NHẠC HANDEL & BACH

 

 

1. Handel và Thời Victoria.

Đại nhạc sư Handel (1685-1759) sinh ở Đức nhưng ngụ tại Anh một thời gian lâu, và ảnh hưởng nhạc của ông sinh ra các tính chất của thời Victoria (1819-1901) tại Anh. Thực tế là ông có sứ mạng cao cả là cách mạng tình trạng luân lý của nước Anh, ông là người có trách nhiệm làm chuyển hướng luân lý từ một thái cực là sự phóng túng sang thái cực kia là sự bó buộc quá tay.
Lý do nhạc của ông cần một thời gian mới có tác dụng, là vì loại nhạc cao thường cho kết quả chậm so với loại nhạc có tính hời hợt hơn; loại trước thường ít được trình tấu bằng. Ta cũng cần phải ghi nhận là tài nghệ của ông chỉ bắt đầu chín mùi khoảng từ năm 1739 lúc vở ca nhạc Israel in Egypt của ông trình diễn lần đầu tiên. Thế nên không  có gì đáng ngạc nhiên khi ảnh hưởng trọn vẹn và nhiều mặt từ nhạc của ông, chỉ được lan truyền sau khi thời Victoria đã kéo dài một lúc lâu.

 

Nghe Handel, Messiah

Ở đây ta chỉ nói riêng về các bài ca oratorio, ảnh hưởng của chúng là gợi nên lòng thành kính và ngưỡng phục với tất cả những hệ quả của hai cảm tưởng này. Về sau ta sẽ hiểu bản chất của hai điều ấy, khi nói rằng nhiều phần và gián tiếp do Handel mà thời Victoria chìm sâu vào tập tục như thế, và đông người thời đó có tính đạo đức giả, kiểu cách đối với tính dục, và có sự hợm mình. Nhưng các nét bất hảo này phải được xem là lỗi lầm của đức tính, là kết quả không  tránh được của ảnh hưởng nhạc Handel cho một số tâm tình. Để theo dõi bài này, ta nên biết là những người không hề biết sự chừng mực, vừa phải là như thế nào, cũng như cần để qua bên ưa thích riêng và khiếu thẩm mỹ của ta.
Chuyện quan trọng ở đây là có ý tưởng về việc người có thiên tài lớn lao về sáng tạo được thời trước đánh giá ra sao, thời còn trước hơn thời Victoria, lúc chưa có loại nhạc phức tạp, cầu kỳ của các nhạc sĩ về sau này. Những người mà Handel có trách nhiệm đặt khuôn mẫu tình cảm cho họ, nghĩ gì về ông ? Ai xem xét chi tiết kỹ thuật viết nhạc của Handel, sẽ thấy là ông có khuynh hướng mạnh mẽ lập lại một hòa âm duy nhất cho một câu nhạc dài hai hay ba ô nhịp (bar), và tiếp khúc (sequence), tức nhắc lại câu như vậy ở phần khác của bài nhạc, hay ở âm vực khác của âm giai.
Như thế, ngoài nét tình cảm mà nhạc của ông chứa đựng, nhạc Handel có tính chất nổi bật là rất mực trịnh trọng, cho ra ảnh hưởng là sự đạo mạo nghiêm trang. Bây giờ, nếu ta kết hợp đặc tính tình cảm với sự trịnh trọng hình thức, và thêm nét vĩ đại vào sự lập đi lập lại và bắt chước nhạc, vì tiếp khúc chỉ là sự bắt chước, kết quả chung là tôn vinh sự lập đi lập lại và sự bắt chước; và nếu ta chuyển di trọn điều này từ nhạc sang cách hành xử nơi con người, ta có lòng ưa thích nghi lễ bên ngoài và óc theo sát tập tục hay tính câu nệ thói đời (conventionalism).
