VỊ CHÂN SƯ 63

V Chân Sư (tt)

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

 

Cyril  Scott
The Initiate in the Dark Age

 

Sáng hôm sau, tiếng hòa ca của bao nhiêu là con chim làm tôi tỉnh giấc, nhìn ra cửa sổ thấy những hoa thủy tiên rực rỡ, khoe sắc hương tươi thắm với vài giọt sương mai dưới ánh mặt trời. Nhưng nếu tôi là người dậy sớm, Ngài Thomas lại còn sớm hơn nữa, vì tôi bắt gặp hình dạng của ngài, đội mũ sọ như thường lệ, thong dong đi theo một lối viền quanh luống hoa rộng. Thỉnh thoảng ngài cúi người xem xét cây hoa này hay kia, hoặc vuốt ve con chó lớn chậm rãi bước bên cạnh ngài. Rồi bà cháu gái tới đi cùng, hôn ngài mà để đáp trả lại ngài âu yếm vuốt nhẹ má của bà; cả hai thư thái đi chung với nhau theo con đường nhỏ, lần tới khúc quanh và khuất dạng.
Còn tới một tiếng rưỡi nữa mới đến giờ ăn điểm tâm nên tôi nhẩn nha thay quần áo, thơ thẩn ra vườn theo gương của chủ nhân. Tôi cảm thấy bị Lão Chân sư thu hút nên hy vọng sẽ gặp được ngài. Cùng lúc, tôi e ngại là mình xâm phạm vào sự riêng tư của ngài; nhưng sao đi nữa tôi bị thất vọng vì không gặp được Chân sư sau đó mà phải đợi tới giờ ăn trưa.
Bữa trưa hôm ấy là một dịp đáng nhớ. Chỉ có bốn người chúng tôi hiện diện, Ngài Thomas, thầy J.M.H., tôi và một trong ba người đàn ông kia. Người này đến trễ vài phút, đi vào khi mọi người đã an vị rồi. Trong tay anh có cầm tờ báo Star Bulletin của Krishnamurti. Anh mở ra rồi đưa cho Ngài Thomas, chỉ một đoạn văn. Vị lão chân sư đọc nó, không bình luận chi ngoài việc thốt vài lời vô thưởng vô phạt ‘Chậc, chậc', và đưa tờ báo cho thầy J.M.H. Ngài liếc qua, mỉm cười đầy ý nghĩa với Ngài Thomas, rồi để tờ báo qua bên. Nhưng tôi không bỏ lỡ cơ hội. Ít nhất tôi ở vị thế có thể nghe được đôi điều có uy tín thật sự cho câu hỏi rắc rối về Krishnamurti.
– Tờ Star Bulletin ... Con cũng có xem, mà như các ngài thấy, tôi mỉm cười thêm vào, con vẫn còn tin vào các Chân sư.
–Ta mừng là còn có người như vậy, Ngài Thomas nhận xét với sự châm biếm bỡn cợt, chà, chà, nếu ý của Krishnamurti được ai nấy chấp thuận thì vài người trong nhóm chúng ta phải xách gói dọn nhà sang hành tinh khác mà sống.
Lập tức tôi dỏng tai và nhìn sang thầy J.M.H., ngài chỉ nói nhỏ giọng, 'Nói khôi hài nhưng có sự thật trong đó'.
– Vậy thưa Thầy, tôi đánh bạo hỏi Ngài Thomas, con cho là Thầy không hoàn toàn tán đồng phương pháp của Krishnamurti ?
– Xui là ông không có phương pháp rõ rệt nào, kể từ khi ông chứng quả La Hán và ngưng không hiến mình cho đức Di Lặc (đức Chúa) mượn xác. Nếu ông rút lui khỏi công chúng và đi ẩn tu tham thiền như các La Hán gia thời xưa thì phải tốt hơn không.
– Tôi có hơi mù mờ về việc đạt quả vị La Hán, tôi thì thầm với anh ngồi cạnh tôi.
– Đó là lần chứng đạo mà vị Chân sư không có chút hướng dẫn nào cho học trò của ngài, người này sẽ phải tự giải quyết những vấn đề hóc búa nhất mà không được phép hỏi điều gì, anh giải thích, họ sẽ phải dựa hoàn toàn khả năng xét đoán của mình, và nếu phạm lỗi lầm nào thì phải nhận lấy hậu quả.
– Và rồi Krishnamurti làm gì ? chủ nhân xen vào, hiển nhiên đã nghe lời đối đáp của chúng tôi. Giống như người giúp việc trong chuyện ngụ ngôn biết rằng mình sắp bị cho nghỉ việc, ông báo cho hay là mình sẽ nghỉ làm. Nói khác đi, ông tách lìa khỏi Thiên Đoàn, và bài bác tất cả chúng ta.
