CÂY BỒ ĐỀ CỦA ÔNG BẠCH LIÊN
Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc
Nói đến Bồ Đề Đạo Tràng, thường người ta liên tưởng tới Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, là nơi ngày xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đắc đạo. Chính từ nguồn gốc này, người ta đã đặt tên cho một địa danh là Bồ Đề Đạo Tràng tại trung tâm thành phố Châu Đốc, vì nơi đó đã trồng một cây Bồ Đề lấy giống từ cây Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ.
Để nói rõ về nguồn gốc cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc, chúng tôi xin được phép dài dòng về vấn đề này như sau.
Ông Phạm Ngọc Đa là một nhà giáo ở Châu Đốc, ông sớm có khuynh hướng học đạo, nên đã tìm hiểu sách vở Thông Thiên Học phát hành từ Pháp, năm 1925 ông xin gia nhập và được thâu nhận làm Hội viên Hội Thông Thiên Học Pháp quốc, sau đó ông phổ biến sách vở của Hội này, đã được nhiều người tiếp nhận gia nhập và thành lập các chi nhánh gọi là Chi bộ tại Việt Nam. Khi hội đủ bảy Chi bộ, Thông Thiên Học Việt Nam xin Hội Thông Thiên Học Quốc Tế tại Adyar Ấn Độ thành lập Xứ Bộ Thông Thiên Học Việt Nam năm 1952 do ông Phạm Ngọc Đa làm Chánh Hội Trưởng, ông Mai Thọ Truyền Phó Hội Trưởng và ông Nguyễn Văn Lượng Tổng Thư ký.
Hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society) sơ khởi được thành lập tại Nữu Ước ngày 17 tháng 11 năm 1875, do bà Helena Petrovna Blavatsky, đại tá hồi hưu Henry Steel Olcott và ông William Quan Judge. Sau đó trở thành Hội Thông Thiên Học quốc tế đặt trụ sở tại Adyar, bang Chennai (Madras), Ấn Độ từ năm 1882.
Theo lịch sử truyền bá đạo Phật, dưới triều đại vua A Dục (Asoka), nhà vua phái Trưởng Lão Mahida (con vua A Dục đã xuất gia), đem Phật Giáo truyền sang Tích Lan, sau lại có con gái vua A Dục mang một cây Bồ Ðề giống, nơi đức Phật thành đạo đến trồng ở Tích Lan. Vào đầu thế kỷ VIII, Hồi giáo bắt đầu đánh phá miền Trung Ấn và đến năm 1203, Hồi giáo đem đại quân tiến vào chiếm Trung Ấn, mục đích thành lập đế quốc Hồi Giáo và bành trướng đạo Hồi nên họ rất tàn ác, phá hủy chùa tháp, đốt kinh điển, hãm hại tăng ni. Các vị cao tăng phải chạy sang lánh nạn ở Tây Tạng hay ẩn thân vào rừng sâu núi thẳm, Phật giáo Ấn Ðộ đi đến lúc suy vong.
Khoảng năm 1876, Phật Giáo Tích Lan được chấn hưng, nhờ sự hô hào của Ðại Tá Hải Quân Mỹ Henry Steel Olcott ( 1832-1907 ), người đã họa ra lá cờ Phật Giáo Thế giới, Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Quốc tế. Sau đó năm 1921, nhà Phật học Tích Lan uyên thâm, Anagarika Dharmapala (từng theo giúp việc cho ông Olcott), sang thăm viếng các Phật tích; thấy tình hình Phật Giáo Ấn Ðộ đã suy tàn, ông quyết định cần phải phục hưng, nên đứng ra lập Hội Ðại Bồ Ðề (Maha Bodhi Society of India). Từ Hội nầy Phật giáo Ấn Ðộ đã phục hưng, Hội lấy giống cây Bồ Đề từ Tích Lan đem về trồng tại Đại Tháp, nơi đánh dấu đức Phật thành đạo. Nơi đây được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng.
Trước khi Hội Đại Bồ Đề thành lập, nơi Đại Tháp đã bị hoang phế, có tu sĩ Ấn độ giáo đến đó tu và cai quản, cho nên dù là Phật tích quan trọng bậc nhất nơi đây lại thuộc về Ấn giáo. Ngày nay Bồ Đề Đạo Tràng được cai quản do một Hội đồng có 9 vị, gồm 4 thành viên Phật giáo, 4 thành viên Ấn giáo và Chủ tịch là người của Chánh quyền.
Năm 1951, Bà Nguyễn Thị Hai đi sang Hội Thông Thiên Học Quốc tế ở Ấn độ học đạo, khi trở về, ông Hội Trưởng TTH Quốc tế Jinarajadasa xin phép chánh phủ Ấn độ, tặng riêng cho cá nhân ông Phạm Ngọc Đa một cây Bồ Đề, lấy giống từ cây Bồ Đề Đạo Tràng Ấn độ.
Năm 1952, ông Phạm Ngọc Đa hiến tặng cây Bồ Đề này cho thành phố Châu Đốc, ông Tỉnh trưởng Đặng Văn Lý cấp cho một miếng đất ngay tại trung tâm thành phố, trước nhà việc làng Châu Phú, để trồng cây Bồ đề này; vì nó lấy giống từ Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ, nên nơi đây cũng đặt tên là Bồ Đề Đạo Tràng.
Trước khi trồng, người ta tổ chức lễ rước cây Bồ đề trên xe hoa, đi một vòng trong thành phố trước khi hạ thổ. Nhưng ngay đêm trước khi làm lễ cây Bồ đề đã bị chặt đứt lìa thân, ban tổ chức vẫn tiến hành cuộc lễ bằng cách cột dây kẽm giữ cho cây đứng thẳng, lễ rước diễn tiến như không có chuyện chi xảy ra. Sau khi hạ thổ người ta theo tích xưa tưới cây bằng sữa tươi, về sau gốc cây nẩy thành bốn tược, người ta cho đó là tượng trưng cho Bốn Chân Lý: Sanh, Lão, Bệnh, Tử giáo pháp đầu tiên đức Phật giảng cho ông Kiều Trần Như và đồng bạn.
