BA VỊ HỘI TRƯỞNG XỨ BỘ VIỆT NAM

Ông Bạch Liên Phạm Ngọc Đa (1900-1980) là thầy giáo tại trường Nam Tiểu Học ở Châu Đốc. Đến năm 1953 ông sáng lập và là hiệu trưởng trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa cho đến năm 1956. Năm 1957 ông làm Hiệu Trưởng trường Nữ Tiểu Học tại Châu Đốc, và ở chức vụ này đến khi về hưu năm 1962 hay 63.
Ông là hội viên đầu tiên của Việt Nam gia nhập hội Theosophia năm 1926. Lúc đó người ta chỉ có thể gia nhập xứ bộ Pháp, và những chi bộ lập nên tại Việt Nam trong thời gian này trực thuộc xứ bộ Pháp. Ông làm việc không ngừng nghỉ từ đây cho Thông Thiên Học như lập chi bộ, viết sách, giảng dạy.
Năm 1952, xứ bộ Việt Nam được thành lập, ông là vị hội trưởng đầu tiên của xứ bộ nhiệm kỳ 1952-54, kế tiếp ông đắc cử nhiệm kỳ 1955-57. Sau đó ông không ra ứng cử mà soạn sách để phổ biến Thông Thiên Học, và dành thì giờ viết và giảng dạy cho hội viên tại Châu Đốc cho đến ngày cuối đời. Ông có nhiều môn đệ tại đây. Thỉnh thoảng ông lên Sài Gòn để diễn thuyết tại trụ sở Hội ở Phú Nhuận
Ông sáng tác rất dồi dào, có lối viết hấp dẫn, khiến có nhiều người phụng sự của mọi giới đến với phong trào Theosophia. Có thể nói ông sinh ra với ngòi bút trên tay, hiện nay chi bộ Chân Lý tại Hoa Kỳ đang tái bản những sách của ông, xin liệt kê dưới đây vài tác phẩm chính, một số đã được tái bản tại hải ngoại:
– Bộ sách Con Người Là Ai, Xuống Cõi Trần Làm Chi, Thác Rồi Về Đâu, gồm bẩy quyển: Xác Thân, Cái Phách, Cái Vía, Cái Trí, Con Người Thác Rồi Về Đâu, Luân Hồi và Nhân Quả.
– Dưới Chân Thầy, Giảng Lý Dưới Chân Thầy, Tôi học Dưới Chân Thầy, Giảng lý  Ánh Sáng Trên Đường Đạo, Đạo Lý Thực Hành, v.v.
Ông có công rất lớn trong việc phổ biến Theosophia tại Việt Nam, vì nhờ các sách của ông mà quần chúng biết đến Theosophia một cách rộng rãi. Nhiều sách trong số này được in và phát miễn phí cho công chúng, với số lượng là 2.000 quyển cho mỗi tác phẩm, đặc biệt quyển Dưới Chân Thầy được tái bản nhiều lần trước và sau 1975, trong cũng như ngoài nước.
Hai bài khác cho thêm nhiều chi tiết về hoạt động TTH của ông Bạch Liên đã có đăng trên PST số 55 và số này 64 cũng như trang web, xin bạn tìm đọc. Đó là:
– Lịch Sử I - Hội Thông Thiên Học VN (PST 55);  Bồ Đề Đạo Tràng tại Châu Đốc (PST 64).

hinh 


Theo lời yêu cầu của gia đình, hình ông Bạch Liên sẽ được đưa lên khi có dịp thuận tiện hơn.

