tặng ngài tẩu thuốc. Ngài viết:
– ... Chiếc tẩu ngắn và mũi tôi dài, nên hai chúng tôi rất hợp với nhau. Xin cám ơn - đa tạ.
Hội thành lập năm 1875 nên sang năm, 1882, sẽ được bẩy tuổi. Có ý kiến cho rằng đây là mốc điểm đáng kể và có thể có thử thách cho Hội, và được gán cho đoạn sau của thư:
– ... Tình hình nghiêm trọng hơn bạn tưởng và chúng tôi muốn đem hết sức mình ra làm việc để xua đuổi vận xấu. Nhưng thượng cấp chúng tôi sẵn lòng và với bạn giúp đỡ, chúng ta sẽ qua được vận hạn bằng cách này hay cách kia. Có mây đen ở dưới chân trời của bạn và ngài K.H. nói đúng - trận bão đầy đe dọa.
Ngày 12-1-1882 có tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Hội tại Bombay (lúc này trụ sở Hội đặt tại Bombay, chưa dời về Madras), thư viết:
– ... Nếu bạn có thể đi Bombay dự lễ là bạn làm ơn rất lớn cho ngài K.H. và tôi, đó là ơn lâu dài nhưng tùy bạn quyết định. Cuộc họp này sẽ là thành công hay thất bại cho Hội ...
Thư 25 - nhận tháng mười 1881.
Đây là một thư ngắn của đức M., Damodar Mavanlankar là một đệ tử khác của đức K.H.và thuộc giai cấp Brahmin trong xã hội Ấn.
– Ông Sinnett, ông sẽ nhận được một thư dài từ anh chàng Brahmin (tức Damodar). Ngài K.H. tới gặp anh (vì anh là chela của ngài) trước khi đi Tây Tạng, nơi ngài có mặt lúc này, và để lại vài lệnh cho anh. Damodar có lầm lẫn một chút khi ghi lại lời ngài K.H., nên xin ông hết sức cẩn thận trước khi đưa thư cho ông Hume xem, kẻo ông ấy lại hiểu sai ý đúng thật của vị Huynh đệ của tôi (ngài K.H.). Tôi sẽ không chấp nhận thái độ không đúng nào nữa, hoặc cảm xúc không hay đối với ngài, mà sẽ rút lui lập tức.
Chúng tôi làm hết sức trong vòng khả năng của mình.
Thư 26 - nhận tháng mười 1881.
Có vẻ như ông Sinnett hỏi đức M. về việc có thể nào sửa thư từ Damodar để cho ông Hume xem thư. Ta không biết ông đã nhận được thư rồi hay chưa. 'Benjamin' là tên khác của đức D.K., ngài là học trò của đức K.H.
– Bạn trẻ thân mến, tôi rất tiếc là nghĩ khác với bạn ... Nếu ông (Hume) có thể chịu được một hay hai câu trách móc thì ông sẽ chịu được nhiều hơn là bạn muốn tôi sửa thư. Ou tout ou rien, như ngài K.H. biết tiếng Pháp đã chỉ cho tôi nói. Tôi suy nghĩ về đề nghị số 1 của bạn, tốt lắm và áp dụng nó hoàn toàn, hy vọng một ngày kia bạn sẽ không từ chối việc cho tôi bài học về Anh văn. Tôi để 'Benjamin' dán một miếng vào trang thư, và viết theo nét chữ của tôi trong khi tôi nằm ngửa hút ống tẩu. Không được đi theo ngài K.H. làm tôi cảm thấy thật cô đơn vì thiếu bạn ...
Tôi tin là bạn không e dè mà nếu cần sẽ nói lên sự thật, ngay cả nói thẳng vào mặt người con của 'một dân biểu quốc hội' (hàm ý ông Hume)...
Ghi Chú: Cha ông Hume là dân biểu quốc hội Anh.