Bởi nói cho cùng, đó là gì ? Nó chỉ giản dị là việc tôn vinh, dù là không  hữu ý, sự bắt chước. Giống như tiếp khúc (sequence) là sự bắt chước một câu nhạc trong khung cảnh nhạc khác hơn một chút, thì óc làm theo tập quán là sự bắt chước ý tưởng và hành động người khác trong khung cảnh vật chất khác hơn một chút. Nhưng ta phải thêm cảm tưởng kính phục và sùng bái nói ở đầu bài vào óc câu nệ thói đời, và kết quả chung là lòng tôn thờ tập tục, có nét của Thanh giáo (Puritanism) và tất cả những gì từ đó sinh ra; trong một số điều kiện đó là sự xấu xí, nét ảm đạm, than thở sầu não, tuân theo quá đáng lời  răn trong tôn giáo, v.v.
Nhưng khi kể ra các ảnh hưởng ít đẹp và ít trực tiếp từ thiên tài của Handel, những tính chất thời Victoria mà thời đại này thấy ngộ nghĩnh đáng cười nếu không muốn nói là đáng chê bai, ta chớ quên rằng chúng cần có ra sao để chỉnh đốn xã hội thời ấy. Handel được hâm mộ ở Anh vào lúc một số văn sĩ viết chuyện thô tục, và lúc mà ngay cả lòng tôn kính chuyện thiêng liêng gần như là không có. Tuy tôn giáo được giảng dạy và làm thành một phần của đời sống quốc gia, chắc chắn nó không  hòa hợp với tinh thần. Linh mục thích ăn nhậu chẳng những được dung túng, mà có hành vi cho thấy không có gì khác lạ thấy được giữa tôn giáo và chuyện thế tục.
Nhưng hết mọi chuyện, dù của hàng giáo sĩ hay không, mới thay đổi làm sao ! Loại linh mục thích ăn nhậu mất đi và theo với thời gian, được thay bằng người có đầy lòng sùng kính tới mức dù chuyện tầm phào cũng làm nó trịnh trọng, và ăn nói, xử sự, đi đứng làm như đang cử hành thánh lễ ở bàn thờ, thay vì đang dự tiệc trà. Rồi cũng có sự khác biệt thấy rõ trong hành vi có người ở nhà thờ và với giáo sĩ. Khi trước lúc nghe giảng, người ta có thói quen ngủ khò suốt buổi thì nay làm vậy bị xem là bất kính, và do đó không nên. Còn với linh mục, người ta xem ông không chỉ là người được trả lương để giảng đạo và trông coi phần hồn của giáo dân, mà được nể vì và tôn kính như nhân vật cao trọng.
Vào thế kỷ 18 chắc chắn thường khi ông được giáo dân yêu mến, sang thế kỷ 19 tức thời Victoria họ sùng mộ ông, và không  ý thức sự kiện là giáo sĩ điển hình thời Victoria thì cũng hợm mình kênh kiệu, như cha ông họ không  ý thức sự kiện là giáo sĩ vào thời của họ cư xử không đúng nghĩa là giáo sĩ; và cũng như Handel khi soạn nhạc, không ý thức là nhạc của ông sinh ra tánh ta đây tuy ông không  có tánh ấy. Chuyện trớ trêu là ông vô tình và rốt cuộc gợi tính kênh kiệu nơi người khác, chỉ được vượt trội bằng trớ trêu khác lớn hơn nữa mà nhạc của ông có trách nhiệm không  nhỏ. Đó là việc nhiều giáo sĩ và người thường chê bai các tác phẩm oratorio này là có sự bất kính.