– Và không may là, thầy J.M.H. thêm vào, ông khuyến dụ những người khác ở mức phát triển tinh thần thua xa ông, cũng làm vậy. Thay vì đưa ra giáo huấn mới hết sức cần, ông trốn trách nhiệm của vai trò mình như là nhà tiên tri và huấn sư, bằng cách quay trở lại một kiếp trước, với triết lý cổ cho sắc dân của ông mà con quen thuộc, nhưng lại vô dụng cho thế giới tây phương trong chu kỳ này.
– Vậy chúng con đúng rồi ! Tôi kêu lên, Phải ông giảng về thuyết Bất Nhị (Advaita) không ?
Ngài gật đầu.
– Mà những ai nghe ông giảng nghĩ rằng họ đang nhận một thông điệp mới, và do đó lời giảng được coi trọng quá đáng. Ngài Thomas thêm vào. Với thông điệp mà lẽ ra phải rao truyền, ông lại không làm - hoặc chỉ làm có một phần. Không nói gì về Nghệ Thuật - không có kế hoạch nào cho chi chủng mới - bỏ rơi chương trình về giáo dục - mà thay vào chỗ tất cả những điều này là thuyết Bất Nhị, một triết lý cho đệ tử, và cũng là một trong những con đường đưa tới sự Giải Thoát dễ bị hiểu lầm nhất.
– Như vậy ta có thể cho là sứ mạng của Krishnamurti đã hoàn toàn thất bại không ?
– Này anh bạn, vị lão Chân sư nói, anh hỏi hơi nhiều, nếu chúng tôi trả lời thì anh sẽ làm gì với những câu đáp ấy ?
Tôi tự động muốn buột miệng xin lỗi, nhưng thay vào đó tôi cảm thấy phải nói ra ý trong đầu:
– Thưa Ngài Thomas, tôi đáp, vì Krishnamurti mà nhiều người bị đau khổ nặng nề; nếu ngài rộng lượng soi sáng cho con một chút, không chừng con có thể làm những người ấy bừng tỉnh được.
– Tốt, ngài nói, động cơ trong sạch vậy thắc mắc của anh sẽ được trả lời.
Tôi bắt đầu ngỏ lời cám ơn nhưng ngài gạt nó qua bên bằng cử chỉ nhã nhặn, và nói tiếp:
– Ai muốn dạy thuyết Bất Nhị mà bỏ hết không dùng những chữ Phạn ngữ là chuốc lấy thất bại. Tiếng Phạn sinh ra một sức rung động huyền bí mà sẽ bị mất đi khi được dịch sang tiếng khác. Chữ tây phương không thích hợp để mô tả những trạng thái chủ quan của tâm thức, vì ý nghĩa những chữ này chủ về việc thường nhật trong đời.
Ngài dừng một chốc để ăn tiếp, rồi thêm vào.
– Ngài Koot Hoomi, vị Huynh Đệ của ta, nói rất đúng là Krishnamurti phá sập mọi con đường dẫn tới Thượng Đế, trong khi con đường của chính ông thì chưa hoàn tất.
– Và sao đi nữa cũng không hề thích hợp cho tất cả mọi người, thầy J.M.H. thêm vào.
– Cũng bởi nó chưa hoàn tất, vị lão chân sư tiếp tục câu nói của mình, nó có thể dẫn tới nguy hiểm không lường trước được cho ai muốn theo đường ấy. Nguy hiểm thứ nhất: Krishnamurti gạt bỏ mọi định nghĩa và phân loại đã có từ bao đời, khiến cho người chí nguyện không có một thang giá trị đúng mức. Nguy hiểm thứ hai: muốn đi theo con đường lên dốc của ông cần phải có tham thiền đều đặn, mà muốn làm vậy thì phải có sự che chở luôn luôn của một bậc Guru - nhưng Krishnamurti lại không cho phép người tìm đạo có Guru, ngài kết luận với cái nháy mắt.
– Nhưng, tôi hỏi, sự bảo vệ của Guru có luôn luôn là điều cần thiết không, con muốn nói là ngay cả khi chỉ tham thiền chút ít ?
– Đương nhiên là ở mức độ vừa phải thì người ta có thể tập tham thiền an toàn mà không cần có Guru, thầy J.M.H. đáp, nhưng như Ngài Thomas nói, tham thiền liên tục trong một lúc lâu sẽ dẫn đến những trạng thái tâm thức và việc thâm nhập vào những cảnh giới khác mà tuyệt đối không thể không có sự hướng dẫn của vị Thầy.
Một sai lầm khác của thuyết Bất Nhị nửa vời đang được Krishnamurti rao giảng, là ông đề cập tới phàm nhân, con người ở cõi trần, như thể đó là Chân thần hay ít nhất là Chân nhân. Tự nhiên là ta biết Chân thần, điểm Linh Quang, là sự An Lạc-Tri Thức-Hiện Hữu Tuyệt Đối, và do đó hằng được tự do. Nhưng nó không có nghĩa là phàm nhân dưới thế, bị chìm đắm trong bao khó khăn dường như bất tận của Karma, có thể chia sẻ tâm thức của Chơn thần, hoặc ngay cả tâm thức của Chân nhân -  là đường liên kết giữa phàm nhân và Chân thần.