Sau năm 1975, có người báo công năm xưa họ đã chặt cây Bồ Đề. Riêng tôi, năm 1998 sang Virginia có gặp anh Trường, con ông giáo Mãn ở Châu Đốc kể cho tôi nghe : “Anh X, con một ông Đốc Học cũng ở Châu Đốc đã tâm sự với anh Trường là ông Phạm Ngọc Đa, tuy cũng là ông Đốc Học như thân phụ anh ta, nhưng danh tiếng còn thân phụ anh ta không có tiếng tăm gì, nên anh ta chặt cây Bồ Đề nhằm mục đích phá cuộc lễ, hạ uy tín ông Phạm Ngọc Đa”. Tôi tin con ông Đốc học kia chính là thủ phạm, còn anh chàng tự nhận để báo công, vì tư lợi mà nhận dối thế thôi.
Nhờ một ưu thế là nằm ngay trung tâm thành phố, lại ở giữa hai bến xe, một đi Sàigòn và các tỉnh, một đi vùng Thất sơn như Nhà Bàn, Tri Tôn, do đó nhiều người biết đến Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc.
Thoạt tiên trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc, phía tiếp cận với Đài Chiến Sĩ, trước nhà việc Châu Phú, có một tòa nhà bát giác nhỏ khoảng 3 thước lọt lòng, có bốn cửa ra vào, chính giữa tôn trí tượng Phật Thích Ca đang ngồi nhập định, trước tượng có hương án với lư hương, hoa quả và chuông mõ. Trên 4 bức tường treo ảnh, trong đó có ảnh Bà Nguyễn Thị Hai mang cây Bồ Đề từ Ấn Độ về, phía trước ngôi nhà bát giác chừng 10 thước là cây Bồ Đề, xung quanh có hàng rào sắt đường kính chừng hơn một thước cao quá đầu người, quá đó chừng mười thước là một hồ sen đường kính chừng tám thước, xung quanh trồng sen đỏ tượng trưng cho vật chất, chính giữa trồng sen trắng tượng trưng cho tinh thần. Xung quanh, cách lề đường chừng một thước, Bồ Đề Đạo Tràng có xây những cột gạch và hàng rào sắt với ba cổng ra vào: một cổng ở phía sau nhà bát giác và hai cổng hông đi thẳng vào cây Bồ Đề, xung quanh rào có đường đi bộ nhỏ và có trồng nhiều bụi bông đuôi chồn, có hoa trắng tỏa hương thơm ngát.
Sau đó, trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng có thêm tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên đặt phía trước nhìn về hướng chợ Châu Đốc.
Sau này Bồ Đề Đạo Tràng được nới rộng ra về hướng Bar Nam Hiệp chừng 8 đến 10 thước, nơi đây có đặt một trụ biểu bốn mặt, ghi dấu sự kiện liên quan và những nhân vật đã góp công đức xây dựng nên Bồ Đề Đạo Tràng đã nêu trên. Ngoài ra còn có xây thêm một ngôi nhà nằm sau nhà bát giác, giữa cây Bồ đề và nhà bát giác có xây một nhà Trống và một nhà Chuông, tượng Phật bà có xây mái che và thêm một tam quan làm cổng chính.
Bồ Đề Đạo Tràng khởi thủy do Chi bộ TTH An Giang gồm các nhà giáo: Châu Văn Đồng, Huỳnh Bá Nhệ, Lê Quang Điện, Lê Văn Vững, Trương Văn Hiệu điều hành, sau đó không lâu, họ thành lập Hội Bồ Đề Đạo Tràng để quản trị Bồ Đề Đạo Tràng.
Việt Nam có nhiều cây Bồ Đề như ở chùa Xá Lợi, chùa Giác Lâm là những cây Bồ đề do Đại Đức Narada tặng, nó có nguồn gốc từ Tích Lan. Ngoài cây Bồ Đề Châu Đốc, còn có hai cây Bồ Đề trồng hai bên đền thờ quốc tổ Hùng Vương trong Thảo Cầm Viên Sàigòn, là một cây được chiết thành hai, vốn là cây Bồ đề giống từ cây Bồ Đề Đạo Tràng Ấn độ, do Phó Tổng Thống Ấn độ, trong một lần thăm Việt Nam dưới thời ông Ngô Đình Diệm, đã mang sang tặng cho Việt Nam, và chính ông đã trồng trong Thảo Cầm Viên Sàigòn.
Cây Bồ đề có họ hàng với cây Lâm vồ của Việt nam, nhưng lá Bồ đề to, dầy lại có đuôi dài, còn lá Lâm vồ nhỏ, mỏng có đuôi ngắn. Từ trước tôi vẫn lầm tưởng chuỗi Bồ Đề là hạt của cây Bồ Đề, cho đến một ngày nào đó, cây Bồ Đề Châu Đốc đã lớn, đã có trái chín rụng xuống, nó nhỏ bằng ngón tay út, bên trong rỗng ruột, giống như trái sung. Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc chẳng những là một địa danh tín ngưỡng như Chùa Tây An, miễu Bà, Bạch Vân Tịnh Xá … mà còn cho tôi bài học khi đã lớn khôn.
Ngày 26-4-2008
Huỳnh Ái Tông
Tài liệu do hai chị Phạm thị Thiên Hương và Phạm thị Ngọc Dung, các con của ông Bạch Liên, gửi tặng.