Nào, lòng sùng kính và ý tưởng về sự thiêng liêng tự nhiên là rất gần gũi nhau, mà chuyện cũng là ý tưởng quá đáng về sự thiêng liêng sinh ra ý tưởng về sự không  thiêng liêng cũng quá đáng y vậy. Ý sau này đã khiến nhiều người thời Victoria xem tất cả vui thú cõi trần là tội lỗi, như ca nhạc, kịch nghệ. Nó cũng là nguyên nhân sinh ra mọi hình thức đạo đức giả, nhất là chuyện gì có liên quan đến tình dục. Đạo đức giả là không gì khác hơn là kết quả của lòng sùng kính đảo ngược. Thời Victoria xem dục tình là chuyện xấu tuy vui thú, và không  được Thượng đế chính thức nhìn nhận; thế nên tất cả những gì nhắc tới nó trong sách vở đều bị cấm, và ở nơi nào có hai phái hội họp chung, đề tài này cũng bị cấm. Người ta nghĩ ra chữ đồng nghĩa để nói thay cho vài chữ bị xem là không  thanh bai, tranh vẽ khỏa thân thì nay có lá sung che chỗ kín v.v.
Một hệ quả phụ của lòng sùng kính, hay cảm tưởng thiêng liêng đi kèm với phẩm cách, là đặc tính nổi bật nhất của quan niệm thời Victoria, tức sự tôn vinh trách nhiệm như là động cơ thúc đẩy để có hành động. Làm việc này, nọ hay kia chỉ vì cần phải làm, hay chỉ vì ta muốn làm, thì chưa đủ; lý do như thế hời hợt quá, không đủ giá trị để được chấp thuận. Còn nếu việc làm được biến thành cao cả, do bắt buộc về mặt đạo đức tức gạt bỏ mọi liên kết với lạc thú, thì trí óc thời Victoria thấy an tâm, với lòng tự trọng được thỏa mãn. Từ đây sinh ra ý tưởng về sự thiêng liêng của Bổn phận.
Bàn thêm về kỹ thuật viết nhạc của Handel, theo luật tương đồng nét mỹ lệ và tráng lệ trong nhạc của ông có tính hình thức và không  thanh bai, nên nét mỹ lệ và tráng lệ của thời Victoria thấy qua kiến trúc Gothic giả hiệu, bàn ghế đồ sộ mầu sắc nghiêm trang, vật trang trí bầy ở phòng khách như thú nhồi bông chưng trong tủ kính v.v., đều nói lên tính ưa chuộng hình thức. Ấy là một mặt của  ảnh hưởng nhạc Handel, mặt ảnh hưởng khác và có sớm hơn biểu lộ qua lòng ưa thích nét nghiêm trang; lòng sầu não trong việc tang chế được nhấn mạnh với tang phục đen lướt thướt cho quả phụ, xe sơn đen chở quan tài có ngựa phủ vải đen kéo. Và tại sao ? Vì với một vài tâm tình, lòng sùng mộ và tôn kính do nhạc Handel sinh ra nay tới phiên chúng gợi nên lòng ưa thích chuyện tang lễ, xem đó là việc hết sức trang trọng, tức là ý niệm sai lạc về chuyện tinh thần.
Ta cũng có thể giải thích tánh tình khác nhau giữa các nước là do  ảnh hưởng nhạc Handel. Trong thế kỷ 18 về nhiều mặt tâm tình dân Anh và dân Pháp giống nhau, rồi sau khi nhạc Handel thịnh hành tại Anh, tâm tình dân hai nước hóa ra khác biệt nhau thật xa. Dân Anh thời Victoria có thói quen chê bai người tại lục địa Âu châu là thích ăn chơi, đạo đức buông thả, mà quên rằng không  lâu trước đó tình trạng tương tự cũng gặp tại Anh. Nước Đức là nước nghiêm chỉnh rất mực, yêu thích văn chương đứng đắn, nghệ thuật đứng đắn và âm nhạc đứng đắn, mà cũng là dân tộc theo tập quán.  Những đặc tính này một phần là do nhạc Handel, mà nhiều phần vì chịu ảnh hưởng của đại nhạc sư Bach nhiều hơn; nước Ý thì không  có lòng sùng mộ, nước Áo thì do biết tới nhạc Handel trễ hơn Anh, và Handel không  có vị trí cao tột tại Áo như tại Anh.