Ta e rằng thuyết Bất Nhị của Krishnamurti, chớ nên lẫn lộn nó với hình thức được công nhận của cái triết lý cao cả ấy, sẽ không đưa những người theo ông tới đâu, ngoại trừ tính đạo đức giả và tự mê hoặc mình.
Ngài Thomas gật đầu đồng ý.
– Và trong lúc ông kêu họ chối bỏ hết mọi các Chân sư, ông lại không chịu đóng vai trò là Chân sư của họ.
Vị lão Chân sư lặng thinh một chốc rồi lắc đầu một cách buồn bã,
Trẻ con than khóc trong đêm tối của tinh thần, và không có ai để an ủi chúng ... Ai có thể giúp thì không giúp, và chúng ta những người có thể giúp, lại không thể làm được, vì lòng Hoài Nghi đã làm độc niềm tin của họ vào chính sự hiện hữu của chúng ta. Chẳng lạ gì vẻ mặt Chân sư Koot Hoomi trông sầu não một chút.
Ngài quay sang chú chó to mà trong suốt cuộc nói chuyện từ đầu tới giờ, ngồi yên một mực với sự tự chế của loài chó, ngước nhìn ngài; vừa vỗ nhẹ con chó ngài vừa nói:
– Này tiểu huynh đệ, nếu ngay cả khi nhà Vua nói với bạn rằng chủ nhân của bạn thừa thãi, ta nghĩ bạn cũng không tin ông, phải thế chăng ?
Chú chó vẫy đuôi, gụi gụi mình vào đầu gối của ngài Thomas thật cảm động.
Ấy là khung cảnh tôi sẽ không quên được: căn phòng có tường lót gỗ sồi, những bức họa cổ, bàn ăn dài, mặt trời chiếu xuyên qua mấy khung cửa sổ hình thoi, và chót hết là vị lão Chân sư đáng chú ý và khả ái đội mũ sọ nhung, với con chó trung thành bên cạnh. Tôi được mang trở về một thế giới mà trong đó tiếng kèn xe hơi kêu rít, sự xào xáo tất bật xem ra chỉ là những điều nhỏ nhặt chỏi tai không đáng của một cơn ác mộng.
Tuy nhiên ở giữa bầu không khí êm đềm của thế giới ngày trước, có những lực vô hình đang làm việc, kiểm soát và điều khiển nhiều kế hoạch của con người. Tôi cảm thấy hân hạnh biết bao là ngài Thomas đã tin tưởng tôi đủ để không còn che dấu sự kiện ngài là một vị Chân sư. 
Người giúp việc đi vào mang theo món ăn kế, rồi quay trở ra. Tôi để ý là ông không hề vào trừ có chuông gọi, nút chuông điện nằm trong tầm tay của Ngài Thomas. Hiển nhiên dù ngay trong bữa ăn, việc trò chuyện thường khi có tầm quan trọng lớn không nên để người khác nghe lỏm được.
Tôi vẫn còn muốn hỏi vài câu về Krishnamurti, nhưng trong một lúc không biết nói ra sao để không có vẻ là tò mò.
– Xin thứ lỗi cho con, tôi nói với chủ nhân, nếu con quay trở lại đề tài ta đã thảo luận.
– Sao ! Có thêm thắc mắc ư ? ngài trả lời với vẻ nghiêm khắc giả vờ, lần sau anh phải trình cho chúng ta bản câu hỏi nhé; nào, hỏi gì đây ?
– Chắc ngài nhớ con có hỏi là ta có nên xem sứ mạng của Krishnamurti như là thất bại hoàn toàn.
– Đúng, đúng, nó thành công trong khi được vị Huấn Sư Thế Giới (đức Di Lặc, hay Christ) ảnh hưởng, như ta có nói trước đó, về sau là sự thất bại. Ông thực hiện được chuyện tốt lành khi dạy con người sử dụng trí óc của mình, và trong việc chỉ cho họ ...
Ngài ngưng ngang, vẫy tay về phía thầy J.M.H.
– Nào, nào, ngài nói và nháy mắt, hắn là đệ tử của con mà con để cho lão đây phải làm hết mọi việc sao !
– Hắn gặp được Vị giỏi hơn con, thầy J.M.H. cười và nói. Tuy thế ngài tiếp lời.
– Krishnamurti tới để phá bỏ trật tự cũ của sự vật nhằm chuẩn bị cho cái mới, nhưng ông phá bỏ quá nhiều chuyện cũ và không chuẩn bị gì cho tương lai. Dầu vậy trật tự cũ đã hết thời rồi và chắc không thể làm sống lại. Thời buổi tuân lời mù quáng vị lãnh tụ đã qua - không thể có được sự cứu rỗi chỉ bằng cách tôn thờ cá nhân và chấp nhận mọi điều họ nói như là kinh thánh, vì chấp nhận chưa nhất thiết muốn nói là đã hiểu. Ngay cả nhân vật cao tột như là Đức Phật đã nói: Đừng tin vào bất cứ điều nào chỉ vì ta nói điều ấy.