Bà Nguyễn thị Hai (1908-1873) sanh tại Gò công. Bà học trường Gia Long và ra trường năm 1928, sau đó được bổ nhiệm dạy lớp nhứt Trường Nữ Gò công. Sau một thời gian bà được phái lên Sàigon, làm việc tại trường Gia Long và nghỉ việc năm 1943.
Bà gia nhập Hội Thông Thiên Học Pháp Quốc năm 1930; năm 1933 bà cộng tác trong việc xuất bản tập san Niết Bàn tạp chí để truyền bá Thông Thiên Học, tập san này sống được tới năm 1939.  Năm 1934 bà hợp tác  thành lập chi bộ Thông Thiên Học Leadbeater ở Saigon. Bà cùng chồng là ông Nguyễn văn Huấn hoạt động tích cực cho Hội Thông Thiên Học Việt Nam qua việc lập nhà in, viết sách, sửa sang nhà riêng thành nơi học tập cho hội viên gọi là Tinh Thần Viện, mở lớp dạy Thông Thiên Học (1957-1964); hai ông bà phát hành tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học trong 12 năm (1954-1966), bà là chủ bút - ông là chủ nhiệm. Cũng nơi đây Bà sáng lập chi bộ Saigon và kế đó chi bộ Dung Hạnh đặc biệt cho nữ giới.
Trong 13 năm giữ chức vụ Hội Trưởng xứ bộ Việt Nam, bà đã giúp nhiều cho sự phát triển của Hội như mở thêm chi bộ, đào tạo nhân tài, viết và dịch sách để phổ biến giáo lý Thông Thiên Học. Bà biên soạn những quyển: Thể Phách, Thể Vía, Đời sống bên kia cửa tử, và quan trọng nhứt là quyển Võ Trụ và Con Người.  Hai tác phẩm bộ Giáo lý Bí Truyền và quyển Thượng Trí bà còn dịch dở dang; những sách dịch khác là Ánh Sáng trên Đường Đạo, Minh Triết Cổ Truyền, Tâm Thức Học, Cùng ai bi khóc, Nền giáo dục mới, Thông Thiên Học thực hành; đặc biệt nhất là quyển Giảng Lý Dưới Chơn Thầy. Một số đã được tái bản tại hải ngoại.
Ngoài việc Đạo, bà còn làm nhiều công tác xã hội như cổ xuý việc xây cất Cô Nhi Viện Thông Thiên Học; bà là giám đốc cơ sở này, cố vấn Hội Phụ nữ Việt Nam Phụng Sự Xã Hội. Ngoài ra bà cho nới rộng Hội quán, làm thành một giảng đường Thông Thiên Học rộng rãi. Công nghiệp của bà Hai là soạn bài, dịch sách; phần của ông Huấn là ấn loát nơi nhà in Nguyễn văn Huấn. Bà và ông đã góp công với Thông Thiên Học bằng một số sách truyền bá đáng kể, biếu không cho những người muốn biết Thông Thiên Học, và một số sách khảo cứu dành cho người học Đạo, mỗi quyển có ấn bản từ 2.000 đến 10.000 cuốn.

hinh 

 

 

 

 

 


 Bà Lưu Thị Dậu (1909-1982) chọn ngành sư phạm và du học bên Pháp, sau khi tốt nghiệp bà lãnh chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường Gia Long, Sài Gòn. Sau đó bà là giáo sư giảng dạy tại trường Sư Phạm, Sài Gòn. Bà sống độc thân.
Bà điềm đạm, vui tươi, ít nói nhưng sẵn sàng chia sớt hiểu biết, góp ý kiến mỗi khi được hỏi đến. Đến với trẻ em là điều mà bà rất ưa thích. Bà nằm lòng quyển Flowers and Gardens của ông Jinarajadasa nên đôi khi tiếp xúc với chi bộ Phụng Sự, bà đề cập đến những quan niệm của đức K.H. Bà dành nhiều thì giờ để nghiên cứu bộ The Secret Doctrine, phần Occult Philosophy of Life. Với tư cách học viên bí giáo, thỉnh thoảng bà thuyết trình cho một nhóm nhỏ học viên. Bà không diễn thuyết cũng không viết sách. Ngay khi phong trào Theosophia Việt Nam linh hoạt năm 1934, bà hết lòng cộng tác với chi bộ Leadbeater. Riêng bà đã là chi trưởng đầu tiên của chi bộ Minh Triết thành lập năm 1963 ở Phú Nhuận, Sài Gòn.
Kể từ niên khoá 1967-1969, bà đảm đương trọng trách lãnh đạo Hội cho đến nhiệm kỳ 1974-1975. Sau đó, sự loạn lạc trong nước khiến bà tình nguyện tiếp tục đơn độc gánh vác và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp như bảo vệ Hội, gìn giữ hội quán nhất là trấn an hội viên còn lưu lại trong nước. Bà hành động trong sự sáng suốt, bền chí. Tuy nhiên, việc không tránh khỏi là đến năm 1983, hội quán ở đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, bị chánh quyền trưng dụng hoàn toàn.
Sau đây là trích đoạn hai bản tường trình chót của xứ bộ Việt Nam gửi Adyar, do bà viết năm 1979, 1981.
'... Hội chúng tôi làm việc thu nhỏ lại, nhiều hội viên học TTH tại gia, một số khác họp tại hội quán mỗi sáng chủ nhật, dự buổi học và sau đó là phần đặt câu hỏi ... Chúng tôi có tổ chức tất cả những ngày lễ lớn trong Hội, với nhiều hội viên và cảm tình viên tham dự. Trong các buổi này chúng tôi luôn luôn có cảm giác được hòa đồng và có tình huynh đệ thực sự với hội viên TTH trên thế giới ...
... Chúng tôi nỗ lực giữ cho ngọn lửa thiêng liêng cháy sáng trong tâm của hội viên, và làm lan rộng ánh sáng của Minh Triết Thiêng Liêng ....'
Cây bồ đề ở trước sân hội quán rung động với những cố gắng tinh thần phụng sự của vị hội trưởng khả ái Lưu Thị Dậu.

                                                 hinh