2. Ảnh Hưởng của Bach.

Johann Sebastian Bach (1685-1750) thường được xem là nhạc sư tài giỏi nhất trong nhạc tây phương, như nhạc sư Schumann viết, 'nhạc chịu ơn của ông tựa như tôn giáo chịu ơn vị sáng lập'; nhận xét khác thì nói ông là 'cha đẻ của trọn âm nhạc tây phương hiện đại'. Điểm chính về thiên tài của Bach là nét thâm sâu, nó không  phải là sự thâm sâu khô cằn, tẻ nhạt, không hấp dẫn, chỉ hợp để giải trí cho ai thích mặt kỹ thuật trong nhạc, mà là sự thâm sâu tràn đầy hứng khởi cao và sáng tạo.
Thực vậy, Bach không  phải chỉ là nhà sáng tác nhạc, mà về một mặt ông cũng là nhà toán học; bởi phải là người như thế mới có thể đưa kỹ thuật đối điểm (counterpoint) trong nhạc lên tới tình trạng hoàn hảo. Tương tự như ai chơi cờ, ông có khả năng ngoại hạng là suy tính được nhiều phối hợp, và do tài nghệ tuyệt xảo ông không  để cho kỹ thuật trở thành hiển hiện bất lợi, nên tính tỉ mỉ là nét nổi bật trong cách làm việc của ông. Khó mà tưởng tượng là Bach có thể soạn 'một mạch' trọn bài ca oratorio chỉ trong ba tuần, như chuyện kể Handel đã làm vậy, mà cách viết phức tạp hơn của Bach tự nhiên sẽ đòi hỏi nỗ lực tâm trí đáng kể.
Trong khi Handel có phần thả lỏng và dễ dãi với hình thức của nhạc, Bach lại luôn luôn chặt chẽ và theo sát; kết quả là ta không phải vận dụng trí thông minh nhiều để nắm được ý nhạc của Handel so với nhạc của Bach, và cũng không  cần trí não mấy khi soạn loại nhạc như vậy, trong khi nhạc Bach cần trí tuệ rất nhiều để soạn.
Nay ta hãy xem xét ảnh hưởng của nhạc Bach. Nếu bạn đã theo dõi các loạt bài trước về nhạc, chuyện sẽ thấy ngay là nhạc của Bach cho ra ảnh hưởng thật rõ ràng về trí tuệ. Chỉ riêng tài khéo léo về toán học của ông, được dùng trong việc soạn loại nhạc fugue (chơi ít nhất hai giọng), cũng đã đóng góp đáng kể cho ảnh hưởng này. Các biến khúc làm cho việc 'cho và nhận' hóa ra dễ dàng hơn, hay nói rõ hơn là làm cho việc trao đổi và hấp thu ý tưởng được thuận tiện hơn. Bởi còn gì khác tạo nên khúc fugue, nếu không  phải là việc trao đổi một hay nhiều ý nhạc giữa các phần với nhau ?
Người ta có thể tính là mức trí tuệ của dân Đức, và nỗ lực của vài tư tưởng gia lớn lao nhất của nước này, được gia tăng vô cùng mạnh mẽ từ ngày nhạc Bach lan rộng, nhạc của ông cũng cho kết quả là sau đó có nhiều nhạc sư Đức xuất hiện. Lý do tại sao ấy là nước Đức phong phú về mặt này mà không  phải là nước Anh, là do ảnh hưởng của Bach đối chọi với ảnh hưởng của Handel. Cho dù nhạc của Handel sinh ra tác dụng cần thiết và tốt lành thế mấy về nhiều mặt, nó đối nghịch với óc suy nghĩ chuyện mới mẻ và với việc sinh ra nhạc sĩ sáng tạo; và cũng vì vậy mà sau nhà soạn nhạc Purcell (1659-1695) tại Anh, Anh quốc bước vào một giai đoạn nhạt nhẽo hơn hết trong lịch sử nhạc của nó.