– Ông có thể được gọi là người mở đường cần thiết cho chu kỳ đặc biệt này, nhưng thực ra không phải là vị Huấn Sư Thế Giới, Ngài Thomas chêm vào, phải đến cuối thế kỷ này mới mong có vị Huấn Sư Thế Giới.
– Thế nhưng tại sao dù chỉ là người mở đường ..., tôi mở miệng nói.
– Ai có thể phán xét người khác mà không biết về những khó khăn của họ ? Ngài Thomas chặn lời. Một đức tính có khuyết điểm của nó. Krishnamurti có tính đơn sơ hồn nhiên; vì ông đạt tới một trình độ tâm thức và mức tiến hóa nào đó, lòng khiêm tốn khiến ông không nhận ra là người khác chưa đạt tới giống như ông. Vì vậy ông đưa ra cho người khác điều chỉ thích hợp cho chính ông.
Ngài đứng dậy khỏi chiếc ghế có lưng cao.
– Đi nào, ngài bảo chú chó to, ta sẽ đi dạo một vòng ngoài vườn, viếng thăm hoa thủy tiên trước khi khách đến. Bốn giờ trong phòng sách nhé, ngài thêm vào với thầy J.M.H. và đi ra.

 

CHƯƠNG XII
Thầy J.M.H. Bàn về Nhiều Việc.

Sau bữa trưa, thầy J.M.H. đưa tôi ra hồ bông súng, một nơi khuất trong vườn chung quanh có cây tùng, cây thông bao bọc. Khung cảnh vừa đẹp mắt vừa êm tai, vì một cái dốc nước nhỏ tạo nên âm nhạc tuyệt vời khi nó chảy róc rách giữa những hòn đá phủ rêu. Đối diện với hồ là chiếc ghế đá, chúng tôi ngồi xuống đó thưởng ngoạn những chiếc lá phẳng và rộng của hoa súng, bên trên có một đôi bướm sớm mầu vàng đuổi nhau trong nắng. Trọn khung cảnh là bầu không khí thanh bình nơi cõi trời, và thầy J.M.H. cho tôi hay là Ngài Thomas thường ra đây thiền định.
Chúng tôi yên lặng một lúc lâu, và có vẻ như thầy J.M.H. chìm đắm trong tư tưởng ở một nơi xa xôi nào đó, rồi đột nhiên ngài phác một cử chỉ như thể đưa mình trở lại cõi hồng trần.
– Hãy nhớ kỹ những gì con nghe được ở bữa trưa, ngài bảo, chuyện quan trọng hơn là con tưởng. Về sau con sẽ biết tại sao.
Tôi hứa chắc với ngài là sẽ không sao quên được.
– Hay lắm, ngài nói, nay con có thể hỏi thầy bất cứ chuyện chi trong đầu. Thời giờ không có nhiều.
Tôi muốn hỏi vài điều về chính ngài nhưng kềm lại, vì những câu hỏi ấy đầy tính tò mò, và tôi cảm thấy phải giới hạn vào những chuyện có liên quan đến vấn đề trước mặt. Những gì đã nghe làm tôi được soi sáng đáng kể, nhưng tôi vẫn còn thắc mắc vài điểm.
– Sao, ngài hỏi, nhìn tôi và nở nụ cười, câu hỏi khó lắm ư ?
– Nói rõ ràng thì, dạ phải. Tuy nhiên ... Thế kỷ trước các Chân sư qua trung gian của các ngài là HPB, có đưa ra một số giáo huấn để giúp sự tiến hóa, phải không ạ ?
– Phải. Các ngài dùng bà và hội Theosophia để giúp nhân loại ý thức được sự hiện hữu của các ngài.
– Đúng thế. Vậy thì, có vẻ như các ngài đã dùng một trung gian khác, người này thản nhiên bác bỏ hội Theosophia và ngay cả các Chân sư, và nhân vật này, nói cho sát, mô tả một cách bội bạc chuyện mượn xác và sử dụng người trung gian (medium - đồng tử) như là việc lợi dụng, nó có nghĩa là sao ?
– Nó có nghĩa là các Chân sư không toàn năng hay toàn tri, thầy J.M.H. trả lời. Các ngài phải dùng vận cụ tốt nhất nào có thể tìm được vào lúc nào đó cho mục đích của mình, nhưng các ngài không thể biết trước chắc chắn là cuộc thử nghiệm sẽ diễn biến ra sao. Dù nhân vật trung gian có thanh khiết thế mấy, họ vẫn có thể gặp phải đủ mọi khó khăn bên ngoài không thể dự phòng trước được.