Lại một lần nữa, một vị Chân sư khác xác nhận điều ngài K.H. viết trong thư trước, rằng các ngài dù là bậc giải thoát đã thể hiện được thiên tính vẫn có xúc động, tình cảm, sự quyến luyến bạn thân như chúng ta, chia sẻ các đặc tính của người trần mà không phải là nhân vật thần thánh tưởng tượng xa cách với nhân loại.
Thư 27 - nhận tháng mười 1881.
Đức M. cho lộ ra óc khôi hài của ngài qua thư.
– Đã nhận được thư. Tôi tin tốt hơn bạn nên tìm cách xem có thể làm cho tư tưởng của bạn bớt gay gắt và khô khan hơn của ông. Tôi bắt đầu nhận thấy bạn có điểm đáng chú ý, vì bạn biết quý chuộng vị Huynh đệ mà tôi mến yêu (đức K.H.). Tôi đã chữa lại thư từ anh chàng Brahmin và xóa đoạn văn khó nghe, thay vào đó bằng một đoạn khác. Nay bạn có thể cho đức ông (Maha Sahib - ý khôi hài chỉ ông Hume) xem; ông kiêu hãnh hết sức khi nói về lòng khiêm tốn của mình, và thật là nhún nhường về lòng cao ngạo của ông.
Về việc làm hiện tượng thì bạn sẽ không có được - tôi đã viết qua ông Olcott. Phước cho ai biết được ngài Koothoomi và phước cho ai biết quí chuộng ngài. Ngày kia bạn sẽ hiểu điều tôi nói gì hôm nay. Còn về ông A.O.H. của bạn (ông Hume), tôi biết ông rành hơn bạn tưởng.
Thư 28 - nhận tháng mười 1881.
Có vẻ như ông Sinnett đã nhận được thư và hỏi câu nào trong thư được Chân sư M. sửa.
– Nếu bạn hết sức muốn được biết chỗ nào tôi xóa hồi tối qua ở bưu điện, và kết tụ thay vào đó câu khác, tôi có thể làm bạn được thỏa ý. 'Nhưng ngài Chohan (đức Văn Minh) BIẾT rằng không bạn nào hay ai khác để tâm tới mục đích thật của Hội, hay có tôn trọng nào đối với Thiên đoàn, mà chỉ có cảm tình riêng với một số vị Huynh trưởng. Thế thì bạn chỉ chú tâm đến ngài K.H. theo tình cảm cá nhân và muốn có hiện tượng; ông Hume thì muốn có được những bí mật thuộc triết lý của các ngài, và để trấn an chính ông rằng các Mahatma Tây Tạng - nếu quả thật hiện hữu bên ngoài óc tưởng tượng của bà Blavatsky - có liên kết về một mặt nào đó với vài vị đạo sư có trong trí ông'.
Ấy là tất cả những gì ngài K.H. nói, là những gì tôi phải viết và kết tụ thay cho điều mà anh chàng viết với cách đặt câu sẽ khiến ông Hume tuôn ra một tràng chữ văn hoa cùng với chữ'dốt nát' để chỉ về vị Huynh đệ của tôi (đức K.H.). Tôi không muốn để cho có bất cứ lời nào nói xấu ngài hiện đang say ngủ ...
Thư cho ra chứng cớ khác là trong việc truyền tư tưởng, người nhận có thể không nắm bắt trọn vẹn thông điệp của người gửi, và cho ra kết quả không phản ảnh trung thực ý được gửi đi ban đầu. Thư vì vậy là một thí dụ khác so với thư 17 để giải thích sai lạc xẩy ra khi truyền tư tưởng.
Về bức thư mà ông Sinnett nhận được và đề cập tới trong thư của đức M. nói trên, có vẻ như đã thất lạc và không có trong sách The Mahatma Letters to A.P. Sinnett.
Tham khảo:
- Reflections on an Ageless Wisdom, Joy Mills.
(Xem Thư cho Ông Sinnett trong mục Sách Dịch)