Bởi Handel, ngoài những chuyện khác, đã gián tiếp gợi hứng óc làm theo tập tục, các nhà soạn nhạc người Anh sau đó có khuynh hướng đi theo qui ước xã hội và hóa ra tầm thường; họ theo đuổi quá nhiều lòng tôn kính truyền thống nên do đó thành kẻ bắt chước mà không  phải là người sáng tạo. Chỉ khi ảnh hưởng của Handel giảm bớt, và được các ảnh hưởng khác đối chọi thì nhạc của Anh mới sinh động trở lại.
Tuy nhiên nói vậy không  hàm ý là nhạc của Bach không  gợi nên lòng sùng kính. Nó có làm thế, nhưng là một loại sùng mộ khác, có tính trí tuệ hơn, lý luận nhiều hơn, và hệ quả là một lòng sùng kính không chỉ thuần tình cảm. Loại sùng kính này của người Đức được hướng về thành quả của các nhân vật vĩ đại, về nghệ thuật sâu xa, vẻ hùng tráng của thiên nhiên; nó biểu lộ bằng hình thức khác với lòng sùng kính thấy ở Anh. Nó có tính triết lý hơn và bớt theo tập tục có tính tôn giáo.
Thực vậy, Bach với nét lý luận trong nhạc của ông gợi nên khiếu đáng kể về triết lý nơi giống dân Đức. Ngay cả về sau khi ảnh hưởng của Bach bắt đầu hòa nhiều hơn với ảnh hưởng của những người khác, trong khi thanh niên và người lớn tại Anh thích tán gẫu về các môn thể thao, thanh niên Đức lại hăng hái tranh luận về 'tại sao, thế nào, đi tới đâu' của sự hiện hữu của con người. Cho dù như đã nói ở phần trên về Handel, nước Anh vào thế kỷ 19 có tính rất đỗi nghiêm trang, sự nghiêm trang ấy có tính đạo đức hơn là trí tuệ; nhiều mặt của nó có tính giả dối vô ý thức một chút. Thí dụ là sách nói về lòng mộ đạo được phổ biến thay vì văn chương có tính nghệ thuật cao.
Ta vừa bàn về ảnh hưởng chung của thiên tài lừng lẫy là Bach, nay hãy quay sang những ảnh hưởng liên kết với các tác phẩm nhỏ hơn, và ít sâu sắc hơn của ông. Tuy việc soạn các khúc nhạc này có ít lập đi lập lại và ít tiếp khúc (sequence) hơn nhạc của Handel một chút, chúng có khuynh hướng sinh ra phần nào cách suy nghĩ đóng khung. Nơi vài loại tâm trí điều này cho lợi ích rõ ràng, vì nó tạo nên luật lệ và qui củ cho trí não, nhưng với tâm trí khác, nó có khuynh hướng sinh ra tính 'đúc khuôn', tính sẽ tăng cường lớn lao khi chịu ảnh hưởng của Handel.
Kết quả chung của điều này có thể thấy trong loại óc câu nệ thói đời tuy thông minh, lẫn sự trịnh trọng mà có lúc người Đức bị mang tiếng nhiều nhất. Cùng với tính trịnh trọng này là dấu hiệu của một bản tánh làm theo tục lệ, được gọi là đầu óc tỉnh lẻ hẹp hòi. Nó là đặc tính của xã hội Đức hồi thế kỷ 19, giống thời Victoria hơn bất cứ điều gì khác; và chuyện lạ lùng đáng nói là về một mặt nào đó, nó kết nối với danh tiếng của Bach sau khi ông đã qua đời. Bởi những tác phẩm có tính sáng tạo về mặt hòa âm, và sâu sắc hơn của Bach được để qua bên đúng một trăm năm, và trong thời gian đó hay thật ra là trong một phần của giai đoạn này, nhạc Handel chiếm trội hơn ở Đức và gây ảnh hưởng cho người Đức.