Thí dụ nếu nhân vật đó trẻ trung và tuấn tú, anh có thể được phụ nữ tới tấp ái mộ, tâng bốc, ngập đầu với chuyện ghen tuông của họ cùng đủ thứ khác; và anh càng nhậy cảm chừng nào chuyện càng hóa rối ren chừng ấy.
Thầy ngừng một chốc và rồi nói một cách nghiêm trọng.
– Sự biểu lộ tình thương đòi hỏi nhiều minh triết gần như là hơn hết mọi điều khác. Để biết cách thương làm sao, khi nào và ở đâu cần óc phân biện tột bực. Nếu Krishnamurti không đạt được hết những gì đã kỳ vọng nơi ông, thì phần lỗi không phải là về ông hoàn toàn ... 
Sự thật là, ngài nói tiếp và giọng điệu thay đổi, không phải nam giới mà nữ giới mới là người trung gian tốt nhất cho các Đấng Cao Cả. Ấy là lý do tại sao HPB và Annie Besant có thân xác nữ kiếp này. Cấu tạo của nam giới khiến họ thành huyền bí gia tốt hơn, và nữ giới thành người trung gian tốt hơn. Do bản chất của họ, người nữ sẵn sàng nhường chính mình hơn là người nam, hay đúng hơn là nhường các thể thanh của mình cho Chân sư.
Ngài nhặt lấy chiếc lá trên mặt đất và vẩn vơ chơi với nó.  
– Nói chung thì việc nhường xác làm trung gian loại hết sức cao quí này là chuyện thật tế nhị và phức tạp. Chỉ những ai đã loại bỏ hết các ham muốn và ẩn ức riêng tư, mới có thể thực sự thành người trung gian tự nguyện cho các Chân sư - và ai như thế kinh nghiệm được sự ngất ngây xuất thần như bạn con đã trải qua, người vừa rời trần ... Ai không sẵn lòng thì cảm thấy họ bị khai thác và hóa chán ghét. Tự ban đầu Krishnamurti là người trung gian miễn cưỡng, và chỉ vì thế giới ở trong tình trạng nguy kịch nên đức Di Lặc mới chấp nhận rủi ro là thử ảnh hưởng ông.
Ngài cúi người vuốt ve một con chim khuyên nhẩy nhót không chút sợ hãi gần chân thầy. Con chim nhỏ đậu chốc lát trên ngón tay của ngài, vỗ cánh sung sướng, rồi bay đi. Tôi tính mở lời ca ngợi cảnh tượng xinh đẹp ấy thì thầy J.M.H. quay sang tôi và nói tiếp. 
– Nhấn mạnh tới mấy cũng không đủ sự kiện là những đấng Cao Cả bị giới hạn trong việc biểu lộ quyền năng của các ngài nơi cõi trần; các ngài bị giới hạn do karma cá nhân của những ai mà các ngài muốn giúp, ngay cả các ngài cũng không được phép để karma ấy qua bên, và cuối cùng mà có lẽ là điều nghiêm trọng nhất, là các ngài bị giới hạn bởi làn sóng Hoài Nghi ngày càng nhiều, hủy hoại các mối dây liên kết, mà chỉ qua những đường dây này mới có thể cho ra sự trợ giúp từ cõi cao xuống cõi thấp.
Nói cũng không quá đáng là mỗi linh hồn nào mất niềm tin vào các Chân sư, là làm suy yếu sự biểu lộ lực của các ngài dưới trần. Vài người mất niềm tin vì họ tưởng tượng các đấng Cao Cả hoàn toàn có tự do thực hiện chương trình của các ngài, làm lợi ích cho đệ tử hoặc nhân loại nói chung, và họ không còn trung thành nữa ngay khi nào những kế hoạch này không thành hình. Nhiều người khác thì bị lẫn lộn, hoang mang trong trí, càng lúc càng chấp nhận ý tưởng rằng những Vị mà có lần họ đã xin được giúp đỡ và hướng dẫn thì chỉ thuần là nhân vật hoang đường. Thành ra một số nghi ngờ sự hiện hữu của Chân sư vì họ không thấy chứng cớ nào về quyền năng của các ngài, và số khác nghi ngờ vì trọn cái nhìn của họ bị bẻ cong.
Tuy nhiên với ai mà niềm tin bị lay chuyển vì điều xem như là sự thất bại của các ngài, cũng như với ai bị khủng hoảng vì triết thuyết rối rắm, họ có thể được trấn an rằng cho dù tình trạng đen tối lúc này, dù các Chân sư bị giới hạn trong cõi hữu hình, tình thương và lòng từ của các ngài không hề suy giảm ... và tuy các ngài không thể làm phép lạ để nâng đỡ gánh nặng của ai đau khổ và mỏi mòn, các ngài vui mừng và sẵn sàng truyền sức mạnh tinh thần của mình cho ai vẫn còn lòng tin tưởng để cầu xin điều ấy ...
Ngài lặng yên một lúc lâu, nó chỉ được phá vỡ với tiếng hót trầm bổng của con chim đậu trên cây gần đó. Tôi ngẫm nghĩ điều ngài vừa nói, nhưng cuối cùng phải hỏi trọn câu chuyện là sao.