 

(Nghe J.S Bach, St. Mathew's Passion)

Nếu những tác phẩm lớn hơn của Bach, thí dụ nhạc khúc St. Matthew's PassionSt. John's Passion có trọn ảnh hưởng ngay từ lúc được soạn ra, nước Đức hẳn có ít tâm tình tỉnh lẻ hơn, và điều này là do sự nghịch tai (dissonance) là đặc tính nổi bật trong hai tác phẩm. Sự việc là tính nghịch tai cho ra ảnh hưởng rõ rệt lên thể trí, làm cho thể uyển chuyển hơn, khiến con người bớt đầu óc câu nệ thói đời. Hệ quả của việc nhạc Bach  với nhiều nét nghịch tai  tạm thời có ảnh hưởng bị rút lại, và nhạc Handel chiếm ưu thế, là chẳng những đầu óc tỉnh lẻ hóa trội hơn, mà còn có một loại tâm tính lạ lùng được sinh ra gọi là dốt nát văn hóa (Kulturphilister). 
Khởi đầu Bach làm dân Đức có linh hoạt trí tuệ, rồi Handel tới làm họ đi theo tập tục, và người dốt nát văn hóa là một trong các phó sản lạ lùng của tổng hợp các loại nhạc. Gọi họ là người kênh kiệu trí óc thì không chính xác cho lắm, tuy vài người có hơi hướng ta đây, mà chính yếu họ là người có tính dốt nát liên kết với chuyện trí thức, thay vì với chuyện thô lậu và không có tính nghệ thuật.
Ta đã vạch ra là những tác phẩm lớn của Bach bị quên lãng trong một trăm năm, và phải nhờ Mendelssohn chúng mới được trình diễn trở lại từ năm 1829, và rồi nhạc của ông được lan truyền trong khắp nước Đức. Nhưng tuy ảnh hưởng làm trí tuệ hóa của nhạc– nay vẫn còn tác động –  được lan ra như vậy, nó hòa vào với bao nhiêu ảnh hưởng khác nên khó mà lượng xét được chính xác tính chất và mức độ của loại nhạc đó. Sự việc đủ cho ta có thể nói, là tình trạng trí tuệ tại Đức được phổ quát hơn là gần như bất cứ nước nào khác tại Âu châu, và óc câu nệ thói đời cùng sự dốt nát văn hóa (philistinism) đang biến mất mau lẹ.
Nói về nước Anh, loại nhạc oratorio hầu như do Handel độc chiếm và những tác phẩm nhỏ hơn của Bach như fugue cho phong cầm, St. Matthew's Passion, chỉ được trình diễn tại Anh 123 năm sau khi có lần trình diễn đầu tiên ở Đức. Nếu Johann Sebastian Bach xuất hiện sớm hơn trên bầu trời âm nhạc, với trọn những hòa âm táo bạo và kỹ thuật viết đối điểm tuyệt kỹ của ông, ta có thể tin chắc là các đặc tính của  thời Victoria nếu không  khác hẳn cũng sẽ thay đổi đáng kể. Tính nghiêm trang có nét trí tuệ hơn là lòng mộ đạo hẳn sẽ phổ thông hơn; tôn giáo sẽ không  rập khuôn vì người ta sẽ suy nghĩ theo cách độc lập hơn là chỉ bằng lòng bắt chước tư tưởng người khác. Nét 'huy hoàng giản dị' của Handel, lối hòa âm hoàn toàn êm tai của ông không có tính cách sắp xếp hoặc để làm tăng phần trí tuệ, hay làm thay đổi khuynh hướng theo tập tục của  nó; việc này để cho Bach và các nhạc sư khác hoàn tất về sau.

Cyril  Scott

Music: Its Secret Influences throughout the Ages.