– Thầy xem này, tôi vạch ra, sự khó khăn trong việc tìm cách chống chọi lại óc hoài nghi và nỗi chán chường được khơi nên, là do người ta tưởng tượng họ không dám phê bình người mà họ nghĩ là vị Huấn Sư Thế Giới ...
– Mà là người này lại dạy họ rằng không có ai, dù cao tột thế mấy, có thể dạy họ một điều gì cả, thầy J.M.H. nối lời cho hết câu.
– Nhưng Toni Bland dùng chữ gần như y hệt như thế ! Tôi kêu to ngạc nhiên.
– Và thầy gây ấn tượng cho anh dùng các chữ ấy, ngài đáp lại nhẹ nhàng.
– Thầy - Thầy có thể gây ấn tượng cho Toni như vậy ư ?
– Sao lại không kìa ? Thầy J.M.H. mỉm cười, ta đã tập cho anh trong nhiều năm để cảm nhận tư tưởng của ta.
– Vậy là rõ rồi, hèn chi ... Anh hay bật ra những điều sáng suốt hết sức. Và Viola cũng bị anh thu hút nữa ...
Tôi thật sự kinh ngạc với khám phá này. Toni không hề đề cập tới chuyện ấy. Tư tưởng của tôi quay ngược về ngày mà anh đến dùng trà với chúng tôi lần đầu tiên.
– Nhưng tại sao thầy lại bỏ công gây ấn tượng cho anh chỉ vào dịp ấy ? Tôi không cầm được mà phải hỏi, chỉ có bà Saxton và ...
Ngài ngưng tôi lại.
– Bà Saxton có được hạnh phúc hay lợi ích tinh thần nào chăng khi bác bỏ các Chân sư ?
– Con không nghĩ vậy, tôi cười lớn.
– Nhiều năm về trước, con đưa ta đến gặp bà, tại sao thế ?
– Ồ ... chà, con nghĩ không chừng thầy có thể giúp bà một chút. Nhưng con ngại bà là trường hợp hết thuốc chữa.
– Nếu con thấy một con chó mù, dù không đẹp mắt và chẳng có giá trị thế mấy đi nữa, đang bước dần tới hố thẳm, có phải là con sẽ tìm cách ngăn chặn nó không ?
– Đúng thế !
–Vậy thì, ta chỉ tìm cách ngăn chặn để bà không rơi xuống ... tuy không mong được thành công, ngài thêm vào.
Đột nhiên tôi nhớ lại một phụ nữ khác mà thầy J.M.H. đã giúp đỡ.
– Nhân tiện, tôi nói, cuốn sách vừa rồi mà con viết về thầy ...
Ngài gật đầu dò hỏi.
– Thầy có nói về sự ghen tuông, hoặc đúng hơn là lòng không ghen tuông - con e là vài người hiểu lầm nó một chút.
– Người ta hiểu lầm nhiều chuyện khi nó hợp với mục tiêu của họ.
– Thầy còn nhớ cô Gertrude Wilton ?
– Còn. Thỉnh thoảng cô làm ta vinh hạnh bằng cách gửi tư tưởng đến ta. Thầy mỉm cười. 
– Vậy thầy biết con sắp nói gì ?
– Ta có được chữ nghĩa để trao đổi tư tưởng, ngài tiếp lời, vậy tại sao không dùng chúng ? Gertrude Wilton có chuyện chi ?
– Cô tự đặt mình làm người Tiền Phong cho Tân Đạo Đức, và chồng cô không thích thế. Con bị lôi kéo vào chuyện.
Thầy J.M.H. trông có vẻ thích thú một chút.
– Làm trọng tài ư ? ngài hỏi.
– Gần gần như thế. Anh còn muốn con viết cho thầy về việc ấy. Thêm nhiều người khác trong cùng cảnh tiến thoái lưỡng nan cũng muốn như vậy.
– Tức là ta khiến các ông chồng bị mất danh dự ? ngài nói, nhưng mắt tươi cười.
– Nói cho ngay thì không phải là anh là người đáng trách. Thực sự thì anh cư xử rất đàng hoàng ...
– Đúng lắm, thầy J.M.H. ngắt lời, anh có được công đức nhờ vậy.
– Nhưng khi vợ anh đi khoa trương cùng khắp và làm như trọn câu chuyện chỉ là ... a ... để làm nâng cao linh hồn tình nhân của cô ...
– Rồi con làm gì ? Thầy J.M.H. hỏi.
– Con bảo là nếu cô phải có cuộc tình này, thì cô cũng phải đối đầu với sự kiện là cô làm vậy để được vui thú cho mình, và đừng nối kết nó với chuyện mở đường cho đạo đức mới.
Thầy J.M.H. cười lớn.
– Con cũng khuyên cô là ít nhất hãy xét tới địa vị của chồng cô, và đừng loan cho ai cũng biết. Con có đúng không ?
– Con không thể làm gì khác hơn trong hoàn cảnh này. Và ta nghĩ nó cho tác dụng muốn có, ngài thêm vào sau một lát, làm như ngài thăm dò chuyện gì thực sự diễn ra. Rồi ngài nói.
– Không ai thiếu ngay thẳng với chính mình cho bằng, khi người đàn bà muốn làm theo ý họ.
– Con nói với cô như thế.
– Tốt, ngài khen. Thấy rõ là con đã học được vài điều về phụ nữ trong kiếp này - vậy là hay hơn nhiều ông !
Ngài nói tiếp, cho tôi hay cách mà các Chân sư gắng sức điều chỉnh sự quân bằng về đạo đức, và tại sao có lúc ngài đưa ra ý tưởng về lòng không ghen tuông. Thầy giải thích:
– Ghen tuông với phái nam bắt đầu như là bản năng để bảo vệ thai nhi. Nếu người đàn bà mang thai mà có liên hệ chăn gối với nhiều ông, cô gây hại cho thai nhi vì cô nhận những từ lực khác nhau. Vì vậy ghen tuông ở dạng nguyên thủy là nhằm bảo vệ tình trạng bất trắc này, nhưng giống như nhiều bản năng hợp lý khác, nó đi sai đường và thoái hóa thành cớ cho lòng chiếm hữu, tàn nhẫn và các điều ác tương tự, kể luôn cả sát nhân và tự tử. Do lòng ghen tuông mà hàng ngàn gia đình bị tan vỡ, trẻ con mất đi lợi ích của đời sống gia đình.
Muốn đảo ngược lại tất cả những chuyện ấy thì cần phải đưa ra lý tưởng của lòng không ghen tuông mà vào lúc này, nó gây kinh ngạc và đi trước thời đại. Tuy nhiên, tựa như mọi lý tưởng có thể bị bẻ cong và dùng cho mục đích ích kỷ, thì điều này cũng đã bị làm biến dạng. Chỉ dạy mà ta đưa ra về đề tài này mấy năm về trước vẫn áp dụng được cho các giống dân Latin và cho những cá nhân nào bị lòng si mê ghen tuông chế ngự. Nhưng với ai sáng suốt hơn thì họ coi thái độ này là chuyện đã biết rồi vieux jeu. Trong bất cứ trường hợp nào, mối liên hệ giữa hai phái cũng ở trong tình trạng chuyển tiếp, và sẽ đòi hỏi hai bên phải có sự điều chỉnh hết sức tế nhị.
Ngài vạch ra cho tôi thấy những đặc tính mà ta sẽ thấy nơi cả hai phái nam và nữ trong tương lai gần, và làm sao những đặc tính này sẽ phản ứng với luân lý; nhưng các điều ngài cho hay chưa thể được công bố cho thế giới vào lúc này.
Ngài đứng dậy khỏi ghế.
– Nay ta phải rời con, ngài nói, ta sẽ bận cho đến giờ ăn tối. 

 

CHƯƠNG XIII
Tương Lai của giống dân Anh.

Lyall Herbert đã tới và nói chuyện riêng với thầy J.M.H. một giờ trước bữa tối. Sau đó tôi được cho hay một phần cuộc nói chuyện dành để thảo luận về những khía cạnh huyền bí của âm nhạc. Herbert đã viết một cuốn sách về đề tài này, nhưng có thêm chi tiết sẽ được quảng bá qua những bài viết, và có thể trong một cuốn sách khác. Tôi mong chờ các bữa ăn ở nhà Ngài Thomas với niềm vui thú đặc biệt, một phần vì chủ nhân sẽ hiện diện, phần khác chúng cho tôi cơ hội để có thêm hiểu biết không thể tìm được ở bất cứ chỗ nào khác. Tối hôm ấy nhiều loại đề tài được thảo luận, tất cả đều có ý nghĩa huyền bí, nhưng sau đó tôi được yêu cầu suy xét để xem có thể tiết lộ được bao nhiêu trong những trang này.
Ngài Thomas có tiên đoán thật đáng chú ý về ảnh hưởng là trong thời đại tới đây, tất cả các ngành nghệ thuật sẽ có tính khoa học nhiều hơn, tức những ảnh hưởng nghệ thuật đặc biệt như mầu sắc, âm thanh, hình thể hoặc nhịp điệu, sẽ được sử dụng một cách hữu ý và chủ tâm để sinh ra tác dụng chuyên biệt. Lấy thí dụ, về âm nhạc hiện thời làm xé rách màng nhĩ ai không quen, và được dùng chỉ để làm phá vỡ lề thói đã đóng khung của xã hội và tư tưởng xấu, thiên thần sẽ gợi hứng nhạc sĩ để mang những phối hợp âm thanh từ cõi cao xuống cõi trần, nhằm trợ giúp và chữa lành.
– Nhạc sẽ có mục đích hơn, ngài giải thích theo cách ngắn gọn của mình, ngay cả tôn giáo cũng trở nên khoa học hơn. Một phần vai trò của giáo sĩ sẽ được giao cho nhạc sĩ, phần khác cho nhà phân tâm học có huấn luyện. Ảnh hưởng của âm nhạc theo với thời gian sẽ thay thế ảnh hưởng của nghi lễ; và phân tâm học sẽ thế chỗ cho phòng xưng tội. Người ta mong đợi quá nhiều những đặc tính cao thượng nơi giáo sĩ, nên kết quả là thất vọng. Nghệ sĩ thì không bị nhiều trông mong.
Ngài chìm đắm vào sự yên lặng nhưng thầy J.M.H. khai triển thêm vài điều liên quan đến phân tâm học, và một số khó khăn ngay lúc này có liên hệ với nó.
– Tất nhiên, ngài nói, chuyện lý tưởng là nếu nó có thể được các huyền bí gia cao cấp sử dụng thay vì người duy vật như tình trạng lúc này. Một số người gặp rủi ro khi đào sâu vào tiềm thức, làm họ khám phá ký ức của những kiếp qua mà không ý thức là mình đang làm gì. Nhà huyền bí học, với thông nhãn, có thể nhìn các phản ứng trong thể thanh của bệnh nhân để biết tới điểm nào thì ngưng việc phân tâm; điểm ấy thường nằm trong vòng giới hạn thời gian của kiếp hiện thời. Tuy nhiên người duy vật, có thể là chế diễu cái ý niệm có nhiều kiếp trước và do vậy mầy mò trong bóng đêm, không chừng đào xới lên những ký ức rất cổ xưa, làm tâm trí của bệnh nhân nhậy cảm có đầy chuyện hãi hùng. Việc làm lộ tất cả những thèm khát và đam mê, kinh nghiệm lúc xưa lắc xưa lơ và theo một luân lý khác biệt - tất cả là cặn bã đã được lãng quên trong những kiếp trước nhưng không được bệnh nhân hoặc nhà phân tâm học nhìn nhận như vậy, có thể dẫn tới tình trạng nguy hiểm là sầu não và có mặc cảm tự ti.
– Các vị Thần Nhân Quả đóng cánh cửa ký ức là có lý do, Ngài Thomas nói một cách nghiêm trọng. Để cho tâm trí một ai bị trì trệ với hiểu biết về quá khứ trước khi anh có sức mạnh để chịu được nó, là không tốt.
– Phân tâm học không phải là đồ chơi cho trẻ con. Nó tựa như lửa, hoặc làm thanh khiết hoặc hủy diệt. Thế nên, như huynh J.M.H. có nói, chỉ ai có thông nhãn và huyền bí gia mới có thể điều khiển nó một cách khôn ngoan.
Ngài dừng một lát và có sự yên lặng đáng kể tràn ngập phòng một cách kỳ lạ. Cuối cùng ngài lên tiếng trở lại.
– Ta hiểu theo lời của Đấng mà tương lai nhân loại trải dài trước mắt như trang sách mở rộng (Đức Mahachohan, gọi là Đức Văn Minh), rằng ngay cả nhà phân tâm học duy vật trong tương lai sẽ bắt buộc phải nhìn nhận rằng phân tích tiềm thức là chuyện vô ích, trừ phi Chân ngã của bệnh nhân đủ mạnh để không những khiến phàm ngã đối đầu một cách lành mạnh với tiến trình tan rã, mà sau đó xây dựng, và tự mình nắm lấy việc kiểm soát tiềm thức trọn vẹn.
Một đề tài khác được thảo luận là tương lai của dân Anh (Cyril Scott người Anh). Ngài Thomas nhắc nhở chúng tôi rằng không sớm thì muộn, mỗi giống dân bước vào một giai đoạn nghiêm trọng trong lịch sử của nó. Trong ba trăm năm tới đây giống dân của chính chúng ta sẽ phải có lựa chọn.
– Sẽ có bớt người La Mã tái sinh, ngài cho biết, việc tạo đế quốc của họ đã xong rồi. Thay vào đó loại người Hy Lạp sẽ tái sinh nhiều hơn. Như thế có một loại nam giới mới sẽ xuất hiện. Khả năng suy gẫm chuyện siêu hình của người Hy Lạp sẽ lộ ra như là hình thức mới của chủ nghĩa lý tưởng, và có tiềm năng quay vào trong tiếp xúc với những cảnh giới cao; lòng quý chuộng mỹ lệ của người Hy Lạp sẽ biểu lộ như là cảm xúc về nghệ thuật. Khuyết điểm của điều trước - thiếu khả năng đối phó với các vấn đề ở cõi trần ngày tăng hơn. Khuyết điểm của điều sau - khuynh hướng của Hy Lạp cổ thời, thiên về đồng tính luyến ái. Vấn đề của chúng ta là làm sao đối phó với nó.

(còn tiếp).